July 22, 2020 (TM) ; April 30, 2024 (TM)
Cha tôi nhìn thế giới rất khác người. Thật ra ông nhìn thế giới một cách mờ nhạt.
Cha luôn luôn cầm máy ảnh để chụp hình. Ông chụp rất nhiều, một hình thù bằng rơm rách rưới rung trong gió trên một chiếc sofa cũ rích hay có khi một con mèo mà ông phải nằm bò xuống đất để chụp cũng là những đề tài của ông. Tôi không hiểu tại sao ông lại thích chụp hình. Những hình không hề được in ra, họa hoằn lắm khi những tấm in ra lại rất mờ. Không bao giờ tôi có được ý niệm ông đã thấy gì sau ống kính của ông.
Blur
Sigma’s Short Film
https://www.sigma-global.com/en/contents/blur/
He looked at the world in a different way, constantly blurry – Photo Courtesy of Sigma Corp.
Sau khi mẹ qua đời, chỉ còn lại hai cha con. Chúng tôi sống như sói đồng hoang trong một trailer xơ xác. Lớn lên, tôi cũng trở thành một con sói hung hăng trong thế giới của riêng mình. Ngày sinh nhật của người mẹ quá cố của tôi, tôi vướng vào một vụ xô xát với những kẻ bụi đời. Đêm đó, cha ngồi đợi tôi về và ngủ gục trên bàn với hai đĩa thức ăn nguyên vẹn chưa được đụng đến. Khi tôi về đến nhà, ông giận dữ hạch hỏi khi thấy vết bầm trên mặt tôi. Trong lúc đôi co với cha, không may tôi vướng vào máy ảnh của ông làm rơi xuống nứt nẻ ống kính. Tôi quay lưng đi, bỏ ông đứng sững sờ đau đớn như chính mình bị nứt rạn. Những ngày sau đó, tôi làm việc ngày đêm để kiếm tiền sửa ống kính cho ông. Ngày tôi đem máy đã sửa về, ông nằm trên giường bệnh nhưng ngồi dậy hỏi con đã sửa xong rồi sao, vâng, tôi trả lời và đưa cho ông. Tôi vui trong lòng khi quan sát những biến chuyển trên gương mặt ông … xúc động, tiếng cười nhỏ trong cổ họng thoát ra, rồi thành tiếng rung chuyển cả khuôn mặt đang sáng lên.
Vài năm sau, cha mất. Sau khi ông mất, tôi thu thập tất cả những cuộn phim của ông chụp và đem đi in. Nhiều quá đến đỗi tôi không có thì giờ để thứ tự chúng. Nhưng dần dần, tôi bắt đầu thấy ông nhìn thế giới như thế nào … luôn luôn mờ nhạt. Dưới một khía cạnh nào đó, tôi cảm thấy sự mờ nhạt hợp nhất đó rất trung thực. Những bức hình không thể nào chụp được bởi ai khác ngoài cha tôi. Tất cả những gì ông chụp đều mờ nhạt, chỉ có một tấm duy nhất rõ nét là tấm hình cúa mẹ tôi. Trong hình, mẹ đứng đó, tay cầm máy ảnh của cha. Nhưng tôi đoán đó chính là máy ảnh của mẹ. Tôi nghĩ cha đã dùng máy ảnh của mẹ sau khi mẹ qua đời để được gần mẹ. Bằng cách nào đó, cha đã gởi cho mẹ những khoảnh khắc nhỏ của đời mình.
* * *
Đoạn trên tôi viết lại những gì tôi xem từ thước phim ngắn “Blur” của Sigma (một công ty làm ống kính có tiếng cho máy ảnh), mà thầy dạy nhiếp ảnh của tôi ở Vietnamese Photographic Society VNPS gởi mấy phút trước. Khi tôi nhận được phim, đêm đã khuya, nhưng tôi cũng mở ra xem ngay. Tôi tưởng phim chỉ 15 phút, nhưng không ngờ ảnh hưởng của nó sau khi xem xong kéo dài cho đến sáng thao thức. Ứa nước mắt khi xem, trong 15 phút ngắn ngủi, tôi thấy hết ý nghĩa của tình người trong những mảnh đời nho nhỏ. Nhắc cho ai sau cái bề ngoài của những khuôn mặt là ẩn đầy những tâm sự bên trong. Tôi nghĩ những bức ảnh của người cha lúc nào cũng mờ vì ông nhìn thế giới từ phía sau máy ảnh của người vợ yêu quí đã thiên cổ của mình. Thế giới không còn rõ nét sau sự mất mát đó.
Dưới mắt tôi, trong thế giới nhiếp ảnh, không ai giống ai, mỗi cái nhìn rất riêng tư theo cảm nhận riêng của mỗi người. Mỗi tấm hình mang tâm trạng riêng. Người ta nói văn là người, tôi cũng có thể nói ảnh là người.
Tống Mai
(July 22, 2020 – Viết cho thầy dạy nhiếp ảnh của tôi, Đỗ Lịnh Dũng)
Dearest Susanna,
It was warm-hearted to see your avatar shortly after I published this post. The images the man in the film photographed also made me think about the blurry world in your images that I love so much.
Love and hugs.
Mai
Dearest Mai,
I am happy that you thought of me while you were publishing your post. As I always say, we see the world through the eyes of the soul, that is, we see for what we are. I am blurry (a bit also for my vision problems) and very often blue too. I could not photograph otherwise.
I hug you. Take care of yourself too.
Susanna
Yes, I felt the blue in your images from the beginning. I think that’s why I noticed them right away as I’m more drawn to quietness,
Take care dear Susanna and I look forward to read more of your posts.
Cám ơn chị Mai đã kể lại film này hay quá và cảm nghĩ của chị tại sao những hình người cha chụp luôn bị mờ.
Em xem xong cũng chảy nước mắt.
Merci chị.
Cám ơn KAnh.
Một phim xúc động cả câu truyện lẫn cinematography … tiếng piano rời rạc, tiếng kể chuyện đều đều, nhưng có đoạn biến thành tiếng thì thầm: “Little by little, I see how the world looked to my dad, the blur that he filled the world with was so truthful.
Ha! chị cũng ràn rụa nứoc mắt khi xem.
Mai ạ, đây mới đúng là “chụp bóng” như người Huế mình hay nói, tất cả đều mờ nhạt chỉ duy chiếc bóng kia vẫn luôn sáng tỏ trong ống kính của người xưa.
Ống kính chính là đôi mắt người mẹ mà người cha luôn muốn chia xẻ những cái nhìn trong cuộc sống của quãng đời còn lại của hai cha con. Một sự chung thủy tuyệt vời.
Thật sự xúc động. Cám ơn Mai và cám ơn người thầy của Mai đã giới thiệu phim này.
Ừ nhỉ, bây giờ Mai mới nhớ người Huế nói chụp hình là chụp bóng. Hồi xưa Mai nghe mà không để ý đến ngụ ý của nó, tại sao người Huế lại dùng chữ :bóng” mà không dùng chữ “hình”. Những gì ta chụp được để lại ngày sau chỉ là cái bóng ảo của người, có phải không?
Merci bạn tôi.
Phim thật là cảm động. Chắc Mai cất thì giờ xem lại nhiều lần để nghe cho rõ lời đối thoại trong phim, tại vì Hà phải lùi phim lại để nghe, có nhiều đoạn hơi khó nghe, một phần tại cái loa của Hà cũng hơi rè. Sam Wyatt, đứa con trong phim về sau cũng làm phim. Thư viện địa phương của Hà có phim the Citizen của Sam Wyatt.
Đúng rồi Hà, Mai phải xem lại lần thứ hai để ghi lại những gì mình xem.
Mai cũng có xem phim “The Citizen”, nhưng không biết Sam Kadi người đạo diễn phim “The Citizen” và Sam Wyatt là một.
Có thể Hà nhầm. Chưa xem phim này, thư viện list phim này với tên Sam Wyatt được tag vào, vài chữ abstract không nói tên đạo diễn, để Hà xem phim thì mới biết rõ.
con cám ơn cô, phim ngắn hay và xúc động quá. con nghĩ mấy tấm hình mờ mờ như thể ông nhìn thế giới bên ngoài bằng đôi mắt đẫm lệ, khi người đồng hành của ông ra đi quá sớm để lại nỗi đau buồn khôn nguôi. thật may mắn khi anh ta đã đem in đống hình cha anh ta chụp. chính vào giây phút anh lật giở từng tấm hình lên xem đã kết nối cuộc đời của cha anh với anh cách sâu sắc nhất.
người ra đi, tình yêu thương còn ở lại.
“Mấy tấm hình mờ mờ như thể ông nhìn thế giới bên ngoài bằng đôi mắt đẫm lệ, khi người đồng hành của ông ra đi quá sớm để lại nỗi đau buồn khôn nguôi”.
Sóc nói điều này hay lắm, nghe rất thương. Khi mắt đẫm lệ thì tất cả đều bị nhòa đi.
Không xem phim, nhưng đọc bài viết
kể chuyện phim của Mai cũng đầy lôi cuốn và thật xúc động.
Một cáu chuyện hay!
Thế mới thấy,
Mọi cái trong cuộc sống này đều qua và mất đi,
Chỉ có tình người còn ở lại.
Cám ơn Mai.
Kim Cúc.
Vậy là Mai lại làm một cái spoiler rồi, làm Cúc đọc bài viết mà không xem phim nữa : )
Xin cám ơn Thầy đã share đoạn phim thật hay, cảm động và thật nhiều ý nghĩa.
Bài viết của chị Tống Mai về khúc phim này rất hay và truyền cảm, xin cám ơn chị.
Cám ơn chị!
Truyện phim ngắn cảm động vô cùng.
Đọc bài viết của Mai xúc động quá và chính vì vậy mà phải xem phim ngay. Từ hôm qua đến nay Ng xem đi xem lại khoảng 5 lần, mỗi lần xem xong đều nhắm mắt, lặng người, truyện phim ngắn mà tác động thật sâu đậm.
Đúng như Mai nói, hình ảnh rõ nét duy nhất trong cả trăm hay ngàn tấm hình người cha đã chụp chỉ có mỗi tấm hình của người mẹ là rõ nét mà thôi. Những hình ảnh khác ông chụp đều bị mờ hay nhạt nhòa bởi vì khi người vợ thương yêu của ông mất, ông đã nhìn tất cả mọi sự vật một cách khác đi, hay như người con trai nói ông chụp hình như chỉ muốn gửi những hình ảnh đó đến cho vợ ông như một sự liên lạc tinh thần. Ng chú ý chi tiết cuối của phim, có lẽ khi người vợ của Sam Wyatt mang thai, ý thức làm cha, làm anh ấy nghĩ đến cha mình nhiều hơn nữa nên lấy máy hình chụp cho vợ rồi nhớ lại lúc cha tập cho mình chụp hình lúc còn bé, và phim kết thúc với tấm hình của người cha.
Những sợi dây liên kết giữa chồng vợ và cha con đều có đầy đủ ở đây. Cảm động vô cùng.
May mắn là phim có nhiều phụ đề và Ng đã chọn phụ đề Pháp ngữ để xem mới hiểu được.
Cám ơn Mai rất nhiều.
Thân thương,
Có một phim ngắn này của Iran cũng hay lắm Nguyệt.
God Will Come:
youtube.com/watch?v=TD7CJo9eAyQ
Thanks TM, what a beautiful and inspiring text!
Thank you anh Hien.
Two & Two:
youtube.com/watch?v=EHAuGA7gqFU
Bài viết này được đăng lại trong một ngày rất buồn của hôm nay thật ý nghĩa Mai ạ. Ẩn dưới cuốn phim cảm động là một nỗi buồn khác của mất mát và tiếc nuối.
Hôm nay là nỗi buồn của “Bầy Chim Bỏ Xứ”. Mai muốn đăng lại bài viết này nhưng lại thôi:
khungcuahep.com/nhac/bay-chim-bo-xu-khuyen-doi-bang-mot-khuc-dao-ca-tong-mai.html
“Chim Quyên phải từ bỏ quê mình, bay về miền tuyết phủ buồn tênh, thổ máu tươi,
một đêm chim chết, chết khi đêm về, xác chưa tan, thì…
Tái sinh thành lần nữa Đỗ Quyên.
Đỗ Quyên ! Đỗ Quyên !
Nơi mùa Đông vắng lạnh,
Kêu gào : Ôi Tổ Quốc linh thiêng !
Vẫn tái sinh thành chim khóc nước,
Cho dù phải gục chết như xưa.
Nhớ nước nên gào lên quốc quốc
Khắc khoải lòng người sống lưu vong.
…Hoàng khuyên không còn ai nghe hót, và chim khổ đau cấu cổ chết không hay!”
Quê hương không còn nhưng tổ quốc của em là ở đây:))
Chị cũng thế.