Bầy chim bỏ xứ khuyên đời bằng một khúc dao ca – Tống Mai

Mar 8, 2019 – April 30, 2024 (TM)

Chim Quyên phải từ bỏ quê mình, bay về miền tuyết phủ buồn tênh, thổ máu tươi,
một đêm chim chết, chết khi đêm về, xác chưa tan, thì…
Tái sinh thành lần nữa Đỗ Quyên.

Mỗi lần ra Hà Nội tôi thường có tiếng sáo ở trong lòng. Chiều hôm qua khi xuống Nội Bài không hiểu vì sao lòng lại chùng, có lẽ trời xám ẩm đến ngột thở. Nhưng vẫn theo thói quen, valise vừa vào phòng là tôi ra Hồ Gươm ngay, 4 giờ chiều tôi sợ mặt trời lặn xuống không chờ tôi.  Chờ tôi, đừng đi không có tôi. Ra đến hồ, khách du lịch Tàu đâu mà kiến bò lũ lượt kinh quá, đen kịt cả một không gian. Mặt trời không xuống sau màng mây xám dày, tôi thất vọng đi một vòng quanh hồ rồi vào Nhà Hát Múa Rối Nước Thăng Long bên kia bờ, nhưng không tài nào chen lọt vào biển du khách người Tàu trước phòng bán vé để lấy vé, tôi đành rẽ vào phố Tràng Tiền về khách sạn.

Bầy chim bỏ xứ, loài chim mỗi con mang một số phận.
Tôi bỗng tủi thân kẻ xa lạ.

Chim Quyên từ độ bỏ đi rồi, quê nhà tôi héo hắt đìu hiu, nghe bình minh lơ láo vẹt kêu.

Đỗ Quyên ! Đỗ Quyên !
Nơi mùa Đông vắng lạnh,
Kêu gào : Ôi Tổ Quốc linh thiêng !
Vẫn tái sinh thành chim khóc nước,
Cho dù phải gục chết như xưa.
Nhớ nước nên gào lên quốc quốc
Khắc khoải lòng người sống lưu vong.

Đó là những gì của 5 năm về trước. Thế mà hôm nay khi đọc lại thì bật khóc.
Hoàng khuyên không còn ai nghe hót, và chim khổ đau cấu cổ chết không hay!
Đêm đã khuya bên này bờ đại dương.
Ngủ đi con.

Tống Mai
Virginia, April 30, 2024

 

TỔ KHÚC BẦY CHIM BỎ XỨ
Phạm Duy

youtube.com/watch?v=JCXnkRdNmcQ

Bầy Chim Buồn Bã

Trời đang rực rỡ
Chợt đâu kéo mây đen,
Bầy chim buồn bã
Rủ nhau vút bay lên.
Chim hỡi chim ơi !
Chim hỡi chim ơi !

Chim Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài

Quốc kêu khắc khoải trên ngàn
Chim quyên thảm thiết gọi đàn chim đi…

Chim Quyên từ độ ở quê nhà
Chim là hồn Thục Đế nghìn xưa.
Lìa cố hương nhục nhằn nơi xứ Bắc,
Hồn tìm về đậu chót cành Nam.
Hồn hóa sinh ra thành con chim Quốc,
Hồn hóa thân là họ Đỗ chim Quyên.
Đỗ Vũ không ngừng kêu mất nước,
Khuyên đời bằng một khúc dao ca
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Chim Quyên từ độ ở Thôn Đoài
Trong mùa Xuân nức nở tình dài
Thì nước non tới một thời biến đổi
Bình minh mà mờ ảo ánh sao rơi.
Toả cánh diều đưa nắng vào đêm tối
Cánh nặng chim bằng đè xuống tim tôi !

Chim Quyên phải từ bỏ quê mình
Bay về miền tuyết phủ buồn tênh.
Thổ máu tươi, một đêm chim chết

Chết khi đêm về, xác chưa tan, thì…
…Tái sinh thành lần nữa Đỗ Quyên.
Đỗ Quyên ! Đỗ Quyên !
Nơi mùa Đông vắng lạnh,
Kêu gào : Ôi Tổ Quốc linh thiêng !
Vẫn tái sinh thành chim khóc nước,
Cho dù phải gục chết như xưa.
Nhớ nước nên gào lên quốc quốc
Khắc khoải lòng người sống lưu vong.

Bầy chim buồn bã
Rủ nhau trốn quê hương.
Vì đâu bỏ xứ
Để lê kiếp tha phương ?
Chim hỡi chim ơi !
Chim hỡi chim ơi !
Chim Quyên từ độ bỏ thôn Trầu,
Quê nhà tôi ruộng trắng quạ kêu.
Là vắng tanh lời yêu, lời thương mến,
Là bầy diều sai khiến lũ kên kên
Bầy ác bầy ưng nạt nộ chim hiền,
Thành lũ thần nanh đỏ mỏ chuyên quyền.
Chim Quyên từ độ bỏ đi rồi,
Quê nhà tôi héo hắt đìu hiu,
Nghe bình minh lơ láo vẹt kêu,
Đêm sập về lôi cú vọ theo.

 

 

9 thoughts on “Bầy chim bỏ xứ khuyên đời bằng một khúc dao ca – Tống Mai

  1. Buồn thay !
    Những con chim quê nhà phải lìa cố hương,
    Để bầy chim xa lạ ùn ùn kéo tới.
    Vẫn tâm trạng và tiếng lòng …của một Tống Mai,
    Cành cây khô, một con chim đứng chơ vơ,, đang hướng về
    phương trời yêu thương.
    Hình ảnh buồn nhưng thật hay !
    Kim Cúc.

  2. Mai ơi,
    Đọc bài này xong chị có cảm tưởng như M đang diễn tả tâm trạng của những người đã bỏ xứ đi.
    Nhìn con chim và cành cây trơ trọi, chị có cảm tưởng thân phận của mình khi đến tuổi….
    Bài này của M làm chị buồn da diết ☹️

    1. Con chim Mai chụp ở Đồng Tháp khi đi trên ghe vào một vùng cây cối khô cằn, hoa sen chết khô thật tơi tả nhưng đẹp quá, có những con chim đậu trên cành khô in bóng đen lên trời nhìn rất xúc động. Cái xúc động im lặng và đau lòng.

  3. Cám ơn chị TMai .As always, hình đẹp như một bức tranh , Thơ tả đúng nỗi buồn của người sống tha hương sót sa cho số phận đất nước mình.
    Không hiểu chị sao , nhưng với mình , sau nhiều lần về VN ( 9-10 lần rồi ) , mình không còn nhìn VN dưới mắt một du khách nữa, mà càng ngày càng cảm thấy mình VN hơn, chấp nhận lối sống, cách suy nghĩ của dân mình , đau sót khi nhìn cảnh trẻ em nghèo , thiếu thốn đủ thứ, phẫn uất khi thấy một số nhỏ ăn trên ngồi chốc v.v… Nói chuyện với cậu em ở Pháp , nó cũng đồng ý với mình và vì vậy , mỗi năm đều về VN 1-2 tháng để được sống lại như một người VN chị ạ.
    Chúc chị tiếp tục enjoy quê hương và chụp được nhiều hình đẹp!

    1. “Cổ thi có câu:
      Hồ mã tê Bắc phong,
      Việt điểu sào Nam chi.
      Nghĩa là:
      Ngựa Hồ hí gió Bắc,
      Chim Việt ở cành Nam.

      Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam nước Tàu. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn. Vì khi thu sang, phương Bắc có nhiều chỗ có giống lúa mới vừa chín, lại thêm có nhiều hoa quả. Trái lại ở phương nam vì mới giao mùa, lúa vừa đọng sữa, cây trái hiếm.

      Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm ổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam, tức là phương của quê nhà mà chim sinh trưởng.

      Chim Việt (Việt điểu) để chỉ chim nhớ quê hương cố quốc.
      Ngựa Hồ là ngựa ở nước Hồ. Nước này ở về phương bắc nước Tàu mà ngày xưa người Tàu thường cho là nước man rợ hay cũng gọi là Phiên quốc. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi rất giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung Quốc thường mua về làm ngựa chiến trận. Nước Hồ vốn là xứ lạnh. Khi đông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh tê tái.

      Ngựa Hồ tuy về Trung Quốc, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ tê lạnh, mỗi độ đông về. Vì thế khi có gió bấc là gió phương bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả nơi đất Trung nguyên thì ngựa cất tiếng hí lên thê thảm tỏ lòng nhớ cố quốc.

      Có sách lại chép: nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon và được chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương bắc hí vang lên những tiếng bi thảm.

      “Chim Việt ngựa Hồ” trở nên thành ngữ, có nghĩa bóng là không quên nơi quê hương cố quốc dù ở nơi đất khách quê người. ”

      Nguồn: maxreading.com

  4. Chị ơi !
    Từng hơi thở quê mẹ được chị viết lên như thay lời muốn nói cho biết bao người con đã sống xa đất mẹ!
    ….Và cả những ai đang lây lất từng ngày từng giờ trên chính đất nước mình !
    Những đứa con phải chết dần trong lòng Mẹ …

Leave a Reply