Nov 7, 2024 (TM)
Giữa hai bờ hư thực, tôi đã đọc Trang Chu Mộng Hồ Điệp với thênh thang mộng ảo. Từ đó lý giải tất cả những gì đến và đi, còn hay mất trong đời bằng câu truyện mộng hóa bướm của Trang Tử trong Nam Hoa Kinh để rồi “Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?
Thế mà, đêm nay, một tiếng chuông gióng lên thức tôi choàng tỉnh. Bao ảo mộng tan mây khói sau khi đọc xong linh hồn bát nhã đằng sau giấc mộng Trang Chu mà Nguyên Huệ viết. Tôi thầm cám ơn cánh cửa đã mở ra cho tôi thấy ý nghĩa đằng sau mà bấy lâu nay tôi đã đọc với tất cả mơ mộng, chưa bao giờ đào sâu để tìm hiểu tại sao lại “Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?” tại sao có phải Chu là bướm hay bướm là Chu.
Một sự choàng tỉnh đầy ý nghĩa nhưng đã bỏ tôi sửng sờ tại sao lại lay tôi dậy làm gì.
Toute mon âme est là
Pourquoi me réveiller
Ô souffle du printemps?
Pourquoi me réveiller?
Bạn yêu dấu,
Lòng tôi tiếng chim hót, ánh sáng đã tràn ngập trở lại hôm nay, vâng đúng ngay ngày hôm nay. Cho tôi gởi tất cả hân hoan của mình qua bên kia bờ đại dương.
Bên này đêm đã khuya.
Bonne nuit!
Dodo l’enfant do!
Tống Mai
Nov 7, 2024
Em là cánh bướm ư
Ta là giấc mộng trong hồn Trang Chu (Basho)
GIỚI, ĐỊNH, TUỆ TRONG “TRANG CHU MỘNG HỐ ĐIỆP”
Nguyên Huệ
Một buổi sáng trên đường dạo rừng về, thấy một đàn bướm nhỏ bay lượn trên khóm cây, tôi dừng lại nhìn với một nụ cười trong lòng.
Có tiếng nói đằng sau: “Rêvé”
Quay lại, một ông già đưa tay chỉ về đàn bướm và hỏi tôi “Mơ à”, tôi nhận ra vị bác sĩ láng giềng cạnh nhà. Hơi ngạc nhiên tôi hỏi: Ông biết “Le rêve du papillon”? Thế là suốt con đường về nhà ông thao thao về Trang Tử với thiên nhiên, môi trường, tự do, bình đẳng…. Tôi nghe, nhưng trong lòng không mấy vui.
Trước khi chia tay, ông ngỏ ý muốn tôi nói cho bạn bè chung quanh biết về những điều ông vừa bàn luận với tôi. Và đây chính là lý do khiến tôi viết đôi điều suy nghĩ của mình về “Trang Chu – Mộng Hồ Điệp” mà không nhân danh một ý thức nào.
“Giấc mơ hóa bướm”, một đoạn văn trích trong “Nam Hoa Kinh”, tác phẩm kinh điển của Trang Tử rất nỗi tiếng trong nền văn học Trung Hoa với nguyên văn như sau: “Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ thích chí dữ bất tri Chu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Chu dư? Chu dữ hồ điệp, tắc tất hữu phận hĩ. Thử chi vị Vật hóa”.
Ông Nguyễn Duy Cần dịch: “Xưa Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Chu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu? Chu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa”.
Trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử có viết:
Có nơm là vì cá,
Được cá hãy quên nơm.
Có dò là vì thỏ,
Được thỏ hãy quên dò.
Có lời là vì ý,
Được ý hãy quên lời.
Đây lời nhắn nhủ của Chu rằng đừng câu nệ đến lời nói, bút pháp của ông và Giấc mơ hóa bướm của ông đã được hiểu, diễn giải, phân tích qua nhiều lăng kính, có phần phiến diện với những ý tưởng khác nhau, nêu ra nghi vấn, phải chăng thế giới mà con người cảm nhận là ảo ảnh? và có nên tin vào giác quan để hiểu được thế giới thực, các định hướng triết lý đầy hoài nghi này thường thấy xuất hiện ở Á Đông. Trong khi nhìn từ triết học phương Tây, thiên về duy vật hơn, lại có xu hướng tìm về một sự thiếu thốn trong đời sống tinh thần, thế giới ảo tưởng. Với những tư tưởng trên đây tôi e rằng có gì thiếu sót, làm lu mờ “chiều sâu” của nó, bằng chứng là rất nhiều diễn dịch chỉ chú trọng đến giấc mơ: Trang Tử – Bướm – Trang Tử, và bỏ quên đi kết luận ngắn gọn quan trọng của Trang Tử ở cuối câu chuyện.
“Mộng Hồ Điệp” ở đâu trong tác phẩm “Nam Hoa Kinh” :
Nó ở cuối chương Tề Vật Luận, là chương quan trọng và sâu sắc nhất, chứa nhiều tư tưởng độc đáo nhất của bộ sách.
Tề vật là gì? – Mọi vật đều bình đẳng, đồng đẳng, hợp nhất.Từ con người đến con vật hay cây cỏ, tất cả đều được sinh ra và hủy diệt theo qui luật tự nhiên của một cái gì đó không ai biết được mà Trang Tử gọi là Đạo (theo ảnh hưởng của tư tưởng Lão Tử). Đạo gồm vạn vật, vạn vật hợp nhất vào Đạo, đã ở trong đạo thì mọi vật đều ngang nhau, không phân biệt ta với người, mình và vật, vật này với vật kia…, ý niệm phải – trái, yêu – ghét, to – nhỏ, hạnh phúc – khổ đau … không thành vấn đề nữa, vì theo sự biến hóa của tự nhiên tùy hoàn cảnh mà phân biệt cái này cái kia là do tâm sai biệt, hay ý niệm này ý niệm kia do thành kiến. Bởi vì tất cả chỉ là một.
Theo suy nghĩ của tôi, Tề vật luận của Trang Tử rất gần với triết lý nhà Phật. Sở dĩ người ta thường gắn liền Lão và Trang vì vào thời kỳ của Trang (Thế kỷ IV B.C., đạo Phật tuy đã ra đời từ lâu nhưng chưa du nhập vào Trung Hoa). Theo Đức Phật, các sinh vật trên thế gian này gọi chung là chúng sanh, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, bình đẳng có cơ hội đồng đều nhau, “Ta là Phật đã thành, người là Phật sẽ thành”. Mọi biến hóa của sự vật theo qui luật của tự nhiên nói lên tính Vô Thường, hay sự bất phân biệt về các ý niệm; sống chết, thị phi, phải trái, mộng thực… đó chính là khái niệm Nhất Nguyên của Phật, khác với Đạo của Lão xuất phát từ ý niệm dung hòa các cặp đôi đối lập “Nhị Nguyên” (âm – dương, cương – nhu, sống – chết).
Trang Tử đã tìm đến “Đạo” của Lão để lý giải cho những bế tắc khi đi tìm chân lý cho sự thoát ly mọi ràng buộc của thế giới biến thiên, rũ bỏ cái phù du, hư ảo để đạt được đời sống đích thực….Nhưng tiếc là “Đạo” vẫn chưa giải tỏa được “căn nguyên của sự bắt đầu” theo đó một đấng toàn năng chi phối tất cả, một nguyên lý “hữu thần”. Trí tuệ của Trang khác với vô vi của Lão.
Trang Chu đi vào trong mộng, hóa bướm, một khoảnh khắc rất thường của đời người, ai cũng có thể gặp. Nhưng đối với Trang Tử thì không thường, bởi vì ông đã thật sự vượt qua lằn ranh của người và vật, “bản ngã” không còn nữa, Chu bấy giờ là bướm, sống trong tự do tuyệt đối, khi vui thi đậu khi buồn thì bay, hòa mình vào thiên nhiên theo qui luật của Đạo (một tư tưởng đầy lãng mạn, hư vô, siêu việt), khoảnh khắc sống thực của bướm, không còn mơ và thực. Tôi cho rằng Chu đang trạng thái “Định” trong thiền của Phật giáo (khác với vô vi của Lão), đời sống của bướm ở đây chỉ dấu cho thấy một cảnh giới hoàn toàn thoát khỏi sự ràng buộc tục lụy, tham ái của thế gian.
“Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Chu”. Như vậy khi thức tỉnh mới biết là mơ, với tâm sai biệt, hóa ra khi đến với Đạo, Chu vẫn còn tại thế. Cuộc sống tỉnh thức của con người, tuy thật, nhưng lại là cõi mê. Chính cái “tôi” dẫn đến sự phân biệt Chu và bướm, mộng và thực. (Vô vi của Đạo vẫn còn có người – Ngã – tạo ra cái gì đó, dẫu cho không phải do mình làm)
Thật ra Trang Tử mơ hóa “bướm” hay một gì khác, theo tôi không phải tâm điểm của câu chuyện, đây chỉ là phần dẫn nhập mà Trang đã khéo léo nêu ra để đi đến phần kết : “Chu dữ hồ điệp, tắc tất hữu phận hĩ. Thử chi vị Vật hóa” (Chu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa).
Vật hóa là chuyển hóa sự vật. Nếu hiểu như vậy thì đơn giản quá, chúng ta bị rơi vào sự ràng buộc của ngôn ngữ, và không có gì để bàn thêm.
Để rõ hơn, tôi xin trích một ngụ ngôn cũng trong “Nam Hoa Kinh” của Trang tử, chương “Thu Thủy” (nhiều tài liệu cho rằng chương này không phải do Trang tử viết, có thể là do học trò của ông).
Trang tử cùng với Huệ tử đi dạo trên cầu sông Hoàn. Trang tử bảo:
– Đàn cá du kia tung tăng bơi lội, chắc hẳn là vui lắm.
Huệ tử nói:
– Ông không phải là cá, làm sao biết được cái vui của cá?
Trang tử đáp:
– Ông không phải là tôi, làm sao biết được rằng tôi không biết cái vui của cá?
– Tôi không phải là ông, dĩ nhiên tôi không biết được ông, nhưng ông không phải là cá thì hiển nhiên là ông không biết được cái vui của cá.
Trang tử bảo:
– Xin trở lại câu hỏi đầu tiên. Ông hỏi tôi làm sao biết được cái vui của cá. Như vậy tức là ông nhận rằng tôi đã biết cái vui đó rồi [nên mới hỏi làm sao tôi biết được?]. Làm sao biết tôi được ư? Thì đây: tôi đứng trên cầu sông Hoàn này mà biết được.
Qua câu chuyện, đừng nên hiểu đây là một tư duy biện luận – không đúng.
Xem câu trả lời của Trang Tử:
“Thì đây: tôi đứng trên cầu sông Hoàn này mà biết được”.
Không khác khái niệm “Ngay lúc này, ngay đây” của Thiền tông, một sự nhận biết tức khắc qua trực giác với tâm thức cao độ. Nói cách khác Trang tử biết cá vui vì “thấy sự vật như nó là” (seeing everything as it is), hay “thấy như thực”. Có nơi giải thích đó là quan sát sự vật không phụ thuộc vào định kiến chủ quan, nhưng không đúng, theo nhà Phật thấy “như thực” là thấy từ thực tại bên trong sự vật, tương tự như “Kiến Tánh”, chỉ cái nhìn với năng lực Trí Huệ (Bát Nhã) hay Tuệ Quán mới có thể giúp tri giác con người vượt qua điều kiện bình thường để thâm nhập vào “thực” của đối tượng ẩn bên dưới bề mặt hiện tượng. Đây là “Vật hóa” của Trang Tử.
Trở lại với giấc mơ, khi Trang mơ thấy mình là bướm, một khát khao giải thoát, nhưng rồi lại thấy mình là Chu, vẫn còn tại thế, dù cho vô vi, nhưng vẫn còn bản ngã. “Vật hóa” là con đường cuối cùng đạt được đời sống đích thực của “bướm”, con đường giải thoát của Trang Tử bằng Trí Huệ (Bát Nhã) hay Tuệ Quán.
“Trang Chu Mộng Hồ Điệp” theo tôi, được gói gọn trong ba khái niệm; “Bất Nhị” – “Vô Ngã” – “Tuệ Quán”. Ý tưởng của Trang hướng về giải thoát, xuất thế.
Tôi thấy phảng phất đâu đó hình bóng con đường Giới – Định – Tuệ nơi Trang Tử.
Tiếp theo dòng suy nghĩ sau “Giấc mơ hóa bướm” và đi xa hơn nữa tôi tự hỏi, vậy tư tưởng của Trang ở đâu trong ba nguồn triết thuyết Khổng, Lão và Phật của Trung Hoa lúc bấy giờ.
Theo Khổng, vạn vật sinh thành, hủy diệt, biến hóa mãi mãi là do “Trời” hay “Thiên Lý”, vận mệnh con người do trời định “Thiên mệnh”. Lấy “nhân” làm gốc với nguyên lý căn bản của đạo đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, con người phải luôn được giáo dục để trở thành người quân tử, việc thành hay bại là do mệnh trời, chấp nhận tôn ti trật tự trong xã hội. Chủ trương của Khổng là “nhập thế”, theo tôi nhìn nhận đây chẳng khác gì phạm trù “Giới” của nhà Phật.
Với Lão, Đạo và Vô vi , thoạt nhìn rất giống với triết lý nhà Phật, chủ đích cuối cùng của Lão là tu thân, thoát tục để đạt được một cuộc sống an nhiên tự tại thong dong, không vướng bận tục lụy đời người, nhưng vẫn còn tại thế, sinh tử theo kiếp “luân hồi”.
Phật, “xuất thế”, vô thần, vô ngã. Niết Bàn là nơi đến cuối cùng của giải thoát, hết kiếp luân hồi. Các lý thuyết triết lý nhà Phật ngày nay phần nào được chứng minh bởi khoa học. Khó để diễn giải Niết Bàn bằng ngôn ngữ, nhưng tôi nghĩ tất cả xuất phát từ “Huệ”.
Phải chăng mỗi tư tưởng của Khổng Lão, Phật vô tình hình thành một cấp độ riêng theo sự tiến hóa tư tưởng trên con đường giải thoát của Đức Phật, Giới Định Tuệ.
Thương cho Trang Tử, tư tưởng của ông mãi tiệm cận con đường đến Niết Bàn nhà Phật (giữa Lão và Phật).
Một giấc mơ đầy lãng mạn và siêu thoát nhưng khi tỉnh giấc mơ, mình vẫn là Chu.
Nguyên Huệ
7 Novembre 2024
Bức hình của Mai quá đẹp, và đã nói lên tất cả.
Bên vầng thái dương đã sáng, người còn trong giấc mộng? – Không, đó mới là cuộc sống đích thực của mình.
“Thức tỉnh” là cỏi u mê của đời người.
Mai gởi một aria trong opera “Werther” của Jules Massanet, version của Pavarotti về thức tỉnh sau một giấc mộng: Why awaken me, oh breath of spring? Why awaken me? Why awaken me, oh breath of spring?
Bon anniversaire!
youtube.com/watch?v=dLgok04UyhY
Werther: Pourquoi Me Réveiller
(Massenet)
Pourquoi me réveiller,
Ô souffle du printemps?
Pourquoi me réveiller
Sur mon front je sens tes caresses,
Et pourtant bien proche est le temps
Des orages et des tristesses!
Pourquoi me réveiller,
Ô souffle du printemps?
Demain dans le vallon
Viendra le voyageur
Se souvenant de ma gloire première.
Et ses yeux vainement
Chercheront ma splendeur.
Ils ne trouveront plus que deuil
Et que misère! hé1as!
Pourquoi me réveiller,
Ô souffle du printemps?
Les souffrances du jeune Werther.
Merci Mai.
Anh tôi có thêm một tuổi. Sáng nay trong khói hương nguyện cầu có lời chúc bình an yên ổn và sức khỏe đến cho người anh kính mến.
Joyeux anniversaire.
Anh cám ơn Bạch Lâm!
“Trở lại với giấc mơ, khi Trang mơ thấy mình là bướm, một khát khao giải thoát, nhưng rồi lại thấy mình là Chu, vẫn còn tại thế, dù cho vô vi, nhưng vẫn còn bản ngã. “Vật hóa” là con đường cuối cùng đạt được đời sống đích thực của “bướm”, con đường giải thoát của Trang Tử bằng Trí Huệ (Bát Nhã) hay Tuệ Quán.”
Đây là đoạn “đánh thức” Mai ra khỏi những gì mà bấy lâu này đã cảm “Trang Chu Mộng Hồ Điệp” theo mơ mộng của mình.
Anh tôi toàn là viết điều cao siêu thâm sâu. Đọc nhiều lần đề hiểu lại thấy mình mơ trong tỉnh,
tỉnh trong mơ. Nghiệm rằng mình cần vậy để sống và ước chi mình được vậy để sống 🙂