Am Mây Ngủ: Một mảnh cà-sa một bình bát – Tống Mai

June 17, 2020 (TM) – May 20, 2024 (TM)

Đây là bức hình tôi làm từ những mảnh hình nhỏ để nộp cho thầy dạy nhiếp ảnh cho bài tập composite photography của tôi.

Những mảnh nhỏ ghép lại tạo nên một bức thủy mạc trong mơ: Một am mây ngủ, thiền sư, rặng núi, con thuyền và nét Kanji (tôi không hiểu tí nào những chữ này, chỉ biết rất đẹp nên dùng để làm cho hình mềm mại hơn. Hình như đó là một Haiku, mà Haiku thì lúc nào cũng đẹp). Nếu tôi tạo được những bức Haiga cho những Haiku nhỉ, nhỏ bé nhưng vô cùng, ta chỉ cảm nhận được bằng tâm.

Tôi không khỏi phì cười khi làm hình mà dùng cái cabane tôi chụp sau rặng núi Alps trong cánh đồng quê ở Garmisch-Partenkirchen ở Bavaria. Vừa làm vừa nhớ đến buổi sáng đi loanh quanh con đường Rießerseestraße, vấp phải một cánh đồng rải rác những cái cabane dưới chân núi. Trời còn mờ mờ tối nên tôi không thấy những đống phân bò dưới chân mình nên thản nhiên dẫm lên đó mà sung sướng tưởng như đang đi trên đồng lúa quê nhà. Sao lại dùng cabane để làm lều tranh cho vị thiền sư già hở trời, nhưng đó là cái cabane tôi rất thương trong kho hình của mình, tôi chỉ có duy nhất một bức, tìm đâu cho ra lều cỏ bây giờ.

Tống Mai

 

 

Trên hàng ngàn ngọn núi
Nơi đỉnh cao cô quạnh
Một mái lều xa vắng
Nửa lều, chỗ sư ở
Nửa kia dành cho mây
Nửa đêm dông bão tới
Thổi đám mây đi xa
Có bao gìờ mây hỏi
Mình ở lâu nơi nào
(Ryokan)

– Đôi khi ta ngồi lặng lẽ,
Lắng nghe tiếng lá rơi.
Thật sự bình an đời sống một vị sư,
Chuyện đời, cắt lìa hết tất cả
Mà sao ta nước mắt rơi?
(Ryokan)

– Một mảnh cà-sa một bình bát
là tất cả những gì tôi có trong thế gian này
Gượng dậy để đốt một nén hương và ngồi xuống thiền định
Suốt đêm, mưa nhẹ rơi trong bóng đen bên ngoài cửa sổ
Những năm tháng dài lang thang và cực khổ cũng đã qua rồi.
(Ryokan)

Và đây là những Haiku của Tây Hành Pháp Sư Saigyō Hōshi (西行法師, 1118-1190) do Pháp Hoan dịch:

– Nơi này, chốn xa xăm
giữa những vách núi lớn
cô độc suốt cả năm
không một ai tìm đến
chỉ nỗi buồn ghé thăm.

– Ngôi làng trong núi sâu
nơi mùa thu kết thúc
anh học lại từ đầu khi gió mùa đông thổi
ý nghĩa nỗi buồn đau.

– Cư ngụ trong núi sâu
tôi đợi chờ tiếng động từ ngọn cây trên đầu
nhưng chỉ nghe tiếng vọng
của nhân thế buồn đau.

– O, đỉnh Suzuka!
thế giới kia ác độc
đã ở phía sau ta
và giờ đây quả thực
điều gì sẽ xảy ra?

– Ôi nụ hoa trên kia
khi lìa cành theo gió
xin hãy mang tôi đi
trái tim này mệt lữ
bởi nhân thế sầu bi.

– Tất cả chung quanh tôi
muôn hạt sương mờ ảo
ý gì vậy sương ơi –
mà đẫm trên tà áo
là những giọt lệ rơi…

(Cám ơn Pháp Hoan những bài dịch này)

 

36 thoughts on “Am Mây Ngủ: Một mảnh cà-sa một bình bát – Tống Mai

  1. Hình đẹp quá chị ôi. Thơ của thiền sư Ryokan cũng thật hay. Chị lại làm em nhớ đến bài Tầm Ần Giả Bất Ngộ của Giả Đảo rồi.

    Tùng hạ vấn đồng tử,
    Ngôn sư thái dược khứ.
    Chỉ tại thử sơn trung,
    Vân thâm bất tri xứ.

    (Dưới tùng hỏi đồng từ
    rằng sư đi hái thuốc
    chỉ ở trong núi này
    mây sâu chẳng tìm được.)

    1. Cám ơn Pháp Hoan.
      Có một đoạn thầy Nhất Hạnh viết về bài thơ này chị rất thích:

      Vân thâm xứ

      Nơi ấy có nhiều mây. Và lần này quả thật chú sa di không biết thầy mình đang đứng ở đâu, dù chú biết thầy đã từ buổi sáng tinh sương đi vào núi sâu hái thuốc. Thầy đang hái thuốc hay là thầy đang hái những cụm mây trong các đọt thông già ? Sao chú không mời khách vào trong am và đãi ông ta một chén trà nóng ? Thưa ông, thầy tôi đi hái thuốc trong núi chắc cũng gần về. Mời ông vào am dùng trà, và đợi thầy về. Sao chú lại để khách đứng mãi ngoài ngõ như thế ? Sương nhiều lắm, áo của khách đã ướt, chú không thấy sao ? Thưa ông, nếu ông có chuyện gấp tôi sẽ xin vào núi tìm thầy. Mây tuy dày đặc, nhưng tôi có thể đưa tay làm ống loa để gọi. Thưa thầy, thầy đang ở đâu, con đang đi tìm thầy, có người khách đang đợi. Xin sư chú đừng bận tâm. Xin sư chú cứ cho tôi tự nhiên. Tôi muốn được ngồi đây, uống một chén trà và ngắm núi rừng sương phủ. Xin đừng làm rộn thầy. Lúc nào người về cũng được. Người không về thì cũng không sao.

      Hai cây tùng cao là dấu hiệu, là nẻo đưa lên thảo am. Đây có phải là núi Cửu Lũng ? Tôi tìm lên am sáng nay không phải để gặp thầy. Tôi tìm lên đây để tự tìm tôi. Đứa con cứng đầu là tôi, đi lang thang không biết bao nhiêu triệu kiếp luân hồi, nay muốn trở về với cha, với mẹ. Tôi vẫn còn một trái tim biết thổn thức, đầy những tủi giận kiếp nào. Hai mắt của chú sáng nay đã làm cho trái tim tôi dường như ngừng lại. Dáng điệu tôi ngập ngừng, nhưng cái nhìn của chú với chất liệu dịu ngọt và can trường đã chuyền cho tôi biết bao nhiêu là ánh sáng.

      Người ấy lạy xuống, đầu sát đất, trán dính vào nền đá nơi Phật đường mát lạnh. Con đã về đây, con không còn đi phiêu lãng, con không còn muốn mình tự buộc mình vào thế giới của tranh chấp hận thù. Ngày hôm nay là ngày tái sinh, là ngày tái tạo. Con về đây, chứng minh có ngàn hoa muôn lá, ơn tái sinh xin trần tạ, ơn tái sinh nhờ lượng đức Từ Bi.

      Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nơi đây tôi sẽ thấy rõ được mặt người. Nơi đây có nhiều mây, nhưng chính nơi đây tôi sẽ thấy rõ được mặt tôi. Am dựng bên sườn núi. Phía sau, bao nhiêu ngõ ngách, bao nhiêu lối mòn. Trên kia, đỉnh núi lấp trong mây, đỉnh núi ngự trị không biết tự bao giờ. Đỉnh núi chăm sóc. Đỉnh núi che chở. Mỗi buổi chiều, mây về quấn quanh đỉnh núi, mây về quấn quanh chân núi. Am ngủ trong lòng mây và am là am mây.

        1. Có một điều chị luôn nuối tiếc là chưa đến Làng Mai khi thầy Nhất Hạnh còn ở đó.

          Chị chỉ được may mắn dự một khóa Mindfulness Meditation trong hai ngày ở sở làm của chị do thầy và một số tăng ni của Làng Mai đến thực hiện cho nhân viên của sở năm 2013 tại DC. Chị nhớ mãi kinh nghiệm đó khi thầy dẫn mấy trăm người đi thiền hành qua đường phố DC giữa buổi trưa giờ traffic, cảnh sát ngăn hết xe cộ để đoàn người qua đường. Đi trong sự huyên náo mà chị không nghe một tiếng động, một âm thanh nào ngoài sự tĩnh lặng trong lòng.

          https://khungcuahep.com/ve-phat-phap/thich-nhat-hanh-at-the-world-bank-mindfulness-meditation.html

      1. Trong phim Memoirs of a Geisha, đoạn đầu, chiếu cảnh ngôi nhà của cô bé Sayuri trên triền núi, ngôi nhà khá xiêu vẹo, nếu Mai có thể lift ảnh cái nhà đó thì rất đẹp có vẻ Á Đông hơn, tuy vậy ngôi nhà này cũng đẹp lắm. Mai không nói Hà không nhận ra.

        1. Mai mới bới ra được trong kho hình của mình vài cái nhà tranh Mai chụp ở Hà Giang và Sa Pa, nhưng cái cabane này Mai thấy vẫn có duyên hơn, màu turquoise và màu gạch của nó cũng hợp với màu núi và áo của thiền sư làm cho cảnh bớt cô liêu.
          Con thuyền đang đứng dợi để đưa thiền sư qua bờ bên kia, to the west of his heart, thì có cùng màu vàng với cái nón của ông nên dù có một cái thuyền khác đẹp hơn Mai cũng không thay.

          Phim “Memoirs of a Geisha” có nhiều cảnh thủy mạc đẹp thật. Mai xem 3, 4 lần vẫn không chán.

  2. Đẹp mơ màng!
    Em nghĩ đây là bức hình em thích nhất trong những bức hình ghép của chị

  3. Wow, Đẹp quá chị TMai ơi.
    Làm những loại hình theo bài học của thầy Dũng, sau khi xem tấm hình chị làm, là rất hay NẾU biết CHỌN hình, GHÉP hình theo trí tưởng tượng của mình. Tiêu biểu nhất là tấm hình của chị làm: chị biết dung hoà những gì rất artificial của PS để tạo ra một tấm ảnh thật nghệ thuật, vẫn GIỮ được ý nghĩa căn bản của đề tài của chị.

    Lại thấy lời thầy Dũng lập lại Albert Einstein rất đúng: Kiến thức là hạn chế, nhưng trí tưởng tượng là vô tận.

  4. Cảnh vắng nhưng không buồn, làm người xem cảm thấy thanh thoát, nhẹ nhàng, muốn tan vào trong mây. Chữ Kanji tựa hồ làn khói vẫn còn quyến luyến ngôi nhà. Bức ảnh này em ngắm mãi không chán.

  5. Nghệ thuật ghép hình của Mai đã giỏi rồi !
    Nhưng phải nói đến tâm hồn nghệ sĩ và trí tưởng tượng phong phú của Mai.
    Bình thuờng khi bấm máy tự nhiên, Mai đã có được những bức ảnh đẹp thanh thoát làm người xem cảm động khi ngắm nhìn, bây giờ tuỳ theo từng đề tài và nguồn cảm hứng, Mai chọn ra trong ngần ấy ảnh chụpn và ghép lại theo ý tưởng của mình đẹp như một bức tranh thuỷ mạc trong mơ như tấm “Am Mây Ngủ” này.
    Tấm ảnh đẹp tuyệt, càng ngắm nhìn càng cảm thấy tâm yên bình.
    Trong những bài thơ của Pháp Hoan dịch, Ng thích lẩm nhẩm hoài mấy câu thơ sau:

    Nơi này, chốn xa xăm
    giữa những vách núi lớn
    cô độc suốt cả năm
    không một ai tìm đến
    chỉ nỗi buồn ghé thăm.

    Cám ơn Mai và cám ơn Pháp Hoan.

  6. Gửi Mai bốn câu thơ của Bùi Giáng mà Diệu nhớ lại khi đọc “Am mây ngủ”:

    Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi
    Những giọt sương là lệ ở trong mây
    Giòng sông đi cho nước nói ngàn ngày
    Rằng bể rộng không bến bờ em ạ

      1. BST lần này của Diệu làm tất cả đều là tranh thủy mạc.
        Ngẫu nhiên có sự trùng hợp lạ kỳ.

  7. Môn nghệ thuật nào cũng có ngôn ngử riêng.
    Nhất là tranh Thuỷ Mạc, một môn nghệ thuật cao cấp…
    Với lãnh vực này, Cúc không am tường và rất tệ!
    Nhìn bức hình ,chỉ cảm nhận bằng cái tâm của mình và thốt lên được 2 chử gọn gàng: ĐẸP QUÁ !
    Thật đẹp Mai ơi!
    Kim Cúc.

  8. Bức tranh composite của Mai giống tranh thủy mạc rồi đó.
    Có thể thử vài ý khác như ri:
    – dời hòn núi về bên phải, để có nhiều khoảng trống bên trái
    – hạ bờ hồ xuống để thấy rõ hơn khoảng trống giữa hồ và núi
    – túp lều nhỏ hơn và xa bờ hồ hơn để thấy trống trãi cô đơn
    – không có chiếc thuyền nối với thế gian trần tục
    – phía bên phải gần chân núi thêm một cái cây như gạch nối giữa thiền sư và hòn núi.
    – lúc đó ông tăng như đang phân vân không biết đi về hướng bờ hồ (thế gian – gần và dễ) hay về phía cái cây để lên núi (đạo – khó và xa).

    1. Thiền sư Ryokan mỗi sáng vào làng khất thực, chiếc thuyền nan thì đang hướng mũi về phía Tây, đợi để đưa thiền sư về với pure land, the west of his heart: gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.

      Cám ơn anh Tùng, lần làm homework sau, Mai sẽ làm theo đề nghị của anh.

    1. Chị biết, Pháp Hoan đã đi một đoạn đường tâm linh thật xa, cho đến ngày hôm nay người em nhỏ năm nào của chị đã chọn được một góc ngồi vững chãi trên góc chiếu văn học nghệ thuật và ảnh hưởng của mình đã lan tràn ngàn dặm.

      Hôm nay chị đăng lại bài viết này để nhớ lại thuở còn mong người thiền sư rất thương mến của mình Ryokan được nhiều người biết đến, và Pháp Hoan đã giúp đạt được sự mong mỏi này.
      Và để cho mùa trăng rằm Flower Moon của tháng Năm này.

      Chị Tống Mai

      1. Dạ chị! Thương chị, và thương những người bạn đồng hành trong 10 năm qua, những người hầu như mỗi ngày đều vào đọc và khích lệ, từ những bài thơ và những bản dịch đầu tiên cho đến thành quả ngày hôm nay là một đoạn đường dài vất vả chị ơi!

        Tuyết đã phủ cả rồi
        trên lối đi mờ tối
        nhưng ý nghĩ về người
        khiến đôi chân mệt mỏi
        vẫn bước hoài không thôi.

        (Ryokan Taigu)

Leave a Reply