Sept 16, 2021 (TM)
Calm and serene, the sound of a cicada, penetrates the rock.
Vũ Hoàng Thư dịch:
Lặng yên qua mấy từng không, lời ve gõ thấu vào lòng đá xanh.
Lời ve gỏ thấu vào lòng đá xanh. Tại sao câu dịch này lại đánh mạnh vào hồn. Tại sao không chỉ là đá, mà là đá xanh …
Bởi đá xanh là đá thủy chung, đá không đổi dời có phải không?
Cách chọn chữ thật tuyệt vời!
Tống Mai
At the crescent moon, the silence enters the heart
(Fukuda Chiyo-ni -1703–1775)
HAIKU VÀ NHỮNG CƠN NẮNG HẠ I
Vũ Hoàng Thư
The tarnished gold
And the fresh greenery
Bring back memories of bygone days. [1]
– Miura Chora (1729 – 1780)
vàng phai
cùng với ngàn xanh
nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.
Con đường nắng và những hàng cây trải dài trên lối vào Đại Vực. Lá xanh thắm sáng rực trong nắng vàng, hạ đang reo trên muôn ngàn nhánh cây. Tôi trở lại nơi đây một lần thứ hai với trăng và sương khói của mùa thu năm trước như còn lảng vảng trong đầu. Cái ấn tượng ban đầu thường khắc hằng trong trí nhớ. Ai có thể quên được lần thứ nhất hay thuở ban đầu… Dần dà rồi ta sẽ sống ở xứ người lâu hơn cả thời gian mình sinh trưởng ở quê nhà, vậy mà thuở đầu đời mỗi lần nhớ nghĩ đến bao giờ ta cũng thấy êm ái. Tôi tự hỏi ngoài việc gởi thư vào chân nhạn để nhắn về cho vua Hán, Tô Vũ tư lự thế nào khi nhìn những đám mây trôi về cuối trời trong hai mươi năm chăn dê ở đất Hung nô?
Nắng hạ chiếu khắp trên mọi đường đi. Nỗi choáng ngợp của Hạ Trắng và những lần gọi nắng trong buổi trưa nồng. Tiếng hát Lệ Thu như gào vào tim cho ra từng sợi máu, tôi đưa em về, chân em bước nhẹ… trời buồn gió cao... Hình như phải có một chỗ về để chân được bước rất nhẹ và êm đềm. Mất chốn về, thân đâm ra hụt hẫng, cổ bỗng dưng đắng khô như cuống họng của đỗ quyên rỉ máu cuối hè. Những mùa hè đã khuất mà tôi cứ mãi che mắt ngóng tìm. Ở tận phương xa. Xa lắm. Nơi đó, tôi thường lặng ngắm những cánh chim lượn ở cuối bể vào những buổi chiều hè. Cánh chim dàn rộng trong nắng vàng gợi nhớ những hải đảo xa xăm, những chân trời vắng lặng nào đó đã đi qua. Hòn Yến, Hòn Tre, Cù Lao Xanh… Tên của những hải đảo, những cửa biển từ đó ta nhìn ra những triều xanh nối đuôi nhau bằng ngàn sóng bạc. Không gì kỳ
lạ hơn tiếng chim biển của những buổi chiều trên bến cảng. Giọng chim khàn đục nghe quen như tiếng kèn saxo trên phố mưa từ một quán rượu nào đó, chậm buồn, tức tưởi cho một nỗi đau bất chợt, vang vọng rồi nín bặt khi người khách vừa khép hờ cánh cửa. Phố đêm những ảnh thân mờ. Điệu Blues nấc nghẹn hững hờ chợt bay. Vòng lưng chưa nối đường tay. Mà nghe tình vội như ngày hạ qua…
Quả là ở mùa hè tất cả đều thoáng qua rất mau, ngắn ngủi như kiếp ve sầu. Mười mấy năm trời làm kiếp ấu trùng để chờ một ngày hạ đẹp trời ve mới rời lòng đất tối tăm, tung cánh vào khoảng trời rộng lớn bao la. Hàng phượng vĩ mời đón làm nơi gác trọ cho một tháng ngắn ngủi trên cõi đời, ve bắt đầu tấu khúc của hè với thế gian cho đến khi thân xác võ vàng khô héo. Bao nhiêu năm dài sửa soạn cho một cuộc trình diễn thật chốc lát!
Calm and serene
The sound of a cicada
Penetrates the rock. [1]
– Matsuo Basho (1644 – 1694)
lặng yên qua mấy từng không
lời ve
gõ thấu vào lòng đá xanh.
Đã từ lâu tôi không còn nghe được tiếng ve, âm thanh rền rĩ quen thuộc của những trưa hè Việt Nam. Nắng nung đốt làm không khí bốc lên cao, tất cả trở thành một cõi im lặng lạ thường. Không một làn gió, không một cánh diều, cõi nhân gian ngủ vùi trong cơn nóng hấp, thời gian như chẳng buồn trôi. Trong cái bình lặng của buổi trưa hè, một chú ve sầu đâu đó đột nhiên cất lên tiếng hát phá tan cái thinh không tĩnh lặng. Lời ve đập vỡ không gian rất đột ngột, rất bất ngờ, nghe như muốn nổ tung vào cả đá, thấm thấu vào những gì mà thói thường ta vẫn cho là cứng nhất, khó vào nhất.
Ngay ở giây phút đó, Matsuo Basho ghi lại một cái gì vừa mới thoáng qua, tài tình cũng như bài haiku nổi tiếng của ông về ao cũ và con ếch. Thể thơ haiku – hài cú – của xứ Phù tang thật ngắn và cô đọng, mỗi bài chỉ có mười bảy âm tiết nhưng tĩnh lạnh, nhanh và sắc như đường gươm của chàng hiệp sĩ Samurai, không vết máu mà địch thủ chết đứng. Chủ đề của thơ hài cú thường lồng vào khung cảnh của bốn mùa. Thi nhân ghi lại những cảm xúc đột biến của mình đối với sự biến chuyển trong khoảnh khắc của thiên nhiên đang xảy ra trước mặt. Vạn vật thì thường trôi nổi lững lờ đối với kẻ vô tình mà thật ra đang nói muôn triệu điều trong từng mỗi khắc giây. Người không thấy, người không nghe vì người không chịu nhìn, chịu nghe hay người không biết đấy thôi. Theo thuyết “Big Bang”, vũ trụ được tạo dựng còn nhanh hơn gấp mấy triệu lần của một nháy mắt, tất cả vật chất được cấu tạo trong vòng mấy phần tỉ (nanosecond) đầu tiên của một giây đầu tiên. Bao sinh diệt, biển dâu xảy ra trong một thời gian thật ngắn ngủi! Trật tự thiên nhiên thay hình đổi dạng không ngừng nghỉ nhưng con người thường khi bận rộn rối rít với những xô bồ của cuộc sống, quên đi cả một cái ngoái nhìn. Thơ hài cú là những dừng chân thật ngắn để ngoái nhìn, để quay lưng lại cho thấy rõ phía bờ bên kia. Nhà thơ hài cú vì vậy không dài dòng, chỉ ghi lại niềm giao hòa và xúc cảm của mình đối với vạn vật để bắt cho kịp phút giây của tạo dựng đổi hình. Thơ như một bài
kệ, lối dụng ngữ sàn lọc, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính thị cái đang là – “đương hạ tức thị”. Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nẩy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau. Một diễn tiến trước mắt khiến ta liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó là một kinh nghiệm sống riêng rẻ nhưng bức bách chữ nghĩa đến tột cùng để vận dụng tối đa trí tưởng tượng nơi người đọc là kĩ xảo của những nhà thơ hài cú. Không có người làm thơ và kẻ đọc thơ, hốt nhiên cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.
Một bài hài cú khác dưới đây của Yosa Buson ghi lại sự liên tưởng của ông giữa lá non và thác đổ. Hãy tưởng tượng đến vào một buổi trưa nào đó lúc mới đầu hè, xuân đã qua nhưng lá vẫn còn đang trong thời kỳ nẩy nở, trời chưa nóng lắm. Nhìn nụ xanh Buson mường tượng đến nguồn nước đã nuôi nấng cỏ cây, tắm mát con người trong tháng hạ. Ngay lúc đó, sự liên tưởng đến nước khiến ông nghe văng vẳng tiếng thác đổ gần đâu đó. Nước thác vẫn rơi đều nơi chốn ấy tự ngàn xưa nhưng hình như đối với Buson cho đến giây phút này ông mới vừa nghe hoặc nghe tiếng thác rõ hơn. Đây chỉ là một trong nhiều cách diễn dịch, bạn đọc nên thả trí tưởng trong cõi riêng của mình theo câu hài cú của Buson:
Young leaves –
The sound of a waterfall
Heard from far and near. [1]
– Yosa Buson (1716 – 1784)
nụ non lá giú lên mầm –
thác reo
nghe thoảng xa gần đâu đây.
Thật ra tinh thần thơ hài cú ở dưới nhiều dạng hình thức khác đã bàng bạc trong nhiều câu thơ của thi ca Việt Nam. Nói cho cùng, thi sĩ có tài tự bản chất đã là một nhà thơ hài cú mặc dù họ không dùng thể điệu của Nhật Bản. Hai câu lục bát ngắn gọn, vỏn vẹn có mười bốn chữ thay vì mười bảy chữ như của hài cú, không chỉ hạn hẹp sự diễn tả trong những thay đổi của bốn mùa mà lắm khi thu tóm cả những vấn đề rộng lớn hơn về nhân sinh hay siêu hình. Hãy nghe niềm khao khát một nẻo về trong câu lục bát của Thi Vũ:
em đi để lại con đường
ta đem bóng đổ đo lường hình xưa
Em là ai? Là người em gái thuở đầu đời? Là cái chân tánh đã bỏ ta đi hoang tự độ nào? Dấu vết con đường, mùi hương để lại chỉ làm ta cảm thấy một cái gì đó đã mất mát, ngóng chờ mãi một dáng hình chưa trở về lại mái nhà xưa. Bao lâu khi mà chưa được gặp lại Em, con đường và Em không còn là hai thực thể riêng rẽ nữa mà đã nhập lại thành một. Ở đó nay chỉ còn lại bóng và hình để cho cuộc chơi phù phiếm của đuổi hình bắt bóng, hay Em chính là tấm gương phản chiếu những mảnh đời đang nhảy múa cho tới khi hình thôi múa thì bóng cũng tan đi?
Một ví dụ khác trong hai câu thơ của Bùi Giáng với những tra vấn của kẻ lên đường:
ta đi còn giữ đôi giòng
lá rơi có dội ở trong sương mù
Ta đi, lá rơi mở màn cho những chuyến đi của người và lá. Người lên đường bắt đầu một cuộc hành trình vào vô định với tâm trạng ngập tràn nghi vấn, tự hỏi lá trở về cội có vang vọng gì trong cõi ảo biến sương mù. Hai cuộc khởi hành đi về hai thái cực, người có nghe được gì trong chuyến về của lá? Cái gì đã ra đi và cái gì đã trở về? Câu trả lời có chăng là niềm hư vô tuyệt đối mà người phải trăn trở đến tột cùng. Lá rơi còn dội mấy giòng, người đi có giữ gì trong sương mù?
Hoặc như trong truyện Kiều của Nguyễn Du, rất nhiều câu lục bát đã gói ghém cả một nhân sinh quan, chẳng hạn như:
trăm năm trong cõi người ta
chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Cái “đương hạ” ở đây kéo dài đến cả một kiếp người và cuộc tranh chấp giữa tài và mệnh mấy ai có thể là người định đoạt?
oOo
Oppressive heat –
My whirling mind
Listens to the peals of thunder. [1]
– Masaoka Shiki (1867 – 1902)
hực nồng lửa hạ bừng lên –
lòng quay quắt nóng
nghe rền sấm vang.
Shiki khiến tôi nhớ đến mùa hè ở Sàigòn và những cơn giông đột ngột. Bầu trời thấp nặng như chờ một tia lửa xẹt lên cho cơn sấm động ầm ĩ rền vang. Mồ hôi chảy quanh người đang chạy đua với không khí hấp nóng đầy chất ẩm như muốn thấm vào quá làn da. Tôi nhớ đến Phiệt, đến Kha, đến Chiến, đến Thuần, đến Sang, và những chiều trốn mưa ở quán cà phê cuối đường Pasteur với giọng hát Thái Thanh bay lướt trong Buồn Tàn Thu. Chúng tôi quên đi hết những bài toán nhức đầu ở giảng đường Đại học Khoa học để làm những kẻ “lướt đi ngoài sương gió” qua khung cửa sổ của quán cà phê. Mưa tầm tã bên ngoài, khói thuốc vờn bay khiến ta đâm thèm một chút gì ấm áp, không trách Nguyên Sa cứ nhủ thầm Tháng sáu trời mưa trời mưa không ngớt. Trời không mưa em có lạy trời mưa… Hai chị em cô chủ quán dị kỳ rất hà tiện lời với khách. Tóc đánh rối, phấn trắng thật dày, hai cô đem cà phê và bình trà nóng cho khách, thoắt hiện thoắt biến như những bóng liêu trai, không một lời nói, không một nụ cười. Tôi cứ tự hỏi không biết cô có còn chút xúc động nào sót lại sau lớp phấn ấy hay đã là một mảnh đời tan vỡ tự hôm nao. Có lẽ sự tò mò đó đã đem chúng tôi và rất nhiều người khác thường xuyên trở lại quán của cô chăng. Đã mấy chục năm chưa được về chốn ấy, tôi không biết cái quán dễ thương đó vẫn còn hay đã mất. Tên quán tôi không còn nhớ hoặc giả quán không có tên nhưng cần gì nhỉ, những kỷ niệm đó đáng giá gấp nghìn lần một cái tên gọi.
Rời Đại Vực tôi hướng về Sedona, thành phố du lịch xinh xắn ở tiểu bang Arizona. Núi đồi ẩn hiện như đền đài, đá đỏ đứng sững mới trông cứ tưởng là Tháp Chàm ở Qui Nhơn, Tháp Bà ở Nha Trang hay Đế Thiên Đế Thích ở Cao Miên. Hình như tạo hóa đã vẽ nên đủ mọi hình tượng đứng thách đố với thời gian ở quanh đây. Tại sao lối kiến trúc của người Inka và người Chàm có vẻ giống nhau, có một sự liên hệ gì giữa họ tự thời xa xưa? Xin để câu hỏi đó cho những nhà nhân chủng học, trong giây phút này tôi chỉ thấy ngậm ngùi cho những nền văn minh đã tàn lụi qua bao hưng phế và đổi thay. Vua chúa hay bạo quyền rồi cũng không thoát khỏi lẽ tuần hoàn sinh diệt. Theo ước tính, thế giới có đến hơn sáu ngàn thứ ngôn ngữ khác nhau nhưng một nửa đã trở thành tử ngữ. Lời đã thôi vang, người thôi nói, có còn ai chịu lắng nghe những mấp máy của làn môi xưa. Ngay cả sinh ngữ khi được xử dụng, ý nghĩa cũng đã xa rời. Tất cả mong manh và ngắn ngủi, bất chợt tôi nhớ đến Bosha và những con đóm lập lòe của ông trong một đêm hè như một lời nhắn nhủ đến cho tất cả những gì mà con người vẫn cứ cho là hằng cửu:
Flickering lights
Of fireflies
Forebode their short lives. [1]
– Kawabata Bosha (1900 – 1941)
chập chờn
thân đóm dường như
tiền thân đã gọi kiếp phù du mang.
Vũ Hoàng Thư
Hạ 1999
[1] Yuzuru Miura, Classic Haiku A Master’s Selection, Charles E. Tuttle Company, Tokyo, 1991.
HAIKU VÀ NHỮNG CƠN NẮNG HẠ II
Vũ Hoàng Thư
1.
Ah, summer grasses!
All that remains
Of the warriors dreams. [1]
– Basho
nhấp nhô cỏ hạ kéo về
chút tàn dư lại
mộng hề ! chinh nhân
Một ngày hè hâm hấp và gió hiu, ông Basho nhìn đất trời. Thỉnh thoảng từng cơn gió thổi rạp đám cỏ bồng. Gió lùa cỏ hạ phảng phất hình bóng giáp binh, đám lính tiền phong mang rơm rạ hóa trang từng bước một rình rập tiến vào công thành. Cơn nóng làm mộng trường chinh sống dậy bừng bừng. Ảo giác trưa hè. Rồi lửa hạ nguôi. Chiến chinh rốt cùng còn lại là một mớ ký ức của một thuở đã phôi pha. Thi sĩ chập chờn thiêm thiếp ngủ, tất cả bay bổng theo hơi nóng, còn chăng một đám cỏ phất phơ giữa hạ nồng. Thế nhưng khi con người thiêm thiếp suốt một đời, mộng kéo dài thành chuỗi ngày sầu hận. Chuyện kể rằng có ông đại tá miền Nam mỗi sáng nơi xứ người thức dậy mang áo mũ chào cờ, và ông thượng tá miền Bắc đắp lá vào người, hun hút nhớ Trường sơn và đoàn quân vào B giải phóng anh em. Cơn mộng đưa hai người gặp nhau bên một bờ ao nhỏ. Họ nhìn nhau nhưng chẳng thấy nhau. Đó là sự kỳ bí và lý thú của mộng mị. Những mùa hè hực lửa và tiếng hát xuất quân bây giờ trở thành mơ hồ. Hạ không còn, ve sầu đứt tiếng. Chỉ còn bóng mây quanh quẩn trên mặt ao và cơn mộng của hai người lính già…
an old pond –
floating upside down
a cicada's shell [2]
– Shiki
một ao nước cũ lặng lờ
nổi trôi thân ngửa
vật vờ xác ve
2.
Đám hoa dại tím và vàng ven lũng núi hồi cuối xuân đã tàn rụi chỉ còn thân khô. Tháng bảy ung nắng đưa mây gợn lên xa tắp. Ngước lên nhìn những tầng cao người bắt đầu ướm mộng thả vào mây và đan tay bắt gió. Biết bao là mộng dậy từ những đám mây rồi mộng tan theo làn gió. Cứ thế con người sống trong mộng. Mộng nở ra hoa dẫn về con đường cũ hay mộng mở lối vào giữa muôn trùng vây khốn. Mắt nhắm lại, chân thênh thang nhẹ hẫng như bay. Mở mắt ra người trở lại với cuộc đời, với những bon chen nhỏ hẹp. Địa ngục lớn dậy vây quanh ;”tha nhân là địa ngục”; như Sartre nói chăng ? Một lối tự an tâm, nào ngờ địa ngục ở trong lòng cho dù người mở mắt hay nhắm mắt. Thiên đàng tự đó cũng nằm ngay giữa trần gian, không chỗ nào khác hơn. Đẹp ở phút mong manh nơi triền vực. Hoa nở khi con người bước trên “nóc”; hỏa ngục đỏ rần, hắn sẽ thấp thỏm tìm lối thoát trong một cuộc chơi không lối thoát hay thong dong đi về hố thẳm?
In this world
we walk on the roof of hell,
gazing at flowers. [1]
– Issa
chung thân dạo cõi trăm năm
a tỳ dưới gót
mắt đằm trông hoa
Issa Kobayashi [1763–1828] một trong bốn nhà thơ tiếng tăm của trường phái haiku có những bài thơ về lục đạo, sáu cảnh giới mà chúng sinh sẽ luân hồi theo thuyết nhà Phật. Khi nói về cõi người, Issa viết như thế này:
We humans —
squirming around
among the blossoming flowers. [1]
– Issa
Ta nhân duyên một kiếp người –
thân quằn quại
giữa hoa cười trổ bông
Có phải vậy, con người tự tạo cho mình những bận rộn không đâu mà quên hoa? Nếu quả vậy thì uổng thay cho một kiếp hoa nhỏ máu ròng. Có thể đã có lần hoa muốn nói như thế này, liệu chúng ta chịu nghe?
We flowers –
bleeding petals
for the smiling humans
– Vũ Hoàng Thư
Kiếp hoa –
ta nhỏ máu ròng
cho người cười nụ giữa lòng nhân gian
3.
In a dewdrop world
singing at dewdrops…
summer cicada [1]
– Issa
trần gian một cõi sa mù
hát lời sương lạc
sinh phù kiếp ve
Buổi sáng hè có sương hứa hẹn một ngày nóng. Nhớ về ve là nhớ về một nơi chốn đã mất, không gian cũng như thời gian. Tuổi trẻ đi không trở về, đất nước xa không được gần. Nhớ nung hầm nhiệt đới, dã dượi đợi chờ dưới hàng cây của sân trường im bóng. Tất cả như ảo giác, tất cả như không thật. Có chăng ve hát từ sương trong một buổi sáng có sương giữa thế giới mù sương? Thật chăng kiếp cầm ca ngắn ngủi, ve, hát về một kiếp sống còn ngắn ngủi hơn, sương ? Và thi sĩ, lạ thay, hắn làm thơ về ve và sương, khoảnh khắc giữa hai thời điểm cực ngắn như hai sát na, nếu so sánh với thời gian trong vũ trụ luân sinh. Hai cái nháy mắt, sẽ mất như điện chớp, nhưng hắn không bị định hình bởi hai sát na đó nên hắn không mất. Có một điều hắn biết rất rõ, không sương và ve thì cũng không có hắn. Như thế Thi sĩ hiển nhiên là người ngợi ca những lời ve hát về sương. Trong một thế giới mong manh, ve hát về sương là điệp trùng của ngắn ngủi trở thành thiên thu. Chỉ có thi sĩ biết – Phải vậy chăng ?
biting into a bitter weed
alone I bear
my feelings [2]
– Shiki
cắn răng cỏ dại đắng ngần
mình ta cam lãnh
trăm phần nỗi riêng
Vũ Hoàng Thư
Tháng 7, 2005
[1] Essential Haiku Volume 20, Robert Hass, The Ecco Press, 1994
[2] http://www.cc.matsuyama-u.ac.jp/~shiki/kim/shikisummer.html
ISSA, HÀI KÚ SƯƠNG THU
Vũ Hoàng Thư
hạc gọi đàn
ngón tay tượng
giọt sương
Mây tháng mười cuốn lọn trôi xa, vẫn vô định như tự bao giờ. Sương buổi sáng vờn vợn, sắp tan vì ngày đang lên. Người ngồi ngây, thơ haiku đọng lại từ những mùa thu đã đi qua bỗng trở về không đợi gọi. Biết bao nước chảy dưới cầu… Sao lại hài cú sương thu? Có lẽ haiku ngắn, gọn, và bởi có nhiều thứ đáng cảm về mùa thu trước mặt, không thể dài dòng để còn bắt kịp điệu thu, mông lung đó có thể tan trong khoảnh khắc. Nói mà chi, hay chẳng cần nói nhiều, lúc đó chỉ có làn sương tụ, đọng lại trong hồn là đáng kể.
Thu có thể trong vắt, ngất tạnh tầng cao, lạnh-lẽo-nước-trong-veo của Nguyễn Khuyến nhưng thu thường xuyên về với sương, mù u ngõ vắng. Sương là gì nhỉ trong trời đất? Là “Trời đất hòa hợp với nhau cho móc ngọt rơi xuống…” theo Đạo Đức Kinh. Lão Tử gọi thứ mây khói đó là cam lộ, thứ sương mang vị ngọt, “Thiên địa tương hợp, dĩ giáng cam lộ” (*) . Phải chăng chỉ khi có sự tương hợp giữa đất và trời mới có sương? Thật vậy, sương chỉ tụ lại khi có đủ điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ vào đúng điểm sương (dew point), và gió lặng. Một hạt sương rơi, như mọi thứ trên đời, đều có lý do riêng của nó. Không nhân duyên chẳng có gì thành. Khác với Đạo Đức Kinh, danh từ cam lộ trong kinh kệ và văn học Phật giáo dùng để chỉ về thứ nước thanh tịnh, ngọt và mát, có thể xoa dịu mọi khổ đau. Ngoài ra, sương trong giáo lý Phật đà biểu hiện sự mong manh, tạm bợ của kiếp sống, “Như lộ diệc như điện” (Như sương, như chớp lóe, Kinh Kim Cang), và lẽ vô thường của thăng trầm trong cuộc đời, “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (thịnh suy như sương đầu cỏ, Sư Vạn Hạnh).
Trong khí thu bàng bạc, xin trích một số thơ haiku của Issa tôi phỏng dịch đâu đó trong quá khứ, im lìm nằm trong bộ nhớ của computer từ bao lâu. Người đọc nên đọc một hai câu, chậm rãi, thư thả để nghe hơi sương rười rượi mát vỗ về. Đất trời theo đó dường như tương hợp trong ngoài với thân tâm, phần bình luận sẽ hạn chế bởi thiết nghĩ thơ ở bất cứ hình thức nào chẳng cần lời bàn, người đọc tự ngấm và thấm riêng mình trong tuyệt đỉnh quai nhai. Thỉnh thoảng, ngẫu nhiên có đôi lời thưa thốt, xin xem đó như những hơi sương còn quanh quẩn khi ánh dương chưa lên hẳn cao…
Issa, một trong bốn nhà thơ haiku nổi tiếng của Nhật Bản, mất mẹ từ lúc mới 3 tuổi, ở với kế mẫu cho đến năm 15 tuổi thì bỏ nhà ra đi. Ông sống đời đạm bạc, lang thang đó đây. Kiếp sống giang hồ đó đã để lại cho đời biết bao ngàn bài haiku.
Mười bốn bài haiku về sương thu dưới đây là sáng tác của Issa, lựa chọn từ trang điện tử “Haiku of Kobayashi Issa” do David G. Lanoue thực hiện. Lanoue phiên dịch sang Anh ngữ từ nguyên tác của Issa, Vũ Hoàng Thư phỏng dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ dưới dạng thơ lục bát.
1.
shira tsuyu ni magire kondaru waga ya kana
in the silver dewdrops
vanishing…
my house
làn sương phủ trắng mờ xa
bàng bạc khuất
mái nhà ta chìm mờ
2.
waga kado no takara mono nari tsuyu no tama
a treasure at my gate
pearls
of dew
báu một kho tại ngõ mình
châu lóng hạt
sương lung linh giọt nằm
3.
suzushisa wa tsuyu no ôtama ko-dama kana
such coolness –
big pearls, little pearls
of dew
rười rượi mát –
châu nhỏ, to
giọt lóng lánh hạt ngời phô trong lành
4.
tsuyu chirite kyû ni mijikaku naru yo kana
dewdrops spilling –
suddenly the nights
grow short
sương nhỏ giọt –
khuya bỗng như
từng mỗi tối đêm dường thu ngắn dần
5.
mi no ue no tsuyu to wa sara ni shiranu kana
not at all aware
that life’s dewdrop
is fading…
nào ai hay chẳng chút ngờ
lệ đời đó
kiếp sương mờ phôi pha
6.
shônin no me ni wa o-shari ka kusa no tsuyu
to enlightened eyes
Buddha’s bones?
dewdrops in the grass
xá lợi Phật
với tâm an?
một làn sương đọng bay ngang cỏ đồng
Xá lợi Phật là báu vật được Phật tử tôn kính và thờ phượng. Ở đây Issa làm một màn phá chấp ngoạn mục. Ta bắt gặp tinh thần “Phùng Phật sát Phật” của Huệ Khai (Vô Môn Quan), cởi bỏ hình tướng ràng buộc của đời thường ước lệ, thong dong tự tại trong sự giải thoát tuyệt đối. Nói cho tận cùng rốt ráo, chẳng có gì gọi là tuyệt đối mà cũng chẳng có chi gọi là tương đối, chỉ là một cặp đôi của tuyệt mù ngôn ngữ nhị nguyên. Có lẽ Kazantzakis thâu tóm được yếu chỉ đó bằng một tuyên ngôn phiêu hốt: “Salvation means deliverance from all saviors”; (Giải thoát nghĩa là sự thoát khỏi tất cả những kẻ cứu độ). Phải tự chính mình đập vỡ vòng kim cô do chính ta tự đeo vào, chẳng ai khác.
7.
shiro tsuyu to nakama yoku miyuru kagebôshi
silver dewdrops
and my companion…
sharp shadows
sương mù khơi
bạn đồng hành…
bóng đổ xuống ập chớp nhanh sương mờ
8.
cha keburi ya okabo no tsuyu wo tada tanomu
tea smoke –
the upland rice
trusts in the dew
hơi trà sáng tỏa hương mời –
đồng trổ lúa
thấm hương đời nụ sương
9.
tsuyu chiru ya sude ni onore mo ano tôri
dewdrops scatter –
soon enough
there go I
lác đác rơi lời sương gieo –
đến lúc thôi
một bước vèo về không
10.
shira tsuyu no dotchi e hito wo yobu karasu
to which side
of the silver dew?
the crow’s summons
ở phía nào
bạc trắng sương?
quạ oang oác gọi từng chương chiêu hồn
11.
tsuyu chiru ya goshô daiji ni naku suzume
dewdrops scatter –
the sparrow sings
of next-life enlightenment
sương tản mác mù sương rơi
chim tước hát
tịnh độ trời vãng sinh
Ba bài haiku 9, 10 và 11 ở trên dùng sương làm nền, nhắc điều tạm bợ của kiếp sống. Lác đác sương rơi, quạ gọi hồn trong chiều lữ thứ, người tự hỏi đã đến lúc định mệnh gõ chuông? Và như thế, biết điều không thể tránh nên dựa lời chim hót mong mỏi cõi cực lạc Tây Phương, đất hứa cho an lạc và buông bỏ khổ nạn. Những dấu hỏi điệp trùng từ hai phía của giọt sương, tụ rồi tan, không chóng thì chầy, cũng sẽ đến lúc thôi, chỉ trong một bước vèo…
12.
tsuyu no tama tsumanda toki mo hotoke kana
a dewdrop pearl –
I pinched it into
a Buddha
một hạt châu nhẹ sương bồng –
tay vừa chạm giọt về không
Phật Đà
Về không – “Không” ở đây không hiểu theo nghĩa là cái đối chọi với cái “có”. Sự đối đãi “không/có” mà ta nhìn vào thực tại xuất phát từ ý niệm, danh từ, những xích xiềng của cố tín tích lũy tự bao đời, những thứ tạo ra không biết bao nhiêu khổ đau. Để vượt qua cửa ải của chữ Không và sống trong chữ Không tuyệt đối, Huệ Khai của Vô Môn Quan bảo rằng: “Nếu ngươi thực muốn vượt qua rào cản này, ngươi phải có cảm giác như ngậm một viên sắt nóng mà ngươi không thể nuốt vào hay khạc ra.” Do vậy, câu nói “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” nêu ở phần trên là một lối nói ví von của kẻ trí, diễn tả trạng thái của một người đang tìm cách phá vỡ tới cùng những ngăn ngại trên đường tiến tới tự do vô hạn: giải thoát. Người phàm chớ bắt chước theo nghĩa đen của câu nói, bởi giết Phật thì sẽ sa vào địa ngục, giết Tổ thì sẽ đi ở tù!
Issa chạm vào hạt sương và nó biến mất. Biến mất chẳng phải là chấm dứt, là không có, sương chẳng phải tạo ra từ không đó sao? Chẳng qua chúng ta cứ vin vào cặp bài trùng không/có để cảm nhận sự hiện hữu của vạn vật. Bước trên/dưới, bước ngoài/trong, hay đứng tại chỗ, khi sự phân biện dập tắt, nhất thể chân như ắt hiển bày. Bấy giờ “Phật Đà” hay “Ta Bà” chỉ là những danh hiệu.
13.
kusabana ya tsuyu no soko naru kane no koe
wildflowers –
in the depths of the dew
the bell tolls
loài dã hoa –
lẫn trong sương
chuông chùa vọng âm vô thường về ngân
14.
tsuyu no yo wa tsuyu no yo nagara sari nagara
this world
is a dewdrop world
yes… but…
trần gian
một cõi mù sương
ừ thôi… là vậy… thế nhưng… có là…
Đây là một trong những bài haiku nổi tiếng nhất của Issa. Ông sáng tác bài này trong ngày giỗ đầu của con trai đầu lòng Sentarô, mất sau khi lọt lòng mẹ chỉ mấy ngày. Âm nagara sari nagara cuộn tròn liên lỉ duyên sinh, dường như Issa đang buồn thảm và bất lực. Ngài Mục Kiền Liên vào địa ngục chẳng dâng được bát cơm cho mẹ, khi gió nghiệp lồng lộng chẳng ngừng. Bài thơ bỏ lửng bao dấu hỏi trong lòng người đọc. Ôm chầm hay buông bỏ? Ôm chầm cái gì và buông bỏ cái gì? Ừ nhỉ thế đấy, nhân gian một cõi mù sương, nhưng không… ồ vậy… vô thường sương tan…
oOo
Lời sương là lời của khoảnh khắc, chẳng hẹn với nhân gian lâu dài. Sương tượng hình tự thinh không, giọt long lanh ngà ngọc, Issa ví von sương như trân châu. Giọt châu, nhìn kỹ và sát gần, phản chiếu cả một thế giới chung quanh, nằm gọn lỏn trong đó. Ta hòa cùng đại thể, hay đó, một loại châu Hoa Nghiêm? Trong thanh khí thu, haiku của Basho trở về lung linh trong ngần của một thời khắc điểm sương,
I like to wash,
the dust of this world
In the droplets of dew.
(Basho)
cho tôi phớt nhẹ
bụi trần
không dưng về đậu lấm phần tinh sương
Vũ Hoàng Thư
Tháng 10, 2017
——————————————————————-
(*) Chương 32, Đạo Đức Kinh, Lão Tử – Nghiêm Toản dịch.
HÀI KÚ LẬP XUÂN
Vũ Hoàng Thư
Ngày Xuân Phân là ngày chính giữa của mùa Xuân theo âm lịch và cũng là ngày đầu tiên của mùa Xuân ở Bắc bán cầu theo dương lịch (Vernal Equinox). Trong ngày này, thời gian của ban ngày và ban đêm bằng nhau, nói cách khác là âm dương cân bằng. Nhờ thế vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, hoa sẽ dâng hương cho niệm xuân tình.
Trong một ngày lập xuân nhiều thế kỷ trước, Sư Huyền Quang[?] ngẫu nhiên bắt gặp hình ảnh một thiếu nữ bên song liền viết bài “Xuân Nhật Tức Sự”. Bài thơ tả người thiếu nữ đang thêu thùa, bỗng chim hoàng oanh líu lo từ lùm tử kinh bên ngoài khiến nàng ngừng mũi kim. Không tiếng lời vì xuân tràn trong ngỏ ý, ngoại cảnh cũng như tâm tư. Nói lời gì cũng bằng thừa khi mạch mới tràn dâng. Nụ đang chúm, không chỉ hoa, nụ còn là môi bung cánh sen, đỏ hường xuân thắm. Bởi vì bây giờ đã sang xuân. Xuân đang thì…
Trong một bài thơ khác, “Xuân Cảnh” của Trần Nhân Tôn, nhà vua và khách cùng im lặng trước sự diệu kỳ của núi lam xuân thì trước mặt.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.
(Bản dịch của Huệ Chi)
Hai bài thơ cùng nói đến Xuân, mượn ý Xuân và sự im lặng khi đối mặt như một ẩn dụ về chân lý không thể nghĩ bàn? Cùng một cảm ứng, Mizuhara Shuoshi, nhà thơ Nhật Bản cuối thế kỷ 19, “chạm mặt” xuân khi hé nhẹ cửa chùa, lặng người trước giàn hoa xuân phơi phới bên ngoài. Kỳ thú ở chỗ phản ứng không lời của họ, người ngừng thêu, vua quan thôi nói, kẻ chạm khẽ cửa chùa, không hẹn mà cùng giao thoa một ý. Niềm thinh lặng và tròn đầy của vô ngôn trong giờ sáng tạo – Xuân. Mênh mông bất tận nằm ở phía sau những cái không thấy được, không nói được, mênh mông ấy nào thiết đến ngôn ngữ.
Ashibi saku/ Kondo no to ni/ Waga furenu
The Japanese andromeda blooms.
The door of the kondo
I touched.
– Mizuhara Shuoshi
nhành đinh lăng mở sắc phơi.
cửa thềm chánh điện
một tôi chạm mành. (*)
Mấy thế kỷ sau, bên cạnh “cành lê trắng điểm”, một người con gái đọc thư dưới trăng, một hình ảnh thơ mộng như chưa từng thơ mộng. Trăng đêm ấy nhất định phải sáng lắm, rạt rào như tiếng lòng em rộn rã, “Hoa lá ngây tình không muốn động / Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi” (Hàn Mặc Tử). Đó là thư tình với nhiều hẹn hứa, lời khêu mở khát dâng hay chỉ là một lá thư thường tình? Đố ai biết, có thể là một ẩn tình, một dấu hỏi trong đêm xuân, chỉ có trăng làm chứng, nhưng thật sự có cần nên biết? Buson kể lại như thế này,
nashi no hana tsuki ni fumi yomu onna ari
Pear trees in flower
a woman reads a letter
by moonlight
– Buson
lê trổ bông
gái hong thư
trăng ngời giấy chữ thốt thưa xuân tình (*)
Thôi thì ta cứ giả thuyết như vầy, “rồi một hai ba năm… với em anh chăn tằm, với em anh dệt vải…” (Nguyễn Bính. Một trong những đặc tính của thơ hài cú ví như chiếc máy ảnh, thu nhiếp khoảnh khắc đang biến dịch, khi thời gian là sự vận hành liên tục từ quá khứ qua hiện tại và tiến vào tương lai trong từng sát na, đơn vị đo lường thời gian nhỏ nhất trong Phật giáo. Theo lý thuyết nhà Phật, dòng thời gian là một chuỗi vô thủy vô chung, không thể phân định được đâu là quá khứ, hiện tại và tương lai, nên cả ba thời đều có chung một tướng, đó là vô tướng. Luận sư Vô Trước quan niệm thời gian là sự tiếp nối tương tục của nhân và quả. Ánh sáng chuyền lan ánh sáng, thái dương đi xuống tiếp tay làm cuộc hôn phối ngày đêm. Ánh sáng không tắt, chỉ chuyển ngôi, như thời gian, làm sao phân định trước/sau? Chiều chưa hề chấm dứt bước đi khi nắng hóa sinh đơm ánh nguyệt lộng đêm huyền, tấu bản giao hưởng diệu kỳ nhất của một hoàng hôn mùa xuân. Buson ví tiến trình đó như hai ngọn nến luân lưu nguồn sáng, giữa mặt trời và mặt trăng, từ mùa đông đến mùa xuân, một sự liên tục của thời gian không dứt. Vi diệu thay cái đang đi không thể bắt gặp lại lần nữa…
shokunohiwo shokuni utsusuya harunoyuu
The light of a candle
Is transferred to another candle —
Spring twilight
– Buson
lửa hồng lạp
nến chuyền luân
lung linh thắp vòm đêm xuân giao mùa (*)
Xuân đến không chỉ báo tin bằng hoa mà còn bằng hương, hương mận và trăng lụa. Mận là mơ, là cô gái đôi tám bẽn lẽn bên vườn mang hương trinh gọi mời ong bướm. Không nồng nàn như dạ lý hay quyến rũ của ngọc lan, mận mang hơi hướm bưởi nhưng nhẹ hơn, tỏa hương về khuya nhắc nhở đôi tình nhân thời gian hẹn hò chẳng còn bao nhiêu, “Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya…” (Xuân Diệu).
Haru moya ya/ Keshiki totonou/ Tsuki to ume
The spring haze.
The scent already in the air.
The moon and ume.
– Basho
làn sương xuân
trời lựng hương
nguyệt soi nhánh lặng treo vườn mơ đêm
Theo thông thường ước lệ, hoa nở sẽ gọi niềm vui, và hoa rụng nhắc điều mất mát. Những bài hài cú thăng hoa không chỉ diễn tả sự đến đi của xuân nhưng vượt lên trên sự đến/đi, có/không để nhắm đến chân lý hàm ngụ phía sau. Thơ tạo khí hậu an nhiên khi kể chuyện nở/tàn như sự chuyển biến của dòng sống luân lưu không ngừng, cái mất đi mở đường sinh hóa cho cái khác tồn tại. Điểm đỉnh là sự hồn nhiên vô hạn, vượt lên trên mọi ràng buộc, bình yên khi ngắm hoa bung, thản nhiên khi chứng kiến hoa mất. Basho vào cảnh giới ấy khi ông viết,
Toshi doshi ya / sakura o koyasu / hana no chiri.
Year after year,
falling blossoms
nourish the cherry tree.
– Basho
năm tháng trôi tuế nguyệt bào,
hoa phôi pha
tụ cội đào luân sinh.
Những mùa xuân đi qua, những bài hài cú ở lại, những hạt sỏi trắng lóng lánh bắt gặp đâu đó ở tuổi thơ, những chùm hoa dại khiêm nhường hé cánh vệ đường, lời hát Phạm Duy không dưng trở về gõ những nốt trầm, “Làm sao mà quên được / Đời qua vút như tên / Dăm ba hạnh phúc ngắn / Sao quên được mà quên… Người hay cười e thẹn / Miệng như trái mơ ngon / Đôi môi màu sắc pháo / Thơm như là quê hương...” Không trách Buson đăm chiêu khi mùa xuân “ấy” đi qua, “ấy” sẽ về đâu bây giờ?
arukiaruki monoomou haruno yukuekana
With pensive steps
I muse over
Spring’s whereabouts.
– Buson
trầm ngâm bước
tư lự tôi
mùa xuân đi một tiếng hồi vô tăm. (*)
Vũ Hoàng Thư
Tháng 3, 2021
(*) Vũ Hoàng Thư phỏng dịch haiku từ Anh ngữ. Các bài haiku trên đây được trích từ
https://www.masterpiece-of-japanese-culture.com
Cám ơn anh Vũ Hoàng Thư đã cho phép Mai đăng những bài viết về Haiku của anh.
“The tarnished gold
And the fresh greenery
Bring back memories of bygone days.”
(Miura Chora)
“Vàng phai
cùng với ngàn xanh
nghe ngày tháng cũ theo quanh nẻo về.”
* * * * *
“I like to wash,
the dust of this world
In the droplets of dew.”
(Basho)
“Cho tôi phớt nhẹ
bụi trần
không dưng về đậu lấm phần tinh sương”
* * * * *
“A dewdrop pearl –
I pinched it into
a Buddha”
“Một hạt châu nhẹ sương bồng –
tay vừa chạm giọt về không
Phật Đà”
* * * * *
“To which side
of the silver dew?
the crow’s summons”
(Issa)
“Ở phía nào
bạc trắng sương?
quạ oang oác gọi từng chương chiêu hồn”
Tuyệt vời!
Cám ơn tác giả, và cám ơn Mai đã post.
Mai cũng để ý những câu đó.
Mai nghĩ Vũ Hoàng Thư là một trong những nhà thơ dịch Haiku rất hay, bên cạnh Pháp Hoan, Nhật Chiêu.
Thêm một điều nữa, Pháp Hoan là nhà thơ duy nhất của VN đã dịch một khối núi Haiku của Nhật. Thật đáng phục.
Incroyable!
Pháp Hoan cảm ơn chị Tống Mai và anh Nguyên Huệ. Mấy bài viết này của anh Vũ Hoàng Thư thật hay. PH đọc qua, thấy có nhiều bài Haiku mình đã dịch, và có một số chưa dịch. Đọc comment của hai anh chị thấy vui, nên vội cầm bút dịch đôi bài, dành tặng chị Tống Mai và anh Nguyên Huệ.
Lá non trên cành
tiếng dòng thác đổ
khi xa khi gần.
(Yosa Buson)
Thế giới con người
sương sa ngọn cỏ
vậy à…thế thôi….
(Kobayashi Issa)
Sương khói giăng mờ
không gian thấm đẫm
trăng và hoa mơ.
(Matsuo Basho)
Sương mai lìa cành
chim sẻ cất tiếng
cõi Phật tái sanh.
(Kobayashi Issa)
Kìa hạt sương rơi
sớm thôi tôi cũng
lìa xa cõi đời.
(Kobayashi Issa)
Gute Nacht!
Bức hình của chị thật đẹp chị ạ. Lại là một ”blaue Stunde”.
Dưới trăng lưỡi liềm
một miền tĩnh lặng
đi vào trong tim.
Cám ơn em tôi!
Bài thơ theo mãi trong đầu và làm im bặt tất cả những ý nghĩ khác.
Cám ơn Pháp Hoan đã góp phần gìn giữ cái hồn của một nền văn học cổ kính sâu sắc của thế hệ “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ” đang biến mất rất đáng buồn.
Cám ơn chị Tống Mai đã phổ biến những bài viết về haiku của tôi. Một niềm thích thú khi tìm được sự đồng cảm, nhất là tiếng đồng vọng trong cô tịch của thơ haiku. Màu biển khơi của sâu hút đêm trăng trong tấm hình của chị làm nhớ đến một câu thơ của Basho:
.
蒼海の浪酒臭し今日の月
sookai no nami sake kusashi kyoo no tsuki
(Basho)
.
blue seas
breaking waves smell of rice wine
tonight’s moon
(Trans. by J. Reichhold)
.
trùng dương
triều đậm men đằm
nghinh thân tầng vọi nguyệt rằm ngào đêm
(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)
.
Hãy tận hưởng đêm trăng tối nay và xin cám ơn rất nhiều những mỹ cảm chị Tống Mai và anh Nguyên Huệ đã dành cho bài viết.
thân mến, vht
Mai rất phục nét dịch rất lạ này.
Cảm ơn anh Vũ Hoàng Thư.
Harvest moon đêm hôm qua nhắc hôm nay bánh Trung Thu để cúng.
Bức hình của chị phảng phất một Haiku đẹp quá.
Thật ấn tượng. Nhìn mãi như bị thôi miên. A complete solitude giữa người và mảnh trăng khuyết.
Đơn sơ mà nói lên thật nhiều. Chị đúng là master of minimalism.
Cảm ơn Mai đã post một bài viết rất hay. Tâm chưa đủ tịnh để mê Haiku, nhưng đọc bài thật thu hút.
Thật vậy hở, chị cám ơn KAnh.
Trời đêm có những màu sắc kỳ lạ, càng vào đêm càng đẹp khi con người không còn đó để làm phiền thiên nhiên.
cám ơn cô chia sẻ những vần thơ. con thích phần dịch thơ lắm, đem cái hồn haiku sang thổi hồn vô lục bát, thật tài tình.
thắc mắc nhỏ: tác giả có liên hệ gì với thi sĩ Vũ Hoàng Chương không ạ?
cô TM ơi, có những bầu trời xanh thẳm cô hỉ, đẹp lạ lùng. từ ngày đọc cô viết về các sắc xanh, đâm ra thường tìm kiếm chúng. khi bắt gặp được thì vui mừng, cô nói đúng lắm, chúng hoàn toàn có thật.
Vui vì bạn Sóc có chút thích thú về những lời dịch. Chỉ là sự trùng hợp họ và chữ lót chứ tôi không có liên hệ với thì sĩ VHC Sóc ạ. Vui nhé.
vht
Cám ơn con Sóc sau vườn của cô, nếu Sóc thấy được màu xanh thẳm của đêm thì đúng là một cô bé nocturnal ban đêm không ngủ.
Cô cũng có câu hỏi như Sóc về VHT có liên hệ gì với VHC, và cám ơn VHT đã trả lời cho Sóc.
Cô rất mê thơ VHC hồi còn trung học, bài đầu tiên thuộc lòng là “Ta đợi em từ ba mươi năm, Uổng hoa phong nhụy hoại trăng rằm … Thôi thế hoài thơm tuổi dịu hiền, Cành khô mầm lụi trót hoa niên … Gió sương giờ vẫn buồng đây lạnh, Em hỡi ! Phương nào em có không?
Lớn lên cô lại thương bài “Nguyện Cầu” nhất là câu “Ta van cát bụi bên đường, dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.”
Ta còn để lại gì không?
Kìa non đá lở này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước xa xôi dặm về.
Trong ta bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương.
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này.
Để ta trọn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời.
Nói chi thua được với đời
Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu.
Tân hương đốt nén linh sầu,
Nhớ quên dằn dặt ta cầu đó thôi.
Đêm nao ta trở về ngôi,
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian.
Một phen đã nín cung đàn,
Nghĩ chi còn mất hơi tàn âm thanh.
Cô mong Sóc vẫn yên ổn ở xứ Phù Tang nhé.