Cành mai trắng bên bờ tử sinh – Tống Mai

Mar 9, 2023 (TM)

 

Bên bờ tử sinh

 

Một cái gì đó rất buồn khi Ph nhìn bức hình này. Cành mai trắng gầy guộc giữa bờ sinh tử làm cúi đầu im lặng. Bạn tôi nói với tôi khi tôi gởi bức hình cho bạn xem.
Tại sao thể? Có phải nó gợi cho Ph nhớ đến một điều gì?
Không Mai ạ. Bỗng nhiên Ph nghĩ đến một ngày nào đó khi chẳng còn ai có ai.
Lúc đó có lẽ mình đã nằm dưới lòng đất rồi Ph ạ.

Một cành mai trắng nở
Run bên bờ tử sinh
Một cành mai trắng nở
Cháy đỏ nghìn tạng kinh

Tôi làm bức hình dựa vào những câu thơ trên Khánh Trường viết cho bức tranh Tuệ Mai của ông, và dùng những mảnh núi tôi chụp đó đây ở Ngự Bình, Shenandoah và Lake Champlain.

Ph còn nhớ không, hơn mười năm trước Mai gởi cho Ph bài thơ và bức tranh của Khánh Trường vẽ một cành mai trắng nở ra trong lạnh lẽo núi sương, đong đưa giữa hai bờ sinh tử. Một hình ảnh rất đơn sơ nhưng ý nghĩa bao la đủ làm cháy cả nghìn tạng kinh. Hồi đó, trong sự hiểu biết yếu ớt về thiền của mình, Mai chỉ mù mờ rằng một cành mai trắng nở giữa khốn khổ của cuộc đời gói trọn ý nghĩa hiện hữu của ánh sáng trong bóng tối, nghìn tạng kinh cũng không sánh bằng. Mai hỏi Ph Mai hiểu vậy có đúng không. Ph không trả lời mà chỉ gởi cho Mai hai câu cuối trong bài kệ của thiền sư Mãn Giác: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một cành mai.

Đó là mười năm trước. Hôm nay ngồi trước một bản sao của bức Tuệ Mai, tôi góp nhặt những mảnh núi tôi chụp trong những chuyến đi xa để tạo ra một bức hình cho riêng mình và cũng để gởi cho bạn tôi và bầu trời luôn xám ở bên kia. Nếu kiên nhẫn khi nhìn ra cửa vào lúc chiều muộn thì tôi biết bạn mình sẽ thấy những tia nắng hừng lên đánh tan màu xám trên trời. Đúng thật vậy Ph ạ, đó là khoảnh khắc của sự bừng tỉnh Mai đã từng thấy nhiều lần khi ở bên đó và kinh ngạc với hình ảnh mà Mai gọi là “Midnight sun”.

Sau khi làm xong hình, tâm tư chợt rưng rưng, tôi nhìn cành hoa trắng trên giòng sông sương, mà quên đi ý nghĩa thiền của tấm hình, hai câu cuối trong bài thơ Tuệ Mai biến mất trong đầu, chỉ còn lại hình ảnh lẻ loi của cành mai trắng run bên bờ sinh tử.

Bạn yêu dấu, đêm đã quá khuya bên kia bờ đại dương.
Bonne nuit!

Tống Mai
Virginia, Mar 9, 2023

 

 

25 thoughts on “Cành mai trắng bên bờ tử sinh – Tống Mai

  1. “The little cares that fretted me,
    I lost them yesterday,
    Among the fields above the sea,
    Among the winds at play,
    Among the lowing of the herds,
    The rustling of the trees,
    Among the singing of the birds,
    The humming of the bees.

    The foolish fears of what might happen,
    I cast them all away
    Among the clover-scented grass,
    Among the new-mown hay,
    Among the husking of the corn,
    Where drowsy poppies nod
    Spring is where ill thoughts die and good are born.”

  2. Merci bạn tôi bài viết đậm chất thiền.
    Mai đã diễn tả bài thơ Tuệ Mai một cách tài tình bằng bức hình rất đẹp của một cảnh mai mong manh trên bờ vực mà Mai gọi rất hay là dòng sông sương.
    Hoa mai trong truyền thuyết nhân gian là một loài hoa thanh quí sống an nhiên tự tại, đẹp mong manh nhưng mạnh mẽ kiên cường.

    Bao giờ về lại quê nhà, Mai nhớ tìm đến rừng mai ở Phú Yên thì Mai sẽ thấy chính những cây mai rừng khẳng khiu nằm trong khô cằn của trời đất là những cây nở hoa đẹp nhất.
    Nói đến hoa mai thì bao giờ cũng có một sự cúi mình bái phục Mai ạ.

    1. Mai nhớ mười năm trước mình thích bài thơ và bức tranh đẹp của Khánh Trường vì sự thanh thoát, nhưng càng về sau nghiệm ra mới thấy cái sâu sắc vô cùng trong đó khi ông dùng chữ “Tuệ Mai” để đặt cho bức tranh khi tuệ giác bừng nở ở mảnh đất tâm.

      Lần tới về quê nhà, Mai sẽ tìm đến những rừng mai sống không cần sự chăm bón của người. Hình như Mai đã thấy mai rừng trên đồi núi ở Huế hồi còn nhỏ, cây thấp như cây olive và hoa trắng nhỏ thưa rất mỏng manh khiêm nhường.
      Bên này DC đang đợi anh đào nở. Mỗi khi đào nở lại nhớ đến hoa mai quê nhà.

    2. Bức hình chỉ có một cành mai khẳng khiu và một đoá mai duy nhất.Nhìn rất hiu quạnh, nhưng nhìn như một đôi bạn tựa vào nhau để sống. Cành cây vẫn còn đó để cho đóa hoa mai tàn rồi lại nở.Hiu quạnh mà đẹp

  3. ”Niềm Hy Vọng” là giống loài có cánh –
    Đậu xuống giữa hồn tôi –
    Chim cất lên bao khúc hát không lời –
    Chưa một lần dừng lại –

    Ngọt ngào nhất – tôi nghe – trong Gió thổi –
    Và bão tối sục sôi –
    Khiến chú Chim từng sưởi ấm bao người
    Phải một phen tơi tả –

    Tiếng chim kêu trong vùng đất lạnh giá –
    Và Biển Cả lạ lùng –
    Chẳng bao giờ – dẫu trong cảnh Khốn Cùng,
    Chim xin Tôi vụn bánh.

    (Pháp Hoan dịch từ nguyên tác tiếng Anh “Hope” is the thing with feathers của Emily Dickinson)

  4. Mai (梅) của thiền sư Mãn Giác là tên một loài hoa, cũng là họ của Pháp Hoan, và là tên của chị Tống Mai đấy ạ. Nó thực ra là hoa mơ, hoa mận đó chị Tống Mai. Các thiền sư thời xưa rất yêu hoa mai bởi khí chất thanh tao, phong sương của nó, và cũng bởi sự nhạy cảm của nó với đất trời; vì hoa mai là loài hoa nở sớm nhất vào mùa xuân, khi còn loài hoa khác còn đang say ngủ.

    Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt
    Tranh đắc hoa mai phốc tỷ hương.

    ”Chẳng phải một phen xương lạnh buốt
    Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương.”

    -Hoàng Bá – Hy Vận

    1. Thuở nào cụ Cao Bá Quát vì cái đẹp thanh thoát và tính khí kiêu dũng của hoa mai đã:
      Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
      Nhất sinh đê thủ bái hoa mai

      p.s. Cám ơn Pháp Hoan đã cho chị Chinese character của tên chị!

  5. Bài và ảnh đượm vị Thiền, Chị ạ.
    “chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho …” (TCS)

  6. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
    Đình tiền tạc dạ nhất chi Mai.
    Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
    Đêm qua sân trước một cành Mai.

    Mai dùng chữ “yếu ớt” rất riêng trong cách viết thành văn. Diệu rất thích.

  7. Rất tuyệt, Tống Mai ơi!
    Ảnh nghệ thuật của bạn đẹp như một bức tranh, một bài thơ.
    Cảm ơn bạn đã chia sẻ.

    1. Ôi, cám ơn Nguyệt Mai! Bài blog của Nguyệt Mai cách đây không lâu về Khánh Trường làm Mai nhớ đến bức tranh Tuệ Mai của ông và cảm tác nên bức hình “bên bờ tử sinh” đó thôi.

Leave a Reply