Bức hình tuyết trắng và World Bank/IMF International Photographic Society – Tống Mai

May 26, 2021 (TM)

Bạn yêu dấu,
Tôi có một niềm vui. Hai bức hình của tôi được giải nhất và HM trong buổi thi ảnh hàng tháng Monthly Competition tối hôm thứ Tư vừa rồi của hội nhiếp ảnh International Photographic Society IPS của World Bank/IMF: “The Whiteness of Winter” và “A Walk in the Snow” (www.imfwb-ips.org/may-2021-winners/)

Giám khảo lần này là Leah Herman, nhiếp ảnh gia của U.S. House Office of Photography. Tôi không rõ gì nhiều về người giám khảo này ngoại trừ khuynh hướng chính trị xã hội trong nhiếp ảnh của cô. Khi cuộc thi ảnh xảy ra thì tôi đang trên đường đi San Francisco nên không dự được. Đề tài thi lần này là black and white photography, một đề tài rất quyến rũ đối với tôi nhất là cho khuynh hướng minimalist photography của mình.

Bức được giải nhất tôi chụp Constitution Lake ở Washington DC trong trận bão tuyết tháng Hai năm nay khi tất cả chìm trong tuyết trắng, chỉ còn lại vài nét chấm phá của một thân cây trụi lá và những băng ghế công viên lạnh không người.

Bức được Honorable Mention chụp ở lối đi vào Vietnam Memorial và Lincohn Memorial.

Tôi không có một định nghĩa rõ ràng về khuynh hướng minimalist photography của mình. Tất cả chỉ dồn vào sự biểu hiện cảm xúc một cách thuần khiết nhất, đó là những dấu lặng không rườm rà, không âm thanh… Ma: The sound of silence!

Đang viết lung tung những giòng này thì tôi nhận được một đoạn văn Diệu gởi của TCS. Không vì một lý do gì, tôi bỗng muốn đưa vào đây. Diệu cho phép Mai nhé:  “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại. Dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi.”

Tôi, tôi hát bằng những màu sắc âm thanh trong những bức ảnh của tôi không e ngại.

Đêm đã khuya.
Bonne nuit!

Tống Mai
(California, May 26, 2021)

 

May 2021 – Theme: Black & White. Judge: Leah Herman
www.imfwb-ips.org/may-2021-winners/
flickr.com/photos/ips_gallery/sets/72157719277803880/

Ta ngồi lại nghiêng đời bên tuyết trắng”

Nghe gió về vin cửa gọi đơn côi”

 

Những bức ảnh minimalist trên của tôi không liên quan đến wabi sabi ngoài sự đơn giản và khái niệm Ma (), nhưng tôi muốn dùng cơ hội này để đăng một bài viết của Nguyên Huệ, trong đó có một ý tưởng về thiền tâm tôi rất tâm đắc.

 

Wabi sabi: Nét đẹp Thiền tâm
Nguyên Huệ

Một buổi trưa hè, quán ven đường đơn sơ vắng vẻ, một chén nước chè, một chút gió đồng quê, ngoại cảnh tan biến, chỉ còn thanh tịnh.
Một góc vườn Nhật, cây phong rủ bóng, một dòng suối nhỏ, lá rụng, bước chân cẩn trọng không phá vỡ cấu trúc của người tạo dựng.
Một tách trà sứ với những đường nứt được thiết kế nạm vàng rất khéo léo, nâng lên môi mà không biết vị trà ngọt hay đắng, hay một bình hoa gốm thô bình dị với cành hoa khẳng khiu đơn chiếc….

Wabi sabi!

Tất cả từ tinh thần đến sự vật, mọi thứ đều thu hút cái nhìn của chúng ta nhưng lại đưa chúng ta về mỗi nơi khác. Tôi tự hỏi đâu là nét đẹp wabi sabi thật sự và đâu là sự ngộ nhận.

Wabi sabi hồn thẩm mỹ truyền thống của văn hóa Nhật bản xuất hiện từ thế kỷ 15-16. Thiền sư Sen No Rikyuu được xem là cha đẻ, khởi nguồn từ nghệ thuật uống trà bằng những trà cụ giản dị, đơn sơ, mộc mạc, trong một tinh thần tích cực, khiêm tốn, không hoàn hảo, chấp nhận sự vận hành của tự nhiên, không ràng buộc vật chất, mục đích chính hướng về tâm linh, một cảnh giới của siêu thoát.

Trãi qua nhiều thế kỹ, wabi sabi đã lan truyền, phát triển, thay đổi qua nhiều lãnh vực khác nhau và không còn giới hạn trong phạm vi nước Nhật. Ngày nay chúng ta có thể tìm thấy wabi sabi qua nhiều công trình kiến trúc, thời trang, vật dụng… và được xem như một khái niệm sáng tạo trong công nghiệp, một tập hợp các nguyên tắc thiết kế thẩm mỹ. Có người còn cho rằng wabi sabi là cội nguồn của sự an lạc và hạnh phúc thông qua thiền định.

Nhưng thế rồi nên hiểu thế nào về một nét đẹp wabi sabi chân thật? Theo Leonard Koren, trong một tài liệu được trích dẫn nhiều về văn hóa Nhật bản thì “Wabi sabi là hình ảnh thu nhỏ của mỹ học Nhật Bản,  là vẻ đẹp của những thứ không hoàn hảo, vô thường và không trọn vẹn. Đây là vẻ đẹp của những điều giản dị, mộc mạc và khiêm tốn, của những thứ không chuẩn định …”

Làm thế nào để có thể nắm được và truyền tải ý nghĩa của wabi sabi, hay ít nhất có một định nghĩa đúng đắn về wabi sabi? Thật khó, bởi vì trong wabi sabi có yếu tố tâm linh, tôn giáo hiện diện, một điều khá mơ hồ, một tri thức chỉ có thể dĩ tâm truyền tâm, và điều đó đã dẫn dắt dòng suy tưởng chúng ta vào nơi thâm sâu nhất trong chính mình và đây cũng là triết lý Thiền tông nhà Phật.

Entre roseaux
Bien et Mal
S’écoule
La pure eau de source.
(Sengai)
(Giữa đám lau sậy / Đẹp và Xấu / Dòng chảy / Một suối nguồn tinh khiết)

Bien et Mal
Sortent-ils des yeux, de la bouche ou du nez?
Le crâne
(Sengai)
(Đẹp và Xấu / Đến từ đôi mắt, từ miệng hay mũi? / Chiếc đầu lâu)

Khi bản chất của sự vật, đẹp, xấu được nhận biết qua mắt, tai, mũi miệng, có nghĩa cái đẹp và xấu đó còn bị giới hạn, giam cầm trong định kiến của giác quan, thì đó chỉ là tiếng nói của một đầu lâu vô tri giác. Dòng tư tưởng của chúng ta phải vượt qua khỏi cái nghe, nhìn, thì nhận thức con người mới có thể đi xa hơn, đến với sự trống rỗng của cái Không, cái Không của khả năng vô hạn, không bám víu vào đâu.

Núi đầy cây trụi lá,
Đêm thu ở nơi này, trong lành và khô lạnh
Trăng tròn lững lờ trôi, trên mái nhà buông lơi
Không phụ thuộc gì cả, không bám víu vào đâu.

Theo tôi, sự ra đời của wabi sabi không ngẫu nhiên hay sáng tạo một cách tình cờ của Rikyuu, mà đó là kết quả của sự giao hòa giữa Thiền tông Phật giáo, Lão giáo của Trung Hoa và tinh thần võ sĩ đạo của Nhật đã thấm đẫm trong văn hóa của Nhật, làm nảy sinh một loại cảm thức thẩm mỹ, thẩm mỹ wabi và sabi mà trong đó thể hiện nét đẹp của thiên nhiên với bản chất chân thật, giản dị, không hào nhoáng, trong một tinh thần khiêm cung, mộc mạc, thanh nhã và cao thượng.

Wabi sabi chưa bao giờ được xem như một phong trào hay trường phái nghệ thuật rõ ràng, cho nên tên gọi của nó cũng chỉ là thuật ngữ gán ghép của hai từ riêng lẻ wabi và sabi, nghĩa đen theo tiếng Nhật “đau khổ, thất vọng”; và “tồi tàn, cũ kỹ”. Nguyên nghĩa này không nói lên điều gì cả, hãy xét đến cách diễn tả của nó.

Cảm thức wabi thuộc về những gì tự nhiên, mộc mạc, đơn sơ mà ta thấy được dưới một vỏ bọc nghèo nàn trong một niềm vui hòa điệu. Nói cách khác một tinh thần chấp nhận sự không trọn vẹn, không hoàn hảo, không chạy theo tham vọng bản năng. Một thái độ nghiêm túc khiêm tốn và chừng mực thể hiện trong sự giản dị, không gò bó.

Wabi đề cập đến “vẻ đẹp khắc khổ và dịu dàng”, nhưng không phải là hình thức chủ nghĩa “khổ hạnh quý tộc”. Một tâm hồn của tu sĩ và võ sĩ.

Crépuscule dans les rues de la ville délabrée
Rentrer à la maison avec un bol vide
Pauvre et seul – c’est ma vie
Pourquoi ma stupidité et mon entêtement prennent-ils fin?
(Ryokan)

(Phố tiêu điều trên con đường sẫm tối / Một lần nữa về nhà với bình bát trống không / Nghèo và cô đơn – cuộc sống tôi / Khờ dại và cố chấp, thân này sao không bao giờ buông bỏ).

Trong cách nhìn này, wabi nói lên sự tự giác, kềm chế và tập trung vào những điều cần thiết, một hình thức tối giản, một kỷ luật của tư tưởng. Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn hay bất cập, con người vẫn luôn giữ được tâm tịnh, không để cho bản năng sai khiến, không vì ý muốn thỏa mãn cái tôi mà mất đi ý thức đạo đức, một bản chất của vô ngã.

Một biểu hiện khác của wabi là mỹ cảm của mọi vật tồn tại trong suốt vòng đời của chúng vì tất cả đều trong trạng thái thay đổi liên tục, mỗi khoảnh khắc qua đi mỗi sự vật tạm thời hiện hữu và đều có giá trị ngay thời khắc đó. Tất cả mọi thứ được tạo ra cuối cùng sẽ biến mất, không có gì là vĩnh viễn và tuyệt đối, rực rỡ rồi phai tàn, như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, hay của sự đâm chồi, nở hoa và héo úa. Một ý niệm của sự Vô thường và khoảnh khắc của Chánh niệm.

Mới thấy vườn xuân hồng rực rỡ
Đào mai thắm sắc đẹp trời thơ
Qua cơn nắng hạ hồng phai nhạt
Sương tuyết thu đông phủ mịt mờ!
(Vô Thường)

Họp lại những dòng suy nghĩ về wabi nhận thấy có một đặc trưng mang màu sắc tâm linh của Phật, Lão và Samourai, nó thể hiện tâm hồn con người trước thiên nhiên, trước cuộc đời, đối diện với sự mong manh, chóng tàn của cái đẹp…, không phải vì thế làm con người bất an, lo sợ, hoảng hốt mà trái lại hãy sống trọn vẹn với cái duy nhất của khoảnh khắc hiện tại.
Sabi nói lên cái cô liêu, tĩnh lặng, cổ xưa… của linh hồn vạn vật mà chúng ta chỉ cảm nhận được nhưng không thể phân tích, giải thích hết bằng lời. Nó thể hiện cái đẹp tự nó hiện hữu không cần diễn tả, không cần tô vẽ trong một trạng thái tĩnh lặng và cô độc, một sự cô độc không còn bóng dáng của tự ngã, một cố chấp làm ngăn cách con người với thiên nhiên và bản thể của đời sống.

Ah! Tranquillité
et jusqu’au cœur des rochers
le chant des cigales!
(Basho)
(Ôi! tịch liêu, / cho đến tận tim của đá / tiếng ve kêu)

Hay nỗi cô đơn của Ryokan:

Une cabane solitaire à quatre tapis
Toute la journée, personne en vue.
Seul, assis sous la fenêtre,
Seul le bruit continu des feuilles qui tombent.

(Cô đơn một túp lều phên lá / Suốt ngày mỏi mắt một bóng người / Một mình ngồi bên khung của / Có chăng chỉ tiếng lá rơi)

Có thể nói Wabi sabi là nơi hội ngộ của sự mộc mạc, chất phác, bình dị tìm thấy trong cuộc sống đời thường và vẻ đẹp sâu kín, huyền diệu u uẩn ẩn dấu bên trong sự vật. Đây là giao điểm của tâm nội tại và hình thức phô bày, nó nói lên ý tưởng thẩm mỹ phát sinh từ sự chân thực tuyệt đối, một yếu tố chính để giữ lấy sự toàn vẹn của chân lý thay vì chạy theo những phù phiếm giả tạo bên ngoài. Thiền là đây.

Le papillon voletant –
Je me sens moi-même
Une créature de poussière.
(Kobayashi Issa)

(Chập chờn cánh bướm / Ngẫm thân này / Cũng như cát bụi)

Trở lại với ý tưởng wabi sabi trong đời sống, nhận thấy nơi đây có một sự hòa hợp đan xen giữa văn hóa, nghệ thuật, đạo đức và tâm linh, nên khó có thể nói đây là một khái niệm thẩm mỹ thuần túy hay một nguyên tắc sáng tạo hay một tiêu chuẩn định hình sự vật. Nói cách khác các đối tượng của wabi sabi có những đặc thù không tuân theo một lý thuyết nào. Nhưng chính cấu trúc đặc biệt này tạo nên nét độc đáo của vật thể Wabi sabi, một vật thể không hoàn hảo, không hoàn thiện vì nó không có bản chất riêng cố định độc lập và được tạo ra trong sự phụ thuộc, cho nên bản thân chúng là trống rỗng, một ý niệm trong học thuyết tánh Không của Thiền tông.

Thế giới của wabi sabi, trống rỗng, vô ngã và vô thường, tự nó đã hé lộ ra một phẩm chất quý giá đó là sự không khẳng định mình đang tồn tại hay sở hữu một cái gì đó – có thể là vẻ đẹp hay bất kỳ tính năng nào khác. Wabi sabi đã làm tiết ra thẩm mỹ tính từ cái đẹp và cái xấu thông thường trong mọi sự vật của đời sống.

Như vậy chính xác vẻ đẹp và xấu xí nằm ở đâu khi mô tả sự vật wabi sabi. Rằng nó xuất hiện một cách tự nhiên bất cứ lúc nào tùy hoàn cảnh, bối cảnh hay quan điểm thích hợp. Một trạng thái ý thức qua lại hổ tương giữa chúng ta và sự vật. Vẻ đẹp của wabi sabi hiển lộ vào khoảnh khắc khi cái tôi tan biến và mọi thứ trong tình trạng trọn vẹn trước con người không có bản ngã. Nghe có vẻ như….khoảnh khắc Giác ngộ.

Đẹp hay xấu là do tư tưởng, thái độ của ta tự khẳng định và tạo ra sự khác biệt theo một thiên hướng nào đó. Sự lôi cuốn, hấp dẫn của sự vật wabi sabi không phải ở hình thức, chất lượng, dáng vẻ hay tính thực dụng. Chính cái tinh thần, ý tưởng, cái hồn của wabi sabi ẩn chứa bên trong sự vật tạo nên giá trị thẩm mỹ, điều đó không thể đo lường bằng các khái niệm vật lý.

Tôi cảm thấy không ổn khi gọi wabi sabi là một nghệ thuật, một sự áp đặt, dù cho đó là một “Nghệ Thuật Bất Toàn”. Nghệ thuật ngày nay thiếu vắng cảm thức thẩm mỹ của đạo đức và tâm linh. Chạy theo nghệ thuật, wabi sabi dần mất đi tính tự nhiên chân thật – nhìn sự vật như nó là – một tinh thần Thiền mà từ đó wabi sabi xuất hiện. Sự hào nhoáng và giả tạo sẽ làm wabi sabi sụp đổ.

Đông và Tây vẫn còn sự khác biệt, Thiền học và Triết học có cái gì đối nghịch nhau. Hãy xem wabi sabi như một con đường giáo dục ý thức, đây là bước khởi đầu cho tâm Thiền định. Có thể nói, với một sự rèn luyện tinh thần và hướng dẫn đúng đắn, cái đẹp của sự vật bất ngờ sẽ nở ra. Không phải mọi thứ đổi thay – mà lòng người đã chuyển hóa.

Hình ảnh của wabi sabi sẽ phản ảnh của tâm trí chúng ta. Không biết gọi đó là nét đẹp của Thiền vật hay Thiền tâm.

Nguyên Huệ
(25 mars, 2021)

 

 

27 thoughts on “Bức hình tuyết trắng và World Bank/IMF International Photographic Society – Tống Mai

  1. “Ta ngồi lại nghiêng đời bên tuyết trắng”
    “Nghe gió về vin cửa gọi đơn côi”
    Two beautiful lines,
    Under two beautiful photos,
    Congratulations for being at,
    The top of the class.
    ❤🌹😁

    Love,
    DTQT.

  2. Wonderful chị Mai! Viết được những nét tối thiểu và đơn giản cần thiết lên khung hình của tâm hồn. Đúng là ảnh là người thật đấy chị ạ.

    Minimalist photography và wabi sabi đi cùng nhau rất có lý.
    p.s. Chị thức khuya nhỉ.

    1. Chị cũng nghĩ thế, khi chup hình, người cầm máy phơi ra một phần sâu kín bên trong của họ. Chị gọi phần đó là “dark side of the moon” : )

      p.s. Chị phải ngủ theo giờ California đấy thôi.

      1. Em cũng tự hỏi có bao giờ con người thấy được “dark side of the moon”? Em nói lạc đề một chút khi chị nói đến phía tối của mặt trăng thì có bao giờ lộ ra cho mình thấy được chị nhỉ.

        1. Không đâu, nếu nói một cách khoa học thì không bao giờ ta thấy được phía bên kia của mặt trăng.
          Chị chỉ nghĩ đến phía tối đó như phía sâu kín của tâm hồn khuất đi dưới mặt nạ bên ngoài của con người, phần sâu kín đó có thể là những mơ ước, những thầm kín, và có thể là những tối tăm của tâm người.

  3. Bạn yêu dấu,
    Tôi có một niềm vui.
    Đối với em, hai dòng chữ này, là đã đủ. Em thấy tuyết lấp lánh trong đôi mắt chị.

  4. You’re falling into minimalist photography naturally as I’ve felt that before.

    I also prefer the concept of wabi-sabi from Nguyen Hue. Thanks.

  5. Wow! Chúc mừng cô giáo lại được thêm một giải thưởng nữa. Mình thật là ngưỡng mộ TM đấy.
    Hình đẹp tuyệt vời M. Người xem đã được tác giả đưa vào trong mộng nhất là người “lãng mạn” như chị 💜
    Nhớ M rất nhiều, mong gặp lại M soon.

  6. Có thể nói bức ảnh “The Whiteness of Winter” của Mai là một tuyệt phẩm kinh điển của minimalist photography, nó quá “ít” cho hình thức và quá “nhiều” cho tư tưởng dưới mắt người xem, một cái nhìn “tối giản” trong cảm thức Wabi sabi mà người ta thường gọi ” l’Art de l’Imperfection”
    “La simplicité est la sophistication suprême” – Léonard de Vinci
    Chia xẻ niềm vui cùng bạn tôi. Avec un grand merci !

    1. The whiteness of winter là màu của phù vân, của cái chết, nhưng chỉ khi thấu được màu trắng tinh khiết đó, ta mới thấu được linh hồn của sắc trắng. Mai chưa chụp được màu trắng thật sự của tuyết trước mắt mình, nên Mai chưa thành công đâu.

      P.s. Mai phải là người nói “Avec un grand merci” mới đúng : )

  7. Chỉ biết nói chúc mừng Mai với lòng thán phục và ngưỡng mộ bạn mình như từ trước đến giờ .
    Nhữnh hình ảnh bình thường của tuyết trắng thường cho nguời ta cảm giác lạnh lùng , cô đơn hay đôi khi làm liên tưởng đến sự tinh khiết .
    Qua nghệ thuật nhiếp ảnh của Mai theo đề tài lần này là : “ Black anh White “ những tấm ảnh tuyết trắng còn có một vẻ đẹp lạ lùng và một ý nghĩa sâu xa hơn nữa nên đã tạo ra sự chú ý cho những nhà phê bình nhiếp ảnh chuyên nghiệp , những vị giám khảo .. qua đó họ đọc được tâm hồn của tác giả và đã thể hiện qua cách chấm giải nhất và giải Honorable Mention cho hai bức hình của Mai “ The Whiteness of Winter “ và “ A Walk in the Snow “ .
    Không phải chỉ với đề tài này thôi mà từ mấy năm qua , với những chủ đề khác , Mai cũng thường xuyên được giải từ rất nhiều vị giám khảo khác nhau .
    Có thể nói là Mai với tài năng , tâm hồn , nghệ thuật , tính sáng tạo .. tất cả đã tạo nên những tác phẩm tuyệt vời mà nhiều người chiêm ngưỡng và thán phục .
    Cám ơn Mai cho đọc bài viết của bạn Nguyên Huệ về đề tài “ Wabi Sabi : Nét đẹp thiền tâm “ .
    Ng không hiểu chi về “ hồn thẩm mỹ văn hoá truyền thống Nhật Bản “ cũng như về thiền tâm nhưng rất thích những đoạn thơ trong đó mà Nguyên Huệ đã dịch rất hay .
    Một lần nữa cám ơn Mai rất nhiều .

  8. Suong Pham says:
    Friday, June 11, 2021 at 6:35 AM

    Hàng ghế, tôi và em
    Bên nhau, mùa xuân trước
    Cây xanh, lời nguyện ước
    Ghế đắp lá hẹn thề
    Nay một bóng quay về
    Em tôi không còn nữa
    Ghế lạnh lùng, rạn vỡ
    Cây trơ trụi sầu đông
    Ai thấu hiểu cho lòng
    Tìm người, trong băng giá

  9. Thy Nguyen says:
    Thursday, June 10, 2021 at 2:39 PM

    Ngoài kia tuyết rơi rơi
    Người lữ hành từng bước
    Tìm trong làn tuyết trắng
    Kỹ niệm một mùa đông
    Nơi ấy thật bình yên
    Chỉ có em và tuyết
    Giờ một mình lẻ bóng
    Người xưa đã xa rồi.

  10. Suong Pham says:
    Sunday, June 13, 2021 at 12:36 AM

    Viết cho “A Walk in the Snow”

    Con đường hoa mộng ngày xanh
    Giờ đây băng giá, mình anh lối vào
    Ngỡ em gầy guộc xanh xao
    Chờ nghe nhịp bước chìm vào lãng quên
    Con đường mình đã đặt tên
    Giờ sâu hun hút
    Không em, trải sầu
    Lao xao tuyết rụng về đâu
    Nghe trong lời ấy có câu ân tình.

Leave a Reply