April 4, 2023; March 22, 2024 (TM)
Năm tháng trôi như những con bò đen vĩ đại dẫm lên thế gian
Và Chúa như một kẻ chăn bò giục giã đằng sau,
Và hồn tôi vỡ nát theo mỗi bước chân đi qua của chúng
The years like great black oxen tread the world,
And God the herdsman goads them on behind,
And I am broken by their passing feet
(W.B. Yeats)
Và hồn tôi vỡ nát theo mỗi bước chân đi qua của chúng. And I am broken by their passing feet.
Cái chết hiện ra trong đầu khi tôi không thấy cây đào rất thương của mình ở vị trí quen thuộc phía Đông của vườn đào gần Jefferson Memorial nữa. Thay vào đó là khoảng trống trơ trụi mà mới năm ngoái đây thôi hình dáng lê lết oằn mình vươn ra mặt hồ của của cây vẫn còn đó. Cây đào đã trăm tuổi rồi làm sao chịu đựng được thời gian như những con bò đen vĩ đại dẫm lên thế gian. Tim nhói lên khi nhìn thấy khoảng trống, cái cảm giác như đã mất một người bạn làm chùng lòng. Tôi biết cây đã chịu đựng một chuỗi dài hấp hối quá lâu nhưng không ngờ ngày cuối của cây đến lúc nào mà tôi không hay.
Năm nay tôi xuống vườn đào không biết bao nhiêu lần để chụp những cây tôi thương, những cây có hình dáng hiên ngang vươn xa ra mặt hồ như những cánh chim trong tư thế vỗ cánh bay khi mặt trời lên. Rừng cây trăm tuổi có những cành khô dường như đang hấp hối. Nhưng không, có những cây đã quá già rỗng ruột vẫn còn ươm hoa ngạo với nhân gian một nụ cười. Tôi lo sợ cho những cây cỗ thụ tựa những cây bonsai khổng lồ này sẽ gãy thôi và đã có nhiều cây bị cưa bớt cành vì mục rã. Bao năm đi dưới rừng hoa, tôi nhớ rõ vị trí của từng dáng dấp yêu kiều nay không còn nữa mà bỗng thấy buồn.
Có điều gì thật khác về vườn đào năm nay. Khi tất cả đã đơm hoa tôi mới thấy những cây tôi thương cành đã bị cắt đi. Đừng ngạc nhiên khi nhìn loạt hình này mà chỉ thấy một vài cây mà thôi. Đó chính là những người bạn rất thương của tôi.
Hơn mười năm đi dưới vườn đào ở Tidal Basin của Washington DC chỉ để thưởng thức cái đẹp của hoa trong vùng chiêm bao ngây ngất. Nhưng những năm sau này, phải im đi những ý nghĩ trong đầu và giữ cho tâm không động tôi mới khơi dậy được tiếng kinh trong hồn mình dưới tán hoa tinh khiết. Những ngày hoa nở rộ, hàng ngàn du khách tràn vào vỡ bờ làm khua động rừng hoa thì tôi chờ ngày mưa khi chỉ có lác đác vài người để có vườn đào riêng cho mỗi mình mình.
Trong mưa gió bão bùng
trên anh đào, đổ xuống
tiếng gióng chuông đại hùng.
(Issa)
Ôi những đám mây hoa!
Tiếng chuông chùa Thượng Dã
hay Thiển Thảo vang qua?
(Basho)
Bạn yêu dấu,
Đêm đã khuya bên này bờ đại dương
Bonne nuit!
Tong Mai
April 3, 2023
* * *
* * * * *
Đoạn trên là những gì tôi để lại năm ngoái cho vườn đào của DC. Năm nay tôi không chụp hình vườn đào vì cây đã thay đổi, nhiều gốc đẹp đã bị đốn ngã… và Stumpy, Stumpy sẽ chịu chung số phận, sẽ chỉ còn ngẫng đầu cười với trời cao một lần cuối. Tôi sẽ không nói gì, không than khóc vĩnh biêt. Tôi chỉ muốn gởi cho Stumpy đoạn cuối trong Le Petit prince của Saint-Exupéry, cũng là đoạn cuối của cuộc hành trình của Hoàng Tử Bé trên trái đất trước khi về hành tinh của mình:
“Ban đêm bác sẽ nhìn những ngôi sao. Ở quê nhà cháu, thì nhỏ lắm, cháu không chỉ dẫn cho bác ngó thấy được ngôi sao của cháu nằm tại chỗ nào. Như vậy kể cũng hay. Ngôi sao của cháu sẽ là một trong những ngôi sao đối với bác. Thì như thế, hết thảy những ngôi sao, bác sẽ thích nhìn… Hết thảy đều là bạn của bác. Và đây này cháu giao bác một tặng vật.”
Chú lại cười.
“A! Chú bé ôi, chú bé ngẩn ngơ ôi, tôi muốn nghe tiếng cười ấy!”
“Chính đó sẽ là tặng vật của cháu… đó sẽ là cũng như với nước…”
“Chú có ý nói sao?”
“Thiên hạ có những ngôi sao không như nhau. Đối với kẻ này du lịch thì ngôi sao là kẻ dẫn đường. Đối với kẻ kia, ngôi sao chẳng gì khác hơn là những đốm sáng li ti. Đối với những kẻ nọ bác học, ngôi sao là những vấn đề. Đối với người ắp phe, ngôi sao là những nén vàng. Nhưng hết thảy những loại sao đó đều câm. Bác, thì bác sẽ có những ngôi sao như của riêng của bác, không ai có được như thế…”
“Chú bé có ý nói chi?”
“Ngày sau, những lúc nào bác ngó bầu trời đêm đêm, vì bởi rằng cháu sẽ trú tại một ngôi sao trong đám sao xúm xít đó, vì bởi cháu sẽ cười ở trong một ngôi sao nào trong số đó, thì đối với bác cũng như là mọi ngôi sao cùng người lên tất cả. Bác ạ, bác sẽ có những ngôi sao thảy thảy biết cười!”
Và chú cười nữa.
“Và khi nào mai sau bác được an ủi (người ta sẽ được an ủi luôn luôn) bác sẽ hài lòng vì đã quen biết cháu. Bác sẽ luôn luôn là người bạn của cháu. Bác sẽ muốn cười với cháu. Và bác sẽ mở cánh cửa sổ ra đôi lúc, vậy đó, cho vui hứng hoan hỷ… đó thôi. Và những bạn hữu của bác sẽ ngạc nhiên nhìn thấy bác ngó trời mà cười. Thì bác sẽ bảo họ: “Ừ, những ngôi sao, những ngôi sao là cái gì như thế! Mà bởi đâu cái đó lúc nào cũng khiến cho tôi cười!”. Và họ sẽ tưởng là bác điên. Thế thì té ra cháu sẽ chơi khăm bác một vố tệ hại thật…”
Và chú cười nữa.
“Thì cũng như là cháu đã cho bác một mớ những lục lạc, những chuông con viết cười, thay vì những ngôi sao…”
Và chú cười nữa. Rồi trở lại nghiêm trang:
“Đêm nay… bác biết đó… đừng có tới nhé.”
“Ta sẽ không rời chú.”
“Cháu sẽ có vẻ như đau đớn… cháu sẽ có vẻ như là chết đi, có vẻ sơ sơ thôi. Vậy đó. Bác đừng tới làm chi, có đáng chi đâu…”
“Ta sẽ không rời chú”
Nhưng chú bé lo âu.
“Tôi nói vậy… ấy là bởi con rắn. Chẳng nên để nó mổ vào bác… Rắn, chúng nó độc ác lắm. Có thể cắn mổ người ta để mà chơi…”
“Ta sẽ không rời chú.”
Nhưng có cái gì làm chú bé an tâm:
“Ấy nhưng thật rằng chúng không còn nọc độc nữa cho lần mổ thứ hai…”
Đêm hôm đó tôi không nhìn thấy chú khởi sự lên đường. Chú đã thoát đi ra không tiếng động. Lúc tôi chạy theo kịp, thì chú bước đi một cách quyết định, bước đi nhanh. Chú chỉ nói:
“A! bác lại tới rồi…”
Và chú nắm lấy tay tôi. Nhưng chú còn bứt rứt:
“Bác sai rồi đó. Bác sẽ khổ lòng. Cháu sẽ có vẻ như chết đi, và thật ra là không phải…”
Tôi, tôi im lặng.
“Nhưng sẽ cũng chỉ như một cái vỏ khô bỏ rớt lại. Đâu có chi buồn, những cái vỏ khô…”
Tôi, tôi im lặng.
Chú có ý chán nản một ít. Nhưng chú gắng nói thêm:
“Sẽ ngộ nghĩnh lắm mà. Cháu nữa, cháu cũng sẽ nhìn những ngôi sao. Mọi ngôi sao sẽ là những cái giếng với một cái bánh xe ròng rọc hoen rỉ. Mọi ngôi sao sẽ rót nước cho cháu uống…”
Tôi, tôi im lặng.
“Sẽ thích thú lắm mà! Bác sẽ có năm trăm triệu cái chuông con, cháu sẽ có năm trăm triệu cái giếng…”
Và chú, chú cũng im lặng, vì chú khóc…
“Đó rồi. Để cháu bước một mình.”
Và chú ngồi xuống vì chú sợ.
Chú nói nữa:
“Bác biết đó… đóa hoa của cháu… cháu chịu trách nhiệm. Nó yếu ớt quá! Và ngây thơ quá. Nó có bốn cái gai nhọn chẳng ăn nhầm đâu vào đâu cả, thì làm sao mà tự bảo vệ được thân mình…”
Tôi, tôi ngồi xuống vì tôi không có thể đứng được nữa. Chú bảo:
“Đó… Thế là xong…”
Chú ngập ngừng một chút, rồi đứng dậy. Chú bước một bước. Tôi, tôi không thể nhúc nhích nữa.
Chỉ có thấy một thoáng chớp vàng lóe bên mắt cá chú. Chú đứng yên một lúc. Chú không kêu. Chú té xuống dịu dàng như một cái cây. Cũng không nghe một tiếng động nào vì cát rộng.
XXVII.
Và ngày nay, hẳn nhiên, đã sáu năm rồi… Tôi chưa lần nào kể lại chuyện này. Những bạn bè gặp lại tôi đã hài lòng thấy tôi thoát nạn mà trở về. Tôi buồn rầu nhưng tôi bảo họ: Ấy chỉ vì mệt mỏi…
Bây giờ tôi thấy hơi an ủi. Nghĩa là… không hoàn toàn an ủi. Nhưng tôi biết rõ lắm là chú bé đã trở về tinh cầu mình, bởi vì lúc trời sáng, tôi không thấy tấm thân chú ở đâu. Tấm thân chẳng có chi nặng lắm… Và tôi thích lắng nghe tinh tú ban đêm. Ấy cũng như là năm trăm triệu chuông con lấp lánh dịu dàng reo…
Nhưng rồi lại có một sự kỳ lạ xảy ra.
Cái rọ bịt mõm mà tôi đã vẽ cho hoàng tử bé, tôi đã quên thêm vào cái đai da! Chú sẽ chẳng bao giờ cột được cái rọ vào mồm con cừu. Tôi tự hỏi: “Việc gì đã xảy ra trên tinh cầu của chú bé? Có thể rằng con cừu đã ăn mất đóa hoa…”
Lúc thì tôi tự nhủ: “Chắc hẳn là không! Hoàng tử bé đêm nào cũng nhốt kín đóa hoa dưới bầu tròn bằng gương, và chú canh chừng kỹ lưỡng con cừu…” Thế là tôi sung sướng. Và mọi tinh tú dịu dàng cười.
Lúc thì tôi tự nhủ: “Làm sao khỏi có một lúc nào đó người ta lơ đễnh, và chừng đó đủ rồi! Một đêm nào, chú đã quên cái bầu tròn, hoặc là con cừu đã mò ra không tiếng động…” Thế là những chuông con biến hết thành lệ!…
Đó là một bí mật rất lớn. Đối với bạn, bạn cũng yêu hoàng tử bé, cũng như đối với tôi, không có gì của vũ trụ còn giống như nguyên, nếu một nơi nào đó, chẳng biết là đâu, một con cừu mà chúng ta không biết, đã có hay không, ăn mất một đóa hồng…
Bạn nhìn trời đi. Hãy tự hỏi: con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa? Và bạn sẽ thấy mọi sự thay đổi xiết bao…
Và không một người lớn nào sẽ hiểu rằng sự ấy có hệ trọng chi nhiều như thế!
Cảnh đó đối với tôi là phong cảnh đẹp nhất và buồn nhất cõi thế gian. Đó cũng là cùng một phong cảnh với trang trước, nhưng tôi vẽ lại nó một lần nữa để chỉ cho bạn nhìn thật rõ. Chính tại đó là nơi hoàng tử bé hiện ra, rồi biến mất.
Bạn hãy chăm chú nhìn phong cảnh ấy đi để có thể tin chắc là sẽ nhận ra được nó, nếu một ngày nào bạn sẽ du lịch sang Phi châu, trong sa mạc. Và nếu bạn có dịp đi ngang qua đó, tôi xin khẩn cầu bạn nhé, xin bạn đừng vội vã qua mau, xin chờ một chút, ở ngay dưới ngôi sao! Nếu lúc đó một đứa bé tới bên bạn, nếu có cười, nếu nó có mái tóc vàng, nếu nó không trả lời lúc người ta hỏi nó, thì bạn sẽ đoán ra nó là ai. Thì xin hãy độ lượng vui lòng chịu khó. Đừng để tôi phải buồn quá thế này: viết thư nhanh cho tôi, nhắn cho tôi biết rằng chú bé đã trở lại…”
(Le Petit prince – Hoàng Tử Bé – Bản dịch của Bùi Giáng. p. 110-119)
Tống Mai
Virginia, Mar 22, 2024
(Viết cho Stumpy và những cội đào sẽ không còn nữa)
Adieu!
Il tomba doucement
Ça ne fit même pas de bruit, à cause du sable.
TIDAL BASIN – WASHINGTON DC 2023
Một cây đang chết
Nhưng vườn tôi không chết
Và tôi cần em
Để nhắc nhở cho tôi điều ấy (TNH)
(Dolinh Photography – Photo taken 2017)
Khơi bao niêm nhớ
chẳng tàn trong tôi
cánh hoa đào ấy! (Bashō)
Những cánh hoa bay trong tiếng vang của im lặng đầy chất nhựa trên cây anh đào
Tháng tư làm sống lại những gì tưởng đã mất (Nguyên Huệ)
Không nhà không quê hương
Thiền tăng ngủ quên bên bờ suối
Mơ thấy mình là một cây anh đào
Nở ra giữa bầu trời sao.
(Pháp Hoan)
Trong bông tuyết đang rơi
Có ba nghìn thế giới
Trong ba nghìn thế giới
Có bông tuyết đang rơi.
(Ryokan – Pháp Hoan dịch)
Cái gì kia đang rơi
tuyết ư như bọt sóng trên trời
ồ không, chỉ hoa rơi lặng lẽ
nhưng hoa gì mà trắng thế?
(Khuyết danh)
Prépare-toi à la mort.
prépare-toi.
bruissent les cerisiers en fleurs (Issa)
Les fleurs silencieuses
parlent aussi
à cette oreille intérieure docile (Onisura)
Mưa vẫn còn rơi
Tôi muốn che chở cho hoa đào
Nhưng không thể bao trùm chúng lại.
(Khuyết Danh)
Tỉnh giấc chiêm bao
cơn mưa dừng lại
trên tán anh đào.
(Pháp Hoan)
Thế gian này hỡi ôi
tất cả đều hư hoại
như anh đào rụng rơi
nơi nào tôi sẽ phải
nằm xuống khi lìa đời? (Saigyō Hōshi – Pháp Hoan dịch)
Stumpy, một cây đào thấp bé nổi tiếng được ưu ái nhất trong Tidal Basin,
nhìn trông như gần chết vì thân đã rỗng ruột nhưng mỗi năm vẫn ra hoa
dù sinh mệnh đang bị đe dọa vì nước lụt ngập rễ thường xuyên.
MEADOWLARK BOTANICAL
The Stumpy.
I’m so lonely
By the side of Tidal,
Still try to flower,
Smile to other.
Even I’m sad inside,
Because water at my feet,
Is threaten my life,
So I wouldn’t know
When is my last day?
DTQT.
Beautiful description of Stumpy chị Dã Thảo ơi.
Lần sau Mai xuống thăm vườn đào sẽ đọc bài thơ cho Stumpy nghe.
Chị đẹp Dã Thảo làm thơ tuyệt diệu! Đọc mà không khỏi chạnh lòng nghĩ đến mình. Nhưng cây vẫn đứng thẳng không hề xiêu vẹo Mai ạ
Ui Stumpy me Stumpy you.
Những tấm hình đẹp quá Tống Mai ơi!????❤????
Mai cám ơn chị đẹp!
????❤????????
Hình & thơ quyện trong nét đẹp của từng tấm ảnh. Chị đã chọn đúng ngày giờ để có được những tấm hình đẹp này.
Aww, chị cám ơn Trọng!
Chị đến vườn đào nhiều lần và lần cuối là lúc trời đẹp và ít người nhất. Năm nay hoa phải chịu đựng nhiều cơn gió mạnh giá buốt rồi ấm áp rồi lại cóng lạnh lại nên cánh hoa có vẽ co ro không nở bung như mọi năm khác.
Có những cành đào ra đi, cũng có những cành ở lại, chị ơi.
Những cành ra đi lại là những cành chị thương. Chị vui gặp lại Hạnh ở đây.
Bộ ảnh hoa anh đào của Mai đẹp quá bài viết thoáng thấy nét buồn của tác giả…
Dạ.
Đẹp tuyệt vời. Hổm rày Hà cũng có ý trông được Mai cho xem ảnh hoa đào. Hai tấm ảnh bên trên tấm ảnh Meadowlark Botanical Garden location có vẻ lạ.
Hai tấm đó Mai chụp blue hour lúc mặt trời chưa lên ngay ở entrance vào vườn đào từ Kutz Bridge, mây vần vũ rất drama. DC thường có những bình minh rất kịch tính nên Mai hay xuống đó vào blue hour đợi mặt trời lên.
Cám ơn Hà đã đợi Mai post hình.
Lộng lẫy hoa
Lộng lẫy như Tâm hồn của Mai.
Cám ơn bạn tôi!
Những bức ảnh không còn lời diễn đạt chị ơi!
Hoa anh đào nở rồi
cả tuần tôi đóng cửa
không nói năng một lời.
Cám ơn em tôi bài Haiku tuyệt vời có nói cũng không cùng này!
My dear sister, I am speechless.
What beauty
In the cherry blossoms!
Love!
Gần như tức khắc nhận ra những gốc đào thân thương của Mai lại trở về mỗi dịp Xuân sang, hoa đào năm nay không tươi, không rực rỡ như mọi năm, có chút buồn trong nó.
Le temps qui passe ?
Ou “Causes of climate change” ?
Ou bien “Le mouvement de l’âme humaine” ?
La photographie, c’est le temps qui trace.
Merci Mai !
Những bức ảnh quá ư là nghệ thuật. Chỉ người chụp ảnh đã nhiều lần quá bộ đến đây mới có cảm xúc về sự vô thường của các cội đào. “Tuy thời gian như những con bò đen vĩ đại đạp lên nó..” Nhưng hoa đào vẫn nở nụ cười gió đông.( Đào ba y cựu tiếu đông phong). Sức sống mãnh liệt của cội đào cũng như sức sống mãnh liệt của tác giả đã được thể hiện tinh tế trong từng bức ảnh và từng câu chữ trong phần luận cảm xúc của mình.
Những người đàn bà có đầy lòng bi thương thì như những cội đào già nua nhưng trên môi và trong tâm hồn vẫn nở hoa vô thường như mĩm cười trước gió đông.
Chúc An Lạc.
Tôn Thất Tài. 06/4/2023.
Cám ơn anh TTT. Mai rất vui gặp lại anh ở đây với những lời bình thật ý nhị này.
Mai chúc anh luôn yên khỏe.
Avec le temps tout s’évanouit.
Mai cũng có cảm tưởng hoa năm nay không thắm như mọi năm và có chút ủ dột. Hoa đang buồn cho một thế giới đang suy tàn.
Merci bạn tôi!
Bi ca cho những cội dào .
Đọc tựa đề của bài viết đã cảm nhận được nỗi buồn .
Rồi những đoạn thơ ngắn thật buồn cũng được Mai chọn để đặt dưới những hình ảnh hoa anh đào năm nay .
Tuy vậy, hoa anh đào vẫn rực rỡ dù là nguời ngắm và chụp hình chúng mang trong lòng nỗi muộn phiền và cảm thương khi thấy đã vắng bóng những cội đào già nua năm trước.
Những cây hoa đào còn lại vẫn cho hoa bung nở đúng mùa để giữ gìn nét đẹp đặc biệt của Tidal Basin – Washington DC vào mùa Xuân .
Ng thấy Mai còn chụp hình hai người trẻ là vũ công Ballet bên hồ nữa.
Tất cả hình ảnh hoa anh đào đều rất đẹp , nét đẹp rực rỡ hay cái đẹp mong manh !
Ng thích nhất là tấm hình truớc tấm hình cuối cùng , những cành hoa anh đào lả lơi trong gió và mặt hồ có từng gợn nuớc nhỏ lăn tăn, hình ảnh đó được một hoạ sĩ phác họa lại trên giá vẽ . Nhìn trong bức tranh cũng thấy được gió làm nghiêng ngã những cành đào .
Mai vẫn luôn để hết tâm hồn mình vào tác phẩm để nguời xem cảm nhận được ý nghĩa của những tấm hình .
Thân thương ,
MN .
Cám ơn Nguyệt những lời thật sweet và ấm lòng.
Cũng buồn cười Mai xuống vườn đào nhiều lần lúc lạnh, ấm, mưa, gió và đi suốt quanh hồ, có những cây đứng lại ngắm hàng gìờ không chán từ lúc ánh sáng chiếu vào tán hoa dìu dịu lúc sáng sớm đến khi nắng lên cao thì hoa chỉ là một vùng sáng không thấy chi tiết nữa, và cuối cùng khi về nhà bỏ hình vào computer mới biết mình chỉ chụp đủ góc cạnh của vài cây mà thôi : )
Cặp ballerina trên hồ là Mai chụp lén sau lưng người photographer của họ. Thấy hình dáng mỏng manh của họ mà thích quá.
Thương.
Ảnh tuyệt đẹp ???? thượng đế tạo ra vạn vật đẹp tuyệt vời nhưng không vĩnh viễn có sinh tử theo thời gian.
Và đó là cái đẹp của trời đất.
Mai cám ơn Thạnh đã ghé thăm.
Mùa Xuân đã đến mấy tuần nay và hoa anh đào đã nỡ rộ. Tôi ngóng chờ hình hoa anh đào Wash DC của TM như là Rites of Spring. Hình anh đào TM đã đến, đẹp nhẹ nhàng như những cơn lạnh đầu Xuân.
Năm nay anh đào vẫn đẹp nhưng có điều gì đó buồn buồn trong những cánh hoa. Mai nghĩ có thể đào cũng buồn cho những gì bất an xảy ra với con người nên bớt thắm như những năm trước. Mai định không post hình năm nay nhưng rồi lại muốn lưu lại hình ảnh cuối cùng của những cây sắp ra đi.
Trùng hợp hay trên khiến?!
H. vừa nhận link này rồi đọc email Mai. H. cũng vừa lảm nhảm về sự chết qua vài câu verses…thì nhận email TongMai. Sao trùng lặp…hay cộng nghiệp. Chờ hết spring nay summer…chắc hiểu là Mai bận chưa về như đã hứa. Nhờ ơn trên 6th sense còn nhạy.
Hoà
Mai nghĩ lả minh bắt đầu nghĩ đến cái chết trong giai đoạn này của cuộc đời đó thoi.
Mai chua co the ve VN nhu da hua trong nam nay vi ly do suc khoe. Nhung mua Xuan nam sau thi nhat dinh Mai se OK. I will come home. I promise.
Adieu, Hoà! Rest in peace.
Chị Mai viết và post lên những hình ảnh và thơ về hoa đào hay quá! Cảm ơn chị đã chia sẻ nhé ????
Cảm ơn Tú nhiều!
Tuyệt !
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông, mai mùa hạ buồn chăng?
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh.
(Tuệ Sỹ)
Văn Thơ tôi không giỏi, nhưng sau khi xem, it left with me a feeling of “Speechless” (a thousand words of silence).
You have connected me with Life, Nature, Universe… and yourself.
Well done Mai.
Tuân Trần
Mai cám ơn anh Tuân đã để lại ý nghĩ thật cảm động.
Stumpy sắp phải ra đi mà không biết vì sao con người phải vội vã cho nó biến đi như vậy dù với cả ngàn lý do cho cuộc sát thủ này của họ.
Và cả mấy trăm cây đào quanh Tidal Basin sẽ bị sát thủ mà có thể cứu được nữa. Nếu là Vietnam thì những cây đào này sẽ được mang đi trồng nơi khác.
Đọc bài viết của Mai không hiểu sao lại nhớ tới một bài Mai viết cách đây không lâu trong đó có câu… Nhưng khi nhìn bạn tôi khóc…”Voir un ami pleurer”.
Bài viết buồn làm người đọc buồn, có lẽ người viết phải buồn lắm khi chia sẻ những dòng viết này của mình. Thật đúng vậy con người hay một cái cây rồi cũng chung một số phận, biết nhưng vẫn buồn…
Thầy thích nhất tấm ảnh Mai và cây hoa đào “Stumpy” ảnh có ba phần, cây – người bạn – và Hoa Thịnh Đốn tượng trưng bởi Tháp bút chì và tất cả như đang nói chuyện với nhau…
Cây đào gầy gò rõ ràng đầy lo lắng, như đang muốn ôm lấy những cành đào thật nhỏ bé đang cố gắng bám lấy cây mẹ bám lấy cuộc sống .
Gió cuối đông làm rung động những đóa hoa đào mong manh đang bám sát vào cây mẹ.
Và mẹ nó dù biết chắc không còn cơ hội để thoát khỏi sự đốn đoạt nhưng vẫn đứng đó đón tiếp người bạn đến chia tay…và người bạn ngày hôm đó đã mặc bộ áo đen đến đứng cạnh, bất lực chỉ biết cúi đầu…
Nhìn cảnh chia tay tự nhiên lại nhớ đến …Voir un ami pleurer.
Mai cám ơn những critique rất sâu của thầy về bức hình Adieu Stumpy này.
Stumpy đáng lý ra không cần phải chết sớm như vậy, mà có thể sống thêm ít nhất vài mùa xuân nữa để chết một cái chết tự nhiên không phải dưới lưỡi hái của con người. Dù thân đã rỗng nhưng mỗi năm vẫn cố gắng nở hoa cho đời mà. Thế mà con người tàn bạo sẽ hạ ngã Stumpy không hề một ý nghĩ thương tiếc nào cho một cây đã vì người mà nở hoa.
Chị sững sờ khi nhìn những bức ảnh của em và thầy về hoa đào và cây của nó – năm 2017 chị qua Nhật lạnh quá hoa đào ra trễ nên chỉ ngắm được có vài cây trong một công viên nhỏ . Các hình ảnh hoa đào trên mạng chị thấy ( ở Nhật ) và bên Mỹ thì không thấy nó như nhũng bức hình này – đúng là dưới cặp mắt của hai nhiếp ảnh gia siêu hạng này chúng cực kỳ là lạ và đẹp mê hồn cũng như có một ý nghĩ của nó – không thể diễn tả nổi cái đẹp mê hồn này – quá tuyệt vời Mai ơi.
Cám ơn chị Thúy.
Đây có lẽ là những hình ảnh cuối cùng đẹp nhất của Mai về vườn đào DC.
Năm sau nắng sẽ về bên xứ bạn.
Mai ơi Stumpy còn đó không?
Stumpy chưa bị đốn, có thể anytime soon. Nhưng National Arboretum sẽ clone Stumpy bằng cách chiết cành để cấy thành một cây khác rồi hy vọng trong 2, 3 năm thì đem 3 Stumpy mới lành lặn hơn về trồng lại chỗ cũ.
“The Arboretum’s horticulturalists hope to preserve Stumpy’s genetic material by collecting clippings from the little tree to be planted and grown on the Arboretum’s grounds in a process called propagation. The new Stumpy will be grown in a propagation greenhouse, a special area with a controlled environment designed to help the new plants grow. If successful, in around a year, cuttings from the new growth would be transferred to their own individual pots to grow out.”
“Ideally, in two to three years, we would hand them back to the National Park Service, provided that they were ready to receive them,” Zettel said.
It’s too early to say how many Stumpy clones will survive, but the Arboretum hopes to hand at least three healthy trees back to the park service, according to Zettel.
(USA Today, April 18, 2024)