Tiếng gọi của bóng tối sau những sầu thẳm thoát ra từ những chiếc saxophone – Tống Mai

May 7, 2022 (TM)

 

Tôt ou tard, nous devrons répondre à cet appel des ténèbres, aller voir ce qu’il y a derrière
cette impérieuse mélancolie qui sort des saxophones. (Paul Morand – 1928)
Thế nào rồi ta cũng phải đáp lại tiếng gọi của bóng tối để tìm xem điều gì sầu thẳm
thoát ra từ những chiếc saxophone.

Âm nhạc không có Jazz thì còn gì là âm nhạc, cũng như Jazz mà không có tiếng saxophone thì còn gì là Jazz –
Chỉ có tiếng saxophone mới có thể chuyên chở được sự dịu dàng, những đam mê câm nín. (Georges Bizet)

 

 

DINANT VÀ NGÔI NHÀ CỦA ADOLPHE SAX Ở BELGIQUE

Trên góc đường nhìn qua sở làm của tôi, có một người da đen ngồi thổi saxophone mỗi sáng không biết tự bao giờ, mười năm hai mươi năm? Người qua lại vội vã không ai ngừng, ôi, ngay cả Joshua Bell chơi vĩ cầm trong metro DC tuyệt vời như thế mà có ai ngừng lại để nghe đâu.

Tôi cũng vậy, luôn cắm cúi không để ý đến khung cảnh chung quanh khi đến sở. Hình ảnh cùng âm thanh quen thuộc của người da đen với tiếng saxophone đã trở thành một phần của đời đi làm của tôi … What a Wonderful World, Summertime, Cheek to Cheek … vang lên da diết một góc phố mỗi ngày như một hiển nhiên. Ngang qua, tôi hay thả xuống một chút biết ơn trên cái hộp lót nhung đỏ đựng kèn của ông, thank you God bless you. Tôi mỉm cười đáp lại câu cám ơn đó nhưng chân vẫn bước vì lúc nào cũng gần trễ giờ vào sở.

Sáng nào cũng thế, nhưng có một buổi, vừa bước ra khỏi xe điện ngầm, băng qua ngã tư đường 18th và H thì tiếng saxophone trỗi lên một điệu nhạc quen thuộc… Dans une coin perdu de montagne, un tout petit savoyard, chantait son amour dans le calme du soir, près de sa bergère au doux regard … Trong góc núi cô quạnh, một buổi tối êm đềm, người chăn cừu hát ru bên cô chăn cừu có ánh mắt dịu hiền.  Tôi khựng lại, oh, “Étoiles des neiges” của tôi, ông ấy đang thổi bài thuở còn mê “Les Étoiles” của Alphonse Daudet của tôi. Thế là đi nhanh đến hướng tiếng sax, tôi chăm chú, làm sao ông biết bài này, có phải ông là người New Orleans không, ông ở khu Bourbon Street hở.  Ô, ông dấu bài này bao lâu mà bây giờ mới lôi ra chơi!  Tôi nhớ mãi buổi sáng đó, gần mười năm chưa quên, rồi từ đó bắt đầu mê tiếng saxophone lúc nào không hay. Bao năm tình đậm với Jazz, tôi không để ý đến tiếng sax trong những buổi hòa nhạc, thế mà chỉ vì người da đen bên đường thổi bài hát năm xưa mà bắt đầu chớm nở mối tình ngóng đợi âm thanh đậm chất gỗ mun, ngọt, tròn và u sầu này.  Washington DC có vài quán Jazz đêm nhưng tôi chỉ đến Blues Alley nằm khuất trong một con hẻm tối ở Georgetown, nơi đó quán nhỏ đèn mờ nên tiếng Jazz bọc ấm khung cảnh chung quanh. Và mỗi lần đến đó, tôi lại chờ….

Tôi đang viết lung tung khi hôm nay chỉ muốn nói đến khu phố Dinant ở Belgique có ngôi nhà nơi Adolphe Sax sinh ra. La Maison de Monsieur Sax không hẳn là một bảo tàng viện mà là nơi vinh danh người chế ra nhạc cụ tuyệt vời này. Nằm trên con đường mang tên ông, số 37 rue Sax, nơi ông ra đời năm 1814, dọc theo lề là một Anamorphoses Trail gồm 7 trụ đèn gắn mỗi loại kèn saxophone do ông sáng chế, sopranino, soprano, alto, tenor, baritone, bass, và contrabass. Suốt khu phố tràn ngập những chiếc saxophone. Trên cầu Charles-de-Gaulle gần đó thênh thang những chiếc saxophone khổng lồ. Chiếc cầu mang tên Charles-de-Gaulle vì tưởng niệm lính Pháp giúp bảo vệ Dinant trong Thế Chiến Thứ Hai.

Lần theo những trụ đèn bên đường thì dẫn đến cổng nhà của Adolphe Sax. Vừa bước vào là nghe tiếng sax vọng lên những bản Jazz quen thuộc… L’Arlésienne/George Bizet, Pictures at an Exhibition/Modest Mussorgsky, Boléro/Ravel, Petite fleur/Sidney Bechet, Nancy/John Coltrane hay Koko/Charlie Parket…. Trong nhà phủ kín những thành tích âm nhạc và kỹ thuật mang tính cách mạng của ông. Những phát minh tuyệt vời, những thách thức vô tận, những thành công, thất bại ông phải đối mặt suốt cuộc đời ông. Có một cuốn sách khổng lồ ghi những lời yêu quí dành cho ông từ Bizet, Berlioz, Morand… Không đủ thì giờ để đọc hết những gì trong đó, nhưng câu cuối cùng đập vào mắt tôi là ông chết trong cái nghèo cùng cực. Thiên tài nào thời đó cũng thế, có thoát nỗi sự bất hạnh của ganh ghét, gièm xiểm, hủy hoại của con người đâu.

Tôi lượm về đây những câu tôi đọc được trên cuốn sách khổng lồ đó:
Âm nhạc không có Jazz thì còn gì là âm nhạc, cũng như Jazz mà không có tiếng saxophone thì còn gì là Jazz.
– Chỉ có tiếng saxophone mới có thể chuyên chở được sự dịu dàng, những đam mê câm nín.
– Thế nào rồi ta cũng phải đáp lại tiếng gọi của bóng tối để tìm xem điều gì sầu thẳm thoát ra từ những chiếc saxophone
.
– Không chói chan, không bạo lực mà tròn trịa, mềm mại, xuyên thấu lúc ngân cao, tràn trề và không đứt quãng khi trầm, sâu thẳm ở âm trung. Khoác lên mình những bán âm màu cổ đồng, sax có một điểm đặc biệt, một loại màu nâu hổ phách đầy quyến rũ.

Hôm nay xám lạnh và mưa, tôi lại nhớ màu xám của một nơi rất thương, Bruxelles, nơi có khuôn mặt ai đó thật hiền từ và một bầu trời xám bất tận. Có những buổi khi mặt trời chưa lên, từ cửa sổ khách sạn thức giấc nhìn ra thoạt tiên mây có màu ửng hồng, nhưng chỉ một lát sau thì trời trở xám, ngày nào cũng như ngày nào làm tôi kỳ lạ, ah, dần dần tôi hiểu ra màu ửng hồng đó là đêm tàn của một midnight sun.

Tôi viết lại bài này gởi một hoàng hôn ở Dinant bên giòng sông Meuse ngày nào cùng đôi mắt hiền từ của bạn tôi, và tiếng saxophone của “Étoiles des neiges” trong góc núi cô quạnh một buổi tối êm đềm, người chăn cừu hát ru bên cô gái có ánh mắt dịu dàng.

Bạn yêu dấu,
Đêm đã khuya.
Bonne nuit!

Tống Mai
Virginia, May 7, 2022

 

Thế nào rồi ta cũng phải đáp lại tiếng gọi của bóng tối để tìm xem điều gì sầu thẳm
thoát ra từ những chiếc saxophone
.  Photo: Tống Mai

Âm nhạc không có Jazz thì còn gì là âm nhạc, cũng như Jazz mà không có tiếng saxophone
thì còn gì là Jazz
Photo: Tống Mai

Chỉ có tiếng saxophone mới có thể chuyên chở được sự dịu dàng,
những đam mê câm nín. 
Photo: Tống Mai

Không chói chan, không bạo lực mà tròn trịa, mềm mại, xuyên thấu lúc ngân cao,
tràn trề và không đứt quãng khi trầm, sâu thẳm ở âm trung….
Khoác lên mình những bán âm màu cổ đồng, sax có một điểm đặc biệt,
một loại màu nâu hổ phách đầy quyến rũ. 
Photo: Tống Mai

Công lao chính của nó, theo tôi, là ở cái đẹp nhiều sắc thái của âm thanh, khi nghiêm
trang điềm tĩnh,
khi nồng nàn, khi mơ màng, hoặc u sầu, xa xôi như tiếng vọng yếu ớt,
như lời thở than mơ hồ của làn gió trong rừng,
và hay hơn nữa, như những tiếng ngân
dài bí ẩn của một chiếc chuông sau khi được gióng lên. 
Không một nhạc cụ nào
khác tôi biết đến có thứ âm thanh gây tò mò này
được đặt trên bờ vực
của sự im lặng
Photo: Tống Mai

Photo: Tống Mai

La Maison de Monsieur Sax.  Photo: Tống Mai 

La Maison de Monsieur Sax.  Photo: Tống Mai

La Maison de Monsieur Sax.  Photo: Tống Mai

La Maison de Monsieux Sax – Dinant, Belgique

 

PONT DE DINANT – CHARLES-DE-GAULLE BRIDGE – BRIDGE OF SAX

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

Bridge of Sax – Charles-de-Gaulle Bridge – Dinant

La Citadelle – Thành lũy Dinant

Dinant – Meuse River

 

 

 

28 thoughts on “Tiếng gọi của bóng tối sau những sầu thẳm thoát ra từ những chiếc saxophone – Tống Mai

  1. Mai đã giới thiệu những tuyệt vời của saxophone, những chi tiết và hinh ảnh thật sinh động, xin góp chung với Mai thêm vài chuyện nhé.
    Nếu Adolphe Sax không sinh ra ở Dinant- Belgique, thì chắc chúng ta không biết đến saxophone ngày nay. Thật vậy, xuất phát từ Dinant, nghề “dinanderie-dinandier” thuộc nghệ thuật tạo những sản phẩm bằng gò hàn các tấm đồng, thau… Charles Joseph Sax, cha của Adolphe là người được vua giao cho sản xuất và cung cấp nhạc cụ cho các dàn nhạc trong quân đội lúc bấy giờ. Theo bước cha, sau khi tốt nghệp xuất sắc trường âm nhạc Bruxelles, Adolphe đã sáng tạo nhiều nhạc cụ, trong đó có clarinette basse và saxophone là hai loại kèn sáng chói nhất của Sax. Âm thanh của saxophone là phối hợp của sự mềm mại của đàn dây, sự biến tấu của gỗ và cường độ của kim loại đồng, đó là mục đích Adolphe đã cho ra đời saxophone. Nếu trompette, trombone… được xếp vào loại kèn đồng vì được làm bằng đồng, vậy saxophone thuộc loại kèn gì? Kèn đồng? Không, nó được xếp vào “kèn gỗ” vì âm thanh của nó phát ra từ “bec” bằng gỗ.
    Tại sao Jazz cần saxophone? Âm thanh của saxo phù hợp với các loại nhạc, nhất là trong Jazz, tiếng saxo rất gần với giọng của người, với giọng các ca sĩ và đây là nhạc cụ cho những âm thanh như giọng hát đầy biểu cảm và thâm trầm của những người da đen.
    Cuối cùng có một điều, có thể chúng ta thích thú, biết nhiều, nói nhiều về những bản Jazz hay, nhưng có lẽ chúng ta ít biết về sự đóng góp của saxo và về cha đẻ của nó, điều đáng buồn hơn cả, chắc Mai cũng đồng ý, La Maison de Monsieur Sax, một ngôi nhà quá khiêm tốn ở một nơi khá “bình dân” so với những gì mà saxophone đã góp phần cho nền âm nhạc của chúng ta ngày nay. Phải không Mai…

    Bonne nuit!

      1. Petite Fleur: N’aie pas peur, cueillie au fond d’un coeur, une petite fleur jamais ne meurt
        youtube.com/watch?v=HvAHjWRl6mU

        J’ai caché
        Mieux que partout ailleurs
        Au jardin de mon coeur
        Une petite fleur

        Cette fleur
        Plus jolie qu’un bouquet
        Elle garde en secret
        Tous mes rêves d’enfant
        L’amour de mes parents
        Et tous ces clairs matins
        Faits d’heureux souvenirs lointains

        1. Petite fleur.
          Mai nhớ đó là một trong những bản chơi bằng saxophone hay nhất trong Maison de Monsieur Sax:

          Dấu trong góc vườn của tim tôi là một bông hoa nhỏ. Bông hoa này đẹp hơn bất cứ bó hoa nào vì nó ấp kín tất cả những giấc mơ thời thơ ấu của tôi, của tình yêu bố mẹ và những buổi sáng trinh mơ của thuở hồng hoang. Giữa những bụi nhơ của đời, em vẫn là nỗi bình yên của tôi. Tự thuở nào, tôi đã dừng chân để thở mùi hương của bông hoa bé nhỏ thương yêu. Không còn gì phải sợ nữa khi trong tim có một đóa hoa không bao giờ tàn.

          1. Đọc lại bài viết Dinant và Saxo này của Mai quá hay và xúc động, có lúc ứa nước mắt. Mai thật tài tình.

  2. Lời tỏ tình của Mai cho Jazz và Saxophone thật dễ thương.
    Những dòng chữ nhảy múa dịu dàng, thiết tha lẫn hân hoan, có phải bạn mình muốn chia xẻ niềm hân hoan?

    Mai viết về những buổi tối đi nghe nhạc Jazz ở quán nhỏ của DC, Ng tưởng tượng thật tình ấm cúng lắm đó.
    Rồi những hình ảnh và lời giải thích nơi Mai đã thăm viếng, Dinant và những con đường cùng cây cầu Charles-De-Gaulles mà hai bên đường có những chiếc Saxophone to lớn với đủ màu sắc thật vui mắt (trái với âm thanh của nó thường dùng cho những bản nhạc buồn).

    Mai với nét nhìn nghệ thuật và tâm hồn nên làm mình cứ muốn xem đi xem lại hoài những hình ảnh này.
    Cám ơn Mai đã share, Ng thấy như được theo Mai đi thăm những nơi chốn này.

    ** Ng. có người anh cũng thích nhạc Jazz nhiều như Mai .
    Mấy năm trước đây anh ấy có tặng cho Ng CD của Sonny Rollins, Ng không rành chi mấy về nhạc Jazz, lúc nghe Ng chỉ cảm thấy thích nhất là bài “Blue Seven” và sau đó 2 bài nữa là “All The Things You Are” và “I Know That You Know” nên mỗi khi mở CD Ng chỉ nghe nhiều nhất là Blue Seven rồi nghe thêm 2 bài kia là thôi vì vậy mà bài ” I’m an old cowhand ” cũng có trong CD này mà Ng không biết đến.

    1. Cám ơn Nguyệt Ca!

      Mai cũng có cd này của Rollins và bài “Blue 7” là nhất trong album, nghe dòn dã rực lửa hay quá.
      Ông có chơi bài “You don’t know what love is until you know the meaning of the blue, until you reach dawn with sleepless eyes you don’t know what love is” Mai cũng thích lắm, nhưng version vocale của John Martyr thì Mai mê hơn:
      youtube.com/watch?v=wpL-HTXtQF0

  3. Rứa là Mai đi trước anh mấy bước rồi. Khi qua đây và đi làm vào đầu năm 82 anh mới làm quen với nhạc jazz một cách serious, vì mấy đồng nghiệp trong sở đều khoái nhạc jazz (ông boss lúc đó chơi trumpet). Đính kèm là một khúc nhạc anh thích của một tay chơi tenor sax thuộc loại “10 best in the world”, đố Mai đoán được. Lần ni cá “all in” đó nghe, được ăn cả ngã về không đó!

    1. I’m an old cowhand.
      Mercer / Sonny Rollins

      Yippie yi yo kayah : )
      Anh nói sẽ không đố nữa sao lại vẫn đố. Lần này may Mai chưa bí vì anh lại chọn 1 bài dễ nữa. Cá “all in” là nghĩa gì?

      1. Đã nói là không đánh cá với Mai nữa nhưng “cái máu cờ bạc” hắn nổi lên nên có bao nhiêu đặt cược hết (trong poker gọi là all-in).
        Nhưng chẳng lẽ lại chọn một bài không ai biết hết thì lại không fair nên phải chọn bài nổi tiếng cho dù biết có thể bị thua.

  4. Tự dưng em đoán hôm nay chị sẽ đăng bài mới, và đúng như thế. Em thấy nhạc cụ nào cũng hay. Chị yêu saxophone, em thì rất mê violin.

    1. Chị cũng mê violon, cái âm thanh nức nở đó … Les sanglots longs, des violons de l’automne, blessent mon coeur d’une langueur monotone, Mùa thu nức nở tiếng thở dài, Tiếng vĩ cầm buồn ơi mùa thu ơi, Lòng ta khốn khổ với mỏi mòn, Tiếng thu buồn, buồn ru điệu ru đơn…

      Chị vui buổi sáng thức giấc thấy Hạnh.

    1. Dù đã xem nhiều lần bài viết này của Mai, Ng vẫn muốn xem tới xem lui và ngắm nhìn hình ảnh đẹp nhiều lần nữa vì như Hà đã comment “ Ảnh và văn đều tuyệt vời “ Ng cũng cảm thấy như vậy.
      Tấm hình Mai với cây Saxophone khổng lồ trên cầu Charles- De- Gaulle nhìn Mai tuơi vui và trẻ trung như em học sinh Trung Học , rất dễ thương.
      Sáng hôm nay chủ nhật, ở Bourges của Ng trời có nắng đẹp, Ng mở CD của Sonny Rollins và nghe nhiều lần bài “ I am an old cowhand “ mà lúc trước Ng đã không chú ý.
      Nhờ đọc bài viết của Mai mà mỗi lần nghe lại CD của Sonny Rollins Ng càng cảm thấy hay hơn. Chắc Ng phải nói cho anh H. biết và cám ơn anh ấy thêm lần nữa.

      1. Quên chưa khen là Mai dịch rất hay. “Đam mê câm nín.” Rất tuyệt. Đi du lịch kiểu này thật đáng đồng tiền bát gạo Nguyệt nhỉ? Cảm ơn đã cất công viết dịch chụp ảnh để tặng cho cuộc đời. Thật là một tác phẩm nghệ thuật đó Mai. Hà rất lười comment, nhưng bài hay quá nên cũng thấy “ngứa mồm” thật ra là ngứa ngón tay. Hà nghe saxophone từ Coltrabe, Parker, Davis, nhưng thú thật nếu không có Mai và các vị sành điệu bạn của Mai thì Hà chưa biết Sonny Rollins. Thư viện địa phương có một vài CD của ông, để Hà nghe thêm.

        1. Cám ơn Hà!
          Rollins thì Mai chỉ thích những bài soulful của ông.

          Nếu có dịp nghe một buổi jazz live trong một quán nào đó thì mới thấm được cái xoáy hút của nó, thấy đời đẹp vô cùng. DC có vài quán nằm khuất trong hẽm tối, đèn cầy, nhỏ hẹp nên tiếng sax quyến rũ kinh khủng.

  5. Mai gửi bài viết và hình những chiếc Saxophone được trưng bày rất đẹp, đúng ngày sinh nhật TMT.

    1. Thật là trùng hợp kỳ diệu, khi Mai gởi bài này cho Diệu thì nghĩ đến Trần Mạnh Tuấn, không ngờ đó là món quà SN không định trước cho TMT. Mai còn nhớ 10 năm trước hay vào quán Jazz của TMT ở Saigon nghe TMT thổi saxophone cho đến khuya… Going Home, Người ơi người ở đừng về, Con mắt còn lại….trong một quán nhỏ ấm cúng.
      Mai cầu nguyện cho tất cả sẽ qua đi và TMT trở lại sân khấu với chiếc saxophone huy hoàng như ngày nào. Mai tin TMT sẽ trở lại. Người thổi saxo tuyệt vời nhất VN sẽ trở lại Diệu ơi.

  6. ôi chao, Saxophone sâu thẳm! cảm ơn Mai đã mở cánh cửa cho tôi nghe những âm thanh không diễn tả được bằng lời! Từ nghe đến biết nghe là chặng đường dài lắm, tôi mới ở đâu đó giữa chặng này…
    P.S. không hiểu sao khi mở bài này font chữ bị lộn xộn quá, nhiều chỗ vừa đọc vừa đoán

    1. Mai cũng chỉ đang treo lưng chừng giữa Jazz và saxo thôi.
      Cám ơn Kien-Anh đã “vừa đọc vừa đoán” nhưng Mai không hiểu vì sao, Mai có hỏi vài người check cho Mai nhưng ai cũng đọc được. Kien-Anh thử đổi browser xem sao, như dùng Firefox chẳng hạn.

  7. Âu Châu có những điều hay ghê. Những cái saxophone khổng lồ em chui vào cũng được.
    Không ngờ Bỉ là nước sáng chế ra nhạc cụ tuyệt vời đó.

    1. Ui, còn nữa. Tintin, Asterix, Smurfs, Lucky Luke đều là của Bỉ : )
      … Chocolate, waffle
      Passport mới của Bỉ dùng hình ảnh của Tintin, Asterix, Lucky Luke…trên đó. Dễ thương ghê.

Leave a Reply