Feb 16, 2021 (TM)
Người con gái trong “Nguyệt Ca” của Trịnh Công Sơn có khuôn mặt đẹp thanh thoát có thể vời được đàn chim non mầu sắc xinh đẹp trong kinh A Di Đà vào vườn xưa lá xanh tươi, để rồi từ đó lần hạt cho câu kinh bước tới. Người con gái đó còn có một giọng hát dịu dàng.
Không dễ gì chuyên chở được “Phôi Pha”, thế mà Nguyệt đã gây được cảm xúc cho người nghe bằng giọng hát đằm thắm không trau chuốt của mình. Nguyệt ơi, Mai muốn viết một điều gì đó về bản nhạc nhưng đã có quá nhiều tản mạn ngoài kia, nên đành trích một đoạn của chính Trịnh Công Sơn viết dưới đây. “Phôi Pha” ra đời khi TCS chỉ mới hai mươi mốt tuổi, Mai nhớ “Stairway to Heaven” của Led Zeppelin khi Jimmy Page cũng chỉ mới hai mươi. Tuổi đời ngắn sao thân phận lê thê.
Có những ai xa đời quay về lại nơi cuối trời làm mây trôi!
“Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ em đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có những lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảnh chập chờn.
Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai nay mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gởi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.
Mùa xuân là bờ hay bến? than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái bến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người -đến đến – đi đi cứ mộng vờ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ – bến bến, không biết nơi nào để neo lại một thân thể phiêu bồng.
Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lung mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.
Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than…
Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru chập chờn một đốm lửa chiều…
Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng thối thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em tôi không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cũng là bến. Em và tôi cũng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi cũng mất hết những ký ức về bờ. Bến ở đâu và bờ ở đâu?” (Trịnh Công Sơn 1-2-1994)
Tống Mai
(Viết cho người bạn và người chị.
Bon anniversaire Nguyệt!)
Phôi Pha
Trịnh Công Sơn
Tiếng hát: Minh Nguyệt
TCS tập hát cho Nguyệt – Bức hình nằm ở Bình Quới, SG nơi tưởng niệm TCS
Nguyệt Ca: Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới:
https://khungcuahep.com/nhac/nguyet-ca-dan-chim-non-lan-hat-cho-cau-kinh-buoc-toi.html
“Phôi Pha” đứng chập chờn giữa tan nát của thế giới, nhắc cho ta cái không của cuộc đời.
Cám ơn Mai đã cho nghe lại bản nhạc và Bon anniversaire Nguyệt Ca!
Cám ơn N.H. rất nhiều!
“Không còn ai đường về ôi quá dài những đêm xa người”.
Mai đặc biệt thấm câu này trong lúc này. “Xa người”: sự vắng mặt của một đấng thiêng liêng nào đó, là Chúa, là Phật?
Sáng nay thức dậy, mở mail là đã thấy những lời chúc và quà của Mai cho sinh nhật của Ng. Mai đã thức khuya ở bên đó để kịp gửi cho Ng nhận lúc sáng sớm ở đây, thật cảm động vô cùng.
Mai lúc nào cũng ý tứ và tinh tế chuẩn bị cho Ng món quà sinh nhật thật đặc biệt.
Mai giỏi quá, sưu tầm đâu ra được một bài viết đã lâu của anh Sơn với đầy tính triết lý thân phận con người .
Cảm xúc và niềm vui khi nhận lời chúc mừng từ người bạn mình thương quý cũng là niềm hạnh phúc ngập tràn để bắt đầu ngày thêm tuổi mới.
Cám ơn Mai nhiều lắm lắm . ❤️💕❤️💝❤️💕
Bên này sau bên kia 6 tiếng nên Mai phải canh giờ bên kia thức dậy ngày mới thôi.
Đó là một cái thú.
Bon anniversaire Nguyệt!
Nhìn nét đẹp thanh thoát thơ ngây mà không khỏi buột miệng… hèn gì những lời ca thoát tục trong Nguyệt Ca.
Cám ơn chị Mai đăng những hình ảnh này. Gái Huế nỗi tiếng đẹp không ngoa.
p.s. Hihi, em ngắm mãi áo của chị Mai trong tấm cuối.
Trích: Cổng Trường Vôi Tím của Nhã Ca (tr. 35-39)
Nhà tôi cũng như nhiều nhà khác, trước mặt nhà có xây bình phong bằng vôi, có gắn hai con rồng bằng miểng mảnh sành. Ở Huế, nhà nào có phong độ một chút đều phải có cái bình phong che trước cửa nhà, giàu thì xây gạch, gắn rồng gắn phượng, nghèo thì trồng hàng chè tầu rồi cắt theo kiểu bình phong. Miễn là trước mặt nhà được che kín.
Tôi đi vào phòng thay quần áo. Cái đàn bát thật to còn để trên bàn. Tối qua cúp điện, tôi phải học bài bằng ngọn đèn đó. Tôi bật thử điện coi có không, ngọn điện sáng chói. Tôi tắt đi và nhìn ra ngoài vườn. Lá cây xào xạc, lòng tôi chan hòa hạnh phúc. Không hiểu tại sao cứ nhìn thấy lá cây xào xạc, thấy trời xanh, lòng người cứ dạt dào những mến thưong êm đềm. Tôi nghĩ tới bến sông và muốn tắm. Suốt con đường Vỹ Dạ, hầu như nhà nào cũng có một bến sông, bến sông được che kín bởi những cây sung, những tàng lá tràn ra bờ. Thôn Vỹ Dạ của tôi nổi tiếng là thơ mộng, chả thế mà thi sĩ Hàn Mạc Tử đã yêu một cô gái Vỹ Dạ, cũng dạy học ở trường Đồng Khánh. Hàn Mặc Tử đã nhìn thấy bến sông, đã nhìn thấy vườn cây, lá cây xào xạc và lòng chan hoà hạnh phúc, đã viết: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền. Tôi cũng mơ ước được ca tụng như thế, tôi còn trẻ, tôi đủ mơ mộng, đủ lãng mạn, đủ nhan sắc để nhận những vần thơ như thế hoặc hay hơn. Khuôn mặt chữ điền, người yêu của Hàn Mặc Tử bây giờ đã mất trong những vườn cây, chúng tôi là những khuôn mặt mới.
Tôi ra vườn, nắng còn heo hút nuối tiếc trên lưng lá cây màu sáng. Tôi đi dưới những tàng lá, vẹt ngang những tàng lá. Khu vườn nhà tôi lâu đời, nhiều cây lớn nhỏ mọc không đều, trông có vẻ luộm thuộm nữa là đằng khác, nhưng mỗi cây cối đã có tình riêng với người nhà, cây cối nào đối với tôi cũng quen mắt, thân thuộc.
Tôi ra bến sông, ngồi trên những bậc đá dẫn xuống bến, dưới chân tôi là tảng đá lớn bằng phẳng, con ở thường vẫn giặt quần áo nơi tảng đá lớn này. Tảng đá đã nhiều năm, được kỳ cọ sạch sẽ . Đã nhiều lần tôi tắm sông, nằm dài trên tảng đá và có những giấc ngủ ngắn.
Tôi lượm những ngọn lá tre khô thả xuống mặt nước. Bến sông ăn sâu vào trong đất, có chỗ nước đọng, những lá tre lẩn quẩn không chịu trôi ra dòng, tôi lấy một cành tre đẩy ra xa, có những chiếc còn xoay vòng lưu luyến. Tôi nhớ tới buổi học, tới những nghịch ngợm của tuổi học trò và mỉm cười một mình. Đời tôi như chỉ ngắn bằng con đường từ cổng nhà tới cổng trường vôi tím, lan man chút nữa thì trong thành phố quạnh hiu này . Ở Huế tất cả mọi con đường đều có vẻ tê liệt trừ những giờ học sinh tan trường.
Gió vẫn xào xạc bên tai, gió từ mặt sông thổi mát rượi, lồng trong lá cây, những cành trúc la đà xuống tận mặt nước. Con Phù Dung đã biết mơ màng. Trong chiếc đầu nhỏ bé của tôi có những tiếng kêu trong suốt, tiếng kêu của những ngày vui, cúa tuổi nhỏ, của thời mơ mộng. Tôi đọc những bài thơ của một số thi sĩ tôi ưa thích. Những bài thơ này được tôi chép cẩn thận trên những tờ giấy pơ-luya màu xanh màu hồng. Từ hai năm nay, tụi nhỏ chúng tôi bắt đầu tìm chép những bài thơ của các thi sĩ lớn . Những bài thơ tình cúa Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên. Mấy chị lớn học đệ nhất đệ nhị người nào cũng thuộc lòng thơ Tuấn Khương. Những tập thơ màu hồng màu xanh được truyền tay nhau trong lớp, các cô thức đêm để chép. Có nhiều lúc tôi thức tới một hai giờ sáng để chép cho xong những bài tôi thích. Tôi có một bài thơ của Phạm Hầu, bài thơ này tôi rất quí và chắc chỉ mình tôi có. Tôi thường đọc cho tụi bạn nghe nhưng không cho chúng nó chép lại. Bài thơ đó cũng báo hiệu những ngày lòng tôi chớm rung động. Một người ở xa gửi cho tôi lá thư kèm theo bài thơ đó. Có thể về sau này tôi thấy kém hay đi, nhưng với tuổi tôi, chưa có bài thơ nào làm tôi yêu đến thế Bài thơ đó ký tên Phạm Hầu, một cái tên lạ, tôi không biết gì về tiểu sử của thi sĩ này. Khi một mình, tôi thường nhớ tới, và như lúc này, tôi không thể không đọc.
Đêm qua không ở nơi trần gian
Một chàng hào hoa như Tống Ngọc
Một nàng yểu điệu như Văn Quân
Nói chuyện ái ân, mượn tiếng đàn
Nàng khóc bằng tay trên phím đàn
Những ngón tay dài như lệ sa
Một điệu đàn van lời tỉ mỉ
Sầu xuôi dòng bên tình phù sa
Sắc người êm đềm câm như hoa
Duyên người thầm kín, duyên thướt tha
Nàng ôi! Tay măng gầy xinh đẹp
Đẹp nhờ âm nhạc hay nhờ ma
Chàng ngã hồn trong ánh mắt ai
Của nàng khi nhạc riết mê ly
Chàng xin tay ngọn thôi ve vuốt
Đến phím sau cùng là biệt ly
Nàng thả ngày xanh trên sóng đàn
Với đôi tay đẹp gọi tình nhân
Nàng yêu chàng có hồn như biển
Đôi mắt thơ chàng như ải vân
Bài thơ này người thi sĩ Phạm Hầu làm từ năm 1940, lúc đó tôi chưa ra đời, tôi biết thế vì ở dưới bài thơ có ghi năm hàng trên tên của thi sĩ. Tôi yêu nhất hai câu cuối: Nàng yêu chàng có hồn như biển. Đôi mắt thơ chàng như Ải Vân. Đẹp như thế, thơ mộng như thế, làm sao tôi không ước ao tôi sẽ có một đôi mắt thơ, đôi mắt thơ chàng như ải vân. Chao ôi, tiếng thơ như rót nhẹ vào lòng tôi, cô gái mới lớn, đang còng được ươm trong nắng vàng, trong lá xanh, trong cổng trường vôi tím những mơ ước lịm người.
Tôi nhớ tới bản nhạc đang tập dang dở. Tôi bắt đầu biết mê âm nhạc sau mê thơ khi đọc và thuộc lòng bài thơ trên. Tôi mỉm cười khi nhớ tới tụi bạn trong lớp, kể cả Cẩm Lệ đã đi theo năn nỉ mượn bài “Dạ Nhạc” trên để chép. Đã có những vụ hờn lẫy vì sự ích kỷ của tôi. Nhưng tôi biết làm thế nào được. Trên đời này chỉ có một người thơ mà đôi mắt thơ chàng như ải vân, và chỉ có một Phù Dung thôi. Một Phù Dung với những ngón tay dài như lệ sa.
Ánh nắng đã trôi dồn cho một bình minh của phương trời khác. Buổi chiều trong vườn cây thật lặng lẽ, ngoài tiếng gió, tiếng lá xào xạc. Dòng sông êm như mơ. Bên kia sông là lau lách, là những mái nhà bị che khuất bởi vườn cây, bởi những bến sông. Đời có bao nhiêu bến sông, và tôi còn ngồi ở một bến.
Một con thuyền từ phía dưới ngược lên thành phố . Người đàn bà lái đò lặng lẽ chèo, nhưng tôi nghe như từ mặt nước bốc lên một giọng hò, như lãng đãng vương vất từ những đêm trăng.
❤️❤️❤️❤️❤️
Giọng hát của chị Minh Nguyệt rất đi đôi với hình ảnh khi còn là thiếu nữ trong tà áo trắng trong trắng của chị. Chúc mừng sinh nhật chị Minh Nguyệt!
Chị cám ơn Hạnh nhiều lắm.
Cám ơn chị Tống Mai – Khung Cửa Hẹp, nhờ đó tôi mới biết được người con gái trong Nguyệt Ca bằng hình ảnh, thơ mộng như lời ca của bài hát!
Chép lại một đoạn tôi ghi mấy năm trước khi nghe Nguyệt Ca gửi chị đọc giải trí.
thân mến,
Vũ Hoàng Thư
**************
Nguyệt Ca là một trong những bài của TCS mà tôi yêu thích. Trăng-Nguyệt-Em-Tôi quyện lấy nhau trong lời ca.
Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia
Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ
Lại nữa, khi nghe không thể không nghĩ đến nhiều ẩn dụ Phật giáo qua lời ca của bài này, có thể không nhất thiết là TCS cũng suy nghĩ như vậy. Âm nhạc, thi ca đánh thức sự liên tưởng từ người đọc, người nghe về một giá trị chân thiện mỹ nào đó. Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới là một lồi chơi chữ tài tình của TCS. Loài chim ăn hạt trái làm ta nhớ đến lần hạt câu kinh. Từ khi Trăng là Nguyệt, trăng đã có tên đặt, như sự vật có danh tướng. Danh tướng nẩy sinh phân biệt, có cái này và cái không-phải-cái-này đối lại. Đó là thế giới nhị nguyên, đau khổ phát sinh từ biện biệt. Từ đó có tim bối rối, có cánh diều vui và có mặt trời, hân hoan đời gõ nhịp, đầy đủ hỉ nộ ái ố. Cho đến khi, Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra, ta không còn chấp nhất danh xưng, ta đã giác ngộ. Ta nhìn thấy Trăng như là Trăng, không phải cái Trăng nhị nguyên thuở trước. Thấy sự vật như là cái-đang-là. Bây giờ CÓ và KHÔNG vốn một như lời kinh Bát Nhã : Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ. Bây giờ tôi trở về cái tôi uyên nguyên : Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia… Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la… Mọi buồn vui là chuỗi duyên khởi không có lúc bắt đầu cũng như khúc cuối : Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ. Từ khi Trăng thôi là Nguyệt, trăng là trăng vô tướng, trăng là trăng ban đầu, trăng uyên nguyên, tôi không còn trí nhớ về những chồng chất của vô thường, những thèm khát ảo vọng của những điều không thật, về thế giới giả tưởng này. Không trí nhớ ở đây là tâm vô niệm, vô trú, không còn bị ràng buộc vì những thế sự không đâu, không còn vật vã vì cái trí nhớ huyễn hoặc xây dựng trên ảo giác. Từ đó tôi như đứa bé dại khờ. Trẻ thơ là một ẩn dụ của cái bắt đầu, vô nhiễm. Trăng bây giờ thành vô vi là vì vậy. Khi tôi không bị định nghĩa bằng danh xưng, bó rọ vào một ước lệ nào đó, tôi bao la, tôi trở thành tất cả, Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên.
Vũ Hoàng Thư
July 6, 2009
Cám ơn anh Vũ Hoàng Thư với lời bình sâu sắc , đầy tính triết lý , thiền hành và Phật pháp cho bài hát “ Nguyệt Ca “ của anh Trịnh Công Sơn .
Cám ơn anh rất nhiều .
Xin cám ơn và rất hân hạnh được biết chị Minh Nguyệt, nguồn cảm hứng cho anh TCS viết Nguyệt Ca, cũng như giọng hát quyến rủ “Phôi pha” ôm lòng đêm…
vht
Ôi, một bài phân tích độc đáo!
Câu “Từ khi trăng thôi là Nguyệt” được diễn dịch rất hay và rất đại bi, rất Bát Nhã, khác hẳn với sự diễn dịch của những tác giả khác.
Cám ơn anh Vũ Hoàng Thư và cám ơn anh đã ghé thăm Khung Cửa Hẹp của Mai.
Cám ơn chị Tống Mai đã có lời cổ động. Chỉ là hý luận cho vui vì khi Trăng thôi là Nguyệt chẳng cần phải nói thêm điều gì.
Tôi cũng mới gặp gỡ Khung Cửa Hẹp gần đây nhưng rất ngưỡng mộ những tấm hình cũng như bài viết của chị. Không chỉ kỹ thuật mà còn nghệ thuật cao. Từ đó nghe được lời tự sự của đêm, giữa ánh sáng và bóng tối và những “nuit blanche”…
Cám ơn đã cống hiến cho đời một chỗ dừng chân thật đẹp, Khung Cửa Hep!
vht
người thi sĩ ấy
nhìn kia
đầu gã. đội nón rơm
đi bắt nắng. mùa hè
trong khu vườn
có tiếng chim. vương phủ. của tôi
chợt. chiều xuống
cùng lắng nghe
điệu blues xa
khi ánh dương. của dã quỳ
gục đầu
trong tiếng kèn đồng. nức nở
ôi. chỉ là một thoáng thôi
một thoáng của phượng. nội thành
hay bóng hải âu
trên cánh buồm bão tố
nha trang
trời xưa. của gã đó
vũ hoàng thư
(Nguyễn Xuân Thiệp)
* * *
ở vườn xưa
có tiếng chim
ngọt lên khuyên hót
xô chìm sóng khơi
ở vườn xưa
dậy mốc ngời
để tôi ấn tích
rối bời dấu chân
…
ở quê xa
những cơn mưa
bay nghiêng cuối ngõ
dầm đưa kéo vềở nửa khuya
tôi chợt nghe
giữa mùa thu
có gió hè
qua hiên
ở nửa khuya
nỗi ưu phiền
chợt vô thường
tiếng suối huyền reo vui
(Vũ Hoàng Thư)
Ui… sao mà hay vậy! Thiệt là vui! Cám ơn chị Tống Mai về sự đồng cảm [nếu có, if I may].
vht