Jan 19, 2018 (TM); Dec 5, 2020 (TM)
The dark side of the moon.
Tôi chưa bao giờ biết đến phía bên kia của mặt trăng, phía mà ta không bao giờ thấy được.
Phía tối bên kia của trăng? Thật sự có tối không?
How do you know if the other side of the moon is dark?
Tôi hỏi.
Hỏi những bức tranh của ông? Hỏi khuôn mặt thất thần xanh xao mây phủ, hỏi đôi mắt hoảng hốt, cánh đồng cuộn vàng vùng vẫy trong gió? Hỏi những khuôn mặt tăm tối bùn lầy, túp lều lẻ loi trong đêm?
Tôi chảy nước mắt khi đứng trước những bức tranh. Tất cả đều nằm ở đây: cái đẹp, cái khốn khổ, cái cô độc, cái mất trí… Những bức tranh như la hét, vùng vẫy trước mắt mình.
Tôi biết ông biết điều gì đằng sau phía tối của mặt trăng. Tôi biết ông đã từng ở đó, nếu không thì làm sao thế giới có được những bức tranh bất tử kia. Tôi thấy phía tối của mặt trăng trong tranh của ông, nhất định ông đã từng ở đó. Những bức tranh thuộc về phía tối của trăng, của cái thế giới bị dán nhãn là “bất thường”, vì trật bước với “bình thường” của xã hội.
Tôi có thích những bức tranh của ông không?
Tôi thấy thương thì đúng hơn, xót xa thì đúng hơn, bị thôi miên thì đúng hơn. Dặn lòng phải tìm xem cho hết ít nhất là những bức nổi tiếng, có nghĩa là phải đi rải rác khắp nơi mà tìm. Nhưng tôi quyết làm cho được trong khả năng của mình. National Gallery of Art ở Washington DC gần nơi tôi ở chỉ có vỏn vẹn 7 bức permanent collection, trong đó có hai bức lừng danh là The Roses và Self-Portrait with Palette ông bằng lòng nhất vì phản ảnh một Van Gogh trung thực. Bức Starry Night thì tôi thấy ở Museum of Modern Art ở New York; Wheatfield with Cypress thì ở Metropolitan Museum of Art.
Kho tranh lớn nhất thế giới của ông thì nằm ở Amsterdam, Van Gogh Museum (Van Gogh Foundation). Và còn một Fondation van Gogh ở Arles nữa.
Đi Hòa Lan thì bao giờ cũng hớn hở vì tôi rất mê cảnh đồng quê bên đó. Đã vài lần đến thăm nhưng lúc nào tôi cũng tránh Amsterdam, dị ứng với thành phố quá lầy nhầy bết bát, nhưng bên cạnh cái lầy nhầy đó là một viện bảo tàng thiên đường tranh Van Gogh có hàng triệu khách viếng mỗi năm. Hôm nay tôi ghi lại những gì tôi thấy, ngày thứ Sáu đúng hai tuần tôi ở trong viện bảo tàng đó với bạn mình.
Tất cả những gì tôi đi tìm: The Potato Eaters, The Hut, The Garden at the Asylum….đều có ở đó. Nhưng một bức tôi muốn xem, The Bedroom in Arles, lại bị đem cho Japan mượn cho buổi triển lãm Van Gogh & Japan.
Van Gogh Musem Amsterdam có hai tòa nhà, Rietveld chứa tác phẩm của ông, và Kurobawa của các họa sĩ khác.
Rietveld có 3 tầng trưng bày 200 bức tranh, 400 phác họa và 700 lá thư của Van Gogh. Tranh được xếp theo thời gian qua những nơi ông sống suốt cuộc đời sáng tác của mình: Nuenen ở Netherlands, Paris, Arles, Saint-Rémy và chấm dứt ở Auvers-sur-Oise.
Đây là nơi lưu trữ tranh nhiều nhất của ông. Sau khi ông mất, Theo, em trai của ông thừa hưởng toàn bộ và khi Theo mất 6 tháng sau đó thì vợ của Theo đưa những tác phẩm trở về Netherlands và nỗ lực phổ biến những kiệt tác này cùng với 700 bức thư ông viết. Năm 1994, tiếng tăm những tác phẩm này đã lan tràn khắp thế giới cùng thảm kịch cuộc đời ông bày ra qua những bức thư.
Tôi dừng lại quá lâu trước mỗi bức nên không chụp được hết những gì tôi muốn. Có những nơi họ để cho chụp hình tự do, nhưng có những nơi không, tôi không hiểu vì sao, thế nên tôi rất biết ơn những tấm bạn tôi chụp được mà không bị nhân viên an ninh thấy. Cám ơn bạn tôi những hình ảnh đã bổ túc thêm cho bài viết này. Chưa bao giờ tôi thấy tranh của ông nhiều đến thế, và lạ đến thế, chiếm những 3 tầng lầu. Tim đập bình bình, trời ơi, từ một gallery ở gần nhà sở hữu chỉ vỏn vẹn 7 bức Van Gogh mà bây giờ lạc vào một rừng làm tôi xúc động. Bạn tôi bình tĩnh hơn, đi qua từng phòng lặng lẽ bấm máy.
Đây là một vài hình ảnh tiêu biểu xếp theo thời gian từng nơi ông ở mà tôi và bạn tôi chụp được:
Nuenen, Netherlands (1880-1885):
Nổi tiếng với bức Potato Eaters, thời gian ông sống hòa mình với dân nghèo ở đó. Những khung vải phản ảnh đời sống cùng cực của họ … xám, bùn, bụi bặm. Nhìn kỹ bức Potato Eaters có thể thấy bụi mù chung quanh những khuôn mặt có màu bùn như màu của những củ khoai đào ra từ đất xám. Bức tranh này là lý do của chuyến đi của tôi.
Những bức tiêu biểu:
–Congregation leaving the Reformed Church
–The Cottage
–Avenue of Poplars in the Autumn (Người đàn bà mang khăn tang đi giữa hai hàng bạch dương)
–The Potato Eaters
-The Vicarage at Nuenen
–Still Life with Bible: Cuốn thánh kinh nằm bên cạnh cuốn La Joie de vivre của Emile Zola mở ra ở trang Ísaiah 53 tiên tri sự xuất hiện của đấng Cứu Thế. Hai cuốn sách tương phản nhau về triết lý của cuộc đời.
–Pollard Birches
Paris (1886-1888):
Năm 1886, Van Gogh lên Paris để sống với người em trai Theo của mình, người đã hỗ trợ ông cả tài chánh lẫn tinh thần. Ở đây, ông ảnh hưởng khuynh hướng post Impressionism trong đó có Gauguin bạn thân của ông và những họa sĩ đương thời Emile Bernard, Toulouse-Lautrec, Paul Signac và George Seurat. Ông bắt đầu đam mê nghiên cứu màu sắc và ngả về những gamme màu rực rỡ, sáng chói, nét vẽ táo bạo tách rời sắc u tối của những năm còn ở Nuenen, dùng màu sắc hài hòa nhau như vàng bên lục và đối nghịch nhau như đỏ bên lục, xanh bên cam, hay vàng bên tím.
Những tác phẩm tiêu biểu:
-Vase with Chinese Asters and Gladioli
-Shoes: Đôi giày của người nghèo lao động. Bức vẽ như một biểu tượng của đường đời khốn khổ của con người.
-Self Portrai in Staw Hat
-Prawn and Mussels
-Grapes
-Wheatfield with Partridge
-Flowring Plum Orchard
-Path in Montmartre
-Restaurant in Asnieres
-Montmartre
-By the Seine
-Red Cabbage and Onions
-Quinces, Lemons, Pears and Grapes
-Cafe Table with Absinthe
-Blue Delphiniems
Có những bức họa lại tranh của Hiroshige, một trong những bức đó là The Flowering Tree in the Garden of the Teahouse in Kameido mà tôi rất thích nhưng không có mặt ngày tôi đến vì đã được cho một viện bảo tàng nào đó mượn.
Arles (1888-1889):
Miền Nam của Pháp.
Những tác phẩm tiêu biểu:
–Sprig of Flowerng Almond Blossom in a Glass.
-Sunflowers
-The Pink Peach Tree
-Farmhouse in a Wheatfield
-Wheatfield
-The Harvest
-The Sower
-Orchard in Blossoms
-Langlois Bridge
-Fishing Boats on the Beach at the Saintes-Maries-de-la-Mer
-Seascape
-The Yellow House
Nơi đây ông bị chứng epilepsy lẫn bệnh tâm thần và trong một cơn khủng hoảng cắt vành tai trái của mình.
Saint-Rémy (1889-1890):
Những tác phẩm tiêu biểu:
-Almond Blosssoms
-Irises
-Wheatfield with Reapers
-The Garden at Saint Paul Hospital
Đây là nơi ông nhập viện tâm thần Saint-Paul-de-Mausole phía Nam nước Pháp. Màu sắc rực rỡ ông dùng ở Arles trở nên dịu hơn và nét vẽ có hệ thống hơn. Mặc dù bị hành hạ vì chứng epilepsy, chứng hoang tưởng, tình trạng thiếu ăn, có lúc trong cơn khủng hoảng ông đã uống sơn dầu của mình và bị quản thúc không được vào phòng vẽ của mình ở bệnh viện, ông cũng tạo ra được 140 tác phẩm trong 13 tháng ở Saint-Rémy, trong đó bức Irises và Self–Portrait cuối cùng là tự họa ông hài lòng vì phản ảnh trung thực nhất khuôn mặt của mình. Bức tranh hiện tại là sưu tập vĩnh viễn của National Gallery of Art ở Washington.
Auvers-sur-Oise (1890):
Năm 1890, ông được ra khỏi viện tâm thần và dọn đến ngôi làng yên tĩnh Auvers-sur-Oise phía Bắc của Paris. Nhưng lại tự bắn mình và qua đời sau đó.
Những tác phẩm tiêu biểu:
-Landscape with Houses
-Wheatfield with Thunderclouds
-Wheatfield with Crows
Ông đã dùng màu sắc để phóng thích những xáo động, trút vào khung vẽ những sấm sét trong đầu mình. Có điều gì xé ruột, đến đỗi có thể nghe được tiếng thét thoát ra từ tranh của ông. Tiếng thét câm nín từ những bức tranh màu bùn ở Nuenen và tiếng thét ra âm thanh từ những màu sắc dữ dội và nét bút cuồn cuộn vùng vẫy suốt thời gian còn lại sau Nuenen thật kinh khủng.
Thế giới khi nghe được tiếng thét của ông thì ông đã ra đi.
Còn tôi thấy được phía tối bên kia của mặt trăng trong tranh ông.
Tống Mai
Jan 19, 2018
VÀI TÁC PHẨM TIÊU BIỂU CỦA VAN GOGH QUA NHỮNG NƠI ÔNG SỐNG Ở
VAN GOGH MUSEUM AMSTERDAM (VAN GOGH FOUNDATION)
NUENEN, NETHERLANDS (1880-1885)
PARIS (1886-1888)
ARLES (1888-1889)
SAINT-REMY (1889 – 1890)
AUVERS-SUR-OISE (1890)
LIFE IN LETTERS
C.Mai ơi. Tranh Van Gogh đẹp quá. Chắc phải đi Amsterdam mất thôi.
Còn một museum tranh Van Gogh ở Arles nữa Kiều Chi. Chắc phải đi Arles nữa thôi. Cảnh thiên nhiên ở đó nổi tiếng, southern France mà.
Chị mê đồng quê nên lại bắt đầu mơ Arles.
O Mai :
Cám ơn O đã post những giòng giới thiệu trong chuyến đi xem tranh của Van Gogh: hay lắm, nhất là cho những “con mắt trần gian mang kính cận thị “ như anh!!
Anh cũng đã hơn nhiều lần “ráng” đi COI các bức họa trong nhiều museums mỗi khi có dịp, nhưng “coi thì coi vậy, mắt mù vẫn ….. vẫn “huyền mu”! Tuy vậy vẫn ráng. Giống như nghe nhạc kiểu “ đàn gảy tay trâu” vậy !
Kệ , cũng coi cho biết , mình đã có cố gắng ráng coi (giống như khi đi học, có những Môn học không vô nhưng phải học thôi!!)
Hình O và người bạn chụp rất đẹp: anh chỉ dám khen “hình chụp đẹp” (Tranh dĩ nhiên là đẹp rồi!! Nhưng đừng hỏi thêm: đẹp chỗ mô nghe vì câu trả lời của anh là “sắc Bi”)
vì anh cũng đã RÁNG chụp nhiều tranh trong museum— chụp lén cũng có, chụp thường cũng có— : rất khó mà đẹp như mấy hình ni !! Nói thiệt đó chớ không phải nói “ nặng Xao” mô !!
Văn
Merci anh Văn.
Once in a blue moon anh Văn khen hình Mai chụp.
Vậy thì chính cái gì đó trong những bức tranh làm nên blue moon lần này đó thôi, không phải vì Mai chụp đâu.
Tôi chưa có được con mắt nghệ thuật như bao người say mê tranh Van Gogh, Picasso…nên khi đọc bài viết thì lại bị lôi cuốn bởi văn chương chứ kô là các bức ảnh.
Cám ơn Cô đã nhớ và chuyễn bài cho xem nha.
GLN
Cám ơn anh Gia Lộc luôn chịu khó đọc những gì Mai viết.
Anh Gia Lộc khiêm nhường đó thôi. Art là một cái gì rất riêng tư, chứ Mai không nghĩ phải có mắt nghệ thuật hay không. Mọi người khác mê Picasso nhưng nhìn tranh Picasso thì Mai cũng dửng dưng.
Không am hiểu nhiều về hội họa, nhưng lại thích tấm hình TM chụp ngôi nhà của Van Gogh.
Chúc TM khỏe mạnh để tiếp tục theo đuổi những sở thích đam mê của mình: âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, du lịch …
Nói tóm lại TM thật là yêu thích và nâng niu cuộc đời.
Cám ơn anh Hòa.
We have only one life to live.
Làm sao không nâng niu nó được.
Tuy Mai viết là share với Nhóm những ảnh chụp các bức tranh của Ông Van Gogh trong Viện Bảo Tàng Van Gogh ở Amsterdam nhưng khi đọc bài viết của Mai thì cảm thấy rất xúc động nên cứ đọc đi đọc lại nhiều lần rồi mới xem ảnh chụp sau.
Với tâm hồn nhạy cảm và tinh tế Mai đã thấy và cảm nhận được rất nhiều điều đặc biệt trong các tác phẩm của Van Gogh qua các thời gian và nơi ông sinh sống , Mai chỉ ghi lại những cảm tưởng của Mai mà Ng thấy mình được mở mang kiến thức thêm một ít.
Những hiểu biết rõ ràng tường tận của Mai về các đề tài văn học , nghệ thuật , âm nhạc , phim ảnh…mà Mai yêu thích làm Ng cảm phục Mai thêm nữa , các bạn hay gọi Mai là ” thư viện sống ” là đúng thôi .
Ảnh của Mai và bạn chụp những bức tranh thật rõ nét và đẹp , không được đi đến tận nơi nhưng xem hình chụp cũng đã thấy mãn nhãn !
Cám ơn Mai nhiều.
Thân thương ,
MN.
Mai chụp được những hình này cũng chợt ruột. Có lúc phải chụp lén vì mê quá..
Họ không có bản cấm chụp hình và không rõ ràng về việc chụp hình được hay không. Khi mua vé (sắp hàng 2 tiếng đồng hồ giữa trời lạnh cóng mới mua được vé vì quá đông) hỏi họ có mang máy hình vào được không, họ nói được. Khi vào bên trong thì không có một bản notice nào nói cấm chụp hình. National Gallery of Art DC thì phòng nào cấm thì đều để bảng cấm, nhưng ở đây thì không. Mai thấy thiên hạ chụp lia lịa nên Mai cũng chụp được nhiều hình mà không bị ai làm phiền trong 2 tầng lầu đầu tiên.
Nhưng khi lên lầu 3 nơi có vài bức Mai nghĩ họ cho là quí, sợ chớp từ máy hình làm hỏng tranh như bức Sunflowers chẳng hạn thì có nhân viên canh gác nói không được chụp. Nhưng may là tầng này có những bức đối với họ quí giá như những bức tỉnh vật hoa lá thì Mai lại không màng đến nên không tiếc gì. Những bức Mai mê lại nằm ở tầng dưới là những bức đen tối màu bùn lầy rất đẹp ông vẽ người dân quê nghèo ở Nuenen thì họ để cho chụp hình không kiểm soát.
Mầu sắc đẹp mê hồn. Cám ơn chị
Màu của nội tâm, chị nghĩ vậy.
Đọc những dòng cảm nhận từ trái tim và tâm hồn đẹp của Mai,
lòng mình thấy xao xuyến,
Tự nhiên thấy nhớ Mai nhiều lắm.
Cám ơn Mai đã cho Diệu được ngắm những tác phẩm rất lạ của Van Gogh
Diệu luôn là một trong những thương quí Mai mong gặp khi về Sài Gòn mỗi năm.
Cám ơn Mai đã chia sẻ cho Nga và bạn bè được xem những bức tranh giá trị của Van Gogh qua nghệ thuật chụp hình thật sắc xảo của Mai và bạn.
Và Nga cũng rất mê đọc những giòng giới thiệu cùng với những suy nghĩ, cảm xúc rất chân thật của Mai.
Mong thỉnh thoảng lại được tiếp nhận thêm nhiều chia sẻ thú vị từ ống kính chuyên nghiệp của Mai.
Chúc vui, khoẻ mãi Mai nhé!
Cám ơn Nga.
Hôm qua nói chuyện với chị Châu, Mai có đề nghị chị và anh Phúc tổ chức một buổi hội ngộ Đại Học Huế nữa cho năm tới, hy vọng lại được gặp lại bạn bè.
Bức chân dung cuộc đời
Pháp Hoan
Tôi nhìn vào khuôn mặt anh bằng chính đôi mắt của anh
Tôi thấy những ký ức màu xanh
Chảy ra từ khoé mắt
Tôi thấy cả chân trời sự thật
Lấp lánh giữa làn môi
Khi anh thầm gọi tên tôi trong bóng tối
Màu sắc đã đánh mất quyền lực thẳm sâu nhất của mình
Lịch sử khuôn mặt vừa trải qua một trăm năm đầy bi thảm
Giấc mộng giờ đang mở tiệc tưng bừng
Trên chòm râu phát sáng
Sau những biến chứng của thời gian…
Cả gian phòng phút chốc ngập tràn trong dòng ánh sáng mơ màng
Như bên trong ngôi đại giáo đường trước giờ thánh lễ
Khi những người xem tranh thận trọng trở về với bản thân
Trong những bức chân dung của chính cuộc đời họ
Khuôn mặt anh đang chìm dần vào bóng tối
Cho đến khi chỉ còn lại đôi mắt xanh thẫm buồn
Đang lặng lẽ nhìn tôi
Trong khoảnh khắc hai linh hồn đối mặt
Bất chợt tôi nhìn thấy đường bay của loài hải âu đen trước bão
Và tôi nghe thấy tiếng từng cơn gió đang thét gào trên sóng
Và tôi nhìn thấy cánh buồm nỗi đau khổ đời tôi
Đang đi vào đại dương của mắt anh – không bờ bến…
Collection hình van Gogh này của Mai tuyệt vời, hiếm ai có được.
Có nhiều hình chụp lén, không biết mình có nằm trong sổ đen của Musée đó không nhỉ. Lần sau vào, không biết họ có nhận ra mình không. Lần sau vào, Mai hứa chỉ thưởng thức tranh thôi không chụp hình nữa, lúc đó vừa chụp vừa sợ tim đập bình bình khổ quá. Nhưng Mai đem về một collection hình tranh của van Gogh đẹp quá, không bỏ công ngàn dặm lặn lội qua đó. Ôi, đây là một nỗi ám ảnh.
Cám ơn chị Mai đã chia sẻ một kho tàng tranh ảnh thật tuyệt vời của chị nhưng “The sunflower is mine, in a way.” ― Vincent van Gogh.