Feb 11, 2022 (TM)
Ryōkan và ni sư Teishin.
Gertrude và người mục sư trong La Symphonie pastorale mà André Gide lấy nhan đề từ bản giao hưởng thứ sáu (Symphonie pastorale) của Beethoven khi người mục sư dẫn cho cô bé mù Gertrude đi nghe.
Seigneur, il m’apparaît parfois que j’ai besoin de son amour pour vous aimer! Hởi Thượng Đế, đôi khi con có cảm tưởng rằng con cần có tình yêu của nàng con mới có thể yêu thương được Thượng Đế.
Không phán đoán, tôi đã hiểu và thương những tình yêu trong sương mù đó.
Tống Mai
Những Bước Chân Sương
Vũ Hoàng Thư
Who says my poems are poems ?
My poems are not poems.
When you know that my poems are not poems,
Then we can speak of poetry!
Ryokan (1758 – 1831)
Sương về bên lũng núi trắng ngát đường quanh. Mù là áo của sương, phơn phớt đợi tay ôm vào lòng mát lụa. Hơi se lạnh làm làn da săn, tai không nghe gì khác ngoài thanh âm chập chùng của từng làn sương mỏng phủ xuống núi đồi. Tiếng chuông sớm từ chùa trên vọng xa. Trùng trùng âm biển. Vang nỗi sóng ngàn. Hải triều âm vọng giữa lòng sâu. Khoan khoái hít vào chậm rãi, tận đáy phổi hơi sương chen lẫn mùi ẩm mốc lá khô, thu về miên man trong từng hơi thở. Đầu thấy loáng, óc choáng ngợp ảnh hình không thu nhận kịp, ký ức nhập trùng hiện tại, người xóa tan tên quá khứ. Biên giới mờ dần. Mờ như sương. Mờ có thể vì thị giác giới hạn, mờ vì đôi mắt khép kín đấy thôi, chứ sương vẫn long lanh trắng hạt châu. Sương ghé về lá, có chiếc nhàu vàng ôm lấy sương rồi lịm xuống đất thu. Đôi khi sương đáp vào ngọn sen, tàng lục thoa phấn như trải thảm đón mời. Sương bồng bềnh người trên phấn. Phấn nâng sương đùa cợt đến cuối tàng. Trong một phút giây bất chợt, thân rơi tõm xuống, sương về lại với nước. Chỉ còn một làn hơi mỏng thấp thoáng mặt ao. Thiền sư nhìn thấy thế bảo, ừ kiếp người như sương. Sư vận dụng chân khí, điều hợp hơi thở rồi buông dăm bảy lời sương, Ni cô nghe thấy thơ sương thắm thiết, gom góp thành tập để lại cho đời sau. Sư mỉm cười, giơ tay bắt lấy sương rồi nhẩn nha nhỏ giọt : Ai bảo thơ ta là thơ, chỉ khi quên đi đó là thơ rồi mình mới cùng nhau nói chuyện thơ. Đó là thứ ngôn ngữ của thiên tài, phủ nhận không nhằm phá hủy mà để thiết lập một ý nghĩa mới không dựa vào những bế tắc của hiện tại. Phủ định không có nghĩa là đề nghị “có một cái gì đó” hay “không có một cái gì đó” vào thay thế, vì như vậy chỉ là phủ định tương đối. Làm như vậy chỉ là cơn phẫn nộ vặt vãnh của Zarathrustra đi xuống núi sau khi tuyên ngôn giết Thượng Đế. Phải phủ nhận với hết tất cả sức bình sinh để đập vỡ ngay cả chính mình. Đập phá đến tận cùng mọi ngọn ngành của ý thức để không còn CÓ, cũng không còn KHÔNG. “Này Kàsyapa, đó chính là tánh KHÔNG đoạn tận hết thảy mọi luận chấp” [1]. Ông Lão Tử cỡi trâu về phương tây cũng nói nôm na rằng đạo khả đạo phi thường đạo… Thơ, đạo, đời, chỉ là danh xưng con người ôm lậm vào lòng, chịu khó gỡ rối một nút thắt thì ông Lão sẽ vuốt râu cười ha hả, yên chí về tây phương, tay vỗ vào lưng trâu mà hát, danh khả danh phi thường danh… Thế thì hãy quên hết thơ để nói về thơ, quên hết sương để nói về sương. Từ đó sương – cùng với thơ, về bên lá, nếu có rơi thì cũng là chuyến trở về với đại thể. Không hư hao chẳng thêm bớt. Ni cô đạt ý, giật bấn thần hồn, khối sầu thiên thu vạn cổ vỡ vụn theo lời sương. Ba nghìn thế giới tiêu tán trong giây phút nhân duyên trùng phùng, Ni cô lẩm bẩm,
Có thật chăng là Thầy
Em đã gặp
Hay niềm hân hỉ
Vương vấn trong em
chỉ là cơn mơ?
Was it really you
I saw
Or is this joy
I still feel
only a dream?
–Teishin [2]
Sư trầm mặc, những cơn mộng đến rồi đi, người có giữ hay níu kéo, mở mắt ra hết thảy cũng chỉ là mộng. Có gì đâu mà bận lòng, Sư an ủi,
Ở trần gian huyễn hoặc
Người lim dim mắt
Hý luận về mơ
Này Ni cứ mộng
Cho tràn mộng ước dâng
In this dream world
We doze
And talk of dreams —
Dream, dream on,
As much as you wish
–Ryokan [2]
Đó là con đường sương. Một đoạn đường ngắn ngủi mà Ryokan cùng Ni cô Teishin chung lối ở cuối đời Sư. Ryokan xuất gia từ lúc thiếu thời, tu học với nhiều thiền viện danh tiếng thời bấy giờ ở Nhật trong nhiều năm. Đời sống thiền viện cuối cùng không giữ được Ryokan, một tâm hồn phóng khoáng, phải chứng kiến cảnh tu sĩ chạy chọt, đút lót để được cấp độ điệp chứng nhận rằng mình đã “giác ngộ”. Chùa chiền trở thành nơi tranh giành thế lực và quyền lợi. Người ta quên rằng tự do tuyệt đối chỉ đạt được một khi họ chịu vứt bỏ cái bản ngã nhỏ nhoi của mình. Loài người tội nghiệp kia, làm sao họ hiểu được thế nào là thơ, liệu họ có biết chăng thơ không là thơ mới là thơ đấy ru. Nhà sư thi sĩ Ryokan lang thang nhiều năm ở vùng Shikoku và Kyoto, sau lui về chốn núi Kugami sống cuộc đời giản dị, ngày ngày khất thực và đùa giỡn với trẻ con nơi làng cũ dưới chân núi. Năm 70 tuổi, Ryokan gặp ni cô Teishin, 28 tuổi, họ quyến luyến và trao đổi cùng nhau những vần thơ thơ mộng nhất nhân loại trong suốt ba năm cho đến khi Sư viên tịch. Một cuộc đời không sở hữu gì ngoài một tâm hồn tự tại và lòng biết ơn những gì giản dị nhất mà cuộc đời dâng hiến. Trên giường bệnh hấp hối Sư viết cho Teishin:
Di sản ta –
Sẽ là chi ?
Hoa xuân thắm
Chim gáy hạ
Và phong đỏ
Của mùa thu…
My legacy –
What will it be?
Flowers in spring,
The cuckoo in summer,
And the crimson maples
Of autumn… [2]
Thiên hạ bàn tán đã nhiều đến mối liên hệ giữa Ryokan và Teishin. Có cần thiết cho một tên gọi về sự giao tiếp giữa hai người? Tình yêu? Ân ái? Hay sự giao thoa của hai tâm hồn cô đơn nhất trên cuộc đời gặp nhau qua mối nhân duyên kiều diễm. Mượn ngôn ngữ của Ryokan, ai bảo đó là tình yêu, khi tình yêu không phải là tình yêu thì chúng ta chạm trán tình yêu.
Đường lên núi Kugami mây trắng thong dong. Sư học sự phơi phới từ mây và tánh đơn giản nơi lá . Chuyện kể một vị tướng quân cùng đoàn tùy tùng lên núi mời Sư về trụ trì ngôi chùa mới trong vùng nhưng Ryokan đang bận đi hái hoa ở xa. Vị tướng quân và tùy tùng kiên nhẫn đợi cho đến khi Sư về. Sau khi nghe lời mời, Ryokan bỏ giỏ hoa xuống, không nói một lời nào. Lẳng lặng Sư lấy bút viết một bài haiku và đưa cho vị tướng quân:
Gió góp cùng ta
Vừa bao lá rụng
Nhóm đủ bếp hồng
The winds gives me
Enough fallen leaves
To make a fire [2]
Một lần khác, một tên trộm lẻn vào lều ăn cắp những đồ sở hữu vặt vãnh của Ryokan. Vừa lúc đi về, nhìn thấy ánh trăng chiếu qua mành cửa, Ryokan viết:
Đạo chích bỏ quên
Vầng trăng
Lửng ở bên song
Left behind by the thief –
The moon
In the window. [2]
Sư ẩn ở Gogo-an an tĩnh giữa rừng thông, tùng già, mây, hoa dại và lá rừng. Trong chốn ấy, người ta dễ thành thi sĩ, nhưng thi sĩ trần gian vốn ưa thích đu dây giữa triền vực của lựa chọn hiện sinh mà lựa chọn nào cũng hiu hắt đoạn trường. Marilyn hay Brigitte, gái-lạ-thiên-thu-thánh-nữ-thấp-thoáng Adrienne hoặc nghìn-thu-thuần-nhiên Sylvie phơ-phất như Bùi Giáng sống chết trong từng giây phút một đời? Đó là cuộc chơi bi thảm của chọn lựa nhị nguyên. Ryokan không thế. Mẫu đơn phơi phới đùa trước gió, Ryokan an nhiên nhìn. Vào hay không vào cuộc chơi thân thiết?
Chúng em mẫu đơn dại
Đang độ mãn khai hoa
Khoe dáng lộng rộ ràng:
Quý quá sao mà hái
Quý quá sao không hái
Wild peonies
Now at their peak
In glorious full bloom:
Too precious to pick
Too precious not to pick [2]
Hái hay không hái không còn là một sự lựa chọn. Thơ không còn ở chữ, nghĩa, vần, điệu, mà ở sự đối đáp với ý thức để đập vỡ ý tưởng. Hoa như là hoa, mẫu đơn như là mẫu đơn, hải đường như là hải đường, không thông qua trung gian nào cả. Như vậy thơ lắng đọng thành nguyên chất mà đồng thời cũng sống sượng công phá trong tâm thức cho nàng thơ mặc áo bước ra. Câu hỏi đặt ra không để trả lời vì câu hỏi không cốt được trả lời. Đó là một công án. Công án khiến con người như đi trên đầu ngọn tre trăm đốt.
Tâm trạng ấy được ví như tâm trạng của người leo lên cây cao, miệng cắn vào một cành cây, hai tay buông thỏng giữa hư không, hai chơn không vịn được vào đâu hết. Tình cờ dưới gốc cây có người hỏi vọng lên : “Ý của Tổ Sư qua Tàu là gì?”. Người trên cây không trả lời thì không được mà trả lời thì rơi chết hốt xương.
Huệ Khai – Vô môn quan [3]
oOo
Đỉnh Kugami muôn đời sương phủ trước cũng như sau Ryokan Taigu. Giọt sương ghé qua tàng sen không ghi lại dấu, có còn chăng là những lời thơ sương. Những lời sương có thật, hay không bao giờ có thật? Có hề chi. Issa, nhà thơ cùng thời với Ryokan, không nói gì hết mà nói hết, tiếng nói vô ngôn dậy đất trời như tiếng đại hồng chung âm vang đến ngàn năm…
cõi này
là thế giới sương
đúng rồi…
nhưng…
this world
is a dewdrop world
yes…
but…
– Issa [4]
Tiếng nhưng… cuối cùng, sắt ngọt dao chém haiku, không thừa không thiếu, như đường kiếm bén samurai múa tung máu kẻ thù mà cũng là con truỷ thủ nhọn hoắt xuyên suốt hara-kiri. Trong im lặng vô biên, hốt nhiên lục bát Việt trở về, êm đềm như giọt tròn lăn nghiêng xuống rèm mi cong Teishin thế kỷ trước, lệ hay sương ?
trần gian
một cõi mù sương
ừ thôi là vậy…
thế nhưng có là…
Vũ Hoàng Thư
——-
[1] Kinh Bảo Tích (Ratnakùta Sùtra)
[2] Dewdrops On A Lotus Leaf, Zen Poems of Ryokan, Translated by John Stevens, Shambhala, 2004
[3] Linh Thoại Bồ Đề Dạt Ma, Trúc Thiên, Tư Tưởng, Đại Học Vạn Hạnh, 1968
[4] Essential Haiku Volume 20, Robert Hass, The Ecco Press, 1994
Người ở trong sương đi tìm sương.
“Có lúc lên đỉnh trời cao vút,
kêu dài một tiếng lạnh hư không”
Chị chào Hạnh yên vui!
“Thơ không còn ở chữ, nghĩa, vần, điệu, mà ở sự đối đáp với ý thức để đập vỡ ý tưởng.“
Rất tâm đắc với Vủ Hoàng Thư ý tưởng này.
Và cái vô cùng trong khoảng khắc của những bức hình của Mai.
Cám ơn N.H. Đồng ý với anh khoảnh khắc vô cùng ấy trong hình của Mai.
người cuối mặt
tôi rừng sương
có nhành lá
đợi xuân thường hằng qua
vht
N.H. ngả mũ chào những câu thơ tuyệt vời của anh VHT.
Bình an N.H. 🙏
Mai cũng thế.
🙏
Cái thời của La Symphonie pastorale của chị thì lúc đó là cùng thời của “Tuổi Ngọc” của em, thời mơ mộng vớ vẩn nên em không biết thế giới hay đẹp của những tác phẩm classic, đến khi đủ lớn trong hồn để thưởng thức những tác phẩm sâu sắc đó trong thế giới hời hợt của bây giờ thì thấy lạc lõng. Lạc lõng tựa như người đứng trong hình của chị.
Bức hình đẹp quá, rất hợp cho bài viết mang mang sương phủ. Cảm ơn Mai đã post.
Những bất tử Symphonie pastorale, La porte étroite, của L’Immoraliste… làm sao tồn tại được trong thời đại chóng mặt này KAnh nhỉ. Hồi đó, thế hệ của chị may mắn lớn lên trong kho tàng classic này mặc dù đó là thế hệ dỡ dang thiệt thòi tội nghiệp nhất của chiến tranh. Thời vàng son.
Nhưng có sự chọn lựa để vẫn sống trong thế giới classic đó và thờ ơ với những gì của bây giờ.
Có được sự lựa chọn đó là một điều may mắn.
Không, đó là do ý muốn tự bảo vệ đủ mạnh.
“Dream, dream on,
As much as you wish”
…Dream until your dream come true!
Buổi sáng thức giấc đọc được bài viết này của Vũ Hoàng Thư nhẹ nhàng thanh tao như một cốc trà thơm Mai ơi. Mối tình thơ giữa một thiền sư và một ni cô mà VHT viết đến trong bài làm nghĩ đến những mối tình thơ tương tự của những bậc khoác áo tràng khác.
Cám ơn anh VHT.
“Trong im lặng vô biên, hốt nhiên lục bát Việt trở về, êm đềm như giọt tròn lăn nghiêng xuống rèm mi cong Teishin thế kỷ trước, lệ hay sương ?
trần gian
một cõi mù sương
ừ thôi là vậy…
thế nhưng có là…”
Tuyệt vời!
Em có được bài này của anh VHT đã lâu nhưng lấy dịp này để đăng bởi vì một lý do rất buồn: Trong cái youtube tang lễ của Thầy hai tuần trước, ở phút 4:11:08, em thấy nước mắt trong mắt ni sư, thấy vậy em cũng chảy nước mắt theo.
Đa tạ anh Thanh và chị Tống Mai
🙏🙏🙏
Nguyệt hiểu khi Mai nói đến cái youtube tang lễ của thầy Nhất Hạnh và ở phút 4:11:08 Mai thấy nước mắt trong mắt của người ni sư. Đọc bài anh Vũ Hoàng Thư mấy lần mới hiểu tại sao Mai post bài viết này của anh lúc này dù đã nhận được tháng trước. Đọc những câu văn nhẹ nhàng của anh Vũ Hoàng Thư Nguyệt rất cảm động .
Hôm nay ngày Valentine, Nguyệt chúc tất cả hạnh phúc lứa đôi.
Thương
Những ngày thật buồn và mất hướng từ lúc Thầy ra đi.