Bên Đời Hiu Quạnh: Lòng chợt bình yên mà sao buồn thế – Piano: Tuấn Mạnh

April 1, 2020 (TM)

Con gửi cô Tống Mai bản phối “Bên Đời Hiu Quạnh” của con như một món quà đến cô, cũng như để tưởng nhớ 19 năm ngày mất cố Nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn.
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế

Tuấn Mạnh
SG – 01.04.2020

 

BÊN ĐỜI HIU QUẠNH – TRỊNH CÔNG SƠN
Pathétique – Beethoven
Pianist: Tuấn Mạnh
youtu.be/eJwkMweZofs

Tuấn Mạnh – Saigon Opera House, 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn, 2019

Tuấn Mạnh – Saigon Opera House, 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn, 2019

 

“…Rồi những lần như đã chạm tay vào niềm mơ ước đó, tưởng như sẽ bình yên, nhưng không – “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế…” trong Tâm khởi lên một sâu sắc, bên kia của yên bình là nỗi buồn, hạnh phúc ước mơ kia chỉ là một mặt khác của sự đau khổ, càng mong cầu, níu kéo, bám víu thì càng khổ đau…” (Khungcuahep.com)

Tuấn Mạnh đã có duyên đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn … từ trong bụng mẹ. Ngày đó ba Mạnh rất mê nhạc Trịnh và hay cầm đàn guitar và hát suốt ngày, trong đó có những bài của Trịnh Công Sơn như Mưa Hồng, Hạ Trắng, Một Cõi Đi Về, Cát Bụi… Nghe nhiều đến ám ảnh. Rồi sau này lớn lên được học đàn piano và chơi nhạc Việt Nam nhiều hơn. Nhạc Việt Mạnh chơi trên piano nhiều nhất cũng là nhạc Trịnh. Rồi bén duyên với gia đình Trịnh Công Sơn, với cô Trịnh Vĩnh Trinh, Trịnh Hoàng Diệu (hai người em gái của nhạc sĩ) và được nghe hai cô nói về cuộc đời nghệ thuật của nhạc sĩ. Mạnh cảm nhận có mối lương duyên sâu sắc giữa Mạnh và Trịnh Công Sơn.

Từ năm 2015 đến nay, Mạnh biểu diễn nhạc Trịnh và được khán giả đón nhận nhiều hơn khi kết hợp âm nhạc cổ điển với âm nhạc Trịnh Công Sơn. Mạnh ngày càng hiểu sâu sắc hơn về chất triết lý và định nghĩa của ông về tình yêu, tình người, tình đời qua âm nhạc. Mỗi tháng Tư hàng năm, Mạnh rất xúc động khi cùng với gia đình và khán giả mộ điệu nhạc Trịnh đi thăm mộ và đàn hát cùng nhau tại nhà riêng của nhạc sĩ cũng như ở đường sách Nguyễn Văn Bình và ở Huế.

Âm nhạc của ông là sự kết nối trái tim của những người con đất Việt với nhau dù ở xa hay ở gần, không khoảng cách, không biên giới và giúp Mạnh trưởng thành hơn trong tư duy của một người làm nghệ thuật.

Như Mạnh cảm nhận, Trịnh Công Sơn luôn sống trong từng phút giây, từng nhịp điệu cuộc đời và từng âm thanh bài hát của những trái tim yêu nhạc Trịnh nên dù năm nay không thể tổ chức những buổi biểu diễn âm nhạc hay viếng mộ Nhạc Sĩ, thì mỗi chúng ta vẫn có thể thấy đong đầy cảm xúc với âm nhạc của ông.

Riêng Mạnh, Mạnh chơi nhạc Trịnh và chia sẻ với khán giả để tưởng nhớ ngày mất của ông bằng bản phối mới “BÊN ĐỜI HIU QUẠNH” kết hợp với bản chương 3 Sonata cổ điển “Pathétique” (Bi Thương) của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức, Ludwig Van Beethoven. Hy vọng, những âm thanh piano của Mạnh có thể xoa dịu những trái tim đang hoảng loạn và mất cân bằng trong đại dịch Covid-19 với những giai điệu quen thuộc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tuấn Mạnh Piano
Sài Gòn – 01.04.2020

 

 

18 thoughts on “Bên Đời Hiu Quạnh: Lòng chợt bình yên mà sao buồn thế – Piano: Tuấn Mạnh

  1. Cô đợi đã lâu để nghe Tuấn Mạnh phối bản nhạc này, cô tưởng con đã quên, nhưng không ngờ hôm nay cô lại nhận được vào đúng ngày giỗ của Nhạc sĩ TCS. Bên kia đã là ngày 1 tháng Tư, bên này cô vẫn còn là ngày cuối tháng Ba, cô gởi Tuấn Mạnh tài ba lời cảm ơn khi con thức dậy.
    Cô Tống Mai

    1. Con không quên lời hứa với cô đâu. Con đợi đến khi cảm xúc đong đầy để tạo ra những âm thanh đẹp nhất tặng cô. Con có đọc bài viết sâu sắc Bên Đời Hiu Quạnh của cô và rất xúc động khi đàn lên những giai điệu này. Bài viết mới đăng của cô thật hay cô ạ. Con trở thành fan của khungcuahep.com rồi hihi.

      Mong đại dịch sẽ qua và “sau cơn mưa trời lại sáng”. Cô giữ gìn sức khoẻ và tâm an nha cô.

      Yêu quý cô,
      Con, Tuấn Mạnh

    1. Cậu bé tài ba Diệu giới thiệu cho Mai năm ngoái:
      khungcuahep.com/nhac/tuan-manh-nocturne-va-bien-nho-tong-mai.html
      khungcuahep.com/nhac/ben-doi-hiu-quanh-long-chot-binh-yen-ma-sao-buon-the-nguyen-hue.html

  2. Diệu gửi thư của anh TL viết rất cảm động để Mai đọc. Hôm nay giỗ anh Sơn nhiều người viết rất dễ thương và chân tình:

    “Diệu và Trinh thương mến. Hai Em thắp một nén hương cho anh Sơn giúp Anh. Đây là lần đầu tiên trong suốt 19 năm qua anh không có mặt trong ngày Giỗ anh Sơn 1/4. Đêm qua nằm nghe lại Ca khúc Da Vàng và Sơn Ca 7 thì dàn máy Panasonic tậm tịt vì cũ quá rồi , nó cũ kỹ và rệu rã cũng như người đang cố níu kéo lại môt di vật đáng lý chỉ giữ làm kỷ niệm chứ không còn vận hành được nữa. Buồn quá. Mong hai Em đừng buồn như Anh để còn “mỗi ngày ta chọn một niềm vui” chứ đừng như anh ngày ngày viêt đôi dòng ” Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” mà rồi cứ thưa dần tỷ lệ thuận với lực bất tòng tâm theo sức khoẻ và tuổi tác’ Đương nhiên, tâm niệm ” Sống trong đời sống cần có một tấm lòng thì không phôi pha với tuổi tác và thời gian. Thế hai Em nhé.
    Anh TươngLai”

  3. Thật tuyệt vời !
    Những âm thanh được Tuấn Mạnh cẩn trọng đàn lên với tất cả tâm hồn đã truyền tải được một thoáng yên bình , thanh thản , làm dịu đi nỗi âu lo trong mùa đại dịch Covid-19.
    Một tác phẩm hay cho kỷ niệm ngày mất của anh Trịnh Công Sơn .
    Ng cám ơn Mai đã chia sẻ với bạn bè .
    Cô cám ơn con , pianist tài ba Tuấn Mạnh .

  4. Tuấn Mạnh đã chọn “Pathétique Sonata” của Beethoven để hòa với “Bên Đời Hiu Quạnh” rất hợp. Cái bi thương chầm chậm ngập ngừng ban đầu trong Pathétique rất hợp với sắc thái buồn tênh của “Lòng chợt bình yên mà sao buồn thế”
    Cả hai pièces này hầu như bất tử.

    1. Đúng rồi Mai, cậu bé chỉ dùng movement đầu tiên của Pathétique, phần hợp với “Bên Đời Hiu Quạnh” điềm đạm, vì những movement sau quá dồn dập tha thiết.
      Hay thật !

      “Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
      Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi”

  5. Loài người vẫn đang hiu quanh bên đời.
    Ngày nào ý thức của nhân loại còn nhằm mục đích phục vụ cho ích kỷ, tham lam, đố kỵ.
    Ngày nào trong chúng ta còn chấp nhận “hy sinh” trí tuệ cao quí mà tạo hóa đã ban cho và luôn bảo vệ cái tôi cố hữu để “đổi lấy” thật nhiều những thứ vật chất thấp kém.

    Ngày đó con người vẫn chỉ là những ốc đảo vô tri giác trong cuộc đời.

    Cảm ơn Mai, cảm ơn Tuấn Mạnh đã đem đến những giây phút lắng đọng để tạm quên đi những lo lắng và phiền muộn ngoài kia.

  6. Nhac hay quá, nhằm mắt lại để có thể cảm nhận được âm thanh dịu dàng, em thấy tâm hồn thật bình yên. Cảm ơn chị Mai nha,

    1. Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
      Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
      Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
      Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ

      Rồi một lần kia khăn gói đi xa
      Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
      Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
      Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ

      Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
      Đường về tình tôi có nắng rất la đà
      Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ
      Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ

      Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
      Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
      Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
      Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi

  7. Buồn quá chị ạ, chả muốn nghĩ gì nữa. May mà hôm nay em có mấy việc phải làm với TTLs ở Africa nên em có motivation làm việc.

    Bức hình chị chụp Tuấn Mạnh đẹp quá.
    Chị take care, and stay safe!

  8. Chiếc Lá Thu Phai:
    http://www.youtube.com/watch?v=SEREhsvTvUI

    “Cảm xúc “CHIẾC LÁ THU PHAI”

    Mạnh ngẫu hứng Chiếc Lá Thu Phai – Trịnh Công Sơn: Đến tuổi này mới thấy giai điệu dung dị mà đẹp làm sao và thấm thía từng lời của bài hát.

    Ôi tuổi trẻ ngắn thế sao? Mình chỉ có “Mười năm tắm gội” – Mười năm tuổi trẻ thôi sao? Hy vọng là nhiều hơn thế. Nhưng dù gì đi nữa, cũng phải chấp nhận là “Giật mình ôi chiếc lá thu phai”. Tàn nhẫn quá ! Lá đã rụng rồi mà còn “phai” nữa.

    Ta đang sống ư? Rồi sau đó nữa là gì? Là chết? Vậy đích đến của sự sống là cái chết? Sao cuộc sống mong manh quá!

    Vậy nên “về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày, vội vàng thêm những phút yêu người”, trân trọng những gì mình đang có, yêu thương con người nhiều hơn để lỡ “cuồng phong cánh mỏi” là đến hết cõi này. Không còn làm gì được đâu.

    Tự đàn tự nổi da gà từng cơn và thấy hơi sợ sợ, rồi lại đăm chiêu nhìn ra khung cửa sổ, nhìn những chiếc lá xanh trên cành thật tươi nhưng cũng có những chiếc lá tàn phai rơi rụng đầy sân, để biết mình cũng sẽ như “chiếc lá thu phai”, biết nên sống như thế nào và thấy tỉnh thức trong cuộc đời hơn.”

    Có thể đã đến lúc… ngộ!

    Sài Gòn, 02.04.2020
    Mạnh Piano

Leave a Reply