Tranh Thơ Haiga, Haisha – Nguyên Huệ

Nov 12, 2017 (TM)

 

 

Có một gói quà nhỏ từ Nhật Bản của một người bạn Nhật đồng nghiệp cũ gởi qua cho tôi. Anh đã qua đời cách đây 5 năm. Ngạc nhiên, qua bức thư ngắn kèm theo tôi mới biết trước khi mất anh để lại cho tôi 4 cuốn sách.

Chúng tôi quen nhau khá thân, nhưng mất liên lạc từ khi anh dọn về Nhật. Nhìn mấy cuốn sách anh tặng, Aiku, tôi nhớ lại 20 năm trước những cuốn sách này tôi đã xem trong một buổi uống trà tại nhà anh, trong đó có cuốn Haiga tôi rất thích. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Haiga. Rồi từ đấy chúng tôi hay nói chuyện về Haiku và Haiga thật thú vị. Hôm nay tôi muốn nói chuyện về Haiga với những gì tôi nhận được từ người bạn như một lời cám ơn và tưởng nhớ đến người quá cố.

Thơ Haiku có thể đã quen thuộc với nhiều người, nhưng Haiga ít ai để ý đến, HAIGA: tên loại nghệ thuật về tranh họa. -HAI có nghĩa “tuồng” hay “tích”, xuất phát từ haiku mà trước đó nó được biết dưới tên haikai hoặc hokku, một thể loai thơ trào phúng Nhật Bản cho giải trí. -GA nghĩa là tranh. HAIGA còn gọi là Tranh Haiku.

Một haiga là một tranh họa bằng những nét cọ đơn giản trên giấy với mực, ít màu sắc, trên đó có một haiku viết theo lối thư pháp. Tranh và thơ không nhất thiết cùng một tác giả, nhưng haiku không phải để giải thích cho tranh, và tranh họa cũng không phải để diễn giải ý thơ, tranh – thơ bổ túc lẫn nhau về cái nhìn và ý nghĩ, thư pháp ở đây tạo thêm hồn cho tranh và thơ sâu đậm hơn.Trước một haiga người ta không nghe được bằng lời, không đọc hay thấy bằng mắt, mà chỉ cảm nhận được bằng tâm.

Một haiga “Nai” Nakagawa Otsuyu (Bakurin)

Shika no ne no
todokanu yama wa
mada aoshi

Nơi núi đồi
không nghe vang tiếng nai rừng
vẫn mãi màu xanh.

Khi mùa thu đến, màu xanh lá rừng đổi màu vàng đỏ, cũng là lúc có những tiếng nai rừng vang lên trong hoang vắng, một cảm giác cô độc và bơ vơ giữa giao mùa. Một ai đó sau cánh rừng thông già với màu xanh vĩnh cửu, không chiếc lá vàng báo thu sang, tiếng kêu ấy như nhắc nhở thời gian trôi. Những dòng thư pháp như rừng cây bên đồi núi, chú nai cặp sừng và chân đen đậm hướng lên và xuống như giữa đất trời và tên tác giả đậm nét cuối cùng để chấm dứt haiga. Phần còn lại dành cho người xem chiêm nghiệm.

Lịch sử haiga bắt nguồn từ khi xuất hiện haiku, nhưng thật ra trước đó đã được biết đến như một loại “tranh thơ” waka, tiền thân của haiku, tranh thường có màu sắc, nhiều chi tiết mô tả cảnh thiên nhiên, tô điểm và chải chuốt, kèm theo năm dòng thơ waka lãng mạn, diễn tả cảm xúc vui buồn. Tranh thơ không có gì sâu sắc hoặc giá trị về mặt tinh thần, mang tính chất vui đùa, giãi trí.

Một trong những nhà thơ được xem khởi đầu loại nghệ thuật này là Nooguchi Ryuho, thơ của ông luôn đi kèm với hình họa và thường nhiều dòng hơn haiku, chữ viết không hẳn là thư pháp, sau này còn có Ihara Saikaku một nhà thơ nổi tiếng khác cũng thường có tranh họa kèm theo thơ, ông dược biết đến như một “siêu” thi sĩ khi ông sáng tác 15.000 haiku trong một ngày đêm, chỉ để lựa chọn có phù hợp hay không, tiếc thay ông đã từ bỏ nghiệp thi ca và haiga nửa đường.

Haiga cũng giống như haiku, trở nên một hiện tượng trong nghệ thuật Nhật từ khi Matsuo Busho định hình lại haiku từ waka và renga. Haiga đã thay thế vị trí “tranh thơ” với haiku cùng tranh họa đơn giản, thực tế gần gủi với cuộc sống hàng ngày, ít màu sắc, thường chỉ cùng màu mực đậm nhạt. Haiku và haiga đã thu hút ngày càng nhiều người đi vào lãnh vực thơ ca, nghệ thuât, một lãnh vực mà trước đây hạn chế trong giới hàn lâm, tu sĩ hoặc thi nhân. Trong số các nhà thơ lớn khởi đầu và phát triển haiku, haiga phải kể đến Basho, Buson, Issa và Shiki.

Đặc điểm của haiku, haiga không có đề tựa, không bao giờ diễn đạt tư tưởng, cảm xúc cá nhân, chỉ đưa ra biểu tượng, các chủ thể nỗi bật trong haiku là thiên nhiên: mặt trăng, mặt trời, sóng biển, mưa gió, núi non, sông nước, đât đá…, phong cảnh bình dị, bông hoa, động vật bé nhỏ: hoa dại, tre, trúc, con chim, con quạ, ve, giun dế…..Haiku, haiga có khi làm người đọc – xem nghĩ rằng tâm hồn của tác giả sao ngây ngô, đơn giản quá.

Kusau mura ya
Na mo shiranu
Shiroku saku

Trên cánh đồng cỏ xanh
một bông hoa dại đang nở
thấy màu trắng vô ngần

Bài thơ này do Shiki sáng tác. Bông hoa trắng của Shiki trong bao la của đồng cỏ, không phải là hoa Huệ trắng trên cánh đồng, đó chỉ là loại hoa vô danh, bé nhỏ, không ai thèm biết đến, đang hiện diện, hôm nay đang nở hoa, có thể ngày mai là thức ăn cho động vật, sẽ héo tàn làm phân bón cho đồng loại, hoa vẫn vô tư làm “gạch nối” cho sự luân chuyển của vạn vật trong vũ trụ, và đó chính là giá trị của mọi sự vật tưởng chừng không là gì cả đang hiện hữu trong thế giới này.
Một haiga –”Trăng” – do Takebe Ayatari sáng tác:

Yoru naraba
abunaki hashi ya
kyo no tsuki

Trong đêm
chiếc cầu trở nên nguy hiểm
trăng tối nay.

Tại sao chiếc cầu lại trở nên nguy hiểm?
Những “bất toàn” (incompleteness) của thơ haiku, những khoảng trắng của tranh, là phần dành cho người xem tự sáng tạo và suy gẫm. Có thể nói cả haiku và haiga chưa phải là một tác phẩm, đó mới chỉ là phương thức tạo tác phẩm theo hướng của tác giả, các chất liệu để hoàn thành tác phẩm đó do người xem tạo ra bằng chính suy nghĩ, kinh nghiệm thơ ca và kiếu thẩm mỹ của mình. Tác phẩm có thể khác với ý của tác giả là thường.

Một đặc điểm rất lớn của haiku và haiga là tính Thiền, sau nhiều thế kỷ du nhập vào Nhật Bản, Phật và Lão giáo có một ảnh hưởng rất lớn trong nền văn hóa Nhật, điều này dễ dàng nhận biết qua những ngôn từ đơn giản với sự vật bình dị, có tính tức thời, nhìn thẳng vào sự việc thực tế, không hư cấu của haiku và haika, đôi khi haiku còn được xem như một công án thiền (koan – meditation question) . Haiga và tranh thiền (Zenga) rất giống nhau, nhưng nhìn sâu vẫn có những khác biệt, phần lớn tranh thiền đều có đề tựa tiếng Trung Hoa, hình nét đậm, mạnh mẽ thay vì haiga có kèm theo haiku và đương nét tự nhiên gần gủi đời thường, vì lẽ đó haiga của thiền sư ít nhiều khác với haiga có nội dung hoa đào mùa xuân, trăng mùa thu….Tranh thiền được vẽ với “Thần” trong lúc tranh haiku được sáng tác bởi “Tâm” và “Hồn”.

Một haiga kinh điển của Bashô về con ếch nhảy vào ao, mở đầu cho kỷ nguyên haiku, hầu như ai cũng biết và cũng nhiều lời bàn, nhưng có thể it người biết rằng khởi đầu đó không phải haiku.

Furu ike ya
Kawazu tobikmu
Mizu no oto

Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Tiếng nước vang

Xuất xứ bài thơ: Khi Bashô học đạo với thiền sư Buccho, một hôm Buccho đến thăm và hỏi Basho -“Dạo này ông sống thế nào?” Basho đáp -“Sau cơn mưa, rêu mọc xanh hơn trước”. Buccho hỏi tiếp –”Phật pháp tồn tại thế nào trước khi rêu trở nên xanh hơn?”. Basho trả lời –”Con ếch nhảy vào, tiếng nước vang” Về sau ông ta đã thêm “Ao cũ” vào để trở thành 17 âm tiết của haiku.

Rất nhiều sách vở đưa ra cảm nhận bài haiku trên của Basho là sự miêu tả cảnh tượng cô tịch, vắng lặng qua khung cảnh của ao cũ cùng tiếng nước vang lên khi con ếch nhảy vào, một cảm giác của sự yên tỉnh. Nhưng dưới cái nhìn của Thiền học, đây không có gì ngoài ý niệm “trống rỗng” – ao “cũ” không còn khái niệm thời gian nữa – âm thanh của tiếng nước vang cũng chính là sự tỉnh lặng – một nghich lý, dẫn cho ta về với thuyết Nhất nguyên của Phật giáo.

Mãi về sau có một haiga đối lại haiku “Ao cũ” của Basho, tranh họa “Chân Dung Basho” của Suzuki Nanrei và haiku của Kameda Bosai.

Furu ike ya
Sono go tobikomu
sau cái nhảy vào trong
Kawazu nashi

Ao cũ
sau cái nhảy vào trong
ếch không còn

Nhìn tranh thấy hình Basho giống như dạng con ếch? Tác giả haiku đã ngụ ý – đến bây giờ không còn bậc thầy nào như Basho nữa ? Hay – đằng sau cú nhảy chỉ là “trống rỗng” không có gì ? Người đọc sẽ tự tìm cho mình một lý giải.
Basho không phải là tu sĩ nhưng sống cuộc đời của một thiền sư, haiku của Basho luôn đượm chất thiền, một hình ảnh của sự cô đơn, tĩnh lặng, đây không phải là cảm giác đau khổ với tâm trang u sầu đơn độc, mà là một soi rọi vào chính thân phận con người cô đơn trước thiên nhiên và vũ trụ.Một chiều thu, trời xám lạnh, lất phất mưa, lá cây đã theo gió đi rồi, để lộ ra những cành cây trơ trọi, lũ chim mệt mỏi khó khăn bay kiềm mồi, xa xa những rặng núi bắt đầu chuyển mình thay sắc áo, nhà thơ lặng buồn nhìn sự chuyển hòa cảnh vật thiên nhiên của tạo hóa trước thân phận con người. Haiku bất hủ “Quạ trên cành khô” của Basho trong thời kỳ đầu, lúc ông chưa đến với haiga đã dùng tranh của Morikawa Kyoriku để viết thư pháp haiku của mình lên đó.

Kara eda ni
Karasu no tomarikeri
Aki no kure

Trên cành khô
một chim quạ
chiều thu

Hình ảnh cùng màu sắc xám tối, khô tàn, lạnh lẽo và cô đơn, một cảm nhận mùa thu đang bao trùm cảnh vật, hình đen đậm của thân quạ cùng đôi cánh nhọn đang rũ xuống như một dấu nhấn dưới những dòng thư pháp của Basho. Những dòng thư pháp viết như vang lên tiếng vọng trầm buồn của bức tranh. Chữ đầu tiên của dòng cuối của haiku (phía trái) bắt đầu với chữ lớn và đậm nét aki – mùa thu, cho thấy Basho cảm nhận được nỗi bơ vơ, lạc lõng và sâu lắng của mùa thu mà Kyoriku bắt gặp qua tranh họa.

Một cái nhìn khác, khi Basho viết haiku này lên tranh, đã tạo cho haiga một lớp (layer) suy tư cao hơn về mặt thiền học khi ông dùng chữ tomarikeri – dừng lại, dòng tư tưởng, sự vọng động trong cuộc sống, thời gian… ngừng lại, hãy là hiện tại, là thực tại đang trước mắt, có thể nói đây là một buông xả, đưa ta về với chánh niệm. Có một câu hỏi, sự dễ hiểu và trong sáng của haiga có tùy thuộc vào dường nét đơn giản hay phức tạp của tranh? Những chi tiết và tô điểm chi để phô bày cảnh quanh, nhưng nét chấm phá mang đậm dấu ấn để chỉ đến một ý nghĩa đặc biệt, những đường nét nếu không thể hiện đúng có khi làm lệch lạc ý tưởng, cảm nhận người xem, nói chung những haiha của nhà thơ thường đơn giản hơn họa sĩ.

Bức tranh chỉ có năm nét cọ, đặc biệt nét cọ liên tục với độ đậm nhạt khác nhau của màu mực, một khéo léo của Shiro tạo cảm giác như chim cuckoo bay về phía ánh sáng đang chiếu vào, ở đây là ánh trăng. Tác giả đã phối hợp rất hài hòa giữa tranh, haiku và thư pháp khi viết chữ “trăng” đầu dòng thứ ba lớn, đậm hơn, hơi nghếch chiếu về phía cuckoo.

Kyo koborete
suzushiki tsuki no
mushiro kana

Ra khỏi nhà
ánh trăng thanh
một tấm thảm rơm

Ở Nhật chim cuckoo là loại chim báo hiệu mùa hè đến, các nhà thơ, các tâm hồn cô đơn thường thức đêm để chờ nghe tiếng chim đầu tiên báo hè về, đây là một trong số it loài chim kêu khi đang bay. Trong tranh không có hình trăng, chỉ có chữ “trăng” lớn tượng hình trăng. Trong haiku không nhắc đến cuckoo, nhưng nhìn cuckoo trong tranh để biết bây giờ là mùa hè, tác giả đang dưới ánh trăng, tác giả có mang theo thảm rơm? Hay ánh trăng tạo nên tấm thảm vàng? Và phải chăng nhà thơ đang chờ đợi khi nào cuckoo reo báo hè sang?

 (Zen circle), một biểu tượng của vũ trụ, hay “trống rỗng”, hay Phật tính (Budda-nature), cũng có thể là một chiếc “bánh tráng gạo”, đôi khi còn có những ý nghĩa khác, hãy xem một haiga được sáng tác đầu thập niên 20 của thiền sư Nakahara Natembo.

Kono tsuki ga
Hoshikuba yaro
Totte miyo

Mảnh trăng này
nếu muốn
hãy thử bắt lấy

Một enso, vật thể của thiền tâm, nhưng ở đây nó được xem như một vật ở ngoài mình, một mong cầu, tham vọng con người luôn tim kiêm. Nếu như trước đây thiến sư Hakuin có vẽ tranh một con khỉ muốn hốt lấy mặt trăng phản chiếu trên mặt nước, một biểu tượng cho điều vô vọng và ảo tưởng trần thế., nhưng với haiga này, Nantembo thực tế hơn, mời gọi chúng ta thử chụp bắt lấy mặt trăng nếu chúng ta thật sự mong muốn. Marcel Duchamp có nói: Chúng ta thất bại mỗi lần thử, nhưng chúng ta có thể thành công khi chúng ta không biết chúng ta đang thử, vậy thực tế làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt nó ?

Một haiga khác “Con quạ và trái hồng”, tranh của Yamaguchi Soken, thư pháp haiku Takahashi Senan.

Maigetsu ya
namida soete wa
hometarazu

Trăng tròn
nước mắt không có đủ
để ngợi khen

Một tương phản giữa tranh và haiku, gần như không có một liên quan về ý nghĩa, hai trái hồng trên cành đang trỉu xuống khi chim quạ đang vương mình nhin đến cái ăn và cảm nhận cái đẹp của trăng tròn. Chính tương phản này là sự thú vị, cái thâm trầm của haiga.

Vượt ranh giới của đảo quốc Nhât Bản du nhập vào những đất nước xa xôi cả Đông lẫn Tây, dù ở đâu, haiku, haiga vẫn có một giá trị nhất định trong nghệ thuật và thi ca, không bi lai tạp và đồng hóa. Điều gì đã tạo nên cho haiku, haiga có những vị trí như vậy? Đó là lịch sử hình thành haiku, haiga, một quá trình sàn lọc và thẩm nhập từ một waka (hay tanka) gồm các âm vần 5-7-5-7-7, đầy lãng mạn, lời lẽ bóng bẫy, bày tỏ tình cảm vui buồn, sau đó tách ra thành renga 5-7-5 tiếp theo vần 7-7 của người khác sáng tác và 5-7-5 của người tiếp nối dài hơn….Kết cuộc chỉ còn lại 17 âm tiết 5-7-5 của ba dòng đầu tiên của renga được gọi haikai và sau đó là haiku được ra đời. Haiga cũng như vậy. Thật quá ngắn và quá đơn giản để diễn tả một cảm xúc, nhưng hình thức đơn giản không phải lúc nào cũng chứa đụng nội dung bình thường, sự hòa nhập hài hòa giữa Thiền của Phật, Lão giáo với tinh thần Võ sĩ đạo, cộng với nét thẩm mỹ truyền thống, sự kín đáo, sự tôn trọng con người cùng thiên nhiên của người Nhật đã tạo nên nội dung ấy, một nội dung đầy đủ Chân Thiện Mỹ.

Đôi lần tôi tự hỏi, haiga, haiku sẽ đi về đâu trong thế giới hiện đại, khi mà những cọ, bút, mực…, những ý tưởng, tranh họa đơn giản chân chất, bình dị, bị đẩy lùi trước những tiến bộ khoa học digital. Tôi nghĩ trong một haiga, phần thư pháp haiku được xem như hồn của haiga, tranh họa như phần xác, thân này có thể biến đổi, nhưng linh hồn không bao giờ biến mất hoặc đổi thay được. Trong xu thế này, thấy có một loại hình nghệ thuật mới xuất hiện au này tên gọi Haisha – (photo – haiku), một photo thay cho tranh họa với những chủ thể ít màu sắc, đơn giản, trên đó có haiku thêm vào như một layer cả nghĩa đen lẫn bóng.

Những hình ảnh được thổi hồn vào bởi haiku trở thành haisha.

 

Tôi còn nhớ lần đầu tiên xem một haiga tại nhà Aiku, tôi có hỏi:
-Aiku, anh nghĩ thế nào về haiga này?
Anh chỉ cười và không có câu trả lời.
Lần khác cùng câu hỏi, anh chỉ nói đôi điều về tranh và haiku chứ không trả lời thẳng điều tôi muốn hỏi. Rồi trong một buổi uống trà anh nói: Người Nhật có đặc tính kín đáo, bình dị và tự trọng. Với một haiga hay haiku, họ thưởng thức và cảm nhận trong tâm thức, họ không dùng suy luận, ý tưởng cá nhân để truyền đạt cho người khác, không tô màu khi tạo cho người khác một định kiến ban đầu, càng nhiều chi tiết, màu sắc, nhiều diển giãi sẽ làm nghèo đi ý nghĩa của tác phẩm. Ý tưởng vô hạn, nhưng chữ nghĩa hữu hạn. Con người trước một cảm xúc tột đỉnh chỉ còn biết im lặng, vài nét cọ đơn giản, ba dòng thơ đã là quá nhiều.

Nương theo gió, tìm bắt một một mùi hương, khiến cho ta băng qua bao lùm cây bụi rậm chỉ để thưởng thức vẻ đẹp của một đóa phong lan bé nhỏ, e ấp trên cành cây cao trong rừng vắng. Một cảm giác thật tuyệt vời, khó tả.

Nguyên Huệ
Bxl- Nov 2017

 

 

10 thoughts on “Tranh Thơ Haiga, Haisha – Nguyên Huệ

  1. Thật là ngẫu nhiên, KV cũng vừa đọc được hai bài dịch tiếng Anh của bài Ao Cũ (Old Pond):

    Old pond/ A frog jumps in/ the sound of water

    Ancient pond/ A frog jumps in/ A deep resonance.

    Ao cũ
    Con ếch nhảy vào
    Tiếng nước vang

    Đọc bản dịch tiếng Việt và coi bài giải thích của chị Nguyên Huệ mới thấm hiểu cái cô liêu tĩnh mịch của tiếng nước vang. Bài đối “Ao Cũ” cũng hay không kém, lấy cái sâu thăm thẵm của cái “Ao Cũ” đối lại với cái tĩnh mịch của “tiếng nước vang.

    Ao cũ
    sau cái nhảy vào trong
    ếch không còn

    Thật là hay! Phải đi kiếm đọc cuốn sách One Hundred Frogs.

    1. Cám ơn Khôi Vũ. Chị chắc chắn là anh N.H. sẽ vui khi đọc những comments này về bài Haiga này của anh ấy.

      Chị cũng thích câu đối của bài con ếch:

      Ao cũ
      sau cái nhảy vào trong
      ếch không còn

      Cái haiku của Takahashi Senan thì rất gần gủi, có những lúc đi chụp hình cảnh đẹp quá cũng có tâm tưởng tương tự :

      Trăng tròn
      nước mắt không có đủ
      để ngợi khen

      chị Tống Mai

  2. Cảm nhận được tâm hồn thanh thoát và kiến thức uyên bác của người viết đoản văn này .
    Cám ơn Nguyên Huệ và cám ơn Mai đã chia sẻ .

  3. “Khung cửa hẹp” lại mờ ra cho người đọc một tầm nhìn rất rộng. Cám ơn tác giả bài viết và cám ơn Tám Chuyện Bâng Quơ đã chia sẻ.

Leave a Reply