Thơ Haiku và Tôi

Oct 26, 2017  (TM)

‘Một bài thơ haiku là một chiếc gương. Trong gương ấy là thiên nhiên của muôn màu. Trong gương ấy là tâm hồn của nghìn đời…”
Tôi gởi vào đây bài viết về Haiku, một vài bài tôi thích và biết đâu nếu may mắn sẽ nhận được thêm của những ai cũng thích Haiku như tôi,  và sẽ có được một collection những bài thơ nhỏ nhắn, xinh xắn mang những khoảng trống và khoảng trắng yên lặng đó.

Ôi chim chiđôri
Trên sóng triều Ômi
Nghe tiếng em hát
Mà lòng ta đau
Nhớ bao nhiêu điều !
(Hitomaro)

Những con chim mùa hè bay lạc,
đến cửa sổ tôi
để hót lên rồi lại bay đi.
Còn những chiếc lá thu vàng
không lời ca tiếng hát
chỉ run rẩy và thở dài rơi xuống.
(Những con chim bay lạc – Tagore)

Con chuồn chuồn
Mang trong ánh mắt
Hình ảnh những ngọn đồi xa.
(Issa)

Ce printemps dans ma cabane
Absolument rien
Absolument tout!
(Takano Suju)

La pluie commence a tomber –
c’est le battement
du coeur de la nuit
(Sumitaku Kenshin)

Les feuilles tombent
sur les feuilles –
la pluie tombe sur la pluie
(Kato Gyodai)

Alouette du souvenir
c’est ton sang qui coule
et non pas le mien
Alouette du souvenir
j’ai serré mon poing
Alouette du souvenir
oiseau mort joli
tu n’aurais pas dû venir
manger dans ma main
les graines de l’oubli.
(Jacques Prevert)

Phượng vẫn nở
Chạm bóng mát
Những đốm lửa không tàn.
Mơ mùa tuyết tan
(Kim Thanh)

Bát ngát hương tràm
Người mẹ đơn thân
Kìa con ong nhỏ
Ngồi ru con
Giọt mật đang bay
Vai tựa vào chiếc bóng.
(Vũ Tam Huế)

Rặng núi màu xanh
Chớm thu
Rừng cây đen thẳm
Tìm mắt em
Cửa sổ là khung tranh.
Trong nụ cười của lá.
(Nhã Trúc)

Passport check
My shadow waits
Across the border
(George Swede)

Trình hộ chiếu
Cái bóng tôi chờ
Qua bờ bên kia

Tống Mai

 

 

Thơ Haiku và Tôi – Hoàng Dục

1. Những ngày cắp sách đến trường trung học, tôi chỉ phong phanh nghe về Haiku. Rồi… thời gian và những kì thi “sinh tử” của học sinh những năm cuối, gần như đã giấu kín cái tên haiku ấy đâu đó trong trí óc tôi. Năm 1971, khi được ngồi trong giảng đường đại học, được học “Văn học đại cương” , cái tên haiku ấy lại hiện hình, tôi mới cảm giác mình đang chạm vào một thế giới vừa xa xăm vừa gần gũi, đó là một thế giới vừa nhỏ bé mà vừa mênh mông, vừa có chút gì đó mong manh mà vừa vĩnh cửu, vừa giản dị mà vừa uyên áo, thâm sâu, tôi như bị hớp hồn bởi vần thơ mỏng mềm hơn sương khói:

Một chiếc lá vàng rụng xuống
Lại bay lên
À, con bướm!

Bài thơ đọc chưa hết một phần nhỏ hơi thở nhưng có sức ám gợi cho đến hơi thở cuối cùng của đời người. Để rồi từ giây phút ấy, tôi tự hỏi, điều gì đã khiến haiku đập mạnh vào giác quan của của tôi, tạo nên độ căng của cảm xúc, bắt tôi cứ chập chờn suy nghĩ!
Những bài thơ của Bashô, Buson, Rêikan, Shiki, Shirao, Chiyô,… như tuyết trên núi Phú Sĩ (Fuji) tan chảy trong tâm trí tôi, hối thúc tôi tìm hiểu thể thơ này.

2. Thơ haiku ra đời từ thể thơ truyền thống trong văn học Nhật Bản: Tanka (đoản ca) còn có tên là Waka (hòa ca). Thể tanka khẳng định giá trị của nó vào cuối thế kỉ VIII. Một bài tanka gồm 31 âm tiết (tiếng) có thể chia thành hai phần. Phần đầu có 3 dòng gọi là Thượng cú và phần cuối chỉ 2 dòng gọi là Hạ cú. Số âm tiết của 5 dòng phân bố theo mô hình thi luật: 5 – 7 – 5 – 7 – 7. Có thể hình dung thi luật một bài tanka qua bài thơ của Hitomaro:

Omi no umi Ôi chim chiđôri
Yanami chidori Trên sóng triều Ômi
Na ga nakeba Nghe tiếng em hát
Kokoro no shinu ni Mà lòng ta đau
Inishie omyu Nhớ bao nhiêu điều !

Một bài tanka có thể do hai nhà thơ cùng chấp bút, một nhà thơ soạn ba dòng đầu và một người khác sẽ soạn hai dòng còn lại hay chỉ một nhà thơ sáng tác. Nếu kéo dài cách sáng tác này thì sẽ có Renga (liên ca), gồm nhiều bài tanka. Thể liên ca thiên về trào lộng gọi là haikai renga (bài hài liên ca). Trong liên ca, ba dòng đầu có tên là hokku (phát cú), tức là vần thơ khởi xướng. Thể thơ haiku hình thành từ phần thơ khởi xướng hokku (phần phát cú hay thượng cú) của bài tanka. Haiku là kết hợp giữa hai tên haikai và hokku. Tuy vậy, ở vào thế kỉ XVII, người Nhật chưa gọi là haiku mà vẫn gọi là Hokku (phát cú, tức là vần thơ khởi xướng của tanka). Haiku còn được gọi là bài cú hay hài cú.

Mặc dù ra đời đã lâu, nhưng haiku vẫn chưa thực sự tạo được nhịp đập thủy triều trong cảm xúc của người đọc. Theo một số nhà nghiên cứu, vào thế kỉ XVII, thơ haiku chỉ là một trò chơi xã hội phù thế, có tính thù tạc, giải trí nhiều hơn là theo đuổi những mục tiêu cao nhã, những đòi hỏi tâm linh tha thiết. Mãi cho đến khi Matsuô Bashô (1644 – 1694) thổi hồn vào nó, thể thơ này mới thực sự huyền diệu có sức hút mạnh mẽ đối với người yêu thơ, làm đẹp thêm nét văn hóa Êđô, thời đại Genrôku, Nhật Bản. Thơ haiku dưới bàn tay tài hoa của Bashô thâm trầm ý vị thiền học. Từ đó, haiku đã mở ra cả một vườn thơ bát ngát không biên giới. Vườn thơ haiku cứ sinh sôi, lan dần và hòa mình vào những xứ thơ của các nền văn học trên thế giới. Cho nên, từ Bashô trở đi, thơ haiku còn gọi là hài cú – đạo (haiku nô michi), một nghệ thuật thơ đạt đến sự tận thiện tận mĩ.
Nhắc đến Bashô, người tấu khúc dạo đầu của trường thơ haiku, không thể không nhắc đến bài thơ Con quạ, được nhà thơ viết năm 37 tuổi:

Trên cành khô
Cánh quạ đậu
Chiều thu.

Bài thơ vừa ra đời đã trở thành một hiện tượng thơ ca độc đáo, khẳng định phong cách Bashô (tiêu phong). Bài thơ sử dụng thi pháp tương phản (tương quan nội tại). “Bài thơ không chỉ tái hiện phong cảnh héo úa của một chiều thu giống hình bóng một con quạ, nó còn là sự tương phản của thân hình đen muội nhỏ xíu của con quạ với bóng tối bao la vô định của buổi chiều hôm và với nhiều điều khác nữa tùy người đọc”. Hình ảnh con quạ cô đơn đậu trên cành cây trơ trụi giữa một chiều thu mênh mông đã đưa ta vào cảnh giới u huyền và cô tịch, một thế giới hư không rỗng rang.

Theo Nhật Chiêu, trong nguyên tác chữ “tomari” viết theo chữ Hán là “chỉ” có nghĩa là “đậu”. Chỉ là dừng lại, đứng lại. Hiểu theo nghĩa đó “chỉ” là “chỉ quán” của thiền định. Con quạ “đậu” gợi ý niệm thiền quán nói lên ý nghĩa, thiền định xua tan mọi vọng niệm, mọi ảo tưởng để quan sát thực tại đầy đủ và thâm sâu. Con quạ và buổi chiều thu dường như cũng đang thiền định. Cả vũ trụ lúc đó cơ hồ đang sống trong không khí thiền định. Tất cả các hình ảnh trong thơ đều nhuốm màu cô tịch (sabi). Cành cây, con quạ, chiều thu toát ra sự cô tịch, đấy là sự cô tịch mà Bashô mang trong trái tim mình khi lắng nghe niềm im lặng tuyệt đối của chân như. Dù gợi nhiều ý nghĩa, nhưng tuyệt nhiên bài thơ không nhuộm màu bi thương, chẳng hề lởn vởn bóng đen của cái chết hay bất động. Sức mạnh cô tịch là sức mạnh của hư không. Cành khô, con quạ, chiều thu, ba tạo vật ấy hòa vào nhau tạo nên vũ trụ tương giao mà ta hàng ngày đang sống.

Nếu chỉ lướt nhìn bề ngoài, người đọc rất dễ nhầm tưởng tạo vật bất động, thời gian ngừng trôi. Nhưng nếu nhập sâu vào linh hồn tạo vật mới thấy thời gian như đang lướt qua cánh quạ ấy, qua cành cây ấy, qua buổi chiều ấy. Và con quạ, cảnh cây và buổi chiều kia cũng đang hòa linh hồn vào nhau, rồi hòa vào vũ trụ vô cùng. Cho nên, đến với bài thơ, tâm hồn ta tưởng như đang trống không mà hòa vào đất trời, để cảm nghe hơi thở của mình giữa thời gian trôi chảy.

3. Như thế là tôi đã nắm được một chút “lí lịch” của haiku. Tôi hồ như hiểu một chút gì đó về sự huyền nhiệm thẳm sâu của thể thơ mang quốc tịch Nhật Bản này. Nhưng thật lòng mà nói, tôi vẫn chưa biết được sức hút nghệ thuật kì diệu độc đáo của haiku là ở đâu ? Có lẽ ở tứ, ở chất thơ chăng ?
Và tôi mày mò giải mã. Nếu gọi thơ hay là ở tứ, thì bài thơ đã tạo được một tứ đẹp trong sự kết hợp diệu kì giữa ý tưởng với hình ảnh thơ. Cũng hình ảnh con bướm ấy, ca dao Việt Nam đã tạo tứ “bướm vàng đậu đọt mù u” gợi cảm hứng xót thương cho thân phận những cô gái sớm theo chồng “từ giã cuộc chơi”, để rồi đắm chìm trong nỗi buồn thân phận “lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn”. Hay trong thơ Trần Nhân Tông là hình ảnh đôi bướm trắng chập chờn tìm đến bên hoa một sớm mai dịu ngọt: “Song song đôi bướm trắng – Phấp phới sấn hoa bay” để diễn tả điệu hồn lâng lâng khi đất trời vào xuân. Với bài thơ trên, giữa chiếc lá và con bướm vàng có sự tương giao, đó là vẻ đẹp tương thông hài hòa của vạn vật. Chủ thể trữ tình trong thơ đã để cái nhìn của mình quấn quýt với “chiếc lá” và “con bướm” mà hồn nhiên hòa vào vũ trụ dạt dào hơi thở sự sống.
Rồi tôi thử nghĩ về yếu tố tạo nên một bài thơ hay, đó là chất thơ. Nếu cho rằng thơ rung động lòng người là bởi chất thơ thì từ ca dao đến thơ trung đại Việt Nam, từ thơ Việt đến thơ các nước trong khu vực và trên thế giới đều thấm đẫm chất thơ ấy. Là người Việt, có ai không một lần tưới tẩm hồn mình trong ánh trăng vàng của đêm đồng nội thanh bình:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc anh trăng vàng đổ đi.
(Ca dao)

Có ai không bâng khuâng cùng Ức Trai, một lần dạo gót giữa vườn khuya dịu dàng ánh nguyệt:
Hái cúc, ương lan, hoa bén áo
Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn.

Nhìn xa hơn một chút, ta héo hon trước chất thơ của vầng trăng xanh xao chờ đợi của thơ Vương Xương Linh:

Nhớ chàng như mảnh trăng đầy
Đêm đêm vành sáng hao gầy đêm đêm.
(Tự quân chi xuất hĩ)

Hay ta thử cảm nghiệm với một vần thơ của Tagore để bâng khuâng cùng “chiếc lá thu vàng” trong nhịp điệu tàn phai:

Những con chim mùa hè bay lạc,
đến cửa sổ tôi
để hót lên rồi lại bay đi.
Còn những chiếc lá thu vàng
không lời ca tiếng hát
chỉ run rẩy và thở dài rơi xuống.
(Những con chim bay lạc)

Như thế, tứ thơ và chất thơ là một phẩm chất chung của thi ca chứ không riêng gì tho haiku của Nhật Bản.
Không ở tứ thơ, chẳng phải chất thơ, có lẽ do sự gọn nhỏ, xinh xắn của hình thức thơ ? Ngẫm kĩ hóa ra không phải như vậy. Sự nhỏ nhắn đâu chỉ dành riêng cho haiku. Lục bát Việt Nam cũng chỉ 14 âm tiết, như thế là ít hơn 3 tiếng so với một bài haiku đầy đủ 17 âm tiết. Lục bát chỉ hai dòng 6-8 còn haiku gồm 3 dòng 5-7-5. Tất nhiên, không phải bài haiku nào cũng đủ 17 âm tiết, cũng xếp 3 dòng, có bài ít hơn, thậm chí chỉ một dòng thơ.
Vậy thì sức hấp dẫn riêng của haiku là ở những điểm nào ?

4. Phải chăng sức sống nội tại của haiku là ở nội dung và sức hấp dẫn của thể thơ này là ở đó. Vội lật tìm tư liệu, tôi chạm vào những dòng văn của Nhật Chiêu: “Một bài thơ haiku là một chiếc gương. Trong gương ấy là thiên nhiên của muôn màu. Trong gương ấy là tâm hồn của nghìn đời” (Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2003, t.166). Và tôi nghiệm rằng, thiên nhiên và “tâm hồn nghìn đời”, đó là vẻ đẹp độc đáo của haiku.

Có lẽ, một ai đó còn hoài nghi, bởi thơ ca phương Đông không hề vắng bóng tạo vật thiên nhiên. Từ thơ Đường Tống đến thơ ca trung đại Việt Nam, thiên nhiên luôn có mặt. Một đóa hoa, một cánh bướm, một vầng trăng, một dòng sông, một bãi cỏ non,… luôn lung linh trong thơ xưa. Thế nhưng, trong thế giới nghệ thuật ấy, không có chỗ cho những sự vật hiện tượng bình thường, thậm chí tầm thường chen chân. Các nhà thơ xưa yêu thiên nhiên, một thiên nhiên trang trọng, tĩnh tại và nó được diễn tả qua cái nhìn mang tính ước lệ cổ điển. Còn haiku thì lại khác. Thơ haiku luôn nặng nợ với thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ Haiku là một thế giới tạo vật không điểm trang và cũng chẳng cần “sơ kính tân trang”. Tạo vật thiên nhiên hiện lên rất thực, thực đến dung dị đúng như thực tại đang diễn tiến. Thiên nhiên là một hiện hữu sinh động, một thế giới hiện sinh, hiện tồn. Thơ haiku thường diễn tả cái khoảnh khắc mà thế giới tạo vật hiện ra tinh khôi, mới mẻ như hoa bìm bìm một sớm mai vương dây gàu bên giếng trong thơ của Chiyô, một nữ sĩ Nhật Bản lỗi lạc của thế kỉ XVII:

A! Hoa Asagaô
Chiếc gàu vương hoa bên giếng
Đành xin nước nhà bên.

Tạo vật thiên nhiên trong haiku tồn tại đúng như bản chất vốn có của chúng. Mọi nhận thức con người về các giá trị đúng sai, tốt xấu, phải trái, thật giả,… đều mang tính phán đoán chủ quan. Cho nên, trong tâm trí con người, thiên nhiên thường hiện ra như một ảnh ảo chức không là một ảnh thực. Thơ haiku trả lại cho thiên nhiên hình ảnh thực của chúng. Có thể cảm nghiệm triết lí thi ca ấy qua vần thơ của Issa:

Thế nhân
Oằn oại quay cuồng
Hoa nở theo mùa.

Trong cái nhìn của Issa, hoa nở điềm nhiên, lặng lẽ tỏa hương khoe sắc. Hoa hồn nhiên, vô tư không âu lo, phiền muộn. Hoa khác với người đời biết bao! Người đời luộn bị mắc nạn trong tấm lưới tính toán, lo âu và sợ hãi còn hoa thì không. Mỗi đóa hoa nở mở ra biết bao điều kì diệu của cuộc sống.
Điều đáng nâng niu nhất, đó là tạo vật thiên nhiên trong thơ haiku không bao giờ sống riêng lẻ mà tương giao và tương hòa với nhau. Tất cả tạo vật ấy đã dựng nên một vũ trụ hòa điệu, đắp bồi sự sống cho nhau. Tạo vật ấy tương tác cùng nhau đúng với lẽ đạo, đúng với quy luật vận hành của muôn loài, đó là liên tục hoàn thiện chính mình. Đúng như đóa hoa dại nương tùy vào sườn núi để hoàn tất cuộc đời mình, nở hoa tận hiến cái đẹp cho đời trong thơ Bashô:

Ven sườn núi
Những đóa hoa tím dại
Nở nụ đời khiêm cung.

Thơ haiku thường lấy thiên nhiên làm chủ đề để biểu hiện kinh nghiệm thanh tịnh và một niềm hân thưởng đời sống đơn sơ mộc mạc. Đó là sự khác biệt giữa thiên nhiên trong thơ Đường Tống và thơ trung đại Việt Nam. Thiên nhiên trong haiku mang ý vị thiền học. Thiên nhiên hòa điệu với tâm hồn rỗng rang của con người, “tâm hồn nghìn đời” của người thơ. Đấy là cảm thức hòa điệu sâu xa với sự vật chung quanh mình như thơ Bashô:

Chim Kankôđôri ơi
Đem nỗi buồn thăm thẳm
Mà lắng đọng vào tôi.

Bản chất thực tại của cuộc sống vốn hiện hữu trong những sự vật và sinh hoạt đời thường:

Ôi, tuyệt vời làm sao!
Mùi vị của quả hồng
Trong tiếng chuông chùa Horyu.

Những câu thơ ngân nga tiếng chuông chùa và ngạt ngào hương vị của quả hồng. Đọc thơ ta tưởng như âm ba tiếng chuông chùa cùng với vị ngọt của quả hồng đang tan trong miệng nhà thơ. Shiki đang sống trong thực tại và đang hòa mình vào cuộc sống thật trọn vẹn. Nhà thơ đang sống và thực sự hưởng thụ cuộc sống đầy đủ nhất. Đó là triết lí hiện sinh, hiện thế của đạo Phật, nhất là đối với thiền phái.

Trong thơ haiku, bản ngã và những gì thuộc về vũ trụ không là những thực thể riêng biệt. Tất cả là một tổng thể có nhiều chức năng vận hành khác nhau nhưng hài hòa. Cho nên, con người trong thơ đã thực sự vứt bỏ cái tôi của mình mà hòa vào tạo vật vũ trụ. Tâm con người trong thơ là tâm không, trống rỗng và vô úy. Đấy là một tâm hồn luôn rộng mở đến vô cùng cho mọi vật ùa vào cùng sinh sôi, cùng hoàn thiện đời mình. Có thể cảm nhận ý vị triết học đó qua một bài thơ của Buson. Trong thơ mình, Buson đã mở ra một khoảng thinh lặng, nơi tri giác bắt gặp vẻ đẹp của thực tại vô ngôn bằng những lời như là tự sự:

Trải chiếu trên cánh đồng
Tôi ngồi ngắm
Cây mận nở hoa.

Hay cũng có thể cùng Issa bay lượn giữa vũ trụ chứa đựng trong mắt của con chuồn chuồn hồn nhiên :

Con chuồn chuồn
Mang trong ánh mắt
Hình ảnh những ngọn đồi xa.

5. Trên đây là vẻ đẹp độc đáo về nội dung tư tưởng của thơ haiku. Nội dung ấy được bọc trong một hình thức cũng rất riêng. Về hình thức nghê thuật, Nhật Chiêu cho rằng thơ haiku “nhỏ nhắn nhưng trống chứ không đầy và chật cứng”. Nói theo các nhà lí luận văn học là thơ haiku có nhiều khoảng trống, khoảng trắng; mà khoảng trống, khoảng trắng càng lớn thì càng xếp lớp nhiều vĩa tầng ngữ nghĩa. Do tính chất này mà thơ luôn là những khoảng lặng chứa đựng cả thế giới huyền diệu, nhiệm mầu.
Nhỏ nhắn và xinh xắn là một phẩm chất nghệ thuật đặc sắc của haiku. Nhưng sức cuốn hút của nó còn ở giọng điệu. Đến với thế giới haiku, ta dễ dàng nhận ra cái cốt tự sự của thơ. Do thơ buông ra từ sự trực cảm triết học, thiền học nên ngôn từ giản dị như lời nói, lời kể đời thường. Và cũng do thơ tái hiện cái cảm xúc rất thật trước khoảnh khắc thực tại đang diễn tiến nên hiện ra như tia chớp làm lóe sáng vẻ đẹp hiện sinh, hiện thế của tạo vật, vì vậy không thể cầu kì về ngôn từ, uốn éo về giọng điệu. Hơn nữa, thơ haiku đi ra từ những tâm hồn “vô ngã” nên giản dị như bản chất của vũ trụ. Bởi Đạo vốn giản dị, càng lí giải thì càng xa rời Đạo mà thôi. Giọng điệu haiku vì thế mà ngạc nhiên trong hồn nhiên, thậm chí tự nhiên nữa. Nói theo Nhật Chiêu thơ haiku “thơ ngây một cách hiền minh và hiền minh một cách ngây thơ”.

6. Tôi đến và hiểu về thơ haiku với một quá trình như vậy. Tôi yêu haiku, nhưng không dám chắc là mình đã hiểu được sự thâm diệu của haiku. Ngôn ngữ là một trong những rào cản đã khiến tôi không thể tiếp cận với haiku một cách sâu sắc và kéo theo đó là sự hiểu biết ít ỏi văn học và văn hóa Nhật Bản. Tôi chỉ có thể cảm nhận haiku qua bản chuyển ngữ tiếng Việt nên khó có thể hiểu một cách thật đúng, thật trúng và thật sâu về nội dung tư tưởng cũng như hình thức nghệ thuật của Haiku.
Nhưng dẫu sao, tôi nghĩ, trong cuộc sống có những sự việc, những vấn đề không cần ta hiểu sâu về nó, mà quan trọng nhất ta sống với nó thế nào. Cho nên, dù hiểu còn cạn cợt về haiku, nhưng tôi đã yêu và sống với haiku từ những ngày còn ngồi trong giảng đường đại học cho đến hôm nay, khi bục giảng chỉ còn là hoài niệm thiết tha. Haiku với tôi là thế!

 

14 thoughts on “Thơ Haiku và Tôi

  1. Cảm ơn bạn về bài viết. Xin mạo muội thêm đề xuất vào bộ sưu tập một bài thơ của nhà thơ Basho mà tôi đọc thấy trong truyện Totochan bên ô cửa sổ:

    Hãy nghe này! Con ếch
    Nhảy vào im lặng
    của đầm nước cổ xưa

  2. Tuyệt thật. Mùi vị quả hồng trong tiếng chuông chùa Horyu. Và Ánh mắt con chuồn chuồn mang hình ảnh những ngọn đồi xa. Quả hồng là hình ảnh của mùa thu. Con chuồn chuồn là hình ảnh của mùa hạ. Cái có trong cái không. Ảo mà như thật.

    1. Cám ơn Hà.
      Con chuồn chuồn mùa Hạ, con ếch mùa Xuân. Vậy thì cái Haiku về con ếch nhảy vào âm thanh của nước hồ của Basho mà Norah gởi trên kia nói về sự hồi sinh từ cổ xưa qua mới.

  3. Le haiku est le saké du cœur….

    “La lumière qui se dégage des choses, il faut la fixer dans les mots avant qu’elle ne se soit éteinte dans l’esprit” -Matsuo Basho-

    Chaque fleur qui tombe
    Le fait vieillir davantage –
    Branches de prunier – (Yosa Buson)

    Comme fatigué
    Par les cerisiers en fleurs
    Bouddha endormi! – (Kobayashi Issa)

    Pétale après pétale
    Tombent les roses jaunes
    Le bruit du torrent – (Matsuo Basho)

        1. revint là 3eme personne au singulier, ý chỉ cái bóng, xin mạo muội đề xuất:

          “ngắm trăng xong
          bóng theo tôi
          về nhà”

          1. Norah dịch bài thơ này khá lắm.
            Theo tôi, bản dịch tiếng pháp không hoàn chỉnh lắm bởi lẻ:
            -Về phần “hồn haiku” (l’esprit du haiku), không có chỗ cho “cái tôi” (l’égo), cho nên je / moi rất hiếm khi sử dụng, tác giả gần như không bao giờ đưa nhân vật mình vào haiku.
            -Đông từ “Revint” là passé simple chỉ đúng với tiểu thuyết văn chương, với haiku hoặc ở thời hiện tại hoặc không có.
            TiếngViêt mình có thể dịch:

            Ngắm trăng rồi
            cùng chiếc bóng
            trở về nhà

            Mỗi haiku đều có “khoảng trống” dành cho người đọc hiểu theo suy nghỉ riêng của mình, đó là một trong những lý do chính cho haiku ra đời xuất phát từ “renga”. Tôi nghĩ “chiếc bóng” ?
            Nên cắt tỉa haiku để trở thành một “Bonsai”

Leave a Reply