Oct 2018 (TM)
Ba tôi nói rằng, thời Pháp thuộc gọi là đường Bờ Sông Đông Ba, đường chỉ có một dãy phố, và quay mặt nhìn ra sông.
Năm 1956 chính thức mang tên là đường Huỳnh Thúc Kháng.
Nhưng người Huế cứ gọi quen gọi là đường Hàng Bè.
Lý do là có một số người dân buôn tre và lồ ô, họ lên núi rừng chặt cây này rồi kết từng bè tre lớn, thả theo dòng cho trôi về Huế, họ neo bè ấy dọc trên dòng sông về phía bên đường này từng bè lớn nối tiếp nhau và kéo dài đến Bao Vinh. Từ đây người mua chỉ việc đến và chọn lựa ngã giá, cho xe chở về nhà.
Đổ dốc cầu Gia Hội, đường Hàng Bè thẳng góc với đường Ngã Giữa. Đoạn đầu đường tuy là thẳng một hàng với Trần Hưng Đạo nhưng là thuộc về đường Hàng Bè.
Ngay đoạn kế cận với đường Ngã Giữa này, có tiệm Chấn Hưng, nhà của Thầy giáo Trương Đình Diên, giáo viên trường Nguyễn Tri Phương một thời.
Dãy nhà ngay đây, có nhà của Ông Lí Lâm Thịnh, nhưng Ba tôi hay gọi là Bác Lý Lâm Tinh. Đây chính là Hỏa xa, luôn được người Huế nhắc đến như một cột mốc định vị, gọi chung là Hỏa Xa- bia lạnh. Căn nhà này chừ là chi nhánh của giày dép BiTi’s và bên cạnh có nhà sách Khai Trí.
Các gia đình ở đoạn này đa số kinh doanh các mặt hàng dây cước, phao, lưới… ngư cụ dùng cho ngư dân trong việc đánh bắt cá.
Đường Hàng Bè là con đường rất gần đường nhà cũ của tôi, nhưng thuở nhỏ rồi đến lúc đi học, và trưởng thành, vẫn là con đường tôi rất ít ngang qua, nơi đây chỉ có một vị trí tôi thường xuyên ghé đến, là nhà của người bạn học chung lớp Trần Lan Hương, Thuở đó là tiệm làm bánh mì, giờ vẫn còn nguyên hình thức bên ngoài như trước, và là căn nhà có 2 mặt tiền, mặt trước của nhà là Lộc Lợi, thuộc đường Ngã Giữa.
Nơi này còn có tiệm Mỹ Dung bán sơn thuốc bột màu cọ vẽ tranh. Hoàng Long bán các máy móc như máy cày, máy bơm máy phát điện…
Chừng khoảng này là Hội Quãng Tri, nay đã thay đổi hình thức, nhìn khác hẳn ngày xưa.
Hội Quãng Tri là nơi sinh hoạt của người dân phường Phú Hòa, Mạ tôi kể rằng, gia đình Ông Tân Hoa đã từng đến đây trình diễn văn nghệ, các Cậu Dì lớn của gia đình Ông thường hát những bản nhạc xưa của Tinh Hoa xuất bản.
Còn có nhà bác sĩ Tấn, cô em gái xinh xinh nay là vợ bác sĩ Hoàng văn Hưng, nhà Bác sĩ Hưng ở đường Chi Lăng. (Nhà bác Sỹ Tấn sát kem Đào Nguyên)
Thuở còn rất bé, tôi hay theo gia đình đến hai quán kem Đào nguyên và kem Sơn Ca, tuổi thơ của tôi gắn bó nhiều với những li kem mát lạnh, ngọt lịm của hai tiệm bán kem nổi tiếng trên con đường này.
Kem Đào Nguyên là nhà của chị Ái Cầm, cựu nữ sinh Đồng Khánh, sau này chị còn là một nữ bác sĩ dịu dàng, khả ái. Gia đình chị là người Hoa và khá đông chị em gái, còn có các em Ái Thu, Ái Thanh đều rất xinh đẹp…
Cắt ngang đường , có một ngõ rộng, nhưng ngắn, thông với đường Ngã Giữa, thông suốt qua đọan bờ hồ của đường Ngã Giữa.
Đến đây là Đình Phú Hòa, các lễ lạc của Phường Phú Hòa tổ chức nơi này rất rộn ràng, nhất là vào các dịp Xuân tế, Thu tế. Đôi khi tiếng kèn, trống vang qua tận đường Bạch Đằng đối diện.
Còn có nhà dược sỹ Nguyễn Hứa Phục trưởng khoa Vi sinh bệnh viện Trung Ương Huế ngang đâu đây.
Căn nhà cũ của Thầy Hà văn Chữ, giáo viên cũ của trường Quốc Học gần đâu đây, xê xích đôi chút có phòng vẽ Nam Long.
Đoạn giữa của đường rất nhiều gia đình buôn bán các mặt hàng vật liệu xây dựng, ống nước …vẫn còn duy trì cho đến nay như tiệm Phúc Hưng của gia đình chị Sen, Hoài Đức của gia đình bác Trương Đình Kiểm, và còn có Hoàng nhân là một tiệm mới thời gian sau này.
Có một con ngõ rất hẹp, nối đường Hàng bè với Ngã Giữa, qua khỏi con hẻm này đã có thể nhìn thấy vườn bông Ngã Giữa, và một số nhà gần đó.
Là con đường mang tên của nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, quê hương của ông là Quảng nam, do đó không lạ gì khi trên con đường này có trụ sở Hội Đồng Châu Quảng Nam, một thời là cư xá dành cho sinh viên gốc Quang Nam về Huế trọ học. Nhưng tiền thân của cư xá là tòa soạn báo Tiếng Dân do chính ông làm chủ bút. Căn nhà này hiện nay xuống cấp trầm trọng, thỉnh thoảng chỉ sơn vôi lại mặt tiền.
Bỏ một bề ngang đường Mai Thúc loan, hai tiệm mè xửng nổi tiếng một thời của Huế, là Nam Thuận, Hồng Thuận. Mè xửng Hồng Thuận là nhà của anhh Ngô Càn Nam, anh đã qua đời nhiều năm.
Qua khỏi gầm cầu Đông Ba là nhà La Ngu, có anh La Trường Trai, gia đình người Hoa rất quen thuộc với phố Huế. Anh La Trường Trai là chồng của chị bác sỹ Ái Cầm.
Đâu đây đối diện các căn nhà này, về phía bờ sông ngày xưa có Bến Tượng, gọi là Bến Tượng chỉ vì thời xưa, các nài voi của Vua thường đưa voi đến đây tắm rửa.
Đường hàng Bè khá thấp nên mỗi mùa lụt, nhất là lúc Huế lụt lớn, con đường này ngập nước khá cao, nhất là vào đoạn dưới gầm cầu Đông Ba. Khi nước lụt rút, luôn luôn để lại dấu bùn non khá nhiều, dày sịch, khi bùn chưa khô, đặt chân vào coi như sa lầy.
Vài căn nhà nơi này, có tiệm Hồng Thu, nhưng bán mặt hàng chi thì tôi hoàn thoàn quên bẳn, chỉ nhớ nơi này, lúc tôi còn nhỏ xíu, các anh tôi đã nhắc đến mấy chị gái trong gia đình, mà các anh ấy bảo nhau là một trong những hồng nhan của Huế mình.
Nhà Thầy giáo Lê Gia Thọ, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Quốc Học, quanh quẩn đọan này. Bây giờ Thầy đã đổi chỗ ở nơi khác.
Nơi khoảng này, đậm nét là Abattoir, hồi trước ngay trước cổng, có bảng ghi “Nhà Tế sinh”, bên trên là chữ Abattoir. Nơi này chừ hoàn toàn không còn dấu vết, toàn bộ khuôn viên đã phá dở, xây dựng lại cho cơ sở khác.
Trường tiểu học Thanh Long liền kề vách của abattoir. Rất nhiều người lớn tuổi gọi là trường “Cây- Nhếch”, hay là “Ca-Det”, là gọi theo cách phiên âm từ Queignec, tên của một đoạn trên đường Huỳnh Thúc Kháng ngày xưa gọi là Rue Queignec.
Các anh lớn học ở trường này nhắc lại rằng, bên hông trường có một cửa sắt nhỏ, học sinh vào trường theo lối này, ngay cửa hồi ấy có một chị tên Bạch, bán các hàng ăn lặt vặt cho học sinh, me ổi, bánh kẹo linh tinh…. Bây giờ cách trường này một quãng ngắn, có thêm trường Trung Học Cơ Sở Huỳnh Thúc Kháng.
Đến đây đã thấy bóng dáng của cầu Thanh Long rồi. Cầu nhỏ nhưng độ dốc khá cao. Khoảng đường tiếp nối, ngày trước là thuộc đường Hàng Bè, nhưng khoảng năm 1996, đã đổi thành đường Đào Duy Anh.
Đổ dốc cầu một đoạn, tôi chỉ còn nhớ có căn nhà, ghi là Kế Toán Học Hiệu của gia đình Ông Trần Xuân Đàn. Nay nhà này vẫn còn y như xưa, bảng hiệu không hề thay đổi.
Đường Huỳnh Thúc Kháng và đường Bạch Đằng rất quen thuộc, gần gũi với tôi.
Hai con đường cứ thế theo thời gian lặng lẽ nhìn nhau qua bóng nước sông Đông ba, không nói năng chi.
Tuy gần mà xa cách bởi dòng sông ấy, nhưng vẫn rất gần, nhờ có hai chiếc cầu tháng ngày nối nhịp bên nớ bên ni. Bên nhau như thế rồi đếm nhịp thời gian mà già cỗi dần theo bao mùa qua đi qua đi…
Từ một góc kí ức thơ dại của tôi, những ly kem Đào Nguyên và Sơn Ca cứ chập chờn, màu kem nhạt nhưng trang nhã, tượng trưng cho từng vị kem, trái cây màu gì thì kem mang sắc ấy, ly kem có chân cao cao, nâng ly lên nhìn mấy hình tròn của các viên kem nằm cạnh nhau, thơm và hấp dẫn tuổi thơ biết nhắc mấy cho vừa.
Xa xa trong tiềm thức, có mấy mùa Phật Đản ngang qua, những đoàn xe hoa rước Phật không rõ vì lí do gì đã không chạy về đường Chi lăng nhà tôi, rứa là Ba Mạ cho mấy chị em ra đường Bạch Đằng, ngóng qua bên tê sông mà nhìn đoàn xe chạy chầm chậm trên đường Huỳnh Thúc Kháng.
Những ngày xưa thân ái ấy chừ đã chìm khuất tận chân trời góc bể nào, xa xôi lắm…
Lương Thúy Anh
Cảm ơn LTA, đường Đò Cồn, đường Ngã Giữa, đường Hàng Bè, gần sáu chục năm rồi mà LTA gợi ra sống động như thấy lại những sinh hoãt bình nhật cũ nơi này. Hãy thu thập lại thành một tập Huế-ngoại sử.
Dạ, chị Phuong, em chỉ viết theo trí nhớ, nhớ được chừng mô viết chừng nấy, và em biết vẫn còn nhiều thiếu sót cũng như có thể sai sót nữa. Em cám ơn chị.
Hay lắm , lối kể chuyện rất Huế , rất con gái Huế , mặc dù có thể là con gái Mệ rồi !!!
Cảm ơn rất nhiều !
Dạ anh, Huỳnh Hồ Thái, cám ơn anh.dạ ngày xưa gái huế, chừ ai cũng đã mệ Huế cả rồi nhưng chuyện Huế ngày xưa thì rất khó để quên.
Cảm ơn chị Thuý Anh
Cảm ơn chị LTA
Em thấy rất quý khi đọc những bài viết của chị
Cám ơn Monghuong đã đọc bài, thân chúc sức khỏe.
Cám ơn cô đã kể lại những hoài niệm, nay trên con đường này đã có quán cafe mang tên Hàng Bè. Gần mè Xững Nam Thuận. Là mặt tiền nhà sau của thầy thuốc Đông Y đường Mai Thúc Loan, nhà thuốc thầy Bông.
Dạ, đúng rứa thưa anh (chị), Nhà thuốc Đông y có chị Kim Chi là con dâu.
cám ơn cô LTA đã viết bài ni, tôi xa Huế hơn 53 năm rồi nên không nhớ tên mấy con đường cô viết. Đọc bài ni cảm thấy muốn về VN lại, lần cuối cùng tôi về là năm 2012, xem utube thấy cảnh Huế mình đã thay đổi quá nhiều, không còn thơ mộng như ngày xưa.