“Em là cánh bướm ư, Ta là giấc mộng trong hồn Trang Chu” – Tống Mai

May 7, 2020 (TM)

Hôm nay Vesak. Trăng Rằm.
Tôi chỉ thắp hương, không hoa trái. Đã hai tháng nay tôi không ra ngoài, hoa trong vườn không đủ nghiêm cung để có thể dâng cúng Phật. Thắp hương xong, tôi nán lại cạnh bàn thờ chị tôi nhìn ra bóng chiều ngoài kia. Tiếng chuông tôi vừa đánh xong còn vang trong đầu, hòa vào tiếng chuông chùa của mấy chục năm trước quanh căn nhà xưa của tôi trong những ngày Phật Đản. Một tiếng chuông nhỏ trong tiếng đại hồng.

Tôi đã viết không biết bao nhiêu lần về tiếng chuông quanh nhà tôi thuở đó. Có khi nghe đến thảm: Trong những giấc mơ bao giờ cũng hiển hiện căn nhà ngay trên dốc cao của tôi ở Bến Ngự, chung quanh là vườn cây xanh mát tôi thường leo lên mỗi trưa để ngồi học bài. Ở đó có những ngôi chùa bao quanh, nên tôi lớn lên trong tiếng chuông ngân trầm mỗi sáng sớm và mỗi chiều muộn dưới bóng mát của tiếng tụng kinh. Bến Ngự của tôi, của vô số ngôi chùa cổ kính và của bến sông chiều là một góc nhỏ nơi tôi sinh ra và lớn lên. Nằm ngay trên đỉnh dốc, cao đến đỗi mỗi lần đi xe đạp phải xuống xe dắt bộ, là căn nhà có giàn Tigon phủ kín hiên làm thành bức tường chia cách với thế giới bên ngoài.  Thế giới bên kia là Phổ Quang, Hải Hội, Linh Quang, Từ Đàm, Bảo Quốc, Sư Nữ … Thế giới trẻ thơ chỉ có chừng đó, và khi rời nó tôi cũng chỉ mang theo chừng đó trong lòng … những ngôi chùa êm ả, những buổi chiều im ngồi học dưới cây me rợp mát có trái li ti, sau khi học bài xong thì theo các chú tiểu vào nghe kinh chiều, những ngày Phật Đản có những hàng đèn lồng thắp sáng bằng nến chạy dài hai bên đường… rồi Huế của sáng sớm tinh sương Chúa Nhật ba tôi và mấy chị em hay đạp xe lên chân núi Ngự Bình.

Tôi nhớ lắm quãng đời xa xưa đó, mỗi cái ngoái nhìn lui là hình ảnh căn nhà ở cuối đường yên lặng nhìn mình. Giờ đây, khi tất cả đều im bặt, tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh không còn được nghe nữa, tôi mới thấm thía tôi đã mất đi một nỗi bình yên.

Đọc lại những gì mình đã viết, tôi vẫn còn chảy nước mắt. Có những giấc mơ vĩ đại, tôi chỉ mơ nghe lại tiếng chuông chùa. Càng về sau, tôi càng quay về nương tựa thuở xa xưa dù chân đã mọc rễ trên đất người. Bất chấp thực tại, tôi chưa bao gìờ khôn lớn.

Tôi bỗng nhớ đến một sự so sánh rất nên thơ của thầy dạy nhiếp ảnh của tôi về mộng và thực. Khi nói về thể loại ghép hình (composite photography) từ nhiều tấm hình để tạo nên một tác phẩm theo ý thích, thì ông cho rằng điều này chẳng khác gì cho phép mình sống trong ảo mộng, tựa như giấc mộng hóa bướm của Trang Chu. Người họa sĩ vẽ tranh đem mộng và thực vào tranh, thì nhiếp ảnh gia cũng đem mộng và thực vào những bức hình của mình. Trong đó ta không cần phải thức dậy để biết đâu là mộng và đâu là thực.

Khi bước vào Nam Hoa Kinh ta nghe Trang Tử nói về giấc mộng một cánh bướm: “Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ thích chí dữ bất tri Chu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Chu  dã. Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Chu dư? Chu dữ hồ điệp, tắc tất hữu phận hĩ. Thử chi vị Vật hóa”. “Xưa Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Chu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu? Chu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa”

Em là cánh bướm ư
Ta là giấc mộng
Trong hồn Trang Chu.
Kimi ya chô
ware ya sôshi ga
yume gokoro
(Basho)

Giữa hai bờ hư thực….

Tống Mai
May 7, 2020

 

“Ta là giấc mộng trong hồn Trang Chu”

“Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”

Giáng Kiều – Bích Câu kỳ ngộ

 

 

 

36 thoughts on ““Em là cánh bướm ư, Ta là giấc mộng trong hồn Trang Chu” – Tống Mai

  1. Your photos are so full of peace and sweet dreams, my dear friend. And anyway, even if reality is now a memory, the peace of that lost memory is still with us, within us.

    1. Thank you dearest Susanna for always having the patience to translate what I wrote into your language to be able to understand me.
      Sono contento di essere entrato nel tuo cammino e di incontrare un’anima meravigliosa.
      Hugs.

      1. Dearest Mai, I confess that I would write to you even more often and much more but I am really in difficulty translating from your language first into English and then from English into Italian.

        1. Don’t worry dearest Susanna. Vietnamese is a difficult language to translate with Google when it often translates awkwardly and poorly and hard to make sense. It does a perfect job with Italian though when it translates into English. I’m glad thanks to Google, I can read what your beautiful poems and prose.
          Love and hugs

  2. Em là cánh bướm ư, còn ta là người bắt bướm 🙂

    Những hình minh họa thật mơ màng, chị ạ!

  3. Giống như tranh vẽ Tống Mai ơi
    Đẹp tựa hồn Em mơ sống lại,
    Ngày xưa cũ tiếng chuông ngân
    Bây giờ tỉnh giấc lâng lâng đâu còn!

  4. Chị Tống Mai mến,
    Bài viết thật hay, mình không biết nhiều về kinh kệ, nhưng được chị dịch cho nên thấy thật thấm thía. Thấy 2 hình chị nộp cho Team Blue có thật nhiều ý nghĩa mà mình chắc hầu hết (trong đó có mình) không catch được. Hôm đó, mình cũng thấy 2 con bướm trong hình của chị phải biểu tuọng một cái gì nhưng không đoán đựợc. Thầy Dũng cũng dừng ở 2 tấm hình này của chị rất lâu. Hy vọng, với blog này của chị, sẽ hiểu hình của chị hơn.

    1. Cám ơn chị QMai đã luôn đọc blog của Mai một cách trang trọng.
      Mai nghĩ làm sao mà ai biết được những ẩn ý sau những bức hình sáng tạo của mình đươc, chỉ có mình hiểu mình thôi, và người xem sẽ hiểu theo cảm xúc riêng. Cái đó đã là niềm vui và thành công của tác giả

      Thầy Dũng mất đi những năm tuổi trẻ, nhưng Mai nghĩ những năm sau của thầy được đền bù khi thầy có cả một hội nhiếp ảnh thương mến thầy ở đằng sau phải không.

  5. Hình đầu em nghĩ là cô gái nằm chết dưới cội đào, hồn hóa thành bướm bay lên trời và được thong dong tự do từ đó.
    Đọc những gì chị viết lúc nào cũng đau cả ngực.

  6. Hình thứ hai chị chuyển qua chì vẽ y hệt Bé lúc nó còn học thổi sáo. Em không nhớ đã cho chị hình đó khi nào, cũng hai chục năm trước hỉ.
    Cô bé thổi sáo ra bướm, hihi.

  7. Đầu óc tưởng tượng phong phú chị Mai ơi. Chị làm ảnh đẹp quá.
    Có một Trang Chu trong hồn của chị đó.

  8. Mai làm hình đẹp lắm Mai ạ, rất giống tranh họa. Những hình có ý tưởng ngộ nghĩnh và rất dễ thương.

  9. Cảm ơn bài & ảnh.
    Mai có biết gì nhiều về Nhà thờ Phan tộc, xưa như là một chùa/am/đền… của một bà “trạng”, có chuồng nuôi gấu bên dốc lên tay phải đối diện nhà Mai. ???
    Bảo trọng,
    Hoà

    1. Nhà thờ đó đã bỏ hoang hơn cả chục năm nay. Lúc 2008 Mai về Huế lần đầu thấy đã rêu phong. Chùa Hải Hội đã tan nát hoang phế khi Mai thấy năm ngoái.
      Hồi xưa Mai hay qua chùa Hải Hội học bài và chơi với mấy chú tiểu. Ông thầy trụ trì chùa rất thương chị em Mai, ngày nào cũng qua nhà đem hoa quả cúng Phật qua cho.

      Take care.

      1. Tiếng chuông trong bài viết của Mai đã đánh thức hồi ức thời tiểu học, hay được mẹ dẫn đi ngủ lại chùa những đêm rằm sau lễ. Giờ mới biết tên Hải Hội.
        Hỏi lại mẹ, bà đã mù mờ trí nhớ không hoàn không ! Hồi đó H. hay được một vị ni, mà được gọi là “trạng” hay “bọ”, cưng chiều vì biết H. đã mất cha khi còn trong bụng mẹ…Thầy trụ trì thì hiền lắm…
        Qua năm 1963 sau khi lên cấp 2 thì không còn đi chùa này nữa. Có vẻ như đây là một chùa tư ? Còn Phan Tộc Từ Đường dạo sau hay cho sv. thuê trọ, H. không biết gì.
        Cảm ơn Mai.

        1. Đúng Hải Hội là chùa tư nên rất yên tĩnh. Phía góc phải sâu trong sân chùa có một bàn tròn bằng đá và ghế đá dưới cây me cổ thụ có trái li ti rụng xuống ăn chua chua. Đó là nơi Mai ngồi học bài buổi chiều. Hồi nhỏ thấy các bật cấp lên chùa rất cao và 2 con rồng hai bên to lớn, bây giờ về lại thấy nhỏ mà nhận không ra. Mình thay đổi chứ cảnh có thay đổi đâu.

  10. Chị Mai viết bài mơ mơ mộng mộng, bay bay bổng bổng làm em đọc cũng mộng mộng mơ mơ, bổng bổng bay bay theo. Có nên bắt đền tác giả không ta?

    1. Cám ơn Hạnh, chị cho đây là một compliment vì đã kéo được người đọc vào thế giới của mình. Nếu ở gần chị chỉ biết đền cho Hạnh một tô bún bò Huế hay cơm hến.

  11. Dạ, chị , em đã nhận email của chị, em cám ơn chị Mai. Con đường nhà cũ của chị hàng ngày em hay đi ngang qua, cố gắng hình dung căn nhà ngày xưa của chị …đoạn nớ, đoạn tê. Như bài chị viết quanh đó toàn là chùa, và chừ em ở đây, bốn hướng cũng toàn là chùa, nghe tiếng kinh chùa đến quen thuộc, thỉnh thoảng có tiếng mấy chú điệu tập tụng kinh, trật lên trật xuống nhưng thiệt dễ thương. Hình ảnh của chị đẹp quá.

    1. Căn nhà xưa của chị đã thay hình biến dạng hoàn toàn không còn nhận ra nữa, từ một nhà rường có vườn trước sau trở thành nhà 3 tầng. Con dốc cao hình như bây giờ đã được san bằng. Khe nước nhỏ bên đường chạy dài từ chùa Linh Quang xuống sông Bến Ngự đã bị lấp đi. Hồi còn nhỏ, mỗi lần trời mưa, chị em của chị hay làm thuyền giấy thả xuống khe cho nước cuốn đi.

      Thúy Anh chọn để ở gần chùa chiền rất may mắn.

      1. Dạ, chị Mai, em cũng nghĩ như chị, ở đây em thường có cảm giác bình yên, dễ chịu hơn nơi ở trước rất nhiều.

  12. Mai ơi ,
    Mai học cách ghép hình ảnh rất đẹp mà sao Mai lại nói là chuyện phù phiếm .
    Những tấm hình Mai thực hiện thật đẹp một cách nghệ thuật và rất có hồn, những tấm hình khi nhìn vào đều có một cái đẹp khác nhau tuỳ theo mình nhìn ngắm ở giây phút đầu tiên mình cảm nhận được thế nào.
    Ng thích nhất là tấm hình thứ nhất “Ta là giấc mộng trong hồn Trang Chu “. Trí tưởng tượng của Mai thật phong phú nên những tác phẩm rất nên thơ.

    Đọc lại những bài viết của Mai, khi nào cũng ghi đậm nét căn nhà xưa của Mai ở trên dốc Bến Ngự, vườn cây xanh chung quanh rồi dàn hoa Ti gôn phía trước, nhắm mắt vẫn thấy được khung cảnh êm đềm của ngôi nhà nhỏ với các ngôi Chùa cổ của Huế ở xung quanh. Và rồi hình ảnh cô gái bé nhỏ hay ngồi duới gốc cây me già trong sân chùa học bài, những lúc chiều thả hồn theo những tiếng chuông chùa vang vọng.
    Những hình ảnh của thời thơ ấu thường khắc sâu trong tâm hồn chúng ta phải không Mai?

    Lần này về thăm nhà và kẹt lại ở Huế 2 tháng với đại gia đình Ng ở Huế, tuy là ngôi nhà xưa của Ông Bà Nội của Ng đã được sửa sang lại, không còn nét xưa cũ và vườn cây rộng rãi với các thứ cây ăn trái thuở xa xưa cũng không còn, thay vào đó là các ngôi nhà của các O, các Chú và các em của Ng đã xây dựng trong khu vườn đó, may mắn mỗi ngôi nhà còn có một sân vườn, cũng có những bể cá hòn non bộ và phía xa sau vườn vẫn còn một vài cây cau xưa. Sau những tuần lễ cách ly toàn xã hội, Huế có 5 ngày mưa liên tiếp, ngồi trong nhà nhìn ra sân, vườn, nghe tiếng mưa rơi tí tách, đều đặn, mỗi khi có tí gió hơi lớn, các tàng lá của những cây cau bắt đầu ngã nghiêng theo gió và các tàu lá chuối lớn trong những cây chuối sau vườn lung lay chạm vào nhau tạo nên một âm thanh xào xạt , lạ kỳ mà Ng cảm nhận được rằng những âm thanh này mình đã nghe quen từ hồi còn bé tí trong vườn nhà của Nội mỗi khi mưa gió về .
    Vậy là những ngày mưa Huế đó Ng lại nhớ về những kỷ niệm xưa dễ thuơng của thuở còn nhỏ dại ở trong ngôi nhà đầy ắp tình thương yêu của Ông Bà Nội và các O, các Chú.

    Cám ơn Mai với những lời văn thiết tha làm Ng cũng hồi tưởng lại kỷ niệm êm đềm & dễ thương của thời tuổi nhỏ ở Huế.
    Thân thương.

    1. Ừ, lúc nào nằm mơ cũng là nhà cũ ở Huế lạ thật. Mai không còn gia đình ở VN nữa nên không có được cái thú ở trong nhà nghe trời mưa ở Huế nữa. Hồi xưa khi còn nhỏ, mỗi lần mưa, nước trên máng xối chảy xuống ào ào, chị em Mai hay chạy ra đứng dưới đó tắm mưa. Ước gì có một ngày được sống lại như thế nhỉ.

  13. Có thời gian dài rãnh rổi để cho tâm tịnh, làm được một việc như chị Mai thật là tuyệt vời.
    Hình “Chết dưới cội đào” của chị quá đẹp.

    1. Cám ơn Vân. Nạn dịch này chẳng khác gì nạn dịch trong La peste của Camus, thành phố đóng cửa cắt đứt với thế giới bên ngoài, kinh khủng thật cái tương tự đó giữa tiểu thuyết và đời. Chỉ biết chịu đựng chấp nhận thôi, và ráng làm điều gì đó để giữ yên tĩnh.

Leave a Reply