Feb. 7, 2020 (TM)
Khi bạn tôi nhắc đến cuốn Lettre à un otage (Thư Gởi Một Con Tin, 1943) và Le Petit Prince (Hoàng Tử Bé,1943), hai tác phẩm đi đôi với nhau mà Saint-Exupéry viết cho người bạn Do Thái Léon Werth trốn tại Pháp dưới thời Đức Quốc Xã, tôi bỗng muốn viết một cái gì đó về Le Petit Prince để tặng bạn, người hầu như thuộc lòng cả cuốn sách nhỏ như thuộc những đường chỉ trên lòng bàn tay của mình. Và cũng để nói với bạn, cũng như bạn, tôi nhớ nhất hai câu:
Ở sa mạc cô đơn quá.
Ngay giữa cõi người, ta cũng cô đơn thôi – Con rắn trả lời.
On est un peu seul dans le désert.
On est seul aussi chez les hommes, dit le serpent.
Tôi chắc rằng không ai trong chúng ta từng đọc Le Petit Prince mà không nhớ một số yếu tố chính, trong đó cậu hoàng tử được dạy về tình bạn và tình yêu bởi một con chồn mà cậu gặp trên hành tinh của chúng ta: “On ne voit bien qu’avec le cœur. L’essentiel est invisible pour les yeux.” Cái cốt tủy bao giờ cũng vô hình không thấy được bằng mắt, mà chỉ có thể nhận thức được bằng con tim. Và hiển nhiên, Lettre à un otage phân tích xa hơn ý niệm đó khi Saint-Exupery muốn xác định những gì cần thiết cho sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất này. Ông bày tỏ lòng lo ngại cho số phận của những kẻ tị nạn, trong đó có bạn thân của ông, Léon Werth, đang sống dưới bóng tối của Nazi, và kêu gọi lòng tôn trọng cá nhân của nhau để bảo tồn sự tiến hóa của nhân loại.
Le Petit Prince và Lettre à un otage là hai tác phẩm cuối cùng của Saint-Exupéry trước khi ông bị bắn rơi trong chuyến bay trinh sát phục vụ Không quân Pháp tại Corsica để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của các đồng minh ở miền nam nước Pháp dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã. Cả hai cuốn đều được viết tặng cho người bạn Do Thái của ông. Thời của lưu vong, của ly hương, nên điều quan trọng để giữ cho nhân loại tồn tại chính là tình bạn, tình người, lòng tôn trọng lẫn nhau. Ý niệm này nổi bật một cách huy hoàng trong hai cuốn sách cuối đời này của ông.
Trước khi nói đến Le Petit Prince, tôi muốn chia xẻ những ý niệm nhân bản trong Lettre à un otage qua những đoạn mà tôi chuyển ngữ sau đây. Đây là một cuốn sách rất nhỏ, rất mỏng, chỉ có 6 chương ngắn, nhưng đầy triết lý sống, mỗi câu buộc ta phải ngừng lại để suy ngẫm và ta có thể hiểu nó như là một tiếp nối của cuốn Le Petit Prince.
“Bạn yêu dấu, tôi cần tình thân của bạn. Tôi khao khát một đồng hành mà trên những tranh chấp của lý trí, tôn trọng niềm tin đó trong tôi. Đôi khi tôi cần cảm nhận sự ấm áp đã hứa, và nghỉ ngơi một chút, an nhiên ở điểm hẹn nơi chúng ta sẽ sum họp. Tôi thấy mệt mỏi về chính trị, về độc quyền và cuồng tín. Tôi có thể đến với bạn mà không cần phải mặc đồng phục, không cần phải đọc kinh Koran, không phải từ bỏ bất cứ điều gì trong thế giới tâm linh của tôi. Với bạn, tôi không phải tự biện minh hay van nài; tôi chỉ thấy bình yên. Dù tôi có thốt ra những lời vụng về, hay tranh luận một cách xuẩn ngốc, bạn vẫn chỉ xét đoán tôi theo nhân tính của tôi. Nếu tôi và bạn không cùng quan điểm không có nghĩa là tôi xa rời bạn, mà thật ra chúng ta bổ túc cho nhau.”
(C’est sans doute pourquoi, mon ami, j’ai un tel besoin de ton amitié. J’ai soif d’un compagnon qui, au-dessus des litiges de la raison, respecte en moi le pèlerin de ce feu-là. J’ai besoin de goûter quelquefois, par avance, la chaleur promise, et de me reposer, un peu au delà de moi-même, en ce rendez-vous qui sera nôtre. Je suis si las des polémiques, des exclusives, des fanatismes ! Je puis entrer chez toi sans m’habiller d’un uniforme, sans me soumettre à la récitation d’un Coran, sans renoncer à quoi que ce soit de ma patrie intérieure. Auprès de toi je n’ai pas à me disculper, je n’ai pas à plaider, je n’ai pas à prouver ; je trouve la paix, comme à Tournus. Au-dessus de mes mots maladroits, au-dessus des raisonnements qui me peuvent tromper, tu considères en moi simplement l’Homme… Si je diffère de toi, loin de te léser, je t’augmente.)
“Như bất cứ ai, tôi cần được công nhận. Bên bạn, tôi thấy mình thuần khiết và muốn được gần gủi nhau. Tôi cần tìm đến nơi tôi được thuần khiết. Tôi muốn được chấp nhận tôi là tôi. Tôi có cần gì một người bạn luôn phán xét tôi đâu.”
(Moi qui éprouve, comme chacun, le besoin d’être reconnu, je me sens pur en toi et vais à toi. J’ai besoin d’aller là où je suis pur. Je te sais gré de me recevoir tel que me voici. Qu’ai-je à faire d’un ami qui me juge?)
“Hãy tôn trọng con người! Tôn trọng con người! … Đây là nền tảng! Khi Nazi chỉ tôn trọng những người giống họ, thì chẳng khác gì chỉ tôn trọng chính mình. Họ bác bỏ những mâu thuẫn sáng tạo, hủy hoại mọi hy vọng hướng thượng và tạo ra trong một ngàn năm, một con robot của một ổ mối thay cho con người. Trái lại, dường như sự hướng thượng của chúng ta chưa đạt được, sự thật của ngày mai được nuôi dưỡng bởi lỗi lầm của ngày hôm qua, và những mâu thuẫn cần khắc phục là nền tảng lớn cho sự phát triển của chúng ta. Chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau. Cùng sống dưới một bầu trời, tại sao lại thù ghét nhau? Không ai trong chúng ta có chủ tâm đó. Tôi có thể chiến đấu để bảo vệ con đường của tôi mà kẻ khác đã chọn. Tôi có thể chỉ trích cách mà người đó hành xử, nhưng tôi phải tôn trọng anh ta, trên danh nghĩa thánh thần, khi anh ta cũng đang chiến đấu để tiến đến cùng một ngôi sao.
Hãy tôn trọng lẫn nhau! … Nếu sự tôn trọng được thiết lập trong trái tim, thì nó sẽ được thể hiện sau đó trong xã hội, chính trị hoặc kinh tế.”
(Respect de l’homme ! Respect de l’homme !… Là est la pierre de touche ! Quand le Naziste respecte exclusivement qui lui ressemble, il ne respecte rien que soi-même ; il refuse les contradictions créatrices, ruine tout espoir d’ascension, et fonde pour mille ans, en place d’un homme, le robot d’une termitière. Il nous semble, à nous, bien au contraire, que notre ascension n’est pas achevée, que la vérité de demain se nourrit de l’erreur d’hier, et que les contradictions à surmonter sont le terreau même de notre croissance….Nous voulons fonder le respect de l’homme. Pourquoi nous haïrions-nous à l’intérieur d’un même camp ? Aucun d’entre nous ne détient le monopole de la pureté d’intention. Je puis combattre, au nom de ma route, telle route qu’un autre a choisie. Je puis critiquer les démarches de sa raison. Les démarches de la raison sont incertaines. Mais je dois respecter cet homme, sur le plan de l’Esprit, s’il peine vers la même étoile.
Respect de l’Homme ! Respect de l’Homme !… Si le respect de l’homme est fondé dans le cœur des hommes les hommes finiront bien par fonder en retour le système social, politique ou économique qui consacrera ce respect.)
Đây là bức chân dung bảnh nhất của cậu bé mà sau này tôi vẽ được
Bức vẽ màu nước của St-Exupéry. Photo: N.H. PhPo
Tôi có thói quen tìm lại sách xưa để đọc. Với tôi đấy là lúc suy ngẫm về việc mình đã trưởng thành như thế nào, một giảo nghiệm về tiềm thức đã thay đổi ra sao trước nỗi nhân sinh.
Le Petit Prince là một cadeau sinh nhật hơn 35 năm về trước. Ngỡ ngàng khi nhận một cuốn truyện cũ chưa đến 100 trang, chữ to, hình họa màu nước do Gallimard xuất bản năm 1949, tôi đã đọc một cách chóng vánh, nhưng cảm thấy có điều gì vương vấn. Vài năm sau đọc thêm một lần nữa, rồi một lần nữa, và bây giờ là lần thứ tư khi tôi đã là một người quá lớn.
Truyện kể một cậu bé được gọi là hoàng tử bé vì thất vọng với một đóa hoa hồng mà bỏ hành tinh nhỏ của mình để du hành vũ trụ. Trong cuộc viễn du đó, cậu khám phá ra những điều mơ hồ về hành vi của người lớn qua những chuổi gặp gỡ phi thường. Cậu hoàng tử có mái tóc vàng óng, một nụ cười đáng yêu và mỗi khi hỏi một câu gì thì lặp đi lặp lại cho đến khi được trả lời.
Người kể chuyện là một phi công mà lúc lên sáu, với trí tưởng tượng, lòng say mê phiêu lưu nơi rừng hoang, đã vẽ bản vẽ đầu đời của mình một con trăn đang nằm tiêu hóa một con voi trong bụng nhưng phải dùng trí tưởng tượng mới hình dung ra được hình dáng con voi trong bụng trăn. Khi cậu hãnh diện khoe với người lớn thì không ai hiểu và cho đó là hình một chiếc mũ. Cậu bèn vẽ một bức thứ hai với hình dạng con voi với mắt vòi thân đuôi rõ ràng trong bụng trăn thì người lớn hiểu ngay, nhưng lại khuyên hãy chú tâm học hành, bỏ đi những hình vẽ trăn voi. Thế là ý nguyện trở thành họa sĩ của cậu tắt ngấm nên sau đó khi lớn lên cậu chọn ngành phi công. Cho đến một ngày, trong chuyến bay đi Saigon, máy bay của người phi công bị hỏng máy phải hạ cánh xuống sa mạc Sahara. Trong lúc khẩn cấp sửa máy bay của mình thì cậu hoàng tử xuất hiện và yêu cầu ông vẽ cho cậu một con cừu. “Trước sự bí ẩn vô bờ này, làm sao tôi dám cải lại.” Thế là, giữa sa mạc hoang vu, ông lấy giấy bút ra vẽ, nhưng không có một con cừu nào vừa ý cậu … con này ốm quá; không, ông thấy đó, con này không phải con cừu, nó có hai sừng như con dê; không, con này quá già sọm, cháu muốn một con sống lâu cơ. Mất kiên nhẫn, ông nguệch ngoạc một cái hộp rồi quẳng bản vẽ cho cậu … Đó, con cừu của chú nằm trong cái hộp đó. Cậu sáng mắt lên, sung sướng … đây chính là cái mà cháu muốn.
Ah ! petit prince, j’ai compris, peu à peu, ainsi, ta petite vie mélancolique.
Dần dần, người phi công hiểu ra cuộc đời nhỏ bé buồn tênh của cậu bé. Đến từ một tinh cầu tí hon chỉ đủ để chứa ba núi lửa đã tắt, cây baobab và một đóa hoa hồng, cậu đã sống lặng lẽ với những buổi hoàng hôn mà có ngày cậu ngắm đến bốn mươi ba lần. Vì khổ tâm với đóa hoa hồng phù phiếm mà Hoàng tử bé bỏ đi lang thang qua những hành tinh khác trước khi đến trái đất. Những hành tinh mà cậu đi qua thì mỗi nơi chỉ có duy nhất một nhân vật đặc biệt: một vị vua say mê quyền lực, một người khoác lác, một bợm nhậu, một nhà buôn, một người thắp đèn và một nhà địa dư. Đến trái đất thì cậu gặp người lái buôn, một vườn hồng, một con chồn, một con rắn vàng và cuối cùng là tác giả, người phi công cũng cô độc bị hỏng máy bay trên sa mạc. Thế là một người lớn và một cậu bé đã sống bên nhau những ngày thân cảm. Sau khi đã đi quá xa, hoàng tử bé muốn trở về lại hành tinh của mình nhưng đường về xa quá, thân lại nặng, nên cậu phải nhờ một con rắn cắn cho chết để hồn có thể bay về, không phải mang theo tấm thân nặng trĩu.
Tập truyện nhỏ nhẹ nhàng, thơ mộng, mỗi câu là một câu thơ, mỗi chương là một triết lý ẩn chứa không biết bao ý nghĩa thâm thúy, sâu sắc. Tùy quan điểm và nhận thức của mỗi người, có thể đây là truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, hay triết lý và được hiểu theo vô số suy nghĩ khác nhau, tùy mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh, mỗi trình độ, mỗi lứa tuổi. Tôi yêu cuốn sách khi đã trở thành một người lớn và hiểu tại sao bạn tôi đã yêu nó đến đỗi thuộc lòng từ khi còn bé, và không ngừng nhắc đến những câu trong sách suốt thời gian từ thuở nào xa lắm lúc tôi mới gặp bạn.
Le Petit Prince được viết cho ai?
Sau bốn lần xin lỗi trong đề tựa, Saint-Exupery cuối cùng đã dành tặng cuốn sách cho “cậu bé đã là người lớn”. Những “người lớn” đã từng là “cậu bé”, mà người lớn đã mang nó suốt trong người cho đến ngày hôm nay, với nhũng ký ức, hoài niệm, nuối tiếc, lỗi lầm … của thời niên thiếu. Trong lờ mờ của suy tư, tôi đọc được phần nào linh hồn của câu chuyện, từ bản vẽ đến định mệnh, rồi phiền muộn, lo lắng và sa mạc – dessin – destin / déstresse – désert. Chính từ bản vẽ trăn và voi đầu tiên đã đưa đến định mệnh cuộc đời phi công của ông. Trong sự cô đơn và phiền muộn, lo âu cho cả thân phận lẫn máy bay – l’avion en détresse – giữa sa mạc hoang vắng hay trong cuộc đời đầy toan tính, tác giả đã viết lại sự gặp gỡ của hai tâm hồn, hai nhân vật trong một con người, cậu bé của dĩ vãng và người lớn của hiện tại.
Hoàng Tử Bé Là Ai?
Theo tôi thì đó chính là tác giả, một con người của nội tâm qua hình ảnh của “cậu bé” ngày xưa luôn ấp ủ trong tâm khảm khi ông đã trở thành “người lớn”. Máy bay phải hạ cánh xuống Sahara vì một hỏng hóc của động cơ đồng nghĩa với một bế tắc, một u uẩn hay một mâu thuẫn ẩn chứa trong người. Khủng hoảng khi đối diện với cái chết, con người bỗng có một nuối tiếc nào đó, giá như ngày xưa, mọi người hiểu được bản vẽ của cậu bé thì ngày nay không có tình huống này. Cũng chính lúc này con người trở nên buông thả và sống thật với những thầm kín nhất, đó là những ước mơ thời nhỏ. Hoàng tử bé xuất hiện, sự gặp gỡ của hai nhân vật đã định hình lại “con người” của hai thế hệ. Máy bay đã sửa được, cũng như con người đã tìm lại được chân lý của đời sống, tình người, tình bạn và tình yêu.
Phiêu Du
Cuộc hành trình của cậu bé qua sáu hành tinh, mỗi hành tinh có một nhân vật đặc biệt, là cái nhìn của Saint-Exupéry vào chính mình, là hình ảnh của ông trong gương soi.
Mỗi nhân vật ở mỗi hành tinh thể hiện mỗi “cái tôi” của chúng ta. Đây là phần căn bản tạo nên tính cách con người trong xã hội, được hình thành từ lúc sinh ra với những ham muốn trong vô thức. Theo thuyết nhà Phật, thì đây là Lục căn (six sense organs), Lục trần (six sense objects) và Lục thức (six sense of consciousness), là sáu gốc tạo nên “bản ngã”, điều khiến chân tâm biến mất, con người trở nên mê muội và đó là cội nguồn của tham sân si, lôi cuốn con người đi vào vòng luẩn quẩn của sáu nẻo luân hồi, người nối tiếp người, ngược xuôi không biết bao nhiêu đời kiếp, giống như các “người lớn” ngược xuôi trên các chuyến tàu, khi cậu bé gặp và hỏi người bẻ ghi xe lữa, họ đang đi tìm một cái gì đó. Con người không bao giờ bằng lòng nơi chốn của họ. Họ đánh mất những gì quý giá chỉ tồn tại trong tâm hồn trong trắng của trẻ thơ. Chỉ có những đứa trẻ biết mình tìm cái gì.
Tình Bạn – Apprivoise-moi
Có lẽ thú vị và thấm thía nhất là triết lý về tình bạn và tình yêu qua những mẩu đối thoại giữa hoàng tử bé và con chồn mà cậu gặp trên trái đất.
-Hãy đến chơi với ta đi, hoàng tử bé rũ con chồn. Ta buồn quá.
-Tôi không thể chơi với cậu được, chồn nói. Tôi chưa được thuần hóa.
“Thuần hóa” (apprivoiser) là gì, cậu hỏi, là nghệ thuật xây dựng mối liên hệ để nuôi nấng một tình bạn đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn, sự chiu đựng với nhau. Vì lẽ đó con chồn yêu cầu hoàng tử bé hãy đến với nó thường xuyên.
Trong ước mơ về một tình bạn cao quý, Saint-Exupéry đã dùng hình ảnh một con chồn khôn ngoan, tinh tế, để mô tả thật dễ thương và mộc mạc về tình bạn:
“Nhưng nếu cậu “thuần hóa” ta, đời ta sẽ rực nắng. Ta sẽ phân biệt được những tiếng chân khác nhau. Có những bước chân lạ làm cho ta chui vào hang, nhưng bước chân của cậu sẽ gọi ta chạy ra như một điệu nhạc…”
“Những cánh đồng lúa mì chẳng gợi cho ta cái gì cả. Nó buồn lắm. Nhưng cậu có mái tóc vàng óng ả, thì thật tuyệt vời khi cậu đã “thuần hóa” được ta thi màu vàng của lúa mì sẽ làm ta nhớ đến cậu và sẽ yêu tiếng gió reo trong đồng lúa…”
Một khi đã tạo được sự thâm tình, gắn bó, những trông chờ, thì không thể để có sự cư xử buông thả tùy tiện, chồn nói:
“Tốt hơn nên trở lại một giờ nhất định. Nếu cậu đến, ví dụ như lúc bốn giờ chiều, thì từ lúc ba giờ ta đã cảm thấy hạnh phúc. Thời gian chờ đợi trôi qua, ta càng hạnh phúc. Đến bốn giờ thì ta hoảng lên và lo lắng, ta đã khám phá ra cái giá trị của hạnh phúc! Nhưng nếu cậu đến bất cứ lúc nào, thì làm sao ta biết giờ nào mà bắt đầu thổn thức con tim.”
Tình yêu – Puisque c’est ma rose
Saint-Exupéry đã thanh hóa tình bạn đến cao độ nhưng ông lại có cái nhìn nhẹ hơn và nghiêm khắc hơn về tình yêu qua hình ảnh của đóa hồng mà Hoàng tử bé nghĩ rằng nàng là duy nhất trong tất cả các hoa hồng nhưng khi đến trái đất và gặp hàng ngàn đóa hồng khác thì cậu nằm trên cỏ và khóc. Chính con chồn qua tình bạn đã chỉ ra cho hoàng tử hiểu thế nào là tình yêu:
“Hãy trở lại nhìn vườn hồng đi. Cậu sẽ hiểu rằng đóa hoa của minh là duy nhất trên đời”
Hoàng tử bé nghe lời và:
“Các ngươi chẳng giống gì đóa hồng của ta cả, vì chẳng có ai đã thuần hóa các ngươi và các ngươi chẳng có thuần hóa ai. Đúng vậy, nhìn đóa hồng của ta, người qua đường sẽ tưởng nàng giống các ngươi. Nhưng với ta, duy chỉ có nàng là quan trọng hơn tất cả, vì nàng mà ta đã tưới nước, đã để nàng vào lồng kính, vì nàng mà ta đã che chở bằng tấm bình phong, vì nàng mà ta giết những sâu bọ (trừ hai, ba con ta để lại để có những con bướm mai này), vì nàng mà ta đã chịu nghe những lời than vãn, tán dốc hay đôi khi im lặng nữa. Bởi vì đó là đóa hồng của ta” – Puisque c’est ma rose.
“On ne voit bien qu’avec le cœur. L’essentiel est invisible pour les yeux.” Đúng, trái tim nhìn sự vật bằng tâm thức không định kiến, không có sự can thiệp của cái tôi.
Niềm Hy Vọng – Ce qui embellit le désert, c’est qu’il cache un puits quelque part
“Cái đã tô điểm cho sa mạc, hoàng tử bé nói, là nó ẩn giấu một giếng nước đâu đó”
Đâu có phải sa mạc là khô cằn, là đêm tối. Cuộc đời đầy nhiễu nhương này đâu có phải chứa toàn đau khổ, trái lại tất cả luôn chứa đựng bao sự cao đẹp, nếu chúng ta biết tìm đến, biết nhìn nó với trái tim, với hy vọng.
Đến ngày thứ tám trong sa mạc, khi giọt nước dự trữ cuối cùng đã hết, thì đây cũng là lúc mà hai tâm hồn “người lớn” và “cậu bé” gần như hòa hợp, những tư tưởng mâu thuẫn trong St. Exupéry được phần nào giải tỏa.
Đến đây, tôi muốn trích nguyên một đoạn dịch của Bùi Giáng mà tôi cho là dịch rất tuyệt vời thơ mộng:
“Tôi cũng khát nước… ta hãy kiếm một cái giếng…”
Tôi làm một cử chỉ chán nản rạc rời: “Tìm một cái giếng giữa mênh mông sa mạc, là một điều phi lý”.
Tuy nhiên chúng tôi cũng đứng lên bước đi.
Khi chúng tôi bước đi, đi mãi hàng giờ, lặng lẽ, thì trời sập tối, và những ngôi sao khởi sự sáng. Tôi nhìn chúng như thoáng nhìn trong chiêm bao, tôi thấy hơi có cơn sốt trong mình, vì khát nước. Những lời của hoàng tử bé nhảy múa trong ký ức tôi:
“Chú cũng khát nước nữa hả?” Tôi hỏi thế.
Nhưng chú không trả lời. Chú chỉ nói giản dị:
“Nước có thể rất tốt đối với trái tim…”
Tôi không hiểu lời đáp đó nhưng tôi không nói gì… Tôi biết rằng không nên hỏi chú một chút gì nữa cả.
Chú đã mỏi. Chú ngồi xuống. Tôi ngồi một bên. Sau một lúc im lặng chú bảo:
“Những ngôi sao đẹp lắm, ấy là bởi một đóa hoa mà ta không nhìn thấy…”
Tôi đáp “hẳn nhiên” và lặng lẽ nhìn vào những nếp cát dưới ánh trăng.
“Sa mạc đẹp lắm”, chú nói thêm…
Và quả thật là vậy. Tôi luôn yêu sa mạc. Người ta ngồi trên một đụn cát. Người ta chẳng thấy gì hết. Người ta chẳng nghe gì hết. Tuy nhiên có cái gì lặng lẽ chiếu sáng miên man.
“Cái làm cho sa mạc đẹp”, hoàng tử bé nói, “ấy là nó chôn dấu một cái giếng dạt dào đâu đó…”
Tôi bỗng ngạc nhiên chợt hiểu sự ngời sáng huyền bí của cát. Thuở tôi còn bé, tôi đã ở trong một ngôi nhà cổ kính, và một truyền kỳ truyền lại rằng có một kho tàng chôn dấu đâu đó. Hẳn nhiên, chẳng bao giờ có kẻ nào
khám phá ra kho tàng nọ. Và có lẽ cũng chẳng có ai tìm kiếm nó. Nhưng nó đã âm thầm làm cho toàn thể ngôi nhà trở thành huyền ảo. Ngôi nhà của tôi chứa chất một niểm bí ẩn ở trong đáy linh hồn của nó…
“Ừ”, tôi bảo hoàng tử bé, “dù là chuyện căn nhà, chuyện ngàn sao hoặc sa mạc, thì cái gì làm nên vẻ đẹp của chúng, cái đó vô hình!”
“Tôi rất hài lòng thấy bác đồng ý với anh bạn chồn của tôi. “
Hoàng tử bé ngủ rồi, tôi ôm chú trong cánh tay mình, và tiếp tục lên đường. Tôi cảm động. Tôi tưởng mình đang ôm một kho của quí mỏng manh. Tôi tưởng chừng không có gì mong manh hơn trên Trái Đất. Tôi nhìn dưới ánh trăng vầng trán xanh xao nọ, hai con mắt khép kín nọ, mấy mớ tóc run rẩy trước gió, và tôi tự nhủ: “cái ta thấy đó chỉ là một lớp vỏ thôi. Cái hệ trọng nhất, thì vô hình…”
Thấy hai môi chú hé mở có dáng dấp một nụ cười, tôi tự nhủ thêm: “Cái điều xui ta cảm động nhất nơi hoàng tử bé đang ngủ này, ấy là hình ảnh một đóa hồng vẫn sáng ngời ở trong người chú như một ngọn đèn, ngay cả khi chú ngủ…”. Và tôi nhận thấy dường như chú còn mong manh hơn nữa. Phải bảo vệ những ngọn đèn. Một cơn gió có thể làm cho tắt mất…
Và, bước đi như vậy, tôi đã tìm thấy một mạch giếng vào lúc bình minh.
Đến đây tôi bỗng nhớ đến một khúc thơ rất đẹp của Thích Nhất Hạnh:
Tôi không ngủ mơ đâu
Ngày hôm nay đẹp lắm thật mà
Em không về chơi trò bắt tìm nơi quá khứ
Chúng mình còn đây, hôm nay, và ngày mai nữa
Đến đây
Khi khát chúng ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong….
Cái Chết – J’aurai l’air d’être mort et ce ne sera pas vrai
Bây giờ, chú hãy đi di để cho ta trèo xuống
“Đường về xa quá! Cháu không mang nổi thân xác này. Nặng lắm.”
Hoàng tử bé nhờ nọc độc của con rắn mang linh hồn trở về chốn cũ, bởi vì chết không phải là hết mà chỉ là một sự trở về.
Còn nữa và còn nữa, biết bao điều muốn nói, nhưng tôi muốn dừng suy nghĩ lại để hiểu rằng trong cuộc sống luôn tồn tại hai tư tưởng, một bên tự do phóng túng, mơ mộng và lý tưởng, phía bên kia bảo thủ, truyền thống, lo xa….
Sự xung đột ngoài ý muốn sẽ đưa đến ưu phiền. Vậy một cuộc sống hài hòa, một mẫu số chung cho nhân loại là đâu? Đó không phải là đức tin, là tình người, lòng vị tha, bao dung, niềm hy vọng hay sao.
Đọc Le Petit Prince xong lại muốn đọc lại, để thả hồn vẫn vơ với từng câu chữ, để lượm lặt bao ý tưởng như lượm lá mùa thu tưởng chừng vô bổ nhưng là những tinh hoa của cuộc sống rất bình thường của minh.
Thầm nghĩ, mình có lượm được gì không nhỉ?
Đó là, tôi biết tôi sẽ làm gì, nếu ngày hôm nay được sống lại những ngày niên thiếu, của thời gian mà người phi công chưa vẽ thêm “sợi dây thừng và rọ mỏm” cho con cừu của hoàng tử bé, để nó khỏi đi xa và ăn hoa hồng.
Nguyên Huệ
(6 février, 2020 – Viết cho bạn tôi)
Puisque c’est ma rose – Le Petit Prince
Musique: Jeff & Romain Cortese
Video: Nguyên Huệ
www.youtube.com/watch?v=svcxkG2ksQM
Cette nuit-là je ne le vis pas se mettre en route. Il s’était évadé sans bruit. Quand je réussis à le rejoindre il marchait décidé, d’un pas rapide. Il me dit seulement:
– Ah! tu es là…
Et il me prit par la main. Mais il se tourmenta encore:
– Tu as eu tort. Tu auras de la peine. J’aurai l’air d’être mort et ce ne sera pas vrai…
Moi je me taisais.
– Tu comprends. C’est trop loin. Je ne peux pas emporter ce corps-là. C’est trop lourd.
Moi je me taisais.
– Mais ce sera comme une vieille écorce abandonnée. Ce n’est pas triste les vieilles écorces…
Moi je me taisais.
Cháu sẽ có vẻ như chết đi, nhưng thật ra là không phải vậy.
Tôi im lặng.
Bác thấy không. Đường xa quá. Cháu không thể mang theo thân xác này của cháu. Nó nặng quá.
Tôi, tôi im lăng.
Nhưng chỉ sẽ giống như một cái vỏ khô rơi xuống. Sao ta lại buồn gì cho những chiếc vỏ khô.
Tôi, tôi im lặng.
Xúc động quá chị!
Chị cũng nghĩ thế, xúc động về hai cuốn sách bất tử này của St-Exupéry lẫn cách anh N.H. bình luận nó. Chị nghĩ anh đã viết một bài viết tuyệt vời và chị rất cám ơn.
Chị đồng ý với anh N.H. cuốn Lettre à un otage cũng như Petit Prince mỗi đoạn như một bài thơ, Lettre dù rất ngắn chỉ chừng 20 trang nhưng cô đọng những ý tưởng thâm thúy và xúc động. Có một đoạn nói về cảm tưởng của ông sau 3 năm sống ở sa mạc Sahara và cho đó là những năm hạnh phúc nhất trong đời ông:
“J’ai vécu trois années dans le Sahara.J’ai rêvé, moi aussi, après tant d’autres, sur sa magie. Quiconque a connu la vie saharienne où tout, en apparence, n’est que solitude et dénuement, pleure cependant ces années-là, comme les plus belles qu’il ait vécues. Les mots “nostalgie du sable, nostalgie de la solitude, nostalgie de l’espace” ne sont que formules littéraires, et n’expliquent rien. Or voici que, pour la première fois, à bord d’un paquebot grouillant de passagers entassés les uns sur les autres, il me semblait comprendre le désert.”
Cám ơn anh N.H PhPo và chị Mai bài viết sâu sắc và những hình ảnh được trình bày rất đẹp, rất người lớn. Tình yêu của Hoàng Tử Bé và đóa hoa hồng ,,, “And now here is my secret, a very simple secret: It is only with the heart that one can see rightly; what is essential is invisible to the eye.”
Cho em xin được trích và đăng vào fb của em một vài đoạn có ý nghĩa mà em rất thích nhé.
Cám ơn Hạnh.
Ở sa mạc cô đơn quá.
Ngay giữa cõi người, ta cũng cô đơn thôi – Con rắn trả lời.
On est un peu seul dans le désert.
On est seul aussi chez les hommes, dit le serpent.
Cảm ơn NH – TM, đặc biệt trong thời gian này, đã post bài !!
I am a stranger in this world; I roamed the Universe from end to end, but
could not find a place to rest my head; nor did I know any human I
confronted, neither an individual who would hearken to my mind.
When I open my sleepless eyes at dawn,I find myself imprisoned in a dark
cave from whose ceiling hang the insects and upon whose floor crawl the
vipers.
When I go out ot meet the light, the shadow of my body follows me, but
the shadow of my spirit precedes me and leads the way to an unknown place
seeking things beyond my understanding, and grasping objects that are
meaningless to me.
I am a stranger in this world, and there is no one in the Universe who
understands the language I speak. Patterns of bizarre remembrance form
suddenly in my mind, and my eyes bring forth queer images and sad ghosts. I
walk in the deserted prairies, watching the streamlets running fast, up and
up from the depths of the valley to the top of the mountain; I watch the
naked trees blooming and bearing fruit, and shedding their leaves in one
instant, and then I see the branches fall and turn into speckled snakes. I
see the birds hovering above, singing and wailing; undraped maidens with
long hair, looking at me from behind infatuated eyes, and smiling
at me with full lips soaked with honey, stretching their scented hands toward
me, Then they ascend in the firmament the resounding echo of their taunts
and mocking laughter.
I am a stranger in this world… I am a poet who composes what life
proses, and who proses what life composes.
For this reason I am a stranger, and I shall remain a stranger untill the
white and friendly wings of Death carry me home into my beautiful country.
There, where light and peace and undestanding abide, I will await the other
strangers who will be rescued by the friendly trap of time from the narrow,
dark world.
(K. Gibran)
Xin phép chị, K trích một đoạn để chia xẻ với mọi người trên fb.
Được chứ K., chị rất hân hạnh.
Còn thích Petit Prince là vẫn còn một đứa bé trong người lớn. Tâm nguyên sơ.
Chị lại hẹn gặp năm sau.
Em xin gởi vào lời bàn góp từ fb của em:
Binh Hong’s comment: Cái nhìn của hoàng tử bé là nguyên thủy (chưa nhuốm bụi trẩn)…
Tống Hạnh’s reply: Hoàng Tử Bé cũng đã đau khổ và thất vọng khi gặp và yêu đóa hoa hồng đó chứ, nhưng theo Hạnh nghĩ Hoàng Tử Bé đã duy trì được tâm hồn trong sáng cọng thêm vào đó với trái tim lương thiện ngây thơ, Hoàng Tử Bé ở đoạn cuối đã thuần hóa được con chồn:
“After the fox is tamed, it is time for the prince to leave, and the fox is about to cry. Because of this, the prince worries that the taming has hardly done any good. But the fox says it has done him good “because of the color of the wheat fields”. The golden wheat will remind the fox of the prince’s golden hair, which will make the wheat fields a source of happiness to the fox – until he was tamed, the wheat fields meant nothing to him. Thus, according to the fox, it is our relationships that make the world around us significant and meaningful.”
OMG, cám ơn chị Mai. Bài viết tuyệt vời quá, nhất là về Lettre à un otage mà em chưa hề biết. Trong những tác phẩm của ông, em chỉ đọc những cuốn nổi tiếng Petit Prince, Terre des hommes, Vol de nuit.
Cám ơn chị encore.
Pilote de guerre (Flight to Arras) cũng rất hay, một memoir khi ông gia nhập Reconnaisance Group của Không Quân Pháp chống lại Đức thời Nazi.
“We had seen France in flames. We had seen the sun shining on the sea. We had grown old in the upper altitudes. We had bent our glance upon a distant earth as over the cases of a museum. We had sported in the sunlight with the dust of enemy fighter planes. Thereafter we had dropped earthward again and flung ourselves into the holocaust. What we could offer up, we had sacrificed. And in that sacrifice we had learnt even more about ourselves than we should have done after ten years in a monastery. We had come forth again after ten years in a monastery.”
Mình thích bài này của Mai.
B & L rất mong Mai trở lại VN vào tháng 3 như lệ thường. Nhưng cũng hiểu rằng Mai hủy chuyến đi vì hoàn cảnh.
Hy vọng gặp Mai khi yên bình trỏ lại.
B&L
Cám ơn Bảo.
Mai cầu mong tai họa của Coronavirus sớm ngủ ngàn thu. Mai nghĩ lúc này tránh về VN để bên nhà dễ dàng chiến đấu với nó hơn. Về chỉ đem thêm gánh nặng thôi.
Mai hẹn gặp năm sau.
Hà nghĩ chỉ những người đọc có tâm hồn thuần khiết như trẻ thơ mới cảm nhận cái hay của quyển Hoàng Tử Bé. Hà đọc đến đoạn có con rắn, không thể đọc tiếp một cách dễ dàng nữa. Có lẽ do cái thành kiến sợ ghét rắn. Chọn con rắn làm bạn, biết là con rắn độc, chọn cái chết nhờ con rắn cắn, đó là những hình ảnh không dễ tiếp nhận với một người đọc bị đóng cứng với những thành kiến có sẵn. Hà đọc đôi ba lần, vẫn mang cái cảm giác như đọc Coelho hay Osho, càng đọc càng thấy những khiếm khuyết trong mình, biết nhưng không vượt qua được.
Mai mê Le Petit Prince từ hồi mới lớn, và hồi mới lớn thì đọc đến thuộc lòng, khi làm luận ở trường thường dùng để trích ra vanh vách.
Về con rắn trong sách, Mai nghĩ là St-Exupéry ảnh hưởng triết lý Phật Giáo, trong đó thân thể con người như là một nơi để linh hồn trú tạm, một nơi ở trọ, một cái vỏ thôi, vì thế ông dùng ý niệm này để lý giải cái chết khi linh hồn lìa xác để thăng hoa đến một nơi giác ngộ, một spriritual rebirth. Ông chỉ dùng con rắn như một phương tiện để đưa ra triết lý này. (Mai cũng sợ rắn chết khiếp).
“Ông thấy không. Đường xa quá. Cháu không thể mang theo thân xác này của cháu. Nó nặng quá.
Nhưng chỉ sẽ giống như một cái vỏ khô rơi xuống. Sao ta lại buồn gì cho những chiếc vỏ khô.”
Hoàng Tử Bé là đứa bé trong cơ thể của “người lớn”, là một “Buddha within” cần được gìn giữ bảo tồn để cho một thế giới bao dung, đại lượng hơn. Mai rất tin vào tâm nguyên sơ, tính bổn thiện này.
Mai nghĩ St-Exupéry đã dùng hình ảnh của một Hoàng Tử Bé xinh đẹp, lồng vào một tình yêu, tình bạn, tình người rất thơ mộng để “dạy đời” : ). Vì vậy là hầu như không ai đã từng cầm một cuốn sách đọc mà không đọc Petit Prince.
Thôi Mai stop ngang đây trước khi Mai trở thành a poor preacher : )
Hà rất sợ đọc sách dạy đời. Đọc Osho hay Paulo Coelho không chịu nổi.
Mai dùng chữ “dạy đời” cho tếu thôi : ), chứ Mai nghĩ nó là một parable, một triết lý sống, đọc để suy ngẫm. Thời Nazi sinh ra không biết bao nhà văn thơ thâm thúy.
Osho và Coelho thì Mai cũng không chịu nỗi, chỉ có một bài duy nhất của Coelho: “The Way of the Bow” (Cung Đạo), phỏng theo “Zen in the Art of Archery” của Herrigel là thích thôi.
Nhưng K. Gibran, Rumi cũng “triết lý” một cách thơ mộng thì Mai lại thích.
Enjoy. Để Hà thử tìm “The Way of the Bow.”
Mai có đăng ở đây:
https://khungcuahep.com/suu-tam/cung-dao-the-way-of-the-bow.html
Cám ơn Mai. Đọc lâu rồi nên không nhớ.
Nói đến con rắn vàng trong Le Petit Prince: Màu vàng tượng trưng cho ánh sáng, một con vật mềm mại, uyển chuyển, tượng trưng cho ý thức, tư tưởng căn bản của con người. Tuy nhỏ, mảnh khảnh như một ngón tay, không có chân, muốn đi xa cũng không được…
“-Nhưng ta mạnh hơn ngón tay của một ông vua.
-Ta có thể chở cậu đi xa hơn cả một chiếc tàu.
-Kẻ nào bị ta chạm tới, ta sẽ trả hắn về với đất là nơi hắn sinh ra.
-Mọi điều bí hiểm ta đều giải hết.”
Có những ngôi sao được thắp sáng là để mỗi người một ngày kia trở về ngôi sao của mình.
Chính ý thức trong ta dẫn dắt linh hồn chúng ta trở về ngôi sao, nơi chúng ta đã ra đi.
N.H.
Nhưng em cũng sợ con rắn lắm như chị Bà Tám vậy, vì hắn cắn chết mất Hoàng Tử Bé của em.