June 24, 2016 (TM)
Chiều xuống sau vườn nhà tôi. Như mọi ngày, mỗi buổi chiều sau cơm tối, tôi ra vườn ngồi đợi mặt trời chiếu ráng hồng từ bên kia trời qua. Hôm nay có gió, không đủ mạnh để nghiêng ngả cây lá như những ngày trước, nhưng đủ để xào xạc khu rừng nhỏ, nghe như âm thanh của rặng tre gió lay sau lưng nhà tôi ở Bến Ngự trưa hè. Tôi lại ngó về quê mẹ, một cái tật tôi mang theo trong mỗi hơi thở xa quê của mình những năm tháng gần đây khi càng gần đoạn sau của cuộc đời, tôi càng nhìn lui nhiều hơn.
Gió bỗng se lạnh, cái lạnh giữa mùa hè như một nỗi bất thường.
Một mảnh của nỗi buồn.
Một ý nghĩ bất chợt.
Tôi quay nhanh vào nhà, quyết định ngồi xuống để viết một cái gì đó về chuyến về Huế của mình mấy tháng trước, một điều tôi lẩn tránh bấy lâu nay. Cánh cửa chưa đóng hẳn, một khe hở vẫn còn để tôi nhìn vào.
Cùng những người bạn thân yêu đã cùng tôi vui chơi những ngày ở Huế: tôi gần như viết vội những giòng chữ này vì dù dư âm của những ngày bên đó chỉ còn là những nhịp gõ mơ hồ nhưng sự ấm cúng tình bạn đã thúc đẩy tôi ngồi xuống để viết.
Mọi năm, lúc nào về thăm Huế tôi cũng đến và đi vội vã, chưa bao giờ lưu lại quá hai ngày, chỉ đủ để giữ một chút thủy chung. Nhưng năm nay vì có các bạn khắp nơi cùng hẹn gặp ở đây nên tôi nán lại lâu hơn, lâu hơn nên có thì giờ để thấy Huế nhiều hơn và để nhận ra Huế đã thay đổi. Thường thì tôi chỉ loanh quanh chân núi Ngự Bình nơi cha tôi yên nghỉ, hay những ngôi chùa tôi thường lai vãng lúc xưa, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Trà Am, Thiên Mụ, những khu quanh nhà cũ của tôi ở Bến Ngự, Từ Đàm, Nam Giao, Trần Thúc Nhẫn…. Tôi không đi xa hơn khung cảnh quen thuộc nơi tôi sinh ra và lớn lên đó. Nhưng có một tối Nguyệt dẫn tôi đến một khu đặc biệt dành cho khách du lịch trẻ nước ngòai. Khu này nằm trước Đập Đá một đoạn, và chỉ một lần đó thôi, tôi không quay trở lại buổi tối nữa, cả một thế giới huyên náo lạ lẫm mà khi đi trong đó tôi tưởng mình lạc vào giữa lòng Bangkok, hay New Orleans, hay Siem Riep. Huế đây ư? Sao lại phòng trà, quán bia, nhạc rock nặng nề đến thế? Huế về đêm lúc xưa thành phố im lặng không người sau 7 giờ tối. Huế bây giờ tập tểnh sống đêm nên Huế trở nên xa lạ.
Tôi buồn lắm, luôn miệng than với bạn mình. Ngay cả gánh chè đêm trên bờ sông Hương cũng lạ lẫm khi tôi kéo Nguyệt ngược đường Lê Lợi về hướng cầu Tràng Tiền, nơi có phố đi bộ tấp nập người và hàng quán nhạc chói tai. Trong khung cảnh tấp nập đó, mùi quê hương của những chén chè không còn nữa. Tôi bỗng nhớ da diết gánh chè của mẹ Cưỡng ở Bến Ngự năm xưa mà sau những giấc ngủ trưa chị em tôi hay ra ngồi ngoài hiên dưới giàn ti gôn để chờ đợi. Mẹ Cưỡng là người trong hoàng tộc, mang cái tên dài lê thê Công Tằng Tôn Nữ nên mẹ có cung cách khoan thai từ tốn của một Công Tằng. Những chén chè bằng đất thô sơ nhưng thơm lắm làm tôi nhớ biết bao.
Chia tay với Nguyệt sau khi dạo phố đêm, chưa muốn về khách sạn nên tôi tản bộ ngược Lê Lợi lên Đồng Khánh và Quốc Học. Con đường vẫn yên tĩnh, nhưng những vòm đèn chớp lòa diêm dúa trên đường và trên những vài cong của cầu Trường Tiền làm tôi bất giác xấu hổ cho một thành phố vốn kín đáo thanh tao. Bên trong công viên trước trường Đồng Khánh thì nhấp nhô những con giống bằng nylon to thật to làm tôi vừa đi vừa trời ơi ai đã xúc phạm con đường phơi thơ ngày xưa này của tôi, con đường không biết bao nhiêu lần áo dài trắng giày xăng đan trắng của tôi đã rảo bước từ nhà đến trường. Con đường đìu hiu đang chịu đựng những kệch cởm của đổi thay không tránh được. Đêm đó khi về đến khách sạn, tôi đóng cửa lan can phòng của mình để chận tiếng nhạc chói tai vọng qua từ bên khu phố đi bộ cạnh sông Hương.
Những người bạn thiết của tôi ơi, tôi đã tha về đây những mẫu buồn vui. Cái đổi thay của Huế dù buồn nhưng không lấy đi niềm vui tôi có được với bạn bè… anh Huỳnh và Cúc từ Sài Gòn, anh Quyết và chị Chi Lan từ Ban Mê Thuột, anh Hoằng và anh Lộc từ Stuttgart, Nguyệt từ Bourges, và anh Thái ở Huế. Sự tụ họp tưởng hy hữu khi Mai nghe anh Quyết chị Lan từ Ban Mê Thuột, và anh Huỳnh và Cúc từ Sài Gòn bay ra. Buổi gặp nhau lần đầu ở khách sạn Morin, Mai đã bồi hồi chờ đợi anh Quyết và chị Lan xuất hiện, lâu quá, đã 4 năm từ khi Mai lên thăm anh chị ở Vườn Trăng Quyết Lan Ban Mê Thuột, ký ức những ngày dễ thương đó vẫn còn nguyên, anh chị vẫn không thay đổi, vẫn dịu hiền nhỏ nhẹ. Anh Huỳnh và Cúc thì Mai nói cũng bằng thừa vì vẫn muôn thuở ân cần ấm áp. Mai về Vietnam mỗi năm nhưng chưa bao giờ anh Huỳnh và Cúc xao lãng sự trọn vẹn với bạn bè, sự thân thiết săn sóc gần như ruột thịt đã luôn làm Mai ấm lòng. Anh Hoằng thì vẫn cố hữu quan tâm đem niềm vui cho người khác, anh là tiếng cười thắp rộn đám đông. Anh Lộc lần này vui cười nhiều hơn và Nguyệt vẫn luôn ngọt ngào tươi đẹp ….
Mình đã cùng nhau đi đến những đâu… quán Cơm Niêu ở đường Nguyễn Lương Bằng (phải nói đó là bữa cơm ngon nhất của Mai ở Việt Nam từ trước ra sau), điểm tâm ở khách sạn Morin, cơm chay Liên Hoa … lăng Gia Long, Cầu Ngói Thanh Toàn, Phá Tam Giang. Và lần cuối Mai gặp tất cả là ở Sài Gòn trong buổi cơm tối ở nhà anh Khải và Lộc Hà. Anh Khải cho Mai cám ơn Hà những món ăn Huế ngon lành mà Hà tự tay làm lấy. Vui quá phải không, nhưng có lẽ lúc ghé thăm anh Lê Trúc ở Sịa (có phải Sịa không?) có cây đào trong vườn là nhớ đời, nhìn những hình ảnh Mai kèm sau đây thì biết, Mai không phải nói gì thêm.
Phá Tam Giang thì hôm đó vì chỉ đi lướt qua chớp nhoáng bên lề nên Mai đã phải trở lại một mình ngày hôm sau để được thưc sự đi vào lòng Phá.
Buổi ăn trưa ở Đầm Tè thật vui, những món đồ biển anh Lộc chọn rất ngon lạ dù vừa ăn vừa ngại đau bụng, cọng thêm cái nên thơ của gió mát lồng lộng trên Phá thổi vào chòi lá nhoi ra mặt nước. Buổi ăn kéo dài những mấy tiếng đồng hồ thì phải và hình như không ai muốn chia rời. Hiếm khi tôi ngồi được lâu như vậy, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng bắt đầu chìm vào ý nghĩ riêng của mình, đầu óc bắt đầu lang thang tách rời những gì đang xảy ra chung quanh, cái bệnh cố hữu chỉ ngồi được trong bất cứ cuộc vui nào một thời gian ngắn, sau đó thì cảm giác lạc lõng ùa đến ném tôi vào buồn bã. Chỉ còn mơ hồ không khí rộn rã quanh mình, và mơ hồ lòng mình chất đầy thương mến, nhưng tôi đành đứng dậy gián đoạn cuộc vui. Chị Chi Lan và Cúc hình như đọc được điều đó.
Viết đến đây, Huế đã không hẳn trầy trụa như tôi nghĩ. Tôi vẫn còn Ngự Bình buổi sáng sớm mặt trời lên chiếu hơi ấm vào ngôi mộ của Ba tôi, tôi còn Lạc Tĩnh Viên và me Khánh Nam quí phái của tôi trong đó. Tôi còn buổi sáng sương mù trên sông Hương, tôi còn chùa Bảo Quốc ngàn xưa cổ kính….
Và tôi còn những người bạn tôi rất thương … Cùng các anh chị và các bạn của Mai đã cùng Mai vui những ngày ở Huế … cùng anh Huỳnh, anh Quyết, anh Hoằng, anh Lộc, anh Thái, chị Chi Lan, Nguyệt và Cúc … có một điều Mai muốn nói nhưng chưa bao giờ để thoát ra khỏi miệng của mình: xin hãy giữ giùm Mai “nguồn hạnh hương” này.
Tống Mai
Virginia, June 23, 2016
HÀ NỘI
Tùy bút của Mai được bắt đầu với lời văn như những giòng thơ dịu dàng lãng đãng .
Tuy Mai nói là còn mang theo nỗi buồn vì sự đổi thay bề ngoài của Huế nhưng vẫn cảm thấy được trong nỗi u buồn đó chất chứa sự thiết tha, nặng lòng và nặng tình với Huế của Mai.
Ng vẫn nhớ buổi tối dẫn Mai đi vào cho biết khu phố Tây ba lô ồn ào và sau đó là đi dọc theo đường Lê Lợi đi ngược lên phía cầu Trường Tiền, nhìn thấy những quán Cafe ,quán bar với đủ loại âm thanh huyên náo và cách trang trí ánh sáng với đủ các sắc màu hào nhoáng Mai luôn than thở ” trời ơi, trời ơi, Huế mình răng mà như ri ! ” trong lời ta thán đó Ng hiểu là Mai đã rất buồn và xen lẫn niềm thất vọng khi không còn tìm thấy Huế xưa.
May là bên cạnh đó Mai vẫn còn có niềm vui khi gặp gỡ lại bạn bè, cùng nhau dong ruỗi một vài nơi chốn xa xưa, trầm mặc để cùng biết rằng Huế mình vẫn còn những nơi yên tĩnh, vắng lặng, hiền hoà.
Cám ơn Mai đã ghi lại những kỷ niệm đẹp của chúng ta với lời thân thương, trìu mến.
Mỗi khi đọc những đoản văn của Mai sau mỗi lần hội ngộ đều có tâm trạng lâng lâng, luyến nhớ đối với bạn bè thân thuộc và cứ nhủ thầm mong rằng chúng ta sẽ còn có những lần gặp gỡ rong chơi với nhau như thế nơi quê nhà hay một nơi nào đó giữa các quê hương thứ hai của chúng ta .
MN.
Em cũng rứa! Rất tiếc!
Rất tiếc là chưa đủ duyên để được cùng mấy anh chị lang thang ngoài Huế.
Cũng mang những tâm trạng như chị Mai khi trở về Huế, nhưng không thể nào diễn tả được
bằng những lời văn nhẹ nhàng, trách móc , dễ thương như chị Mai được.
Em cám ơn chị Mai đã nói lên đựơc tâm trạng của nhiều người con xứ Huế xa quê.
Nhân đây em cũng xin lỗi hẹn là không đến thăm nhà anh Luận chị Minh va anh Hoàng được.
Phút chót có vài trục trặc,nên em huỷ việc riêng đến Sacramento.
Hy vọng lần tới có nhiều thời gian hơn, em sẽ đến thăm nhà các anh chị.
Tm
BV
Thật là tận tụy!
Như mọi khi, “TẬN TỤY” LÀ MỘT DANH TỪ EM DÙNG ĐỂ ĐỊNH NGHĨA BAO QUÁT VỀ CHỊ.
Em Tý
Đúng là hiện nay, mọi cái đều thay đổi, không riêng gì ở Huế , Mai ơi !
Những người con xa quê – tận bên kia trời Tây – Mỗi khi trở về thăm, nhìn thấy ngao ngán và buồn. !
Nhưng , những người đang ở tại quê nhà, hàng ngày phải đối mặt, phải sống chung với những đổi thay bất
thường và phi lý , còn khổ sở , chán chường biết dường nào…..!!!
Hình ảnh trong bài thật đẹp, bài viết thật hay , thật tình cảm – như lời tự sự – của một người bạn
phương xa, làm vui và ấm lòng những người đọc được.
Anh Huỳnh, Cúc, chắc hẳn anh Quyết, chị Lan , anh Khải ,Hà ,cũng cảm nhận được Mai ạ !
Một câu nói của ai đó, Cúc vẫn không quên : ” Hãy dành thời gian cho những người quanh mình, cho dù
đó chỉ là một việc làm nho nhỏ…”.
Kim Cúc
(Saigon, 28-6-2016 )
Cám ơn Mai bài viết hay đầy ắp kỹ niệm,
hy vọng chúng ta sẽ có những dịp gặp như thế trong tương lai.
(2017 A Sao, A Lưới, Nam Đông )
Chúc quí bạn cuối tuần vui vẻ, bình an.
TDLoc
Xin cảm ơn bài viết của Tống Mai, gợi lại kỹ niệm chuyến về thăm Huế của bạn bè cũ, một thuở thiếu thời… Cũng xin cảm ơn một vùng quê nhà thân thiết, và những hẹn hò một thời sách vỡ đã xa . . .
Lẹ thiệt , cũng nửa năm rồi đó , những “ôn mệ Huế” lăng xăng bên nhau, những hình ảnh cũ cứ lỡn vởn trong trí nhớ cũ … Lâu lâu mình lại tự hoải , chờ đến khi mô bạn bè sẽ gặp lại … Nhất là cuộc sống quê nhà lúc nầy không mấy vui…cho nên hẹn hò bạn bè cũ quá nhiều khi là điều mong mõi
Cũng không ngờ, có lẽ đó là lần gặp nhau “hoành tráng” nhất của bạn bè trong Nhóm .. Người trong nước người ngoài nước, người Bắc Mỹ kẻ Tây Âu …thậm chí có đôi “uyên ương núi rừng” từ Tây nguyên cùng hè nhau bay về hợp phố … Ôi ! Những ngày vui nào rồi cũng qua mau ! Một câu noái rất quen, dù rất cải lương … và đầy lòng ham hố , nhưng là một câu noái của sự thật của phủ phàng… Thế nhưng dù chi, dù chi, cũng xin đừng như Ôn nhạc sỹ họ Trịnh đã hát “Những hẹn hò từ đây khép lại…” Tại răng ? Tại vì bạn bè đã thấy rồi lời “kêu đoài” của Trần Đại Lộc trong email mới nhất : Hẹn năm 2017 ở A Sao, A Lưới, Nam Đông ” …Hè hè …tuổi tác thì có già nhưng tâm hồn vẫn tươi trẻ !
Chừ mình ngồi đây nhớ lại, những ngày đó, bên ngoài thì bạn bè meo qua meo về, ở quê nhà thì phôn nhau lên xuống lại qua … Mình nhớ một cái mail mô đó của người đẹp MN : thôi giao cho Huỳnh làm ban tổ chức đi .. Chà, chắc cô nàng thấy mình vừa ma le vừa chai mặt chăng ? Mình im re bà rè , không trả lời trả vốn, để coai ra răng cái đã, bụng thầm nghĩ, mấy ôn mấy mệ là Việt kiều khôn chịu làm, bắt tui “việt gian có cầu chứng tại tòa” đứng ra …có mà lãnh đạn chơ lãnh đạo cái chi ?! … Noái thì noái rứa chơ khi vô cuộc, mình cũng âm thầm “lèo lái con thuyền quốc gia” … để làm răng gài độ một chương trình tour có lên non có xuống biển đàng hoàng. Lên non là lên thăm lăng Vua Gia Long , là ngôi lăng mà bạn bè Huế còn nhớ, thời trung học tụi mình ít đứa dám đi vì nghe noái mấy ông hay vô ra trên đó … Mặc khác để cho cô bạn TM có dịp lên thắp hương cho Bà cố của mình là hoàng hậu Tống thị Lan (!)…
Còn xuống biển là về thăm đầm phá Tam giang … Chắc mọi người còn nhớ câu ca dao xưa, ” Phá Tam giang ngày nay đã cạn, Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm “…Thiệt ra thì Phá có cạn chi mô khó mà biết nhưng ai cũng thấy đã có một cây cầu thiệt dài nối liền hai bờ .
Cầu có tên căn cước là cầu Tam Giang nhưng mình nghĩ gọi tên cầu Ca Cút thì ý nghĩa hơn vì sẽ gợi nhớ một bến đò rất xưa nằm gần đâu đây : bến đò Ca Cút… Cứ tưởng tượng cái thời xa xưa đó người đi đò không mấy ai, và chắc chỉ có một con đò nhỏ đưa khách qua lại . Không may khách đến bến mà đò còn bên tê thì phải kêu… kêu khản giọng thì đưa tay ngoắc … Làm nhớ một bài hát của ns Phạm Duy rất quen : ” Ta ngoắc mòn tay ta vẫy mòn tay, chỉ thâý sông lồng lộng chỉ thấy sông chập chùng …”… Còn dân Huế mình , nhất là mấy O mấy mệ già, khi noái ” Kêu như kêu đò ca cút ” là tỏ ý xa xôi kêu hoài không được
Về thăm Phá, tụi mình còn được gặp người bạn cùng học chung với cả bọn từ những năm đệ nhất cấp, trong hình Tr mặt áo thun sọc ngang – Có điều sau mùa hè đỏ lữa 72 mình và Tr vào Trường bộ binh Thủ Đức…Rồi duyên phận răng đó mà sau 75 hai đứa cùng chung trại cải tạo L.19 tại miền Nam . Chỉ có điều “tốt nghiệp cải tạo “ xong thì Tr. qui về cố hương Quãng Ngạn ở bên kia phá để làm bác nhà quê thứ thiệt … Đến mức bạn bè gặp nhau, Tr. Thì còn nhớ mấy anh em, nhưng Hoằng với Lộc thì quên béng ông bạn L Tr hiền từ ngày nào … Nhưng mình đã biết, sau cái vẽ thật thà mộc mạc đó, thì Tr đang là một nhà nhân ái trong xã, có kiến thức nông nghiệp, sốt sắng đi công phu tụng niệm cho các gia đình ở địa phương …Ngoài ra còn là thầy thuốc Nam cứu chữa những bệnh thông thường cho bà con lối xóm …
Có điều đặc biệt mấy ngày về thăm Huế, bốn thằng trai đã cùng nhau chụp được một tấm hình trên bãi biển Thuận An … Noái thiệt, biển Thuận An lúc nãy còn nhếch nhác, nhưng tấm hình làm tụi mình nhớ lại ngày xưa, sau thi tú tài toàn, hai lớp nhất B kéo nhau về Thuận An xã hơi … và đã chụp những tấm hình kỹ niệm …Mình may mắn còn lưu tấm hình cũng chụp trên biển Thuận An …
Với khoảng cách thời gian bốn mươi lăm năm , những khuôn mặt bạn bè đã nhiều thay đổi… Đó là chưa kể rất nhiều bạn bè đã trôi dạt về đâu …
Ôi, đúng là những ngày vui thì qua mau…Còn những ngày buồn thì cứ lây lất cuộc đời mình, cuộc đời bè bạn …
Còn với mình, những ngày tháng quê nhà lúc này không vui lắm, nên xin ghi lại đôi dòng kỹ niệm cùng bạn bè để tìm phút nguôi ngoai !
Thái Huỳnh , SG cuối tháng 6 – 2016
O Mai:
O mà không phải ĐI LÀM để ở không mà viết thì NHẤT ĐỊNH HAY, vì đóng góp cho Việt Văn Học!!
Nghe cậu Đoàn thế Ngữ :The Ngu noi ve Doan The Ngu trongQuán Ven Đường đã gởi 19June 2016.
Cần giữ Ngôn Ngữ vv : Nói khá hay vá Đáng cho mình lưu tâm
Văn