Cuộc Thí Nghiệm Của Bác Sĩ Heidegger – Nathaniel Hawthorne ; Rip Van Winkle: Giấc Ngủ Hai Mươi Năm – Washington Irving – Người dịch: Vĩnh Bá

May 24, 2018 (TM)

Mời các bạn đọc một truyện ngắn của nhà văn Mỹ Nathaniel Hawthorne (1804-1864), tác giả của tiểu thuyết lừng danh “The Scarlet Letter”.

Tôi đọc truyện này lần đầu tiên vào năm học lớp 12 ban C (1970-1971) tại tư thục Trường Sơn, Saigon, với Thầy Đỗ Khánh Hoan. Thầy đã phát cho cả lớp tập giáo trình in ronéo (mimeographed) “Nhập Môn Văn Chương Mỹ”, vốn là giáo trình cho sinh viên ban Anh Văn đại học Văn Khoa Saigon, nơi thầy đang giảng dạy. Tôi nhớ mãi ơn Thầy đã gieo vào lòng tôi tình yêu đối với nền văn chương Mỹ. Suốt cả năm học, tôi say mê những bài giảng về văn học Mỹ của thầy. Cũng do tình yêu ấy mà khi làm bài luận Anh Văn Tú Tài II năm 1971, tôi đã viết về “Of Mice and Men” của John Steinbeck.

Truyện này được làm thành một bộ phim ngắn. Văn Khoa Huế đã mượn phòng chiếu phim của Đại Học Y Khoa để chúng tôi xem phim này.

Các bạn có thể đọc nguyên tác ở đây: www.gutenberg.org/files/39716/39716-h/39716-h.htm

 

CUỘC THÍ NGHIỆM CỦA BÁC SĨ HEIDEGGER

Vĩnh Bá dịch

Cái con người rất kỳ khôi ấy, vị bác sĩ già Heidegger, một lần nọ đã mời bốn người bạn đáng kính đến thư phòng. Đó là ba quý ông râu bạc: ông Medbourne, đại tá Killigrew, ông Gascoigne và một quý bà nhan sắc đã về chiều là góa phụ Wycherly. Cả bốn người đều là những hình nhân già nua buồn bã, đã từng trải qua lắm rủi ro trong đời, và nỗi bất hạnh lớn nhất của họ là ngày xuống mồ sẽ chẳng còn xa. Ông Medbourne, hồi còn trai tráng, đã từng là nhà buôn ăn nên làm ra, nhưng rồi sản nghiệp tiêu tan sau một vụ đầu cơ điên rồ, bây giờ chẳng hơn gì kẻ ăn xin là mấy. Đại tá Killigrew thì đã phung phí những năm tháng đẹp nhất của mình, cũng như sức khỏe và sản nghiệp trong việc đeo đuổi những lạc thú tội lỗi, lối sống này đẻ ra một mớ khổ đau như bệnh gút, và thêm nhiều nỗi dày vò thể xác lẫn tinh thần. Ông Gascoigne là một chính trị gia thân bại danh liệt, một con người có tiếng độc ác, hoặc ít ra là đã từng như thế, cho đến khi tên tuổi bị thời gian chôn vùi, chẳng ai thuộc thế hệ hiện tại còn biết đến ông, và thay vì còn đó với tiếng xấu phải mang, ông đã chìm vào bóng đêm quên lãng. Bà góa Wycherly, theo lời người đời, đã từng là giai nhân nức tiếng, nhưng từ lâu bà đã sống ẩn dật vì những câu chuyện tai tiếng làm cho những người danh giá trong thành phố có thành kiến với bà. Điều đáng nói là cả ba lão ông Medbourne, đại tá Killigrew, và Gascoigne, đều đã từng là người tình của góa phụ Wycherly và có lần đã suýt cắt cổ nhau vì người đẹp. Và, trước khi kể tiếp, tôi chỉ muốn nhắc khéo rằng bác sĩ Heidegger và cả bốn vị khách của ông đôi khi bị người ta cho là hơi thất thần thảng thốt, việc này là bình thường với những người già khi họ lo âu trước những rắc rối hiện tại và những ký ức đau buồn.

“Hỡi các bạn già thân mến,” bác sĩ Heidegger khoác tay mời họ ngồi, “tôi ước mong quý vị giúp tôi làm một trong những thí nghiệm nhỏ mà đã khiến tôi vui trong thư phòng này.”

Nếu mọi chuyện người ta nói là đúng thật, thì thư phòng của bác sĩ Heidegger hẳn là một nơi rất kỳ lạ. Đấy là một căn phòng kiểu cổ thiếu ánh sáng, mạng nhện kết thành tràng hoa trang trí, lớp bụi thời gian phủ lên mọi vật. Quanh những bức tường là những tủ sách bằng gỗ sồi, tầng dưới chứa những tập hồ sơ và sách khổ lớn in chữ đen, ngăn trên là những sách khổ nhỏ bọc da. Trên đầu kệ sách kê ở giữa là bức tượng bán thân bằng đồng của Hippocrates, mà, theo lời những người hiểu chuyện, bác sĩ Heidegger thường tham vấn mỗi khi gặp khó khăn trong lúc hành nghề. Nơi cái góc tối tăm nhất của căn phòng kê một cái tủ cao và hẹp, cánh cửa mở hé, bên trong chừng như có một bộ xương người. Giữa hai trong số các tủ sách có treo một cái gương soi, phơi ra một mặt kính cao ám bụi bẩn, đóng khuôn lại trong một cái khung mạ vàng đã xỉn mốc. Trong số những câu chuyện ly kỳ liên quan đến tấm gương soi này, người ta thêu dệt rằng linh hồn những bệnh nhân đã qua đời của bác sĩ vẫn lẩn khuất bên rìa gương và thường trố mắt nhìn ông mỗi khi ông hướng mắt về phía ấy. Phía tường đối diện treo một bức tranh toàn thân của một cô gái, tạo dáng trong cái lộng lẫy của mớ gấm vóc lụa là; xiêm y màu sắc đã nhạt, tố nữ má hồng đã phai. Hơn nửa thế kỷ trước, bác sĩ Heidegger sắp kết hôn với thiếu nữ này, nhưng vì một chứng rối loạn nhẹ thôi mà nàng đã nốc hết các món thuốc do người yêu kê toa, để rồi lìa đời ngay tối tân hôn. Vẫn còn phải kể đến món kỳ quái nhất trong thư phòng này: đấy là một cuốn sách khổ lớn dày cộm, bìa bọc da, cài chặt bằng những cái kẹp bạc to lớn. Không có chữ nào in trên gáy sách và không ai biết nhan đề là gì. Nhưng ai cũng biết đó là cuốn sách ma thuật; một lần nọ, khi cô hầu phòng nhấc cuốn sách lên chỉ để quét bụi, bộ xương trong tủ kêu lên rổn rảng, người đẹp trong tranh đã bước một chân ra giữa sàn nhà và vài gương mặt ma quái hiện ra trong gương, trong khi cái đầu bằng đồng của Hippocrates thì cau mày thốt lên: “Dừng tay!”

Thư phòng của bác sĩ là như thế đấy. Một chiều mùa hè nọ, kê ngay giữa phòng là một cái bàn tròn nhỏ, gỗ đen như mun, trên bàn có một cái bình thủy tinh có dáng rất đẹp và được chạm khắc tinh xảo. Nắng xuyên qua cửa sổ, len giữa hai tấm màn vải hoa đã phai màu, chiếu thẳng xuyên qua cái bình thủy tinh rồi hắt ngược cái thứ ánh sáng lung linh lên những gương mặt xám tro của năm con người già nua đang ngồi quanh bàn. Trên bàn đã sẵn bốn chiếc cốc loại dùng để uống sâm-banh.

“Này, các bạn già thân mến,” bác sĩ Heidegger nhắc lại, “liệu tôi có thể nhờ các bạn giúp tôi làm cuộc thí nghiệm hết sức kỳ lạ này không?”

Này đây, bác sĩ Heidegger là một ông lão rất kỳ lạ, tính lập dị của ông đã trở thành hạt nhân cho hàng ngàn câu chuyện kỳ quái. Một số trong những câu chuyện này, nói ra thật đáng xấu hổ, có thể truy nguyên là do tính trọng sự thật của tôi; và nếu có phần nào trong câu chuyện đang kể làm lung lay đức tin của người đọc, thì tôi sẵn lòng chịu tiếng là kẻ hay bịa chuyện hoang đường.

Khi bốn người bạn của vị bác sĩ nghe ông nói về cái thí nghiệm mà ông đề xuất, họ đoán rằng chẳng có gì hay ho hơn việc giết được một con chuột trong cái bơm hơi, quan sát mạng nhện bằng kính hiển vi, hoặc vài việc tầm phào nào đó mà ông đã quen thói liên tục đem ra làm phiền những người bạn thân của mình. Nhưng không chờ họ trả lời, bác sĩ Heidegger bước lảo đảo qua căn phòng rồi trở lui với cái cuốn sách to bự ấy, bìa bọc da màu đen, mà ai cũng khẳng định là cuốn sách ma thuật. Mở những cái kẹp bằng bạc, ông giở sách, lấy ra từ giữa hai trang giấy in chữ đen, một cành hoa hồng, hoặc cái đã từng là một hoa hồng, mặc dù giờ đây những ngọn lá xanh và những cánh hoa đỏ thắm đã nhuốm một màu nâu nâu, và cái hoa cổ đại ấy chừng như sắp vụn ra thành bột trong tay bác sĩ.

“Đóa hồng này,” bác sĩ thở dài, “cái đóa hồng tàn úa và sắp vỡ vụn này, đã bừng nở năm mươi lăm năm về trước. Sylvia Ward đã tặng nó cho tôi, mà kia là chân dung của nàng; và tôi đã định cài nó lên ngực hôm làm lễ cưới. Bây giờ, quý vị có tin cái đóa hoa năm mươi năm tuổi này có thể thắm tươi trở lại hay không?”

“Vô lý!” bà góa Wycherly nói với cái hất đầu bực bội. “Nói thế chẳng khác nào ông hỏi cái mặt nhăn nheo của một bà già có thể trở lại mặt hoa da phấn hay không.”

“Xem đây!” bác sĩ Heidegger đáp.

Ông mở nắp bình, rồi thả cái hoa hồng tàn úa vào trong thứ nước chứa trong đó. Thoạt đầu, nó nổi trên mặt chất lỏng, có vẻ như không hút vào chút chất ẩm nào. Nhưng rồi, một thay đổi kỳ lạ bắt đầu hiển hiện. Những cánh hoa khô nhăn nheo bắt đầu lay động, màu đỏ nhuốm dần mỗi lúc mỗi thắm, như thể đóa hoa đang hồi sinh sau giấc ngủ say như chết; cuống hoa mảnh mai và những nhánh lá nhỏ xanh dần lên; và kia là đóa hồng nửa thế kỷ lại tươi tắn như khi nàng Sylvia Ward lần đầu tặng cho người yêu. Nó chưa hẳn mãn khai; vì một số cánh hoa đỏ mỏng manh đang khép nép uốn mình quanh nhụy hoa ẩm ướt, mà trong đó đôi ba giọt sương đang sáng long lanh.

“Quả là một trò lừa bịp rất khéo,” mấy người bạn nói, một cách hững hờ, vì họ đã từng xem những trò ảo thuật tuyệt kỹ hơn; “xin cho biết ông đã làm cách nào vậy.”

“Quý vị chưa từng nghe nói đến ‘Dòng Suối Thanh Xuân’,” bác sĩ Heidegger hỏi lại, “mà nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ponce de Leon, đã lùng kiếm từ hai ba thế kỷ trước, hay sao?”

“Thế Ponce de Leon có tìm được hay không?” bà góa Wycherly nói.

“Không,” bác sĩ Heidegger trả lời, “vì ông ta tìm không đúng chỗ. Dòng Suối Thanh Xuân nổi tiếng, theo chỗ tôi biết, nằm ở phía nam bán đảo Florida, cách hồ Manaco không xa. Nguồn của nó bị che khuất bởi một vài cây mộc lan khổng lồ, và dù đã có tuổi không biết mấy trăm năm mà kể, những cây mộc lan này vẫn tươi xanh như những đóa hoa violet, là nhờ thứ nước thần kỳ này đây. Một người quen của tôi, biết tôi hay tò mò những chuyện thế này, đã gởi cho tôi chất nước quý vị đang thấy trong bình này.”

“Ai chà!” đại tá Killigrew lên tiếng, trước sau không hề tin câu chuyện chút nào; “thế thứ nước này có tác dụng gì cho cơ thể người hay không?”

“Ông sẽ tự xét đoán lấy, ông bạn đại tá thân mến,” bác sĩ Heidegger trả lời, “và, các bạn đáng kính của tôi, xin cứ tự nhiên uống thứ nước kỳ diệu này, đến chừng nào phục hồi được thanh xuân của các bạn thì thôi. Riêng tôi, đã phải trải qua lắm nỗi gian truân với tuổi già, nên tôi không vội gì để đuợc trẻ lại. Vậy xin mạn phép chỉ theo dõi tiến trình thí nghiệm mà thôi.”

Vừa nói, bác sĩ vừa rót Nước Suối Thanh Xuân vào bốn cái cốc sâm-banh. Rõ ràng thứ nước này là nước có gas, vì nhưng bọt li ti không ngừng nổi lên từ đáy cốc, rồi vỡ ra thành những tia nước nhỏ ánh bạc trên bề mặt. Vì chất nước tỏa ra một mùi hương dễ chịu, nên đám khách già tin chắc rằng nó sở hữu những đặc tính sảng khoái thú vị nào đó, và, mặc dù là những kẻ hoài nghi cực độ về khả năng cải lão hồi xuân của nó, họ cũng sẵn sàng nốc ngay tức thì. Nhưng bác sĩ Heidegger năn nỉ họ chờ cái đã.

“Trước khi uống nước thánh, hỡi các bạn đáng kính của tôi,” ông nói, “lấy sự từng trải của cả đời dài làm kim chỉ nam, quý vị nên nghĩ ra một vài quy tắc chung để tự dẫn đường cho mình, khi sẽ trải qua lần thứ hai những nguy nan của tuổi trẻ. Hãy nghĩ, thực là tội lỗi và đáng hổ thẹn biết bao, nếu, khi có được những lợi thế đặc biệt, quý vị lại không trở thành mẫu mực về đức hạnh và sự khôn ngoan cho giới trẻ ngày nay, hay sao.”

Bốn người bạn đáng kính không trả lời mà chỉ phát ra tiếng cười run run yếu ớt. Thật là lố bịch cái ý tưởng cho rằng khi đã biết lòng hối hận đi sát ngay sau những bước chân lầm lỗi, thì còn ai mà lầm đường lạc lối thêm lần nữa chứ.

“Vậy hãy uống đi,” bác sĩ nghiêng mình nói. “Tôi rất vui đã chọn đúng chủ thể cho thí nghiệm của mình.”

Những bàn tay run rẩy nâng cốc lên môi. Chất rượu này, nếu nó thật sự sở hữu những đặc tính như bác sĩ Heidegger gán cho nó, lẽ ra không nên ban bố cho bốn con người đang thiết tha cần đến nó. Trông họ như thể họ chưa từng biết thế nào là tuổi trẻ và lạc thú, mà chỉ như là đám con cháu của Bà Mẹ Thiên Nhiên, mà chỉ luôn luôn là những sinh vật bạc nhược, tàn tạ, cạn kiệt nhựa sống, giờ đây đang còm cõi ngồi quanh cái bàn của bác sĩ, không còn chút sinh khí nào trong linh hồn hay thể xác để được khởi sắc bởi cái viễn cảnh trẻ lại lần nữa.

Không sai chút nào, một sự chuyển biến hầu như ngay lập tức diễn ra nơi đám khách, y hệt tác dụng của một cốc rượu vang hào phóng, kèm theo sắc hồng bất chợt của ánh nắng vui tươi, bừng sáng tức khắc trên gương mặt họ. Trên má họ ửng lên vẻ hồng hào khỏe mạnh thay cho cái màu tro xám xịt đã khiến họ trông như những xác chết. Họ giương mắt nhìn nhau, và tưởng tượng một quyền năng mầu nhiệm nào đó đã bắt đầu san phẳng những vết hằn sâu buồn thảm mà Cha Già Thời Gian đã khắc lên trán họ. Góa phụ Wycherly chỉnh lại cho ngay chiếc mũ trên đầu, vì bà cảm thấy mình đã gần như trở thành một nữ trung niên.

“Cho chúng tôi thêm thứ nước thánh kỳ diệu này!” họ kêu lên hăm hở. “Chúng tôi đã trẻ hơn nhưng vẫn còn già lắm! Nhanh lên, – cho uống thêm đi!”

“Kiên nhẫn, kiên nhẫn!” bác sĩ Heidegger nói, quan sát cuộc thí nghiệm với vẻ điềm tĩnh của một triết gia. “Quý vị già dần qua một thời gian rất dài. Chắc chắn quý vị sẽ hài lòng khi được trẻ lại chỉ sau nửa giờ! Thứ nước này là để phục vụ quý vị!”

Ông lại rót đầy cốc cho họ, trong bình vẫn còn đủ để cải lão hoàn đồng cho nửa số bô lão trong thành phố này. Những bọt li ti chưa kịp tan hết trong miệng cốc, bốn vị khách đã chộp lấy nốc một hơi. Ảo giác chăng? Chỉ mới trôi qua cổ họng thôi mà nước thánh dường như thay đổi hẳn cơ thể họ. Mắt họ sáng ra, những lọn tóc bạc đen dần lên. Đang ngồi quanh bàn là ba quý ông đang độ trung niên, và một phụ nữ vẫn chưa hết thời xuân sắc.

“Ôi góa phụ yêu dấu của tôi, em đẹp lắm!” đại tá Killigrew thốt lên, dán mắt vào gương mặt người đàn bà, trên gương mặt ấy những bóng đen của tuổi già tan dần đi như bóng đêm tan nhanh trước một bình minh hồng.

Bà góa biết rõ, ngay từ hồi xưa, rằng những lời khen của đại tá Killigrew không phải luôn luôn được đo lường bằng sự thật tỉnh táo, nên bà đứng lên chạy đến tấm gương soi, trong lòng vẫn sợ phải chạm mặt với một mụ già xấu xí. Trong khi đó, ba quý ông xử sự theo cái cách như thể Nước Suối Thanh Xuân sở hữu những phẩm chất làm người ta say ngất ngây, trừ phi cơn hoan lạc của họ chẳng qua chỉ là một cơn choáng váng nhẹ nhàng do gánh nặng năm tháng đã được nhấc đi đột ngột. Đầu óc của ông Gascoigne dường như đang tập trung vào những chủ đề chính trị, nhưng dù liên quan đến quá khứ, hiện tại hay tương lai thì cũng không thể xác định được vì những quan niệm và những ngôn từ ngày xưa vẫn luôn thời thượng suốt 50 năm nay. Lúc thì ông ta đang nói oang oang về lòng ái quốc, về vinh quang dân tộc, và về quyền của nhân dân; lúc thì ông ta lẩm bẩm những thứ nguy hại gì đó bằng những tiếng thì thầm ranh mãnh đầy hoài nghi, quá thận trọng đến độ chính lương tâm của ông ta cũng không hiểu được điều bí mật; và giờ đây một lần nữa ông ta lại phát ngôn một cách chừng mực với cái giọng khác hẳn như thể một vị vương gia nào đó đang lắng nghe những lời thanh tao của ông ta. Trong lúc ấy, đại tá Killigrew đang cất giọng hát một bài hát vui thường nghe ở các cuộc nhậu, rung lanh canh cái cốc cho ăn nhịp với bài ca, trong khi đôi mắt lang thang về phía dáng người tròn lẳng gợi cảm của bà góa Wycherly. Bên kia bàn, ông Medbourne đang bận tính toán chi li những đồng đô-la và những đồng xu đang đổ vào một đề án cung cấp nước đá cho vùng Đông Ấn, bằng cách thắng dây một đàn cá voi vào những núi băng ở Bắc Cực để kéo về.

Còn bà góa Wycherly thì đang đứng trước gương làm duyên làm dáng với chính bóng mình, chào hỏi chính mình như thể đang chào một người bạn thân yêu nhất trên đời. Bà dán mặt vào gương để xem những nếp nhăn kỳ cựu và những vết chân chim đã biến mất hẳn chưa. Bà ngắm nghía thật kỹ để xem lớp tuyết đã hoàn toàn tan chảy khỏi mái tóc chưa, liệu đã có thể vứt bỏ cái mũ trùm đầu trang trọng chưa. Cuối cùng nhanh nhẹn xoay người, bà nhảy chân sáo trở lại bàn.

“Bác sĩ thân mến của tôi ơi,” bà reo lên. “Làm ơn cho tôi một cốc nước thánh nữa được không!”

“Được chứ, thưa quý bà, được chứ!” vị bác sĩ sẵn lòng chiều ý; “đấy tôi rót đầy lại các cốc rồi đấy.”

Quả thực, bốn chiếc cốc trên bàn, đầy đến tận miệng thứ nước thánh kỳ diệu mà những tia nước mỏng manh nổi lên từ đáy cốc trông giống như ánh lấp lánh của kim cương. Trời sắp tối nên căn phòng trở nên nhá nhem hơn, nhưng một thứ ánh sáng lung linh như ánh trăng chiếu ra từ trong lòng chiếc bình tỏa lên mặt bốn vị khách, và trên dáng người uy nghi của vị bác sĩ. Ông đang ngồi trên một chiếc ghế bành lưng dựa cao, chạm trổ công phu, với dáng vẻ đạo mạo rất hợp với dáng vẻ của Cha Già Thời Gian mà quyền năng không ai phủ nhận, ngoại trừ bị phủ nhận bởi chính cái đám khách may mắn này. Ngay cả khi nốc cốc thứ ba thứ nước thánh hồi xuân này, họ vẫn có tâm trạng gần như là lòng kính sợ cái vẻ mặt đầy bí ẩn của ông.

Liền ngay sau đó, dòng sinh lực ngây ngất của tuổi trẻ tuôn tràn qua huyết quản của họ. Họ đang giai đoạn thanh xuân hạnh phúc. Tuổi tác, kéo theo nó một chuỗi những âu lo sầu muộn và bệnh tật, chỉ còn được nhớ lại như một giấc mơ phiền toái mà họ đã vui mừng quên đi khi tỉnh giấc. Cái hào nhoáng tươi mát của tâm hồn, đã mất đi trước đây, mà không có nó thì những cảnh tượng kế tiếp nhau của thế gian chẳng qua chỉ là một phòng trưng bày những bức tranh phai màu nhợt nhạt, giờ đây đang khoác lên đời họ một niềm vui khôn tả. Họ có cảm tưởng mình mới sinh ra trong một vũ trụ mới khai sáng.

Tuổi trẻ, như là đối cực với tuổi già, đã xóa hết những dấu vết đặc trưng của tuổi trung niên, và đồng hóa tất cả bọn họ. Họ giờ đây là một nhóm thanh niên vui tươi, gần như muốn phát điên vì niềm vui tràn trề của tuổi trẻ. Tác dụng kỳ lạ nhất của niềm hân hoan ấy là sự thôi thúc chế nhạo sự yếu đuối rã rời mà họ đã là nạn nhân vừa mới đây thôi. Họ lớn tiếng cười cợt bộ y phục lỗi thời của mình, thanh niên gì mà lại mặc áo khoác rộng xòe và áo gi-lê tà đắp chéo, thiếu nữ hơ hớ gì mà lại đội mũ trùm đầu và áo choàng kiểu cố. Một người giả vờ đi cà nhắc trong phòng như một ông cụ đang bị bệnh gút, người khác đeo một cặp mục kỉnh lên mũi rồi giả vờ lọ mọ đọc những trang giấy chữ đen của cuốn sách ma thuật; người thứ ba thì chễm chệ trong cái ghế bành giả vờ bắt chước vẻ đạo mạo của bác sĩ Heidegger. Rồi cả bọn reo ầm lên nhảy nhót khắp phòng. Góa phụ Wycherly – nếu một cô nàng đỏm đáng tươi tắn như thế có thể gọi là góa phụ – chạy tới bên ghế của bác sĩ, niềm vui tinh quái lộ rõ trên gương mặt hồng hào.

“Bác sĩ ơi, bạn già thân mến ơi,” cô nàng reo lên, “đứng lên cùng nhảy với em đi!” Và bốn con người trẻ trung cười lớn hơn bao giờ hết, nghĩ đến cái hình ảnh kì quái của vị bác sĩ già nua.

“Xin miễn cho tôi,” bác sĩ khẽ trả lời, “Tôi đã già mà thêm bệnh phong thấp, qua lâu rồi những ngày tôi còn biết đến khiêu vũ là gì. Nhưng một trong hai quý ông trẻ tuổi này sẽ rất vui với người bạn nhảy xinh đẹp thế này.”

“Nhảy với anh đi, Clara!” đại tá Killigrew thốt lên.

“Không, không được, tôi sẽ là bạn nhảy của nàng!” anh chàng Gascoigne lớn tiếng.

“Cô ấy đã hứa hôn với tôi 50 năm trước!” chàng Medbourne dõng dạc.

Ba chàng vây lấy cô nàng. Một chàng âu yếm cầm lấy hai bàn tay nàng, chàng khác quàng tay ôm eo, chàng thứ ba luồn tay vào những lọn tóc quăn bên dưới chiếc mũ trùm đầu của sương phụ. Đỏ mặt, thở dốc, vùng vẫy, mắng mỏ, cười vang, hơi thở ấm áp của người đẹp lần lượt phả vào mặt từng công tử một, nàng cố dứt mình ra, nhưng vẫn ở yên trong cái ôm của bộ ba. Chưa từng thấy một hình ảnh nào sinh động hơn cảnh ganh đua của người trẻ, để tranh cái nhan sắc đầy mê hoặc này. Tuy vậy, do một sự tráo trở kỳ lạ, do cái bóng tối nhá nhem của căn phòng, và do những bộ trang phục cổ lỗ mà họ đang mặc, mà người ta nói rằng tấm gương cao đã phản chiếu hình ảnh của ba lão ông hom hem đang lố bịch tranh giành cái xấu xí xương xẩu của một cụ bà nhan sắc héo hon.

Nhưng họ vẫn đang trẻ: những đam mê cháy bỏng đang chứng minh điều đó. Lửa dục sôi sục đến muốn phát điên vì vẻ đa tình của nàng gái góa, đang lấp lửng không ban phát mà cũng không thủ giữ những ân huệ của mình, ba chàng địch thủ trẻ tuổi đang ném cho nhau những cái nhìn đe dọa. Vẫn chưa chịu buông thục nữ, họ hung hãn tóm lấy cổ nhau. Màn loạn đả diễn ra, chiếc bàn lật nghiêng, chiếc bình rơi vỡ tan tành. Thần dược Hồi Xuân quý báu chảy tràn trên sàn nhà thành một dòng nước sáng loáng, làm ướt đôi cánh của một con bướm mà đã già đi khi mùa hè sắp tận, đã đậu xuống đó để chờ chết. Con bướm này vỗ cánh lập lờ bay qua căn phòng, rồi đậu lại trên mái tóc trắng phau của bác sĩ Heidegger.

“Thôi nào, thôi nào, các quý ông! Thôi nào, quý bà Wycherly,” viên bác sĩ thốt lên, “tôi phải phản đối cơn náo loạn này!”

Cả bọn đứng lại, run rẩy, như thể Cha Già Thời Gian đang gọi họ từ bỏ thanh xuân rực rỡ để về lại cái thung lũng lạnh lẽo âm u của tuổi già. Họ giương mắt nhìn lão bác sĩ Heidegger đang ngồi trên chiếc ghế bành chạm trổ, tay cầm đóa hoa hồng nửa thế kỷ mà ông đã nhặt lại được giữa những mảnh vụn của chiếc bình vỡ. Ông khoác tay cho bốn kẻ làm loạn ngồi xuống chỗ cũ; họ sẵn sàng ngồi vì tuy đang trai tráng nhưng đã đủ mệt sau trận thư hùng.

“Đóa hồng tội nghiệp của Sylvia!” bác sĩ Heidegger cảm thán, đưa đóa hoa soi lên ánh sáng của buổi chiều tà, “hình như nó sắp tàn úa trở lại.”

Quả không sai. Trong khi cả bọn đang theo dõi, đóa hồng tiếp tục oằn lên cho đến khi héo khô y như trước khi bác sĩ thả nó vào trong bình nước. Ông vẩy mạnh cho văng hết mấy giọt nước còn bám trên cánh hoa.

“Tôi vẫn yêu nó dẫu nó thế này, vẫn yêu như khi nó còn tươi đẫm sương,” vừa nói ông vừa đưa đóa hoa lên đôi môi khô héo của ông. Giữa lúc đó, con bướm bay sà xuống từ trên mái tóc bạc của ông rồi rơi xuống sàn nhà.

Các vị khách lại run rẩy. Một cái lạnh kì lạ, họ không rõ là lạnh thể xác hay lạnh linh hồn, đang dần lan tỏa toàn thân. Họ trố mắt nhìn nhau, tưởng như thấy cứ mỗi giây trôi qua, là mỗi nét quyến rũ rơi rụng, rồi để lại một nếp nhăn sâu ở chỗ trước đây chưa có. Ảo tưởng chăng? Phải chăng những thay đổi của một đời người đang xô nhau tới trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, và phải chăng đang có bốn kẻ già nua ngồi chung với bạn cũ là bác sĩ Heidegger?

“Chúng ta già lại rồi, mau thế ư?” là lời than thảm thiết.

Đúng vậy, họ đã trở già. Thần Dược Hồi Xuân chỉ sở hữu một phẩm chất còn phù du hơn phẩm chất của rượu vang. Cơn ngất ngây mà nó tạo ra đã tan như bọt nước. Đúng! Họ già trở lại. Bất chợt rùng mình, cái rùng mình chứng tỏ mình vẫn là đàn bà, góa phụ ôm mặt bằng hai bàn tay xương xẩu, ao ước nắp quan tại hãy đậy mặt lại, vì nó chẳng còn xinh đẹp gì nữa.

“Vâng, các bạn ạ, các bạn đã già trở lại,” bác sĩ Heidegger nói; “và, nhìn kìa, lênh láng biết bao nước thánh Hồi Xuân trên sàn nhà. À, tôi chẳng buồn tiếc gì. Nếu cả một dòng suối có chảy tràn trước cửa nhà tôi, tôi cũng chẳng vục mặt xuống để uống. Không, cho dù cơn ngây ngất có kéo dài hàng năm thay vì trong thoáng chốc. Đấy là bài học các bạn đã dạy cho tôi!”

Nhưng bốn người bạn của ông chẳng tự học được bài học nào. Họ quyết định làm một chuyến hành hương đến Florida, để uống từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối, dòng nước suối Hồi Xuân.

––––––––––––––––––––
Ghi chú: Trong một ấn bản “English Review” cách đây chưa lâu, tôi bị buộc tôi ăn cắp ý tưởng câu chuyện này từ một chương trong một cuốn tiểu thuyết của Alexandre Dumas. Rõ ràng đã xảy ra đạo văn không bởi người này thì cũng bởi người kia; nhưng câu chuyện của tôi được viết từ hơn hai mươi năm trước, còn cuốn tiểu thuyết chỉ ra đời rất gần đây thôi, cho nên tôi cảm thấy thú vị khi nghĩ rằng ngài Dumas đã cho tôi cái vinh dự được chiếm đoạt một trong những ý tưởng giàu tưởng tượng ngày xưa của chính tôi. Tôi rất hoan nghênh việc làm của ngài: đây không phải là lần đầu, mà là nhiều lần, tiểu thuyết gia vĩ đại của Pháp đã thực thi cái đặc quyền củng cố tài năng bằng cách tịch biên sở hữu trí tuệ của những người kém nổi danh hơn để thủ lợi cho riêng mình.

Nathaniel Hawthorne
Tháng Chín, 1860.

* * * * *

* * *

 

Mời các bạn đọc một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Mỹ Washington Irving (1783-1859).
Các bạn có thể đọc nguyên tác tại đây:

ebooks.adelaide.edu.au/i/irving/washington/rip-van-winkle/

 

RIP VAN WINKLE – GIẤC NGỦ HAI MƯƠI NĂM
Vĩnh Bá dịch

Ai đã từng đi ngược dòng sông Hudson chắc hẳn phải nhớ rặng núi Kaatskill. Chúng là một nhánh đứt rời của gia đình dãy Appalachia vĩ đại, nằm về phía tây của dòng sông, vươn lên đến một độ cao bề thế, và trấn ngự vùng đồng quê chung quanh. Mối lần trở mùa, mỗi lần thay đổi thời tiết, quả thực, mỗi giờ trong ngày, đều tạo ra những thay đổi kỳ diệu về màu sắc và hình dáng của những ngọn núi này, và chúng được các bà vợ tốt xa gần xem như là những phong vũ biểu hoàn hảo. Khi thời tiết tốt và ổn định, chúng khoác màu xanh tím, in những đường nét đậm đà lên bầu trời chiều trong sáng; nhưng khi trời quang mây tạnh, chúng trùm lên đỉnh thứ hơi nước màu xám, mà trong những tia sáng cuối cùng của mặt trời sắp lặn, ửng hồng lên như đang đội một vương miện vinh quang.

Dưới chân những ngọn núi thần tiên này, lữ khách có thể thoáng thấy một làn khói mỏng cuốn lên từ một ngôi làng mà những ngôi nhà mái ngói ánh lên giữa những tàn cây, ở ngay chỗ sắc xanh của vùng đồi trộn lẫn vào màu xanh lục tươi của vùng đất gần hơn. Đấy là một ngôi làng nhỏ rất cổ xưa, do một số di dân Hà Lan lập nên, vào những ngày sơ khai của tỉnh hạt này, khoảng lúc bắt đầu ra đời nền cai trị của quan toàn quyền Peter Stuyvesant, (mong người an nghỉ!) và có một vài trong số những ngôi nhà của những người định cư đầu tiên dựng lên một vài năm sau ngày thành lập làng, bằng gạch nhỏ màu vàng đem từ Hà Lan qua, có song cửa sổ bắt chéo hình quả trám và những đầu hồi quay ra trước, trên mái là cái chong chóng xem hướng gió hình con gà trống.

Trong chính ngôi làng này, và trong chính một trong những ngôi nhà này (mà nói thật ra, đã tàn tạ theo thời gian), đã sinh sống suốt nhiều năm, khi vùng này chưa trở thành một tỉnh hạt của Anh Quốc, một anh chàng chất phác tốt bụng tên là Rip Van Winkle. Anh ta là hậu duệ của những tiền bối mang họ Van Winkle, những người dũng cảm theo phò tá Peter Stuyvesant vào những ngày oanh liệt, và đã theo chân Peter Stuyvesant bao vây Pháo Đài Christina. Tuy nhiên anh ta chẳng thừa kế chút nào cái nét hào hùng con nhà võ của tổ tiên. Tôi vừa mới nói rằng anh ta là một con người chất phác tốt bụng; hơn nữa, là một láng giềng tử tế, và là một ông chồng ngoan ngoãn sợ vợ. Quả thực, chuyện sợ vợ có thể là do cái tính hiền lành đã giúp cho anh ta được lòng mọi người; vì những người như thế rất dễ trở nên khúm núm, dĩ hòa vi quý với bên ngoài, còn trong nhà thì đành chịu kỷ luật sắt của những mụ đàn bà đanh ác. Tính khí của họ, rõ ràng là hóa ra mềm mỏng dễ uốn nắn trong cái lò luyện kim rực lửa của nỗi khổ não trong gia đình; và một trận mắng nhiếc chồng có giá trị tương đương với mọi bài giảng trên đời về lòng nhẫn nại và sự cam chịu đau khổ dài ngày. Một mụ đàn bà lắm điều có thể, do đó, trong một số khía cạnh, được xem là một ân phước chấp nhận được; và nếu thế thì Rip Van Winkle được ban ân sủng đến ba lần.

Chắc chắn anh ta rất được lòng các bà vợ tốt trong làng, anh ta, như lệ thường đối với phái nữ, thường dự phần vào mọi cuộc cải vã gia đình; và trăm lần như một, mỗi khi các bà bàn tán về những chuyện cải vã ấy vào những buổi tối ngồi lê đôi mách, họ đổ hết lỗi lên đầu nội tướng Van Winkle. Trẻ con trong làng cũng thường reo mừng mỗi khi thấy anh ta tiến lại. Anh ta giúp chúng bày trò chơi, làm giúp đồ chơi, dạy chúng thả diều và bắn bi, và kể cho chúng nghe những chuyện dài về ma quỷ, phù thủy và mọi da đỏ. Mỗi khi anh ta thơ thẩn trong làng, lúc nào cũng có một bầy trẻ con bu theo, đứa níu lấy vạt áo, đứa trèo lên lưng và bày đủ trò chọc phá mà không hề bị quở trách; và khắp vùng không một con chó nào buồn sủa anh ta.

Cái sai lớn nhất trong tính cách của Rip là sự chán ghét hết thuốc chữa đối mọi công việc đem lại lợi ích. Chẳng phải là do thiếu chuyên tâm hay thiếu nhẫn nại, vì anh ta thường ngồi hàng giờ trên một tảng đá ướt, với một cái cần câu dài và nặng như một ngọn giáo Tartar, thả câu suốt ngày, câm như hến, dù không hề được khích lệ bởi một bóng cá đớp mồi. Anh ta thường vác một khẩu súng bắn đạn hoa cải lặn lội hàng giờ liền băng rừng lội suối, lên đồi xuống lũng, để bắn một vài con sóc hoặc bồ câu rừng. Anh ta chẳng bao giờ từ chối giúp hàng xóm những việc dẫu là nặng nhọc nhất, và là kẻ tiên phong trong các trò vui của làng như trẩy vỏ bắp hay xếp đá làm hàng rào. Phụ nữ trong làng cũng thường nhờ anh ta chạy việc vặt, hoặc làm những việc linh tinh khác mà những ông chồng lười việc của họ không muốn động tay. Tóm lại, với Rip, việc nhà thì nhác việc bác thì siêng; anh ta xem bổn phận gia đình và việc giữ cho nông trại sao cho được mắt là nhiệm vụ bất khả thi.

Quả thực, anh ta tuyên bố rằng chẳng ích gì khi làm việc trên nông trại nhà mình; đấy là một mảnh đất tiêu điều nhất trong vùng; mọi thứ nơi đó đều sai quấy cả, và cứ sẽ là như thế, dù anh ta có làm gì đi nữa. Hàng rào liên tục đổ ngả; con bò cái nếu không đi lạc thì cũng phá tán luống bắp cải; cỏ dại trên cánh đồng của Rip chắc chắn mọc nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác; và mưa thì cứ chực đổ xuống mỗi khi Rip có việc phải làm ngoài nhà, thế nên mảnh đất thừa kế teo tóp dần dưới sự quản lí của anh ta, từng mẫu đất một, cho đến khi chỉ còn lại một mảnh đất nhỏ trồng bắp và khoai tây, đó là cái nông trại thảm hại nhất vùng.

Mấy đứa con cũng nhếch nhác và hoang dại như thể chúng chẳng thuộc về ai. Thằng con trai, Rip, giống anh ta như khuôn đúc, hứa hẹn sẽ thừa kế mọi thói quen của cha, trong bộ quần áo cũ của cha. Người ta thường thấy nó bám gót mẹ như một con ngựa non, mặc một cái quần rộng thùng thình do cha nó thải ra, mà nó phải chật vật dùng một tay kéo ống lên, như một tiểu thư vén váy khi trời mưa.

Tuy nhiên, Rip Van Winkle lại là một sinh linh hạnh phúc nhất, tâm tính ngờ nghệch dễ dãi, xem cuộc đời như gió cuốn mây trôi, ăn gì cũng được, bánh mì trắng hay đen, miễn sao kiếm ra cái ăn với ít suy nghĩ hay ít phiền toái nhất, thà không đủ no với một đồng xu hơn là phải làm vất vả để kiếm một đồng bảng. Nếu yên thân một mình, anh ta sẽ huýt sáo miệng để tiêu dao cuộc đời với vẻ hoàn toàn mãn nguyện; nhưng mụ vợ không ngừng trút vào tai anh ta những lời đay nghiến về cái sự ăn không ngồi rồi, sự vô tâm, và cái suy tàn anh ta đang gây ra cho gia đình. Sáng, trưa, chiều tối, cái lưỡi của mụ không ngừng hoạt động, và mọi sự anh ta nói hay làm sẽ kích hoạt một màn ca cẩm hùng hồn. Rip chỉ có một cách để đáp trả lại những màn lên lớp này, cách đáp trả thường xuyên này đã thành thói quen. Anh ta chỉ việc nhún vai, lắc đầu, ngước mắt nhìn lên, và im lặng. Tuy nhiên, phản ứng như thế lại chọc cho mụ vợ tuôn ra một tràng rủa xả mới, khiến cho anh ta phải lo tìm đường rút lui bằng cách lủi ra khỏi nhà – bên ngoài nhà cái phía duy nhất mà, đúng thật, thuộc về một kẻ sợ vợ.

Đệ tử duy nhất của Rip là một con chó tên Sói, cũng sợ đàn bà không kém gì chủ nó; vì nội tướng Van Winkle xem cả chủ lẫn tớ như là những đồng minh về sự lười nhác, và thậm chí còn hằn học xem Sói như là đầu mối của việc chủ nó trở thành kẻ bất tài vô tướng. Thật ra, xét về mọi khía cạnh tinh thần của một con vật đáng kính thì Sói là một con vật dũng cảm dám lùng sục khắp rừng sâu – nhưng lòng dũng cảm nào đương cự nổi những cơn khủng bố bất tận phát ra từ cái lưỡi sắc sảo của một nữ nhân? Vào đến nhà là Sói ta lấm lét cụp đuôi sát đất, rón rén đi như một tội đồ, mắt dè chừng liếc nhìn nội tướng Van Winkle, và chỉ cần thấy một cái cán chổi hay cái vá vung lên là Sói ta phóng ngay ra khỏi nhà miệng kêu ăng ẳng.

Càng ngày cuộc sống gia đình càng thảm não hơn cho Rip Van Winkle; sự chua ngoa không bao giờ chịu thuần đi theo tuổi tác, và cái lưỡi cay độc là một công cụ có cạnh, càng dùng thì cạnh càng sắc. Suốt một thời gian Rip thường tìm sự an ủi, khi bị tống xuất ra khỏi nhà, bằng cách năng lui tới một loại câu lạc bộ thường trực gồm các vị thức giả, các triết gia và những nhân vật ăn không ngồi rồi khác trong làng, thường nhóm họp trên một băng ghế trước một lữ quán nhỏ, treo bảng hiệu vẽ chân dung hồng hào của Đức Kim Thượng George Đệ Tam. Họ thường ngồi đây trong bóng râm hết cả ngày hè dài, uể oải tán gẫu chuyện đầu làng cuối xóm, hoặc kể lể dông dài những chuyện không đâu vào đâu. Nhưng thật đáng đồng tiền bát gạo cho một chính trị gia để được nghe những lời bàn luận sâu sắc khi tình cờ một tờ báo cũ của khách qua đường rơi vào tay họ. Thực nghiêm trang biết bao khi họ lắng nghe nội dung tờ báo do anh giáo trường làng là Derrick Van Bummel rề rà xướng đọc, anh giáo là kẻ trí thức nhỏ người quần áo bảnh bao, kẻ không hề nao núng trước cái từ nặng cân nhất trong từ điển; và thông thái biết bao những lời bàn luận về các sự kiện đã xảy ra trước đó hằng tháng.

Những ý kiến của hội đoàn này hoàn toàn bị kiểm soát bởi Nicholas Vedder, trưởng lão của làng, đồng thời là chủ lữ quán. Ông ta an tọa nơi cửa lữ quán từ sáng đến tối, chỉ chuyển chỗ đủ để tránh nắng, sao cho ngồi trọn được trong bóng râm của một tàng cây lớn, thế nên hàng xóm chỉ cần nhìn sự dịch chuyển của ông cũng biết ngay là đã mấy giờ, chính xác như dùng đồng hồ mặt trời vậy. Đúng là hiếm khi người ta nghe ông lên tiếng, chỉ thấy ông rít cái tẩu thuốc không ngừng. Tuy nhiên, thủ hạ của ông (vĩ nhân nào mà không có thủ hạ), hoàn toàn hiểu cách bày tỏ ý kiến của ông. Nghe đọc hay nghe kể cái gì không hợp ý, thì ông rít tẩu thật mạnh, nhả ra những luồng khói ngắn, đều đặn và giận dữ; nhưng khi hài lòng, ông hít khói vào chậm rãi và lặng lẽ, rồi nhả khói thành từng cụm mây mỏng lững lờ; và đôi khi, nhấc tẩu ra khỏi miệng, để cho làn khói thơm nức vờn quanh mũi, ông nghiêm trang gật gù tỏ vẻ hoàn toàn tán thưởng.

Thế mà anh Rip đen đủi vẫn bị bứng ra khỏi cứ điểm này bởi mụ vợ lắm điều. Ả thường đột ngột sấn vào nơi chốn yên bình của đoàn thể này và mắng mỏ mọi thành viên, ngay cả nhân vật đáng kính như Nicholas Vedder cũng không thoát khỏi cái lưỡi táo tợn của cái ả chua ngoa đanh đá này, khi ả gán cho ông ta cái tội tập cho chồng mình cái thói lười nhác.

Rốt cuộc anh Rip hầu như tuyệt vọng. Và để trốn việc trang trại và tránh những lời đay nghiến của vợ, anh chỉ còn một chọn lựa duy nhất là xách súng lang thang vào rừng. Nơi đây, đôi khi anh ngồi dưới một gốc cây, chia sẻ những gì có trong tay nải với Sói, mà anh đồng cảm như là kẻ chịu chung nỗi khổ đau bị ngược đãi. “Sói tội nghiệp của ta ơi,” anh thường nói, “bà chủ mi khiến cuộc đời mi khổ như chó, nhưng đừng lo, tao còn sống ngày nào thì mi khỏi lo thiếu một người bạn sát cánh bên mi!” Sói vẫy đuôi, ngước lên nhìn mặt chủ đầy vẻ mong mỏi tha thiết, và nếu loài chó nhận biết sự thương hại, thì tôi sẵn sàng tin rằng Sói cũng chân thành dành cho chủ mối cảm thương tương ứng.

Trong một chuyến đi lang thang đường dài như vậy vào một ngày thu đẹp trời, Rip vô tình trèo lên chỗ cao nhất của dãy núi Kaatskill. Anh đang mê mải thú chơi ưa thích là săn những con sóc, và nơi chốn tĩnh lặng này vang lên rồi vọng lại những tiếng súng nổ. Thở dốc vì mệt, anh ngả mình lúc chiều đã muộn, trên một gò đất xanh cỏ, ở trên đỉnh của một vách núi. Nhìn qua khoảng hở giữa các thân cây, anh thấy một vùng rừng dưới thấp trải dài nhiều dặm. Tận dưới xa, rất xa kia, anh thấy dòng sông Hudson hùng vĩ, đang lặng lẽ nhưng uy nghiêm đi theo con đường của nó, phản chiếu một áng mây tím hoặc in bóng cánh buồm của một chiếc thuyền, nằm ngủ yên đâu đó trên mặt sông sáng như gương, và cuối cùng biến mất trong cao nguyên xanh.

Nhìn xuống phía bên kia, anh thấy một thung lũng sâu, hoang dã, vắng vẻ, cây cối um tùm, dưới đáy lổn chổn những mảnh đá rơi xuống từ vách núi chênh vênh, mà những tia nắng phản chiếu của mặt trời sắp lặn không đủ soi sáng. Rip nằm lặng ngắm đầy vẻ trầm tư cảnh tượng này một chặp. Trời sắp tối, bóng núi xanh thẫm bắt đầu đổ dài trên thung lũng. Anh biết về được đến làng thì trời sẽ tối từ lâu, rồi anh thở dài não nuột khi nghĩ đến chuyện phải chạm mặt với những nỗi kinh hoàng của nội tướng Van Winkle.

Đang định xuống núi thì anh nghe từ xa có tiếng gọi lớn: “Rip Van Winkle! Rip Van Winkle!” Anh nhìn quanh nhưng chỉ thấy một con quạ đơn độc bay qua núi. Rip nghĩ chắc hẳn trí tưởng tượng của mình đang đánh lừa mình, anh quay người đi xuống thì lại nghe “Rip Van Winkle! Rip Van Winkle!” – cùng lúc ấy Sói xù lông, khẽ gầm gừ, nép mình bên chủ, sợ hãi nhìn xuống thung lũng. Rip cảm thấy một nỗi sợ mơ hồ choàng phủ lấy mình, anh lo sợ nhìn về hướng tiếng gọi, và thấy một bóng người kì quái nặng nhọc leo lên các tảng đá, gập người vì sức nặng của cái gì đó đang mang trên lưng. Anh lấy làm lạ sao lại có người nơi chốn cô tịch và vắng bước chân người như thế này, nhưng rồi anh cho rằng đây là ai đó trong vùng đang cần giúp đỡ, nên anh liền đi xuống để ra tay hào hiệp.

Đến gần hơn, anh càng ngạc nhiên hơn nữa trước vẻ quái dị của người lạ. Đó là một lão già lùn thấp, tóc dày rậm, và hàm râu bạc. Quần áo theo kiểu Hà Lan cổ xưa: áo khoác không tay chít ngang thắt lưng, một lúc mặc mấy cái quần ống ngắn, cái bên ngoài rộng thùng thình, có một dãy nút trang trí dọc hai bên ống quần, và một chùm nút ngang chỗ đầu gối. Ông ta vác trên vai một cái thùng tròn, dường như chứa rượu, và ra hiệu cho Rip tiến lại giúp ông ta một tay. Tuy trong lòng cảm thấy rụt rè và nghi ngại người mới gặp, Rip vẫn đến giúp một cách ân cần như vẫn thường giúp người. Hai người thay phiên nhau vác thùng rượu đi men theo một khe nước hẹp, rõ ràng là một lòng thác đã khô cạn. Cả hai cùng đi lên, chốc chốc Rip lại nghe những tiếng ì ầm kéo dài, như tiếng sấm vọng lại từ xa, có vẻ như phát ra từ một hẽm núi sâu, hay đúng ra là một khe nứt giữa những vách đá cao mà con đường gập ghềnh họ đi đang dẫn lên đó. Rip dừng lại một lát, nhưng rồi cho rằng đó là một trong những cơn mưa giông chớp nhoáng vẫn thường diễn ra trên núi cao, anh lại tiếp tục đi. Qua khỏi hẻm núi, họ đến một chỗ trũng như lòng chảo, giống một nhà hát lộ thiên nhỏ, bao quanh bởi những vách đá dựng đứng, cheo leo trên mép vách đá đang vươn ra những cành cây lơ lửng nên chỉ loáng thoáng thầy bầu trời xanh lơ và đám mây chiều sáng rực. Suốt cả chặng đường vất vả, Rip và người đồng hành không ai nói với ai lời nào, vì mặc dù Rip rất thắc mắc về mục đích của việc vác một thùng rượu lên núi, nhưng có một vẻ gì kỳ bí ở nơi người lạ gợi lên sự kính sợ và chặn đứng mọi sự làm thân.

Bước vào chỗ đất trũng, lại thêm những thứ kì lạ hiện ra trước mắt. Trên một mặt bằng ở chính giữa, chín quái nhân đang chơi trò ném chai gỗ. Họ phục sức theo kiểu rất lạ mắt. Một số mặc áo gi-lê ngắn, những kẻ khác thì mặc áo khoác không tay, nơi thắt lưng lủng lẳng một con dao dài, và đa số họ mặc những cái quần rất rộng, theo kiểu gần giống cái quần của người dẫn đường. Vẻ mặt của họ cũng rất đặc biệt: một người thì râu rậm, mặt bè ra, mắt ti hí như mắt heo; mặt một người khác thì dường như chỉ thấy cái mũi không thôi, và trên đầu đội một cái mũ trắng chóp nhọn gắn một cái lông đuôi gà trống màu đỏ. Ai cũng để râu, theo đủ mọi hình dạng và màu sắc. Một người có vẻ là thủ lĩnh. Đó là một quý ông lớn tuổi dáng mạnh khỏe, vẻ mặt phong sương, mặc một cái áo chẽn viền đăng ten, thắt lưng rộng bản có quai để đeo gươm, đội mũ chóp cao gắn lông chim, mang vớ đỏ, đi giày cao gót có gắn hoa hồng. Cả đám người này gợi cho Rip nhớ đến những nhân vật trong một bức họa cổ của xứ Flanders ở miền Bắc nước Bỉ, treo trong phòng khách của Dominie Van Shaick, ông cha xứ của làng, bức họa được mang từ Hà Lan sang đây vào những ngày bắt đầu định cư.

Điều đặc biệt quái gở đối với Rip là mặc dù cả bọn rõ ràng là đang vui chơi, nhưng ai cũng giữ vẻ mặt rất nghiêm trang, một sự im lặng kì bí, và còn nữa, đây là một đám vui chơi buồn thảm nhất mà Rip từng chứng kiến. Không gì phá tan sự tĩnh lặng của cảnh tượng, ngoại trừ tiếng rổn rảng của những quả bóng mà khi lăn, tạo ra âm thanh vang dội ì ầm dọc theo vách núi như những tràng sấm động.

Khi Rip và bạn đồng hành tiến đến gần, họ ngừng chơi, chăm chăm nhìn Rip như kiểu nhìn của một pho tượng, vẻ mặt vô cảm kì lạ, đến nỗi hai đầu gối Rip lập cập va vào nhau. Người đồng hành rót rượu trong thùng ra những cái vò lớn, rồi ra hiệu cho Rip phục vụ đám người ấy. Rip làm theo mà lòng run sợ. Họ im lặng uống, rồi trở lại chơi tiếp.

Dần dần cơn sợ cũng lắng xuống. Thậm chí anh còn đánh bạo, khi không ai nhìn, uống thử thứ rượu ấy, mà anh thấy có phần lớn hương vị Hà Lan đặc sắc. Dĩ nhiên anh vốn là bợm rượu, nên liền bị cám dỗ uống thêm. Ngụm này rủ thêm ngụm khác; anh viếng thăm vò rượu nhiều lần đến độ cuối cùng mất hết tri giác, trời đất quay tròn, đầu gục xuống, rồi chìm vào một giấc ngủ sâu.

Thức giấc, anh thấy mình nằm trên gò đất xanh nơi lần đầu tiên anh gặp ông già đến từ thung lũng. Anh dụi mắt – nắng buổi sáng chói chang. Chim tung tăng hót líu lo trong các bụi cây, và một con đại bàng đang đảo vòng trên trời, vươn ngực đón cơn gió nhẹ trong lành của sơn lâm. “Chắc chắn,” Rip nghĩ thầm, “ta đâu có ngủ ở đây suốt đêm.” Anh nhớ lại những sự việc trước khi rơi vào giấc ngủ. Quái nhân vác thùng rượu – hẽm núi – khoảng đất trũng hoang dã – đám người buồn thảm chơi ném bóng gỗ – vò rượu – “A, cái vò rượu! Cái vò rượu quái ác!” Rip nghĩ thầm “biết nói sao đây với nội tướng Van Winkle!”

Anh nhìn quanh tìm khẩu súng, nhưng thay cho khẩu bắn đạn hoa cải sạch sẽ vô dầu trơn tru là một khẩu hỏa mai nằm bên cạnh, nòng súng phồng rộp những gỉ sét, chốt điểm hỏa long rời ra, còn báng súng thì bị mối ăn sâu đục. Anh ngờ ngợ bọn người vui chơi trang nghiêm ấy đã chơi xỏ anh, cho anh uống rượu gây mê, rồi cướp mất khẩu súng. Chú Sói cũng mất dạng, nhưng biết đâu nó đang săn lùng sóc hay gà gô đâu đó. Anh huýt sáo, rồi cao giọng gọi tên nó, nhưng vô ích; chỉ nghe vọng lại tiếng huýt sáo và tiếng gọi tên, còn chó thì vẫn biệt tăm.

Rip quyết định đến xem lại cảnh vui chơi tối qua, và nếu gặp ai sẽ quyết đòi lại chó và súng. Khi đứng dậy anh thấy các khớp xương cứng đơ, không còn linh hoạt nữa. “Nằm giữa đất rừng không hợp với ta,” Rip nghĩ thầm, “và nếu trò đùa dai này khiến ta mắc phải chứng phong thấp, ta sẽ hứng chịu một phen ân phúc với con vợ Van Winkle.” Anh khó nhọc lê mình xuống cái thung lũng vắng vẻ: anh gặp lại cái khe suối mà anh và người đồng hành đã men theo để đi lên tối hôm trước; nhưng anh kinh ngạc thấy đang có một dòng suối tung bọt chảy xuống, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, và kêu róc rách khắp cái thung lũng nhỏ. Tuy vậy, anh đổi sang đi ngược lên dọc hai bờ suối, mò mẫm lách qua những đám cây bu-lô, cây de vàng, và cây phỉ, và đôi lúc vấp té hoặc bị vướng trong đám dây nho dại chằng chịt giăng từ cây này sang cây khác, tạo nên một mạng lưới trên đường đi.

Cuối cùng anh tới được nơi hẽm núi mở ra giữa hai vách đá dẫn đến cái chỗ đất trũng, nhưng không còn vết tích gì nữa. Những tảng đá đã tạo thành một bức tường cao bít lối, một dòng thác ào xuống qua đầu tường đá này thành một bức màn nước trắng xóa rồi chảy xuống tạo thành một lòng chảo sâu rộng, đen một màu vì in bóng khu rừng bao quanh. Đến đây, anh Rip tội nghiệp đành phải dừng chân. Anh lại gọi tên và huýt sáo miệng tìm con chó; chỉ được trả lời bằng tiếng quang quác của bầy quạ rỗi hơi đang liệng quanh một cái cây khô vươn cành ra một vách đá dựng đứng ngập nắng; và những con quạ này, yên tâm vì đang ở trên cao, có vẻ như đang khinh khỉnh nhìn xuống chế nhạo nỗi hoang mang của con người đáng thương này. Làm gì bây giờ? Buổi sáng đang lùi dần, và Rip đói cồn cào vì thiếu bữa ăn sáng. Anh đành đau khổ từ bỏ súng và chó. Anh sợ hãi phải gặp lại mụ vợ tai ác, nhưng chết đói giữa núi rừng thì không nên. Anh lắc đầu, vác khẩu hỏa mai lên vai, và, lòng nặng trĩu lo âu, trở gót về nhà.

Về gần đến làng, anh gặp một số người, nhưng không có ai quen, khiến anh ngạc nhiên, vì vẫn nghĩ mình quen hết mọi người quanh đây. Quần áo của họ cũng khác kiểu áo quần anh đã quen mắt. Họ cũng chằm chằm nhìn anh lộ vẻ ngạc nhiên không kém, và mỗi lần nhìn, họ lại đưa tay sờ cằm. Cử chỉ này lập đi lập lại khiến Rip bất giác làm theo, để rồi kinh ngạc nhận ra hàm râu mình đã dài đến ba tấc!

Anh đã vào tới rìa làng. Một đám trẻ con lạ mặt bám theo anh, la hét chỉ trỏ hàm râu bạc của anh. Những con chó, mà anh không nhận ra con nào quen mặt, cũng nhằm anh mà sủa khi anh đi ngang qua. Chính ngôi làng cũng đổi thay: rộng hơn và đông dân hơn. Có những dãy nhà anh chưa từng thấy, những nơi anh từng lui tới cũng biến mất. Những cái tên lạ lẫm gắn trên cửa – những bộ mặt lạ hoắc dòm qua cửa sổ – mọi thứ đều xa lạ. Lòng anh ngờ ngợ; anh bắt đầu nghi ngờ phải chăng anh và cả thế giới quanh anh đang bị bỏ bùa. Chắc chắn đây là nơi chôn nhau cắt rún của anh, mà anh mới từ giã hôm qua thôi. Vẫn còn đó rặng núi Kaaskill – đằng xa kia là dòng Hudson sáng bạc – vẫn những gò đồi và thung lũng như xưa – Rip hoang mang cực độ – “Cái vò rượu tối qua,” anh nghĩ thầm, “đã làm ta lú lẫn mất rồi!”

Phải khó khăn lắm anh mới tìm được đường về nhà, tiến gần mà lòng nơm nớp, sợ phải nghe tiếng the thé của nội tướng Van Winkle. Anh thấy căn nhà đã tàn tạ – mái nhà sụp xuống, cửa sổ vỡ nát, cửa lớn long lề. Một con chó đói ăn trông giống con Sói lảng vảng rón rén. Rip gọi tên nó, nhưng nó nhe răng gầm gừ rồi bỏ đi. Cái thái độ thực là bất nghĩa – “Chính con chó của ta,” Rip thở dài, “cũng đã quên ta!”

Anh bước vào nhà mà, thực ra mà nói, nội tướng Van Winkle luôn luôn giữ cho ngăn nắp gọn gàng. Nhà trống trơn, hoang vắng, rõ ràng là bị bỏ phế. Cảnh thê lương này trấn áp mọi nỗi sợ hãi cuộc sống gia đình. Anh gọi lớn vợ và con. Những căn buồng vang vọng tiếng của Rip rồi im lìm trở lại.

Rip lui bước, vội vàng đi tới nơi nương náu cũ, là lữ quán làng. Nhưng quán xưa còn đâu nữa. Trên nền cũ đang là một ngôi nhà gỗ lớn, đã ọp ẹp, những cửa số lớn trống hoác, một số đã vỡ kính được che lại bằng những chiếc mũ cũ và váy xòe, và trên cửa chính là dòng chữ kẻ bằng sơn: “Khách Sạn Liên Bang, Jonathan Doolittle sở hữu chủ.” Thay vào chỗ cây đại thụ che bóng cho cái lữ quán yên tĩnh ngày xưa là một cây cột cao, trên đỉnh úp cái gì như cái mũ trùm đầu màu đỏ, từ vị trí này đang phất phới tung bay một ngọn cờ vẽ một tập hợp kì dị gồm lắm sao và nhiều sọc – mọi sự đều lạ lùng khó hiểu. Tuy nhiên anh nhận ra trên bảng hiệu gương mặt hồng hào của Vua George, mà bên dưới bảng hiệu này anh đã từng ngồi hút không biết bao nhiêu là tẩu thuốc yên bình; nhưng thậm chí ảnh vua cũng hóa thân kì lạ. Chiếc áo khoác đỏ đã biến thành màu xanh, tay cầm gươm thay cho vương trượng, đầu đức vua được trang điểm bằng một chiếc mũ ba góc không vành, và bên dưới ghi một dòng chữ lớn: TƯỚNG QUÂN WASHINGTON.

Như thường lệ, có một đám đông trước cửa, nhưng Rip không nhận ra ai. Tính cách của những người này dường như cũng đổi thay. Có cái vẻ gì tất bật lao xao, ưa tranh cãi nơi họ, thay cho vẻ điềm tĩnh quen thuộc và sự yên bình đến buồn ngủ của ngày xưa. Anh cố tìm nhà thông thái Nicholas Vedder, với cái bản mặt to bè, cằm đôi, và cái ống tẩu cán dài, nhả khói thuốc thay cho những lời thuyết giảng tào lao, và tìm anh giáo làng Van Bummel ê a đọc nội dung một tờ báo cũ. Thay vào những người ấy là một anh chàng ốm o trông như kẻ đau gan, túi nhét đầy những tờ truyền đơn cổ động, đang hô hào rất nhiệt tình về quyền công dân – bầu cử – nghị sĩ quốc hội – tự do – trận đánh Đồi Bunker – những anh hùng năm 76 – và những lời lẽ khác nữa, toàn những ngôn từ bí hiểm mà Rip ngơ ngác không hiểu.

Sự xuất hiện của Rip, với bộ râu dài đã bạc, với khẩu súng gỉ sét, bộ áo quần quê kệch, và một đám đàn bà con nít theo sau, thu hút ngay sự chú ý của các chính khách quán rượu. Họ quây lấy anh, tò mò nhìn anh từ đầu chí chân. Nhà diễn thuyết hồi nãy phóng vội tới bên anh, kéo anh sang một bên, hỏi anh “định bỏ phiếu cho phe nào?” Rip trố mắt không hiểu. Một gã khác nhỏ người lùn thấp, níu lấy cánh tay Rip, nhón chân hỏi vào tai anh, rằng anh “là phe Liên Bang hay phe Dân Chủ?” Rip lại ngẩn ngơ trước câu hỏi này. Vừa lúc ấy một lão ông có vẻ quan trọng, ra người hiểu biết, đội một cái mũ gấp vành ba góc, chen qua đám đông, dùng cùi chỏ huých trái huých phải để mở đường, rồi hạ cánh trước mặt Rip, một tay chống nạnh, tay kia chống gậy, đôi mắt sắc sảo và cái mũ sắc cạnh như đâm xuyên qua linh hồn Rip, nghiêm giọng tra hỏi, xem “cái gì xui anh tới cuộc bầu cử này với súng vác vai, với đám đông theo đuôi, và có ý định gieo mầm bạo loạn trong làng này phải không?” – “Trời ơi, thưa ngài,” Rip la lên, hơi hoảng hốt, “tôi chỉ là dân đen hiền lành, chính gốc làng này, thần dân trung thành của đức vua, cầu Chúa phò hộ cho hoàng thượng!”

Đến đây thì đám đông la ầm lên: “Một tên bảo thủ thân Anh, một tên bảo thủ thân Anh, một tên gián điệp! một tên tị nạn! tống cổ nó đi! đuổi nó đi!” Khó khăn lắm lão trượng quan trọng đội mũ ba góc mới vãn hồi được trật tự; và sau khi ra vẻ nghiêm khắc nhân lên mười lần ứng với mười nếp nhăn trên trán, tra hỏi lại tên tội nhân vô danh, rằng hắn đến đây làm gì và đang tìm ai? Rip tội nghiệp cam đoan rằng anh ta không có ý làm hại ai mà chỉ đến đây tìm một số hàng xóm trước đây thường lui tới lữ quán này.

“À, họ là ai? Kể tên ra.”

Rip ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi, “Nicholas Vedder đi đâu rồi?”

Mọi người im lặng một lúc, rồi một ông lão trả lời với cái giọng eo éo “Nicholas Vedder! Ủa, ông ta qua đời mười tám năm nay rồi mà! Trước đây có một bia mộ bằng gỗ trong nghĩa trang nhà thờ ghi thân thế ông ta, những cũng đã mục nát và cũng mất tiêu rồi.”

“Brom Dutcher đi đâu rồi?”

“Ồ, ông ta đi lính lúc chiến tranh bắt đầu. Một số người nói ông ta tử trận trong cuộc tấn công đồn Stony Point, người khác thì nói ông ta chết đuối trong một cơn lốc dưới chân núi Antony’s Nose. Ta không rõ, ông ta không bao giờ trở về.”

“Thầy giáo Van Bummel đi đâu rồi?”

“Thầy ấy cũng ra trận, trở thành đại tướng của lực lượng dân quân, hiện giờ là nghị sĩ quốc hội.”

Rip se thắt lòng khi nghe những thay đổi u buồn này về quê hương và bạn bè, thấy mình là kẻ cô đơn lạc lõng giữa đời. Mọi câu trả lời cũng khiến anh ngơ ngác vì dính dáng đến những quãng thời gian dài dằng dặc, và liên quan đến những sự việc mà anh mù tịt: chiến tranh, quốc hội, Stony Point. Anh không dám hỏi thêm về bạn bè nào nữa, chỉ tuyệt vọng kêu lên, “Có ai ở đây biết Rip Van Winkle không?”

“Ồ, Rip Van Winkle!” hai ba người cùng la lên. “Ồ, biết chứ, cậu ta đứng kia kìa, đang tựa vào cái cây ấy đó!”

Rip nhìn về hướng ấy và thấy một bản sao chính xác của mình, giống hệt mình vào ngày lên núi; rõ ràng cũng lười nhác, cũng lôi thôi lếch thếch. Rip tội nghiệp hoàn toàn sững sờ. Anh nghi ngờ chính nhân thân của mình, mình vẫn là mình hay đã thành kẻ khác. Giữa lúc anh đang hoang mang, cái ông đội mũ ba góc hỏi anh là ai, tên gì?

“Có Trời mới biết,” anh thốt lên, hoang mang cực độ. “Tôi không còn là tôi – tôi đã thành người khác – tôi đang đứng kia kìa – không – kẻ đó đang đội lốt tôi – đêm qua tôi là tôi, nhưng tôi ngủ quên trên núi, chúng tráo súng của tôi, cái gì cũng biến đổi, tôi cũng biến đổi, tôi không biết tên tôi là gì, và tôi là ai nữa!”

Mọi người bắt đầu nhìn nhau, gật gù, nháy mắt với nhau đầy ý nghĩa, gõ gõ ngón tay lên trán. Có tiếng thì thầm về chuyện phải tịch thu khẩu súng, ngăn không cho lão già này giở trò. Lời đề nghị này khiến cho lão trượng bộ tịch quan trọng vội vàng rút lui. Đúng giây phút quan trọng này, một phụ nữ xinh xắn chen qua đám đông để nhìn mặt ông già râu bạc. Cô ta đang ẵm một đứa trẻ mũm mĩm, mà khi trông thấy Rip, bắt đầu khóc toáng lên vì sợ hãi. “Nín, Rip,” cô gái nói, “nín đi, cái thằng ngốc này, ông lão không làm gì mày đâu.” Tên đứa bé, bộ dạng bà mẹ, giọng nói cô gái, tất cả đánh thức một loạt những ký ức trong đầu Rip. “Tên cô là gì, cô gái kia ơi?” Rip hỏi.

“Judith Gardenier.”

“Còn cha cô tên gì?”

“A, khổ thay cho cha cháu, ông tên là Rip Van Winkle, nhưng ông xách súng bỏ nhà ra đi đã 20 năm rồi, biệt tăm biệt tích. Con chó của cha cháu trở về một mình. Nhưng ông tự tử bằng súng hay bị mọi da đỏ bắt đi thì chẳng ai biết được. Lúc ấy cháu còn nhỏ lắm.”

Chỉ còn một câu nữa thôi, giọng anh ngập ngừng:

“Thế còn mẹ cháu đâu rồi?”

“Ồ, mẹ cháu cũng mất không lâu sau ngày cha bỏ đi. Bà bị vỡ mạch máu khi lên cơn tam bành với một người bán hàng rong từ New England.”

Ít nhất cái tin này cũng mang lại đôi chút nhẹ nhõm. Anh chàng Rip thật thà không kìm lòng được nữa. Anh ôm lấy cô gái và đứa bé. “Ta là cha của con đây!” anh la lên. “Rip Van Winkle trẻ trung trước đây, Rip Van Winkle già nua bây giờ! Có ai quen biết Rip Van Winkle khốn khổ này không?”

Tất cả đứng yên kinh ngạc, cho đến khi một bà cụ từ trong đám đông lảo đảo bước ra, che tay ngang mày, trố mắt nhìn mặt Rip một lúc, rồi nói, “Đúng rồi! Rip Van Winkle đây mà, đích thị! Mừng ông trở về, ông hàng xóm cũ của tôi. Hai mươi năm nay ông đi đâu?”

Rip liền thuật lại mọi chuyện, hai mươi năm trời với anh chỉ là một đêm. Hàng xóm trố mắt nghe chuyện. Một số nháy nhó với nhau cố nín cười. Cái ông bộ tịch quan trọng đội mũ ba góc, khi cơn báo động đã qua, đã trở lại hiện trường, một bên khóe miệng trễ xuống, rồi lắc đầu lia lịa, thấy thế đám đông cũng lia lịa lắc đầu theo.

Tuy nhiên, mọi người quyết định hỏi ý kiến ông cụ Peter Vanderdonk đang từ từ đi đến. Ông cụ là hậu duệ của nhà sử học cùng tên, người đã ghi lại những câu chuyện xưa nhất về tỉnh hạt này. Peter là cư dân kỳ cựu nhất làng, rất rành rẽ về những sự kiện và truyền thống kỳ thú của khu vực. Ông cụ nhận ra Rip Van Winkle ngay, xác nhận câu chuyện của Rip theo cách thỏa đáng nhất. Ông cụ cam đoan với đám đông rằng có một sự thật mà nhà sử học tổ tiên của ông đã truyền lại, rằng là rặng núi Kaatskill luôn luôn bị ám bởi những con người kì dị. Rằng người ta khẳng định người đầu tiên khám phá dòng sông và vùng đất này, Hendrick Hudson vĩ đại, cứ hai mươi năm một lần, tổ chức một đêm canh thức cùng với đoàn thủy thủ con tàu Half-moon, để được thăm lại khung cảnh công lao của mình, để canh giữ dòng sông và cái thành phố mang tên mình. Rằng cha của cụ đã tận mắt nhìn thấy họ trong trang phục Hà Lan cổ, đang chơi ném bóng gỗ trong cái đám đất trũng trên núi, và rằng chính cụ đã từng nghe vào một buổi chiều mùa hè, tiếng những quả bóng ì ầm giống như tiếng sấm vọng lại từ xa.

Nói ngắn lại cho mau, đám đông giải tán, trở lại với những mối bận tâm quan trọng hơn của cuộc bầu cử. Cô con gái dẫn Rip về nhà sống chung. Cô có một nơi ấm cúng đầy đủ đồ đạc gọi là nhà, có một anh lực điền vai u thịt bắp vui tính gọi là chồng, mà Rip nhớ là một trong những thằng nhãi hồi xưa thường leo lên lưng Rip. Riêng đứa con trai thừa kế của Rip, bản sao hoàn hảo của anh, hồi nãy đứng tựa gốc cây, thì đang làm thuê trên nông trại, nhưng đã biểu lộ bản tính di truyền là siêng việc bác hơn giỏi việc nhà.

Lão Rip giờ đây lập lại những chuyến ngao du và thói quen ngày xưa. Ông sớm tìm lại được nhiều bạn bè cũ, dù bọn họ đều đã đầu bạc răng long theo thời gian. Ông thích đánh bạn với thế hệ đang lớn hơn, và ông sớm được đám trẻ ưa thích.

Ở nhà chẳng có việc gì để làm, và khi đã đến độ tuổi có thể ăn không ngồi rồi mà chẳng bị ai la mắng, ông trở lại chiếm chỗ nơi cái băng ghế trước cửa lữ quán, được trọng vọng như bậc trưởng lão của làng và như là cuốn sử biên niên của cái thời “trước chiến tranh”. Một thời gian sau ông mới quen dần với mạch chuyện trà dư tửu hậu, hoặc hiểu được những biến cố kì lạ đã xảy ra trong thời gian ông say sưa giấc nồng. Rằng đã diễn ra một cuộc cách mạng như thế nào, rằng đất nước đã thoát được ách đô hộ của nước Anh già nua ra sao, và rằng thay vì là thần dân của Hoàng Thượng George Đệ Tam, nay ông là công dân tự do của Liên Bang Hợp Nhất. Thực ra Rip không là một nhà chính trị, những thay đổi mà các nhà nước và các đế quốc đem lại chẳng gây cho ông chút ấn tượng nào, nhưng có một nền chuyên chế mà vì nó ông đã từng phải rên siết – đó là cái chính quyền mặc váy. May thay, chế độ ấy đã cáo chung. Ông đã cởi bỏ được cái ách của đời sống vợ chồng, và giờ đây có thể đi ra đi vào lúc nào tùy ý, không còn sợ hãi bạo quyền của nội tướng Van Winkle. Mỗi khi có ai nhắc tên bà vợ, tuy vậy, thì ông lắc đầu, nhún vai, ngước mắt nhìn lên. Cử chỉ này có thể hiểu theo hai cách: hoặc là sự đầu hàng số phận, hoặc là niềm vui được giải phóng.

Ông thường kể câu chuyện của mình cho mọi người lạ ghé vào khách điếm của ông Doolittle. Thoạt đầu, người ta để ý mỗi lần kể là ông thay đổi vài ba chi tiết, mà chắc là do việc ông mới tỉnh giấc gần đây thôi. Cuối cùng câu chuyện chốt lại chính xác như phiên bản tôi kể trên đây, và không một nam phụ lão ấu nào trong làng mà không thuộc lòng câu chuyện. Một số người luôn ra vẻ không tin sự chân thực của câu chuyện, nhất mực bảo đầu óc ông đã lú lẫn, và rằng đây chính là lí do lời kể của ông trước sau không như một. Tuy nhiên, những cư dân Hà Lan lâu đời, đều công nhận bản quyền tác giả của ông. Ngay cả ngày nay họ không bao giờ nghe tiếng giông ì ầm trên núi Kaastskill vào một buổi chiều hè mà không bảo rằng Hendrick Hudson và đoàn thủy thủ của mình đang chơi trò ném bóng gỗ. Và mọi ông chồng sợ vợ trong vùng, khi cuộc sống trở nên quá sức chịu đựng, đều có chung một ao ước là được nhấp một ngụm rượu an thần từ cái vò của Rip Van Winkle.

– HẾT –

 

 

 

 

 

Leave a Reply