Thiền trong nghệ thuật – Nguyên Huệ

Jan 28, 2016 (TM)

 

 

Vài suy nghĩ về Thiền trong nghệ thuật
Nguyên Huệ

Để tiếp nhận một ý niệm thiền không những nghe mà còn thấy. Với Thiền đạo, thấy là một hình thức tiếp nhận và hiểu một cách tự nhiên trực tiếp mạnh mẽ sâu xa nhất, không cần mô tả bằng lời. Các thiền sư, nghệ sĩ thường thể hiện ý niệm của minh qua các tác phẩm thơ, tranh, kiến trúc hoặc trà đạo, hoa đạo, võ thuật ….

Trước một bức vẽ vài hòn đá, ngọn cỏ, một chiếc thuyền…, trông có vẽ lạnh lẽo, cô đơn và vô nghĩa, người xem sẽ tự hỏi sự khó hiểu ở đây là vô tình hay cố ý và trong chừng mực nào đó tác giã sẽ bị cho là non kém hay cao siêu giả tạo, hoặc lập dị. Có người còn chế nhạo rằng, nhúng một con rắn nhỏ vào bình mực rồi cho nó bò trên giấy sẽ tạo ra một tranh thiền thật tuyệt vời vì chẳng ai hiểu gì cả.

Chất thiền trong tác phẩm nghệ thuật được hiểu như thế nào, những lý giải nào cho những tác phẩm thoạt nhìn vô nghĩa nhưng vô giá, trước hết chúng ta thử tìm hiểu một chút tính chất của thiền.

Bồ Đề Đạt Ma đã du nhập thiền Phật Giáo từ Ấn Độ vào Trung Hoa vào những năm 520, lúc đó tư tưởng vô vi trong triết lý Lão giáo đang ngự trị tại Trung Hoa và đang dần trở thành một tôn giáo của quần chúng, và từ đó vô vi của Bát Nhã kinh trong Phật giáo đã có những điểm tương đồng với Lão giáo. Vô vi của Lão là vẫn còn tại thế, không bon chen cuộc sống nhưng vẫn hưởng thụ, trong lúc vô vi của Phật giáo xuất phát bằng « Không » với khuynh hướng xuất thế. Mặc dầu vậy nhưng cách hành xử vô vi không có gì khác biệt, trên cơ sở đó thiền Phật giáo đã phát triển mạnh tại Trung Hoa và sau đó truyền qua Nhật bản.

Học thuyết trọng tâm của Lão là Đạo và Đức.

Đạo là nguồn gốc của vũ trụ. Theo Lão Tử, trời đất muôn vật do Đạo mà sinh thành. Đạo là sự vận động liên tục và bất tận mà ta không thể cảm, không thể biết. Đạo vô danh vô hình, là căn nguyên và cốt lõi của muôn vật. Muôn vật đều khởi đi từ Đạo, đi theo Đạo. Còn Đức? Đức ở đây không phải là đức hạnh theo lối luân lý thông thường, mà Đức là mầm sống trong vạn vật. Đạo thì sinh ra còn Đức thì nuôi nấng. Người sống có Đức là sống theo Đạo.
Đạo của Lão là thiên nhiên, năng lượng sức sống và sự vận hành của thiên nhiên. Và Đức là nuong theo tự nhiên mà sống, thuận theo thiên lý mà lưu hành. Đạo ấy chỉ được biết bằng trực quan, không bằng lý trí. Lý trí khiến ta nhìn cuộc đời với con mắt nhị nguyên, phân chia thế giới nội tâm và ngoại lai, con người với thiên nhiên, thế gian với vũ trụ, thiện và ác, đúng và sai…. Nó chỉ làm cuộc sống thêm phức tạp, khiến người ta phân biệt cái hay cái dở nên sinh ra ham muốn, đây là nguồn gốc của sự đau khổ.

Tổng quát Đạo là nguyên lý vận hành của tự nhiên trong con người và vũ trụ, đây là sự di chuyển bất tuyệt của dòng sống không bao giờ ngơi nghĩ, nếu bất động hay tuyệt đối là cái đã chết. Tất cả sự vận hành này đều nằm ngoài tầm nắm bắt của lý trí, nhận biết của tri thức và diễn đạt của ngôn từ.

Trong Phật giáo, Đạo của Lão được xem như đồng nghĩa với Phật tánh, Thiền là con đường đưa đến giác ngộ, giãi thoát khổ đau, tìm đến Phật tánh, hay nói đúng hơn là đến với Đạo, thiền thúc đẩy tâm thức con người đến với sự biến đổi tự nhiên uyển chuyển theo sự chuyển dịch, không có thời gian cho ngừng lại, nếu dừng lại để suy nghĩ, lý luận trong chốc lát thì thực tại sống động lúc đó đã chết, đã đi vào quá khứ trong khi dòng sống vẫn tiếp tục chảy, vì vậy trong thiền Phật giáo những định nghĩa, khái niệm hay giãi thích đều là những cản trở con người với Đạo.

Trở lại với tác phẩm nghệ thuật cũng vậy, một bức tranh thiền được thực hiện không màu sắc, không tẩy sửa và hoàn thành với thời gian nhanh nhất, bởi vì tác giả phải thể hiện đối tượng hay nguồn cảm hứng của mình lên trang giấy lúc sự viêc còn sống, họ không có thời gian để mô tả trong khi tất cả đang bị giết chết dần dần bởi sự thay đổi và biến thể, họ sẽ không thể tìm thấy lại được sự linh động và xác thực của những gì đã trôi qua, thiền làm cho tâm thức con người phải luôn di chuyển tiến về phía trước hòa hợp với sự biến dịch của tự nhiên nhưng vẫn giử được những điềm nhiên an tĩnh của tổng thể. Để có được thái độ an nhiên ỏ đây, tâm thức chỉ được phép tập trung trong mỗi lúc một việc, nắm bắt lấy sự việc lúc nó đến và hoàn thành trước khi làm việc khác, tránh suy nghĩ về quá khứ vị lai làm xao lãng công việc đang thực hiện, đây chính là một trong những Chánh Niệm của thiền sư Thich Nhất Hạnh đã đề cập.

Như vậy, cái cho “thấy” của thiền trong một tác phẩm nghệ thuât cần phải đạt được các yếu tố về thời gian, sự sống, chánh niệm, tiết kiệm năng lực, đơn giản gần với tự nhiên…, nó không phải là một bản sao mô tả, giải thích chi tiết về một sự việc cần phải thấy, sự thật luôn sống động và trung thực hơn hẳn. Với điều kiện đó, thiền trong nghệ thuật, chỉ là những nét chấm phá chủ yếu, không cần chi tiết, đơn giản như có vẻ gợi ý, bắt người thưởng thức phải suy ngẫm, tưởng tượng , lắng nghe tiếng dội lại từ tâm thức mình để tự mình tìm thấy ý tưởng của tác phẩm. Bởi thế, chính các vị thiền sư, nghệ sĩ hiễu rõ hơn ai hết giá trị của các khoảng trống bỏ trắng, những gì họ bỏ ra ngoài có khi còn quan trọng hơn những gì trong tác phẩm, nói đúng hơn họ chỉ vén lên một góc cho thấy và phần còn lại tự tìm lấy, đẹp hay xấu tùy vào tư duy và trình độ của mỗi người. Đây là một nguyên tắc vô vi của Phật và lão giáo.

Khi nói đến nghệ thuật với thiền, không thể nào không nói đến Trà đạo, trà luôn đi đôi với thiền, với trà thất, một kiến trúc đơn giản mong manh hòa hợp với cảnh vật chung quanh, dụng cụ thô sơ nhưng rất tỉ mỉ trình bày. Trong Trà đạo chúng ta tìm thấy Thiền trong khía cạnh an tĩnh để cho tâm thức có thể đạt đến cao độ của sự linh mẫn và sự buông thả hoàn toàn, đây là một sự giãi thoát và hài lòng với những gì thiên nhiên sẵn có.

Với các nguyên tắc trên đây cũng khả dĩ cho chúng ta có thể lý giải được các yếu tố không trùng lặp, bất cân đối của thiền trong kiến trúc, bởi vì cân bằng hay trùng lập là bất động là đông nghĩa với chết, ngược với đạo.

Để có một cái nhìn chung cuộc, bất cứ tác phẩm nào về Thiền cũng như một câu chuyện không có phần kết, luôn có cái gì không thể định nghĩa, không thể diễn đạt bằng từ, nó làm cho chúng ta luôn chạy đuổi theo về phía trước nhưng không bao giờ bắt kịp. Nhưng đến một lúc nào đó, lúc tâm thức đạt đén cao độ của sự bế tắt, chính lúc đó ánh sáng của sự giác ngộ sẽ tỏa sáng, như sức bật của một cán cân khi bên kia đặt xuống một trọng lượng quá lớn.

Nguyên Huệ
28 Jan 2016

 

Leave a Reply