Feb 22, 2018 (TM)
Trận tuyết đẹp nhất ở Washington DC trong mấy chục năm tôi ở đây là trận tuyết 2015. Hôm nay tôi gởi lên lại hình ảnh tuyết đó và bản nhạc Der Leiermann (The Hurdy-gurdy Man) trong loạt bài Winterreise (Hành Trình Mùa Đông) của Franz Schubert phỏng theo thơ của Wilhelm Müller, và giọng hát tôi rất mê của opera singer Dietrich Fischer-Dieskau, người ca sĩ tôi cảm phục trong bất cứ bản nhạc nào ông trình diễn. Ông từng nói ta phải biết lắng nghe âm nhạc muốn nói gì, không thể nào nghe với sự lãnh đạm, để cùng cảm nhận được hơi ấm cảm xúc của người nhạc sĩ khi họ sáng tác, chỉ có lúc đó ta mới đúng là người chuyển tải được những gì người nhạc sĩ muốn nói. Và đúng thật, ông là người chuyển tải tài tình nhất những bản nhạc lời của Bach, Shostakovich, Schubert, Mozart, Strauss, Verdi, Wagner … Mỗi bài được diễn tả với một sự gắn bó mãnh liệt.
Nghe Der Liermann là nhớ đến Fischer-Dieskau và nhớ đến Fischer-Dieskau là nhớ đến Der Liermann … một bản nhạc nói đến một người già chân trần đứng chơi đàn giữa đông lạnh, người qua lại không ai buồn đoái hoài, khay tiền vẫn trống trơn, nhưng ông vẫn tiếp tục chơi…
DC đang giữa mùa đông, và mùa đông nào cũng làm nhớ đến một segment cảm động trên All Things Considered của National Public Radio DC năm nào kể lại một câu chuyện đầy tiếc nuối, mặc cảm tội lỗi của một người con đối với người cha nghèo của mình khi cậu ngồi trong lớp học ấm cúng nhìn ra khung cửa thấy cha mình đang chống chỏi với cái giá rét khắc nghiệt một mình ngoài kia mà không phản ứng gì để đưa cha vào trong tránh lạnh. Khi lớn lên, quay lại nhìn, mới hiểu và thương hình ảnh cô độc của cha mình luc đó. Về sau, khi nghe bản Der Liermann của Schubert thì lại nhớ đến hình ảnh đó của cha.
Sau đây là segment của NPR DC và trang Web của bản Der Leiermann:
Khi mùa đông đổ xuống khắp nơi , chúng tôi yêu cầu thính giả cho biết bản nhạc nào họ thích – bản nào đã gợi lên cái lạnh và kỷ niệm mùa đông đối với họ. Cho đến nay, trong loạt bài nhận được, chúng tôi đã nghe một số giai điệu vui hoặc tiếc nuối. Nhưng bài hát đưa ta đến vùng băng giá xa xôi là bài hát mà Bill T. Jones, một choreographer của DC gởi đến với những lời tâm sự của ông. Bill Jones chọn bài cuối cùng trong lọat bài “Winterreise” của Schubert: Der Liermann.
“Đối với tôi, đó là những gì ẩn sâu dưới bài hát,” Bill Jones nói với All Things Considered, “về một phong cảnh ảm đạm và khung cảnh ảm đạm này đã đưa tôi về quá khứ lúc tôi còn học lớp Tư. Mùa đông đó, trong ngôi trường nằm ở ngọai ô thành phố của tôi, khi ngồi nhìn xuống con đường phủ tuyết trắng xa xa từ của sổ của phòng học và thả hồn mơ mộng thì tôi thấy một hình ảnh lẻ loi đang đi trong cái lạnh giá đó, và bạn biết khi gió thổi thì phải quay lưng để chống gió. Tôi cảm thấy ái ngại cho người đó nhưng rồi tôi nhận ra đó là cha của tôi. Đó là cha tôi, thất nghiệp, đã từng là giám đốc của hãng mình lập ra và đã là một nhà thầu thành công trong thời kỳ hoàng kim của những người di cư cuối thập niên 50s. Nhưng bây giờ doanh nghiệp đã chết, ông dời nhà về miền Bắc với gia đình, hoàn toàn phá sản và bệnh họan. Ông phải làm công việc bé mọn trong một nhà máy sản xuất xa nhà hàng dặm. Một người đàn ông da đen không có xe, xin quá giang cũng không ai cho nên ông đã đi bộ 10 dặm để đến nhà máy hàng ngày. Và tôi, tôi đang ngồi trong lớp học ấm áp, nhận những bài giảng nhưng lại lơ đãng không chú ý đến thầy giáo, và đột nhiên tôi cảm thấy bị giằng xé giữa hai thế giới này. Và bản Der Liermann, khi nghe, thì tôi cảm thấy thuơng cha tôi vô cùng. Có một cái gì đó ảm đạm về nghệ thuật, nhưng giúp chúng ta chịu được sự đau đớn qua cái đẹp mãnh liệt của nó.”
Cảm xúc của Bill Jones lúc đó có thể nói là rất bi thảm. Tuy nhiên, như ông nói, cảm xúc đó lại mạnh mẽ và phức tạp. Ông không thể đơn giản chỉ cần chạy ra khỏi lớp học của mình và mang cha vào bên trong tránh lạnh. “Một trong những lý do tôi được đi học là vì cha tôi phải ở ngòai kia”, Jones nói. “Và đó là điều đau đớn mà chúng ta ở đất nước này gặp phải: Chúng ta phải làm sao cho hơn cha mẹ của chúng ta. Và tôi có dám nói với cả lớp, “Nhìn kìa, đó là cha tôi đó, nghèo khó, lạnh lẽo đang đi ngòai kia đường!” không? Đó là một khoảnh khắc rất kỳ lạ, rất lạ, tôi như tê liệt, biết phải làm những gì nên làm, và không biết những gì tôi muốn làm.”
Bản nhạc này, và hoài niệm đi kèm, đã đem đến cho Bill Jones một quan điểm đáng giá.
“Bây giờ khi mình làm cha, thì càng ngày tôi càng hiểu cha tôi. Từ vị trí của một người cha, tôi đã có thể nói với hình ảnh tôi thấy khi còn là một đứa trẻ rằng tôi hiểu cha tôi thấu suốt. Tôi không sợ tuổi già , nhưng ý tưởng về một cuộc sống thành công phải là một cuộc sống đáng sống. Giấc mơ của cha tôi ở thời điểm đó bị bỏ lại sau lưng ông, nhưng giấc mơ của tôi bây giờ thì nơi đâu? Hôm đó tôi thương ông đã dấn thân ngòai trời lạnh mà không cho chúng tôi biết, không kêu than, chỉ chịu đựng một mình. Tôi yêu ông vô cùng, nhưng có bao giờ tôi nói với ông điều đó, có lẽ không bao giờ.”
Der Leiermann
Bài thứ 24 trong Winterreise – Nhạc: Franz Schubert phổ thơ của Wilhelm Müller
Baritone: Dietrich Fischer-Dieskau
www.youtube.com/watch?v=sIIS-UgixGE
Drüben hinterm Dorfe steht ein Leiermann
Und mit starren Fingern dreht er, was er kann.
Barfuß auf dem Eise wankt er hin und her
Und sein kleiner Teller bleibt ihm immer leer.
Keiner mag ihn hören, keiner sieht ihn an,
Und die Hunde knurren um den alten Mann.
Und er läßt es gehen alles, wie es will,
Dreht und seine Leier steht ihm nimmer still.
Wunderlicher Alter, soll ich mit dir geh’n?
Willst zu meinen Liedern deine Leier dreh’n?
* * *
There, behind the village, stands an organ-grinder,
And with numb fingers,he plays the best he can.
Barefoot on the ice, he staggers back and forth,
And his little plate remains ever empty.
No one wants to hear him, no one looks at him,
And the hounds snarl at the old man.
And he lets it all go by, everything as it will,
He plays, and his organ is never still.
Strange old man, shall I go with you?
Will you play your organ to my songs?
Tống Mai
Feb 22, 2018
Ấm áp trong giá lạnh, em có thấy không?
Cảm động quá Mai. Vừa đọc vừa ứa nước mắt.
Hà cũng “mít ướt” như Mai.
Mai nhớ mãi “Der Liermann” và câu chuyện về người cha trên NPR bởi vì mình cũng có một lần như vậy trong đời đối với cha. Mặc cảm đó mấy chục năm sau vẫn còn khi nhớ đến cha mình.
Hôm đó Mai đang ở Văn Khoa giờ ra về, bước ra khỏi giảng đường thì thấy cha đang đứng đợi bên xe gắn máy. Mai mắc cở với bạn là đã lớn rồi cha vẫn còn thỉnh thoảng xuất hiện đột ngột ở sân trường đón. Mai tránh và đi đường khác để cha lái xe về một mình. Không gì trầm trọng, nhưng Mai vẫn ám ảnh mãi hình ảnh gầy ốm của ông đứng trong nắng thiêu đốt của Huế chờ con gái tan lớp. Sau đó, ông không còn đi đón Mai nữa vì sức khỏe đã tàn. Ông mất sớm, đám tang ông lúc quan tài hạ xuống thì khóc đến muốn nhào xuống huyệt.
Khi nghe segment này trên radio Mai cũng khóc thành tiếng vì nhớ cha.
Tất cả những đam mê thơ, nhạc đều thừa hưởng từ ông. Khi còn nhỏ ông hay đọc sách báo cho nghe, dẫn cho đi ciné hàng tuần, Mai theo ông như theo thần tượng. Khi con lớn lên ông vẫn xem như đứa bé nhưng mình đã trưởng thành và đã tách rời vòng che chở. Nếu được sống lại thời gian mới lớn đó, Mai sẽ hãnh diện khoe bạn bè sự chăm sóc của người cha gầy gò của mình thay vì tránh đi.
Hà thật ra rất dễ cảm động bởi vậy thường tránh những tình huống cảm động để khỏi làm “mít ướt.” Hà là con của single mother. Ông bà thôi nhau từ khi Hà có ba tháng, ở với má cho đến năm 11 hay 12 tuổi mới gặp ba lần đầu. Suốt đời Hà luôn mơ ước được hưởng sự săn sóc cưng chìu của người cha, ảnh hưởng đến mức lớn lên thường yêu quí các ông già hơn là các chàng trai trẻ 🙂
Father complex đó Hà.
Tấm ảnh nào cũng đẹp mê hồn.
Từ giọng hát đến lời nhạc, cùng hình ảnh tuyết trắng mùa đông của Mai, bỗng một cảm giác buồn, lạnh, xót xa. Ước chi chiếc áo ấm mình đủ lớn để cùng chia sẻ với những ai vì cuộc sống đang lầm lủi trong giá lạnh mùa đông này.
Cám ơn Mai đã giới thiệu.
“Là-bas, derrière le village, il y a un joueur de vielle. Et de ses doigts gourds, il joue ce qu’il peut. Pieds nus sur la glace, il va chancelant çà et là. Et sa petite sébile reste toujours vide. Nul ne daigne l’entendre, nul ne le regarde. Et les chiens grondent après le vieil homme. Mais il laisse tout filer, advienne que pourra, il joue, et sa vielle jamais ne se tait. Étrange vieillard, dois-je aller avec toi ? Voudrais-tu faire tourner ta vielle pour mes chants?”
Vivaldi – Winter:
http://www.youtube.com/watch?v=TZCfydWF48c
đoạn nhạc đẹp nhất trong “The Four Seasons”, phận nghèo trong cái lạnh và quạnh quẻ.
Xem thư Mai và 22 bức ảnh đính kèm…..
Cúc không biết nói câu gì cả, chỉ gói gọn hai chử TUYỆT VỜI…..
Từ những bức hình Mai chụp, con đò nhỏ chơ vơ giữa dòng, bến sông lặng lẽ khép mình cô độc, một vầng thái dương vừa ló dạng sau dãy núi và một rừng đào đứng nghiêng ngã trong một quang cảnh đầy tuyết trắng xóa…
Những bức ảnh ấy đầy tính Nhân Văn , tỏ rõ sự Nhân Ái, yêu quý muôn loài và vạn vật của người chụp…….
Thật ra, Cúc không rành lắm về nhiếp ảnh và hội họa, Cúc chỉ nói lên cái cãm nhận thật của mình sau khi xem ảnh ….Đừng cười Cúc nhe – Tống Mai của Cúc…..-
Nhạc Schubert, thơ Müller, giọng hát của Dietrich và tranh minh họa của Friedrich, một sự hòa quyện tuyệt vời của những tâm hồn Đức. Em vẫn còn nợ chị bản dịch Việt bài thơ này.
Chị tưởng Pháp Hoan quên rồi chứ : )