Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng cho tôi thấy hết tim người – Tiếng hát Tống Mai và Nguyễn Văn Đổng

July 3, 2015 (TM)

 

Sóng Về Đâu

Nhạc: Trịnh Công Sơn
Tiếng hát và guitar: Tống Mai và Nguyễn Văn Đổng
Video: Nguyên Huệ

www.youtube.com/watch?v=K-0l7_3fBsg

Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu ?

Sóng bạc đầu và núi chìm sâu
Ta về đâu đó
Về chốn nào mây phủ chiêm bao
Cạn suối nguồn bốn bề nương dâu
Ta tìm em nơi đâu ?

Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng nằm đâu
Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã giữa tim người

Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng cho tôi thấy hết tim người
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu ?

Giấc ngủ nào giường chiếu quạnh hiu
Trăng mờ quê cũ
Người đứng chờ gió đồng vi vu
Vạt nắng vàng nhắc lời thiên thu
Nhớ ngàn năm trôi qua

Biển sóng biển sóng đừng trôi xa
Bao năm chờ đợi sóng gần ta
Biển sóng biển sóng đừng âm u
Đừng nuôi trong ấy trái tim thù

Biển sóng … đừng xô nhau

* * * * *
* * *

Ngàn năm, giọt nước có buồn không?

Có lần tôi được nghe một bài hát của Trịnh Công Sơn với những ý lạ: “Biển sóng đừng xô nhau, ta xô biển lại sóng về đâu? Biển sóng đừng xô ta, ta xô biển lại sóng nằm đau!” Ông kể, ông viết bài đó do cảm hứng khi nghe tụng câu kinh Bát-nhã “Gate, Gate, Paragate, Parasamgate, Bodhi Svaha.” Ông giải thích ý mình: “Tuy là do cảm hứng bắt nguồn từ câu kinh, nhưng nó không nương tựa gì câu kinh cả. Tôi muốn nói, sống trong cuộc đời, ta đừng nuôi thù hận, đừng có ác ý trong cuộc tình. Đừng để trong tình thương có bóng dáng thù địch, của lòng sân hận. Sóng xô ta, ta xô lại sóng. Biết bao giờ mới đến được bờ bên kia của tịch lặng, của bình an!”

Cuộc đời cũng được làm bằng những mối liên hệ giữa ta với người chung quanh. Mà nếu mỗi lần “sóng xô ta” rồi “ta xô lại sóng”, thì biết bao giờ biển khổ này mới được yên, tâm hồn này mới được tĩnh lặng, phải không bạn?

Tôi nghĩ sự tu tập trước hết là để đem lại cho ta một tấm lòng. Một tấm lòng, một con tim rộng lớn, không nhỏ nhen, không nghi kỵ, không xô đẩy nhau. Một tấm lòng không cô lập, không cố chấp. Một tấm lòng vững chãi và thảnh thơi có khả năng che chở và soi sáng ta giữa cuộc đời. Với tấm lòng rộng mở ấy, mọi khổ đau sẽ được chuyển hóa.

Tôi có thể nói cho bạn nghe về sự cần thiết của sự đổi thay và vô thường trong cuộc sống. Tôi có thể nói về một thực tại nhiệm mầu. Tôi có thể kể cho bạn nghe làm sao ta có thể tiếp xúc được với hạnh phúc, trong khi hiện tại là khổ đau…. Nhưng tôi nghĩ chữ nghĩa thì bao giờ cũng quá dễ dàng, và nhiều khi còn là thừa thãi! Tôi vẫn còn đang thực tập những gì mình đã được dạy. Có những ngày thân tôi đau, tâm tôi bất an, hạnh phúc dường như là chuyện của hôm qua. Những ngày ấy, tôi bước ra ngoài, tập đi thiền hành trên con đường nhỏ, nhìn trời xanh mây trắng, có những đàn ngỗng trời bay ngang qua kêu vang không trung. Tôi tập nương tựa vào sự vững vàng của con đường mình đi, vào trời xanh mây trắng, vào hạnh phúc của những người chung quanh. Hạnh phúc đâu phải chỉ có mặt trong một không gian hoặc thời gian nào giới hạn của riêng tôi! Nó rộng lớn hơn thế. Sự sống của tôi và bạn không có một đoạn cuối, dầu khổ đau hay hạnh phúc. Nó là một tiến trình tiếp tục mà ta có thể bắt đầu lại bất cứ lúc nào!

Đêm nay trăng sáng yên ngoài cửa sổ. Trong căn phòng viết nhỏ của tôi có một vùng ánh sáng nhỏ tĩnh lặng. Cho rằng cuộc đời này là khổ đau, hoặc hạnh phúc, cũng còn là vội vàng và giới hạn quá. Trên bàn viết, tôi có chép lại một bài thơ của bác Ngọc Quế in trong tập sách bác gửi tặng nhà hôm nào:

Ngàn năm
Giọt nước có buồn không
Sao vẫn long lanh
Dưới ánh hồng
Trên cánh sen vàng
Ai biết được
Ngàn năm
Giọt nước có buồn không.

Đêm đã khuya. Tôi thổi tắt ngọn nến trên bàn. Một làn khói tỏa nhẹ dưới ánh trăng xanh.
Duy Nhiên

6 thoughts on “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng cho tôi thấy hết tim người – Tiếng hát Tống Mai và Nguyễn Văn Đổng

  1. From: Tống Mai
    July 2, 2013

    Những ngày ấm áp của Đổng, anh Hòa, Nhi, Nguyệt và Mai dưới basement của nhà Đổng. Anh Hòa không quản ngại đến mỗi ngày để đàn cho Nguyệt và Mai hát. Đổng thì có đêm kiên nhẫn tập đi tập lại một bài với Mai, bài “Sóng Về Đâu” cho đến khi bằng lòng, nhưng ôi, khi Đỗng ok thì đã 1g sáng, mệt rồi Mai không hát nữa đâu, đi ngủ kẻo khuya rồi, nếu không nhắc thì Đổng sẽ thâu đêm.

    Anh Hòa, người anh ngổ ngáo ngày xưa từng xem trời bằng nửa con mắt đến bây giờ vẫn xem trời bằng nửa con mắt thì ra là một người anh hiền hòa Mai có thể la được mà.

    Còn Nhi, chị không có đủ lời để nói đến người em nhỏ nhắn hiền hòa nhưng “head on shoulder”. Chị tiếc không được nghe Nhi đọc kinh vì đêm nào cũng “trác táng” thâu đêm, lúc đến giờ ngủ cần một sự yên tỉnh của câu kinh thì đã mệt gục rồi. Nhi tuyệt vời, Mai hay nói với Đổng.

    Mai

  2. From: Tống Mai
    July 9, 2015

    Trịnh Công Sơn không chỉ thấy cái “vô cùng” mà còn thấy cả cái “giới hạn” của biển. Trong ca khúc “Lặng lẽ nơi này”, một ca khúc mà tiết tấu thể hiện nhịp vỗ dập dồn, đưa đẩy của biển, sau khi hát về “Tình yêu như biển, biển rộng hai vai”, Trịnh Công Sơn đã hạ một câu nghe sửng sốt, bàng hoàng: “Tình yêu như biển, biển hẹp tay người, biển hẹp tay người lạc lối”.

    Ít ai viết “biển hẹp”. Vì âu lo biển hẹp nên nhạc Trịnh có nhiều ca khúc nhắn nhủ biển như “Biển nghìn thu ở lại”:

    “Biển đánh bờ, xôn xao bờ đánh biển. Đừng đánh nhau…Ơi biển sẽ tàn phai. Đừng gạch tên vì yêu đừng xé nát. Biển là em ngọt đắng trùng khơi”, đặc biệt là ca khúc “Sóng về đâu”:

    “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã dưới chân người. Biển sóng biển sóng đừng xô nhau. Ta xô biển lại sóng về đâu”,

    “Biển sóng biển sóng đừng xô nhau. Ta xô biển lại sóng nằm đau. Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng xô tôi ngã giữa tim người”,

    “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi, đừng cho tôi thấy hết tim người”,

    “Biển sóng biển sóng đừng âm u, đừng nuôi trong ấy trái tim thù”.

    Cả giai điệu và ca từ ca khúc “Sóng về đâu” đều nhấn mạnh nhiều lần và đẩy lên cao trào lời nhắn nhủ: “Đừng xô nhau”. Cấp độ của lời nhắn mỗi lúc một gia tăng, riết róng và giá trị cảnh báo, lay động, thức tỉnh nhân tâm của lời nhắn sau vì thế càng cao hơn, mạnh hơn lời nhắn trước. Từ câu đầu: “Đừng xô tôi ngã dưới chân người” chuyển sang câu sau đã là: “Đừng xô tôi ngã giữa tim người”, ngã dưới chân người chắc chắn là không đau đớn, xót xa, tê tái bằng ngã giữa tim người. Từ câu đầu lời nhắn còn e ấp, tế nhị: “Đừng cho tôi thấy hết tim người” đến câu sau đã là lời cảnh tỉnh thẳng thắn và mạnh mẽ: “Đừng nuôi trong ấy trái tim thù”. Từ câu đầu chỉ mới là câu hỏi: “Ta xô biển lại sóng về đâu” đến câu sau đã là câu trả lời khẳng định: “Ta xô biển lại sóng nằm đau”.

    Ca khúc “Sóng về đâu” mang đậm tính minh triết, đó là minh triết của trái tim, của trí tuệ cảm xúc (EQ). Trí tuệ cảm xúc thể hiện ở năng lực làm chủ cảm xúc và năng lực thông cảm với người khác. Năng lực làm chủ cảm xúc (phân tích cảm xúc, kìm chế những dục vọng xung động…) thể hiện tập trung qua hàng loạt từ “đừng” trong các ca khúc “Biển nghìn thu ở lại”, “Sóng về đâu”…Biển đừng đánh bờ, sóng “đừng xô tôi”, sóng đừng xô nhau, đó là lời kêu gọi đánh thức năng lực thông cảm, thấu cảm với người khác, để cho biển và bờ giao cảm, để cho lớp lớp sóng biển giao hoà, để cho giữa người với người không còn hơn, thua, được, mất, nói theo ngôn ngữ hiện đại là để cho các bên cùng được, cùng thắng – thắng.

    Minh triết nào đã khơi nguồn cho Trịnh Công Sơn viết nên ca khúc tuyệt vời “Sóng về đâu”? Trong bài “Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của hiện tại” viết cho Nguyệt san Giác ngộ 4/2001, Trịnh Công Sơn cho biết: “Cuối năm 1995, tôi có viết được một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài “Sóng về đâu”. Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ:

    “Gaté Gaté. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi svaha”. Câu kệ mà Trịnh Công Sơn đã dẫn lấy từ “Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm-Kinh” của Phật giáo Đại thừa:

    “Yết đế Yết đế, Ba la Yết đế, Ba la tăng Yết đế, Bồ đề, Tát bà ha”,

    nghĩa là: Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó. Qua bên kia rồi tức là vượt qua bến mê để đến bờ giác. Con người minh triết là con người biết vượt qua chính mình, vượt qua những mê lầm, phiền não để giữ được chân tâm của mình, đó là chân tâm của đứa trẻ minh triết, của người thiền giải thoát phiền não, đó là chân tâm giàu “trí tuệ cảm xúc”.

    (Trích trong: Con Người Minh Triết Trong Nhạc Trịnh Công Sơn – Nguyễn Hoàn)

  3. Trong cái yên ắng của buổi sáng thứ bảy, một tách trà xanh, một chút nhạc.
    “Sóng về đâu”, hôm nay được nghe lại, lần này với những âm thanh của sự thân quen, của những lời lẽ mà minh cảm thấy như đượm chất “Thiền” đâu đó.
    Một chút suy tư về nó.
    Đúng, 15 năm trước, TCS đã thai nghén bản nhạc này từ câu kinh Bát Nhã,
    Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha!
    Phải chăng đến lúc đã nhận ra rằng cuộc sống tạm bợ, đầy vui thú trần gian này rồi đến lúc cũng phải từ bỏ nó, tại sao loài người cứ mãi bon chen, sống trong ganh ghét, giận buồn, tại sao cứ phải luôn tính toán lọc lừa, mất đi sự tử tế vốn có của con người chơn chất.
    Nhớ rằng tất cả đều “Không”
    Cớ chi chúng ta khg sống trong thương yêu vốn có.
    “Biển sóng biển sóng đừng xô nhau”
    Hãy vượt lên,
    “Đi qua, Đi qua, bờ bên kia, nơi có sự reo vui…”

    “Allez, allez, allez au-delà, allez complètement au-delà, sur la rive du Satori!”

    “Gone, gone, gone beyond, gone altogether beyond, Bodhi, rejoice!”

    Cám ơn Mai và Đỗng đã hát.
    PhP

  4. From: LCHoang
    July 7, 2013

    Sáng Chủ nhật dậy sớm ngồi uống trà, mở hai bản nhạc TMai gởi – nghe, ngạc nhiên.

    Giọng ca MNguyệt thì đã có dịp thưởng thức và biết rồi. Bất ngờ và thú vị với giọng của TMai, bản Sóng Về Đâu
    Mai và Đổng song ca hay ghê, diễn đạt tuyệt vời tình tự của TCS.

    Về hai guitarist Đổng và Hòa thì thôi, khỏi phải bàn vô nữa. Khen thêm, thiên hạ nghe được lại mắng dân Huệ miềng ưa lối.

    Được xem những hình ảnh của những ngày hội ngộ, nghe những khúc ca từ những buổi gặp gỡ, dầu ở xa nhưng cũng cảm thấy tình thân xích xích lại gần nhau hơn.

    Thân.
    LCHoằng

  5. From: Minh Nguyet
    July 11, 2013

    Mỗi khi nghe laị ” Sóng về đâu ” cuả Mai và Đổng hát , cảm thấy thật bình yên và hạnh phúc.

    Hoà noí tiếng hát cuả Mai run quá. Hoà ơi đó là tiếng hát tự nhiên cuả Mai chứ không phaỉ là Mai run đâu , Ng noí đó là tiếng hát thanh khiết cuả Mai đi vaò lòng mình để cho mình cảm giác diụ êm và hiền hoà.
    Trong baì hát naỳ hai tiếng hát cuả Mai à Đổng là một quyến luyến êm đềm à thanh thản.

    Cám ơn vô cùng , cám ơn Mai và Đổng đã hat’ thật tuyệt vời baì hát cuả anh TCS.
    MN.

Leave a Reply