Chị ơi, Bến đò Cồn, Bến Me, Bến Hạ Lang – Lương Thúy Anh

Sept 26, 2018 (TM) – Mar 4, 2021 (TM)

 

BẾN ME: ĐÃ ĐỔI THAY DIỆN MẠO

BẾN ME mang tên gọi này, đơn giản là vì quanh khu vực bến, ngày xưa trồng nhiều cây me, là me chua có thể ăn được. Hiện nay cây me này đã không còn nhiều như xưa nữa, còn chăng chỉ là sót lại một vài cây gần bến.

Với người Huế xưa thật xưa, thì Bến Me là một bến đò ở tả ngạn sông Hương, bến đò này sang ngang và cập bến tại bến đò Trường Súng bên tê bờ hữu ngạn sông Hương và quay ngược hướng trở lại, từ thuở mà sông Hương chưa có cầu nối đôi bờ như hiện nay.

Bến Me có thể coi như một địa danh, một vị trí, một định vị để người Huế có thể xác định nơi chốn.

Vị trí bến Me phía tả ngạn sông Hương, ngay trước cửa nhà Đồ. Theo tác giả Phạm Hữu Thu, thì bến Me trước năm 1975, là nơi tụ tập, lập nghiệp, mưu sinh trên sông nước hay các nơi khác của cư dân vạn đò Tân Bửu, sau năm 1975, Vạn Đò này thưa thớt dần do một số đông di dân vùng kinh tế mới, và một thời gian sau nữa thì hoàn toàn không còn vạn đò Tân Bửu tại khúc sông này.

Riêng với một số đông người Huế của trang lứa sau này, bến Me là một nơi để những sáng mùa hè, hay có khi mùa sang thu, trời mây trong vắt, nắng chưa kịp lên, đã đến đây để bơi lội thỏa thích, vừa để rèn luyện kĩ năng bơi lội, vừa là một cách thể dục tốt cho sức khỏe, những trẻ em hay người chưa biết bơi, cũng tụ tập nơi đây để tập bơi, từng lúc từng lúc, bơi gần bờ rồi xa hơn, xa hơn, có khi ra giữa dòng Hương vẫy vùng khi đã bơi thành thạo.

Bến Me còn là vị trí để một số người Huế đến đây câu cá thư giãn những chiều khi nắng Huế lùi dần về cuối trời, cá câu được có thể làm thức ăn chiều cho gía đình, cũng vừa là thú tiêu khiển rất thú vị, lành mạnh, cũng là nhìn mây nước trời chiều, ngắm cảnh đẹp quê nhà.

Bến Me cũng còn là nơi dạo chơi của người Huế, nhất là giới nam thanh nữ tú, rất thú vị cho người thích thú tiêu dao ngắm nhìn non nước hữu tình.

Sau một thời gian được chỉnh đốn xây mới, thì đầu năm 2021 bến Me đã mang một sắc diện hoàn toàn mới mẻ, màu áo mới khoác lên mình bến Me nhìn lạ lẫm, có thể gọi là thơ mộng, là xinh đẹp, là hữu tình…

Tuy nhiên…có thể nói, đối với một số người Huế luôn sống hoài cổ thì thích hoài niệm và nhớ thương một bến Me xưa cũ, bến Me ấy chỉ giản đơn có mấy cấp lên xuống xây bằng gạch nhuốm màu thời gian, rêu phong qua từng mùa, từng năm bởi nắng, bởi mưa, bởi gió, bởi con nước ngập tràn mùa lũ lụt…đã có những viên bể tróc, rất cũ kĩ vì phải “trơ gan”giữa bao va chạm của năm tháng chồng chất ngang qua.

Bến lúc còn cũ, nhìn đơn sơ nhưng là nơi chốn ấy đã lưu kỉ niệm của bao thế hệ người Huế, đã đến đây từ thuở còn là nơi của những con đò rời bến, cập bến cho đến lúc bến là nơi bơi lội của người Huế vào những sớm tinh mơ Huế chưa kịp mang nắng rải lên phố nhỏ, hay những chiều heo heo chút gió hè tạm thời xua cơn nóng nực của mùa.

Bến Me vẫn còn đó, nhưng sự thay đổi diện mạo có thể đã làm lạc dấu năm xưa, xóa nhòa bớt, hoặc làm mất dấu những kỉ niệm ngày xưa thân ái của rất nhiều người Huế.

Bến Me chừ đã khoác một màu áo mới toanh.

Hình ảnh những con đò cập bến, rồi rời bến, những chuyến “Đò chiều chở nắng sang sông”, hay có những “Mái chèo khỏa vỡ ánh vàng trên sông” như thuở nào đã vắng bóng.

Bến Me vẫn còn đó thôi, với sắc diện đổi thay đẹp như mơ, xinh như mộng…

…nhưng trong lòng người Huế, nhất là người Huế xa Huế, lòng vẫn luôn trĩu nặng những hoài niệm xưa, mong ngóng ngày về tìm lại bao nhiêu kỉ niệm trên quê hương, có cả trên bến sông ấy, tìm nơi chốn ngày xưa còn bé đã từng chất ngất kỷ niệm như một con thuyền lênh đênh trên sông nước tìm lại chốn đỗ quê nhà…

“Bao năm biền biệt xa quê

Chắt chiu kỉ niệm thuyền về chốn xưa”

 

BẾN ĐÒ HẠ LANG

Bến đò Hạ Lang thuộc phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, Thừa thiên Huế. Hạ Lang là bến đò nối Tứ Hạ với làng Hạ Lang, có những con đò ngày xưa đưa đón khách qua lại trên sông Bồ.

Người dân ở đây thường gọi tắt là bến Hạ.

Chuyện kể rằng ngày xưa trên xóm nghèo này có cô gái đẹp, vì nghèo nên không được đến trường lớp như bao bạn bè trang lứa, đành ngày ngày theo giúp mẹ sống bằng nghề đưa đò.

“Một xóm nghèo ven sông
Có con đò tên là đò bến Hạ
Một gái nghèo đoan trang
Nhan sắc nàng như là một đóa hoa…….”

Trong những người khách sang ngang hàng ngày ấy, rất nhiều chàng trai đem lòng si mê cô nhưng cô vẫn giữ chung tình, đã hẹn ước với một người quân nhân, ngày tan chinh chiến sẽ quay về cưới cô.

Nhưng mãi đến khi đoàn quân xưa trở về quê hương, đã không có mặt chàng trai ấy.

“Lính trận không về
Bến Hạ mong chờ…”

Cho đến một hôm cô nghe tin chàng đã tử trận, đau lòng, cô bỏ bến Đò ra đi tìm người thương, để từ đó :

“Bến Hạ bơ phờ

Vắng nàng đưa đò…”

Nhưng ai đâu ngờ, trên đường đi tìm, chính cô đã mất mạng vì súng đạn thời ấy, để mãi mãi từ đó :

“Bến Hạ u buồn…”

Bến đò Hạ Lang có mặt trên quê hương Thừa Thiên Huế cách đây chừng 200 năm.

Năm 1885, khi phò vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), đội quân thủ túc trong phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết đã qua sông Bồ ở chính ở bến đò Hạ Lang này để sau đó lên hương lộ theo hướng bắc mà ra chiến khu.

Và vào năm 2007, cây cầu Tứ Phú bắc qua sông Bồ, nối thị trấn Tứ Hạ (huyện Hương Trà) và xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền), thì Bến Hạ chỉ còn trong kỉ niệm, và câu chuyện tình thủy chung của cô gái gốc Huế trên Bến Hạ đã khắc ghi vào lòng người dân nơi đó, được truyền kể qua bao năm tháng.

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, có lẽ đã có lần ngang qua đây, rồi cảm động khi nghe câu chuyện này, đã cảm tác bản nhạc mang tựa đề CHUYỆN TÌNH CÔ LÁI ĐÒ BẾN HẠ.

youtube.com/watch?v=ophWwjziVvY

 

BẾN ĐÒ CỒN – DƯ ÂM “TIẾNG SÓNG TRONG LÒNG”

Huế là một thành phố nhỏ nhưng trong lòng lại có nhiều sông, sông thiên nhiên rồi từ đó rẽ nhánh, lại thêm sông đào, nên từ thuở những con sông ấy chưa hề có bóng cầu bắc ngang thì “qua sông lụy đò”, từ đó xuất hiện những bến đò nối bờ này với bờ khác, và những con thuyền đưa người sang sông.

Rồi dần dần những chiếc cầu ngang qua nối đối bờ xuất hiện ngày càng nhiều, những bến đò ngày xưa ấy và tiếng gọi ơi đò  hỡi lần lượt thay phiên nhau vắng bóng.

Tuy nhiên vẫn còn một vài bến đò vẫn còn hoạt động cho dù phương tiện giao thông ngày càng hiện đại và thuận tiện hơn rất nhiều.

Bến Đò Cồn là một trong ít ỏi mấy bến đò đến nay còn họat động.

Bến đò Cồn xuất phát từ một vị trí tại Cồn Hến, nên mang tên Bến Đò Cồn, qua cập bến tại một vị trí ở đường Chi Lăng, vị trí này thẳng một đường với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện nay, nên ngày xưa con đường này cũng mang tên của bến đò, là đường ĐÒ CỒN, hiện nay trên đường này vẫn còn có ngôi nhà để địa chỉ mang tên đường xưa lối cũ.

Bến đò Cồn, khách đi đò chủ yếu là các gánh hàng từ Cồn Hến, gánh qua phố bán, nhiều nhất là cơm hến, và bắp trái, hay những gánh bánh canh Nam Phổ, các gánh hàng này từ  bến Cồn cứ xuống đò qua cập bến rồi nối đuôi nhau chạy khắp các con đường Huế bên phía Tả ngạn. Các món hàng khác, có khi không ở Cồn Hến, nhưng các khu vực lân cận gần Cồn, cũng xuống bến đò này mà qua bờ đối diện, do xe cộ ngày đó khan hiếm, hơn nữa, gánh hàng cồng kềnh lại vừa nặng nhọc,  nên cứ lụy đò , một mạch qua sông là tiện nhất, thay vì gánh chạy bộ lên cầu Trường Tiền, vừa mất thời gian lại nhọc nhằn.

Không chỉ là những gánh hàng hay người buôn thúng bán mẹt cần qua sông để mưu sinh, mà còn có những ai cần thiết qua về các đoạn đường gần nơi đây mà không muốn vòng vo ngược lên cầu chi cho xa xôi, có cả giới học sinh sinh viên, có khi là tiện đường hơn đi bộ, cũng có khi cho cả xe đạp lên đò, tiết kiệm một đoạn đường, hay là do vui, đi học về kéo nhau qua Cồn ăn chè , rồi theo con đò sang ngang ngược phố luôn.

Nhiều năm qua, bến đò Cồn chừ vẫn còn đây, con đò vẫn tháng ngày ngày cập bến bên ni bên tê, nhưng khách lụy đò đã thưa thớt, ngay cả giới  học sinh sinh viên cũng không còn thú vui qua sông như những trang lứa ngày xưa.

Nhưng ai mà biết được, có thể ai đó, thỉnh thoảng, hay từ phương xa trở về phố nhỏ, lại thơ thẩn về trên bến đò, thơ thẩn đợi chờ con đò cập bến, rồi vu vơ một nỗi niềm riêng …chiều nay sông lặng sóng  êm nhưng mà sao nghe như “có tiếng sóng ở trong lòng?”(*)

Cũng phải, đó là tiếng sóng của kỉ niệm.

Là dư âm của  tiếng sóng về một thời đưa đón, đón đưa, cùng nhau sang ngang,  qua về trên bến đò này, chừ một người trở về đây, còn một người đã sang ngang trên một con đò xa lạ, một bến đò viễn xứ xa xăm, biền biệt nơi mô…không còn đón đưa ai cả mà lạ quá… “tiếng sóng ở trong lòng”(*) như mãi âm ĩ, có khi bồng bềnh, lúc khác lại dập dềnh khiến lòng người càng da diết buồn tênh…

… hiu quạnh như BẾN ĐÒ CỒN chiều nay.

(*): trích thơ Thâm Tâm

 

ĐƯỜNG ĐÒ CỒN, CÓ BẾN ĐÒ CỒN

Photo: VĩnhBá

Nếu chỉ nhắc đến con đường mang tên Đò Cồn, có thể sẽ có khá nhiều người Huế hoặc quên lửng hoặc chưa hề nghe đến, nhất là các em thuộc giới trẻ sau này.

Nhưng đó chính là con đường rất quen thuộc với tất cả người Huế đang ở Huế, và đã đi xa Huế: đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Con đường nằm ngang thứ ba, tính từ trên cầu Gia Hội xuống, thẳng góc với đường Chi lăng.

Hiện nay trên con đường này, còn duy nhất một căn nhà còn ghi trên trụ cổng bên phải số nhà và tên “Đò Cồn”, trụ cổng bên trái mang số nhà mới và tên đường mới.

Tham khảo nguồn internet, tôi được biết thêm, đường Đò Cồn đã hình thành cùng một thời gian với đường Chi Lăng, vào thế kỉ 19. Trước năm 1945 có tên gọi là đường Angleterre (Rue d’Angleterre – đường mang tên của Vương quốc Anh Cát Lợi) (?). Sau đó một thời gian khoảng trước năm 1959 gọi là đường Đò Cồn. Sau năm 1960 cho đến nay, đặt lại tên là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Một thời người Huế còn quen gọi là đường Đò Cồn, và sở dĩ đường mang tên này và người Huế gọi như vậy, do trên con đường này có bến Đò Cồn, đò đi từ bên Cồn Hến sang cập bến tại đầu đường Đò Cồn này, rồi quay ngược lại, hàng ngày như thế, để đón đưa người bên Cồn Hến sang bên này, nhiều nhất là các O các bà đi buôn bán, các gánh bắp Cồn, các gánh cơm hến. Bến đò này nay không biết có còn tồn tại hay không, nhưng đứng tại đây, tức là ngay ven sông, tại đường Trịnh Công Sơn, nhìn sang bên tê sông, vẫn còn thấy dấu tích của bến đò này.

Đường Đò Cồn ngày trước là nơi có khá nhiều nhà vườn cũ xưa. Đa số nhà nằm sâu trong những khu vườn, có nhiều cây lưu niên, nhìn vào là có ngay cảm giác bình yên, thanh thản, lánh xa ồn ào bụi bặm bên ngoài.

Nay trở về đây, đường có khá nhiều đổi thay, ngoại trừ một vài căn gần như không thay đổi mấy, thì những gian nhà khác đều có thay đổi chủ và cả diện mạo, có căn thì chia làm nhiều nhà nhỏ trong cùng một khuôn viên cũ, xây dựng nhà kiểu hiện đại, vườn tược gần như mất dấu.

Đi từ hướng đường Võ Tánh (tên cũ), là đường Nguyễn Chí Thanh bây giờ, tính bên tay phải, cách độ vài căn nhà đầu tiên, sẽ thấy một ngôi nhà nằm sâu sau hai dãy chè tàu cắt xén ngăn nắp, thẳng tắp thành hai hàng dài rất đẹp, chính là căn nhà còn giữ trước cổng hai chữ Đò Cồn, chữ đắp nổi bằng xi măng, ghi số nhà là 23 Đò Cồn, bên cột đối xứng ghi số 31 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, là số nhà mới hiện nay.

Đi đến một đoạn, nhà của Nha sĩ Phong, và cũng là nhà của Thầy Khôi, và cô Hạnh Phước, cô giáo của trường Đồng khánh trước đây. Vườn nhà chừ cũng đã ngăn ra để xây thêm nhà mới, đây cũng là một căn nhà vườn kì cựu của con đường này.

Đồng hướng bên phải này, có nhà cũ bán bèo nậm lọc của bà Đỏ, bây giờ đóng cửa im ỉm vì đã chuyển chỗ mới.

Ở hướng này của đường, có một đoạn tiếp giáp với đường Mạc Đỉnh Chi, hồi trước gọi là đường Ô Hồ, thành một ngã ba.

Ra khoảng đầu đường, không hiểu là vô tình hay cố ý, có quán bèo, nậm, lọc mang tên Ông Đỏ, vị trí của quán bánh Ông Đỏ này nằm xéo xéo hướng đối diện của quán Bà Đỏ, cơ sở mới. Cơ sở mới này của quán Bà Đỏ, ngày trước là cà phê Sóc Nâu, căn nhà vườn rất rộng, nằm im lìm dưới mấy táng cây xanh rất thoáng mát và yên ả. Từ ngày nhường lại cho quán Bà Đỏ, nhà được xây mới hoàn toàn, và xây kiểu hiện đại. Cà phê Sóc Nâu của một thời đi vào dĩ vãng.

Chênh chếch chút xíu bên cạnh nhà hàng Bà Đỏ, qua bên phải, là nhà hàng Hương Cau, cũng bán hàng ăn đặc sản Huế, chủ yếu là bánh bèo, nậm, lọc.

Lùi vào xa hơn về hướng này, cà phê Vườn Tùng, là quán cà phê không hề xa lạ với người Huế, nằm ở một vị trí thật lý tưởng, một trong những khu vườn đẹp của con đường này.

Cách một đoạn ngắn, vẫn còn một căn nhà vườn rất đẹp, là nhà bên ngoại của cô giáo Tôn Nữ Lưu Ty, hiện nay gia đình anh chị họa sỹ Thân văn Huy đang ở, tuy có vài sửa chữa, nhưng vẫn giữ nguyên nhà chính như xưa.

Thêm một số nhà tiếp theo đó, cuối cùng đường này tiếp giáp với đường Nguyễn Chí Thanh.

Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là con đường được coi như là ranh giới giữa hai phường Phú Cát và Phú Hiệp hiện nay. Tôi không ở trên đường này, và cũng chẳng mấy khi lui tới, nên trong một chừng mực, chỉ có thể nhắc lại vài kỉ niệm, để cùng nhớ lại một con đường ngày xưa mang tên Đò Cồn, có bến Đò Cồn.

Lương Thúy Anh

 

Leave a Reply