Ba Lan với Chopin và Auschwitz – Hàn Lan Anh

July 21, 2017 (TM)

Một bài viết chờ đợi đã lâu từ chị Lan Anh. Hôm nay nhận được Mai rất cám ơn. Auschwitz, một lịch sử đã xa xưa nhưng vẫn lảng vảng quanh đây, tức tưởi và bi thương.

Tống Mai

 

Ba Lan với Chopin và Auschwitz
Hàn Lan Anh

Ba Lan là một quốc gia nổi tiếng với một nền văn hoá đa dạng và đầy truyền thống, những danh nhân có tầm vóc quốc tế như nhà bác học Marie Curie, giáo hoàng La Mã gốc không phải là người Ý John Paul đệ nhị và trên tất cả, nhà soạn nhạc thiên tài Chopin. Ngoài ra, đất nước Ba Lan lại có những cảnh quan mâu thuẩn hấp dẫn lòng người, bên cạnh những ngôi thánh đường lớn, dâng lời cầu nguyện hoà bình lên tượng Đức Bà Màu Đen linh thiêng lại có trại tập trung Auschwitz đã đưa con người vào lò hơi ngạt.

Sau một chuyến bay dài, đến Warsaw thì ngày đã hết.
Sáng hôm sau, trời trong xanh, có chút se lạnh, ánh sáng trãi dài trên các hàng cây dẫn đến công viên hoàng gia Lazienki. Công viên rộng, cỏ xanh mướt, những chiếc ghế đặc dọc quanh bờ hồ và các lối đi tạo thành một bức tranh đẹp. Người ta còn gọi đây là công viên Chopin, bởi vì chính giữa là bức tượng Chopin đang soạn nhạc dưới một tàng cây thông. Sự hình thành bức tượng nầy cũng trãi qua một quãng thời gian dài, lúc đầu do điêu khắc gia Waclaw Szymanowski vẽ mẫu dự định khánh thành vào sinh nhật Chopin, nhưng bị dời hoãn vì nhiều mâu thuẩn, rồi thế chiến thứ nhất, sau cùng tượng được dựng lên năm 1926. Đến thế chiến thứ hai, tượng bị giựt sập vào tháng 5, 1940 bởi Đức quốc xã sau khi chiếm đóng Warsaw, nhưng rất may chiếc khung làm tượng không bị thất lạc, do đó giáo sư Oskar Sosnowski, đúc lại tượng, làm bệ đá mới và dựng lại năm 1948.
Khi bước đến gần, đàn bồ câu bay dạt ra xa, thấy được khuôn mặt Chopin thật đẹp, mái tóc bồng bềnh gợn sóng, chiếc mũi thanh tú của một người đàn ông đẹp trai theo nét cổ điển, ánh mắt gởi theo giòng nhạc, ngón tay cong chờ vỗ lên phím đàn và màu của đá làm làn da nhợt nhạt phù hợp với một con người sức khoẻ mong manh.
Công viên thinh lặng, thỉnh thoảng có tiếng reo của hàng cây với gió hay những tiếng gù gù của đàn bồ câu, dừng chân bên chiếc ghế vệ đường, vang vang trong tâm hồn điệu nhạc Polonaise dân giả.

Buổi chiều đi thăm làng Zelazowa Wola, tại đây, vào ngày 01 tháng 3 năm 1810, Chopin chào đời. Ngay từ lúc nhỏ Chopin đã chứng tỏ mình là một thần đồng âm nhạc, sáng tác bài Polonaise khi mới 7 tuổi. Bước chân đến đây mới hiểu tại sao lúc ban đầu dòng nhạc Chopin thanh khiết, nhiều giai điệu và có tính âm nhạc dân gian. Suốt con đường đi, ta thấy rất nhiều công viên đẹp, nằm bên bờ con sông Utrata, bao quanh nhiều hàng cây xanh rủ bóng mát. Những đồng cỏ và những đàn cừu trắng nhẩn nhơ, chậm rãi cúi đầu kiếm thức ăn, nắng chiều chạy trên sườn đồi, nhãy múa như đang tung hứng điệu dân vũ Mazurka.

Ngôi nhà sinh quán của con người tài hoa nầy nằm trong khu trang viên mùa hè của giòng họ Skarbek, màu trắng, ở đó ta tìm thấy chiếc đàn dương cầm, những trang nhạc đầu tiên trước khi Chopin vào học viện Warsawa và bản thảo của những concerto thành danh sau nầy. Căn phòng tương đối nhỏ, cách trang trí đơn giản, trên tường treo những tấm hình của gia đình, nói cho ta biết rằng Chopin xuất thân từ một gia đình trung lưu. Tuy nhiên khi bước ra phía sau, chúng ta choáng ngợp vì vẻ đẹp của công viên nầy. Các lối đi quanh co, uốn lượn cùng với con lạch, những đám hoa đủ màu kể cả màu tím của hoa tulip, vài chiếc cầu nhỏ băng ngang và đặc biệt, tiếng nhạc của Chopin vang lên từ những chiếc loa kín để khắp mọi nơi. Khi bước lên chiếc cầu, lòng tôi bỗng xôn xao bởi điệu nhạc của bài Nocturne op.9, kỷ niệm êm đềm ngày đó, hơn mười mấy năm rồi, ngón tay nhỏ bé con gái tôi đã bao lần lướt trên phím đàn bài nhạc bất hủ nầy.

Chopin là con người lưu lạc, năm 20 tuổi ông đã rời Ba Lan đi Ba Lê, thương nhớ quê nhà, nhưng suốt cuộc đời, sức khoẻ bị hành hạ bởi bịnh lao, nên không có dịp trở lại quê hương, vì thế, trước khi qua đời vào tuổi 39, ông trăn trối, hãy chôn tôi với nắm đất Ba Lan và cầu mong có một ngày trái tim tôi được trở về với cố quốc. Nguyện ước đã thành hiện thực vì ngày nay, trái tim ông được đặt sau phiến đá hoa cương tại nhà thờ Holy Cross. Hôm nay có người phải để lại quê hương bên kia biển Thái Bình, đến đây chia xẻ cùng ông tâm trạng hoài hương, bản nhạc Tristesse quyện trong làn gió cuối Xuân đem đến một nỗi buồn mênh mang .

Ngày hôm sau, chúng tôi rời thủ đô để đi Czestochova, đến nhà thờ Đức Mẹ Lên Trời để viếng bức tranh Đức Bà Màu Đen (Black Madonna), buổi chiều đi Oswiecim để thăm trại tập trung.

Từ lâu các cuốn phim về thế chiến thứ 2 đã cuốn hút bản thân một cách lạ lùng, những khổ đau của người bị nạn tương tự như thân phận quê hương mình. Nhưng cũng trong chiến tranh, trong cái tàn ác của súng đạn, trong ý tưởng điên rồ muốn giết hết một chủng tộc lại nẩy sinh tình người, tình nhân loại như đoá hoa nở nụ trên đám bùn đen, chẳng hạn như films Run Boy Run, Schindler’s list, The boy in the striped pyjamas, Remembrance, The zookeeper’s wife…Cái bi thảm nhất phải là Auschwitz.
Chiều nay Ba Lan có những cơn mưa lớn bất chợt. Khi cơn mưa mới dứt, hơi mưa đục vừa tan, cổng trại tập trung sừng sững hiện ra trước mắt, hai cánh cửa sắt lạnh lùng, bên trên là một vòng cong mang hàng chữ Arbeit Macht Frei (Lao động mang đến tự do) làm mình liên tưởng ngay đến một khẩu hiệu quen thuộc năm nào, lao động là vinh quang.
Bầu trời đã sáng và xanh hơn khi bước qua cổng, bên trong, hơn chục toà nhà bằng gạch nằm song song như khu cư xá lớn, vòng quanh bao bọc bởi nhiều lớp hàng rào thép gai chằng chịt, có những hàng truyền điện.

Tia nắng đổ dài trên lối đi, tiếng gió sau cơn mưa như lời than của những âm hồn còn vất vưởng đâu đây. Bước vào trong căn nhà, hành lang thiếu ánh sáng làm tăng nổi khiếp sợ khi nhìn thấy các mảng tóc của nạn nhân bện thành chiếc thảm dày, hay hàng nghìn chiếc răng vất lại sau khi bị nhổ vì có chút vàng trám. Có căn phòng chứa nhiều đôi nạn gổ hay hàng trăm đôi giày đủ màu, đủ kiểu và đủ cở minh chứng rằng, người tàn tật hay người bình thường, trẻ, già, con nít đều mang chung số phận khắc nghiệt. Những chiếc giường nhiều tầng bây giờ là trống trơn, nhưng tấm hình phía trước cho thấy, trong quá khứ, căn phòng nầy đã chất chứa rất nhiều người.

Tuy nhiên đông đúc, chật chội, tật bịnh, đói khổ, không tàn phá được sức sống của người Do Thái mà phải là lò hơi ngạt, với lon Zyklon B toả hơi trong căn phòng đóng kín mới diệt được họ. Những ống khói và các khung cửa trên cao, hơi ẩm sau cơn mưa đã vạch thành vài vết mờ bám trên mặt kiếng làm lòng mình thêm chùng xuống như cảm nhận được làn hơi ngạt oan khiên thấm dần vào phổi đưa đến cái chết. Hơn một triệu người, 90% là Do Thái đã chết nơi đây. Nhắm mắt niệm thầm câu tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.

Khi rời khỏi khu lò thiêu thì hoàng hôn đã xuống, vệt nắng cuối ngày, lấp lánh trên các con đường sắt chạy đến từ phía xa, vết tích cũ của những chuyến xe lửa định mệnh, mang không biết bao nhiêu thân phận về đây để trở thành tro bụi mà có lần người ta tưởng lầm là tuyết trắng phủ đầy thành phố.

Lúc từ giã Auschwitz, lòng buồn man mác. Chiến tranh không mang lại một chút gì tốt đẹp cho nhân loại. Nó huỷ hoại con người từ thân xác cho đến trí tuệ.
Mong rằng một ngày không còn chiến tranh, trái đất tràn ngập hoà bình. Biên giới, hận thù biến mất và tình thương lan toã khắp nơi.

You may say I’m a dreamer
But I’m not the only one

Bạn có nghĩ như thế không?

Hàn Lan Anh

 

CHOPIN

 

Tượng Chopin ở công viên Lazienki.  Photo: LanAnh
Tượng Chopin.  Photo: LanAnh
Những bản thảo nhạc Chopin.  Photo: LanAnh
Piano của Chopin.  Photo: LanAnh
Khu trang viên nhà Chopin.  Photo: LanAnh
Nhà Chopin.  Photo: anh Ngac
Nhà Chopin.  Photo: anh Ngac

 

AUSCHWITZ

Cổng Auschwitz.  Photo: LanAnh
Traị tập trung người Do Thái.  Photo: LanAnh
Traị tập trung người Do Thái.  Photo: LanAnh
Traị tập trung người Do Thái.  Photo: LanAnh
Traị tập trung người Do Thái.  Photo: LanAnh
Photo: LanAnh
Những lon Zyklon B.   Photo: LanAnh
Giầy của nạn nhân Do Thai.  Photo: LanAnh
Lò hơi ngạt.  Photo: LanAnh
Tượng Black Madona.  Photo: LanAnh
Lavender trắng và tím trong khu nhà của Chopin.  Photo: LanAnh

3 thoughts on “Ba Lan với Chopin và Auschwitz – Hàn Lan Anh

  1. Cám ơn một bài viết rất cảm động.
    Chopin và Auschwitz, âm nhạc và chết chóc. Hai khái niệm tương phản nhưng gắn bó nhau.

    Có một giàn orchestre trong Auschwitz nơi tù nhân Do Thái trình diễn cho SS Nazi. Âm nhạc đã giúp nhẹ đi những ngày chờ chết của họ. Một người ca sĩ tenor, Coco Schumann đã nhớ lại rằng… “âm nhạc là cứu rổi, nếu không cứu được mạng sống của mình thì cũng giúp sống qua ngày. Những hình ảnh mà tôi thấy mỗi ngày hầu như khó mà chịu đựng nổi, thế nhưng chúng tôi vẫn bám víu vào, chúng tôi chơi nhạc cho bọn Nazi đế được sống còn. Chúng tôi tạo ra âm nhạc trong địa ngục.”

    1. Cám ơn bạn, giàn orchestre bạn kể trong Auschwitz làm mình liên tưởng đến giàn orchestre trong phim Titanic mà những nhạc công vẫn tiếp tục chơi khi con thuyền chìm dần xuống biển.

Leave a Reply