Một Thời “Khoa Học Ứng Dụng” – Đỗ Tùng

July 19, 2017 (TM)

Lời nói đầuBan điều hành đặc san VĐH Huế kỷ niệm 60 năm thành lập yêu cầu tôi viết một bài về ngành Khoa Học Ứng Dụng của Trường ĐH Khoa học Huế. Để bài viết bớt khô khan nên tôi viết theo kiểu kể chuyện đời xưa và cố gắng lồng vào những chi tiết về ngành học đầu tiên và mới mẻ này dựa vào ký ức khá nhạt nhòa của người viết và của bạn bè cùng với một số thông tin trên internet. Nhân vật “tôi” trong bài viết là một nhân vật tưởng tượng để có thể kể lại những cảm nghĩ tiêu biểu của một sinh viên thời đó.

Tôi thi Tú tài bán phần năm Mậu Thân 1968 nên xem như tôi thuộc lớp học sinh mà thời đó người ta gọi là “Tú tài Mậu Thân, Cử nhân Nhâm Tý”, là hai năm chiến tranh lan vào thành phố, dân phải chạy loạn bỏ học nên Bộ Quốc gia Giáo Dục đã bớt chương trình thi cử. Như những trai trẻ cùng lứa, sau biến cố Mậu Thân đầy máu và nước mắt, chúng tôi tiếp tục đời sống học sinh vô tư, mặc dù có một số bạn cũ không còn thấy mặt.

Thi xong Tú tài toàn phần tôi thật sự không biết nên học gì. Con nhà nghèo như phần đông dân Huế nên phải chọn học ngành nào để khi ra trường có thể kiếm việc làm dễ dàng, chưa kể áp lực của chuyện động viên quân dịch. Chuyện đi học xa như vào Sài Gòn kể như không thể được vì lý do tài chánh, với lại Sài Gòn chỉ hơn Huế có mỗi trường Phú Thọ (Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật) là nơi đào tạo kỹ sư các ngành Công chánh, Điện, Công nghệ, và Hóa học (ngành Hàng hải thì đến năm 1973 mới chính thức có cấp cao đẳng). Viện Đại Học Huế lúc đó chỉ có hai ngành bảo đảm dễ kiếm việc làm khi ra trường là Y khoa và Sư phạm. Tôi lại không thích cả hai ngành này. Không chịu được máu me và ghét tụng bài nên dĩ nhiên không thích học Y khoa, còn Sư phạm là một ngành được nhiều người ưa chuộng, nhưng tôi lại cảm thấy làm thầy giáo trung học nhìn những người học trò đi qua đời mình rồi biến mất ở một chân trời nào khác thì cũng buồn và ít có tính mạo hiểm. Vậy là tôi ghi danh vào Khoa học vì nghe nói sẽ có ngành Khoa Học Ứng Dụng (KHƯD).

Cuối thập niên 1960, dân số miền Nam gần 20 triệu người nhưng mỗi năm Trung tâm QG Kỹ thuật Phú thọ ở Sài gòn cho ra trường chỉ vài chục kỹ sư Công chánh, không đủ đáp ứng nhu cầu xây cất nhà cửa và hạ tầng cơ sở như đường sá, cầu cống. Ý tưởng thành lập ngành KHƯD ở Huế là một ý tưởng tuyệt vời về mặt đáp ứng nhu cầu chuyên viên kỹ thuật, chưa kể đó là một phá lệ vì các Viện ĐH hồi đó (ba trường công và hai trường tư) giảng dạy và nghiên cứu trong lãnh vực hàn lâm, không có các ngành kỹ thuật hay khoa học ứng dụng, ngoại trừ Viện ĐH Cần Thơ thành lập năm 1966 có đào tạo kỹ sư Canh Nông. Thông thường thì những gì tiên phong cũng gặp một số trở ngại, vì thói đời thường ngại đổi thay, chưa kể đến những vấn đề nhiêu khê khác. Mặc dù không biết chi tiết nhưng tôi có nghe phong phanh là Sài gòn không mặn mà lắm về ý tưởng thành lập ngành học mới mẻ này ở Huế. Các Viện ĐH thời đó tuy được tự trị về nội dung giảng dạy nhưng về các phương diện như ngân sách, nhân viên, và học vụ vẫn cần sự chấp thuận của Bộ Giáo Dục. Do đó mở một ngành học mới như ngành KHƯD phải được Bộ trưởng Bộ GD ký duyệt.

Nhờ những nỗ lực của Viện, của Khoa và các vị bảo trợ ngành học này mà phần lớn là những người gốc Huế đang ở những vị trí có thể gây ảnh hưởng, cuối cùng mọi chuyện cũng đâu vào đó. Một ngành học mới ra đời với hai ban: Tạo tác Thủy lợi (TTTL) và Sinh Hóa Ứng dụng (SHƯD) với hai Trưởng ban là kỹ sư Bùi hữu Lân, lúc đó là Tổng Gám đốc Bưu điện Việt Nam, và tiến sĩ Bùi thế Phiệt.

Bước vào sân trường Đại học tôi có cảm tưởng mình như lớn hẳn lên, không khí cũng như cách học khác hẳn thời Trung học, từ những giảng đường lớn mênh mông đến những phòng thí nghiệm lạ lẫm đều làm cậu bé 18 tuổi vừa ngỡ ngàng vừa thích thú. Đối với học sinh thời của tôi thì từ Trung học lên Đại học là một bước nhảy dài. Dài vì ít nhất hai lý do: (i) sinh kế: chỉ một số nhỏ thanh niên học xong Trung học mà không phải lo đi tìm việc làm và có thể tiếp tục con đường học vấn ở cấp Đại học, và (ii) trở ngại: giữa khoảng cách dài đó là những quân trường. Có ba địa điểm thu hút thanh niên lứa tuổi tôi nhiều nhất, dù muốn hay không, là ba trường sĩ quan Thủ đức, Đà lạt, và Nha trang.

Năm đầu tiên là năm Dự bị, có hai khối: Toán Lý Hóa (TLH) và Lý Hóa Sinh (LHS). Sau năm Dự bị những sinh viên thi đậu sẽ ghi danh học tiếp những chương trình Cử nhân Giáo khoa và Cử nhân KHƯD, riêng khối LHS có thể thi vào Y khoa. Năm Dự bị vì số sinh viên đông, nhất là khi có sinh viên trường Sư phạm qua “học ké”, nên thường học ở giảng đường lớn, không đến sớm thì phải ngồi phía sau chẳng nghe rõ bài giảng và không thấy hết những gì thầy viết trên bảng. Khối TLH tôi học chỉ lèo tèo vài cô nhưng khối LHS có khá nhiều nữ sinh nên nhiều màu sắc và có vẻ rộn ràng hơn. Cũng may là trường Văn khoa trên lầu đối diện có rất nhiều bóng hồng, đến giờ nghỉ thì các cửa sổ nhìn xuống sân trường Khoa học chen chúc những mái tóc dài và những cặp mắt to tròn!

Năm Dự bị trôi qua với một chứng chỉ được cấp cho những sinh viên thi đậu. Trừ những người thi hỏng phải đi lính hay bỏ học, và một số thi đậu vào Y-khoa, số còn lại tiếp tục các chương trình Cử nhân, trong đó chỉ khoảng 10 người ghi tên vào ban Sinh Hóa Ứng Dụng và 26 người vào ban Tạo Tác Thủy Lợi. Con số 10 người ghi tên học SHƯD là một ngạc nhiên vì sinh viên ban LHS thường đông hơn. Có lẽ vì đây là một ngành hoàn toàn mới không có trên cả nước, và các trường ĐH hồi đó không có quảng cáo như bây giờ. Học sinh năm cuối Trung học thời tôi không biết rõ mình nên học gì và cũng chẳng biết hỏi ai ngoài những người quen biết.

Năm thứ nhất ban TTTL có nhiều môn học mới mẻ đối với chúng tôi như “Sức chịu vật liệu”, “Thủy lực học”, “Thống kê ứng dụng”. Ngoài ra còn có môn “Vẽ kỹ thuật” mà mỗi sinh viên phải sắm một cái thước hình chữ T bảng to và dài gần một thước tây. Tôi còn nhớ hình ảnh mấy anh chàng hiếu động cầm cái thước T múa giữa sân trường bắt chước “d’Artagnan” và “hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”, hay khoe nhau cái thước kéo (slide rule) mới tậu.

Phần lớn các thầy dạy những môn chuyên ngành được mời từ Sài gòn ra, mỗi năm vài lần, và mỗi lần đến Huế các thầy dạy liên tục ngày hai buổi kéo dài cả tuần nên học cũng “bá thở”. Sách chuyên môn thì thiếu, ở thư viện cũng không có nên phụ thuộc vào “cua” của thầy, đánh máy trên giấy “stencil” rồi quây “roneo” nên chữ nghĩa có phần lờ mờ. Tuy vậy phần đông chúng tôi học hành khá chăm chỉ và có phần hứng thú vì những gì học trong sách vở gần gũi với thực tế. Các thầy ở Huế lúc đó chỉ có hai người là KS Lý Đãi và KS Tô hữu Quỵ phụ trách những môn học chuyên ngành, về sau có thêm KS Hồ đăng Lễ, TS Trần xuân Danh, và KS Nguyễn tâm Cảo.

Một vài người trong lớp tôi được học bổng quốc gia, mỗi năm lãnh hai ba lần. Mỗi lần lãnh học bổng thì nơi nhộn nhịp nhất là quán cà phê ở trụ sở Tổng hội Sinh viên (THSV) Huế, nằm kế bên hông trường. Tiếng là trụ sở THSV nhưng chẳng thấy ai làm việc ở đây, chỉ có quán cà phê của chị Giang và đám sinh viên ngồi nhâm nhi dưới giàn hoa giấy mát mẻ, phì phèo điếu thuốc và bàn luận đủ chuyện trên trời dưới đất. Lẫn trong tiếng rầm rì là tiếng quân cờ lách tách vui tai nhưng cũng có lúc ầm ĩ sát phạt. Đây cũng là nơi tôi bắt đầu tập chơi cờ tướng và chỉ nửa năm sau đã trở thành một “cao thủ”. Tôi và vài thằng bạn thân thường tụ tập ở đây, nơi được gọi đùa là “phân khoa chị Giang”, uống cà-phê và tán dóc là chính, hút thuốc như ống khói xe lửa (thuốc lá hiệu Capstan hoặc Bastos xanh). Khi mô đói bụng và có tiền thì kêu một tô mì gói, có vài lát thịt heo luộc và vài cọng rau thơm. Răng mà ngon chi lạ!

Ngoài học bổng quốc gia, mỗi ban của ngành KHƯD còn được một học bổng tư nhân giá trị gần gấp đôi. Tôi lãnh cả hai học bổng được hai năm, và chỉ biết là “học bổng của bà Hoàng” ở Sài gòn nhưng không biết rõ ai là người hảo tâm đã cấp học bổng này, và cũng không bận tâm tìm hiểu thêm, chừ nghĩ lại mới thấy mình thiệt là vô tình.

Cuối năm thứ nhất thầy Khoa trưởng họp chúng tôi lại nói chuyện. Điều mà tôi nhớ nhất là thầy Nguyễn văn Hai nhắc nhở với chúng tôi rằng “những gì chúng tôi học ở trường chỉ là abc. Khi ra trường đi làm việc mới thực sự vô nghề, và khả năng mỗi người tùy thuộc mức độ học hỏi từ công việc và sự chuyên cần đọc sách. Nhưng muốn đọc sách chuyên môn thì phải rành ngoại ngữ, nhất là Anh văn, nên bằng mọi cách phải trau dồi khả năng Anh ngữ”. Vốn mê văn chương nên “được lời như cởi tấm lòng”, tôi dự tính sẽ xin ghi tên học ban Anh văn ở ĐH Văn khoa vào niên học sắp tới.

Hè 71 chúng tôi được đi thực tập một tháng. Có ba nhóm chính: Huế, Sài gòn và Nha trang. Tôi chọn đi thực tập ở Khu Công chánh Nha trang vì chưa bao giờ đến thành phố biển này và cũng vì có nhà người quen có thể ở lại. May mắn thay nhà người quen ở ngay trên con đường chính chạy dọc bờ biển, chỉ cách Khu Công chánh (KCC) vài trăm thước. Mỗi buổi sáng tôi thường ra biển bơi một vòng, và ngắm các cô từ phố đi bộ xuống đây tắm biển. Những ngày thực tập ở KCC chẳng có việc gì làm ngoài chuyện xem các họa đồ kỹ thuật của dự án xây cất chợ Đầm. Chỉ có hai chuyến đi thăm do kỹ sư của KCC hướng dẫn đến công trường xây đà tiền áp gần đèo Rù Rì và công trường chợ Đầm là thú vị. Dĩ nhiên những buổi trưa ngồi ngoài bờ biển nhâm nhi ly nước dừa ngọt ngào là những kỷ niệm khó quên. Một tháng trôi thật nhanh, chúng tôi trở về Huế nhưng vẫn nhớ Hòn Chồng, phở Chụt, mùi vị trái Thanh long, và vài mối tình bâng quơ với các cô học sinh trường Nữ Nha Trang. Riêng tôi không thể quên được những đêm ngồi ngoài bờ biển, nhìn vào bầu trời đầy sao mênh mông trước mặt, lắng nghe sóng biển rì rầm như kể lại những câu chuyện mang đến từ một nơi chốn thật xa…

Năm thứ hai có đến 12 môn chuyên ngành (xem hình ở cuối bài) do phần lớn các thầy ở xa đến như KS Nguyễn Hạnh ở Đà nẵng, KS Trần văn Sơn ở Nha trang, còn lại ở Sài gòn như KS Bùi hữu Lân, KS Phan đình Tăng, TS Thái công Tụng, KS Đồng sĩ Khiêm, KS Phạm lương An, TS Phan ngọc Thể, KS Ái Văn, TS Trịnh ngọc Răng, KTS Tôn thất Cảnh, TS Nguyễn thanh Toàn, v.v… Các thầy thường bận rộn với công việc chính nên chỉ có thể linh động ở một chừng mực nào đó trong việc thu xếp thời gian ra Huế dạy. Do đó sinh viên chúng tôi có khi chỉ học lai rai vài môn với các thầy ở Huế và có lúc học dồn dập trong vài tháng với các thầy ở xa đến. Năm học này tôi được ghi danh vào năm thứ nhất ban Anh văn ở ĐH Văn khoa nên tôi “cúp cua” phân khoa chính hơi nhiều. Cũng may “phân khoa chị Giang” mở cửa cho đến tối và những ngày cuối tuần nên tôi có thể “đảm đương” cả ba phân khoa.

Trong năm này có mấy tin vui cho lớp tôi. Đại học Reading ở Anh (University of Reading) cấp cho khóa 1 ban TTTL ba học bổng để theo học Cao học. Một hội đồng của Viện và Khoa được lập ra để chọn ba người chính thức và hai người dự khuyết. Tôi may mắn được chọn trong số ba người chính thức. Ngoài ra nhờ vận động của thầy Viện trưởng, chính phủ Anh viện trợ nhiều dụng cụ máy móc để có thể lập một phòng thí nghiệm cho ban TTTL. Đây là một nhu cầu rất cấp thiết vì tuy trên danh nghĩa là ngành KHƯD nhưng chúng tôi ít khi có cơ hội thực nghiệm những lý thuyết học trong sách vở. Thầy Khoa trưởng còn cho chúng tôi hai công việc rất hấp dẫn: anh PNT được cái “job” về hành chánh, phụ trách việc “theo dõi” giờ giấc các giáo sư từ Sài gòn ra dạy để làm thủ tục “thanh toán” chuyện tiền bạc. Mỗi khi có thông báo giáo sư ở Sài gòn ra đều có một câu ở phía dưới ghi là “bản sao gởi anh PNT để theo dõi và thanh toán”! Còn công việc của tôi là phụ tá thầy trưởng phòng thí nghiệm Địa Cơ, nhưng phòng thí nghiệm chưa có vì còn chờ máy móc từ bên Anh, và thầy trưởng phòng cũng chưa có vì chưa tìm được người chuyên môn về “Soil Mechanics”. Vì vậy tôi không có việc gì làm hết nhưng mỗi tháng tôi vẫn đạp xe lên Viện lãnh lương, thật là ngọt ngào!

Vào khoảng cuối tháng 3/72 Việt cộng tấn công phía bắc thành phố Đông hà và sau đó chiếm được Đông hà vào cuối tháng 4. Thành phố Quảng trị bị uy hiếp, dân Quảng trị và Đông hà bắt đầu tản cư vào Huế. Khi Quảng trị mất vào đầu tháng 5 thì dân Huế rục rịch tản cư vào Đà nẵng. Các trường học đóng cửa, thành phố Huế trở nên vắng vẻ và trống trải đến ghê người. Chiến tranh như một làn sóng dữ đổ ập vào thành phố, và khi rút đi đã để lại những hoang tàn, mất mát. Tôi vẫn không quên được cảnh những đứa nhỏ trong xóm tôi mặc áo tang ngơ ngác đi bên cạnh người mẹ vật vã trước quan tài người chồng vừa mới mất ngoài chiến trường Quảng trị.

Niên học cuối cùng bắt đầu với dư âm những tháng ngày kinh hoàng của “mùa hè đỏ lửa”. Tôi cúp cua nhiều hơn, những môn học ở Khoa học và ở Văn khoa không còn hấp dẫn tôi nữa. Mỗi ngày đến trường, vất chiếc xe đạp cà tàng cho bác Lễ giữ xe là tôi tạt vào quán cà phê Tổng hội. Có nhiều buổi chiều bác Lễ phải chạy qua quán cà phê kêu tôi lấy xe để bác về nhà. Một bác giữ xe thật vui tính và tử tế.

Năm đó có hai vị khách ngoại quốc đến nói chuyện với lớp học chúng tôi. Một kỹ sư người Mỹ đang làm cố vấn cho Sài gòn Thủy cục đến nói chuyện về vấn đề cung cấp nước uống cho thành phố Sài gòn. Một người khác là giáo sư ở Học viện Kỹ thuật Á châu (AIT), Bangkok đến nói về cơ hội học lên Cao học và Tiến sĩ ở trường AIT. Thật tình mà nói, phần lớn chúng tôi nghe hai người này thuyết trình bằng tiếng Anh chỉ khá hơn “vịt nghe sấm” một chút thôi. Nhưng có lẽ đó là một động lực giúp chúng tôi thấy nhu cầu phải trau dồi thêm tiếng Anh.

Cuối năm thầy Khoa trưởng họp lớp chúng tôi lại để thông báo về học bổng của ĐH Reading bên Anh. Tôi bị loại khỏi danh sách ba người được chọn trước đây, có lẽ vì cúp cua nhiều quá và điểm các môn học cũng bị tuột dốc. Tôi nghe mà choáng váng mặt mày, giấc mơ du học tan tành bong bóng. Cái ấm ức đó vẫn dai dẵng cho đến tháng sau khi thầy Khoa trưởng mời tôi ở lại trường làm giảng nghiệm viên và hứa hẹn sẽ gởi đi du học ở AIT trong vài năm tới. Tôi từ chối và quyết định vào Sài gòn. Một bước ngoặt của cuộc đời bắt đầu.

Trong số 26 người của lớp tôi tốt nghiệp, có khoảng một phần tư ở lại Huế, phần lớn đều vào Sài gòn làm việc và hai nơi thu nhận nhiều nhất là Tổng cục Gia cư và công ty Điện lực Việt Nam (ĐLVN). Chúng tôi năm người được nhận vào làm việc ở ĐLVN, đó là một công ty lớn với khoảng năm ngàn nhân viên, và cũng là nơi tập trung nhiều tinh hoa về kỹ thuật của miền Nam lúc đó. Ở đây lương bổng hậu hĩnh, công việc thích thú và nhất là có cơ hội đi công tác nhiều nơi trên khắp mọi miền của đất nước. Trong hai năm đầu làm việc ở Sài gòn nhiều cơ duyên đưa đẩy tôi làm quen với “computer programming” và “computer modeling”. Đâu có ngờ rằng bảy năm sau cái vốn liếng nhỏ nhoi này đã giúp tôi không ít trong thời gian mới đến định cư ở xứ người.

Khóa 2 chỉ có 12 người tốt nghiệp năm 74 nhưng có gần một nửa ở lại Huế. Khóa 3 đông nhất (27 người) nhưng hai tháng trước khi hoàn tất năm học cuối thì mất nước, do đó bị ở lại học thêm một năm các môn “chính trị búa liềm” và được nếm mùi “lao động vinh quang”. Khóa 4 chỉ 13 người cũng được ra trường cuối năm 77. Khóa 5 hơn 20 người được gởi đi “du học” ở trường Phú Thọ, Sài gòn, và cũng là khóa cuối cùng của ngành KHƯD Huế.

Ban Sinh Hóa Ứng Dụng khóa 1 tốt nghiệp được 9 người, khóa 2 gần 20 người và khóa 3 cũng khoảng 9-10 người. Chương trình học của ban này có lẽ thay đổi chút ít so với lúc đầu nên khi ra trường thì văn bằng ghi là “Kỹ sư Hóa học” – chữ “Sinh” bị biến mất.

Nói chung cả năm khóa của ngành KHƯD với khoảng 150 người tốt nghiệp đã có mặt trên khắp miền Nam, đã đem những gì học được ở trường và ở đời để cống hiến cho xã hội. Sau năm 75 nhiều người đã bỏ nước ra đi tìm tự do, sống chết trong gang tấc, nhiều giấc mơ phải từ bỏ và những giấc mơ mới thành hình. Đến bây giờ phần lớn đã ở tuổi về hưu, ngồi ôn lại ký ức về trường cũ và bạn bè, không khỏi cảm khái một quãng đời tươi đẹp nhưng nhiều giông bão.

Xin mượn bài thơ của Vua Trần nhân Tông để kết thúc bài viết này.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Tạm dịch:
Niềm thị phi rụng theo hoa sớm
Lòng lợi danh lạnh với mưa đêm
Hoa rơi mưa tạnh non yên vắng
Một tiếng chim kêu xuân lại tàn

Đỗ Tùng
Canada, 27/4/2017

 

 

4 thoughts on “Một Thời “Khoa Học Ứng Dụng” – Đỗ Tùng

  1. Cám ơn anh Tùng.
    Bài anh viết hay quá ! Một ký sự ( hay hồi ký ) với đầy đủ chi tiết và còn có mấy tấm hình xưa kèm theo.
    Đọc mà hình dung lại được một thời mới lớn dưới mái trường Đại Học Khoa Học Huế , chắc cũng là một thời vui tươi và vô tư của các nữ sinh viên thời đó. Ng không nói đến các anh vì nam sinh viên còn phải lo học nhiều để khỏi bị đi lính.
    MN.

  2. Anh Tùng trí nhớ còn hay quá. Cám ơn Anh đã cho em trở về lại những tháng ngày năm xưa của mùa hè đỏ lửa. Năm đầu tiên của 1 thời sinh viên.

  3. Lâu lắm mới được đọc một bài viết thật hay và đầy đủ về một thời đèn sách cùng bao hoài bảo trai trẻ đó. Cám ơn anh Tùng đã nhắc lại, làm nhớ đến các vị thầy kính mến bao năm qua. Cho Ph. bổ sung một chút về các thầy: Lê Thế Phiệt, Huỳnh Ngọc Phiên, Trần Văn Nhơn – (năm dự bị). KS Lê Thần Chấp, KS Nguyễn văn Huề – Cty Điện Lực, KS Nguyễn văn Sang dạy môn Thủy tính (hydrology) và KS Lê Phước Thọ (cấp thủy), Gs Yang người Đài Loan (FAO) Cơ Quan Lương Nông LHQ giảng về Kinh Tế Nông Nghiệp. Các thầy, mỗi người một vẻ cho đến mãi sau này vẫn luôn mang một ký ức sâu đậm về các thầy.

    Thầy Bùi Hữu Lân (một trong những người sáng lập TTTL) là vị thầy khả kinh nhất, vô cùng lạc quan và giản dị, từ cung cách đến giảng dạy. Những bài toán thầy ra luôn chỉ có mấy dòng nhưng đủ để làm nóng chảy các mái đầu thông thái. Thầy là người đã cho những khái niệm đầu tiên về Sức bền vật liệu.

    Thầy Lý Đãi, dạy môn thủy lực, là người mà tụi Ph. được học nhiều giờ nhất trong suốt 3 năm. Đây cũng là môn học thich nhất và đã giúp rất nhiều trong quá trình làm việc sau này. Thầy rất hiền hòa dễ mến.

    Một vị thầy không quên là thầy Ái Văn. Hồi đó tụi này gọi đùa thầy là “bác sĩ kỷ sư” vì rất thư sinh đẹp trai, cao lớn dáng dấp như bác sĩ, và thông thái như kỹ sư. Môn học của thầy là Kết cấu (Structures et matériaux) và Cơ học đất (Mécanique des sols), hai môn học cơ bàn rất quan trọng cho nghề kỷ sư xây dựng. Ph. còn nhớ tất cả những gì thầy dạy Ph. đều ghi lại cùng những suy nghĩ riêng của mình đầy đủ trong cuốn vở 200 trang, sau này cho một người bạn mượn và bị thất lạc. Đây là những vốn liếng quí cho những năm làm việc sau đó. Không biết thầy Ái Văn có biết là lúc thầy dạy môn Cơ học đất, trong lớp chỉ có 2-3 người hiểu thấu đáo, còn hầu hết ngơ ra, có lúc thầy đã phải từ giọng Nam chuyển sang giọng Huế để cho dễ hiểu, nhưng các bộ mặt trong lớp vẫn tiếp tục ngớ ra không hiểu thấu được.

    Bao nhiêu năm, hôm nay có dịp nhắc lại, Ph. vẫn còn nhớ như in từng chi tiết nhỏ, từng môn học, từng buổi học, từng người bạn cùng lớp và thật sự bồi hồi khi hồi tưởng.

    Có vài điều sau này không quên được là lúc đã ra trường, mọi người đều vào Saigon để xin việc và xả hơi sau những năm dùi mài kinh sách, riêng Ph. “bị” đi làm ngay. Thầy Nguyễn Văn Huề, Phó TGD Cty Điện Lực, gọi lên chỗ Hai Bà Trưng sau lưng Quốc Hội lúc 11h sáng và cho xe đưa lên Nha Trang Bị ở Thủ Đức để làm việc ngay buổi chiều, hoảng hồn vì chưa chuẩn bị tinh thần, muốn bỏ về cũng không được vì không có xe về Saigon, không biết ăn trưa ở đâu, may quá có mấy vị đàn anh xuất hiện cho 1 phiếu ăn trưa trên lầu 3, và chiều đến 5h mới có xe bus đưa về Saigon. Sau đó có mấy lần về chung xe với anh Tùng xuống ở Hồng Thập Tự, nhà thêu Cẩm Tú thì phải.

    Sau khi đi làm mới biết khoảng cách giữa “đi học” và “đi làm” quá lớn. Khi ngồi vào bureau làm việc đã tự hỏi, mình bắt đầu làm gì đây bên cạnh một “cục” máy tính xành xạch và nửa thước tài liệu tiếng Anh cần đọc, nên thật bỡ ngỡ vì đây không còn là nhà trường nữa, không thế đợi thầy ra đầu đề để làm, mà chính mình là người phải đặt vấn đề và cũng là người giải quyết. Mới biết những trang bị của mình trong bước đầu khởi nghiệp còn nhiều thiếu sót, dù cho thuộc làu các công thức, tinh thông các phép toán.

    Nghành Khoa Học Ứng Dụng, sau này có dịp nhìn lại, vẫn nghĩ đó là một chương trình học quá hay, đáp ứng được thực tế của xã hội lúc bấy giờ, tuy vẫn còn những cần thiết phải hoàn chinh. Buồn thay, nghành học đã theo mệnh nước ra đi khi chưa được mọi người biết đến nhiều, nhưng dù sao những đứa con lưu lạc của nó cũng đã để lại không ít những công trình hữu ích.

    Luyến tiếc cho một thời…

    1. Cảm ơn Ph. đã thêm một số chi tiết thú vị về các Thầy. Mình không nhớ là mấy khóa sau cũng có người vô làm ở Cty ĐLVN. Nếu ông Lê khắc Huề còn làm Phó TGĐ thì phải trước 75 là lúc mình vẫn còn ở Nha TB. Đúng là khoảng thời gian đó mình ở nhờ nhà người quen ở đường HTT, đối diện cổng vườn TĐ, chuyên bán đồ cổ, không phải nhà thêu CT.

Leave a Reply