“Thang Viên” Đông Chí – Lương Thúy Anh

April 15, 2017 (TM)

thuyanh bot loc
Photo: Internet

Thoạt nhìn, ai cũng bảo rằng đây là món chè trôi nước rất quen thuộc.

Nhưng không, hoàn toàn không phải.

Mạ tôi giải thích rằng, chè mang ý nghĩa từ một phong tục của người Hoa, thường nấu để cúng trên bàn thờ Gia tiên vào ngày Đông Chí, 22 tháng 12 hàng năm, tính theo lịch mặt trời.

Vì chè được vo thành từng viên nhỏ, nên gọi là thang viên, có thể hiểu như một vị thuốc có tính ấm, để có thể phần nào xua tan hơi lạnh mùa Đông ở Trung quốc, nhất là ở các tỉnh phía Bắc.

Bột bao bên ngoài là bột nếp nhào với nước hơi ấm, thật nhuyễn, mịn, tay thử vào không bị dính dẽo là được. Bột nhồi xong để một lát cho ráo bớt nước.

Trong lúc chờ bột ráo, bắt tay làm nhân.

Nhân của chè rất lạ, là thịt heo quay, Mạ tôi băm hoặc cắt hạt lựu rất nhỏ, cho chảo lên bếp nóng, phi dầu , hành cho thơm, xào thịt đã băm ấy cùng chút gia vị cho thấm, khi đã vàng và ráo khô chảo thịt, Mạ tắt bếp, thả mè rang thơm và hành lá cắt nhỏ vào, rắc thêm chút hạt tiêu, thêm một chút nữa, bột ngũ vị hương, trộn đều, mùi thơm tõa lên từ hỗn hợp nhân xào này nên rất là hấp dẫn, quyến rũ vô cùng.

Giai đoạn tiếp theo, bột nếp đã nhào nặn ấy, phân ra từng viên tròn cho đều tay, bẻ mỏng viên bột và cho vào giữa một muỗng nhân, níu mí viên bột lại và vo cho tròn , cứ như thế cho đến hết.  Thường thì Mạ tôi cứ sau một mẻ đã viên xong, là cho vào nước đã đun sôi, thả viên bột có nhân vào luộc chín, viên chè nổi lên mặt nước là đã chín đều, vớt ra để ráo.

Nước chè chỉ là đường cát trắng, nấu kĩ và vừa độ ngọt, thả thêm một chút xíu hương vị va ni thoang thoáng thơm nữa là xong.

Chỉ là chừng ấy thao tác, những viên chè đã chín được sắp gọn gàng vào những chiếc chén kiểu nho nhỏ, rồi múc nước đường dội vào cho ngập viên bột, là hoàn thành.

Có thể xắt thêm vài sợi gừng thật mỏng rãi lên mặt chén chè, tùy khẩu vị.

Chè này chỉ dùng nóng, nếu nguội hay cho thêm đá vào, viên bột nếp sẽ dai sượng lại, không còn chất dẽo, sẽ không ngon.

Nhiều năm rồi, Mạ tôi không còn nữa.

Và chừ, hàng năm đến ngày Đông chí, chị em tôi không còn tìm lại được hương vị món chè của Mạ . Cách làm cũng đơn giản, nhưng không hiểu tại sao, chị em tôi không ai làm.

Chỉ duy nhất một lần, em trai tôi tự tay nhồi bột, nấu chè, tôi ghé chơi nhà, em mời tôi 1 chén, ăn mà trệu trạo, nhưng không nói ra được cảm xúc của mình.

Tôi nhớ vô cùng những ngày còn sum họp gia đình, còn Ba , còn Mạ, còn tất cả anh chị em trong căn nhà xưa ấm áp.

Lớn kên mỗi người một nẻo, chẳng còn dịp gặp lại nhau đông đủ như xưa.

Rồi cũng đã có lần gặp lại , mà oái oăm cho một lần được gặp lại cùng nhau trong chính căn nhà đó, lại là ngày Mạ tôi buông tay bỏ cuộc.

Đó là lần đầu tiên mấy anh chị em được gặp lại nhau sau rất nhiều năm, và cũng là lần cuối cùng, bởi chỉ một năm sau, tôi mất thêm người em trai, cậu em ra đi đột ngột, bất ngờ, đau lòng bởi thật khó để quên.

Tôi viết  món chè này, lấy cảm xúc từ người bạn thân của em trai tôi, là người vẫn ghé qua nhà tôi, cùng chơi, cùng học và chia sẻ những buồn vui cùng chị em tôi một thời đã xa.

Cám ơn người bạn nhỏ đã nhắc lại những kỉ niệm yêu thương xúm xít trong căn nhà cổ dưới chân dốc cầu Gia Hội.

Leave a Reply