June 7, 2016 (TM)

Tôi vẫn vẫn nhớ mãi những ngày Đoan ngọ năm xưa, Mạ tôi thường nói, người Huế cho rằng vào ngày Tết ấy, cứ đúng Ngọ (12 giờ trưa) mà bắt thằn lằn bỏ vào thau nước tắm cho trẻ con thì sẽ tiêu tan bệnh tật, cho nên, những trưa ấy, đố ai tìm bắt được thằn lằn, có vẻ như nó nghe được biết được nên bỏ trốn mất tăm. Tôi nghe thế, biết vậy, thỉnh thỏang sực nhớ, buổi trưa đúng Ngọ ngày ấy cũng cố ý tìm quanh nhà coi thử có con thằn lằn nào …to gan không biết sợ hay không.
Nhắc đến tết Đoan Ngọ, nói cách khác, là ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, tôi lại nhớ đến bánh ú tro.
Bánh ú tro là một trong những đặc sản dân dã của làng hoa giấy Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú vang, Huế. Bánh chỉ được làm và bán duy nhất một lần vào ngày này hàng năm.
Nguyên liệu chính của bánh là nếp, nếp sau khi vút sạch và ngâm nước lạnh cho nở, sẽ được ngâm trong một lọai nước tro, tôi chỉ nghe như vậy chứ chưa một lần tay bắt mắt thấy được thứ nước này bao giờ cả. Và tôi vẫn luôn thắc mắc tại sao hạt nếp rõ ràng hình dáng như thế, nhưng sau khi ngâm qua nước tro qua một đêm, rồi gói bánh, để rồi khi luộc bánh xong thì bánh lại hóa thành một màu vàng nâu sậm, dẽo và không còn hình bóng của một hạt nếp nào. Bánh chính hiệu của Huế thường không có nhân, bánh nơi khác như Quảng nam, Quảng ngãi thì có nhân đậu đen hoặc đậu đỏ.
Bánh ú tro của Huế, gói trong lá dong, bánh nhỏ và xinh xắn, cứ 10 bánh thì cột thành một xâu, và 5 xâu kết thành một chùm, lúc mua ai muốn chọn xâu nào, chừng bao nhiêu bánh thì tùy ý. Bánh khi mở lá ra có màu nâu cánh dán, bóng lên trong chất nếp đã hóa nhuyễn do một loại nước tro …vô hình. Bánh khi mở lá, xếp chung quanh một chiếc dĩa nền trắng, sẽ nổi bật lên màu da nâu đậm đà, và vị bánh bùi bùi béo béo khi chấm quyện với một dúm đường cát trắng xinh xinh được đặt giữa dĩa.
Thuở Ba tôi chưa qua đời, những lần ngày mùng năm tháng 5 đến, dù có bận rộn mấy, cũng cố lên chợ tìm mua cho Ba vài xâu bánh ấy, Ông luôn dặn rằng, bánh phải là có chất dẽo của nếp, màu nâu tự nhiên chứ không phải nâu do phẩm màu thực phẩm thì mới đúng vị. Có đôi khi, chẳng hiểu do người gói bánh vụng tay hay sao, bánh mua về mở ra hãy còn nguyên hạt nếp và màu vàng đậm ấy cũng không tõa đều chiếc bánh, mà chỉ là vàng viền quanh chân bánh, hạt nếp rả rời hoặc là không có độ dẽo.
Có một lần trong dịp Festival của Huế, tôi nhận được giấy mời của anh chị họa sĩ Thân văn Huy, về làng Thanh Tiên để dự lễ khai mạc phòng chưng bày hoa giấy, là tác phẩm của chính anh. Bên cạnh những hình ảnh và nghệ thuật sắp đặt hoa giấy duyên dáng lạ mắt, lại có xen kẻ những dĩa bánh ú tro được gói rất sắc sảo. Bỗng dưng mà tôi thóang lơ đãng, ngắm mấy tranh ảnh, hoa giấy, nhưng mắt cứ là liếc ngang liếc dọc mấy dĩa bánh, bởi lúc ấy đã qua ngày 5 tháng năm, mà hương vị thứ bánh ấy như vẫn còn lưu luyến trong tôi. Cho nên khi chào anh chị chủ nhà ra về, tôi đã không chút ngại ngần xòe ngay bàn tay giữ lấy một gói bánh… mà chị chủ nhà đã nhẹ nhàng ấn vào.
Những ngày Tết Đoan ngọ, cứ thế mà lùi dần lùi dần đứng xếp hàng trong kí ức tôi. Một lần Tết ngang qua là những kỷ niệm lại quay về, buồn vui lẫn lộn…đâu dễ lãng quên.
Lương Thúy Anh
Chị mê bánh ú lắm. Bánh ú nhân đậu xanh và dừa càng tuyệt. Tháng Ba vừa rồi chị về Huế được ăn bánh ú nhân đậu xanh ngon chưa bao giờ ngon như vây. Ở Eden center, một khu thương mại của người Việt ở Virginia này cũng có bán bánh ú tro nhỏ chút xíu chị cũng mê lắm. Chị không nhớ gì về thức ăn Huế vì ít để ý chuyện ẩm thực, nhưng bánh ú là cái chị không quên. Ah, chị còn mê xôi bánh dầy nữa, món ăn chị nhớ nhất của Huế buổi sáng gánh hàng rong.
chị Mai
Dạ, chị Mai. Hôm mùng 5 vừa rồi, em có bánh ú tro, nhưng bánh ở Huế không có nhân và rất nhỏ, chấm đường cát trắng ăn ngon lắm, một năm chỉ có bán một ngày duy nhất thôi, em cũng rất thích nên em mua hơi nhiều một chút, để dành ăn…một mình.