June 11, 2016 (TM)
Chẳng biết từ đâu, và do ai mà loại đậu này có tên là NGỰ.
Chữ NGỰ làm tôi liên tưởng đến Vua Chúa ngày xưa, tôi tìm hiểu và biết được một chút rằng là đậu ngự có một thời, thuở còn khá hiếm hoi thì thường được dùng dâng lên làm thức ăn cho bậc Vua Chúa. Và phổ biến nhất là để nấu chè.
Chè đậu ngự, từ lâu được coi như là đặc sản của xứ Huế.
Thỉnh thoảng tôi cũng nấu món chè này để cả nhà cùng ăn, cách nấu nghe thì dễ nhưng cũng không phải là đơn giản, vì nếu lỡ tay lửa, hạt đậu nát nhừ, coi như là hỏng nồi chè, bị chê là vụng về. Ngược lại, vội vàng quá, cũng bởi do sợ nát hạt đậu, thì lại bị sượng, đậu cứng ,ngậm vào miệng không tan nhanh như bột được, thì cũng hỏng nữa luôn.
Tôi chỉ nấu, nhờ học theo cách của Mạ mình thôi.
Cây đậu ngự trồng bằng cách cho cây leo lên giàn. Đúng mùa, đậu rất sai trái. Trái đậu được bọc một lớp vỏ xanh cứng bên ngòai, bóc lớp này ra, có trái đậu chứa 3, hoặc 4 hạt đậu. Mỗi hạt đậu lại được bọc thêm một lớp vỏ mềm, màu xanh nhạt hoặc có chút hoa văn không thành hình dạng.
Đậu ngự sau khi bóc vỏ cứng ở ngoài, muốn lột lớp vỏ mềm bên trong cho nhanh và dễ, chỉ việc ngâm đậu đã bóc vỏ xanh cứng ấy vào trong nước ấm, độ mươi phút sau, chỉ cần dùng tay ấn nhẹ lớp vỏ mềm ấy là hạt đậu lộ nguyên hình trắng ngà rất đẹp ngay.
Đậu đem hấp cách thủy, người Huế gọi là “hông”, cho mềm nhừ nhưng sao cho hạt đậu vẫn còn nguyên hình dáng. Nước đường nấu sôi, thường chè đậu ngự thì nấu chung với đường phèn, vì đường phèn ngọt thanh và nước trong hơn rất đẹp. Nước đường nấu tan chảy, dùng rây lọc nước đường ấy, rồi thả tất cả đậu đã hấp chín vào, nêm nếm lại cho vừa độ ngọt nữa là xong, có người thêm vào một chút mùi va-ni cho thơm, nhưng tôi nhớ Mạ tôi ngày xưa dặn rằng, đừng thả va-ni vào chè đậu ngự vì như thế mùi va-ni sẽ át hết mùi thơm tự nhiên của loại đậu này.
Chè đã chín, Mạ tôi thường múc vào một thứ chén kiểu mà tôi nhớ Mạ hay gọi là “chén chè”, như để phân biệt với các thứ chén dùng cho thức ăn khác. Có khi chè lại được múc vào một loại ly thủy tinh nhỏ, màu ly trong vắt, để sóng sánh những hạt đậu vàng mơ mơ màng màng, nhìn thật tao nhã vô cùng.
Chè đậu ngự dùng nóng, hay lạnh đều ngon.
Có lần tôi mua đậu ngự về, lỡ bóc vỏ nhưng chưa kịp nấu được, tôi xóc một ít đường cát vào gói đậu đã bóc vỏ ấy, rồi thả nguyên gói vào tủ lạnh, cố tình giữ cho đậu không bị hỏng nhờ đã được ướp đường. Sau vài ngày tôi mang đậu ra, vẫn nấu bình thường, nhưng không hấp cách thủy mà là nấu nước đường phèn rồi thả đậu vào, ninh một chút xíu cho đậu mềm, chỉnh đốn lại vị ngọt cho vừa đủ, và cố gắng giữ cho đậu không bị biến dạng, tan hình.
Về sau này, trong một vài lần đi ăn kị, giỗ nhà người quen, tôi còn thấy đậu ngự được nấu cùng xương hầm, đậu ngự xào tôm… cũng ngon và hạt đậu vẫn mềm mại.
Và mới đây nhất, tôi đã được thử món xôi đậu ngự, màu nếp trắng dẻo quyện vào những hạt đậu ngự trắng ngà, không hề bị bể nát mà vẫn mềm, thơm, nhai bùi bùi, béo béo, rất lạ miệng và không ngán chút nào cả. Về nhà, có một lần tôi bắt chước cách nấu xôi này, nhưng tôi đã thất bại, vì hạt đậu ngự tôi đã không giữ được vẹn nguyên, mà bị nát nhừ, hoặc bể đôi bể ba, nhìn không đẹp mắt.
Chè đậu ngự đi vào lòng người Huế, và người phương xa, người đi xa Huế lâu năm. Đến Huế, mùa đậu ngự thì chợ nào cũng có bán. Và các quán chè, hay những gánh chè rong cũng đều có chè đậu ngự, cũng bởi đậu ngự thời này không còn là hàng hiếm, cũng không phải là một loại thực phẩm đắc giá nữa.
Đậu ngự không phải chỉ có ở Huế, ở một vài địa phương khác cũng có thể trồng loại đậu này.
Nhưng tôi nghe rằng đậu ngự, ngon nhất chỉ có ở Huế.
Phải chăng đậu ngự ở Huế ngon, là bởi đậu được trồng bằng thứ đất phù sa do những con sông trong lòng phố Huế chuyển tải về. Phải chăng đậu ngự ngon cũng bởi được tưới tắm bằng nước sông Hương, và đậu ngự người Huế nấu cũng …ngon hơn, bởi lẽ do đã được nấu bằng nước đầu nguồn sông Hương sau khi đã qua nhiều thanh lọc.
Nhưng nói là nói đùa vậy thôi.
Có lẽ nói rằng, cảm nhận rằng dường như đậu ngự ở Huế nấu chè ngon, chỉ do đó là cảm nhận của những người đi xa Huế lâu ngày, nay trở về, bỗng dưng mà chén chè quê hương thơm hơn, ngọt hơn, những hạt đậu như đẹp hơn, thanh tao hơn bởi hương vị quê nhà đã lâu mới có dịp được nếm lại, cũng có thể trở về đúng vào dịp đậu đã chín muồi, chè được nấu vào mùa gỡ đậu.
Vào lúc này, nhìn những mẹt đậu rong ruổi trên đường phố, hay trong các dãy chợ, hãy còn tươi roi rói, mà như lòng mát rượi, chưa thưởng thức chén chè đã thấy như vị ngọt đến tận tâm can, hương thơm của đậu quê nhà như ngan ngát vô cùng tận.
Và ngon hơn chút nữa, bởi tay cầm muỗng múc chè, thưởng thức lại hương vị ấy, mà lòng thì đầy ăm ắp những thước phim kỉ niệm, lần lượt, lần lượt lướt qua, chén chè đã hết mà như mãi đọng lại biết bao dư âm của một thời chẳng thể nào phai…
Và còn hơn thế nữa, chén chè đậu ngự, dường như sóng sánh hơn, đậm đà hơn, ấm áp hơn, hoặc mát mẻ hơn, bởi như vẫn còn đâu đây phảng phất…mùi hương bàn tay của Mạ, nấu chè đậu ngự, những ngày còn thơ…
Lương Thúy Anh
Huế, tháng Sáu 2016