Áo dài truyền thống, áo dài Huế – Tiếc thương những chiếc áo dài – Gái Huế tóc dài – Lương Thúy Anh

Sept 8, 2017 (TM); Sept 10, 2021; Dec 13, 2021 (TM)

 

ÁO DÀI TRUYỀN THỐNG – ÁO DÀI HUẾ

Trang phục của người phụ nữ Việt nam nói chung, và nhất là người Huế nói riêng, từ rất xưa, là tà áo dài, bay bay trong gió, dù mưa nắng hay đi bất cứ nới đâu, vẫn luôn mang tà áo này.

Thưở ban sơ, áo may nhìn rất giản dị, nhưng thực tế, nhìn cho kỹ thì không hề đơn giản, tấm áo may vạt này vạt khác, thân nọ thân tê, mà người thiết kế tà áo đã tìm cách làm sao cho người phụ nữ mang chiếc áo này mà vẫn làm được nhiều công việc mà không bị luộm thuộm lúng túng, nên áo tứ thân là một hình thức áo dài điển hình, mục đích giúp người mặc áo dài có thề buộc các thân áo lại gọn gàng lúc cần làm việc bưng xách nặng nhọc.

Nhìn lại các hình ảnh xa xưa của Triều đình nhà Nguyễn và trước đó nữa, các Hoàng hậu, Cung phi, Cung Tần, Mỹ nữ đều mang duy nhất chiếc áo dài truyền thống, chỉ khác nhau ở vải may và cách mặc theo thứ bậc của từng người.

Chiếc áo dài ngày xưa, dùng cho các Cung phi mỹ nữ… trong triều đình được may từ những bàn tay nghệ nhân, cách mày khá công phu, và chỉ là may bằng tay, kim chỉ là chính. May làm sao cho đường kim mũi chỉ đều đặn và đường nét thanh cảnh, phải nhìn thật gần mới thấy được đường chỉ may, nút áo cài cũng lắm công phu ở chỗ là nút thắt, một bên là sợi vải may xe tròn nhưng rất nhỏ, kết vào thân áo thành hình vòng tròn ở một đầu, một bên khác phía đối diện của áo cũng là sợi vải thanh nhỏ ấy nhưng đầu là kết thành một khối tròn nho nhỏ, gọi là đầu chuồn chuồn, mục đích để vòng tròn bên thân áo kia tròng vào, cho hai thân áo khích lại.

Áo dài may lúc này là tay nối thẳng ra đến hết một khổ vải, vạt áo thẳng và khá rộng.
Kiểu áo dài truyền thống này, cách nay chừng hai năm, bà Công Tằng Tôn Nữ Trí Huệ hay còn gọi là Bà Chắc, là người dòng dõi Hoàng tộc, ngang hàng với Nguyễn Phúc Ưng…hiện đang ở Hương Cần, vẫn còn ngồi cắt may từng chiếc áo, cho khách là những người lớn tuổi chỉ thích mang loại áo dài đậm sắc quê hương này, lúc ấy bà đã quá tuổi 90 (nay bà đã trên 100 tuổi), nhưng mắt vẫn còn tinh anh, trí nhớ lại vô cùng minh mẫn. Có thể gọi Bà là một nghệ nhân của Huế.
Các bà các O ngày xưa đi bán, gánh gánh gồng gồng nặng nề là thế, nhưng vẫn mang áo dài, chạy rong ruỗi trên những con đường, ra khỏi nhà là họ mang áo dài, chiếc áo dài lúc này vẫn đơn sơ như lúc ban đầu, chỉ có vải may có thể có cải tiến tùy theo từng thời.

Riêng các thiếu nữ thì áo dài có kiểu cách hơn, áo dài chấm gót, vạt rộng, thắt eo khít rịt, bên trong vòng eo áo dài còn được người thợ may thắt thêm một sợi vải cùng màu, được may lộn vòng rất khéo léo, kết thẳng ngay eo áo, chiếc áo dài lúc này mang vào, vòng số 2 của người phụ nữ thêm phần thanh mảnh.

Nữ sinh các lớp lớn đến trường cũng mang áo dài màu trắng đồng phục, dù mưa hay nắng, và mang suốt tuần lễ như thế.
Người Việt nam qua các nước khác để định cư, nhưng vẫn may để mang theo tối thiểu một chiếc áo dài vải hoa hay màu sắc, có phương việc chi là dùng đến, thêm một chiếc màu khói hương, để đến chùa lễ phật vào ngày Lễ, Tết.

Có một giai đoạn, áo dài may không cổ, là kiếu áo do bà Ngô Đình Nhu khởi xướng, cổ áo dài khoét hơi sâu và rộng ra bề ngang cổ, nhìn như hình chiếc thuyền nên hay gọi là áo dài cổ thuyền, thay vì cổ cao, cài kín nút.
Từ đó áo dài không cổ đườc may mặc phổ biến, và được chế biến ra nhiều kiểu cổ khác, không những chỉ là cổ thuyền mà còn có khi là cổ tròn, cổ trái tim… hay là có một thời gian áo dài không chỉ cài nút bên hò, hông áo, mà xẻ ngay trước cổ áo, cài nút kiểu Tàu nữa.

Rồi đến một lúc , cách cắt may cũng có nhiều thay đổi, tay áo không còn nối ngang mà là tay cắt cúp, thức là cắt như may áo sơ mi, áo kiểu bình thường.

Rồi cắt kiểu tay raglan, ưu thế của kiểu cắt may raglan này là áo khi mặc vào phần vai và ngực ôm sít sao rất đẹp.

Rồi đến một lúc khác, áo dài cách tân hơn, vạt áo may gọn lại, tà áo thì chỉ dài quá gối một chút xíu, và áo may suông ôm một chút vào vòng eo chứ không có đường chít bó sát eo. Thời gian này điển hình nhất là những tà áo trắng tung bay trong các sân trường, nhất là những trường chỉ có toàn nữ sinh, thế là những tà áo trắng trong màu nắng sân trường, cứ tung bay, tung bay… rất nhẹ nhàng và vô cùng dễ thương.

Rồi có khi, cứ như thời gian quay ngược, lúc này áo lại may dài chấm gót, và chít vòng eo trở lại như một thời đã qua, tuy có thể làm người mặc lúng túng một chút xíu do tà áo khá dài, nhưng vẫn là mẫu áo truyền thống, đúng đắn và chỉnh chu như một thời đã qua trước đó.

May áo dài theo cách của người Huế rất công phu, đường kim mũi chỉ thanh mảnh, li ti, may sao cho nhìn vào không thấy đừơng chỉ nổi rõ lên trên vạt áo, thường thì người thợ may rút ngay sợi chỉ của chất vải đã dệt chiếc áo dài ấy, từng sợi thật mỏng để làm vạt áo, mà gọi là LUÔNG, làm như thế thì khi chiếc áo dài hoàn thành, vẫn không thể thấy một màu chỉ nào khác lạ trên toàn tấm áo ấy.

Áo dài là trang phục chính của người Việt Nam, nhưng thật sự gắn bó nhất chính là với người Huế, do Huế là Kinh đô của Vua Chúa thời Nguyễn, nên người phụ nữ Huế ảnh hưởng rất nhiều đến trang phục của các bậc Mẫu nghi, Cung Phi Mỹ nữ ấy ngày xa xưa.

Và có hai màu áo dài thường được nhắc nhở, có thể coi như hai màu áo tượng trưng cho phái nữ Huế, là màu trắng :
“Ngày xưa Huế có con đường trắng

“Ơi con đường trắng
Áo trắng đơn sơ,
Áo trắng ngây thơ,
Áo trắng như mơ,
Áo trắng học trò…”

Và màu tím Huế :

“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương …”

Áo dài muôn thuở vẫn là tà áo dễ thương nhất trong lòng người Huế, dù trong độ tuổi nào, trong môi trường nào, tà áo dài luôn làm cho người phụ nữ như dịu dàng hơn, duyên dáng hơn.Để rồi, người Việt Nam viễn xứ, người Huế tha phương, bất chợt một hôm thấp thoáng có tà áo dài bay bay chốn xa lạ… mà bỗng nao nao.

“Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu
Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”

 

GÁI HUẾ TÓC DÀI

Rất lâu rồi, thuở còn đi học, tôi và các bạn thường hay trêu chọc một anh bạn người Việt lai Pháp, bởi chỉ tiếp xúc với Cha Mẹ trong gia đình là chính nên anh nói tiếng Việt trọ trẹ, đôi khi không thành câu hoặc ghép câu ngược ý.  Các bạn và tôi hay bày cho anh nói đủ thứ, tòan là những lời, những câu tinh nghịch, tôi nhớ có hôm, anh hỏi rằng: “ Gái Huế tóc ai cũng…” và anh đưa tay ra dấu ngang tầm vai. Hiểu ý, nên tôi bảo anh “Gái Huế tóc dài”, và thêm : “Mặc áo dài ngắn.”Bởi hồi đó áo dài chúng tôi mặc chỉ dài quá gối một chút thôi. Hoặc là :“Trai Pháp tóc ngắn, mê… gái Huế tóc dài…”

Anh có vẻ rất thích thú, lập đi lập lại mãi cho thuộc lòng mới thôi.

Một thời gian sau, chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện thế nào, mà một ngày kia anh gọi chúng tôi, nói rằng: “GÁI HUẾ TÓC DÀI TÌNH NGẮN.”

Thật là bất ngờ và cũng khá thú vị, nhưng tôi cũng thóang chút hỏang hốt, hóa ra anh đem bài học vỡ lòng ấy , thay câu đổi chữ mà phản công chúng tôi rồi còn chi, dạy cho anh nói tiếng Việt rồi anh lại dùng ngay tiếng Việt đó để phản ngay những người thầy bất đắc dĩ của anh.

Thật ra,  tôi biết rằng có lẽ anh chỉ hiểu lơ mơ thế nào đó thôi. Trong câu nói ấy của anh, chắc cũng do một người nào đó dạy cho nói lại, cũng chỉ để nghịch một chút, nhưng vô tình, anh đem nói lại như một lời chê trách gái Huế. Nhưng đâu biết được, có khi anh cũng đang theo đuổi một cô gái Huế nào đó, đôi khi anh ngõ lời vu vơ không chính xác, hoặc do bất đồng ngôn ngữ và cách nói tiếng Việt không sửa ấy đã làm anh thất bại ngay trên tình trường với gái Huế, nên thất chí, anh về tìm cách …trả đũa chúng tôi thôi.

Có nghĩa là anh đang vơ đũa cả nắm, nhưng làm sao để giải thích cho anh hiểu đây, chúng tôi bó tay, ngậm ngùi lặng nhìn nhau, chẳng nói được lời nào, có nói cũng không cùng, bởi  “gậy ông đập lưng ông”, thế thôi.

Chẳng biết giờ này anh bạn ngày xưa đang lưu lạc phương trời nào, anh còn nhớ hay anh đã quên? Những  cô gái Huế tóc dài năm cũ, có cô bây giờ tóc vẫn còn dài, nhưng đã bạc màu thời gian, đâu ai biết được có thể anh đang hạnh phúc bên trời Tây cùng một cô gái Huế, tóc dài… tình cũng dài.

Tôi cũng không thể nhớ được lần cuối tôi gặp anh là lúc nào, và cũng không bao giờ còn gặp lại. Chỉ vì thời gian gần đây bên hàng xóm, bỗng nhiên có một anh người Pháp chính cống về làm rể, nhìn cách đi đứng rất…Tây, cách nói thì lại rất Việt, nên tôi chạnh lòng mà nhớ…người xưa.

Để mà, bồi hồi tiếc nuối, nếu biết thế, thì ngày xưa tôi đã dạy cho anh bạn lai Pháp này rằng là:

Gái Huế… mắt ngọc mày ngài,
Áo dài tha thướt, tóc thề buông vai
“Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.”

 

TIẾC THƯƠNG NHỮNG CHIẾC ÁO DÀI

Với tôi, năm học đệ thất, năm đầu tiên vào trường Đồng Khánh là lần đầu tiên tôi tập tễnh mặc áo dài, mặc dù lúc này trường cho phép học sinh ở đệ nhất cấp có thể vẫn mặc áo đầm trắng, váy trắng.

Tôi quen với chiếc áo dài kể từ hôm đó.

Nhiều năm liên tiếp trong thời gian học Đồng Khánh tôi thường mặc những chiếc áo dài, dù đi học hay đi chơi, đi đâu đó với các anh chị, bạn bè, tôi chỉ thích mặc áo dài thôi.

Học xong mấy năm Đồng Khánh, vô Đại học Văn Khoa, vẫn những cái áo dài màu trắng của một thời nữ sinh, tôi mang đến giảng đường, thi thoảng xen rất ít vài áo kiểu với quần Tây.

Sau năm 1975, tôi phải thi lại qua Đại học Sư Phạm vì Văn Khoa giải tán.
Những ngày tháng đầu tiên vô học Sư Phạm, lại cũng những cái áo dài trắng của một thời Đồng Khánh, lúc này có khi chị tôi may cho thêm một hai áo dài màu trang nhã, xanh nhạt, tím hoa cà, tôi mặc xen kẽ với áo dài màu nữ sinh …

….cứ rứa, cho đến một ngày tôi chợt hiểu là mình đã “lỗi thời” khi được “nhắc khéo”… “đi học mà mặc áo dài như văn công”

Rứa là tôi luyến tiếc giã từ những chiếc aó dài yêu thích trên giảng đường Đại học, và cả những lúc đi chơi, đi mô đó không phải là đi học, dù lòng vẫn quyến luyến vô cùng, những chiếc áo dài thân thương đơn giản mà chị tôi, và cả tôi khéo léo chọn màu thích hợp.

Đành phải xếp mấy cái áo dài cất tận cùng ngăn tủ, lâu lâu mở ra ngắm nghía.

Học Sư phạm đến năm thứ 3, tôi đi thực tập ở trường Gia Hội, những ngày thực tập, đương nhiên sinh viên đứng trên bục giảng là phải mang áo dài, lúc này áo dài của tôi trên bục giảng thực tập có xen màu tươi hơn, điệu hơn…

Một năm sau, trong khi các bạn cùng lớp cùng khóa, đều đã nhận nhiệm sở nơi này nơi khác, dù xa dù gần, thì tôi vẫn mỏi mòn, mãi vẫn không thấy bóng dáng của tờ giấy quyết định bổ nhiệm cho tôi làm cô giáo.

Thêm một lần nữa, tôi phải chia tay tà áo dài, thêm một lần nữa mấy cái áo dài đành vô nằm trong ngăn tận cùng của tủ áo, im lìm, buồn tủi. Lâu lâu tôi lại kéo ngăn tủ ra, nâng niu mấy cái áo dài, an ủi tụi nó….cứ nằm yên đó nghe chưa.

Một thời gian sau, tuy không làm cô giáo nhưng tôi vẫn thường xuyên mặc áo dài, đi đến nơi cần, có thể mang áo dài, và những chiếc áo dài của tôi thường rất đơn giản, nhưng vẫn có thể mang trong mọi tình huống, mọi nơi, mọi lễ lạc, tôi vẫn không quên chọn riêng một màu áo xanh đậm (thay vì màu đen quá buồn) để dành cho việc đi viếng tang lễ.

Rồi đến một ngày, tôi may áo dài sặc sỡ hơn, và đương nhiên là phải đẹp nữa, tươi tắn hơn, vì tôi chuẩn bị làm sui gia, gả O con gái đầu lòng, niềm vui rộn ràng theo từng màu áo dài.

Sau lần may áo dài đẹp đó 4 năm, tôi lại tiếp tục may áo dài, màu cũng đẹp, bông cũng xinh, chờ đợi một niềm vui khác đang đến dần rất gần, nhưng…

…cuối cùng tôi lại phải cất chiếc áo dài đẹp đó vô tận cùng ngăn tủ, khóa kín trong kí ức, chôn chặt vào quá khứ.

Và đó là chiếc áo dài cuối cùng của cuộc đời phụ nữ của tôi.
Chiếc áo dài mãi mãi tôi vô cùng thương tiếc…

 

 

2 thoughts on “Áo dài truyền thống, áo dài Huế – Tiếc thương những chiếc áo dài – Gái Huế tóc dài – Lương Thúy Anh

  1. Chị đồng ý. Chị dùng đại mái tóc của Phương Anh vì Phương Anh có một mái tóc dài và rất đẹp. Khi nào về Huế chị sẽ rủ Phương Anh cùng đi để chụp cho PA một hình ở cầu Trường Tiền.

Leave a Reply