Buồn Kỷ Hà – Thơ Trụ Vũ

Đọc bài anh Hoằng gởi của Đức Dalai Lama, Mai nhớ lại đề tài Biển Sóng Đừng Xô Nhau của TCS và bài thơ Ngàn Năm Giọt Nước Có Buồn Không của Ngọc Quế dựa vào Buồn Kỷ Hà của Trụ Vũ. Mai gởi đây thư pháp của Trụ Vũ và bài viết của Nguyễn Duy Hoàng về nhà thơ, nhà Phật học đa tài này.
Cám ơn anh Thanh Hải và anh Khải năm ngoái đã giới thiệu cho Mai bài Buồn Kỷ Hà hay vô cùng.

Tống Mai – Oct 27, 2014 (TM)

* * * * *

 Buồn kỷ hà
“Giọt nước ngàn năm lóng lánh buồn
Nổi chìm trên một lá sen vuông

Làm sao giải nghĩa tròn vuông được ?
Giọt nước ngàn năm lóng lánh buồn.”
Mai
Một đời nghe nói nhất chi mai
Hôm nay mới được nhìn tận mắt
Mai nở trong vườn tôi dấu mặt
Năm mươi năm tôi đợi
Nụ em cười
* * * * *
* * *

Thơ Trụ Vũ, Những Bước Trầm Hương

Nhờ đọc “Nẻo về của ý” lần đầu tiên tôi biết đến mấy câu thơ Trụ Vũ:

Cũng vì mắt ngó trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời
Cũng vì mắt ngó biển khơi
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.

Trong cuốn sách đó, từ góc nhìn Duy thức luận, thầy Nhất Hạnh đã viết một chương thật hay về mối tương giao thẩm mỹ giữa con người và vũ trụ.Nhờ có sở duyên mới có được năng duyên,nếu có thì sở duyên và năng duyên cùng có ,nếu không thì cùng không.

Có thể nói thơ Trụ Vũ là thơ của những mối tương giao và những niềm tương ngộ .Giao cảm và hoà điệu với đất trời,t ương giao giữa trăng sao và chân thiện mỹ.

Đã có lúc anh nghĩ cuộc đời anh thôi còn hy vọng
Nhưng anh lại bắt gặp em, đoá hoa cỏ may trên vũng lầy soi bóng
Quê hương ơi, hy vọng mãi không cùng.

Rồi một hôm nào, thơ Trụ Vũ giúp tôi quán chiếu những hiện hữu của cuộc đời mà con người đầy tạp niệm của tôi không nhận ra,một cuộc vượt thoát thật khó khăn đối với con người vị kỷ của mình.Tôi nhịều lần thất bại ,chỉ đôi lần thành tựu là nhờ thơ Trụ Vũ đưa cánh tay ra và tôi nắm được:

Cứ mãi luẩn quẩn loanh quanh trong ba vạn nỗi hoa nở hoa tàn
Anh quên bẵng nụ cười em hiện hữu
Sáng nay như con kiến chợt bung ra ngoài miệng chén
Anh bung ra khỏi nỗi loanh quanh luẩn quẩn của ý thức mình
Bắt gặp nụ cười em hiện hữu xinh xinh.
Rồi một hôm nào, thơ Trụ Vũ giúp tôi quán chiếu những hiện hữu của cuộc đời mà con người đầy tạp niệm của tôi không nhận ra,một cuộc vượt thoát thật khó khăn đối với con người vị kỷ của mình.Tôi nhịều lần thất bại ,chỉ đôi lần thành tựu là nhờ thơ Trụ Vũ đưa cánh tay ra và tôi nắm được:

Những sự gặp mặt, cầm tay, chào hỏi, đâu có nghĩa lý gì
Khi anh đánh mất anh, em đánh mất em, chúng ta tự đánh mất mình
Để chỉ còn hốt hoảng ngây ngô đi tìm mình nơi kể khác
Anh phải trở về anh để gặp em
Em phải trở về em để gặp anh
Ngoài ra chẳng còn có nơi nào là bóng mát.
Tôi biết mỗi sáng lúc 5h,trong tĩnh lặng của tinh mơ trước khi trời hửng sáng,Trụ Vũ vào công viên và bắt đầutrang nghiêm cuộc hành hương của mình. Ứng hiện theo bước chân ông là bước chân nàng Thơ.Tôi chỉ có thể chạy theo ông trên những dòng thơ, và ông kể lại như thế này:

Sao trên đường chạy của anh hôm nay lại vắng bóng những bé chuồn chuồn nhỉ
Mưa đã tạnh từ tang tảng sáng, các bé chuồn chuồn mãi chốn đi đâu,sao chẳng về chơi
À thôi anh đã hiểu: mưa đã tạnh nghĩa là trời đã nắng
Và các bé chuồn chuồn đã vút cánh xa khơi.

Tôi đã bao lần dại dột cắt đứt đi những tương giao, tự mình làm cho đời mình khô héo. Có khi tôi bị cuốn theo những triết thuyết dẫn tôi về phía hư vô và lòng tôi có nguy cơ chao đảo.Tôi thú nhận với thơ ông tôi là người yếm thế. Ông điềm tĩnh:

Nếu cuộc đời là đồng nghĩa với hư vô
Hư vô ấy cũng vô cùng diễm lệ
Nhưng nếu hư vô đã yêu kiều như thế
Sao nó còn có thể hư vô.

Nếu cuộc đời là đồng nghĩa với hư vô
Hư vô ấy cũng vô cùng diễm lệ
Nhưng nếu hư vô đã yêu kiều như thế
Sao nó còn có thể hư vô.

Có lần nghe câu hát của Trịnh Công Sơn tôi hỏi : nếu tôi là rong rêu,tôi có hy vọng được cứu chuộc không? Trụ Vũ nói : Chúng ta không phải là rong rêu,mà rong rêu cũng đâu phải là rong rêu .Người ta cứ nghĩ ba đời Phật là bảo chứng cho rong rêu mà quên rằng chính bản thân rong rêu cũng là bảo chứng cho sự hiện hữu vĩnh hằng của Phật.

Tôi có thói quen đọc thơ Trụ Vũ như bói Kiều. Một ngày sầu muộn tôi bói “Những bước trầm hương” và được :

Không phải anh đến bên Phật Quan Âm để xin khoán trắng những nỗi khổ đau của cuộc đời mình.
Anh chỉ cầu xin mỗi chiếc chìa khoá để mở cổng cho anh đi về cõi mẹ
Và còn muôn dặm đường xa nữa nhé.

Đúng như Trụ Vũ từng viết: hình như mọi kiến giải của ý thức đều không đi về đâu cả. Nhiều bài thơ của ông không chịu được sự giải thích. Nếu ta giải thích ,bài thơ sẽ tan biến ngay.Vậy thì ta cứ đọc thôi ,tự nó sẽ thẩm thấu vào ta.
Trên đường về bỗng nhiên thơ Trụ Vũ biến tôi thành đứa bé ngày xưa với những lời thật thà :

Bé thơ xin mẹ về chùa
Mẹ hỏi bé, con về chùa mà chi
Sáng nay thầy đã ra đi
Chùa không,thầy vắng con về với ai
Bé rằng con muốn về chơi
Với hoa râm bụt nó cười với con.

Tôi đã về tới chùa rồi đây, hoa râm bụt đã cười với tôi rồi đó. Tôi biết sẽ không bao giờ mình có được nụ cười của Ca Diếp trước cành hoa của Đức Phật. Nhưng mùa Vu Lan này, tôi có thể mỉm cười trước hoa râm bụt trong thơ Trụ Vũ. Như đã biết mỉm cười trước bông thược dược ngoài hàng dậu, hay mùi hoa gạo rưng rưng trong thơ Quách Thoại ngày nào.

Huỳnh Như Phương

3 thoughts on “Buồn Kỷ Hà – Thơ Trụ Vũ

  1. Hà không biết mình có nhớ đúng hay không. Chỉ nhớ là hồi đó đọc tập thơ của Phạm Thiên Thư “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” hay là “Ngày Xưa Hoàng Thị” không nhớ chắc có gặp một bài thơ của Trụ Vũ đâu đó trong lời tựa hay lời bạt hay bìa sách. Bài thơ như thế này:

    Giấc mơ nhỏ bé vô cùng,
    Một căn nhà nhỏ hai vồng khoai lang.
    Thế mà thôi lạy mười phương,
    Hai mươi năm lẻ chưa tròng ước mơ.

    Sau khoảng thời gian này Hà không còn nhớ bài thơ nào nữa. Đây là những bài thơ Hà đọc vào lúc mười chín hai mươi tuổi. Cuộc đời đưa đẩy, cuộc sống xáo trộn quá không còn tĩnh tâm để đọc thơ, mà đọc thì cũng không thấm không nhớ.

    1. Một giấc mơ rất nhỏ chỉ căn nhà lá với vồng khoai lang mà lạy mười phương trong 30 năm không được trời ban cho.
      Mai thì nhớ ở đâu đó trong những cuốn sách của Thầy Nhất Hạnh không nhớ cuốn nào có bài thơ này. Có những bài ông viết đọc lặng người.

Leave a Reply