Nồi bánh chưng của Mẹ – Hồng Tước

April 26, 2016 (TM)
(Anh Ái Văn chuyển từ chị Hồng Tước (em gái của ca sĩ Kim Tước ))

 

Nồi bánh chưng của Mẹ
Hồng Tước

Tôi không biết Mẹ tôi bắt đầu nấu bánh chưng từ bao giờ, chỉ nhớ rằng khi tôi còn nhỏ chút xíu ở Hà Nội đã thấy Mẹ cứ gần Tết thì sửa soạn nấu bánh. Hồi đó, gia đình tôi còn ít người nên nồi bánh cũng chỉ nhỏ thôi. Nhưng rồi, theo sự “bành trướng” của gia đình, nồi bánh cũng lớn theo. Thế rồi khi chúng tôi di cư vào Nam, không phải chỉ một mà tới ba nồi. Gia đình tôi không đông người , nhưng chúng tôi đều đã lớn.

Cứ đến gần Tết Mẹ tôi lại bận rộn mua thịt về ướp, đãi đậu, ngâm nếp…Tất nhiên chúng tôi phải xúm vào để giúp Mẹ sau giờ học và những ngày nghỉ. Mẹ vừa làm việc vừa dạy chúng tôi.

“Thịt thì phải thịt nách thì bánh mới ướt và mềm. Nạc quá bánh sẽ khô, ăn không dẻo, mất ngon.”

Một chị của tôi liền hỏi :

“Thịt nách thì có cần Lotion Kata không, Mẹ ?”

Mẹ liền ngừng tay, ngửng lên hỏi :

“Lotion Kata là cái gì ?”

Tôi cũng không biết “lotion kata” là món gia vị gì nên lắng tai nghe. Chị tôi vừa cười vừa đáp

“Ðể phòng hờ có con heo nào bị hôi nách đó Mẹ.”

Thế là mấy chị em chúng tôi cùng phá lên cười. Bây giờ tôi mới nhớ đến quảng cáo trên báo hàng ngày. Mẹ cũng cười, nhưng nụ cười nhẹ và ngắn, rồi lại lên tiếng nhắc nhở :

“Này, nhớ cho muối vào nếp rồi xóc đều lên nhé. Năm ngoái, bánh nhạt thếch, ăn vô duyên quá, lại dễ thiu.”

Chị tôi lại nói đùa :

“Làm sao thiu được, hà Mẹ. Bánh chưa kịp giở chứng thì đã hết veo rồi. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống mà, Mẹ.”

Lần này thì Mẹ không cười nữa mà có vẻ mặt hơi buồn. Chị tôi nói đúng, nhà đông người, mấy cái bánh chưa hết Tết đã hết veo. Bố tôi chỉ là một công chức hạng trung nên lương bổng cũng chẳng bao nhiêu, đủ tiền cho chúng tôi đi học bằng chị bằng em đã là may rồi. Tết có nồi bánh chưng, có vài cây giò, hộp mứt, vại dưa chua…cũng đã là sang, còn nhiều ít đâu đáng kể. Vì năm nào cũng nấu bánh chưng, chúng tôi coi việc xum họp quanh mẹ để nấu bánh là một hình thức ăn Tết với gia đình. Ðến đúng ngày Tết, chúng tôi lại đi chơi, thăm bạn bè, họ hàng, chỉ có một mình Mẹ ở nhà để tiếp khách đến chúc Tết mà thôi.

Cái lệ xum họp quanh nồi bánh chưng của Mẹ kéo dài khá lâu, suốt thời gian chị em tôi học trung học. Rồi đến ngày chị tôi đi lấy chồng, tôi và em tôi cũng có người yêu, nồi bánh chưng ngày Tết bắt đầu giảm bớt người vây quanh. Nhưng không vì thế mà Mẹ tôi không tiếp tục nấu bánh. Mẹ lại thui thủi một mình ngâm nếp, đãi đậu, ướp thịt…và ngày Tết chúng tôi vẫn được ăn bánh chưng thỏa thích đến độ…”dửng dưng”.

Khi chúng tôi có gia đình riêng, nhà thêm vắng vẻ, thế mà mấy nồi bánh chưng của Mẹ đã không giảm sút, lại tăng thêm nữa. Mẹ không nấu một lần như khi chúng tôi còn ở nhà mà nấu trước Tết nhiều ngày để có đủ bánh cung cấp cho gia đình của các con. Số bánh tăng nhiều mà vẫn chỉ có một mình Mẹ cặm cụi lo hết mọi việc. Khi chúng tôi có con, công việc gia đình riêng lại bận hơn nữa, tất nhiên không ai có thì giờ về giúp Mẹ trong mấy ngày cuối năm. Thế rồi khi nhận được bánh, chúng tôi cũng có chút áy náy trong lòng và thương Mẹ tận tụy với các con. Thật ra, chúng tôi chỉ áy náy xuông thôi vì chuyện gia đình riêng cũng còn ngập đầu ngập cổ. Ðã có lần, chị em chúng tôi bàn nhau xin Mẹ đừng nấu bánh chưng ngày Tết nữa vì người ta đã bán đầy đường đầy chợ, Mẹ đã lớn tuổi cần nghĩ ngơi. Mẹ chỉ cười, không nói gì. Ðến Tết chúng tôi vẫn nhận được bánh. Mẹ giải thích :

“Mẹ không có tiền để lì xì cho các con, chỉ có mấy tấm bánh lấy hên vào ngày Tết. Nếu bỏ cái lệ bánh chưng ngày Tết, Mẹ chẳng còn gì nữa.”

Chúng tôi cảm động, bùi ngùi. Bánh của Mẹ bây giờ đối với chúng tôi là loại bánh ngon nhất mà tất cả các bánh bán ở các tiệm đều thua xa. Mỗi lần đưa miếng bánh lên miệng, tôi lại nhớ tới hình ảnh cần cù vất vả của Mẹ.

Khi miền Nam xụp đổ, chúng tôi trở thành tay trắng hết, cơm chẳng có mà ăn, phải ăn bo bo hoặc sắn hoặc khoai trừ bữa, Mẹ tôi mới chịu bỏ cái lệ bánh chưng ngày Tết. Bố tôi mất việc, nằm nhà, cũng chẳng có gà mà đuổi nữa. Mẹ tôi vất vả chạy ngược chạy xuôi ngoài chợ trời, miếng ăn hàng ngày còn chả đủ, tiền đâu mà mua thịt, mua nếp. Cái Tết đầu tiên không có nồi bánh chưng ấy, Mẹ buồn lắm. Chúng tôi đến chúc Tết, Mẹ chỉ cười gượng. Thế mà khi gia đình chị tôi vượt biên thành công, sang được Mỹ, Tết năm đó Mẹ lại nấu bánh chưng. Mới đầu chúng tôi tưởng chị tôi đã gửi tiền về biếu Mẹ, nhưng không phải, anh chị mới được định cư, cuộc sống chưa ổn định, đã làm gì có tiền gửi về giúp gia đình ngay. Mẹ cho biết Mẹ buôn bán ngoài chợ trời cũng để dành được chút tiền, nay đem hết ra nấu bánh mừng gia đình chị tôi đã tìm được tự do. Thế rồi chị em chúng tôi cũng lần lượt vượt biên. Khi đã được định cư ở Mỹ, chúng tôi lo ngay việc bảo lãnh cho Bố Mẹ sang đoàn tụ. Ðồng thời, chúng tôi cũng gửi tiền về biếu hai Cụ. Cuối năm ấy, tôi viết thư hỏi Mẹ có nấu bánh chưng không ? Mẹ cho biết Mẹ không nấu vì “các con đã đi hết, nấu cho ai ăn ?” Chúng tôi rưng rưng nước mắt nhìn nhau nghẹn ngào. Vừa nhớ vừa thương Bố Mẹ.

Giấy tờ bảo lãnh mới gửi đi được ít lâu thì Bố tôi qua đời sau một cơn bạo bệnh. Mẹ đã định hủy bỏ chuyến đi đoàn tụ với chúng tôi, nhưng mấy chị em chúng tôi cố gắng thuyết phục, Mẹ đành miễn cưỡng sang Mỹ với chúng tôi. Khi gặp Mẹ ở phi trường, tôi muốn bật khóc vì Mẹ gầy ốm và già quá. Nhưng tôi phải cố nén xúc động để vui vơi cuộc đoàn tụ.

Khi Mẹ chưa sang Mỹ, chị em chúng tôi bàn nhau và quyết định không ai được “giữ độc quyền” Mẹ mà mọi người đều phải dành sẵn một phòng riêng để Mẹ muốn ở với ai cũng được và có thể chuyển đến ở với con khác bất cứ lúc nào Mẹ muốn. Nhưng sau mấy ngày ở tạm nhà chị lớn, Mẹ dọn đến ở hẳn nhà cậu em út của tôi. Cậu em này chỉ mới có người yêu và muốn chờ Mẹ sang mới làm đám cưới. Chúng tôi phải tôn trọng sự chọn lựa của Mẹ. Chúng tôi dù rất bận cũng cố gắng một tuần đến thăm Mẹ vài lần. Cuối tuần thế nào chúng tôi cũng tụ họp quanh Mẹ. Dần dần Mẹ cũng vui lên. Rồi chúng tôi thay phiên nhau đưa Mẹ đi đáp lễ những người đã tới thăm Mẹ.

Ngày Mẹ còn bên Hồng Tước

Ngày vui nhất của Mẹ là ngày cưới cô con dâu út. Mẹ được gặp hầu hết họ hàng trong đám cưới. Nhưng sau đám cưới ít lâu, chúng tôi thấy Mẹ bỗng yếu hẳn đi. Chúng tôi lo lắng giục Mẹ đi bác sĩ. Mẹ thoái thác, viện cớ tuổi già, gần chín mươi, thì sức khỏe phải giảm sút, đó là chuyện bình thường, tự nhiên. Chúng tôi không dám ép buộc Mẹ, đành chỉ nhìn nhau lo lắng. Chúng tôi đến thăm Mẹ nhiều hơn, ngay cả những ngày trong tuần. Cho đến một ngày, cô em dâu út tôi thấy Mẹ yếu quá, không thể một mình đứng dậy được, vội gọi 911 để đưa Mẹ vào bệnh viện cấp cứu. Tại đây, sau nhiều thử nghiệm, bác sĩ cho biết Mẹ bị ung thư đã đến giai đoạn cuối cùng, không còn chạy chữa gì được nữa. Trong khi chúng tôi buồn và lo lắm, Mẹ vẫn bình tĩnh, cho rằng sống được đến tuổi này là thọ lắm rồi.

Cho đến một ngày Mẹ đã lâm vào tình trạng lúc tỉnh lúc mê, chúng tôi biết cuộc sống của Mẹ chỉ còn tính từng ngày, cô em sát tôi bỗng đề nghị tất cả mọi người đều xin nghỉ một tuần như nhau để xum họp quanh Mẹ. Chúng tôi đồng ý ngay và trong tuần nghỉ đó, chị em chúng tôi mua nếp, đậu và thịt để nấu nồi bánh chưng dâng Mẹ dù còn nửa năm nữa mới tới Tết. Sau khi đi chợ về, một chị tôi cho biết không mua được thịt nách, chỉ có thịt ba dọi thôi. Mẹ tôi đang nằm thiêm thiếp trên giường bệnh bỗng mở mắt thều thào nói :

“Như thế càng tốt, không phải dùng lotion kata.”

Tất cả chúng tôi ngạc nhiên quay lại nhìn Mẹ. Trên đôi môi héo hắt của Mẹ chúng tôi còn thấy đọng lại một nét cười tinh nghịch. Nụ cười ấy khiến chúng tôi vui như vừa trúng số độc đắc cả trăm triệu Mỹ Kim. Từ lâu lắm, từ ngày Mẹ nửa tỉnh nửa mê, chúng tôi không thấy Mẹ cười bao giờ.

Bánh chúng tôi gói, dù có khuôn, cũng không vuông vức bằng bánh Mẹ gói tay không. Khi bánh đã chín, được nén cho dền và để nguội, chúng tôi mời Mẹ thưởng thức sản phẩm đặc biệt của chúng tôi. Mẹ gượng ngồi dậy, chiều chúng tôi, nếm thử một miếng rồi khen :

“Ngon lắm !”

Chúng tôi biết Mẹ chỉ khen để chúng tôi vui mà thôi…

***

Mẹ sang Mỹ với chúng tôi chưa tới hai năm, nhưng tôi tin rằng trong thời gian đó Mẹ vui vì thấy chúng tôi đã đứng vững ở nơi xứ lạ quê người, vui vì đứa con dâu út thật ngoan và thật hiền. Bây giờ mỗi lần Tết đến, thấy các tiệm bán bánh chưng, tôi lại bùi ngùi nhớ tới Mẹ và những nồi bánh của Mẹ ngày xưa, khi chúng tôi còn nhỏ, quây quần bên Mẹ. Những buổi xum họp ấm cúng đó nay còn đâu.

Hồng Tước

4 thoughts on “Nồi bánh chưng của Mẹ – Hồng Tước

  1. Tôi vừa đọc thấy tên Ái Văn.

    Xin được hỏi : Có phải đây là Ái Văn, đã học ở University of Pittsburgh trước 1975 không ?

    Thân mến,

    Hoa Đoàn, Toi là ban học Nhiếp Ảnh với Tống Mai

    >

  2. From : NguyenMinhNguyet
    April 26 ; 2016

    Chị Hồng Tước ơi , bài viết thật bùi ngùi , cảm động và rất là hay.

Leave a Reply