Những Năm Tiểu Học Của Tôi Ở Huế – Vĩnh Bá

Oct 31, 2017 (TM)

Tôi gởi lên đây một tùy bút của bạn tôi về những năm tiểu học ở Gia Hội, Huế. Đọc những ký ức rõ ràng đó, tôi lại nghĩ đến trường tiểu học Lê Lợi của tôi. Tôi chẳng nhớ gì, chỉ nhớ những buổi trưa đầu tiên vào Mẫu Giáo, Ba tôi dẫn đến trường tôi khóc không chịu vào trường, Ba dỗ không được nên dẫn tôi đến phòng hiệu trưởng, bà hiệu trưởng nói với Ba: “thôi nó không muốn đi học thì cho nó ở nhà đi bán bún bò.” Thế là thất kinh tôi thôi khóc không đòi về nữa.  Học ở đó từ Mẫu Giáo đến lớp Nhất mà tôi chỉ nhớ những buổi chào cờ trước khi về, nhìn chị trưởng lớp hạ cờ xuống tôi nễ lắm, nhỏ nhất lớp nên tôi không bao giờ được giao cho nhiệm vụ gì. Giờ ra về sắp hàng dài nối đuôi nhau ra đường, qua tiệm bánh Pháp nổi tiếng mùi bánh thơm lừng bay ra nứt mũi, bánh mì lạp xưởng, pate chaud … Tôi nhớ có chừng ấy.

Tống Mai

 

 

NHỮNG NĂM TIỂU HỌC CỦA TÔI
Vĩnh Bá

Về quãng thời gian đầu đời học sinh, trong trí nhớ của tôi còn sót lại những mẩu kỷ niệm vụn vặt của 60 năm về trước.

Tôi bắt đầu thời tiểu học ở lớp Năm trường Gia Hội. Cách gọi chính thức ở bậc tiểu học hồi ấy lần lượt là lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, và Nhất, tương ứng với lớp Một, Hai, Ba, Bốn và Năm ngày nay.

Nhà tôi ở đường Ngự Viên (về sau đổi tên là Nguyễn Du), vào tiểu học Gia Hội là hợp lý vì trường cách nhà chỉ mươi phút đi bộ. Nhưng tôi chỉ học lớp Năm ở đây thôi, rồi ba tôi, nhờ có quen biết thế nào đó, đã xin cho tôi chuyển sang trường tiểu học Thanh Long. Ba tôi muốn cách ly tôi với đám trẻ ngỗ nghịch cùng trang lứa trong xóm tôi, lúc ấy cũng đang học ở trường Gia Hội.

Trường tiểu học Thanh Long, lúc thành lập mang tên Queignec, nay là Trường Phổ Thông Cơ Sở 2 Huỳnh Thúc Kháng, nằm trên đường cùng tên, sát bên lò mổ trâu bò gọi là “Nhà Tế Sinh” (mọi người quen gọi là “A-ba-toa” do tiếng Pháp “abattoir”) và chỉ cách cống Thanh Long một quãng ngắn.

Trên vỉa hè hẹp trước mặt trường có hai món hấp dẫn học trò: anh bán kẹo kéo với cái bàn xếp, trên mặt bàn là tấm bảng tròn quay số trúng thưởng. Trẻ con đưa tiền, quay số (mà chẳng bao giờ trúng) và rồi nhận món an ủi là một khúc kẹo kéo ngắn ngủn. Và, chiếc xe “thịt bò khô” với tiếng chiếc kéo lách cách không ngớt của ông bán hàng. Trên cái đĩa nhôm nhỏ là đu đủ xanh xắt thành sợi, chan thứ nước gì đó chua chua và đỏ màu tương ớt, bên trên là miếng thịt bò khô nhỏ xíu. Tôi luôn luôn húp đến giọt cuối cùng cái thứ nước ngon lành ấy, nhiều lần còn thòm thèm mà không còn tiền cho đĩa thứ hai.

Nơi cổng phụ ở đám đất trống bên hông trường là giang sơn quà vặt độc quyền của chị Bạch. Chị có tật ở chân nên phải dùng một chiếc nạng gỗ. Tôi chỉ nhớ mỗi một món gợi thèm đến chảy nước miếng là những trái me chín gọi là “me rốp”. Nay chị đang bán hàng ngoài chợ Đông Ba.

Được xây dựng vào thời Pháp thuộc nhưng trường Thanh Long có một lối kiến trúc đặc biệt. Trường chỉ có một dãy trệt 5 phòng học quay mặt sang Nhà Tế Sinh, đầu hồi quay ra sông Đông Ba. Bên trên đầu hồi có dòng chữ đắp nổi “Trường Tiểu Học Thanh Long”, đã bị đục bỏ khi trường bị đổi tên sau 1975, nay còn dấu vết mờ mờ.

Mái trước không kéo dài ra để tạo thành hành lang tựa trên hàng cột như hai trường tiểu học Gia Hội và Thượng Tứ (nay là trường tiểu học Phú Hòa) khiến cho hai trường này gây cảm tưởng thấp tối khi nhìn từ ngoài vào. Hai mặt trước sau của dãy lớp học đối xứng giống nhau. Mỗi phòng có bốn cửa lớn, hai ở mặt trước, hai ở mặt sau. Từ dưới sân bước lên vài bậc thềm là vào lớp. Bốn cánh cửa lớn lắp kính này đem lại đủ thoáng mát cho mùa hè, và cung cấp đủ ánh sáng cho mùa đông. Tôi không nhớ có bóng đèn điện nào thỏng xuống từ trần gỗ. Viền quanh bốn mặt tường, cao quá đầu chúng tôi, là một dải hoa văn trang trí bằng sơn màu, rất đẹp, mỗi lớp mỗi kiểu.

Khoảng sân hẹp phía trước rải sỏi viên lớn, để khỏi lầy lội vào mùa mưa. Giờ ra chơi bọn trẻ chúng tôi nghịch ngợm ngồi gõ những viên sỏi vào nhau gây huyên náo.

Bước vào cổng, bên phía trái giáp với lò mổ là nhà bác cai trường. Tiếp đó là khoảng trống có mái che cho thầy cô để xe. Rồi đến phòng thầy hiệu trưởng Cao Huy Thuận. Tiếp đó là “Học Cụ Khố” (phòng để đồ dùng dạy học). Nhìn qua cửa kính tôi thấy những lọ thủy tinh chứa những tiêu bản rắn rết và côn trùng ngâm trong formol. Tiếp theo có một phòng học nhỏ đối diện dãy chính. Đây là lớp Tư của tôi, sáu mươi năm về trước.

* * *
Lớp Tư của tôi do thầy hiệu trưởng phụ trách. Tôi ngồi ngoài rìa của dãy bàn thứ ba. Một bữa nọ, thầy đi ngang vấp phải bàn chân tôi vô tình chìa ra lối đi giữa lớp. Tôi đã lãnh một cái tát tai đến nóng cả má! Không hiểu sao thầy có thể tức giận đến mức ấy?

Mỗi sáng thứ hai đầu tháng, sau lễ chào cờ, những học sinh giỏi có vị thứ từ một đến ba thì được phát “bảng danh dự”, vị thứ tư thì được “bản tưởng lệ”. Năm học lớp Ba, lần đầu tiên tôi được thầy hiệu trưởng xướng tên để lên nhận bảng tưởng lệ. Thầy trao giấy khen cho tôi kèm theo lời bình phẩm: “Chà, lâu ngày quá!” vì lẽ suốt năm lớp Tư tôi không đủ giỏi để được nhận giấy khen lần nào.

Còn một sự kiện nữa liên quan đến thầy hiệu trưởng. Một buổi trưa đúng lúc tan trường, thầy đang nhễ nhại rú ga chiếc mobilette của thầy trong nhà để xe, khói lên xanh um, trong khi bác cai đang dùng một khúc que xoi xoi cái gì đó trong ống pô. Một lát sau bác lôi ra được những đoạn thân đứt rời của một con rắn.

* * *
Ngoại trừ năm lớp Tư được ba tôi đưa đón bằng xe đạp, những năm sau tôi tự mình cuốc bộ. Tôi đã mài mòn không biết bao nhiêu đôi guốc mộc trên quãng đường từ Ngự Viên, qua cầu Đông Ba rồi dọc theo đường Huỳnh Thúc Kháng. Đám trẻ con ngỗ nghịch chúng tôi đã bị người lớn mắng cho nhiều bận vì cố tình khua guốc rõ to trên vỉa hè.

Qua hết ba vài cầu, tôi rẽ trái ngay đầu mố cầu để bước xuống những bậc cấp bằng đá Thanh dẫn xuống mặt đường. Những bậc cấp đã mòn trũng vì chân người bước từ hàng chục năm trước. Mỗi lần lên xuống phải bịt mũi nín thở vì nơi đây đã thành nơi phóng uế cho người lỡ đường.

Xuống hết các bậc cấp, qua dưới gầm cầu, trước mặt là đoạn đường thẳng đến trường. Một địa chỉ quen thuộc đầu tiên là tiệm tạp hóa La Ngu, nơi bán đồ dùng học tập. Học trò vào đây mua những viên mực nhỏ như hạt tiêu màu xanh sẫm, hoặc tím, hòa với nước sôi rồi chế vào bình mực xách theo. Hoặc mua cái cán bút gỗ, hoặc mua ngòi bút, hoặc mua những tờ giấy màu cho môn học cắt dán gọi là “môn thủ công”.

Qua khỏi tiệm này chỉ vài căn là một căn nhà hẹp của người bạn cùng lớp tên là Ngô Khôn Phú. Khoảng năm 1973, tôi tình cờ gặp lại bạn ngay trước nhà này. Trên mình đã khoác đồ quân nhân, có lẽ bạn bị động viên năm 1972.

Đoạn đường này còn chứng kiến một kỷ niệm nữa. Bữa nọ, đang đi cùng đám bạn, tôi nhác thấy trên vỉa hè một đôi quang gánh của thợ nhuộm. Ai xui khiến tôi đọc rõ to hai câu thơ báng bổ: “Lạy trời mưa sáu tháng ngày/ Cha con thợ nhuộm ăn mày phen ni.” (!). Chẳng ngờ bác thợ nhuộm đang đứng gần đó: “Tổ cha mi, con nhà ai mất dạy!” Bị chửi cha là quá đúng: hai câu này tôi học được từ ba tôi!

Ở ngay ngã ba Đào Duy Từ và Huỳnh Thúc Kháng, có một dãy nhà trệt chia ra nhiều căn giống nhau. Bạn Nguyễn Cửu Thanh ở tại một trong những căn này. Chị của bạn là Nguyễn Cửu Thu Hương. Không còn nhớ vì nguyên cớ gì mà tôi lại đánh nhau với bạn Thanh trong sân trường. Tôi nhớ bạn có vẻ lép vế trước những cú vung tay loạn xạ của tôi, dù chẳng ai đấm trúng địch thủ cú nào. Cách đây mười mấy năm, vào một dịp Tết, tôi tìm về Cửa Trài để thăm, nhưng người vợ của bạn không muốn cho tôi gặp, với lý do bạn không được tỉnh táo. Nay không rõ bạn đã ra sao.

Lớp tôi có nhiều bạn ở đường Đào Duy Từ. Lần nọ bạn Huyến, con bác Huyền làm nghề chụp ảnh, dẫn tôi về nhà. Bạn lấy một tờ giấy in ảnh khổ lớn của ông bố, đem ra ngoài hiên, để khoe với tôi một phép lạ: bạn đặt bàn tay lên tấm giấy trong vài giây rồi giở tay lên. Hình bàn tay in rõ trên giấy, có màu nhạt hơn trên nền nâu thẫm của tờ giấy ảnh đang bị lộ sáng. Vài giây sau đó, tấm giấy trở màu đen hẳn. Rồi một đêm nọ, vào khoảng những năm 80, bạn Huyến lù lù trước cửa nhà tôi lúc tôi đang loay hoay sửa máy chữ cho khách. Bạn thở ra mùi rượu. Và bạn lí nhí gì đó về chuyện đang lỡ dở một cuộc nhậu đâu đó gần đây mà thiếu tiền! Tôi đang lúc nghèo, chẳng giúp bạn qua được cái eo nhậu.

Bạn Trần Quốc Sửu ở cách bạn Huyến mấy căn. Tôi mê mẩn nhìn bạn vẽ thủ môn Rạng đang bay người chụp trái bóng trước cầu môn. Hoặc hình vẽ anh cao bồi cưỡi ngựa đội cái mũ đặc trưng.

Qua cống Thanh Long một quãng ngắn là nhà bạn Nguyễn Khánh Lộc (mới qua đời tháng trước thôi!). Tôi nhớ sáng sớm ngày 12-11-1960, với vẻ mặt nghiêm trọng, bạn hạ giọng: “Tổng thống bị người ta kề dao vào cổ!” Ngày hôm trước, 11-11-1960, đã xảy ra cuộc đảo chánh bất thành chống ông Ngô Đình Diệm.

Bên kia cống Thanh Long còn có nhà một bạn gái là Đinh Thị Bách Nhẫn. Một bạn nữa ở đoạn đường này là Đào Minh Trường. Mười mấy năm trước, tôi tình cờ gặp lại Trường tại buổi đám hỏi một học trò cũ. Hóa ra bạn là anh họ của cô học trò này.

Có lần tôi cuốc bộ về chơi nhà bạn Hà Thúc Cần ở khúc quẹo sông Đông Ba nơi Bao Vinh. Ngay nơi khúc sông vòng cung này, tôi đã có mặt trong đám đông hiếu kỳ để chứng kiến một bi kịch: chiếc tàu gỗ chở khách tên là “Kinh Đô” chìm nơi đây. Tôi còn nhớ như in hình ảnh xác một bà cụ được khiêng lên bờ trên băng ca. Tôi không nhớ bao nhiêu hành khách đã chết đuối. Ngày hôm sau về lại xem tàu được trục vớt, tôi thấy rất nhiều bao “gạo tạ” (100 kg) chất trên bờ đã bốc mùi chua vì ngâm nước.

Lên lớp Ba, tôi học với thầy Châu. Tôi mãi nhớ ơn thầy vì thầy đã rất nghiêm khắc với mọi lỗi chính tả. Thầy đã dạy cho cả lớp hai bài hát: “Bạch Đằng Giang” của Lưu Hữu Phước và “Bóng Cờ Lau” của Hoàng Quý. Trung Thu 1959, chiều 14 tháng 8 âm lịch, tôi có mặt trong số mấy chục học sinh được chọn, đi thành hai hàng rất trật tự, cuốc bộ theo thầy từ trường Thanh Long sang đến Quốc Học để nhận quà Trung Thu do thân mẫu Tổng thống Ngô Đình Diệm tặng.

Nơi sân sau của trường, vào giờ thể dục của thầy Châu, không ai chạy đua kịp bạn Ngô Càn Nam (RIP) cao lớn nhất lớp dù bạn chạy rất khoan thai. Nhà bạn là tiệm mè xửng Hồng Thuận gần cầu Đông Ba.

Cũng nơi sân sau này, vào giờ ra chơi một ngày mùa mưa, bạn nào đó đem theo cái dù nhảy đồ chơi hai màu xanh đỏ, cuộn lại rồi dùng ná cao su bắn lên trời. Dù bung ra lơ lửng rơi xuống, đám học trò tranh nhau chạy đến nhặt. Một bạn trượt chân trên nền đất bùn nhão, lấm lem cả áo lẫn quần. Cuối sân là một rừng cây chuối, giờ ra chơi cả bầy trẻ con ra đó tiểu tiện lên đầu những cây chuối con.

Sát với bức tường của nhà tế sinh, có một cây bàng cổ thụ. Bọn chúng tôi thường lấy sỏi ném cho rụng mấy trái bàng chín thơm lựng, rồi trèo lên tường nhìn qua cái cửa sổ lá sách hình vòm cung, thấy bên kia đồ tể đang mổ bò.

Lên lớp Nhì chúng tôi học với cô Hương. Nhà cô ở bên kia hàng rào phân cách đám đất trống bên hông trường. Hôm nọ, dịp kiểm tra học kỳ 1 (gọi là “thi đệ nhất lục cá nguyệt”), đến phiên tôi được gọi lên đứng bên cạnh bàn giáo viên để cô khảo bài. Theo lệ, ai cũng phải hát một bài sau câu hỏi cuối cùng. Tôi hát bài gì đó nhưng quên mất giai điệu câu cuối nên chỉ đọc lời bài hát như đọc văn xuôi! Cả lớp cười ồ! Hai người con trai của cô, Hùng và Dũng, cũng học cùng trường nhưng không chung lớp. Tôi nhớ bức tranh vua QuangTrung cưỡi ngựa treo trên vách đối diện bảng đen.

Cuối năm lớp Nhì, trường thuê rạp xi-nê Gia Hội để phát phần thưởng. Có tôi trong số học sinh được vinh danh.

Cô Bê dạy chúng tôi năm lớp Nhất. Trông cô có nét lai Ấn Độ. Tôi vẫn nhớ cô hay che dù đi bộ đến trường.

Cuối năm lớp Nhất, tôi cũng nhận được phần thưởng, và rồi từ giã quãng đời tiểu học êm ấm, để bước vào những năm trung học nhiều biến động khổ đau.

Liệu có còn trên đời bốn thầy cô cũ của chúng tôi? Và đám bạn cũ còn sót những ai?

Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây. Bạn nào đã từng học chung trường dạo ấy, tình cờ đọc được, xin đính chính chỗ nào tôi nhớ nhầm, hoặc bổ sung thêm kỷ niệm.

Trường xưa dù đã mất tên,
Tình thầy nghĩa bạn vẫn bền không phai.

Nguyễn Phúc Vĩnh Bá
Huế – 29-10-2017

 

Nhìn từ lề đường phía bờ sông
Mặt trước 5 phòng học
Mặt sau
Cửa ra vào
Lớp Tư của tôi ở chỗ có cái loa
Sau lưng trống hồi là chỗ để xe của thầy cô

2 thoughts on “Những Năm Tiểu Học Của Tôi Ở Huế – Vĩnh Bá

  1. Ban Vinh Ba.
    Tinh co thay ten cua ban tren Mang nay. Day la Nam. Hoi xua chung Ta thi Tu Tai 1 Sau do minh qua Quoc Hoc Tu Tai II roi di thang qua My cung nam voi Hong. Gan 49 nam roi.
    Neu Cac ban nao co duoc email cua Vinh Ba Xin vui long chuyen Cai thu nay. Cam on.
    namhnguyen1@gmail.com
    Nguyen Huy Nam

Leave a Reply