Đường Ngả Giữa – Lương Thúy Anh

Oct 21, 2017 (TM)

Dạ, chị ơi, em gởi chị “Đường Ngã Giữa.”
Bài ni em đóng vai người anh đi xa lâu, chừ về tìm lại nhà một vài người bạn cũ trên con đường xưa.
Em Thúy Anh

 

 

ĐƯỜNG NGẢ GIỮA, NGÀY TRỞ LẠI
Lương Thúy Anh

Chuyến xe taxi đưa tôi từ sân bay Phú Bài dần dần rút ngắn con đường vào trung tâm phố Huế.

Gần ngang ngã rẽ về Đập Đá dẫn đến khách sạn Hương Giang, nơi tôi đã đặt chỗ ở sẵn, tôi bỗng đổi ý, vỗ vai anh tài trẻ tuổi: “cho tôi qua Ngã Giữa đã nghe”

Tài xế có vẻ ngơ ngác, tôi chợt hiểu, các em thế hệ sau này chắc chẳng mấy ai đã nghe tên con đường Ngã giữa. Tôi bảo em, “là con đường ngay dốc cầu Gia Hội, song song với đường Huỳnh Thúc Kháng.

Xe dừng đầu đường, vì đây là đường một chiều, tính từ cửa Đông Ba trở ra.

Tôi ra dấu cho tài xế chờ ở đây, và thả bộ ..

Con đường này, một thời vẫn gọi là đường Ngã Giữa, tên thật là đường Phan Bội châu, và chừ lại là Phan Đăng Lưu. Và xưa hơn nữa còn là đường Gia Long.

Có vẻ như vật đổi sao dời quá nhiều.

Căn nhà cao tầng ngay đầu đường, tôi ngẩn nhìn lên cao, cố gắng nhớ giữa hai tên gọi ngày trước là Phú Nghĩa, hay Nghĩa Thái hè. Trong trí nhớ bỗng dưng không thể gọi chính xác tên, nhưng từ xa thăm thẳm, tôi vẫn nhớ cửa hàng này ngày ấy có một món hàng mà em gái tôi và cô bạn đã đến mua , đó là những chiếc vòng, và những chiếc lục lạc bằng đồng, hai cô em chuẩn bị cho lễ ra trường năm lớp 12 Đồng Khánh, để lớp các em sẽ múa vũ khúc Tiếng Trống Cao Nguyên .

Dãy phố vẫn nhộn nhịp buôn bán như ngày xưa, bao nhiêu là cửa hàng với các mặt hàng rộn ràng người mua kẻ bán, những vị trí còn nằm im trong tôi, chỉ có là chừ đã thay tên đổi họ.

Nơi này, xưa là tiệm ảnh Mily, có mấy chị em xinh xinh, hiền lành, một trong ba cô đã ra đi vĩnh viễn vì một căn bệnh hiểm nghèo.

Tôi vẫn không thể quên Ông bà Xu, hay ngồi ngóng ra cửa mỗi lúc rãnh rỗi, phòng Nha Khoa, hồi đó hay gọi là phòng răng thôi. Ông Bà có một người con gái duy nhất mà tôi hay gọi là Phùng, tên khai sinh của cô là Bửu Ngọc, như đã nói lên sự nâng niu yêu quý của hai bác đối với người con gái yêu dấu.

Thái Hòa Đường, tiệm thuốc Bắc của gia đình bạn em gái tôi, vẫn ở vị trí này nhưng chừ thật khó để nhận diện.

Tôi thả bộ đến ngang hàng sen Liên Hương, vẫn giữ tên cũ nên tôi nhận ra ngay, dù cũng đã có nhiều thay sắc đổi hình.

Xa hơn về phía này, có Tiệm Kinh Đô bán chén bát, có Hòa Bình, nhà của anh Thuận, nhà bác Nội sửa xe máy, gia đình Song Hỉ, mè xửng nổi tiếng một thời của Huế.

Khoảng này, bên phía đối diện, có Tiệm đan len Thu Đông, liền kề là nơi chuyên làm và bán đầu lân lớn nhỏ, cứ mỗi lần sắp đến mùa Trung thu, ngang qua đây nhìn các đầu lân nhiều màu sắc thật là vui mắt.

Phía đối diện con đường, những căn nhà chừ thật khó để hình dung ngày xưa là nhà của ai trong số những người bạn hàng xóm mà tôi vẫn lui tới chơi cùng.

Thấp thoáng tôi hình dung tiệm uốn tóc Tân Mỹ Hằng Nga, xê xích đôi chút là tiệm ảnh Lê Viêm nổi tiếng một thời.

Rạp Đồng Xuân Lâu , cũng là một nơi quá quen thuộc với tôi ngày ấy, mỗi lần có hát tuồng là tiếng trống kèn vọng ra mặt đường vui nhộn, chừ sao yên ắng thế này.

Nơi này, đúng rồi, là tiệm bánh Thuận Hưng, một gia đình người Việt gốc Hoa, ông chủ tiệm là người hiền lành và rất ít nói, tiệm bánh của ông đầy đủ các thứ bánh , nhất là vào mùa Trung Thu, những chiếc bánh nướng bánh dẻo, những chiếc bánh hình thú, con heo, con gà, luôn là những hình ảnh bắt mắt của tuổi thơ tôi.

Nhích sang một chút thôi, là vị trí nhà hàng Quốc tế, một trong vài tiệm ăn nổi tiếng một thời vốn hiếm hoi của thành phố nhỏ. Đã vài lần tôi vào đây ăn cùng Ba Mạ. Và ngày tôi thi đậu Tú tài Toàn, Ba Mạ đã cho tôi mời bạn bè nơi đây để chung vui.

Sát bên, có thể tôi nhớ hơi nhầm một tí, nhưng gia đình người Ấn Độ với 3 người con trong một tiệm vải lung linh sắc màu vẫn là hình ảnh ấn tượng ghi lại trong tôi cho đến tận bây giờ. Hình như người chị là Xô Pa, cô em Anita, và người anh cả…

Rồi nhà may Xuân An của Thú Thím Tịnh, cửa hàng An Vân, Nam Hoa, tiệm sơn và hàng hóa linh tinh của gia đình bác Đài, người con trai lớn của hai bác, anh Vĩnh cũng đã qua đời.. .và nhiều lắm những căn nhà, những cửa hàng , có khi vẫn còn nằm như in trong trí nhớ, nhưng đôi lúc bỗng mất tăm bằn bặt như không còn chi dù chỉ là một chút xíu mô đó.

***

Chiếc máy bay đưa tôi rời xa Huế thêm lần nữa.

Qua khung cửa kính, thành phố xa dần , mờ dần , bỗng dưng như bé nhỏ làm sao. Những áng mây trắng bàng bạc chờn vờn bên ngoài như những mảng bông gòn mà ngày xưa tôi hay chạy ra tiệm thuốc tây gần đó mua về cho Mạ.

Những mảng mây trắng ấy từa tựa như mấy đám mây trôi bảng lảng trên bầu trời của con đường thân quen ngày ấu thơ, tuổi mới lớn, con đường tôi đã ở đó, ra đi từ đó …

Và ngày trở lại…

Lương Thúy Anh
Huế, tháng Chín 2017

 

Leave a Reply