April 25, 2018 (TM)
ĐỒNG KHÁNH, NGÔI TRƯỜNG CỦA NHIỀU THẾ HỆ
Lương Thúy Anh
Niên khóa 1967-1968, tôi từ giã cấp tiểu học, và rồi trở thành nữ sinh trường Đồng Khánh.
Trước đó vài năm, hai người chị lớn của tôi đã vào học trường này.
Nhưng trước khi mấy chị em tôi là nữ sinh Đồng Khánh, thì một thời khá xa trước đó, mạ tôi cũng đã là nữ sinh của ngôi trường ấy.
Thỉnh thoảng rảnh rỗi, mạ và các con gái ngồi lại bên nhau, tôi vẫn còn nhớ mạ mình hay thủ thỉ kể chuyện năm xưa.
Mạ rằng là: “thời mạ đi học, học trò toàn là đi bộ, nhà mô có điều kiện thì đi xe kéo, là một loại xe tựa như xích lô thời chừ, nhưng do sức người kéo chạy chứ không có đạp bằng chân.”
“Trường Đồng Khánh lúc nớ chưa đẹp như chừ mấy đứa bây học mô, còn đơn sơ lắm.”
Có một thời gian, đồng phục của trường là áo dài màu tím, mạ vừa nói vừa đưa tầm mắt cố tìm một màu tím để minh họa cho màu tím đó, nhưng tôi thấy mạ chỉ một màu tím của một vật dụng trong nhà, chỉ là màu tím pha xanh đậm chứ hoàn toàn không phải tím Huế như chừ.
Mạ nói tiếp: “mà tím cũng không được giống nhau mô, áo mỗi người một sắc tím, vải vóc hồi nớ có mô được như chừ, nên may cho đồng màu khó khăn lắm”. Tôi hiểu điều này, ngày xưa ấy vải chỉ là chất vải thô, nhuộm màu, hoặc là vải lụa sơ sài với sắc tím chưa sắc sảo như một thời sau này và hiện này.
Mạ lại kể…”nữ sinh học ở đây gồm có nhiều nơi khác đến học nữa, và những nữ sinh ở xa, nếu trong thành phố Huế không có nhà người thân quen để trọ , thì xin vào trường để nội trú. Khu nội trú của học sinh ở dãy lầu bên trên, mỗi phòng có nhiều gường sắp đặt ngăn nắp, trật tự, và còn có cả phòng ăn dành cho học sinh nội trú” .
Câu chuyện kể về ngôi trường nữ kì cựu và nổi tiếng ấy của mạ thường bị đứt quãng…hay có khi mạ tần ngần, như cố gắng để nhớ. Cũng phải thôi , mạ tôi học một thuở rất xa, xa lắm so với thời của mấy chị em tôi, nên đến lúc mạ đã qua quá nửa cuộc đời, vẫn còn có thể nhớ một số chi tiết đã là quý hóa lắm rồi.
Thời gian tôi học ở trường, nữ sinh luôn mang áo dài trắng quần dài trắng, riêng học sinh đệ nhất cấp, tức là từ lớp đệ thất đến đệ tứ, được phép mang áo đầm trắng xen kẻ với áo dài. Vào mùa mưa thì có thể mang áo dài màu xanh đậm, quần dài trắng, dù mưa lớn, hay trời lạnh đến mấy đi nữa, vẫn luôn là đồng phục như thế. Hiện nay thì các em học trường này, có thể mang áo dài trắng vài ngày trong tuần do trường quy định, các ngày còn lại có thể mang áo quần Tây. Trên ngực áo bên phải, luôn là bảng tên của mình, bảng tên do học sinh tự thêu trên một mảnh vải trắng, gồm họ, tên, trường , lớp, thêu màu chỉ xanh đậm, và theo quy định, đệ thất chỉ thêu viền khung bên ngoài là màu gạch, đệ lục màu xanh lục, đệ ngũ vàng tươi, đẹ tứ viền chỉ màu đỏ, lên đệ tam màu xanh đậm, đệ nhị thì màu hồng và lớp cao nhất, đệ nhất màu tím Huế.
Thuở ấy, vào giờ Thể dục, nữ sinh mang áo quần tây, gọn gàng để thực tập các động tác, nhưng sau giờ học ấy, sẽ thay lại bộ áo dài đồng phục. Quanh năm như thế, chỉ chuyên mang tà áo dài đến trường, và chiếc nón lá gần như luôn đồng hành cùng nữ sinh Đồng Khánh, dù là đi trên xe đạp, được gia đình chở bằng xe máy, hay trên mấy chuyến xe buýt cũng vậy, nón lá toàn nón lá.
Học Đồng Khánh khoảng thời gian tôi vào trường, môn mà các nữ sinh thích nhất là nữ công gia chánh, tiếc rằng một tuần chỉ phân có một giờ. Nếu tuần này học thêu may, thì tuần sau học nấu ăn, học sinh chia nhau thành từng nhóm để thay phiên học, do trường có riêng một phòng dành dạy nấu ăn, nhưng phòng nhỏ, không thể cả lớp cùng vào học được.
Lứa học trò của chúng tôi ngày ấy được các cô giáo dạy nữ công gia chánh rất tận tình, tôi mãi nhớ Cô giáo Bửu Tiếp, do lúc ấy cô khá lớn tuổi nên học sinh thường gọi cô là Bà. Và cô giáo Hoàng Kim Cúc.
Từ ngôi trường này, tôi học thêu áo gối, may áo quần sơ sinh, rua khăn tay, cắt may các kiểu áo đơn giản… Các tác phẩm thêu may của các lớp, luôn được chọn lại để đem triển lãm vào ngày Hội trường hàng năm, hồi ấy tôi nhớ trường chọn ngày húy kị của Hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị để làm lễ Hội Trường, vào dịp lễ này, học sinh toàn trường cắm trại ngay trong trường theo đơn vị lớp, rồi thi nấu ăn, thi nấu cơm chạy kiểu Vua Quang Trung vừa đi đánh giặc ngoại xâm vừa nấu cơm, có lớp thì bày biện bán hàng ăn, thi nhảy bao bố…
Và hàng tuần như thế, ngang qua năm này năm khác, nữ sinh được học qua rất nhiều món ăn, món Huế, món Tây… đều được cô giáo Hoàng Kim Cúc tỉ mỉ chỉ vẻ, rồi khi món ăn hoàn thành, nhóm học ngồi lại bên cô, cùng ăn thử thành phẩm của chính mình làm và lắng nghe cô phân tích cái đã được, điều chưa suông, đề rút kinh nghiệm sau này.
Ngang đây tôi xin dành một khoảng lặng để tưởng niệm hai cô giáo dạy nữ công gia chánh, Cô Bửu Tiếp và cô Hoàng Kim Cúc.
***
Tháng ngày năm cũ như thể làn gió, cứ lao vun vút, bay ngang qua đời rồi mất hút tận nơi đâu, xa lắm, bất giác lắm khi tôi phải thảng thốt … “thời gian ơi xin dừng lại”
Xin thời gian dừng lại, dù chỉ là tạm thời thôi, cho tôi kịp khắc ghi, lưu giữ những mảnh kí ức đang từng ngày vụn vỡ, rơi lẻ tẻ trong tâm trí, tôi ngại rằng, một ngày nào đó gần đây thôi, những mảnh vụn ấy sẽ hoàn toàn tan nát, hòa tan vào cát bụi, rồi mịt mù như một thời thơ dại, nhòa lần, mất hẳn…
Nhưng làm sao đây, có ai tài giỏi để níu giữ được bước chân vô hình mà thoăn thoắt của thời gian.
Luong Thuy Anh
Hue, 25 thang Tu, 2018
Bài viết dễ thương
Mỗi lần chị quên mang bản tên là sợ bị phạt lắm, cứ lấy cartable che ngực để khỏi bị thấy không mang bảng tên, hay lấy giấy xếp nhỏ viết tên lên rồi dùng kim găm vào áo.
Buồn cười hồi đó đi học đã lớn rồi mà ngây thơ tuân kỷ luật trường cái gì cũng sợ bị phạt. Không bao giờ dám cúp cua, mãi đến khi lên lớp 12 (đệ Nhất) mới bắt đầu bỏ học những giờ Anh Văn conversation chán ngắt của thầy David Bourquin.