Trần Thúc Nhẫn, Bến Ngự và tôi – Nguyên Huệ

Feb 14, 2016 (TM)

Trong đoạn tùy bút này của bạn mình, tôi biết thêm về con đường Trần Thúc Nhẫn hồi xưa nơi tôi hay lai vãng vì có vài người bạn và thầy cô dạy Đồng Khánh của tôi ở, nhưng mến nhất là đoạn tả cậu bé rụt rè lớn lên, trường học đầu tiên là chùa và thường nhật của đời học sinh của mình ở chùa:

“Lớn lên một chút, bước chân đầu tiên ra khỏi sân chơi Trần Thúc Nhẫn, là lúc tôi 5 tuổi được dẫn lên học trường Hàm Long của chùa Bảo Quốc, nơi tôi đã được quy y với thầy Trí Thủ, học “dự bị” lớp năm với cô Thị Chánh và Cô Lan. Lớp học ở khu đất thấp phía trái chùa, đối diện nghĩa trang chùa với các tháp vôi xưa đã đen đúa và có rất nhiều cây mít, phía sau là một rừng tre vang những tiếng kẻo kẹt ma quái mỗi khi có gió lùa.

Học sinh là những đứa bé ở xóm chung quanh chùa, hoang nghịch vô cùng, tôi thật sự lạc lỏng, mỗi lần ra chơi thường ngóng về phía chùa, chờ bóng áo nâu của thầy Đức Phương, giám thị của trường, đến dẫn tôi lên văn phòng cho ngồi xem báo “Thế Giới Tự Do”. Hôm nào không có thầy, tôi buồn rụt rè đi quanh sân chùa rộng, đất đỏ có hai hàng cây nhãn già rợp bóng bên lối vào chánh điện, hay ra phía sau chùa bên phải có cây ngọc lan rất lớn lượm vài hoa rụng màu trắng ngà thơm ngát về cho mạ, rồi ngồi chơi một mình ở gốc cây tôi không biết tên nằm gần nhà bếp của chùa, bên kia là phòng làm việc của thầy Sự, rễ cây thòng xuống chung quanh, với tay hái vài lá non còn búp mở ra sẽ có những con gì nho nhỏ màu đen chạy ra chạy vào rất vui mắt, tôi cứ gọi nó những con chó con. Có khi lại ngồi ở cổng Tam Quan trước chùa, chốc chốc nghe bốn tiếng chuông vẳng từ chánh điện, ai đó đang làm lễ, hay những tiếng tụng kinh đều đặn các chú tiểu đang học kinh, nhìn xuống những bậc cấp sâu hun hút bên dưới nối tiếp con đường thẳng tắp chạy ra phía ngoài đường chính, một cảm giác xa rời thế tục.”

Tống Mai – Feb 14, 2016

 

Trần Thúc Nhẫn, Bến Ngự và tôi
Nguyên Huệ

Phở lóc cóc đường Trần Thúc Nhẫn. Photo: PhPo

Thêm một năm nữa trôi qua, trừ vài lần về Huế ngắn ngủi, nhẩm lại thời sinh trưởng ở Huế của tôi quá ít so với thời gian chia xa, nhưng lạ thay Huế gần như đã lấp đầy những khoảng ký ức để rồi bồi hồi khi ai đó nhắc về Bến Ngự, có Trần Thúc Nhẫn nơi tôi sinh ra và lớn lên mà giờ này tôi vẫn còn nhớ từng cành cây ngọn cỏ, từng con người góc phố hay cả những mùi hương.

Trần Thúc Nhẫn, trước 1956 tên là Rue Doudart de Lagrée (tình cờ biết do xem họa đồ của nhà mình hồi xưa do kiến trúc sư Hồ Đắc Cáo vẽ năm 1953), từ đường Lê Lợi bờ hữu ngạn sông Hương cạnh dinh tỉnh trưởng cắt ngang đường Nguyễn Huệ gặp đường Nguyễn Hoàng trước chợ Bến Ngự, chỉ dài khoảng 600 mét, hơi hẹp, không hàng quán hay công sở nên ít ai biết đến. Lớn lên cùng với nó từ khi đường còn tối thui không đèn đêm đến khi có đèn điện vàng rồi chuyển qua trắng, khi đường còn là sân chơi của trẻ nhỏ đi xe đạp, chạy diều, hay đánh vũ cầu … Những bãi cỏ xanh ở lề đường trước mặt nhà thỉnh thoảng người giúp việc cắt tỉa bằng “lưởi hái” y như của thần chết, hoặc có khi cắt với lưỡi liềm và hai sọt tre gánh hai đầu, thỉnh thoảng có đàn bò đi qua, trẻ con ơi ới gọi nhau ra xem và tôi còn nhớ chú bé chăn bò trạc tuổi tôi vai mang chiếc tơi lá xơ xác cứng đơ, chân đất, tay cầm roi tre lùa bò ăn cỏ, nó nhìn tôi, tôi nhìn nó, không biết lúc đó trong đầu mỗi đứa đã nghĩ gì.

Con đường tuy ngắn nhưng khung cảnh thật linh tinh từ đầu đến cuối. Đoạn từ bờ sông Hương đến đường Nguyễn Huệ, bên trái là sở Lục Lộ, chỉ vài nhà bên phải, có nhà cô Bích Đào (giáo sư Đồng Khánh), góc đường là văn phòng của Cần Lao Nhân Vị trước 1963, sau này là gia đình Nguyễn Văn Tố. Đoạn từ Nguyễn Huệ phía chợ Bến Ngự, phần giáp chợ là nhà phố có ông Nguyên bán thuốc Cẩm Lệ, bà Bá bán thuốc Bắc, ông Soạn bán đồ điện, Anh Tin chụp hinh, tiệm giày của ông Nhiệm, nhà bà Thông Tuân, BS Tôn Thất Hứa, chị Vui cho thuê truyện Lê Phong, GS sử địa Lê Văn Ngạc, bà Nghè Xin, ông phó tỉnh Quãng Trị Đăng Gia Tất, tiếp đến đoạn nhà vườn khoảng mươi nhà ở đoạn giữa từ nhà Viễn Đệ chủ nhà máy vôi Long Thọ, nhà Lạc Thủy Viên, nhà Cậu Bửu Phương con của Ưng Thi (Rex Saigon), nhà Bửu Thạnh có Hùng “ghẻ ruồi” trong truyện Hoàng Ngoc Tuấn “Nơi ai cũng quen nhau”. Đối diện có nhà bà Thị Túc, nhà anh Dũng, anh Trương Quang Phú (GS Anh văn ĐK), Anh Uân (GS Anh văn ĐK), nhà của tôi, nhà bà cô Giáo Thản, dạy trường Nam Giao mẹ anh Ái Huy (tiệm kính Tiên Saigon). Tiếp đến phòng mạch BS Nguyễn Văn Bách và Nhà Viên Lan, hồi xưa nhà lầu nhưng lợp tranh, sau này là nhà máy nước đá. Vì nhà vườn nên hầu như nhà ai cũng có cây ăn trái, nhãn lồng, vải thiều, mảng cầu, cam quýt, ổi…, đêm nào nghe chó sủa nhiều là lúc các “hiệp sĩ” vùng chợ đang hoạt động.

Đôi lúc chó sủa nhiều nhưng lại chuyện khác, đó là ông Bé “ăn thịt chó” đang đi qua, đi đến đâu chó sũa vang trời đến đó, ông ta cũng là người chuyên được thuê đi gỏ mõ và dùng loa bằng tôn để thông báo các chuyện cần thiết của phường xã. Nhưng lần khác thì ngược lại, đó là đêm mồng ba Tết Mậu Thân, trời tối như mực, lờ mờ một đoàn người bị trói vào nhau âm thầm đi ngang trước nhà tôi, không một tiếng chó sủa, hình như lũ chó biết sợ thì phải, tôi bỗng nghe vang lên:

-Bà ơi, bà ơi.

-Im đi.

Đó là tiếng của anh chuẩn úy thuê nhà cạnh nhà tôi đang ở với bà ngoại bị VC bắt ngày hôm trước cùng với tôi, họ đang dẫn anh và những người khác đi đâu tôi không rõ. Mấy tháng sau gia đình tim thấy xác anh ở Khe Đá Mài. Tiếng kêu cuối cùng đó của người hàng xóm này đến giờ này tôi vẫn còn ám ảnh.

Lớn lên một chút, bước chân đầu tiên ra khỏi sân chơi Trần Thúc Nhẫn, là lúc tôi 5 tuổi được dẫn lên học trường Hàm Long, chùa Bảo Quốc, nơi tôi đã được quy y với thầy Trí Thủ, học “dự bị” lớp năm với cô Thị Chánh và Cô Lan. Lớp học ở khu đất thấp phía trái chùa, đối diện nghĩa trang chùa với các tháp vôi xưa đã đen đúa và có rất nhiều cây mít, phía sau là một rừng tre vang những tiếng kẻo kẹt ma quái mỗi khi có gió lùa. Học sinh là những đứa bé ở xóm chung quanh chùa, hoang nghịch vô cùng, tôi thật sự lạc lỏng, mỗi lần ra chơi thường ngóng về phía chùa, chờ bóng áo nâu của thầy Đức Phương, giám thị của trường, đến dẫn tôi lên văn phòng cho ngồi xem báo “Thế Giới Tự Do”. Hôm nào không có thầy, tôi buồn rụt rè đi quanh sân chùa rộng, đất đỏ có hai hàng cây nhãn già rợp bóng bên lối vào chánh điện, hay ra phía sau chùa bên phải có cây ngọc lan rất lớn lượm vài hoa rụng màu trắng ngà thơm ngát về cho mạ, rồi ngồi chơi một mình ở gốc cây tôi không biết tên nằm gần nhà bếp của chùa, bên kia là phòng làm việc của thầy Sự, rễ cây thòng xuống chung quanh, với tay hái vài lá non còn búp mở ra sẽ có những con gì nho nhỏ màu đen chạy ra chạy vào rất vui mắt, tôi cứ gọi nó những con chó con. Có khi lại ngồi ở cổng Tam Quan trước chùa, chốc chốc nghe bốn tiếng chuông vẳng từ chánh điện, ai đó đang làm lễ, hay những tiếng tụng kinh đều đặn các chú tiểu đang học kinh, nhìn xuống những bậc cấp sâu hun hút bên dưới nối tiếp con đường thẳng tắp chạy ra phía ngoài đường chính, một cảm giác xa rời thế tục.

Dạo đó chỉ biết đường Lam Sơn từ chùa Bảo Quốc xuống đương rầy xe lửa, qua quán bún bò Cô Ba, cầu Nam Giao, ngang Đồn Danh Dự (sau 1963 trở thành Trung Tâm Người Thiểu Số), vòng đường Nguyễn Huệ (trước khoảnh đất hoang rộng, về sau ông Nguyễn Hữu Kỉnh -Thủy Lâm- ba của Ng H Châu Phan, mua cất nhà), và đến Trần Thuc Nhẫn, nếu muốn gần hơn, sau cầu Nam Giao đi dọc bờ sông băng qua đường hẻm giữa nhà Ng Tráng và lãnh sự Mỹ là đến nhà mình. Vào lớp năm, lớp tư Lê lợi, tôi tiếp tục trường Phú Vĩnh cạnh Ty Tiểu học, nằm xéo Ty Công Chánh, sau lưng sân đá banh Quốc Học, thì tôi dần dần biết thêm Bến Ngự.

Chợ Bến Ngự có cây thị lớn ở góc bờ sông cạnh đường Phan Đình Phùng, một cái am thờ ở gốc, hồi nhỏ đi ngang cứ sợ ma, nay am vẫn còn đó. Đường Nguyễn Hoàng trước mặt chợ, qua cầu Bến Ngự lên dốc Từ Đàm gặp đường xe lửa, chùa Hải Hội, (tôi cứ gọi là chùa con gấu, vì trước cổng chùa có chuồng nuôi con gấu ngựa, mỗi lần đi qua thich ghé vào xem), tiếp đến chùa Linh Quang, nhà Phan Bội Châu và chùa Từ Đàm nối với đường lên Nam Giao.

Đường Phan Đình Phùng bên hông chợ, bờ sông về phía ga, góc đường là phòng mạch BS Nguyễn Khoa Mân, tiếp đến là tiệm may áo dài Tân Trang, nhà Cô Lan, Viện Hán Học, hồi đó có tapis Nhu Đạo với Maitre Nho. Ngược Nguyễn Hoàng về phía Quốc Học có tiệm thuốc tây Bến Ngự của ông Chúc, tiệm thuê truyện Lê Phong rồi bến xe đò Bến Ngự ở đầu con hẻm lớn vòng ra đến đường Nguyễn Huệ là góc nhà anh Trần Tiễn Ngạc. Tôi còn nhớ những chiếc xe đò như những con bọ hung, hiệu Renault sơn màu lục đậm, chạy theo bờ sông bên chợ ngang qua Lạc Tịnh Viên đến đầu cầu Phủ Cam có trạm dừng, dọc theo con đường trũng giữa Quốc Học-Đồng Khánh ra Lê Lợi để sang phố. Cũng nơi bến xe đò này, hồi đó hay có chiếu ciné công cộng mà tôi đã được xem những phim Ánh Sáng Miền Nam, Chúng Tôi muốn Sống….

Con sông Bến Ngự nơi đây tôi không quên được những ngày mùa lụt đi xem cất rớ, mùa hè tắm sông, dọc hai bờ là những bến giặt và là cầu nhảy cho lũ nhỏ thi tài.

Rồi một ngày tháng 8-1974, đêm trước khi rời Huế, ngồi trong phòng nhìn ra cửa sổ về phía vườn hoa Nguyễn Hoàng, tôi tự nhũ, hãy nhìn đi, hãy nhìn cho kỹ và nhớ những gì hôm nay thấy được vì ngày mai khi rời Huế, rời khung cảnh này sẽ không bao giờ thấy lại nữa.

Đúng thật, năm kia khi trở về Huế những mấy chục năm sau, đứng trên đường Trần Thúc Nhẫn tôi hoàn toàn lạ lẫm như một người xa lạc, ngồi ăn phở bên chiếc xe phở ngay cỗng nhà mình hồi xưa mà không hề hay biết nơi đây từng là nhà của mình, chiếc xe phở mà trước 75 được ông bán phở đẩy từ Trẫn Thúc Nhẫn lên dốc Bến Ngự mỗi chiều mà ai cũng mê tô phở trong có ngọn hành xanh dài quấn tròn trên mặt.  Bàng hoàng nhìn con đường mà xót xa, đây đó còn vài dấu vết của ngày thơ ấu, nhưng đượm vẽ hoang tàn bể dâu, tôi đã thấm thía sự tha hương của mình.

Nguyên Huệ
Feb 12, 2016

Leave a Reply