Sâu Bọ Học Làm Người – Vĩnh Bá

March 25, 2017 (TM)

Đọc lại “The Metamorphosis” (“Hóa Thân” 1915) của Franz Kafka để cố tìm xem ông có nêu lí do anh chàng chào hàng Gregor Samsa tội nghiệp, một sớm mai thức dậy, bỗng thấy mình hóa thân thành một con bọ khổng lồ.

Photo: Internet

Tuyệt nhiên không. Kafka chỉ mượn biểu tượng con bọ để nêu một chủ đề khác.

Đọc lại để mong tìm một kẻ đồng hội đồng thuyền. Nhưng Gregor Samsa là kẻ trong sáng, thậm chí khi đã biến thành sâu bọ, anh vẫn nghĩ đến việc phải tiếp tục đi làm cái công việc mà anh ghét bỏ, để kiếm tiền đỡ đần cha mẹ, để đưa cô em gái vào trường âm nhạc. Trong thân xác sâu bọ, tư duy của Gregor vẫn là tư duy của một con người.

Tôi cũng đã hóa thân thành sâu bọ.
Tự lúc nào và tại sao?
Tự lúc nào tim tôi biến thành một cục đá ong xốp nhẹ, khô kiệt mọi cảm xúc, để rồi lòng khoan dung, sự vị tha, lòng nhân ái trở thành những khái niệm xa lạ với tôi?

Tôi dạy tiếng Anh cho học trò, khi gặp từ “tolerance”, tôi thuyết giảng về lòng khoan dung tôn giáo (religious tolerance), mà sự thiếu vắng nó là cội nguồn của bao cảnh núi xương sông máu, là nền tảng của “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.” (*).  Nhưng lòng khoan dung đã ngỏanh mặt với tôi. Tôi không thể nại cớ “Hiển Chân Phá Vọng” để tự biến mình thành kẻ hung hăng trong lời ăn tiếng nói khi tranh luận, kẻ không dễ dàng chấp nhận sự khác bỉệt nơi người khác, kẻ không sẵn sàng chấp nhận sự bất đồng (agreeing to disagree). Để rồi dần dà tôi biến thành kẻ xa lạ với chính những người thân và bạn bè của mình.

Tự lúc nào chữ “KHIÊM” đã từng rõ nét trong tôi, mờ nhoè dần để rồi còn lại một chữ “khiêm” giả mạo (false modesty)?

Và để biện hộ cho sự vơi dần lòng vị tha trong tôi, tôi đã viện dẫn châm ngôn nổi tiếng của La Rochefoucauld (1613–1680), rằng: “Mọi đức hạnh đều qui về cái lợi cho bản thân, như mọi dòng sông đều đổ dồn về biển cả.” [La Rochefoucauld’s philosophy derives from his pessimistic view that selfishness is the source of all human behavior—a famous maxim is “The virtues join with self-interest as the rivers join with the sea.” (Triết lí của La Rochefoucauld phát xuất từ quan điểm bi quan của ông rằng lòng ích kỉ là cội nguồn của mọi hành vi của con người — một châm ngôn nổi tiếng của ông là “…”)]
Đó là những tự vấn trong những đêm mất ngủ nằm vắt tay qua trán, lòng nhói lên tiếng chì chiết của lương tâm. Tâm trạng lúc ấy giống như tâm trạng của anh lính trên vọng gác (trong truyện ngắn “Tiếng Khóc Dưới Chân Pháo Đài” của Vũ Hạnh), nơi tiền đồn một đêm trời lên cơn lũ, khi tiếng nước vỗ vào chân vọng gác nghe như tiếng khóc ai oán của những oan hồn mà anh lỡ tay bắn giết. Thực ra, không có tiếng khóc nào cả, mà là tiếng lòng, tiếng lương tâm.
Đó là những tự vấn vào những buổi sáng dậy sớm ngồi bên cốc nước trà mà lòng thảng thốt: “Ta đã làm chi đời ta?” (**)
Tôi đã sống rất ơ hờ” (***)

Tôi vẫn nhớ hình ảnh một chàng trai trẻ 23 tuổi, sau ba tháng kiên trì tịnh khẩu, một hôm bước chân ra phố, mắt dõi xa xăm, trên môi là “nụ cười bất tuyệt” (để trông cho giống Đức Thế Tôn!), thỉnh thoảng lẩm bẩm: “Ta sáng suốt chiếu ra mầu Phật tính” (****). (Tôi còn nhớ một vài người đi ngược chiều lộ vẻ ngạc nhiên vì họ vừa thấy một kẻ tâm thần! Xin hãy tha thứ cho sự dại dột (foolishness) của kẻ đầu xanh tuổi trẻ đang chìm trong hoang tưởng).
“Ta là Phật đã thành. Các ngươi là Phật sẽ thành.”
Bạch Đức Thế Tôn, làm người đã khó, biết đến kiếp nào mới đáp ứng được kì vọng của Đấng Đại Từ Đại Bi?
Lột xác là một tiến trình khổ ải (a painful process). Nhưng nếu kiên trì, chắc là được, các bạn ạ. You can make it if you are determined.
There is nothing impossible to him who will try.” (Alexander the Great)
Hỡi các bạn, có lúc nào các bạn thấy thấp thoáng nơi tôi bóng dáng của loài sâu bọ đang biến thái, không phải tốt hơn lên mà theo chiều hướng xấu đi (changing, not for the better, but for worse), xin hãy cho tôi một lời cảnh báo!
Tôi đang học làm người trở lại. Xin hãy giúp tôi!
________________________________________
(*) Nguyễn Du. Truyện Kiều.
(**) thơ Vũ Hoàng Chương
(***) lời nhạc Trịnh Công Sơn
(****) thơ Bích Khê

Vĩnh Bá
Huế, March 2017

Leave a Reply