Đạo Thư Bất Tặc – Vĩnh Bá

March 25, 2017 (TM)

 

(Để tưởng nhớ Thầy David Bourquin, người đã vỡ lòng tiếng Đức cho tôi)

Tôi vào Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn vào năm 1971. Hồi đó sinh viên Sư Phạm được khuyến khích ghi danh học thêm phân ban tương ứng ở Đại học Văn Khoa để khi ra trường vừa có bằng cử nhân giáo khoa của Văn Khoa, vừa có bằng tốt nghiệp sư phạm.

Gặp dịp Đại Học Văn Khoa có mở các khóa Đức ngữ và Nhật ngữ học sau 5.30 chiều, đang lúc ham học ngoại ngữ nên tôi cùng anh bạn cùng lớp ghi danh ngay. Dĩ nhiên là những khóa học miễn phí (giáo dục công lập hoàn toàn miễn phí từ tiểu học lên đại học, ngoài ra sinh viên Sư Phạm và Y Khoa còn được học bổng hàng tháng vì là 2 phân khoa có thi tuyển.)

Lớp Tiếng Đức do Thầy David Bourquin phụ trách. Học viên được phát sách in rất đẹp từ bên Đức gởi sang. Học viên đến từ nhiều phân khoa và thành phần khác nhau, nên khi giải thích ngữ pháp tiếng Đức, thầy nói xen lẫn tiếng Anh và tiếng Pháp để ai cũng hiểu được. Chúng tôi kinh ngạc vì sự chuyển đổi lưu loát của thầy từ Anh sang Pháp mà không có khoảng ngừng.

Sau khi thầy về nước và tử nạn giao thông, lớp được Thầy Lê Bá Nhàn tiếp quản và nhanh chóng tan rã.

Sách học tiếng Đức hồi ấy rất hiếm. Tôi đã phải gởi mua từ Viện Goethe (Trung Tâm Văn Hóa Đức Saigon) mấy bộ sách cấp cao cho cả tôi lẫn anh bạn để tự học.

hue thu vien2Với giấy giới thiệu của giáo sư bộ môn, sinh viên chúng tôi được phép xuống tầng hầm hoặc lên tầng thượng của Thư Viện Đại Học Huế để tìm sách liên quan đến phân môn đang học. Lang thang trong lối đi hẹp giữa các tầng kệ sách lên mùi ẩm mốc, tôi phát hiện một cuốn sách dạy tiếng Đức. Cái từ “Deutsch” hoặc “Deutschland” xuất hiện trên bìa của bất cứ sách báo nào cũng có một sức cám dỗ không cưỡng được.

Vậy phải ghi nhớ vị trí kệ và tầng của sách và bắt đầu âm mưu. Hôm nọ, hai anh chàng ham học mang theo âm mưu cùng lên thư viện.

hue thu vienCác bạn hãy nhìn cái cửa sổ ở góc trên bên rìa phải trong hình (khoanh tròn đỏ). Anh bạn đứng chờ sẵn bên dưới, ngay chân bậc cấp (ở cạnh dưới của ảnh). Tôi đã thả cuốn sách tiếng Đức từ trên đó xuống. Tiếng sách rơi xuống nền gạch vọng lên chỗ tôi, nghe không lớn mà cũng khiến tôi kinh tâm động phách!

Anh bạn cúi xuống nhặt vội, kẹp vào trong cái áo mưa rồi lững thững ra cổng. Tôi chờ cho anh bạn ra khỏi cổng an toàn, mới làm bộ mặt ngây thơ đi xuống tầng dưới ra về, không quên ân cần cảm ơn cô thủ thư nơi quầy.

Sứ mạng thành công!

Tôi với anh bạn cùng cười khoái trá, rồi tự biện minh rằng: “Đạo thư bất tặc”. Ăn trộm sách thì không có tội!

hue thu vien3Đó chỉ là cuốn sách dạy tiếng Đức sơ cấp xuất bản ở Pháp. Trang trong in dấu son của thư viện: “THƯ VIỆN ĐẠI HỌC HUẾ, Đến ngày: 16.11.59, Số: 8983”. Ở bên trong bìa sau, có cái túi đựng tấm thẻ ghi ngày mượn, ngày trả. Tấm thẻ chưa ghi gì, chứng tỏ sách chưa hề được ai mượn. Tôi nhớ nguyên văn tôi đã tự ghi vào thẻ như sau: ‘Vĩnh Bá ăn “tộm” tại thư viện ngày …tháng … năm…’ Nay tấm thẻ lẫn cái túi rơi đâu mất nên không nhớ ngày “hành đạo”. Sách đến thư viện năm 1959, nằm yên trên kệ mười mấy năm chờ tôi đến rước.

Khi tôi say sưa kể lại thành tích này với cô bạn cùng lớp, tôi nhận được cái nhăn mặt tỏ ra không đồng tình với hành vi đạo tặc.

Nhưng ai nỡ hài tội anh học trò (nghèo) mà ham học bao giờ?

Tôi kể chuyện này cho mấy bạn nghe để dễ điểm mặt chỉ tên một “thư tặc”, đừng ai bắt chước tôi, nhỡ không may mà vướng vòng lao lý!

Vĩnh Bá
Huế –  Jan 10, 2917

(Anh bạn đồng phạm trong bài là Trị và cô bạn “nhăn mặt không đồng tình” là Mai đó!)

 

 

Leave a Reply