Chuyện Nhỏ: Vá Xe Đạp – Nguyên Huệ

July 3, 2017 (TM)

 

Bản vẽ: Nguyên Huệ

 

Trời nóng quá, lấy xe đạp định đi chơi một vòng, dẫn xe ra thấy là lạ, nhìn xuống bánh trước thì ôi thôi xẹp lép.
Nghĩ bụng, trước sau cũng phải thay nó, nhưng bây giờ đem đi sửa thì mệt quá mà đang thích đi chơi, trời hôm nay có nắng, hoa tím lại đang nở trong rừng.
Hay là mình vá nó, có thì giờ mà.
Allez ! Thế là tôi lôi thùng đồ nghề ra, lâu lắm rồi không có dịp mở nó, nguyên một bộ đồ nghề còn mới tinh chưa bao giờ đụng đến, đầy đủ tất cả.

Chỉ hơn nửa tiếng, công việc vá xe hoàn tất, chỉ còn bơm lên rồi dọn dẹp và lên đường.
Xoa tay mỉm cười, hai tay chưa kip dơ thì đã xong rồi, đúng là “chuyện nhỏ”.
Định dọn dẹp đồ nghề, nhưng có cái gì đó làm tôi lừng khừng rồi dừng lại. Tôi đợi cái gì thế?  Đầu óc tôi bỗng quay về một quá khứ của đã hơn mấy chục năm ngày ba tôi cho tôi chiếc xe đạp  khi tôi 10 tuổi.  Đây là chiếc thứ ba, tuy cở nhỏ nhưng hoàn toàn giống như xe người lớn, có bánh xe bơm hơi hẳn hoi chứ không phải bánh đặc như những chiếc dành cho trẻ con trước kia.

Mỗi cuối tuần cha con đạp xe lên núi rất thích. Nhưng một hôm bánh xe của tôi bị xì hơi thế nào không biết, nhưng bơm hoài không lên, lo quá, đây là lần đầu tiên bánh xe bị xẹp, tôi chờ đến hai ngày sau mới dám nói với ba tôi.
-Thưa ba, bánh xe xẹp con bơm hoài mà không được.
-Thôi bị “nổ lốp” rồi còn gì, thứ Bảy ba dắt đi vá.

Tôi nhẹ người vì biết chắc không có gì trầm trọng lắm.
Thứ Bảy, ba tôi dắt cả tôi lẫn xe đến tiệm sửa xe ở đầu cầu Bến Ngự phía đường rầy xe lửa nhìn ra bờ sông, trước cửa có cây trứng cá, có một người đàn ông đứng tuổi và một cậu bé chỉ lớn hơn tôi một chút, đang hí hoáy sửa xe đạp.

-Bao lâu thì xong anh?
-Dạ ông cho khoảng nửa tiếng.

Ba tôi dẫn tôi tản bộ dọc bờ sông qua cầu Phủ Cam rồi vòng trở lại, vừa đi ba tôi vừa hỏi chuyện, nhưng đầu óc tôi thì cứ thắc mắc không biết họ sẽ sửa xe tôi ra sao. Ba tôi lay lay tay tôi rồi nói.

-Con thấy không, không chịu khó học hành sau này đi làm thợ sửa xe như thế cực lắm. Thằng bé mới chừng ấy tuổi mà đã phải làm phụ ba nó, con thấy tội không ….

Tôi nghe ba nói mà xốn xang, từ trước đến giờ có khi nào ba tôi nói với tôi như vậy đâu.

Vài tháng sau, bánh xe lại bị xẹp … rồi lại xẹp nữa, tôi lại đem xe ra tiệm để vá, mỗi lần như vậy tôi ngồi xem họ làm nên sau vài lần thì đã biết cách vá.  Lần đầu tôi tự vá và thành công ngay, chẳng có gì khó cả. Tôi khoe với ba tôi, nhưng ông chỉ cười không nói lời nào.
Nhưng đến lần thứ hai, sau khi vá xong lắp vào, bơm lên, một lát sau nó lại xẹp xuống, tiếp tục tháo ra vá một lỗ thủng khác, khi lắp vào thật cẫn thận nhưng cũng lại bị xẹp nữa … Xem xét vỏ xe vẫn còn tốt, tôi thực sự hoang mang, tại sao?  Tôi kéo nó trở ra tiệm, ngồi xem họ làm, cũng giống như mình làm, nhưng trước khi lắp vào ông thợ xe dùng tay rà bên trong lốp, rồi dùng kềm lôi ra một gai nhỏ ghim sâu trong đó, à, tên thủ phạm, mỗi khi bơm căng bánh, tên thủ phạm đó thòi ra lại làm thủng ruột.
Tôi ngồi im lặng nhưng lòng thấm thía.
Ba tôi hỏi: Sao được không con?
-Dạ, ….
-Con ạ, đời không có gì là dễ cả, tất cả đều phải học, học từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ dễ đến khó … một sự cẩn thận, cân nhắc, không xem thường trước khi xong một việc không bao giờ thừa cả.
Đó là bài “morale” đầu đời của tôi, một bài học nhỏ nhưng đã để lại trong tôi một ảnh hướng lâu dài.
Sự cẩn trọng, dè dặt … tốt, nhưng có khi đã tạo nên những “ngập ngừng” không cần thiết trong một đời người, đôi lúc lỡ tàu khi thời cơ chỉ đến một lần …
Oh, xe đã vá xong, may quá bánh xe vẫn còn căng, không bị xẹp, minh có thể dọn dẹp để còn ra rừng chứ.

Nguyên Huệ
July 4, 2017

 

 

 

3 thoughts on “Chuyện Nhỏ: Vá Xe Đạp – Nguyên Huệ

  1. Biết vá bánh xe, Tống Mai giỏi lắm. Mình xem vá bánh xe nhiều lần, nhưng chưa thật sự làm lần nào. Một bài học nho nhỏ nhưng thật là quí giá về sự cẩn thận, và học hỏi, và ngập ngừng.

    1. Hải Hà làm Mai cười vui. Bài này của bạn của Mai viết chứ không phải Mai viết đâu. Cái giọng văn cà tửng lừng khừng này không phải là giọng văn của Mai.

      Lộn xộn lắm phải không khi có 2 người có tên trùng nhau. Nguyên Huệ là pháp danh của bạn Mai và cũng là pháp danh của Mai. Ông thầy qui y cho bạn Mai ở Bến Ngự đặt tên cho bạn là Nguyên Huệ, 10 năm sau ông thầy khác qui y cho Mai cũng ở Bến Ngự trong một ngôi chùa khác cũng cho Mai pháp danh Nguyên Huệ. Thế mới hy hữu phải không cô bạn dễ thương.
      Tống Mai

      1. Mình có thấy đề tên Nguyên Huệ nhưng tưởng đó là bút hiệu khác của Tống Mai. Một sự trùng hợp hiếm có, đúng là duyên của những người bạn với nhau.

Leave a Reply