Chỉ có ngươi dám ngẩng mặt ngợi ca, những thầm lặng, đêm thiêng , không tiếng khẽ … – Nguyễn Hữu Thông

July 16, 2015 (TM)

Một bút ký tôi nhận được của bạn tôi đã lâu, nhưng mỗi năm khi mùa Quỳnh nở thì lại nhớ đến hoa Quỳnh năm xưa của thuở học trò, thuở của hoa bướm mùa xuân, khi những lần cùng bạn thức đêm ở ngôi nhà cổ kính của bạn ở Kim Long, bên gốc Quỳnh ngoài trời khuya, uống trà chờ hàng trăm đóa lặng lẽ khe khẽ mở ra trong đêm tối.

Giờ đây, mỗi năm vào tháng Bảy, bên này bờ đại dương, tôi vẫn ngồi khuya chờ hoa nở ở DC, nhưng cảm xúc của năm xưa không còn nữa dù hoa ở đây cũng tinh khiết trắng và thanh thoát chẳng khác gì hoa quê nhà.
Tôi mạn phép để bài viết này của bạn mình lên đây để cũng thấm thía rằng: “bây giờ, khi cảm thấy đủ điềm đạm để nhìn đời, quan sát và cảm nhận sự ngắn ngủi của một kiếp hoa, tôi mới thấy hết sự quý giá của những khoảnh khắc tự thắp sáng đời mình, cho dù, chẳng bao giờ được thừa nhận một cách bộc bạch trước vầng thái dương.”

Tống Mai
Virginia, July 16, 2015

Mai - quynh hoa - nha xuaty

HƯƠNG ĐÊM
Nguyễn Hữu Thông

Chỉ có ngươi, dám ngẩng mặt ngợi ca,
Những thầm lặng, đêm thiêng , không tiếng khẽ…

Nghe tiếng hát lãng đãng trôi giữa trời đêm, qua khe cửa, tôi thức giấc nhìn ra khoảng sân trước nhà. Trong lung linh ánh bạc phủ khắp vườn cây, một chiếc bóng trắng đang chập chờn, hiện lên trước mắt tôi từ nền khảm tối sáng đang chìm ngập sương khuya.

Chẳng ai sống và lớn lên trong ngôi nhà vườn lại e ngại những hồn ma trong lúc này. Họ cũng không hề thắc mắc có hay không thế giới siêu linh ấy, và nếu có cũng chẳng sao. Sự im lặng của trời đêm, bóng tối, các vì sao, ngàn lá, gần gũi với họ như nhịp đập của sự sống trong lồng ngực.

Tuy vậy, tôi cũng thắc mắc và lên tiếng:
– Hồn ai đang vất vưởng ngoài sân, xin cho biết.

Một giọng nói quen thuộc:
– Ta chứ ai nữa.

Chị tôi luôn có những khúc dạo đêm một mình trong không gian này như kẻ mộng du, nhất là lúc vườn cây được thắp sáng đèn trời.

Vườn đêm luôn huyền hoặc, là không gian lý tưởng để sẻ chia những tâm sự; để những cảm giác lãng mạn được dịp trổi dậy; để những ý nghĩ kỳ quặc có nơi tiếp nhận, và, để có được sự đồng cảm dễ dàng giữa con người với đất trời.

Tôi kéo then chiếc cửa bảng khoa bước ra sân vườn, chị tôi vẫy tay gọi:
– Tới đây, đã đến giờ hoa Quỳnh bắt đầu nở, Để coi, một, hai, ba, bốn…u chà! Có gần cả trăm cái.

Có lẽ đúng như lời chàng chăn cừu trong Les E’toile của A. Daudet đã từng nói: “Nếu một hôm nào đó, nhìn lên bầu trời đêm đầy cả những vì sao, bạn mới hiểu rằng, trong không gian tưởng như yên ắng ấy, có cả một thế giới đang thức trong tĩnh mịch và cô liêu”. Nhìn những đóa hoa Quỳnh nở lặng lẽ trong trời đêm, tôi bất chợt nghĩ đến những vì sao lạc, rạng rỡ như nhan sắc của cô chủ nhỏ, khi nàng tựa đầu trên vai chàng chăn cừu để ngủ, vì không tìm được lối về.

Có những số phận ngắn ngủi góp vào thiên nhiên những chấm son tuyệt đẹp, nhưng lại dễ bị nhân gian bỏ quên khi không cùng đồng loại khoe sắc dưới nắng vàng, trời xanh. Có những loài hoa e ấp bật cánh tỏa hương, nhưng buộc con người phải dõi theo, khám phá. Nếu không đến với nàng đúng lúc, khi ánh dương đã hé lộ từ phía chân trời, thì nàng chỉ còn là cái xác vô hồn trong sắc úa nhụy tàn.

Nhiều ngôi nhà vườn ở Huế tổ chức những đêm ngồi bên nhau uống trà, hoặc uống rượu chờ hoa Quỳnh nở. Bạn bè đồng điệu thường hát cho nhau nghe, xông ấm khoảng trời đêm và sẻ chia câu Đường thi bất hủ: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng – Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”

Vén tấm xiêm y lộng lẫy trong trời đêm, khi bóng tối như chiếc màng nhung đen, khoanh lại màn trình diễn linh nhiệm bên giấc ngũ của bướm ong, nàng lúc này hiện thân như một tác phẩm toàn bích , trong veo và huyền bí, không mảy may gợi lên sự liên tưởng đến hương phấn của những nàng kiều nữ quyến rũ lúc đêm về. Thậm chí, nhìn nàng lúc này, cũng không ai quan hoài đến vóc ngọc của những mỹ nhân liêu trai bên thư phòng nho sinh giữa trời khuya vắng vẻ.

Trong duyên kiếp ngắn ngủi mà tạo hóa đã ban cho, sắc hoa luôn là nhịp cầu để thu hút kẻ mai mối, mang hương nhụy đời mình đến với bạn tình, để thiên nhiên không cắt đứt mối quan hệ muôn thưở của họ là làm đẹp cho nhân gian. Nhưng trong trường hợp này, nàng đã từ chối cơ hội ấy, nàng tự thân hiển hiện giữa trời đêm, kiêu hãnh, lặng lẽ và tinh khiết.

Đài Quỳnh hoa được trang trí với nhiều tua dải màu hồng nhạt, làm nền để tôn vinh những cánh trắng, trong trẻo và mong manh; vượt qua cả biểu tượng sắc màu trong quan niệm thường tình.

Nàng đến và đi trong khoảnh khắc giao hòa giữa hôm nay và ngày mai. Sau những cơn mưa thu, từ trong kẽ lá gầy guộc, khắc khổ, hoa lại nhú mầm tiếp tục nối kết sự mong manh để làm nên vĩnh cữu. Xung quanh nàng lúc nhan sắc bừng lên sức sống huyền diệu, thường chỉ có bóng tối, hay vầng nguyệt lạnh trong sương đêm. Nếu có thêm kẻ sẻ chia bên cạnh, thì cũng phần lớn là những thức giả tri âm.

Dù kiếp sống ngắn ngủi đến mấy, chẳng ai thấy nàng ngậm tiếng thở dài. Là bộ phận làm thay nhiệm vụ của cành, cọng hoa trước khi nhún một vòng lượn để xóa đi sự đơn điệu trong khoảng tiếp nối với lá, đã nâng toàn bộ đóa hoa ngẩng lên kiêu hãnh, hướng đài nhụy đến thế giới của sao trời và cõi chư thiên. Hương hoa lúc này cũng phát táng trong thinh không, theo cách riêng của mình, không sổ sàng, mời mọc, không gợi lên sự chú ý để kẻ khác dõi tìm. Tất cả dường như có, nhưng cũng lại dường như không. Ngồi bên nàng, nếu thức giả là những kẻ hờ hững thường tình, họ đều ngỡ như đang diện kiến với dung nhan hữu sắc vô hương. Bởi, có ai dè, sự dịu dàng, tinh tế, đài các, kiêu sa…, mọi thứ đang ẩn tàng trong gió, một thoáng nàng, mà hương nhụy chỉ dành cho kẻ tri âm.

Mỗi thành viên trong gia đình tôi thường nhìn Quỳnh hoa dưới những góc cảm nhận và ứng xử không giống nhau.
Ba tôi thích luận đến sự tinh tấn của sắc màu, nét tinh khôi của dáng vóc, nết sang trọng, quý phái của hương hoa; ông thường hay so sánh một cách thiên vị giữa nàng với tiểu thư Dạ Lý cũng thường xông nồng hương đêm.

Chị tôi thường sẻ chia với nàng tâm trạng ngắn ngũi của tuổi xuân và nhan sắc, sự hiện hữu trong cô tịch của số phận, cho nên, khi mọi người chia tay, khi tiệc rượu hay chung trà đã cạn, khi nàng đã chín muồi trong rực rỡ, chị tôi thường hái rất nhiều đóa Quỳnh lúc ấy treo quanh mùng để ngủ.

Mẹ tôi không bày tỏ cảm xúc gì, những bà lại là người hóa thân cho nàng khi ánh sáng của bình minh hôm sau kết thúc mọi thứ. Bà ngắt những đóa hoa mới rũ mình từ đêm trước để tách cánh làm món xào với nấm và khuôn đậu cho chồng, hoặc phơi tiếp một nắng cho ủ mình để ngâm rượu tăng bạn bè hay cho cậu con trai. Rượu Quỳnh dưới mắt bà vừa thơm vừa bổ. Khi được nắng, bà phơi dòn những cánh hoa, sau đó tán thành bột, trộn chúng với bột nghệ và mật ong, rồi vo viên như thuốc tể để gia đình bồi bổ. Các vị làm nghề đông y nói với bà rằng, đó là phương thuốc bổ phế, trị bịnh bao tử rất hữu hiệu; chúng có khả năng trị được cả chứng ho lao hay suy nhược.

Đêm nay, khi đứng cạnh chị gái trước hàng trăm đóa hoa Quỳnh, tôi chỉ im lặng. Trước mắt tôi bây giờ, Quỳnh không chỉ là hoa, mà còn là chứng nhân bao phút giây đầm ấm nhất của gia đình tôi, cũng như những kỷ niệm không bao giờ quên bên cạnh bạn bè, những gia đình bằng hữu mà tôi hằng quý trọng, thương mến.

Nhìn thấy cảnh này nhiều lần từ thưở nhỏ, nhưng mỗi lần đối diện với những thảm hoa Quỳnh khoe săc lặng lẽ trong trời đêm, lòng tôi bao giờ cũng tràn ngập cảm xúc.

Mỗi tuổi lớn, tôi lại nhìn “nàng tiên” với xiêm y tinh khiết bằng những liên tưởng và đối xử không giống nhau. Khi còn quá nhỏ, tôi chỉ gật gù lúc bị người lớn đánh thức, mơ màng cùng mọi người thưởng hoa một cách miễn cưỡng. Đến tuổi biết mơ mộng thì đã chịu khó thức ngủ để chọn hái những đóa Quỳnh đẹp nhất, tìm cách đến treo chúng trên song cửa nhà của “nhan sắc” thầm thương trộm nhớ. Đến khi có gia đình, thực chứng những hạnh phúc và đắng cay, nhìn những cánh hoa từ từ mở cánh, khóm nhụy trong lòng hoa cũng xôn xao chuyển mình, không hiểu tại sao tôi lại liên tưởng đến hình ảnh người đàn bà đang chuyển dạ, cố truyền hết sức sống cho con trước khi thu mình và lụi tàn trước ánh bình minh. Và bây giờ, khi cảm thấy đủ điềm đạm để nhìn đời, quan sát và cảm nhận sự ngắn ngủi của một kiếp hoa, tôi mới thấy hết sự quý giá của những khoảnh khắc tự thắp sáng đời mình, cho dù, chẳng bao giờ được thừa nhận một cách bộc bạch trước vầng thái dương.

Có lẽ từ đó…, vườn đêm trong ký ức của tôi không bao giờ vắng dáng Quỳnh.

Leave a Reply