Sept 2016, 2018 – Oct 1, 2020 (TM)
Và cuối cùng, với một trái tim muộn phiền và rỉ máu thì ngay một con dế đeo chuông đích thực cũng giống như một con châu chấu thôi. Sẽ tới một ngày, với cậu hình như cả thế giới này ngập tràn loài châu chấu và tôi nghĩ thật đáng tiếc biết bao khi cậu không có cách nào để nhớ được trò đùa giỡn ánh sáng đêm nay, từ cái đèn lồng đẹp lộng lẫy, tên của cậu được viết bằng ánh sáng xanh lên ngực người bạn gái.
Đêm qua trăng to dị thường, to một cách ma mị, Harvest Moon, làm tôi phải kéo rèm cửa che bớt đi ánh sáng đổ vào phòng. Cái đẹp lồ lộ cuồn cuộn thôi miên làm xôn xao, một sự xôn xao đầy bất ổn.
Hôm nay Tết Trung Thu. Tôi đăng lại truyện ngắn này để kéo lại một hình ảnh yên bình.
Kawabata và những thanh thoát hư thực …. Những đứa trẻ và những chiếc đèn lồng đủ màu lung linh trong đêm tối, hình ảnh của đứa bé gái mang trên ngực tên của bạn mình trong khi tên của cô hắt lên thắt lưng của cậu là một hình ảnh thần tiên không tưởng của một thế giới thơ dại không còn nữa.
Tôi đăng lại truyện này mỗi năm khi rằm Trung Thu đến, lần này là lần thứ ba, một thứ cổ tích tôi muốn cho nó sống mãi. Tối hôm qua trên đường về nhà từ đồng quê Virginia, tôi thấy trăng tròn thật to ẩn sau mây mù nên sực nhớ rằm Trung Thu đang đến. Tôi không biết Trung Thu bên nhà bây giờ như thế nào, nhưng Trung Thu của trẻ con chúng tôi thời đó vẫn còn thơm mùi khoai sắn. Mẹ tôi bày cho chị em tôi làm đèn lồng tre đỏ xanh vàng trắng. Không có anh trai nên chúng tôi tự chặt tre, xếp thành khung, khuấy hồ lấy giấy kiếng màu dán lên, làm xong đổ cát vào rồi cắm đèn cầy vào. Sau này khi các con đã lớn, Mẹ ra chợ Bến Ngự mua, hay mua ở người bán dạo chứ không làm nữa.
Những hình ảnh trong câu truyện này của Kawabata tương tự thời thơ ấu, mỗi năm tôi đều đọc lại để nhớ.
Ở một nơi nào đó hư thực, hai đứa bé đã thuộc về nhau, đó là định mệnh khi ánh đèn lồng chiếu tên của chúng vào áo của nhau.
Tống Mai
CON CHÂU CHẤU VÀ CON DẾ ĐEO CHUÔNG
Nguyên tác: Yasunari Kawabata
The Grasshopper and the Bell Cricket
Palm-of-the-Hand-Stories
Xuân Lan dịch
Tản bộ dọc theo bức tường lợp ngói của trường đại học tổng hợp, tôi rẽ sang bên, lại gần khu trường trung học. Đằng sau hàng rào ván sơn trắng bao quanh sân thể thao, từ lùm cây mờ tối nằm dưới tán cây anh đào đen thẫm có một tiếng côn trùng nỉ non. Vừa lắng nghe, vừa đi chầm chậm, được một đoạn tôi buộc lòng phải chia tay với tiếng hát nỉ non, rẽ sang phải để không chệch hướng sân vận động. Từ chỗ ngoặt trái, hàng rào tạo một lối đi tới con đê, hai bên trồng những cây cam. Vừa ló ra góc khuất vừa kêu lên ngạc nhiên, tôi vội vàng đi tới, cặp mắt bừng sáng trước quang cảnh phía xa…
Ở chân đê, như một đám rước, những chiếc đèn lồng lộng lẫy nhiều sắc màu đang nhấp nhô bồng bềnh. Quang cảnh y hệt ngày lễ hội ở một làng quê xa xôi nào đó. Không cần tới gần tôi cũng biết đó là lũ trẻ con đang chui ra chui vào các lùm cây mọc rải rác trên đê tìm bắt côn trùng. Có khoảng hai mươi chiếc đèn, chúng không chỉ mang một sắc đỏ thắm, hồng, chàm, xanh lá cây, đỏ tía hay vàng mà có cái sáng lên năm màu một lúc. Cũng có một vài chiếc đèn nhỏ, ánh sáng đỏ, là thứ mua ở cửa hàng, nhưng số còn lại phần lớn do bọn trẻ tự tay làm ra. Nom đẹp đẽ vuông vắn thế kia hẳn bọn trẻ đã hì hụi làm ra với một tình yêu và một chú tâm ghê gớm. Đêm vắng vẻ, những chiếc đèn bồng bềnh cùng tụi trẻ con đi trên triền đê, cảnh này là thực hay đang mơ trong một câu chuyện thần tiên?
Một đứa bé nhà gần đây, vào một đêm đã nghe thấy tiếng côn trùng nỉ non trên triền đê này. Cậu ta đi mua một chiếc đèn lồng màu đỏ, đêm sau quay lại tìm người ca sĩ hay nỉ non ấy. Đêm sau nữa, lại thêm một cậu khác. Nhưng cậu này không mua đèn. Cậu cắt hai mặt hộp bia, bồi giấy, thắp nến phía trong, làm sợi dây xách tay, thế là xong một chiếc đèn. Rồi năm đứa, rồi bảy đứa. Chúng tìm cách tô màu hoặc vẽ lên mắt đèn. Những chàng họa sĩ thông thái tí hon này bắt đầu cắt mắt đèn theo hình tròn, tam giác, lá cây,… Chúng tô mỗi mắt đèn một màu với những đường tròn, xanh xanh đỏ đỏ, tạo ra các kiểu trang trí giản đơn và hoàn chỉnh.
Thế rồi cậu bé đầu tiên quẳng chiếc màu đỏ đi vì giờ đây nó chỉ là một thứ vô vị nhạt phèo. Cậu thứ hai cũng quẳng nốt chiếc đèn mình đã làm ra, vì nó đơn giản quá. Những chiếc đèn các cậu làm đêm trước không còn thỏa mãn các cậu vào sáng hôm sau. Thêm một ngày hì hụi với đống bìa cứng, giấy, bút lông, kéo, dao nhíp, hồ dán, các cậu lại tạo ra, từ nhiệt huyết trái tim, từ sức tưởng tượng tâm trí một kiểu đèn mới. Hãy nhìn đèn của tớ này? Đẹp chưa? Không giống ai hết… Và đêm đêm chúng lại rủ nhau đi bắt côn trùng. Còn tôi thì được ngắm hai mươi đứa trẻ cùng hai mươi chiếc đèn lộng lẫy phía xa xa.
Tôi lang thang đến gần chúng. Những chiếc đèn vuông vắn kia không chỉ trang trí bằng những hình hoa theo lối cổ mà còn có tên người chế tạo. Tụi trẻ cắt từ sách vỡ lòng ra những chữ cái vuông vuông. Khác với loại đèn sơn đỏ, những chiếc tự tạo từ bìa các tông do có dán hình trang trí trên mắt đèn đã khiến ánh nến dường như phát ra từ chính bức tranh cùng màu sắc riêng của nó. Quầng sáng của những chiếc đèn trộn với bóng đêm mang lại một vẻ lờ mờ. Tụi trẻ hăng hái cúi mình soi bất cứ chỗ nào trên dốc mỗi khi chúng nghe thấy một tiếng hát nỉ non…
– Có ai thích chơi châu chấu không? – Một cậu bé đang chúi mình vào bụi cây cách những đứa khác khoảng chín mười mét, chợt đứng dậy kêu lên.
– Có, cho tớ với nào! – sáu hay bảy đứa chạy tới. Chúng xúm lại quanh cậu, chúng định thò tay vào bụi cây. Nhưng cậu gạt tay lũ bạn ra, đứng dang tay như muốn bảo vệ lùm cây. Câu huơ huơ chiếc đèn trên tay phải gọi thêm những đứa khác.
– Châu chấu này, có ai muốn chơi không?
– Có, có!… – Bốn năm đứa nữa bổ tới. Nhưng rồi cậu bé lại gọi thêm lượt nữa, cứ làm như bạn không thể tìm được con gì khác quý hơn châu chấu.
– Có ai chơi châu chấu không?
Thêm hai ba đứa chạy tới.
– Có, cho em! – Tiếng một bé gái thỏ thẻ sau lưng cậu. Vừa xoay người nhẹ nhàng, cậu vừa cúi mình duyên dáng. Chuyển đèn sang tay trái cậu dùng tay phải thò vào bụi cây.
– Chỉ là châu chấu thôi!
– Ừ, em rất thích!
Cậu đứng vụt dậy chìa nắm tay có con châu chấu cho cô bé thay lời nói “Đây!”. Cô bé khẽ tượt sợi dây treo đèn xâu vào cổ tay trái, dùng hai bàn tay bao bọc lấy nắm tay nhà đi săn tí hon. Cậu bé lặng lẽ xòe tay ra. Con côn trùng chuyển sang nằm giữa ngón tay cái và ngón trỏ cô bé.
– Ô! Đây không phải là con châu chấu. Đây là con dế đeo chuông. – Ánh mắt cô bé rực sáng trước con côn trùng nhỏ màu nâu.
– Đúng là con dế đeo chuông rồi! – Những đứa bé xung quanh đồng thanh kêu lên ghen tị.
– Đấy là con dế đeo chuông… dế đeo chuông!
Vừa liếc nhìn người tặng mình bằng đôi mắt sáng thông minh, cô bé vừa mở nắp lồng đeo bên người bỏ con dế vào đó.
– Đó là con dế đeo chuông!
– Ờ, dế đeo chuông thật! – Cậu bé lẩm bẩm. Cậu nâng chiếc lồng lên gần mắt nhìn vào. Cậu cũng nâng chiếc đèn lộng lẫy nhiều màu sắc của mình lên, và nhờ ánh sáng của nó cậu liếc khuôn mặt người bạn gái!
Ôi, tôi ngẫm nghĩ. Tôi cảm thấy lúng túng và thoáng ghen tị với cậu bé. Thật ngốc nghếch làm sao đến giờ vẫn chưa hiểu ra hành động của cậu! Tôi nín thở kinh ngạc. Nhìn kìa! Có một cái gì đó trên ngực cô bé mà cả nhà đi săn tí hon, cả nàng tiểu thư bé xinh cùng chúng bạn vây quanh đều không nhận ra. Trên ngực cô bé, chẳng phải làn ánh sáng xanh lá cây nhạt đã hắt lên dòng chữ “Fujio” một cách rõ ràng là gì? Cái đèn lồng của cậu bé nâng lên ngang chiếc lồng dế, có hàng chữ cắt bằng giấy xanh, đã in vào ngực áo kimono trắng của cô hàng chữ viết tên cậu. Còn cái đèn của cô bé đang đung đưa dưới cổ tay có hình trang trí không rõ ràng, nhưng ta vẫn thấy trên miến vải phập phồng theo nhịp thở nơi thắt lưng cậu bé có hàng chữ đỏ viết tên cô “Kiyoko”. Sự phối hợp ngẫu nhiên xanh đỏ này là tình cờ hay là một trò chơi? Cả Fujio và Kiyoko không ai biết.
Cho dù hai đứa còn nhớ mãi rằng Fujio đã tặng con dế và Kiyoko đã nhận, thì ngay cả trong những giấc mơ Fujio cũng không bao giờ biết được tên cậu được viết bằng ánh sáng xanh lên ngực Kiyoko và tên của Kiyoko được khắc bằng ánh sáng đỏ lên thắt lưng cậu. Cũng như Kiyoko, cô không bao giờ biết được tên Fujio được viết lên ngực áo mình, và tên cô được thêu vào thắt lưng của Fujio. Cậu Fujio ơi! Khi nào cậu lớn, cậu hãy cười thoải mái trước vẻ vui mừng của một cô gái khi cậu nói đây là con châu chấu nhưng lại đưa nàng con dế đeo chuông. Cậu hãy cười trong xúc cảm sâu xa trước nỗi thất vọng của nàng khi cậu bảo đây là con dế đeo chuông nhưng thực ra lại đưa nàng con châu chấu.
Thậm chí nếu cậu có một trí tuệ để tự mình nhìn được những gì bên trong một lùm cây cách xa bao đứa bé khác thì cái thế gian này cũng chẳng vì thế mà sinh ra nhiều loại dế đeo chuông. Có thể cậu sẽ thấy một cô gái như loài châu chấu nhưng lại nghĩ nàng là loài dế đeo chuông.
Và cuối cùng, với một trái tim muộn phiền và rỉ máu thì ngay một con dế đeo chuông đích thực cũng giống như một con châu chấu thôi. Sẽ tới một ngày, với cậu hình như cả thế giới này ngập tràn loài châu chấu và tôi nghĩ thật đáng tiếc biết bao khi cậu không có cách nào để nhớ được trò đùa giỡn ánh sáng đêm nay, từ cái đèn lồng đẹp lộng lẫy, tên của cậu đưọc viết bằng ánh sáng xanh lên ngực người bạn gái.
cám ơn cô đăng lại, truyện hay lắm ạ.
Hôm nay Tết Trung Thu. Cô sẽ chia cho con sóc trong vườn của cô một ít bánh Trung Thu.
hì hì cám ơn cô luôn ưu ái họ hàng nhà con. ?
Khi nào buồn buồn cô cũng ra chơi với con sóc đó. Chỉ cần nhìn nó liến láu lung tung trên cỏ, có khi đến trước mặt đứng trên hai chân sau xin ăn mà thương. Sóc bên này không sợ người vì hay được cho ăn những thức ăn lạ miệng ngon hơn hạt sồi đắng chát của nó.
Với những dòng ký ức của Mai, khi đọc lại truyện này, không hiểu sao lại thấy buồn một niềm luyến tiếc thời xưa khi ngoài kia cái đẹp đang bị tàn phai.
Những chiếc đèn lồng lung linh đủ màu sắc như những tâm hồn trong trắng, hồn nhiên của lũ trẻ và trong ánh sáng mờ ảo đó, sự nhầm lẫn của cậu bé khi đưa cho cô bé con dế đeo chuông nhưng lại nói là con châu chấu là một điều vô cùng dễ thương đầy chân thật.
Đọc xong truyện cứ ngỡ như mình vừa mới đọc một Haiku trong cảm xúc đầy nuối tiếc về sự sống và cái đẹp.
Cám ơn Mai nhiều lắm.
Người ơi một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa
Người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru, còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu.
Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô Tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Đáng yêu, những nhân vật bé thơ. Tập truyện này rất hay, toàn là truyện khá ngắn cho đến rất ngắn. Kawabata có những chi tiết rất khéo léo, như cái tên của cậu bé in trên ngực của cô bé. Và ngược lại tên của cô bé rọi trên thắt lưng của cậu bé. Hà thích câu chuyện cô bé đón xe ngựa, rơi lại chiếc giày satin. Đọc xong cứ ngẫm nghĩ không biết cô này là người hay ma.
Trong sách có vài truyện về thế giới bên kia như “Immortality”, “Summer Shoes” chẳng hạn. Nhưng có vài truyện khác nhẹ nhàng dễ thương như “Up in the Tree” về mối tình thơ ngây của hai đứa bé hay leo lên cây chơi với nhau tránh những phiền muộn trong gia đình mình.
Quên, không còn nhớ chi tiết.
Cám ơn TMai.
Hầu như bài viết nào của Kawabata cũng dịu dàng và nhân bản.
Mai gởi thêm một bài trong Palm-of-the-Hand Stories:
Up in the Tree
Nhà Keisuke nằm bên kè chỗ con Sông Cái sắp đổ vào biển. Con Sông Cái tiếp giáp thật gần với vườn nhà nhưng vì người ta đã xây một cái đê con khá cao nên đứng từ nhà, không thể nào nhìn thấy dòng nước. Kè sông nơi có những cây tùng mọc thành hàng vốn hơi thấp hơn con đê một tí nên Keisuke xem những cây tùng ấy chẳng khác nào cây trong vườn nhà mình. Mặt trước của chúng được chắn lại bằng một hàng giậu cây xanh.
Michiko thường vạch hàng giậu ấy len qua để sang chơi, đúng hơn là sang gặp Keisuke. Hồi đó, cả Keisuke lẫn Michiko đều là học sinh năm thứ tư tiểu học. Chẳng cần theo cổng trước hay đi qua bằng cánh cửa gỗ mé sau mà vào, hai đứa cứ tạo cho mình cáich thức bí mật là luồn người dưới hàng giậu. Đối với đứa con gái, thật ra chẳng có gì vui vì phải đưa tay lên che đầu và mặt, khom lưng chui dưới giậu. Có khi ngã lăn chiêng giữa vườn, có khi Keisuke phải ôm lấy xốc ra ngoài.
Mỗi ngày mà cứ qua bên nhà mãi thì cả thẹn với gia đình Keisuke mất nên cô bé phải chui dưới bờ giậu theo lời Keisuke bày. Có lần, Michiko bảo:
– Chui thích ghê. Ngực hồi hộp ơi là hồi hộp!
Một hôm, trong khi Keisuke đang leo lên và ngồi trên cây tùng thì Michiko chợt chui qua. Không nhìn trước nhìn sau, Michiko hấp tấp đi lên kè sông rồi dừng chân ở bên hàng giậu mà mình vẫn thường chui qua để xem mình đang đứng ở đâu. Cô bé vòng cái bím tóc tết thành ba tua dài và rủ xuống ra đằng trước, ngậm nó trong miệng, nhanh nhẹn đưa người ra phía trước, chui xuống dưới hàng giậu. Trên cây, Keisuke ngồi nín thở. Khi Michiko luồn được vào trong vườn rồi, cô không thấy Keisuke đáng lẽ phải ở đó đợi mình, hoảng hồn định thối lui. Nhờ có hàng giậu che kín, không ai thấy được, nhưng nó lại làm cho Keisuke không tìm ra cô. Keisuke gọi: – Mitchan! Mitchan! Michiko rời khỏi hàng giậu, dáo dác nhìn quanh khu vườn rồi hướng lên phía có tiếng Keisuke.
-Mitchan! Cây tùng nè. Anh ở trên cây tùng đây nè! Không nghe Michiko nói được câu nào, Keisuke lại lên tiếng: – Tới đây. Ra đi, tới đây này!
Khi Michiko vừa chui ra khỏi hàng giậu, cô ngẩng đầu lên nhìn Keisuke và bảo:
– Xuống đây với em!
– Mitchan, leo lên đi. Ở trên cây thích lắm!
– Em không leo nổi đâu. Chọc em hoài, con trai gì cứ hay hù người ta. Xuống đây!
-Leo lên đi mà. Cành nhiều như thế này, con gái cũng leo được. Michiko ngắm nghía vị trí mấy cành cây.
-Em mà có ngã là tại Keichan đó nghe! Rủi có chết, em bắt đền đó nha.
Thế rồi cô bé bám đu đưa vào cái cành phía dưới, bắt đầu leo lên. Leo được đến cành cây Keisuke đang ngồi thì Michiko đã hổn hển:
– Em leo được, em leo được rồi.
Mắt cô bé long lanh:
– Sợ quá trời, cứ phải bíu lấy.
– Thôi xong rồi…
Keisuke kéo cô bé vào lòng siết chặt. Michiko ấp lấy đầu Keisuke:
– Thấy được biển kìa!
– Cái gì mình cũng thấy được hết. Bờ bên kia sông, cả phía trên nguồn sông nữa kìa. …. Có phải leo lên đây thấy thích không?
– Thích quá đi chứ! Keichan này, mai mình lại leo lên nữa nhé.
– Ừ!
Keisuke im lặng một hồi rồi tiếp:
– Mitchan, chuyện bí mật đó nghe. Anh vẫn hay leo lên cây và ở trên này. Giữ kín nghe bé. Ở trên cây đọc sách được, học bài cũng được. Nhưng đừng kể cho ai nghe hết nhá.
– Em không kể đâu.
Michiko gật gật nhưng lại hỏi:
– Chứ tại sao anh biến thành chim như vậy?
– Chỉ cho một mình Mitchan biết thôi nghe!…Ba anh với má anh mới cãi nhau dữ dội. Má đòi dắt anh về nhà ông bà ngoại ở. Anh không muốn ngó thấy mấy cảnh đó nên leo lên cây trước sân, núp ở trên cây! Họ bảo nhau thằng Keisuke nó biến đi đâu mất rồi, sao tìm hoài cũng không thấy. Ba anh ra tận ngoài biển mà tìm, ở trên cây anh thấy hết. Hồi mùa xuân năm ngoái đó.
– Ba má anh sao lại gây gổ với nhau?
– Còn phải hỏi. Tại ba anh có bà bồ nào đó mà..
– Thế rồi, từ dạo đó, anh cứ thường leo lên cây. Cả ba anh lẫn má anh đều chưa biết chuyện này. Bí mật nghe, bé! Và như để cho Michiko hiểu rõ hơn, Keisuke nhấn mạnh:
– Mitchan này! Kể từ ngày mai, nhớ mang sách lên đây. Tụi mình học trên cây nhé. Thế nào học cũng giỏi ra. Cái cây sơn trà trong vườn đó em, lá thật rậm, có đúng không? Ở dưới cây, không cách chi nhìn thấy bên trên.
Chuyện “bí mật” đó của hai đứa trẻ kéo dài chắc phải đến hai năm. Nhờ có thân cây thật vững chải đở cho tán lá bủa rộng, chúng có thể cảm thấy thoải mái khi ở trên đó. Michiko ngồi vắt chân trên một cành và thân mình lại dựa trên một cành khác. Có hôm chim ghé qua chơi, có hôm gió đến xạc xào trong lá. Cây đâu đến nổi cao chi cho lắm nhưng hai người yêu bé nhỏ ấy cảm thấy trên đó là một thế giới hoàn toàn cách biệt với cõi nhân gian.
Thương quá chị! Cả hai truyện.
Cái cõi trẻ thơ thánh thiện ấy chị cũng thương lắm.
Em cũng thương hai truyện này.
Kawabata của Snow Country và Thousand Cranes chị Mai nhỉ.
“A voice so beautiful it was almost lonely, calling out as if to someone who could not hear, on ship far away.”
(Snow Country)
“In the depths of the mirror the evening landscape moved by, the mirror and the reflected figures like motion pictures superimposed one on the other. The figures and the background were unrelated, and yet the figures, transparent and intangible, and the background, dim in the gathering darkness, melted into a sort of symbolic world not of this world. Particularly when a light out in the mountains shone in the centre of the girl’s face, Shimamura felt his chest rise at the inexpressible beauty of it.”
(Snow Country)
“Was this the bright vastness the poet Bashō saw when he wrote of the Milky Way arched over a stormy sea?”
(Snow Country)
“And the Milky Way, like a great aurora, flowed through his body to stand at the edges of the earth. There was a quiet, chilly loneliness in it, and a sort of voluptuous astonishment.”
“Long accustomed to a life of self-indulgent solitude, he began to yearn for the beauty of giving himself to others. The nobility of the word ‘sacrifice’ became clear to him. He took satisfaction in the feeling of his own littleness as a single seed whose purpose was to carry forward from the past into the future the life of the species called humanity. He even sympathized with the thought that the human species, together with the various kinds of minerals and plants, was no more than a small pillar that helped support a single vast organism adrift in the cosmos– and with the thought that it was no more precious than the other animals and plants.”