2017 (TM)
NỖI LÒNG HUYỀN TRÂN
Quê nhà tôi năm xưa là đất Hời,
Dâng vua Trần như một món hồi môn,
Xin cầu hôn đấng sắc nước hương trời,
Tình đổi đất, chuyện có một trên đời.
* * *
Người gạt lệ lên đường, biệt cố hương,
Để cho tròn lời hứa của tiên vương,
Để cho bền mối giao tình lân lý,
Để phương nam Đại Việt rộng biên cương.
Vương phi buồn trong đền đài gạch đỏ,
Kim tước buồn thôi hót trong lồng son,
Điệu múa Chăm không làm vui mặt ngọc,
Nỗi lòng này biết cùng ai để tỏ.
Xuân đã về thấp thoáng ngoài song thưa,
Nơi đây vắng màu hoa đào phương bắc.
Nén hương này đốt vọng bóng chùa xưa,
Bởi quanh đây toàn thánh thần lạ mặt.
Sầu cố quốc nặng hơn tình vương giả,
Trời phương bắc đã khuất sau núi cả,
Tiếng chim quốc khắc khoải đêm vào hạ,
Người se lòng thương nhớ quê nhà xa.
Đau nỗi khóc chồng sớm mệnh chung,
Phòng loan hơi giá thêm lạnh lùng,
Đường về quê cũ xa xôi quá,
Đêm mơ ngày nhớ mắt lệ nhòa …
* * *
Ý chí người hay là mệnh của Trời?
Đường nam tiến cương thổ lấn đất Hời,
Ô Lý hai châu đã thành Thuận Hóa,
Ơn mở cõi hậu thế nhớ muôn đời.
24-4-2017
LÀM DÁNG
Tôi trước mọi người: không phải tôi,
Môi son má phấn tôi tự bôi,
Ba mươi sáu kiểu tôi làm dáng,
Ngắm mình mọi góc: cũng không tồi.
Lí giải sự đời tôi triết gia,
Đào bới văn tự tôi học giả,
Thi sĩ là tôi, thơ nhả ngọc,
Văn sĩ cũng tôi, trang viết ngà.
Ưu thời mẫn thế tôi trăn trở,
Dáng tôi đăm chiêu như quên thở,
Thêm một tôi này: tôi lãng mạn,
Thả hồn theo mây trôi vẩn vơ.
Dáng này trông tôi thật dễ thương,
Phong lưu như anh kép cải lương,
Ai bảo tôi dở dở ương ương?
Không quỵt cao lâu, không chơi lường! (*)
Một chiều khi bóng ngả về tây,
Ra khỏi tháp ngà tôi tự xây,
Vốc nước ao tù tôi rửa mặt,
Trôi hết phấn son, tôi đây rồi!
3-4-2017
––––––––––––––––––
(*) Chỗ này mạn phép cụ Tú Xương!
MƠ VỀ MỘT THỜI ĐÁNG SỐNG
Tìm trong sử thuở thái bình thịnh trị,
Khi đời vui không ai phải thở than,
Khi cái được nhiều hơn những cái bị,
Cuộc đời lành không mộng nào vỡ tan.
Nghìn trang này tua tủa những gươm đao,
Đổi tự do bằng xương trắng máu đào,
Gối không quỳ trước uy quyền phương Bắc,
Bóng thái thú cuối cùng cũng khuất mắt.
Trăm trang này bừng bừng cơn bão dậy,
Quét tan tành những tham vọng phương Tây,
Chịu đau thương bức thoát mọi trùng vây,
Giá rất đắt cho một cuộc sum vầy.
Thời đã bình nhưng chưa hề thịnh trị,
Phải chăng ta đã bỏ lỡ điều chi?
Đời bất an và lòng người ly tán,
Bao nhiêu trang rồi đây sử sẽ ghi?
Thử hình dung có một thời Nghiêu Thuấn,
Đêm không cài cửa, cổng mở bung,
Vàng rơi không ai nhặt mất công,
Thời thái bình, đời vô cùng đáng sống.
19-4-2017
ĐÂY LÀ CHÚNG TA
Đã một thời khi chúng ta còn trẻ,
Ngồi đọc sách giữa những tiếng bom rền,
Ta tìm nhau xây hòa bình đơn lẻ,
Mặc bóng đen cầm lưỡi hái đứng bên.
Đã một thời khi chúng ta còn trẻ,
Miệng hô hào tay vung đấm khoảng không,
Ta tìm nhau cùng chia miếng bánh vẽ,
Dõi mắt chờ một chân trời bão giông.
Đã đến thời chúng ta không còn trẻ,
Tay thì bắt mà mặt không mừng,
Việc ngày xưa ta cùng tránh né,
Dại hay khôn là chuyện vô chừng.
12-4-2017
TÌNH THƠ
Em mông lung ngự trị giữa cõi thơ,
Để thi sĩ níu bóng em mà thở,
Em huyền ảo mà giúp xây tình sử,
Cho thi sĩ sống qua ngày khó ở.
Giữa sa mạc đời, em lung linh ảo ảnh,
Thi nhân gọi: em ơi hãy đợi anh,
Chân bước mỏi mà đường đi không tới,
Thơ chới với, câu thơ cũng già nhanh.
Em huyền hồ vô thủy vô chung,
Tim người không đập, mà tim rung,
Những dòng suối thơ dâng thành lũ,
Em vẫn đó dẫu trái đất nổ tung.
Em vẫn ngoan như từ thuở khai thiên,
Bao thi sĩ vật vã rồi hóa điên,
Ta hữu duyên mà không hề tương ngộ,
Em vẫn là nguồn cảm hứng vô biên.
11-4-2017
NGÀY NÀO ĐÓ
Ngày nào đó,
Ta sẽ gặp nhau ở cái nơi không có bóng tối, (*)
Nơi chúng ta không còn là những con rối,
Ta tử tế xưng hô “anh và tôi”,
Khoác vai nhau bên bờ sông xanh hiền,
Nhìn quá khứ đen theo giòng nước đang trôi,
Và không ai phải nói lời sám hối,
Khi chuyện ngày xưa đã trở thành vô lối.
Ta sẽ gặp nhau ở cái nơi khí trời đã thanh lọc,
Không còn mô tả đời bằng hai từ ô trọc,
Không phải nghe những bản án lương tâm tuyên đọc,
Không còn ai nhìn ai hằn học,
Đã thôi những tròng mắt trắng dã,
Hằn những tia máu ngang dọc,
Ngày xưa đã từng quắc lên sòng sọc.
Ta sẽ gặp nhau ở cái nơi không còn đường biên,
Không hàng rào kẽm gai chia cắt vùng miền,
Đi chân trần không lo dẫm mảnh chai,
Khi không còn những vành đai trắng,
“No Man’s Land”, “Vô Nhân Chi Địa”,
Đã từng là vùng tự do tác xạ,
Nhắm vào ai bị xem là kẻ lạ.
Tay ấm trong tay, nhìn nhau dịu hiền,
Nhớ làm chi những chuyện ưu phiền,
Ai còn màng xây những nhà thương điên,
Và tính toán những chuyện chung riêng?
Rồi ta sẽ gặp nhau …
* * *
[Nhưng đừng gặp nhau ở phòng tra tấn số 101,
Nơi không có bóng tối vì những ngọn đèn không bao giờ tắt,
Rọi hết mọi ngóc ngách, sáng đến chói mắt,
Nơi tính người bị làm cho thui chột,
Nơi chất xám não bộ sẽ được tẩy rất trắng,
Để sinh thành con người mới vô hồn.]
2-5-2017
–––––––
(*) “We shall meet in the place where there is no darkness.” George Orwell – “Nineteen Eighty-Four” (1949)
NGẬM NGẢI TÌM TRẦM
Tôi cắn bàn tay nuôi tôi lớn,
Dứt áo ra đi dạ dửng dưng,
Chuyến xe giang hồ đã ngon trớn,
Mẹ tôi nhìn theo mắt rưng rưng.
Bao năm tôi ngậm ngải tìm trầm,
Trầm đâu không thấy, thấy mắt thâm,
Ngải đã hết thiêng trong miệng đắng,
Rừng thẳm đã xông mù khí âm.
Dã nhân trở về từ sơn lâm,
Làng xóm nhìn tôi trong lạ lẫm,
Trên bàn tay người nuôi tôi lớn,
Những dấu răng xưa đã tím bầm.
5-5-2017
LỠ HẸN
Ta hẹn gặp nhau mùa xuân ấy,
Nơi xứ hoa vàng ngày quang mây,
Cầm tay ta nhìn sâu vào mắt,
Chờ hạnh phúc hồng ta cùng xây.
Quẩy gánh lên đường một sớm mai,
Hoa cài trên cây đàn vác vai,
Tôi đi, mang lòng người trẩy hội,
Tôi hát cho quên nỗi đường dài.
Đi, mãi đi, đường không thấy tới:
Mặt đất trượt lùi dưới chân tôi,
Bên đường đứng yên hàng cây rũ,
Xứ sở hoa vàng quá xa xôi!
Người đang đợi người, chạy đi thôi,
Ngược về sau đường vẫn cứ trôi,
Quỳ xuống giữa đường tôi khóc ngất,
Cuộc hẹn không thành ta lỡ đôi.
Nơi xứ hoa vàng người có biết,
Nơi đây tôi đau niềm nuối tiếc.
Duyên phận hai ta là mộng ảo,
Khi đường tôi đi biết làm xiếc.
11-5-2017
CŨNG ĐÀNH
Một sáng mùa xuân tôi thất thần,
Thấy người quen cũ đã hóa thân,
Một bộ mặt đanh, nanh sắc nhọn,
Dương dương tự đắc một tiểu nhân.
Một chiều mùa thu tôi ngỡ ngàng,
Nghe người yêu dấu đã sang ngang,
Bùi ngùi tôi lục chồng thư cũ,
Đốt hết những yêu thương ố vàng.
Những sáng mùa xuân trời trong xanh,
Những chiều mùa thu mây bàng bạc,
Nhắc tôi nhớ hai mùa mất mát,
Tôi an ủi tôi: thôi cũng đành.
16-5-2017
(“The Desperate Man” chân dung tự họa của Gustave Courbet, 1845)
CON ĐƯỜNG XƯA TA ĐI
Xin người yên nghỉ nghìn năm,
Sổ đời rồi sẽ âm thầm xóa tên,
Bao lần mưa xuống nắng lên,
Mòn hao bia đá, hết bền màu son.
Trớ trêu có cái vẫn còn:
Dấu chân đi lạc lối mòn rừng xanh,
Đêm nghe tiếng mõ cầm canh,
Trở mình người hỏi ai giành đường ta?
20-5-2017
YÊU XA
Em đi xa đã mấy năm,
Khóm tường vi đã ngang tầm vai anh,
Hoa nở thắm rồi tàn nhanh,
Nhớ bàn tay ấy giâm cành ngày xuân.
Xa nhau anh tính từng tuần,
Đã qua nắng đổ mưa tuôn bao mùa,
Tình dẫu xa không hề xưa,
Mới như thuở nọ ta vừa gặp ta.
Nửa vòng trái đất yêu xa,
Bên đông ngày rạng, chiều tà bên tây,
Anh nhờ cơn gió gởi mây,
Nhắn em bên ấy nơi đây anh chờ.
22-5-2017
DỊCH THƠ ROBERT LOUIS STEVENSON (*)
Mời các bạn đọc bài thơ “My Shadow” của Robert Louis Stevenson viết về những thắc mắc ngây thơ của một đứa trẻ về cái bóng của mình.
Tôi cố giữ nguyên phép hiệp vần aa – bb – cc – dd, của nguyên tác.
MY SHADOW
I have a little shadow that goes in and out with me,
And what can be the use of him is more than I can see.
He is very, very like me from the heels up to the head;
And I see him jump before me, when I jump into my bed.
The funniest thing about him is the way he likes to grow—
Not at all like proper children, which is always very slow;
For he sometimes shoots up taller like an India-rubber ball,
And he sometimes gets so little that there’s none of him at all.
He hasn’t got a notion of how children ought to play,
And can only make a fool of me in every sort of way.
He stays so close beside me, he’s a coward you can see;
I’d think shame to stick to nursie as that shadow sticks to me!
One morning, very early, before the sun was up,
I rose and found the shining dew on every buttercup;
But my lazy little shadow, like an arrant sleepy-head,
Had stayed at home behind me and was fast asleep in bed.
* * *
CÁI BÓNG CỦA TÔI
Cái thằng bóng nhỏ lẽo đẽo theo tôi,
Nó có ích gì tôi cũng chịu thôi.
Nó giống hệt tôi từ chân đến ngọn,
Tôi định đi ngủ nó đã tót lên trước, nằm gọn.
Thật là tức cười cái kiểu nó lớn—
Ai cũng lớn chậm, nó lớn phát ớn;
Khi như quả bóng nó vọt lên cao,
Có khi bé lại không biết nơi nao.
Nó chẳng biết cách trẻ con thường chơi,
Tìm cách phá tôi đủ kiểu trời ơi,
Nó nhát như cáy, cứ nép bên tôi,
Bám váy vú nuôi thật là xấu hổ!
Sáng nọ, rất sớm, trước khi trời rạng,
Sương mai lóng lánh trên hoa chuông vàng;
Nhưng thằng bóng lười vẫn còn nằm ườn,
Không dậy cùng tôi, say ngủ trên giường.
23-5-2017
–––––––––––––––––––––––
(*) Robert Louis Balfour Stevenson (1850 –1894) văn sỹ, thi sỹ, nhà viết chính luận và du ký, người Tô Cách Lan (Scotland).
Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Treasure Island (bản dịch trước 1975 là Kho Tàng Hoang Đảo, bản dịch mới là Đảo Giấu Vàng), Strange Case of Dr Jekyll and Mr Hyde, và A Child’s Garden of Verses.
Sinh thời ông là nhân vật văn học được trọng vọng, và hiện giờ ông đứng thứ 26 trong số những tác gia được dịch nhiều nhất thế giới.
NHỚ MỘT MÙA THI TÌNH RA ĐI
Có một mùa hè tôi nhớ mãi,
Tan trường hẹn ngày thi gặp lại,
Em về quê xa miền nắng gió,
Sách vở nơi đây tôi miệt mài.
Mùa thi năm ấy tôi nhớ mãi,
Tháng tám phượng hồng vẫn chưa phai,
Giữa sân trường mênh mông áo trắng,
Có tôi đang ngơ ngác tìm ai.
Hai tháng xa cách em có biết,
Đèn khuya bóng đổ tràn trang viết,
Chập chờn ai vờn sau từng chữ,
Có người đang nhớ người da diết.
* * *
Em về quê sau mùa thi,
Không ngờ là một biệt ly suốt đời,
Đây là sự thật hở trời?
Em thi không đỗ tơi bời lòng tôi!
Giã từ mà hóa chia phôi,
Em không trở lại thả trôi chuyện mình,
Còn mỗi tôi buồn lặng thinh,
Mỗi năm tháng tám nhớ tình đã xa.
28-5-2017
THIÊN ĐƯỜNG NÀY ĐẸP NHƯ MƠ
“Tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây.” (Kiều)
***
Đàn muôn điệu hãy so dây,
Cùng nhau tấu khúc mừng đây thiên đường,
Yên bình này chốn hiền lương,
Chẳng còn ai nhớ “đoạn trường” nghĩa chi,
Khỏi cần rao giảng từ bi,
Người thương người chẳng kể gì thân sơ,
Hạnh phúc cũng khỏi phải mơ,
Sơ sinh trái ngọt sẵn chờ bên nôi,
Văn học sử viết lại thôi,
Truyện Kiều lạc hậu của thời đã qua.
2-6-2017
CHIỀU MỘT MÌNH NƠI GÓC PHỐ
Ngồi nơi góc phố nhìn đời qua,
Tìm chút yên bình trốn phong ba,
Sau cốc thứ mười đầu váng vất,
Cảnh đã quay cuồng kính vạn hoa.
Thấy cả ba tầng thiên địa nhân,
Cung trời bỏ hoang, vắng thánh thần,
Nộ khí xung thiên trời mù mịt,
Vọng tiếng “Trời ơi!” cứ mãi ngân.
Đất đang ngổn ngang hố và hầm,
Rừng đã hết xanh, trở màu thâm,
Sông núi im lìm nằm chịu trận,
Biển gào khản tiếng giọng đã trầm.
Cõi người! Cõi người! Sao ta đến?
Quẳng con ra đây rồi mẹ biến,
Con lớn lên, thành giang hồ đứng bến,
Tay gõ mõ, hát những bài ca sến.
Sau cốc mười một quên đường về,
Vẳng tiếng ai gọi: Ê thằng hề!
7-6-2017
MỌI NGƯỜI NGỦ, TÔI NGỒI NGHĨ
Bạn có như tôi ngày lập thân,
Ngồi ngó mình mà thấy bần thần,
Bụi vô minh mịt mù bốn cõi,
Sao ta có mặt giữa hồng trần?
Bạn có như tôi đã bao lần,
Cúi đầu trước những tượng thánh thần,
Cầu xin một bình an dưới thế,
Thánh thần không đáp, ngó trân trân!
Nếu mọi tha nhân là địa ngục,
Thì e trái đất đang ruỗng mục,
Nếu mọi sinh tồn đều phi lý,
Cõi người đã đến lúc suy vi.
* * *
Chén đầy, sầu ngập tâm can,
Chén vơi nhìn lại, đã tan mộng vàng.
Ngoài kia đen trắng nhập nhằng,
Trong ta lệ đổ hai hàng ngược xuôi.
9-6-2017
BÀI THƠ KHÔNG ĐỀ ĐÊM ĐỔ MƯA
Tôi nhớ một hôm chạm mặt anh,
Anh đã ngó lơ, làm mặt lạ,
Tôi biết qua ánh mắt đảo nhanh,
Anh vờ không quen người tên Bá.
Dẫu tôi có chào anh vồn vã,
Nơi anh sẽ chỉ có hững hờ,
Giữa ta mênh mông trời xa lạ,
Một mặt sông lạnh không thấy bờ.
Anh bỏ ra đi ngày cuối hạ,
Để qua sông tìm bóng mặt trời,
Nay anh về xác thân tàn tạ,
Tôi thấy nơi anh hồn tả tơi.
Dấn thân là mốt của một thời,
Ngày ta mới lớn, tóc đang xanh,
Qua sông là đặt cược cuộc đời,
Anh thua nhẵn túi lúc tàn canh.
Từ bên kia sông anh trở về,
Hết là bạn cũ của ngày xưa,
Tôi viết một bài thơ không đề,
Đêm ấy bỗng nhiên trời đổ mưa.
17-6-2017
Hôm nay ngày dài nhất trong năm,
Hăm mốt tháng Sáu là Hạ Chí,
Tôi trở dậy sớm hơn mọi khi,
Chọn con đường hướng đông trực chỉ,
Vạch áo, phanh ngực, đón mặt trời chân lý.
Mong lòng mình được sáng lời thiên ý,
Tôi hồ hởi nhìn mặt trời trực diện,
Ôi, triêu dương sáng quá, tôi lòa mắt,
Dại dột tôi: tim đau và ruột thắt,
Run lẩy bẩy toàn thân cơn giật điện.
Tôi trở gót, chạy trốn, lòng não nề,
Dẫm lên bóng tôi, lủi thủi quay về,
Sợ lắm rồi mặt trời ngày hạ chí,
Tôi mím môi lòng quyết một câu thề:
Ngày dài nhất, hãy quên trời phi lí.
21-6-2017
TA CÃI NHAU BẰNG TIẾNG VIỆT GIÀU
Hàng xóm cãi nhau qua hàng rào,
Gà chó thả rông phá vườn rau,
Tay chống mạn sườn cất giọng cao,
Tiếng Việt ta thanh điệu rất giàu.
Người học cãi nhau qua bút mực,
Tranh nhau cái đúng giữa làng văn,
Bút cào trên giấy lời hậm hực,
Chẳng ai nhường ai như tranh ăn.
Khẩu chiến, bút chiến, bàn phím chiến,
Chẻ tám sợi tóc cùng cãi chữ,
Hăm chín chữ cái đem chế biến,
Tiếng Việt ta được nấu rất nhừ.
27-6-2017
CHÀO CÁC ANH, TÔI ĐI
– Xin hỏi, anh từ đâu đến đây?
Lang thang như con thú lạc bầy,
Mặt xám, mắt sâu, hồn bải hoải,
Lặn lội anh qua mấy bãi lầy?
– Hỡi anh, xin hỏi từ đâu lại?
Kẻ bơ vơ tứ cố vô thân,
Mang về màu thu vàng biên tái,
Buồn gì vương mắt vẫn chưa phai?
– Dạ thưa, tôi đến từ quan ngoại,
Muôn dặm đường xa tìm đồng loại,
Lạc nhau từ thuở đời điên đảo,
Hát chung câu thế hệ lạc loài.
Tôi đi đây, trời đã sáng bên ngoài,
Đường trước mặt dẫn về đâu anh nhỉ?
Có dẫn về đâu cũng chẳng hề chi,
Thế hệ tôi cũng đã lỡ lạc loài.
Cảm ơn các anh đã có dạ quan hoài!
2-7-2017
NHỚ NGƯỜI EM TRONG NGÕ CŨ
Dạo ấy mỗi lần qua ngõ cũ,
Vẫn thấy người em mắt đượm buồn,
Dáng em bên song như liễu rủ,
Những ngày vừa lớn tóc dài buông.
Tôi qua ngõ cũ cả trăm lần,
Tính ra mấy vạn bước cô đơn,
Những chiều thu muộn lá ngập sân,
Mắt ấy dường như buồn đượm hơn.
Bỏ đời lang bạt về xóm cũ,
Tìm mắt đượm buồn, tìm tóc buông,
Gác nhỏ năm xưa rèm đã rủ,
Em hỡi phương nào em viễn du?
Ngõ cũ năm xưa đà hoang vắng,
Màu xanh gác nhỏ nay đã phai,
Những chiều ráng đỏ, những đêm trắng,
Tôi vẫn đi qua lòng nhớ ai.
10-7-2017
NGÔN NGỮ MẠNG VONG THỜI A CÒNG
Kể từ khi người bày không gian ảo,
Thiên hạ sẻ chia chuyện đời điên đảo,
Những ngón tay vung trên bàn phím nhão,
Màn hình sục sôi một trời giông bão.
Kẻ chợ búa xông ra tỏ thái độ,
Hung hăng tuôn thứ ngôn ngữ hàm hồ,
Từ chuyện vĩ mô đến chuyện lộ hàng,
Nói với nhau bằng thứ tiếng Việt thô.
Ngôn ngữ Việt biến dị hóa thấp lùn,
Thành công cụ cà rỡn với bông lơn,
Ta hí hửng góp tiếng ngay và lun,
Nói với nhau bằng thứ tiếng Việt bùn.
Tiếng Việt đang oằn mình cơn đau đẻ,
Tiếp tục sinh những ngôn từ chốc ghẻ,
Cha ông dưới mồ thở dài áo não,
Kinh cầu hồn điên dại cũng phải nghe.
24-7-2017
NHỮNG NGƯỜI RA ĐI RỒI BIỀN BIỆT
Anh đã về nơi xa vạn dặm,
Đêm giã từ có ánh trăng soi,
Bóng quyện vào nhau trên đường vắng,
Không nói năng, lời tắt trên môi.
Anh đi một lần không trở lại,
Gởi tôi tuổi trẻ tím lằn roi,
Bỏ một chương đời đau cuồng dại,
Biền biệt bao năm không tăm hơi.
* * *
Em đi một ngày không có nắng,
Mây trời sa thấp không buồn trôi,
Bóng em lầm lũi trên ga vắng,
Tiễn em chỉ có mình tôi thôi.
Em đi, không nhìn lại đằng sau,
Thả rơi giữa núi đồi cằn cỗi,
Một thuở thanh xuân đã úa màu,
Và một hồn đau, một lòng nhàu.
* * *
Cây soan đầu ngõ chừ đã cao,
Thân cũng đã mờ vết đạn cào.
Ba mươi năm chừng như lâu lắm,
Lưu lạc người xưa chừ nơi nao?
28-7-2017
TỪ NAY THỨ NĂM VẮNG MỘT NGƯỜI
Quán cũ từ nay thiếu một người,
Ghế trống bỏ lại bạn đi xa,
Chuyện vui nay bặt một tiếng cười,
Chuyện buồn cũng vắng tiếng thở ra.
Văn Khoa gặp nhau thời son trẻ,
Tính ra bốn mươi năm có lẻ,
Xe đời anh đã đi chuyến cuối,
Về nơi mạn ngược bỏ miền xuôi.
3-8-2017
MỘT SÁNG CHỚM THU LÁ TRỞ VÀNG
Có một đời cây trên vỉa hè,
Suốt cả mùa hạ không tiếng ve,
Lá đã bạc thếch vì khói bụi,
Lòng mãi bất an vì còi xe.
Bức bối giữa một rừng bê tông,
Cây nhớ một đại ngàn mênh mông,
Nơi cõi tự do của đồng loại,
Không ai chịu kiếp kẻ bị trồng.
Chỉ mới chớm thu lá đã vàng,
Cây im buồn như kẻ chịu tang,
Khi heo may về lòng phố hẹp,
Lá sẽ theo nhau rụng thành hàng.
* * *
Quán nhỏ tôi ngồi một sớm mai,
Giật mình nghe tiếng gọi của ai,
Không ai. Chỉ lòng tôi đang nhắn:
Cây và người chẳng phải là hai.
6-8-2017
(Ảnh của Thầy Trần Văn Phương)
DỊCH THƠ HEINRICH HEINE
Mời các bạn đọc thêm một bài thơ tình buồn nữa của thi sĩ Đức Heinrich Heine (1797-1856).
Bài số 22 trong chương “Lyrical Intermezzo” thuộc tuyển tập “Buch der Lieder” (The Book of Songs) (1827).
Đúng như nhan đề của thi tập, nhiều bài thơ của ông đã được hai nhạc sỹ Franz Schubert and Robert Schumann phổ thành ca khúc.
XXII
Und wüßtens die Blumen, die kleinen,
Wie tief verwundet mein Herz,
Sie würden mit mir weinen,
Zu heilen meinen Schmerz.
Und wüßtens die Nachtigallen,
Wie ich so traurig und krank,
Sie ließen fröhlich erschallen
Erquickenden Gesang.
Und wüßten sie mein Wehe,
Die goldnen Sternelein,
Sie kämen aus ihrer Höhe,
Und sprächen Trost mir ein.
Die alle könnens nicht wissen,
Nur Eine kennt meinen Schmerz;
Sie hat ja selbst zerrissen,
Zerrissen mir das Herz.
Bài số 22
Và những bông hoa nhỏ giá như chúng biết,
Tim tôi trọng thương, lòng tôi tan tác,
Chúng sẽ khóc cùng tôi, khóc thê thiết,
Giúp tôi vơi cơn đau lòng xơ xác.
Nhởn nhơ trên cành lũ họa mi,
Phải chi tinh ý chúng sẽ hiểu,
Tôi đang buồn đau vì sầu bi,
Thì chúng sẽ,
Hát bài ca vui cho buồn tôi tiêu diêu.
Lung linh giữa trời những vì sao,
Nếu đừng vô tình hẳn chúng biết,
Lòng tôi đang đau đến nhường nào,
Thì chúng sẽ,
Xuống vỗ về tôi bằng những lời tha thiết.
Hoa, chim, sao, chẳng thể nào biết được,
Mặc cho tôi ngồi đó mà ao ước,
Chỉ một người, một người đang rất biết:
Kẻ đã xé lòng tôi đau khôn xiết.
10-8-2017
MA GIÁO MÔN ĐỒ TỰ SỰ
(Cảm hứng từ kiếm hiệp Kim Dung)
Có một dạo tôi là người hội kín,
Thờ ma vương tôi dâng trọn lòng tin,
Say cảm giác làm người hùng bí ẩn,
Chuyển thế cuộc, son sắt niềm xác tín.
Một sớm mai khi trời đất đổ nghiêng,
Tôi hồ hởi trườn ra từ hang tối,
Vênh váo tôi một bộ mặt hãnh tiến,
Lộ nguyên hình một kiếp đời con rối.
Tôi đã hóa thân thành loài nấm độc,
Gây ung thối một môi trường nguyên sơ,
Tôi bước tới, người dạt ra hoảng hốt,
Tôi nhìn quanh, người quay mặt làm ngơ.
Tỉnh cơn mê, rồi cũng thôi múa may,
Kinh truyền đời đã không còn siêng tụng,
Áo môn đồ nay tôi đã muốn thay,
Thân bạc nhược đã không còn hữu dụng.
Bỏ chốn giang hồ gió tanh mưa máu,
Thành con hoang ngày thanh lý môn hộ,
Bơ vơ tôi không còn nơi nương náu,
Tủi thân tôi số phận vỏ chanh khô.
Những đêm khuya khi trăng ngả về tây,
Từ rừng sâu mịt mù làn âm khí,
Tiếng nhặt khoan theo gió vẳng về đây:
“Bái chúc giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ!” (*)
Bóng ai như tôi, đang quỳ trước mồ?
20-8-2017
(*) Trích từ “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, bản dịch của Cao Tự Thanh.
TƯỢNG GÁI VIỆT BÊN SÔNG
Tượng gái bên sông mắt đứng tròng,
Giương mắt trông vời thấy gì không,
Sông ở sau lưng núi trước mặt,
Đời trôi trăm nẻo chảy muôn dòng?
Thiếu nữ bên sông má không hồng,
Bận lòng thế sự biếng phấn son,
Nghe tiếng đời kêu mà bạc mặt,
Hay thấy yêu ma khoác nâu sòng?
Môi mím không vương một nét cười,
Nỗi niềm chi ẩn dấu khôn nguôi,
Phù sinh một cõi thân lưu lạc,
Mãi hoài nhan sắc Việt kém tươi.
Tôi ngang qua tượng một đêm khuya,
Mong thấy tóc bay lệ ướt mi,
Mong thấy môi hồng và má thắm,
Tôi đã chắp tay và tôi quỳ,
Xin Trời cứu lấy một xuân thì.
2-9-2017
––––––––––––––––––
(Tượng “Cô Gái Việt Nam” bên bờ sông Hương của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002).
Ảnh chụp sáng nay 2-9, ngoài sông đang đua ghe mừng lễ.)
ĐÊM ĐEN, TRÂU ĐEN VÀ THƠ ĐEN
Đêm ba mươi không trăng, sao thì mờ,
Xe tôi băng băng giữa đường thơ,
Gieo một vần yêu gởi thục nữ,
Khuê phòng nơi ấy ai đang chờ.
Đường tối, trâu đen, xe không đèn,
Bốn giờ rưỡi sáng trời chưa lên,
Trâu băng qua đường tìm cỏ sớm,
Tứ thơ tôi ủ vừa lên men.
Có tiếng trâu hự, tiếng móng vang,
Có tiếng xe ngã, tiếng người than,
Giữa trời đêm ngàn sao chợt mọc,
Người văng một ngả, thơ một đàng!
Trâu ơi ta bảo trâu rằng,
Băng ngang đường tối chuông vàng nhớ rung,
Thơ tôi lạc vận rối tung,
Trâu không ý tứ, người khùng, thơ điên.
Chúc em ngày mới bình yên,
Thơ tình anh hẹn có liền ngày mai.
13-9-2017
ĐẮC THỜI VÀ THẤT THẾ
(Cảm hứng từ “Hán Sở Tranh Hùng”)
Kẻ thất thế lặng lẽ cuốn cờ,
Thất thểu đi tìm chốn nương thân,
Cố hương mênh mông đã xa mờ,
Không gian sinh tồn còn mấy phân.
Ẩn mình hang sâu trốn truy đuổi,
Con thú ngậm ngùi liếm vết thương,
Thần trí rã rời thân nằm duỗi,
Phẫn hận kết thành khối hoa cương.
Kẻ đắc thế cười vang ngạo mạn,
Lật ngược giang sơn, xáo tung đời,
Bỏ mặc núi mòn và sông cạn,
Chễm chệ chiếu trên giai cấp mới.
Tiểu nhân đắc chí khi thời tới,
Xảo ngôn lạm phát, hành bất minh,
Phàm ai bất tuân trật tự mới,
Lạnh lùng hạ thủ chẳng lưu tình.
* * *
Ngày nọ núi sông thôi lật úp,
Mây đen tan hết, trời chợt quang,
Lang sói tán loạn tìm chỗ núp,
Người về dựng lại những tan hoang.
23-9-2017
THỜI ĐẠI VÀ THÁI ĐỘ
“Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió,
“Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây,
“Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,
“Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.”
[…]
* * *
Gió, trăng, mây, nuôi lớn hồn thi sỹ,
Duyên tiền kiếp nặng nợ với nàng thơ,
Cõi nhân gian được mấy người tri kỷ,
Thơ gieo tiếng hồ cầm nhẹ như tơ.
Gió trở chướng, qua truông đời gió hú,
Trăng đỏ máu đằng chân trời trăng nhú,
Mây trở đen báo bão mây vần vũ,
Thơ đổi giọng rợn tiếng loài chim cú.
Gió đổi chiều và thi sỹ trở cờ,
Trăng chuyển màu và thi sỹ bừng mơ,
Mây ngũ sắc đã trở thành viễn mộng,
Bóng nàng thơ chìm giữa đời biến động.
Bút đã mòn bên nghiên đọng mực khô,
Giấy đã nhàu sót lại những lời thô,
Thơ thổ huyết chết giữa thời mạt vận,
Buồn ơi buồn, thi sỹ hóa ma cô!
17-10-2017
(*) Trích từ bài “Cảm Xúc” của Xuân Diệu, trong tập “Thơ Thơ”, Nxb Sống Mới, Saigon, 1971
CỔNG THIÊN ĐƯỜNG TỪ NAY KHÉP CHẶT
(Cảm hứng từ nhan đề tác phẩm “Ác Quỷ Trên Thiên Đàng – A Devil in the Paradise – của Henry Miller.)
Tôi đã từng suy nghĩ lao lung,
Trước khi lấy quyết định cuối cùng:
Tôi bước qua lằn ranh đổi kiếp,
Đánh canh bạc đời khói mịt mùng.
Đi tìm xứ sở của thiện lương,
Nơi ngàn hoa lạ luôn tỏa hương,
Muôn trái cây lành trong tầm với,
Và không hiện hữu cái vô thường.
Tôi đưa tay gõ cửa thiên đường,
Đón tôi một bộ mặt bất lương,
Đăm đăm nhìn tôi đầy nghi hoặc,
Lăm lăm trên tay một ngọn thương.
“Xin các hạ vui lòng lui bước,
“Nơi đây không tiếp kẻ lạc loài!”
(Sorry, but you are not expected, sir!)
Tiếng cổng đóng sầm tan mơ ước,
Gian nan ngàn dặm công đã hoài.
Tôi tự đày thân giữa xứ phiền, (*)
Lỡ chân bước dại qua đường biên,
Tiếc một thanh xuân nhiều nông nổi,
Tan tành trăm mảnh giấc mơ tiên.
Nơi đây là thủy tận sơn cùng,
Bơ vơ mình tôi kẻ phản thùng,
Đường lui đã mờ dấu chân cũ,
Tay bài tôi bắt đã tiêu tùng.
13-10-2017
(*) Mạn phép mượn cụm từ “đày thân giữa xứ phiền,” trong bài “Vì Sao” của Xuân Diệu.
TÔI ĐI BIỂU TÌNH, VUI LÀ CHÍNH
(Nhớ những ngày sôi động đầu thập niên ’70 của thế kỷ trước)
Tiếng trống bãi khóa giục giã liên hồi,
Cả trường reo hò mừng như gặp hội,
Bài giảng dở dang, thầy cô ngỡ ngàng,
Nhìn đám trẻ ranh vở sách gấp vội.
Xô toang cổng trường túa ra đường,
Quyết một lòng gây cuộc nhiễu nhương,
Ôi vui quá cơn lên đồng tập thể,
Hào hùng thay những khí thế biểu dương!
Phố xá im lìm ngày đại biến,
Hoan hô đả đảo gào khản tiếng,
(Rộ tiếng cười sau lời hô thóa mạ)
Biểu ngữ giương cao, nắm đấm vung,
Hình nộm đốt ngay, hoặc là thiến.
Chặn hai đầu là cảnh sát dã chiến,
Lạnh lùng sau mặt nạ chống hơi cay,
Dàn hàng ngang lăm lăm súng trên tay,
Anh em ơi, xông lên, cứ thẳng tiến!
Ràn rụa nước mắt vì khói cay,
Khăn ướt và chanh đã sẵn đây,
Kẻ không may thọ thương vì phi tiễn.
Đám kiêu binh tan tác chạy từng bầy.
Lũ chúng ta đã một thời khờ khạo,
Không vướng bận những nỗi lo cơm áo,
Mong chờ dịp được tung hê sách vở,
Kéo ra đường cho cảm xúc vượt rào.
Tuổi trẻ ham vui xuống đường tranh đấu,
Có biết đâu sau cánh cửa khép hờ,
Đang láo liên một ánh mắt sắc lạnh,
Của chuyên gia xách động hạng ma đầu.
8-10-2017
(Ảnh tư liệu: sinh viên học sinh Huế biểu tình chống chính quyền năm 1971, có tôi đâu đó trong đám này!)
ĐỘC VẬN
(Thơ trên đường thênh thang mười tám thước,
Trời ủ ê và lòng tôi sướt mướt,
Mùa mưa tới tưới tháng ngày ẩm ướt,
Sẽ vắng tôi trên đường loang bóng nước.)
Tóc ai bay bay trong chiều cuối hạ,
Một hôm chân vui lạc vào xóm lạ,
Tình cờ nhìn qua cổng màu xanh lá,
Thấy ai hao hao giống người tên Bá.
Sầu ai mang mang nhớ ngày đã xa,
Lòng son phơi phới xanh tình hai ta,
Đời chia hai ngả buồn lòng sỏi đá,
Chân ai trở gót bóng đổ chiều tà.
Còn lại mình tôi nhớ người từng là,
Niềm an ủi tôi giữa chốn ta bà,
Rồi đến một ngày tình tới ngã ba,
Bay theo gió chướng và rồi phôi pha.
6-10-2017
MƯA TỪ VÔ THỦY VÔ CHUNG
Mưa chi mưa quá, Trời ơi!
Nước từ vô thủy nước rơi không ngừng,
Vô chung nước đổ vô chừng,
Thế gian lênh láng ai mừng ai lo?
Người ngồi bó gối co ro,
Thước nào đủ lớn để đo lòng Trời,
Mưa rơi thành nhạc không lời,
Vô ngôn nước trút biết đời nào ngưng?
21-11-2017
VẠN TUẾ MƯA HUẾ
Mưa hoài phố cổ xanh xao,
Nắng vàng lánh mặt đã bao ngày rồi?
Đủ lâu, mưa ạ, xin thôi!
Cạn lòng kiên nhẫn máu sôi trong người.
Nhan sắc Huế đã kém tươi,
Buồn như bộ mặt đười ươi thất tình,
Núi sông nhạt bóng mờ hình,
Cổ thành ủ rũ co mình dưới mưa.
Mịt mù phố vắng người thưa,
Nghiêng nghiêng từng sợi mưa lùa mặt sông,
Dưới khung trời xám đầu đông,
Áo dài trắng Huế như không mặc gì!
Mưa cho anh xanh xao,
Mưa cho em gầy hao,
Hẹn hò đành đợi khi nào nắng lên.
26-11-2017
LẠY NGÀI MỖI SỚM MAI
Niệm danh hiệu Ngài mỗi sáng sớm,
Nén hương tôi thắp, hoa tôi đơm,
Tôi quỳ trước dung nhan từ ái,
Cầu thấy đường về xứ cỏ thơm.
Gần bảy tỷ người trên trần gian,
Thiện lương khép nép trước tham tàn,
Tứ phương văng vẳng lời bi thống,
Ngài có nghe hết tiếng đời than?
Một góc trời u mê vô độ,
Có một hành tinh rất côn đồ,
Quắc mắt trừng trừng màu máu đỏ,
Khăng khăng từ khước nước cam lồ.
Đằng đông ánh dương quang vừa chớm,
Thấy Ngài về giữa hương hoa thơm,
Ba lạy này là lòng thành khấn nguyện,
Đầu mỗi ngày trước chuyện áo cơm.
12-12-2017
MƯA ĐI CHO NẮNG VÀNG ƯƠM
Qua rồi những ngày mưa kinh hoàng,
Hôm nay mọi cửa tôi mở toang,
Hứng nắng cuối đông màu trà loãng,
Và đón chim về đậu cành soan.
Trời đã lên cao, mây như bông,
Phẳng lỳ trở lại những mặt sông,
Phố phường khởi sắc đời xao động,
Má môi thiếu nữ đã lại hồng.
* * *
Bóng ai áo tím đi hài thêu,
Ngang cổng nhà tôi chân bước đều,
Em ơi chờ anh, tôi vội kêu,
Nàng vẫn đi không hề ngoái lại,
Dẫu tôi ngã oạch giữa sân rêu!
Biết tôi ghét mưa từ tiền kiếp,
Mưa nhắm vào tôi để mưa trêu.
Nhắn về phương nam với đàn sếu,
Khi nào quay trở lại cố hương,
Nhỡ có gặp mưa ở trên đường,
Bảo tôi đã trở ghét thành thương.
Nay tôi chỉ trách nàng áo tím,
Đành đoạn bỏ tôi giữa vô thường!
23-12-2017
NGHĨ QUẨN ĐÊM MẤT NGỦ
Trang lứa chúng ta,
Ra đời vào nửa sau thế kỷ hai mươi,
Thoáng trong mắt ngây thơ vẻ tư lự của cha,
Vẳng bên tai ấu thời tiếng thở dài của mẹ,
Có cái chi bất thường giữa ngày non tháng trẻ.
(There was something unnatural in the air.)
Rồi ta vào đời để thấy:
Hoa trong vườn hoa niên không thật thắm tươi,
Những mảnh đời tung tóe như bị gà bươi,
Nơi phần tư cuối cùng của thế kỷ hai mươi,
Có cái chi tàn độc trong hơi hướm.
(There was, and has been, something evil in the air.)
Được bao năm chúng ta sảng khoái cười?
Đã bao năm khổ nhọc níu giữ phẩm cách người?
Những kiếp nhỏ gom thành số phận lớn,
Những kẻ mọn cùng níu tay hảo hớn,
Thành mảng bèo trôi nổi giữa biển đời,
Có cái chi rờn rợn như ma trơi.
(There’s something spooky in the air.)
Rồi sẽ hết nửa đầu thế kỷ hai mươi mốt,
Mảng bèo tấp vào đất mới khẩn hoang,
Trang lứa ta bón cho đất tươi tốt,
Lần lượt tắt những bóng đèn sợi đốt,
Đồng loạt sáng những đi-ốt phát quang,
Tan hết bóng đen trời đất sáng choang,
Rồi sẽ vang tiếng kèn báo tin lành.
(There should be something good coming.)
27-12-2017
KÍNH THƯA
Kính thưa…
Xin đừng quên tước hiệu đứng trước tên,
Chỉ dấu tự hào phân định rõ hai bên:
Bậc thức giả riêng khỏi đám thất phu,
Tên và tước gắn vào nhau rất bền,
Lúc xướng lên nghe êm như lời ru.
Kính thưa…
Xin đừng quên chức vụ đứng sau tên,
Dằng dặc dài nối nhau thành một chuỗi,
Kẻ nói người nghe nín thở muốn đuối,
Lời xưng tụng như búa đập vào phên,
Bốn bức tường rung mãi những tiếng rền.
Rồi mai đây mộ chí có đủ rộng,
Để chứa hết đám chữ đã rỗng không?
Tàn tro nào bay giữa chiều gió lộng,
Thất phu nhìn mà lòng không thấy động,
Tai mơ hồ vẳng hai tiếng kính thưa.
31-12-2017