Mar 7, 2015 (tM)
(Hoàng Trọng góp nhặt từ khanhhoaonline)
ME THỨ
Hồ Thị Nam Trân
(Đồng Khánh 1969 – 1972)
Kính tặng cô Thân Thị Giáng Châu
Ai đâu trở lại mùa thu cũ
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng…
Suốt một ngày bận rộn chuyển tủ sách sang phòng khác, khuya nằm ngủ chân tay rã rời, chợt nhớ tới các hộp nhỏ cất giữ những lá thư của cô Giáng Châu gởi cho tôi từ năm 2002 cho đến nay, tôi bật dậy nóng ruột lục tìm, tìm được rồi thì mê mải bồi hồi đọc lại những dòng thư thân yêu ấy, lúc ngẩng lên nhìn đồng hồ thì đã 2 giờ khuya, đang ngân nga điểm giờ một gia điệu buồn xa xưa “ Về đây khi mái tóc còn xanh xanh”…
Đêm Sài Gòn cuối năm se lạnh và hình như có cả sương mưa, gợi nhớ những ngày chớm đông xứ Huế, gợi nhớ một thời Đồng Khánh áo trắng học trò nay đã xa hun hút. Hồi ức về cô giáo cũ có nụ cười hiền hậu lại quay về, miên man sâu lắng.
Nhớ lần đầu được gặp Cô, lúc ấy tôi còn bé lắm, cỡ chừng hơn mười tuổi. Bác tôi và Ba tôi đều là bạn đồng nghiệp của Thầy, nhân dịp nghỉ hè, Thầy Cô và các con là Thụy- Thi –Thiều – Thúy đến thăm gia đình tôi ở gần cửa Đông Ba – Thành Nội Huế.
Thầy dáng nhanh nhẹn thể thao, tóc hớt ngắn, gương mặt cương nghị, mang kính cận, giọng nói to vang hào sảng, là một nhà giáo – luật gia nổi tiếng ở Huế. Cô mặc áo dài hoa, mảnh mai duyên dáng với làn da sáng, nụ cười nhân hậu, giọng nói nhỏ nhẹ dịu dàng. Em Châu Thúy lá út cưng, ngây thơ xinh xắn như búp bê, áo đầm xòe tung tăng, tóc dài hoe đỏ thắt bím cài nơ. Thụy – Thi – Thiều mặc đồ tây cùng kiểu, tóc hớt ngắn giống Thầy.
Thầy cô mang tặng gia đình tôi một cái tháp Eiffel nhỏ xíu mạ vàng, là quà lưu niệm chuyến đi tham quan các nước châu Âu của Thầy. Tôi rất yêu thích món quà này, trang trọng chưng trên bàn phòng khách, để sớm chiều đi học về là có thể ngắm ngay được.
Hình ảnh hạnh phúc của gia đình Thầy Cô đã là niềm mơ ước, là nỗi khát khao ám ảnh suốt tuổi thơ tôi. Những lúc gia đình tôi lục đục bất hòa, tôi luôn mơ tưởng hình ảnh của em Thúy hồn nhiên xinh tươi trong vòng tay thương yêu của Thầy Cô, tôi ao ước được một lần hóa thân thành em Thúy của Thầy Cô. Thời thơ ấu u buồn đã hằn lên tâm hồn non nớt của tôi những dấu chấm than chua xót không thể nào phôi pha!
Niên khóa Đệ tam C1 Đồng Khánh (1969) tôi vui mừng biết bao khi được học với cô môn Công dân. Giọng nói của cô vẫn luôn nhỏ nhẹ dịu dàng, cách giảng bài sinh động, đọc các tên riêng, các địa danh bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hay tuyệt vời. Cô luôn có những chuyện kể thú vị điểm xuyết trong giờ học nên môn Công dân vốn dĩ khô khan trở nên hấp dẫn lũ học trò ban C chúng tôi.
Thuở ấy các giáo sư trẻ trong trường đều âu yếm gọi Cô là ME THỨ (tên của Thầy), chúng tôi cũng cả gan bắt chước gọi ME ơi Me à, và thầm thì to nhỏ với nhau rằng Cô có ai Công tử khá “beau giai”, chúng tôi gọi cô là ME thì quá ư là chí lý!
Sau này trong những lá thư gởi cho tôi, cuối dòng Cô đều ký tên THGCHÂU, tôi ngầm hiểu TH không phải là họ của Cô mà là tên Thầy – Cô ghép lại, mỗi lần đọc thư cô gởi, nhìn ngắm chữ ký này tôi liên tưởng đến một dòng suối tình yêu liền mạch tuôn trào từ lòng thủy chung, sự tận tụy yêu thương vô bờ bến mà Cô đã dành cho Thầy trong suốt cuộc đời.
Cũng trong niên khóa này, nhân ngày cắm trại vui Tết trong sân trường, nhóm bạn của tôi rủ nhau mặc áo thun trắng có vẽ hình chân dung Tứ quái nhạc trẻ Anh Quốc “The Beatles” sau lưng, trông lạ mắt và pha chút tinh nghịch của tuổi học trò.
Gần bốn mươi năm đã qua, có lẽ những bạn cùng lớp tôi thuở đó đã quên chuyện này, vậy mà Cô vẫn còn nhớ như in. Trong lá thư từ Ontario – Canada gởi về cho tôi đầu năm 2002, Cô viết:
“Nam Trân ơi, Cô còn nhớ dịp trường Đồng Khánh mình vui tết 1969, em mặc chiếc áo T-shirt sau lưng có hình tay trống Ringo Starr lừng danh của The Beatles. Các bạn Tam C của em rất hâm mộ nên nhắc đến Nam Trân mặc áo hình Beatles là em Thúy nhớ liền à!…
Nay Thầy Cô già lắm, tai không nghe, mắt mờ quá chừng, viết ri mà không thấy hàng lối, em chịu khó đọc và chớ cười nghe, Cô bị yếu mắt mấy tháng ni, trước đây vẫn đọc thư cho Thầy, nay Thầy lại phải đọc thư cho Cô nghe! – Già buồn rứa đó em à!…”
Tôi không ngăn được xúc động khi đọc lá thư này của Cô, dòng cao dòng thấp, chữ này chồng lên chữ kia, nét đậm nét nhạt như đồi núi Đà Lạt chập chùng sương phủ!
Tháng 6-2004, từ Canada Cô đưa Thầy về Phan Rang ở với con trai là bác sĩ Châu Thiều để dưỡng bệnh. Thầy Lê Quân Thụy từ Mỹ về, rất đông các cựu giáo sư và học trò cũ Đồng Khánh, Quốc Học Huế, cùng nhiều thân quyến đã ra tận phi trường Tân Sơn Nhất đón Thầy Cô. Thầy đã 86 tuổi, ngồi xe lăn, Cô gầy yếu, tóc bạc phơ chống gậy theo sau. Thầy Thụy đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh của dịp gặp gỡ ngắn ngủi nhưng vô cùng xúc động này, vì chỉ chừng nửa giờ sau là Thầy Cô phải lên xe ô tô đi Phan Rang. Thời gian này Cô bớt phần vất vả trong việc chăm sóc Thầy. Trong một lá thư nhỏ viết vội cho tôi, Cô cho biết:
“Cô đã email cám ơn Thầy Thụy về những tấm ảnh ở phi trường Tân Sơn Nhất. Rứa mà đã thành kỷ niệm rồi…Cô khỏe hơn trước, nhờ vợ chồng Châu Thiều lo lắng chu đáo, có người chia sẻ việc chăm sóc Thầy, Cô được nghỉ ngơi, lấy lại sức sau nhiều năm “gồng mình”!
Mẹ tôi, cũng bằng tuổi “bát tuần” với Cô, đến bây giờ vẫn còn luôn quở trách tôi sao không báo tin cho Mẹ biết dịp Thầy Cô về nước, ghé qua Sài Gòn để ra Phan Rang. Mẹ tôi bảo nêu được báo tin là nhất định sẽ đi đón Thầy Cô ở phi trường. Mẹ tôi ngậm ngùi nhắc nhở thời kỳ Thầy vừa đi “học tập” về, vẫn hay đi xe đạp sang thăm Ba Mẹ tôi ở Thành Nội Huế, sau yên xe lúc nào cũng có quà cây nhà lá vườn: khi thì trái mít chin thơm phức, lúc thì vú sữa chin mọng. Giai đoạn khó khăn này Ba Mẹ tôi phải làm bánh tráng để sinh sống, gầy rạc ốm yếu, bệnh hoạn liên miên, những dịp đến thăm của Thầy cùng những món quá tình cảm đã là kỷ niệm không thể nào quên của Mẹ tôi.
Sau hơn một năm dưỡng bệnh ở Phan Rang, Thầy đã ra đi trong niềm thương tiếc vô hạn của mọi người. Nửa năm sau, Cô viết cho tôi:
“Cô đau hơn hai tháng ni, bị cúm từ trước Noel, sinh ra bao bệnh khác, buồn quá em à, cả nhiều ngày thất vọng vì bao kế hoạch đếu dở dang. Nhưng nay Cô đã đỡ nhiều, mà 3 tuần nay lại bị đau ở hai bàn tay. Có lẽ vì bấy lâu nay xoa dầu cho Thầy Thứ, loại dầu Trung Quốc Woodlock nó mạnh quá, đến nỗi 4 tháng sau khi Thầy mất, Cô mệt quỵ và tay cháy khô, tế bào chết cứ trồi ra trắng xóa. Cô xoa Vaseline pure nên viết không được vì tay nhòe nhoẹt thuốc, ui chao là bực!
Ra Tết, nếu không có chi thay đổi thì Sương ( Sư cô Viên Thế) cháu gọi Thầy là chú ruột sẽ đưa Cô về làng Phò Trạch – Thừa Thiên Huế lo mộ cho Thầy, sẽ an tang một hũ tro cốt nhỏ của Thầy vào đất làng như ý Thầy muốn, để họ hàng có chỗ đến mà thăm và chỗ đó cũng là nơi chôn hũ tro cốt của Cô sau này luôn…”
Ngày xưa Cô thường dạy chúng tôi nên biết chú ý quan tâm đến người khác, vì có chú ý mới có thương yêu và thói vô tình là một lỗi lầm khó tha thứ.
Tôi xúc động nhiều khi đọc những dòng thư thấm đẫm tình cảm của Cô dành cho đồng nghiệp cũ:
“Trong dịp an táng hũ tro cốt của Thầy, Cô gặp được nhiều Giáo sư Đồng Khánh cũ, những đồng nghiệp thân yêu của mình. Sau khi đi bộ hơn 1km trên cát, Thầy Thụy và các Thầy Cô khác đứng vây quanh mộ, tay cầm hoa hồng. Thầy Thụy dặn “ Chúng ta hát bài ONE DAY cho anh Thứ nghe, mà cấm khóc!” nhưng chính Thầy Thụy là người khóc trước!
Cô cầm tay Thầy Nam, thầy gầy guộc quá. Cô bỗng chảy nước mắt. đang rầu rĩ về việc Thầy ra đi, Cô càng hoảng hốt khi nghĩ đến những chia lìa mình còn phải gánh chịu với những người thân khác, cũng đã từng trong một giai đoạn nào của đời mình chia sẻ nhiều đắng cay nhọc nhằn.
Cô quý bạn bè lắm, đôi khi nghĩ bậy: Thầy Thụy, Thầy Nam, Cô Quế Hương…mình còn gặp lại chăng? – là thấy cay mắt cay mũi!”
ME THỨ là vậy đó, một cụ bà “bát tuần”, mắt kém, tay run, sức khỏe ngày mỗi sa sút nhưng vẫn luôn quan tâm thương yêu đồng nghiệp và học trò cũ, cả trong và ngoài nước. Lúc sức khỏe cho phép, ME viết thư thăm hỏi đến từng người với tình cảm chân thành sâu sắc.
Ngày còn là nữ sinh Đồng Khánh, tôi được Cô truyền đạt kiến thức, giờ đây khi đã bước qua bên kia đỉnh dốc đời người, tôi vẫn còn được học ở Cô nhiều bài học khác: bài học về lòng bao dung nhân hậu, tận tụy với mọi người, về tấm gương giản dị khiêm tốn, chân thành, thủy chung.
Nhiều bạn hữu thường cho rằng tôi là người cất giữ nhiều kỷ niệm về Thầy Cô, bạn bè của một thời Đồng Khánh. Không, tôi không cất giữ, mà những kỷ niệm ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, giúp cho tôi tìm được chút an nhiên giữa bao thăng trầm dâu bể của cuộc đời.
From: Tống Mai
Mar 7, 2015
Cô Giáng Châu dạy Pháp văn lớp Tam C của chị hồi xưa, chị rất thuơng, mỗi lần có giờ Pháp văn là nao nức chờ cô, và mỗi tháng xuống nhà cô ở đập đá để giúp cô làm sổ điểm. Hồi đó gọi là bà Thứ chứ không gọi cô Giang Châu.
Mê cô vì cô dạy mấy bài thơ Pháp sau cuốn Mauger I, mê nhất là bài Déjeuner du matin của J. Prévert và bài thơ xin mẹ kể chuyện về những thức ăn trước khi ngủ vì con chưa buồn ngủ…Puisque nous avons été sages, Et que nous avons bien chanté, Racontez-nous ce qui se mange, petite mère, racontez ! Ce qui est plus blanc que le linge, Et qui sent la ferme et les champs, Et les hameaux et les villages; Racontez-nous le lait , maman….Bài thơ ở mãi trong đầu và mỗi lần nhớ đến là nhớ giọng đọc thơ Pháp sương khói của cô.
Một cô giáo quí phái và đáng kính.
Không biết cô còn đó không?
chị TốngMai
Chị Mai,
Trọng chỉ biết về Me Thứ.
Ngày xưa Thầy Thứ dạy Nguyễn Tri Phương, Châu Thụy học NTP cùng niên khóa với Trọng, cùng lớp với Khoa( Pháp văn sinh ngữ chính ) còn Trọng khác lớp. Hồi đó gia đình Thầy Cô Thứ là 1 trong những gia đình lý tưởng ở Huế mà Trọng mơ ước. Trọng quen Châu Thụy là vì năm 12( đệ nhất ) Trọng làm tổng thư ký học sinh toàn trường NTP, còn gia đình Thầy Thứ 1 ban nhạc lý tưởng giúp Trọng tổ chức văn nghệ cho trường. Vì vậy Trọng quen thân với Thụy. Ai là bạn của con Me Thứ đều được Cô thương mến chính vì vậy mà Trọng cũng thương Me Thứ nhiều. Hôm Thầy Cô được Châu Thi bảo lảnh qua Canada Trọng có đến chia vui. Tiệc đám cưới của Thúy, Trọng có tham dự , nhưng ngày trở về quê hương của Thầy Cô, Trọng không biết để tiển đưa. Giờ Thầy và Châu Thụy đã ra đi. Không biết Me Thứ giờ ra sao? Có ai rỏ cho Trọng hay nghe.
From: Bich Van
Mar 7, 2015
Chị Mai ơi!
Nam Trân học ban C anh Văn hơn em một lớp.
Một vài cô thầy và vài học sinh DK đã đến đón cô Thầy ở phi trường,hôm đó em cũng có đi
Ngày xưa em có hoc cô Pháp văn sinh ngữ 2 và môn Công dân.
Năm nào mấy Cô ĐK và một vài học sinh DK cũng tổ chức đi thăm Me Thứ ở Phan Rang.Vừa rồi cô bệnh nặng, nhưng bây giờ sức khỏe đã tốt hơn nhiều.
Lúc đầu mới ở xứ lạnh về một nơi gần như nóng nhất VN, cô có ý định vào SG ở, nhưng sau đó cũng quen dần.
TM
BV
TMai! Chị Nam-Trân, tuy nhỏ tuổi hơn Cẩm, nhưng là vai chị trong bà con, nên Cẩm kêu bằng chị là vậy, như Cẩm đã có nói vài lần lên nhóm, khi có ai hỏi về chị, sau 1975 chị Nam-Trân là xướng ngôn-viên đài truyền-hình, Huế 1 thời-gian dài, hiện g/đ chị đang sống tại SG, Cẩm gởi vài hình để xem TM có nhận ra không nhé
From: Tong Mai
Mar 7, 2015
Cám ơn Cẩm, Mai không biết Nam Trân, nhưng hình giữa Nam Trân đẹp cổ điển hiền hậu, nếu mang khăn đóng vào thì chắc hao hao Nam Phương hoàng hậu.
Mai
From: Tong Mai
Mar 7, 2015
Đúng như anh Hòa tả nhà của cô Giáng Châu đi loăng quăng trái phải vào sâu sát bờ sông ở Đập Đá. Cô ở gần nhà của cô bạn rất thân của Mai là Minh Hương có chị là Minh Châu bạn của Nguyệt. Hay đến nhà của cô chơi vì thương cô và cũng là học trò cưng, sau nhà là sông Mai hay ra ngồi ngoài đó học bài thi nhưng Mai không để ý đến ai trong nhà nên không nhớ ai ra ai. Mai chỉ nhớ Châu Thúy thôi.
Vân ơi, vậy là Vân cũng ban C Anh Văn như chị, sinh ngữ 2 Pháp văn với cô Giáng Châu lúc đệ Tam. Chị vui khi biết cô vẫn còn đó. Cô Lưu Ti nữa, không biết giờ cô ở đâu. Hai cô giáo chị nhớ nhất.
TốngMai
From:NguyenMinhNguyet
Mar 7,2015
Ng không được học với Cô Giáng Châu nhưng Ng cũng còn nhớ được hình ảnh của Cô thật hiền hòa , đáng kính , giọng nói nghiêm nghị nhưng ôn tồn mà tất cả học sinh trong trường đều được nghe Cô nói mỗi buổi sáng thứ Hai khi chào cờ , thời Cô làm Hiệu Trưởng Trường Đồng Khánh của tụi mình.
Thời đó( Ng không còn nhớ rõ là năm nào ) Cô Giáng Châu làm Hiệu Trưởng và Cô Doãn làm Tổng Giám Thị . Cô Doãn Tổng Giám Thị bị những đứa học trò nghịch ngợm như Ng gọi là dữ thì bên cạnh Cô Hiệu Trưởng Giáng Châu thật quá hiền lành.
Chị Ng cám ơn Trọng đã giới thiệu bài viết về Cô Hiệu Trưởng kính yêu của một thời Đồng Khánh.
MN.