Oct 20, 2017 (TM)
Cuốn truyện Zorba cũ mèm cả ngày sinh lẫn giấy in ố vàng của nó. Vậy mà hôm nay tôi lôi xuống khỏi kệ sách lật ra tìm lại hai đoạn:
Con bươm bướm và Bàn tay thượng đế.
Tống Mai
CON BƯƠM BƯỚM
Tôi mặc quần áo và đi xuống mé nước. Tôi đi thật nhanh. Tôi vui vẻ như thể thoát khỏi một nỗi nguy hiểm hay một tội lỗi. Ước vọng tọc mạch do thám và tìm hiểu tương lai trước khi nó sinh ra sáng nay đột nhiên hiện ra với tôi như một tội phạm thượng.
Tôi nhớ một buổi mai khi tôi khám phá thấy một con kén trong lần vỏ một thân cây, ngay lúc con bướm đục rách màng bọc và sửa soạn chui ra. Tôi đợi một lát nhưng nó chậm quá mà tôi thì hấp tấp vội vàng. Bực tức, tôi cúi xuống và thổi vào để sưởi ấm nó. Tôi cố sưởi ấm nó càng nhanh càng hay, và phép lạ bắt đầu hiện ra trước mắt tôi, theo một nhịp điệu nhanh hơn tự nhiên. Màng bọc mở, con bướm từ từ lết ra, và không bao giờ tôi quên được nỗi kinh sợ của tôi lúc ấy: đôi cánh của nó chưa mở và nhăn nheo; toàn thân run rẩy, nó cố gắng khép cánh lại. Cúi mình trên con bướm, tôi trợ giúp nó bằng hơi thở của tôi. Vô ích. Một sự nẩy nở kiên nhẫn là điều cần thiết và sự mở phơi đôi cánh phải là một quá trình tiệm tiến trong ánh mặt trời. Bây giờ thì đã quá muộn. Hơi thở của tôi đã thúc bách con bướm xuất hiện, nhăn nheo, trước hạn kỳ. Nó dãy giụa, tuyệt vọng, vài giây sau, chết trong lòng tay tôi.
Cái thi thể nhỏ bé đó, tôi tin rằng đó là cái gánh nặng nhất trên lương tâm tôi. Bởi vì ngày nay tôi ý thức được rằng cưỡng bách những định luật vĩ đại của thiên nhiên là một trọng tội. Chúng ta không được vội vàng, chúng ta không được bất nhẫn, nhưng chúng ta phải tuân theo cái nhịp điệu vĩnh cửu một cách tin tưởng.
Tôi ngồi trên một tảng đá lặng lẽ nghiền ngẫm tư tưởng đầu năm mới này. A! Ước gì con bướm nhỏ bé đó có thể bay lượn chập chờn trước mặt để chỉ đường cho tôi mãi mãi.
(Trích Zorba the Greek / Nikos Kazanzakis / Nguyễn Hữu Hiệu dịch)
RODIN – BÀN TAY THƯỢNG ĐẾ
Trong một phòng triển lãm tác phẩm của Rodin, tôi ngừng lại ngắm một bàn tay khổng lồ bằng đồng, Bàn Tay của Thượng Ðế. Lòng bàn tay nắm lại nửa chừng và trong lòng bàn tay ấy, một người đàn ông và một người đàn bà đang ngây ngất quấn quít vào nhau, phấn đấu để hòa hợp với nhau.
Một thiếu nữ đến gần và dừng lại bên cạnh tôi. Nàng cũng xúc động khi ngắm nhìn vòng tay ôm ghì vĩnh cửu đầy lo âu của người đàn ông và người đàn bà. Nàng dáng thanh thanh, ăn mặc lịch sự, với mái tóc dầy vàng hoe, một cái cằm bướng bỉnh và đôi môi mỏng. Nàng có vẻ quả quyết và đàn ông. Thường thường tôi rất ghét gợi chuyện dễ dãi nhưng lần này tôi không hiểu điều gì đã thúc dụ tôi quay sang hỏi:
– Cô nghĩ gì?
– Nếu người ta có thể trốn thoát! Nàng thì thầm một cách giận dỗi.
– Ðể đi đâu? Bàn tay Thượng Ðế ở khắp nơi. Không có sự cứu chuộc. Cô tiếc sao?
– Không. Có thể tình yêu là niềm hoan lạc mãnh liệt nhất trên thế gian này. Ðiều ấy rất có thể. Nhưng bây giờ khi nhìn thấy bàn tay bằng đồng kia, tôi muốn tìm cách thoát thân.
– Cô thích tự do hơn?
– Dạ.
– Nhưng nếu chỉ khi nào người ta vâng lời theo bàn tay đồng kia thì người ta mới được tự do? Nếu danh từ “Thượng Ðế” không có nghĩa tiện lợi như đám đông gán cho nó?
Nàng nhìn tôi lo âu. Mắt nàng có một mầu xám chì, môi nàng khô và cay đắng.
– Tôi không hiểu, nàng nói, rồi nàng lảng ra xa như hoảng sợ.
Nàng biến mất. Từ đó, tôi không bao giờ nghĩ ngợi tới nàng. Tuy nhiên, chắc chắn nàng vẫn sống trong đáy lòng tôi – và hôm nay, trên bờ biển hoang vắng này, nàng tự phần sâu thẳm của con người tôi bước ra, xanh xao và ai oán.
Vâng, tôi đã xử sự tệ quá. Zorba có lý. Bàn tay đồng ấy là một cớ chính đáng. Sự va chạm đầu tiên đã thành tựu, những lời nói dịu dàng đã được đổi trao, và dần dần chúng ta có thể, không ai lưu tâm đến ai, siết chặt lấy nhau và cùng nhau lẳng lặng hòa hợp trong lòng bàn tay Thượng Ðế. Nhưng tôi, tôi lại bất thần nhẩy vọt từ dưới đất lên trời khiến người đàn bà hoảng kinh chạy trốn.
(Trích Zorba the Greek / Nikos Kazanzakis / Nguyễn Hữu Hiệu dịch)
Thật là tuyệt vời. Rất yêu đoạn con bươm bướm nở này, thích hơn cả đoạn văn Nabokov tả con bướm nở trong đêm Giáng sinh.
Cảm được cái guilt nặng trĩu trong lòng người viết. Trộm nghĩ nếu Mai tách hai bài thành hai post, để độc giả thưởng thức mỗi bài riêng. Cái bóng lớn của Zorba the Greek và dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu che lấp đóa hoa Tống Mai nhỏ bé mỏng manh nhưng có hương thơm riêng của nó.
Lòng hiếu kỳ và sự vội vàng nôn nóng đã làm chết một sinh vật nhỏ nhoi nhưng rồi mặc cảm tội lỗi đã đeo đẳng theo tác giả mãi hoài làm ông phải suy gẫm về lòng kiên nhẫn để mà tuân thủ theo quy trình tự nhiên của tạo hóa , mọi việc trong đời đều theo lẽ tuần hoàn không thể bách tách hay vội vàng , có lẽ mình cũng phải học theo tính kiên nhẫn thôi !