Tất cả đều vô nghĩa ngoại trừ bầu trời kia ! – Tống Mai

Jan 14, 2020 (TM)

“Moi aussi, j’étais comme du sable, et tout, en moi, s’est effacé.”
Câu đó của Saint-Exupéry trong Terre des hommes.
Những cái gì tôi chứng kiến mỗi buổi sáng sau cửa sổ của tôi cũng như thế, cát trên biển, tan đi trong mỗi sát na.

Tôi có thói quen thức giấc mỗi sáng khi trời còn đậm xanh, khoảng cách nhắm mắt từ đêm đến sáng rất ngắn, mặc dù đêm dài lắm ở chung quanh, until you’ve reached each dawn with sleepless eyes then you know how long the night really is, mới biết nỗi cô quạnh như thế nào khi chỉ có ta và bóng đêm ngoài kia.

Nhưng tất cả bừng sáng khi ta hoàn toàn chìm vào những màu sắc kỳ lạ của bầu trời bình minh. Tôi ngủ không đóng rèm cửa để có thể nhìn ra ngoài. Những buổi sáng đóng đinh bên cửa sổ nhìn ra thế giới chỉ có cây cối, bầu trời và giáo đường nho nhỏ bên góc ngay dưới cửa để thấy biến chuyển kỳ lạ của bầu trời bình minh và hoàng hôn, mây ấm và tuyết lạnh. Tôi không ngừng cám ơn trời cao đã cho tôi được sống giữa khung cảnh thiên nhiên này thay vì giữa cuộc sống quay cuồng người và người. Càng về sau trong đời, tôi càng thấy “far from the madding crowd” đã giữ yên ổn cho mình. Và với tôi yên ổn đồng nghĩa với hạnh phúc.  Tôi chưa hề thực sự bước vào đời, bao giờ cũng níu giữ cái solitude của mình, và điều đó cho đến bây giờ chưa một lần nuối tiếc. Ngày nào khi bầu trời ngoài cửa sổ kia của tôi không còn rung động được lòng, thì ngày đó mới là ngày tận thế của tôi. Cái rung động chờ đợi bình minh, hoàng hôn, trăng sao sau cửa chưa hề khép lại.

Dù cho buổi tối có chậm rãi tràn vào và im lặng tất cả các bài hát
Bất chấp nỗi sợ hãi trong bóng đêm; bất chấp bầu trời đầy mây
Chim ơi, hãy nghe ta mà đừng khép cánh
(Tagore)

Bầu trời cao cả, mỗi sáng nào cũng như thế, rực rỡ nhất vào mùa đông và thu, là lúc cuồn cuộn không biết bao cảm xúc trong lòng, những cảm xúc có mãnh lực đẩy đi những ký ức buồn bã, mất mát, để chỉ còn lại một điều chắc chắn là bầu trời và những đám mây, những cành cây, những con chim non yêu dấu ngoài kia là có thực.

Tất cả đều vô nghĩa, tất cả đều hư ảo ngoại trừ bầu trời kia.

Bạn thân yêu, hãy đọc lại với tôi đoạn này trong War and Peace của Leo Tolstoy. Còn nhớ không khi công tước Andrei bị trúng đạn ngã xuống trong trận chiến Austerlitz với binh lính của Napoleon. Ý nghĩa của đời người khi Andrei bị thương, ngã xuống chìm vào bầu trời yên bình. Tất cả đều lùi lại, tiếng súng, tiếng la hét náo loạn của trận chiến bỗng im bặt. Andrei không còn thấy gì hết. Trên đầu ông chỉ còn mỗi bầu trời cao cả, hiền hậu, không trong nhưng bao la mây xám lặng lờ trôi. Ông thốt lên, trầm buồn: yên tĩnh quá, bình yên quá, nhưng sao trang nghiêm, thật khác xa với thế giới đầy tiếng la hét xông xả của trận đánh bên kia. Tại sao ta không bao giờ để ý đến cái vô tận của bầu trời trước mặt nhỉ, và thật sung sướng biết bao khi cuối cùng ta khám phá ra được điều này. Tất cả đều vô nghĩa, ngụy tạo, nhỏ nhoi. Tất cả đều hư vô kể cả cuộc sống lẫn cái chết. Tất cả đều hư ảo trừ bầu trời vô tận kia. Và không còn hiện hữu nào khác ngoài sự hiện hữu của bầu trời. Nhưng có lẽ, ngay cả bầu trời cũng không có thật. Có lẽ không còn gì hiện hữu, không còn gì cả ngoài sự im lặng và bình yên.

Tống Mai
Virginia – Jan 14, 2020

 

WAR AND PEACE – CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH
Leo Tolstoy
Phần III, Chương 15

Nhưng công tước Andrey không biết được đoạn kết. Chàng có cảm giác như một trong những người lính ở sát gần chàng và hết sức giáng gậy đánh vào đầu chàng. Chàng thấy hơi đau, nhưng cái chính là chàng bực mình vì cảm giác đau làm cho chàng mất chú ý và không xem tiếp được cái cảnh mà chàng đang nhìn.
“Cái gì thế này? Mình ngã à? Chân mình cứ khuỵu xuống” – chàng nghĩ thầm. Chàng mở mắt, mong thấy được cuộc vật lộn giữa quân Pháp và đội pháo binh, chàng muốn biết người pháo binh tóc hoe có bị giết chết không, mấy khẩu pháo có cứu được không.
Nhưng chàng chẳng thấy gì cả. Ở phía trên chàng lúc bấy giờ không còn gì hết, ngoài bầu trời – bầu trời cao, không quang đãng lắm, nhưng vẫn cao vòi vọi, với những đám mây xám chầm chậm lững lờ trôi qua.
“Im lặng quá, yên tĩnh và trân trọng quá, hoàn toàn không giống những lúc ta đang chạy”, công tước Andrey nghĩ – không giống như khi chúng ta chạy, ta hét và bắn giết nhau, hoàn toàn không giống như khi người pháo binh và tên lính Pháp giằng co nhau chiếc gậy thông nòng, mặt mày giận dữ và hoảng sợ, những đám mây trôi trên bầu trời cao lộng mênh mông kia hoàn toàn không giống như thế. Làm sao trước đây ta lại không trông thấy cái bầu trời cao vòi vọi ấy? Sung sướng quá: bây giờ thế là ta đã biết nó. Phải, ngoài bầu trời vô tận kia ra, tất cả đều là vô nghĩa, đều là lừa dối. Không có gì hết. Nhưng ngay cả bầu trời cũng không có nữa, không có gì hết, ngoài sự im lặng, ngoài sự yên tĩnh. Đội ơn Chúa…”
Trên cao nguyên Pratxen, ngay ở chỗ chàng ngã xuống, tay cầm chiếc cán cờ, công tước Andrey nằm yên, máu cứ chảy ra từ từ.
Chàng rên lên khe khẽ, một tiếng rên ai oán nghe như tiếng rên của trẻ con.
Đến chiều, chàng thôi rên và lặng hẳn đi. Chàng không biết mình lịm đi như thế bao lâu. Bỗng chàng lại cảm thấy mình còn sống và thấy trên đau nhói như có cái gì đau xé xương xé thịt ra.
“Bầu trời cao vòi vọi mà trước kia ta chưa từng biết và đến hôm nay mới trông thấy, bầu trời ấy bây giờ ở đâu? – Đó là ý nghĩ đầu tiên của chàng. – Cả cái cảm giác đau đớn này nữa trước kia ta cũng không biết. Phải rồi, từ trước đến nay ta không biết gì cả, không biết chút gì. Nhưng đây là ở đâu?”
Chàng bắt đầu lắng tai nghe ngóng. Có tiếng ngựa đang đi lại gần và tiếng cười nói bằng tiếng Pháp. Chàng mở mắt ra. Ở trên đầu, chàng thấy lại bầu trời cao, vẫn bầu trời ấy và những đám mây lơ lửng còn cao hơn sáng nay. Qua mấy đám mây ấy có thể thấy khoảng không vô tận màu xanh biếc. Chàng không quay đầu lại và không trông thấy người nhưng cứ nghe tiếng vó ngựa và tiếng nói có thể đoán biết là đang đi về phía chàng.
Những người ngựa ấy là Napoléon và hai sĩ quan phụ tá đi theo ông. Buônapáctê bấy giờ đang đi quanh chiến trường để tìm ra những mệnh lệnh cuối cùng, tăng cường các pháo đội bắn vào con đê Aoghext và xem xét những người tử trận hoặc bị thương còn sót lại trên chiến trường.
– Lính của họ khoẻ đẹp đấy – Napoléon nói trong khi ngắm nhìn một người pháo thủ Nga tử trận nằm sấp, mặt úp xuống đất, gáy đen sạm lại, một cánh tay đã cứng đang rộng một bên.
Vừa lúc ấy có một viên sĩ quan phụ tá từ các pháo đội đang bắn vào Aoghext cưỡi ngựa đến báo:
– Tâu hoàng thượng, đạn của các khẩu pháo của trận địa đã hết.
– Cho mang số đạn của đội dự bị lên.
Napoléon nói, rồi cho ngựa đi mấy bước nữa, đứng lại sát chỗ công tước Andrey đang nằm ngửa mặt lên, chiếc cán cờ vứt lên cạnh (lá cờ đã bị quân Pháp tháo cất làm chiến lợi phẩm). Napoléon nhìn Bolkonxki nói:
– Một cái chết rất đẹp.
Công tước Andrey hiểu rằng những lời này nói về chàng và người nói chính là Napoléon. Chàng đã nghe họ gọi người nói câu vừa rồi là Hoàng thượng. Nhưng chàng nghe những lời đó dường như chỉ là tiếng vo ve của một con ruồi. Chàng không những không lưu tâm đến câu nói đó, mà thậm chí cũng không buồn để ý tới nữa, và nghe xong là đã quên ngay. Đầu chàng nhói buốt; chàng cảm thấy máu mình đang chảy cạn dần và không thấy bầu trời ở phía trên, xa xăm, cao lồng lộng và vĩnh viễn vô tận.
Chàng biết rằng đây chính là Napoléon – Vị anh hùng của chàng – Nhưng vào giờ phút này chàng thấy Napoléon sao mà nhỏ bé, vô nghĩa quá chừng so với cái gì lúc bấy giờ đang diễn ra giữa linh hồn chàng với bầu trời cao vô tận với những đám mây bay lờ lững.
Trong phút ấy, ai đứng bên chàng, nói gì về chàng, đối với chàng nào còn ý nghĩa gì; chàng chỉ mừng thầm rằng đã có người dừng lại ở bên chàng, và chỉ mong sao những người ấy giúp chàng trở lại cuộc sống, cuộc sống mà chàng thấy là vô cùng tươi đẹp, vì bây giờ chàng đã hiểu nó một cách khác. Chàng thu hết tàn lực để động dậy một chút và kêu lên một tiếng. Chàng khẽ nhích chân lên và rên lên một tiếng yếu ớt, đau đớn làm cho bản thân chàng cũng thấy thương hại.
– À anh ta còn sống, – Napoléon nói. – Đỡ anh bạn trẻ này dậy và đem về trạm cứu thương!
Nói đoạn, Napoléon thúc ngựa đi về phía nguyên soái Lan bấy giờ đang tiến lại gần ông, cất mũ, mỉm cười ngỏ lời mừng Napoléon về trận đại thắng vừa rồi.
Công tước Andrey không nhớ gì thêm nữa: chàng đau quá ngất đi mấy lần khi họ vực chàng lên cáng, khi họ đưa chàng đi và khi họ xem xét các vết thương của chàng ở trạm cứu thương. Mãi đến hết ngày ấy, khi họ mang chàng vào y xá cùng với các sĩ quan Nga khác cũng bị thương và bị bắt làm tù binh, chàng mới tỉnh dậy. Lần đi chuyền này chàng cảm thấy khoẻ hơn một chút, chàng đã có thể quay đầu hai bên, và còn có sức nói được nữa là khác.
Câu nói đầu tiên mà chàng nghe được khi tỉnh dậy là lời viên sĩ quan Pháp áp giải tù binh nói hấp tấp:
– Phải dừng lại đây với được: hoàng đế sắp đi qua đây, nếu để Người trông thấy các sĩ quan tù binh này, chắc Người sẽ vui lòng lắm.
– Bây giờ tù binh nhiều quá, gần hết cả đội Nga rồi còn gì, thành thử chắc hoàng thượng cũng đến phát chán, – một sĩ quan khác nói.
– Ô! Nhưng mà… nghe nói, vị này là tư lệnh của toàn thể quân cận vệ của hoàng đế Alekxandr đấy – người thứ nhất nói tay chỉ vào một sĩ quan Nga bị thương mặc quân phục kỵ binh cận vệ màu trắng.
Bolkonxki nhận ra công tước Repnin mà chàng đã từng gặp trong những buổi tiếp tân ở Petersburg. Bên cạnh Repnin có một người thiếu niên mười chín tuổi, cũng là vĩ quan kỵ binh cận vệ.
Buônapáctê phi ngựa đến, dừng lại. Trông thấy toán tù binh, ông nói:
– Ai là người cao chức nhất?
Họ đáp là đại tá công tước Repnin.
– Ông là vị chỉ huy quân đoàn kỵ binh cận vệ của hoàng đế Alekxandr phải không? – Napoléon hỏi.
– Tôi chỉ huy một tiểu đoàn kỵ binh – Repnin đáp.
– Trung đoàn của ông đã làm tròn bổn phận một cách quang vinh – Napoléon nói.
– Lời khen ngợi của một danh tướng là phần thưởng đẹp đẽ nhất đối với một quân nhân, – Repnin nói.
– Ta rất vui lòng ban cho ông lời khen đó, – Napoléon nói. – Người trẻ tuổi nằm cạnh ông là ai?
Công tước Repnin đáp là trung uý Xukhtelen.
Napoléon nhìn người thiếu niên, mỉm cười nói:
– Còn trẻ thế mà đã đến đọ sức với chúng ta.
– Tuổi trẻ không hề làm người ta thiếu lòng dũng cảm, – Xukhteten đáp, giọng đứt quãng.
– Một câu trả lời hay. – Napoléon nói. – Anh bạn trẻ ạ, anh còn tiến xa đấy!
Công tước Andrey, bấy giờ cũng đã được đặt nằm ở phía trước ngay dưới hoàng đế để cho bộ chiến lợi phẩm tù binh được trọn vẹn, không thể không làm cho hoàng đế chú ý. Napoléon hình như nhớ ra rằng đã trông thấy chàng trên chiến trường, liền quay lại nói với chàng, dùng mấy chữ anh bạn trẻ – (jeune homme), là danh hiệu mà ông đã tặng chàng lần gặp gỡ đầu tiên và nay hãy còn nhớ lại.
Napoléon bảo công tước Andrey:
– Còn anh thì thế nào, anh bạn trẻ. Anh thấy trong người thế nào rồi, anh bạn dũng cảm)
Tuy trước đây năm phút, công tước Andrey có thể nói mấy câu với những người lính cáng chàng đi, nhưng bây giờ chàng chỉ đưa mắt nhìn thẳng vào Napoléon và lặng thinh… Giờ phút này chàng thấy tất cả những điều Napoléon quan tâm đều vô nghĩa quá, ngay bản thân con người mà chàng sùng bái trong khi huênh hoang mừng rỡ về trận thắng, cũng nhỏ bé quá so với bầu trời cao cả, công minh và hiền hậu mà chàng đã trông thấy và đã hiểu, đến nỗi chàng không thể trả lời Napoléon được.
Vả lại tất cả đều có vẻ vô ích và nhỏ nhặt so với những tư tưởng trang nghiêm và hùng vĩ trong khi chàng kiệt sức dần vì mất máu, trong khi chàng đau đớn chờ đợi cái chết đang đến gần. Nhìn thẳng vào mặt Napoléon, công tước Andrey nghĩ đến cái hư vô của danh vọng, cái hư vô của cuộc sống, mà chẳng có ai hiểu được ý nghĩa, cái hư vô càng lớn lao hơn nữa của cái chết, mà không có người sống nào hiểu và giải thích được.
Hoàng đế đợi mãi không thấy chàng trả lời, liền quay đi và dặn một viên sĩ quan chỉ huy:
– Phải săn sóc chu đáo những người này và đưa họ về doanh trại của ta; bác sĩ Laley ngự y của ta sẽ xem xét vết thương cho họ. Thôi xin chào công tước Repnin.
Nói đoạn Napoléon giật cương ngựa phóng nước đại. Gương mặt của ông ta tươi rói lên vì tự mãn và vui sướng.
Những người lính khiêng công tước Andrey trước đây đã cởi lấy chiếc tượng thánh bằng vàng do công tước tiểu thư Maria đeo lên cổ chàng, nay thấy hoàng đế nói năng ôn tồn với tù binh liền vội vã trả lại chiếc tượng cho chàng.
Công tước Andrey không trông thấy người nào đã đeo lại bức tượng và đeo vào lúc nào, chỉ thấy bỗng dưng trên ngực mình choàng ra ngoài áo quân phục có chiếc tượng nhỏ treo trên sợi dây chuyền vàng mỏng manh. Công tước Andrey ngắm bức tượng mà em gái chàng đã thiết tha và cung kính đeo vào cho chàng, lòng thầm nghĩ: “Giá mọi việc đều đơn giản và rõ ràng như công tước tiểu thư Maria nghĩ thì sẽ hay biết mấy. Giá có thể biết được trên đời này nên tìm sự cứu giúp ở đâu và biết được là sau cùng cuộc sống sẽ có cái gì khi mình đã xuống mộ thì hay quá! Giá bây giờ ta có thể nói: lạy Chúa, xin Người xót thương con, thì ta sẽ sung sướng và thanh thản bịết bao… Nhưng ta biết nói với ai như vậy bây giờ? Phải chăng cái sức mạnh huyền bí mơ hô, mà ta không thể nào cầu xin được đã đành, nhưng thậm chí cũng không thể nào biểu hiện ra rằng lời nói được chính là cái mênh mông bao gồm tất cả hay là cái hư vô. Phải chăng đó là cái đấng Thượng đế mà công tước tiểu thư Maria cất giấu trong lá bùa này? Không, không có gì thật cả ngoài sự hư vô của tất cả những gì mà ta hiểu được, và sự lớn lao của một cái gì không thể hiểu nổi, nhưng lại vô cùng quan trọng!”.
Họ lại khiêng cáng đi. Cứ mỗi cái lắc chàng lại thấy đau không sao chịu nổi; trạng thái sốt tăng lên, và chàng bắt đầu mê sảng.
Hình ảnh của cha, vợ, em gái và đứa con sắp ra đời của chàng, cùng cái cảm giác trìu mến và chàng đã sống qua trong đêm trước khi ra trận, bóng dáng của Napoléon nhỏ bé vô nghĩa, và bao trùm lên tất cả những thứ đó, là một bầu trời cao xanh – Đó là những điều chàng mơ thấy nhiều nhất trong cơn sốt mê man.
Chàng mơ thấy cuộc sống hình lặng và cái không khí hạnh phúc gia đình êm thấm ở Lưxye Gorư. Chàng đã bắt đầu được hưởng thụ cái hạnh phúc này thì bỗng cái lão Napoléon nhỏ bé kia hiện ra với cái nhìn dửng dưng, thiển cận và thoả mãn trước những nỗi bất hạnh của người khác, rồi những hoài nghi, những đau khổ bắt đâu kéo đến, và chỉ có bầu trời kia là hứa hẹn sẽ cho chàng yên tĩnh. Đến sáng, tất cả những hình ảnh chập chờn trong giấc mơ pha trộn với nhau, hoà thành một khối hỗn mang mịt mùng, chàng mê man không còn biết gì nữa.
(Nguyễn Hiến Lê dịch)
THE LOFTY SKY BEHIND MY WINDOW
BẦU TRỜI BÌNH MINH SAU CỬA SỔ
The little chapelle in the corner of the woods

Morning prayer

Snowfall

 

 

 

A Patch of blue

 

 

 

 

 

 

 

The unseen moon

 

 

 

31 thoughts on “Tất cả đều vô nghĩa ngoại trừ bầu trời kia ! – Tống Mai

  1. Dearest Mai, first of all: do you love Tagore too, how much do we still have in common ??? And you too look at the sky from your home. What wonderful photos …
    I have two special windows: the one in my bedroom opens on sunrise, the one in the kitchen on sunset. And in between there are thunderstorms and rainbows and clouds and all the colors and lights of the day and seasons, and the moon and the stars (because from my house you can see a large portion of the sky).

    1. Dearest Susanna,
      I guess we both love Tagore when we were still in school. We grew up with his poetry that lives on till this day in our heart. Thanks God, we still have the beautiful classics from our youth because modern literature is hard to swallow.

      “Who are you, reader, reading my poems a hundred years from now?
      I cannot send you one single flower from this wealth of the spring, one single streak of gold from yonder clouds.
      Open your doors and look outside. From your blossoming garden gather fragrant memories of the vanished flowers of a hundred years ago. In the joy of your heart, may you feel the living joy that sang one spring morning, sending its joyful voice across a hundred years. ” (The Gardener)

      1. Bạn là ai – người trăm năm sau đang đọc thơ tôi.
        Tôi không thể gởi bạn bông hoa duy nhất
        trong sắc xuân này
        Ánh vàng độc nhất từ sắc mây.
        Xin mở toang cửa sổ.
        Thu nhặt ngay trong vườn mình hoa nở rộ.
        Kỷ niệm ngát hương
        của bông hoa trăm năm về trước đã phai tàn.
        (Tagore – Tâm Tình Hiến Dâng – The Gardener)

    1. Cám ơn anh Tùng.
      “Golden branch tips” là những giọt tuyết đọng lại lấp lánh vàng khi ánh mặt trời chiếu vào. Ống kính của máy ảnh thấy được những gì mắt trần của người không thấy được, cũng như lôi ra được trong bóng tối những chi tiết hay màu sắc mà khi chụp mình có thấy được đâu.

  2. ‘Cảnh tùy tâm sinh’ đó chị.

    Trong năm mới, K chúc chị luôn giữ được tâm an và cái nhìn vạn vật trong vắt nhé!

    1. Cám ơn K. Chị mong gặp khi về SG và trong những chuyến du hành tới ở Á Châu.
      Chị cũng chúc K. yên khỏe mãi.

      p.s. Chị sực nhớ những viên kẹo ho của K. đã giữ cho chị bớt ho trên máy bay đi Kathmandu : )

  3. “Tu sais…quand on est tellement triste on aime les couchers de soleil”

    Quand on triste, au contraire on a de la peine et on aime regarder ce coucher de soleil qui symbolise notre intérieur, notre confiance en nous est en berne, notre joie disparaît peut à peut.

    Nous ne changerons notre entourage que lorsque nous nous serons changés nous même. Le changement commence par nous.

    La fleur est née avec le soleil.

  4. Ôi cái màu xanh thẫm trước bình mình và sau hoàng hôn đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực chị nhỉ. Em cũng hay nhìn ngắm bầu trời vào mùa hè, ngắm những tầng mây, chim chóc…rồi mơ mộng. Đôi khi ngắm bầu trời đêm lại cho mình cái cảm giác ”awe” khó diễn tả.

    1. Chị cũng mê cái “blue hour” trước khi mặt trời lên và sau khi mặt trời lặn. Có điều gì rất mystique thôi miên của màu xanh đậm vừa lạnh vừa buồn vừa cô quạnh. Khi nào qua đây, chị sẽ dẫn đến những nơi chị thường lai vãng để chờ “blue hour” đó.

    2. “For a moment of night we have a glimpse of ourselves and of our world islanded in its stream of stars — pilgrims of mortality, voyaging between horizons across eternal seas of space and time.” (Henry Beston)

    1. Hai chục năm ở bên cạnh cái giáo đường đó mà chị chưa dám đặt chân vào bên trong vì hình như đó chỉ là một chapelle rất nhỏ cho những người Presbyterian vào cầu nguyện. Nhưng mỗi sáng Chúa Nhật thì có tiếng chuông nhà thờ đổ rất êm đềm.
      Có ngày nào đó chị sẽ thu hết can đảm bước vào xem sao.

  5. Je suis comme je suis.

    Trăm năm trong cõi người ta, chữ Tài chữ Mệnh khéo mà có nhau.
    Ý nghĩ đẹp nhất là:
    “Mây ấm và tuyết lạnh”
    Chơi chữ kiểu này làm cho người đọc phải chạnh lòng xao xuyến

  6. Chính tả Mai ơi!

    Mai sửa chữ “t” cho “mất mát”
    “mác” chỉ có trong “buồn man mác”, “giáo mác” và “Mác-Lênin”!

    1. Cám ơn Bá, Mai đã sửa lại.
      Vậy mà lúc đầu Mai viết “mát” xong thấy không ổn nển đổi lại là “mác”

      Chính tả của Mai ngày càng xuống dốc, nhưng vẫn còn một an ủi là vẫn còn viết tiếng Việt được : )

  7. Mãi đến hôm nay Ng mới bình tâm để đọc kỷ bài Mai viết cũng như nhìn ngắm những hình ảnh đẹp mà Mai đã gửi cho Nhóm từ cả tuần nay rồi.
    Mai đúng là người có đầy đủ phước đức và duyên phần mới tạo dựng cho mình được một ngôi nhà ở nơi thanh tịnh yên ổn( Ng muốn nói luôn cả về vấn đề an ninh )vì Mai ngủ mà chỉ để các cửa bằng kính như vậy thôi không cần phải đóng thêm các lớp cửa khác( như mọi nhà vẫn làm )để rồi mỗi sớm mai khi thức giấc Mai có thể nhìn ngắm quang cảnh đẹp của bầu trời bình minh hừng sáng với đầy đủ sắc màu , thật là món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho Mai , không phải ai cũng có duyên may để được ngắm những cảnh tuyệt vời này.
    Cám ơn Mai đã trích cho đọc lại một đoạn trong ” Chiến Tranh và Hòa Bình ” của Leo Tolstoy nói về tâm trạng và cảm nghĩ của Công Tước Andrei khi bị thương nặng và sắp chết , Công Tước Andrei chỉ nghĩ đến bầu trời cao xanh ở trên kia.
    Càng ngắm nhìn những ảnh Mai chụp càng thấy đẹp hơn và khi đọc những lời Mai viết thì cảm xúc làm nao lòng.
    Bạn mình giỏi quá và tâm hồn thì rất nên thơ !
    Ng thích nhất là tấm hình ” Morning prayer “.

    1. Cám ơn Nguyệt. Mai đang viết mail này thì ngoài cửa sổ ráng hồng đang hiện ra. Cái chapelle bên góc đường đang nhuốm hồng ánh mặt trời.

      Mai nhắc đoạn phim trong “Chiến Tranh và Hòa Bình” vì nhớ đến anh Dũng mấy năm trước khi nằm bệnh có hỏi còn ai nhớ đến đoạn phim khi công tước Andrei bị thương nằm nhìn trời cao suy nghĩ đến thân phận con người trong trận chiến Austerlitz giữa Russia với Napoleon không. Vì câu hỏi đó mà Mai nảy sinh một lòng cảm mến người anh đa cảm này vì đó cũng là đoạn Mai nhớ nhất.

      1. Khi anh chưa bệnh gửi mail gì cho ai,anh cũng đưa Vân đọc trước rồi mới gửi, nhưng khi anh bệnh trở nặng, ngày mô cũng lo pha nấu nhiều ly nước đủ loại sắp quanh bàn vi tính cho anh ,nên Vân không còn thì giờ để đọc mail anh nữa! Chỉ biết khi đọc mail trả lời của chị Mai mà thôi!

        Chuyện ni thì anh hay nhắc đến khi đi hiking trong rừng, nằm ngữa chụp hình những dọt cây chụm lại trên không. Anh nhớ về đoạn phim và liên tưởng đến mình, khi bị thương nằm trên võng được 2 lao công đào binh gánh ra từ trong rừng để trực thăng đưa từ chiến trường Komtum về quân y viện Nha Trang.
        Hai lao công đào binh này tranh nhau xin: Thiếu úy cho em cái võng mới khi nào gánh anh ra đến đường cái! Thấy anh OK!.Họ bèn thay cái võng cũ của họ, lấy võng mới cất đi, nhưng chưa ra được đến đường cái, thì cái võng rách toạt, anh Dũng bị văng xuống dốc núi, trong khi bụng mới được mổ tạm trong rừng, chờ về NT mổ lại! Thân phận những người lao công đào binh nớ cũng tội lắm chị ơi!Không có đầy đủ đồ mới để che thân, cũng như không được có súng đạn để phòng thân. Chỉ được khuân vác súng đạn và bệnh nhân. Họ bị phạt, vì cái tội đào ngũ hay trốn quân dịch gì đó!

        1. Nghe Vân kể thấy tội ghê. Chị nghĩ mấy trận mổ hủy hoại lục phủ ngũ tạng nên anh đi sớm.

          Chị chỉ biết anh khi anh vào Nhóm, một thời gian rất ngắn mà đã thấy thân quen như một người anh trai chị chưa bao giờ có, nên rất tiếc cho một tâm hồn hiền lành.
          chị Mai

          1. Em nhớ mãi hôm đám anh, chị Mai quên ăn, nên khi đọc điếu văn chị rung gần xỉu! Thay vì chị đỡ em thì em lại đỡ chị?!
            Thuận lấy vest mình khoát cho chị, mà chị vẫn còn rung! Làm em hết hồn luôn!
            Tưởng như mới ngày hôm qua!

            1. Chị còn nhớ rõ lắm:
              khungcuahep.com/le-van-dung/co-le-ta-ve-nhu-giac-mo-lam-dong-song-boi-xoa-doi-bo-tong-mai.html

              “Thế nhưng đến buổi sáng hôm sau là ngày di tang thì tôi không còn yên ổn nữa. Nỗi xúc động bắt đầu dâng lên khi tôi thấy Bích Vân trở nên lặng lẽ u uẩn hơn, và cháu Silk với khuôn mặt buồn không tưởng được làm tôi nao lòng. Tôi biết quan tài sẽ được dời đi trong chốc lát và Bích Vân sẽ như thế nào, có qua được giây phút đó hay không. Tôi tách riêng ngồi một mình nơi băng ghế cuối phía bên phải ráng giữ tâm yên ổn. Nhưng khi Bích Vân gọi tôi ra để nhờ tôi đọc thơ thì nỗi xúc động vỡ òa, đó là hai bài thơ tôi tặng người anh sau khi anh ra đi và là tâm đắc của tôi trong loạt bài “Tịnh Tâm Khúc” của Hoàng Quốc Bảo, bài “Hồ Như” và “Cuối Trời Mây Trắng Bay”. Trong đó có câu…”có lẽ ta về như giấc mơ – làm dòng sông bôi xóa đôi bờ” hay “đôi lúc đường về quê mịt mù, ngựa hồ như đứng hí thiên thu.” Tôi chạnh nghĩ đến ước nguyện trở về Việt Nam để được chết ở quê nhà của anh đã không thành tựu mà xúc động vô cùng. Trong thơ có những câu thống thiết, đọc trong một tình huống bình thường còn ứa nước mắt….”

  8. Dear chị !
    Thật tuyệt vời khi ” Tất cả đều vô nghĩa ngoại trừ bầu trời kia mở ! ‘
    Vô thường là thế !
    Vậy là tháng 3 không được cùng chị dung dăng…
    Chắc chắn mọi chuyện rồi sẽ qua…
    Em chúc chị luôn bình an cùng bầu trời qua khung cửa sổ !
    T.Liên.

Leave a Reply