Mar 28, 2021 (TM)
Tôi cho tay vào đống búp bê đang nằm ngổn ngang chồng chất lên nhau trong một thùng carton cũ và kéo ra được một chú hề joker clown. Con này dễ thương nữa, thầy tôi lựa một con mặc áo ngủ miệng ngáp mắt nhắm và đưa cho tôi, dạ thưa không Mai chỉ muốn mỗi con hề có hai giọt nước mắt này. Tôi cám ơn người thầy rất đỗi kính mến đã cho tôi lựa bất cứ con búp bê nào tôi thích trong collection của ông rồi chào ra về. Để joker trên ghế xe, tôi vừa lái vừa nhìn sang cặp mắt đang trố lên dò hỏi chủ mới của mình, trông con thảm quá, tôi nói với nó.
Về đến nhà, tôi dùng xà phòng mùi gỗ trầm tắm cho nó và giặt cái áo dính đầy bụi, nhưng khi phơi lên thì tóc rơi lã tã chỉ còn vài sợi lưa thưa. Tôi rút những sợi còn lại cho đến khi chẳng còn sợi nào rồi phơi nó lên. Nó ngước mắt nhìn, cặp mắt tròn thao láo chờ một câu giải thích. Khi nào nón của con khô ta sẽ che cái đầu không tóc cho con. Tôi an ủi. Nó vẫn nhìn tôi không chớp mắt. Phải mất một ngày sau joker mới khô. Tôi ủi áo tươm tất rồi mặc vào cho nó. Trong chiếc áo màu sắc hài hước của một tên hề, mặt nó trông mếu máo đến thảm. Le clown triste!
Tôi bỗng thấy thương đôi mắt không bao giờ nhắm, nước mắt không bao giờ khô và miệng không bao giờ thôi mếu máo này. Con búp bê đầu tiên, có bao giờ tôi chơi búp bê đâu, những con tôi có được khi còn bé là bằng giấy học trò tôi dùng để vẽ ra đủ loại nhân vật trong truyện trẻ con … công chúa, hoàng tử, hoàng hậu, cô bán hàng rong….
Có một bức hình tôi chụp phía sau lưng một cô gái đang đứng nhìn ra biển trong một buổi hoàng hôn ở San Diego. Cô đứng rất lâu, tôi cũng đứng nhìn cô rất lâu. Khuôn mặt hướng về phía mặt trời đang lặn kia tôi có thể đoán đang mang tâm trạng gì. Clown Triste và cô gái. Một ý tưởng chợt bùng lên. Thế là tôi đưa búp bê vào bức hình để cho nó tựa vào cột gỗ đối diện với cô gái. Đột nhiên tôi thấy được khuôn mặt của cô qua khuôn mặt của nó. Bức hình cất tiếng nói, một mảnh nhỏ thất lạc đã được tìm ra. Bức ảnh trở nên sống động khi những gì khuất đằng sau phản chiếu lên khuôn mặt của con búp bê.
Con không khóc cười như thế nữa nhé, tôi nói với Clown Triste rồi đem nó vào bức hình tôi chụp một họa sĩ đang vẽ tranh dạo ở khu nghệ sĩ Montmarte Paris ba năm về trước. Lần này tôi để nó ngồi cạnh palette của người họa sĩ như một người mẫu cho ông, và trên khung vẽ của ông, tôi chùi hai giọt nước mắt và tô màu áo cho nó. Trong bức hình này, nó không còn mang vẽ ảm đạm.
Clown Triste đã đánh thức những bức hình vô thanh của tôi.
I sat facing you for hours but you didn’t speak;
Then I finally understood the unspoken meaning … (Ryokan)
Clown Triste và người họa sĩ vẽ dạo ở Montmartre Paris
Điều làm cho van Gogh độc đáo là cái nhìn thế giới khác người của ông.
Thật ra, ông nhìn thấy thế giới … rất buồn và ảm đạm. (Van Gogh Immersive Experience – Bruxelles)
Làm xong hai bức hình thì tôi liên tưởng đến Van Gogh. Kỳ lạ, tôi hay nhớ đến ông những lúc lòng chùng những nốt thấp nhất tưởng như không gượng dậy được. Bức tranh Starry Night và hồn của ông trong đó.
“Ngôi làng Saint-Remy trông có vẻ yên tĩnh và chào đón, một nơi an trú để trốn tránh sự hỗn loạn và sao đêm hoang dã, nhưng cũng có thể trái ngược lại, bóng tối của ngôi làng phản ảnh sự ngột ngạt của căn phòng nhỏ của ông, và nỗi ám ảnh của căn bệnh trầm cảm của ông là bầu trời gợi đến ánh sáng huy hoàng của vũ trụ. Điều này chắc chắn có lý hơn khi so sánh với nỗ lực trước đó của ông trong việc vẽ lại bầu trời ban đêm. Trong Starry Night, trên con đường, ánh sáng các vi sao có phần mờ nhạt so với ánh sáng nhân tạo phản chiếu trên sông. Nơi đây, van Gogh đã ca ngợi ánh sáng của nhân loại.
Thế nhưng, trong Starry Night, cái êm đềm của đời sống trong ngôi làng đã phai mờ nhường cho cho ánh sáng gần như là tâm linh của mặt trăng và sao trời. Van Gogh rút lui khỏi thế giới, nhưng dù có giải thích cách gì đi nữa, cây trắc bá ảm đạm xuyên thủng cả hai thực trạng không thể nào trốn chạy đi đâu được. Nó xé toang sự yên tĩnh lẫn hỗn loạn, bóng tối lẫn sắc màu rực rỡ của đêm, đồng thời nó cũng kết nối và gắn liền chúng lại với nhau.
Đối với tôi, tranh của van Gogh diễn tả tuyệt vời nỗi đau khổ của con người như là một thứ gì đó rất đẹp vượt khỏi ngôn từ, nó có thể được đóng khung bởi màu sắc và bố cục, và không ai sử dụng màu sắc thu hút và kỳ lạ hơn Vincent van Gogh. Nhưng để nói một cách đơn giản rằng nhờ cách sử dụng màu sắc mà van Gogh trở nên độc đáo thì hoàn toàn bỏ lỡ điểm quan trọng nhất. Có vẻ như van Gogh bị color blind, sử dụng màu sắc rất rực rỡ bởi vì ông thấy ít tông màu trong bức tranh điêu linh của con người và hy vọng bất tuyệt này. Van Gogh đã sử dụng màu sắc tươi sáng vì không thể phân biệt được sự khác nhau giữa các tông màu tương tự. Chính sự giới hạn bản thân này của ông đã giải thoát ông và giúp ông sáng tạo được cái đẹp. Có lẽ điều làm cho van Gogh độc đáo là cái nhìn thế giới khác người của ông. Thật ra, ông nhìn thấy thế giới … rất buồn và ảm đạm.” (Tống Mai dịch từ thước phim của Cognito trong Van Gogh Immersive Experience ở Bruxelles)
Tống Mai
Mar 28, 2021
Em cũng có cảm giác là chị buồn trong những ngày vừa qua. Buồn lắm! Mong chị sớm lấy lại tinh thần, chị ơi!
Cám ơn em tôi.
Let there be peace on earth.
Ý tưởng và thể hiện tuyệt vời của chị đã thổi hồn vào Clown Triste
Cám ơn Khoa.
Con búp bê đã trở thành người bạn nhỏ có đôi mắt biết nói.
p.s. Chị rất vui khi gặp lại người bạn đáng mến của chuyến đi Nepal.
Chị Tống Mai chưng cất nỗi buồn thành tác phẩm, và cũng thành rượu.
Chị không ngừng thích thú khi Hạnh có cách nói rất lạ và hay của một nhà văn đã chín muồi.
Chị Tống Mai yêu Van Gogh như yêu cuộc sống vô tư, nó không chỉ có màu nguyên sắc mà tác giả muốn sáng tác ra cách vẽ “sống” trên khung hai chiều so cuộc đời vốn nhiều chiều. Giọt nước mắt trên Le Clown triste là chiều thứ năm. Cách vẽ cuộc đời sống bằng các nét lực sống nhỏ, tạo thành sức sống cho các vì sao, các sự vật, các khuôn mặt, …
Cám ơn dear anh Nhàn.
Clown triste một oxymore làm suy nghĩ đến một nghịch lý, clown là hiện thân của niềm vui, sự hài hước hay đôi khi là niềm hạnh phúc, triste là biểu cảm của sự buồn bã, u sầu. Nghĩ rằng clown triste là một biểu tượng trung thực của cuộc đời, bởi vì luôn có những sự thật không vui ẩn náu dưới sự diễu cười, chọc vui, hay một sự chịu đựng nào đó dằng sau “ça va merci”….
Cũng vậy, màu sắc của tranh Van Gogh rực rỡ nhất cũng là lúc đau khổ nhất của nội tâm.
Một cảm thức đẹp và ý nhị của Mai. Merci bạn tôi
Còn nhớ không một nhân vật tựa Clown Triste?
Mai thích Pierrot hồi còn đi học, thế nên con búp bê này nhắc đến Pierrot, tên hề không mang mặt nạ và sơn mặt bằng bột trắng, có một trái tim tử tế và một khuôn mặt buồn. Những tên hề miệng cười mắt nhỏ lệ luôn gợi xúc cảm và dịu hiền.
Le Clown Triste, ẩn dụ tuyệt vời của góc nhìn, tâm và cảnh.
Và Van Gogh làm rực sáng sắc màu khi sự phân biệt [biến dần vì mù màu] không còn.
Cám ơn tác giả Tống Mai: một bài viết ngắn gợi khêu 2 công án.
vht
Cám ơn anh Vũ Hoàng Thư.
Công án đó cũng là một sự tự vỗ về Mai hay dùng.
Hà thích câu “Tôi bỗng thấy thương đôi mắt không bao giờ nhắm, nước mắt không bao giờ khô và miệng không bao giờ thôi mếu máo này.” Cách quan sát rất tuyệt.
Cám ơn Hà!
Bài viết của chị dễ thương, buồn nhưng dịu dàng, ý tưởng lạ. Em đọc mà thích dễ sợ.
Con búp bê dễ thương đó T.
Thiên tài họ có những cái nhìn không giống ai. Chị Mai là một trong những người đó.
Those lonely souls.
Bên kia nhà bây giờ là ngày 1 tháng Tư, Diệu ơi, nhớ thắp cho Mai một nén hương.
“Chìm dưới cơn mưa một ngàn năm trước mây qua mây qua, chìm dưới cơn mưa một ngàn năm nữa mây qua mây qua…
Hạt cát ngu ngơ nằm chìm dưới chân đi, bờ bến thiên thu nằm chìm dưới hư vô.
Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua, chìm dưới đất kia một người sống thiên thu, dưới thiên thu là một đóa thơm tho …
Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới cơn mưa, dưới cơn mưa một người chết đêm qua, chìm dưới cơn mưa một dấu chân đi.”
Mai thương quí, năm nay 20 năm nhớ anh Sơn nên các kênh truyền hình đến xin quay phim liên tục cả tháng nay. Diệu mệt nhoài nếu không nói là khờ luôn, năm nay có livestream ở nhà và bên Galaxy (hãng phim quay “Trịnh và Em”) quay phim từ sáng đến tối.
Năm nào Diệu cũng nhớ thắp một cây nhang của Mai cho Anh. D. nhớ Mai kinh khủng.
Mai cũng nhớ Diệu kinh khủng. Nhớ năm kia buổi chiều ở Đường Sách và đêm nhạc ở sân vận động Hoa Lư và nhà hát lớn Saigon. Vậy là hai năm Mai không về được.
https://khungcuahep.com/nhac/chim-duoi-dat-kia-mot-nguoi-song-thien-thu-tong-mai.html
Người ta quí anh Sơn đến thiên thu.
Tuấn Mạnh đàn tại nhà Trịnh Công Sơn “Bên Đời Hiu Quạnh”:
youtube.com/watch?v=9opw_puRUmY
Mai có cảm ơn Tuấn Mạnh. Diệu ơi, Mai vẫn ứa nước mắt nghe bài này.
https://khungcuahep.com/nhac/ben-doi-hiu-quanh-long-chot-binh-yen-ma-sao-buon-the-piano-tuan-manh.html
Mai ơi, tối 1/4 Livestream ở nhà 47/C Mai có coai không?
Cẩm Vân hát “Sóng Về Đâu” cảm động chảy nước mắt vì CV vẫn giữ được hồn và phẩm chất nhạc của anh Sơn.
Mai không coai được Diệu ơi.
“Đừng cho tôi thấy hết tim người”: bài ruột của Mai.
Le Clown Triste , con búp bê hề và khuôn mặt buồn !
Em làm hề cho nhân gian vui sao khuôn mặt em buồn và mắt em rơi lệ? thật nghịch lý phải không?
Mai đã cảm nhận ra một điều gì đó khác thường trong Con Búp Bê Hề và Mai muốn thay đổi cho đời sống của nó được tươi sáng lên hơn , bớt buồn hơn , vậy là Mai cho nó làm người mẫu cho người họa sĩ ở Monmartre Paris vẽ khuôn mặt nó tươi hơn và không còn những giọt nước mắt nhỏ xuống đôi gò má bầu bĩnh của con bé.
Ti cũng rất thương câu Mai viết về Búp Bê Hề ” Tôi bỗng thấy thương đôi mắt không bao giờ nhắm, nước mắt không bao giờ khô và miệng không bao giờ thôi mếu máo này ” nhưng mà đã có Bà Tám nói trước mất rồi , bây giờ Ti nói thì chỉ lập lại thôi , thôi kệ vậy , thương và thích thì phải nói !
Mai lại nhắc đến Van Gogh và ngôi làng Saint- Remy .
Ti nhớ đến chuyến du lịch ba năm trước đây , vợ chồng Ti đưa Mai về vùng Arles là nơi có nhiều di tích và kỷ niệm cũng như có Viện Bảo Tàng của Van Gogh ở đó.
Nhớ mãi đi ra mấy lần vào buổi chiều và buổi tối ở Quán Café nơi Vincent van Gogh ngồi vẽ bức “Terrasse du café le soir ” , tụi mình phải đặt bàn ở restaurant bên cạnh quán café , ngồi ở vị trí để Mai có thể canh chụp những tấm hình Quán Café như trong các tranh vẽ .
Và rồi tối đến khi đi về khách sạn , trời sáng trăng , mình cùng đi bộ qua những ngõ ngách nhỏ hẹp của các con phố trước khi ra đến parking đậu xe , trăng sáng trên cao , Mai đã nói tưởng tượng hồi xưa Ông ấy cũng đi trên những con ngõ này và Mai cũng đã chụp những tấm hình rất đẹp.
Mong rồi một ngày đại dịch dần yên ắng Mai sẽ lại chu du bên Châu Âu này nữa nghe Mai.Ti nhớ Mai rất nhiều.
Douce Caroline, Mai nhớ mãi những ngày rong ruổi vùng Provence đó lắm chứ, nhớ và thương. Vài tháng nữa thôi, Mai nghĩ ít nhất hoàn cảnh cũng sẽ cho phép mình trốn thực tại thật đau lòng.