June 2, 2020 (TM)
Bài tập tuần này của lớp photography của tôi là về cast shadow – bóng đổ, photographs and anonymity, hidden truths – dấu mặt. Bóng đổ và ẩn mặt là hai đề tài nhiếp ảnh tâm đắc của tôi. Đằng sau bóng tối và khuôn mặt ẩn là muôn vàn hình ảnh hư thực trùng trùng. Oh, the dark side of the moon. Có ai biết được phần tối che khuất của mặt trăng, của lòng người.
Tôi góp những hình ảnh mình có để ghép nên những tác phẩm biết nói. Nếu những tác phẩm đó đạt được một ngôn ngữ riêng đối với người xem thì tôi vui lắm. Những tháng thành phố tôi bị lockdown vì nạn dịch, đây là những gì giúp tôi nhắm mắt lẩn tránh được phần nào xã hội đang phân tán một cách nhẫn tâm đến thê thảm ngoài kia.
Chắp tay nguyện cầu cho đất nước tôi thương yêu biết bao.
Tống Mai
Cô Bé Sa Pa sáng sớm phải ra đường “sinh nhai”
I know why the caged bird sings
Tôi biết vì sao chim trong lồng hót
Sao cô bé Sa Pa một người mà có hai bóng đổ vậy chị Mai?
Chiêm nghiệm một hồi thì thấy hai shadow một lớn một nhỏ cũng từ một hình hài. Cái shadow của người lớn lại ngay chân đứa nhỏ thì biểu hiện điều chị nói về thân phận của những đứa nhỏ ở Sapa đã phải làm người lớn để sinh nhai.
Ý nghĩ rất xót xa về hai shadow này. Nếu biết được hoàn cảnh thật sự tội nghiệp của đứa bé thì có lẽ ai cũng sẽ nghĩ như vậy về việc tại sao người lớn lại đẩy con nít ra đường sinh nhai.
Đây là những gì chị viết về đứa bé 2 năm trước khi gặp nó:
khungcuahep.com/du-lich/tro-lai-sa-pa-tong-mai.html
“Giữa Đông, đầu tháng Ba, núi rừng Sa Pa còn lạnh lắm. Đi cùng tôi lần này có Hương và Tiến, Lan Hương, Quang của Công Đoàn, và Kim Cúc bạn tôi. Khách sạn Công Đoàn ở Sa Pa nằm ngay trong thị trấn Sa Pa trong một địa thế thơ mộng sát bên núi Hàm Rồng trong dãy Hoàng Liên Sơn, phía trước là Nhà Thờ Đá. Đẹp nhất là khi sương mù trôi vào hành lang phủ mờ cả cửa sổ. Không biết Hương và các em có biết điều đó không. Đêm đầu, tôi không chợp mắt, suốt đêm canh cánh trời sáng để ra ngoài gặp những đứa bé sinh nhai ở khu nhà thờ Đá. 5 giờ sáng trời vẫn còn tối, nhưng tôi độn thêm áo ấm, cõng máy hình rủ bạn tôi ra ngoài. Hành lang khách sạn sương tràn vào lạnh buốt. Chỉ cần đi hai phút là xuống đến nơi. Có lác đác vài em bán ví xách trên bậc cấp của nhà thờ. Tôi gặp ngay một cô bé bán hàng xinh đẹp nhỏ tí xíu lưng mang gùi màu xanh đựng những món hàng bên trong. Nó thấy tôi cầm máy hình nên ung dung đi theo, nhìn tôi không nói một lời. Chao ơi, cô bé đẹp quá, vẻ nhợt nhạt dơ bẩn trên mặt không dấu được nét đẹp hoang dại. Đầu mang một cái nón dân tộc rực rỡ, to quá khổ đối với thân hình bé tí, mắt rất buồn, nét mặt bất động, và chỉ biết chìa tay ra xin tiền mỗi khi tôi đưa máy ảnh lên bấm. Tôi đoán nó khoảng chừng 4, 5 tuổi, những em bé bán hàng khác chung quanh cũng nhỏ như thế là cùng.
Tôi lẽo đẽo theo cô bé, chụp không biết bao nhiêu tấm cho đến khi trong túi không còn tiền. Tôi thương lắm, biết là nó đã được cha mẹ dạy phải đòi tiền trước khi để du khách chụp hình, nếu đi về tay không sẽ bị phạt. Tôi đã thấy một đứa bé chừng 2, 3 tuổi bị mẹ nó táng lên mặt bé tí của nó một cái tát nên thân vì không chịu cầm đồ đi bán làm nó khóc òa. Tôi choáng người chạy đến can thiệp như một phản xạ, nhưng ngừng lại kịp lúc khi thấy tia mắt tóe lửa của bà. Sau cảnh đó, tôi vội vã rời khu Nhà Thờ Đá về lại khách sạn, và đó là lần cuối tôi lần mò đến những khu du lịch để tìm những đứa bé dân tộc. Tôi không còn hồn để đi tiếp chương trình Hương đã sắp xếp cho tôi, Fansipan ư, tôi còn lòng dạ nào.
Về lại nhà đã ba tháng, tôi muốn viết ngay chuyến đi này của mình, nhưng chần chờ mãi cho đến tuần trước và khi lôi hình đứa bé Sa Pa ở Nhà Thờ Đá ra, tôi xúc động. Nhìn kỹ khuôn mặt lọ lem, những vết sẹo chưa tróc vảy của nó, tôi thương quá và bỗng hiểu tại sao chuyến đi đã để lại một cảm giác lặng lẽ như thế, một điều gì không ổn trên những khuôn mặt trẻ thơ đó. Chuyến Sa Pa cách đây ba năm của tôi đã thấy những đứa bé bán hàng nhỏ nhưng ít nhất cũng 7, 8 tuổi trở lên, nhưng lần này chỉ 2, 3 tuổi thôi đã bị đẩy ra đường sinh nhai. Họ mặc cho chúng xiêm áo rực rỡ để thu hút khách du lịch. Rồi có những đứa bé phải thức khuya bán hàng ngồi ngủ gục trông tội làm sao. Tôi biết khách du lịch đã tạo ra tình trạng này khi họ cho tiền trẻ con, cha mẹ chúng càng đẩy chúng ra đường không cho đi học. Họ nghèo lắm. Hương và các em có đưa tôi vào nhà một người Mèo trong bản Tả Phìn, bên trong thật thê thảm, miếng thịt khô hun khói treo lủng lẳng trên trần nhà đau lòng. Nhà cửa hốc hác, chỉ có da bọc xương.”
Đọc xong mấy đoạn văn này thì thấy cái bóng lớn là Mai, âm thầm và vô hình đi theo cô bé, từ buổi sáng định mệnh cho mãi đến bây giờ, và có lẽ về sau.
Câu hỏi thú vị của T. đã chạm đến ẩn ý đằng sau ảnh cô bé Sapa.
Mạn phép Mai để viết cho T.
Cô bé bước đi trong buổi sáng, không phải đi học, trong tâm tưởng luôn nghĩ đến mẹ của em, một hình ảnh của mộng ước cao độ, em bé đã nhìn bóng mình mà thấy đó là mẹ của mình, và dĩ nhiên người mẹ dắt đó là em đang hiện hữu.
Ảnh này là mộng thực chứ không phải mộng ảo của Trang Chu, được thấy qua cái nhìn của em bé. Đó là câu trả lời tại sao bóng đổ dài xuất phát từ chân em bé.
Luôn có một tiếng nói nào đó sau một bức ảnh cua Mai, một giá trị thật và rất riêng.
Cám ơn bạn tôi.
Đó là những gì trong đầu Mai khi làm hình đó.
Sao Mail lại gặp được một lớp nhiếp ảnh tuyệt vời như thế? Duyên lành khiến Mai bộc lộ nhà nghệ sĩ, người sáng tạo trong Mai. Tấm nào cũng đẹp. Mình nghĩ cái bóng lớn đi bên cạnh cô bé có thể là người mẹ, người bà, hay Chúa, Phật, người bảo hộ cho cô bé. Cũng có thể là bóng dáng một người nào đã mất mà cô bé thương yêu ấp ủ, nhớ hoài. Người đi bên cạnh cô bé mãi mãi cho dù cô không còn nhìn thấy.
Cám ơn Hà cái ý nghĩ nhân từ về hai cái bóng đổ đó. Sự cảm nhận của mỗi người nói lên được tâm hồn của người đó. Nó đúng như Mai muốn khi làm tấm ảnh. Hình original là hình cô bé đi một mình xuống con đường dốc bằng đất vàng ở khu Nhà Thờ Đá của Sa Pa, sát khách sạn của Mai ở. Nó chỉ chừng 4, 5 tuổi được cha mẹ mặc áo quần đẹp đẩy ra khu du lịch để bán đồ lưu niệm. Cái gù nó mang trên lưng là đồ lưu niệm ở trong đó. Nó đi một mình rất tội, mặt đẹp ghê lắm dù rất lem luốt. Có một bức hình Mai chụp portrait của nó nộp vào dự thi ở World Bank/IMF Photographic Society và được award trong kỳ triển lãm ảnh năm ngoái của WB.
Lớp nhiếp ảnh này là của hội nhiếp ảnh Việt Nam vùng Washington DC. Hội là một tổ chức qui mô rộng lớn mà Mai theo hoạt động đã hơn 5 năm và do một nhiếp ảnh gia người Việt nổi tiếng lập ra đã hơn 20 năm. Họ có những lớp dạy nhiếp ảnh cho bốn skill levels. Vì Covid nên tạo ra lớp online để tiếp tục chương trình học.
Bây giờ thì Hà thèm được về VN ở chừng 6 tháng để đi nhiều hơn, nhìn nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn vùng cao nguyên Bắc phần.
Lần thứ nhì Mai đến Sa Pa thì đã thay đổi. Người Tàu hoàn toàn xâm lấn khi Sa Pa trở nên phồn thịnh. Những đứa bé dân tộc bán đồ lưu niệm trong khu du lịch được thay thế bằng những đứa bé Tàu trang điểm diêm dúa, Mai nhìn là biết ngay khi chúng nói với nhau bằng tiếng Tàu và manner của nó cũng khác khong giống cái hiền lành của người dân tộc. Khu nhà thờ Đá, cũng gọi là khu Hàm Rồng thì khách sạn Tàu mọc lên như nấm để phục vụ khách Tàu.
Hà Giang thì may quá vẫn còn hoang sơ, ít khách du lịch hơn vì địa thế trắc trở nên chưa lọt vào mắt Tàu.
Mai cũng không biết bao giờ mới về lại được Vietnam một cách an toàn như trước khi có nạn dịch
Đang thèm có cái gì để đọc và để xem, thì có bài mới của Mai. Đúng là cầu được ước thấy.
Bà Tám là người nhìn ra được tấm ảnh của Mai right away.
Bây giờ nhìn kỷ lại thì tấm ảnh shadow của đứa bé là hay nhất.
Cám ơn chị ML.
Doc cau chuyen cua TM o tren nghe trong long buon qua.
Sao lai co the co nhung ba me doi xu voi con nhu vay.
Tam hinh co be that de thuong.Mai chup hinh dep lam.
QT.
Cám ơn chị Dã Thảo.
Mai nghĩ khách du lịch đã làm hư người dân tộc ở Sa Pa. Những đứa bé kiếm tiền được rất nhiều cho cha mẹ. Họ đơn giản nên ý niệm về trái phải còn thô sơ. Họ là những người bị bỏ quên sống biệt lập xa văn minh.
Không cần ngẩng nhìn em bé vẫn thấy bướm. Không ai có thể tước mất tâm hồn trong trẻo của trẻ thơ. Bóng đổ làm em liên tưởng Cosette và Fantine của Victor Hugo.
Lồng chim không có đồ ăn thức uống chị Mai ơi. Em bắt chước Hòang Tử Bé suy diễn hay là nó xơi hết rồi nên bây giờ đứng thảnh thơi.
Lantern vương giả trong cuồn cuộn sóng.
Madame Butterfly và một góc mặt trời. Đồ tế nhuyễn của phụ nữ luôn có hấp lực đặc biệt.
Thật may mắn khi em biết trang web của chị.
Cảm ơn tác giả.
Trí tưởng tượng phong phú của Hạnh thật bất ngờ, làm chị cứ mỉm cười mãi.
Cô nàng thật dễ thương
Hạnh ơi,
Hạnh diễn dịch hay quá, đến hôm nay chị vẫn còn mỉm cười.
Đây là diễn dịch của chị:
“I know why the caged bird sings”: It sings for freedom.
“Madame Butterfly” trong một opera của Giacomo Puccini, điểm phấn tô son để đợi người phụ bạc trở về.
Em thấy thật vui khi có thể làm chị Mai cười.
Cảm ơn nụ cười và lời khen của chị nhe. Thiệt là ấm áp.
Hình cô bé Sapa, thoạt nhìn K nghĩ là Bé rất cô đơn, nên luôn mong muốn có người bảo bọc (trùng ý Bà Tám) . Nếu đổi bóng đổ từ chân bé là hình nhỏ có lẽ ý này hợp hơn. Ba tấm kia cũng gợi rất nhiều ý tưởng,…
K học thêm được từ Chị cách cảm nhận và sử dụng “bóng đổ” và “dấu mặt”, thật tuyệt !
Khoa nhận xét rất tinh tế. Chị nghĩ thế nào cũng có thắc mắc về cái logic khi có ý nghĩ rằng nếu đứa bé cô đơn một mình nhìn xuống đường mơ thấy được mẹ dẫn đi thì cái bóng đổ của người mẹ không nên xuất phát từ chân của đứa bé.
Nhưng với chị, cái bóng xuất phát từ chân đứa bé đó chính là bóng đổ của nó, nó lớn như bóng một một người mẹ bởi vì khi đứa bé nhìn xuống bóng mình thì lại thấy mẹ của mình.
Hồi còn tuổi mơ mộng, chị hay nhìn vào gương và thấy bóng mình là bóng của người mình mơ : )
Cám ơn Khoa, chị bắt đầu nhớ Vietnam và thèm được trở về rong ruổi như xưa. Chị có cảm tưởng ngày ấy sẽ còn xa lắm.
Hôm nay lại được xem hình em Bé Sa-Pa, mình thích quá, như lâu ngày được gặp lại một người thân Tuy chưa hề được gặp em, nhưng sao ta cảm thấy gần em vô cùng., em luôn luôn có cái nhìn thật buồn, như đã mất hết sự hồn nhiên vô tư lự của một đứa trẻ 3-4 tuổi, Nhưng đăc biệt hôm nay, em lại khóc làm lòng ta trầm xuống, ước gì được ôm em trong tay, an ủi em .
Đặc biệt trẻ em miền Thượng du ở miền Bắc VN có những cái nhìn thật buồn, rất ít khi thấy các em cười vui như những trẻ con khác. Mình xin gửi chị xem một bức hình mình chụp ở Mèo Vạc, Hà Giang cách đây 4 năm. Tấm hình này in sâu vào tâm trí mình, chắc vì vậy, mình mới cảm thấy gần với cô bé Sa Pa của chị ghê lắm!
Đứa bé Sa Pa trong hình trở nên nổi tiếng qua những lần triển lãm photography ở World Bank. Dù Mai không có duyên giúp nó như ý muốn, nhưng đã có được dịp để kể cho người xem tình trạng của trẻ con người dân tộc vùng highland Vietnam. Cô bé mới 4,5, tuổi mà đã bị đẩy ra đường sinh nhai ở khu du lịch sáng sớm. 6 giờ sáng nó đã phải khăn áo đẹp đẽ, cõng cái gù đầy đồ lưu niệm ra khu du lịch Hàm Rồng của Sa Pa. Thật sự chỉ để xin tiền du khách và photographers. Mai theo nó 2 buổi sáng. Đã 3 năm kể từ lúc gặp nó vẫn không quên được khuôn mặt buồn và đẹp hoang dại.
Trong hình, hai cái bóng đổ trên đường giữa đàn bướm tung tăng là giấc mơ của nó không còn phải bị một mình nữa mà được mẹ dẫn đi ở một nơi có hoa bướm.
Thích 2 bức hình của Mai.
Hình 1: Một giấc mơ đơn giản nhưng ngoài tầm tay
Hình 4: Bold colors, tương phản nhưng hài hòa.
Hình 4: Madame Butterfly. Vở nhạc kịch opera của Giacomo Puccini năm xưa Mai xem vẫn còn nhớ mãi, mê Maria Callas với giọng soprano trong vai Madame Butterly.
Bức hình này cũng có thể là người geisha trong “Memoir of a Geisha”
Cô bé Sapa với khuôn mặt ngây thơ lem luốc và đôi mắt buồn dịu vợi mà Mai gặp ở Sapa năm nào đã có một điều gì lôi cuốn làm Mai cứ đi theo nó và chụp rất nhiều hình. Những đứa trẻ tội nghiệp của vùng cao nguyên Bắc phần và với riêng cô bé làm Mai đặt hết tâm tư mình khi bấm máy nên đã có được những tấm ảnh thật có hồn
Bây giờ với đề tài Bóng đổ và ẩn mặt, Mai lại dùng hình ảnh của đứa bé để thực hiện nghệ thuật ghép hình.
Ng rất thích tấm hình thứ nhất đó.
Cô bé nhỏ nhoi đơn độc ra đường bôn ba để mưu sinh vẫn có ước mơ rằng có lúc sẽ có một người lớn nào đó nắm tay dẫn em đi trên con đường có bướm bay tung tăng khắp chốn và em có thể sẽ có được niềm vui khi chơi đùa hồn nhiên các trò chơi của tuổi thơ.
Ng cảm nhận như rứa khi nhìn ngắm tấm hình.
Thân thương.
Cám ơn Nguyệt. Mai mừng Nguyệt trở lại Pháp bình yên.
Bức hình ghép nhưng rất đẹp và nghệ thuật tính … Hay ở chổ TMai không cần diễn giải mà người xem vẫn lãnh hội được nội dung mà tác giả muốn gởi gấm trên tấm hình.
Cám ơn VienCam