Những bức thư viết trong giờ bạch lạp của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh – Tống Mai

April 13, 2017 (TM)

 

Thư Tình Gởi Một Người
Trịnh Công Sơn
www.youtube.com/watch?v=WCI_N_awgio

Hạnh phúc vừa đủ để người này nương vào người kia. Photo: TốngMai

 

Họ gọi đó là giờ bạch lạp khi thắp nến viết cho nhau trong đêm.

Tôi lấy cuốn Thư Tình Gởi Một Người từ kệ sách xuống, cuốn sách ai đã trang trí rất đẹp và nên thơ, trong đó có những trang in những bức thư viết tay của Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh, hình những cánh hoa khô ép vào giấy, những bản vẽ … và hơn hết, nhưng giọt nến TCS nhỏ xuống giấy để viết thành tên của chị, cùng những lời thê thiết réo gọi thương yêu.

Mấy ngày trước khi tôi thấy những hình ảnh thời còn trẻ của chị Dao Ánh gởi qua cho Vĩnh Trinh để thay thế cho sự vắng mặt của chị ngày giỗ Trịnh Công Sơn, thì tôi không khỏi thảo nào hồi xưa mình rất mê nét đẹp của chị. Hồi đó tôi còn nhỏ lắm, không quan tâm đến những bạn cùng lứa mà hay ngưỡng mộ những người bạn của chị tôi học trên tôi nhiều lớp, chị Dao Ánh, chị Hoàng Trang… Đặc biệt chị Dao Ánh. Chị hay bối tóc lộ chiếc gáy cao có tóc tơ, dáng đi thanh thoát, bước nhẹ và chậm. Khuôn mặt chị thì, ôi, tôi chưa thấy ai mà tôi có thể gọi là đẹp như chị. Trong trí óc non nớt thuở đó, tôi nghĩ cái đẹp mong manh, thiên thần và kiêu sa đó thì không ai  ở Huế có thể sánh bằng. Vậy chị có kiêu ngạo không, tôi hỏi chị Phượng tôi, không Dao Ánh trông xa cách nhưng bên trong hiền lắm. Chị tôi vẫn giữ giọng thương mến khi nói đến bạn của mình. Mặt nghiêm buồn, trán ưu tư và ít cười, điều đó tôi nhớ rõ nhất, bởi vì chính cái đẹp nghiêm buồn của chị đã làm tôi chú ý.  Lạnh buồn.

Hồi mới đọc cuốn những bức thư tình của Trịnh Công Sơn viết cho chị, tôi thấy tội quá, suốt mấy trăm trang đẫm nước mắt.  Tôi xót xa lắm, vậy chị là Alissa hay Juliette của La Porte étroite Khung Cửa Hẹp, tôi hỏi chị, không, chị viết, “Chị đồng ý với anh Sơn về quan điểm của anh ấy về Alissa và Juliette.  Suy nghĩ và quyết định của Alissa quá gượng gạo, quá tuyệt mỹ, và đúng là phi nhân bản.  Một con người-là-người không thể từ chối một tình yêu.  Alissa đã khước từ tình yêu trong khi cô ấy rất yêu Jerome, để làm gì?  Đã làm con người thì cũng phải biết giới hạn của thân phận làm người.  Cho dù lý tưởng về một đấng thiêng liêng nào đó có đẹp đẽ đến đâu nữa, không ai có thể đóan chắc đó không phải là một ảo tưởng mơ hồ huyền hoặc.  Nếu bây giờ được trở lại sống những ngày xưa ở Huế, chắc chị sẽ sống “người” hơn, sẽ biết yêu hơn, sẽ …nhưng nói thế thì chữ “nếu” cũng sẽ không cùng, có phải không Mai?”

Tôi thôi không thắc mắc nữa, vậy mà lần này khi lướt qua cuốn sách tôi vẫn thấy những trang thư tội lê thê đến mủi lòng:

“Bây giờ là giờ bạch lạp. Anh thắp nên để viết tiếp cho Ánh”

“Ôi, Ánh trinh khiết hay trinh trong như một cành hoa lys. Anh thấy rõ dáng mảnh mai và vẻ sáng trên vầng trán đó, anh thấy mình như một vực thẳm đen ngòm tối tăm được ánh sáng diễm tuyệt đó soi xuống ngút ngàn. Như một vì sao trên đỉnh trời một buổi trời trong anh nhìn lên bắt gặp. Vì sao sẽ có một hôm không còn là của mình. Bao giờ mới không còn nghĩ đến điều đó – ôi ám ảnh thuần khiết nhất với những gì mong manh mình không thể giữ mãi.”

Những lần về đây, đi ngang qua khoảng rừng cao su im tối anh như bao giờ cũng thấy được dáng Ánh trắng sáng thủy tinh chập chờn trong rừng cây đen và bãi cỏ xanh màu an nghi.”

“Anh còn thương yêu một tiếng – kèn – đồng – thổ – huyết và tên – mọi – da – vàng ôm lấy đóa hoa hướng dương hát bài số phần của nó. Tất cả. Tất cả. Duy nhất”

“Những ngọn nến còn sót lại của buổi chiều cuối cùng Ánh ngồi đó. Ôi hư vô là tháng ngày, là những ân – huệ – tình – yêu – hư – vô. Anh trải chiếc khăn tay nhỏ của Ánh trước mặt và cũng chỉ còn đó là di tích duy nhất của những ngày mùa xuân. Cả cuốn La porte étroite. Anh muốn bày biện những gì của Ánh để xua bớt sự vắng lạnh quanh anh. Mọi người đã ngủ yên. Còn anh ngồi đây chong đèn nhớ Ánh. Cho anh bàn tay trái có năm ngón giá buốt để anh vào giấc ngủ đêm nay. Bàn tay vẫn thường lạnh băng như mùa đông đã về ngủ đó.”

“Đêm đã dày. Trăng sáng mênh mông trên vùng đồi đã ngủ mê. Anh mong vào giấc ngủ này có năm ngón tay dài giá rét. Ánh cũng đã ngủ rồi có lẽ thế. Bây giờ anh còn ai còn ai. Ánh đã xa rồi làm sao nghe được những lời kêu rêu âm thầm này, như ngôn ngữ của một loài kiến nhỏ. Anh gọi Ánh bằng niềm hư – vô – thần – thoại yêu dấu. Anh sẽ nằm nhắm mắt và ngủ, giấc ngủ có những chồi -non – ngón – tay – mùa – xuân – thần – thoại.”

“Bình hoa hồng trước mặt anh có những cánh hoa đều đặn thật đẹp. Anh vẫn thường nghĩ đến hình ảnh một người con gái cầm nhánh hoa hồng buổi chiều đi trên hè phố một mình. Hè phố thì vắng. Hè phố dẫn về một giáo đường. Buổi chiều người con gái tay cầm nhánh hoa hồng, đầu cúi gập trên những hàng ghế gỗ nhà thờ, áo lụa trắng trải dài trên thân thể như một linh-thiêng. Anh ca tụng hình ảnh đó trong anh. Đôi lúc hình ảnh đó mang khuôn mặt của Ánh. Của Ánh. Của Ánh.”

“Mưa đã rơi xuống bằng thác ầm ĩ quanh anh cũng như bóng tối đã phủ chìm đất cỏ. Ngoài kia có còn gì đâu ngoài một ánh sáng néon ở xa, một  trụ đèn bằng cây và hai màu trời đất. Mưa vẫn rơi vẫn ướt đẫm anh nghĩ đến tóc Ánh những sợi tóc dài rất đẹp. Ôi dòng sông cho những ước mơ trôi đi trôi đi. Bây giờ đã mất cho một tiếc nuối không cùng. Nếu ánh còn giữ một ít nào đó thì hãy gửi cho anh để anh nhìn lại ở đó tìm một lời ngưỡng vọng cũ của mình. Ánh ơi Ánh ơi, bao giờ nghĩ đến Ánh anh cũng mường tượng ra một Ánh rất huyền thoại lung linh. Anh nhớ đến Ánh qua hình dáng của Claire trong Terre promise(35) – “vùng đất hứa”, ở đó Claire, sau những thất vọng trong cuộc sống này, hướng về với tâm hồn thanh thoát cởi mở lòng ích kỷ và tìm ở vùng đất mới này một tình yêu đơn thuần như hoa cỏ – “… au simple boneur humain, qui nécessite d’accepter l’homme qu’on aime tel qu’il est et renoncer à son propre égoisme…”(36). Maurois đã tả Claire “virginale comme un lys”. Ánh có bằng lòng với hình ảnh đó không. Ôi Ánh trinh khiết hay trinh trong như một cành hoa lys. Anh thấy rõ dáng mảnh mai và vẻ sáng trên vầng trán đó, anh thấy mình như một vực thẳm đen ngòm tối tăm được ánh sáng diễm tuyệt đó soi xuống ngút ngàn. Như một vì sao trên đỉnh trời một buổi trời trong anh nhìn lên bắt gặp. Vì sao sẽ có một hôm không còn là của mình. Bao giờ mới không còn nghĩ đến điều đó – ôi ám ảnh thuần khiết nhất với những gì mong manh mình không thể giữ mãi.”

“Anh đọc thư Ánh tối hôm qua. Và ngủ rất sớm với tờ thư còn cầm trên tay. Như bàn tay của John Gavin trong phim Le temps d’aimer et le temps de mourir khi nằm chết trên một bờ sông còn cầm lá thư người yêu từ một thành phố xa gởi về.
Và Ánh và Ánh hằng muôn nghìn năm anh còn nhìn thấy với niềm kiêu hãnh.”

“Dao Ánh mà anh gọi không nguôi như một lời biển vọng vô tận vô tận đó em.
Nhớ muôn trùng muôn trùng đó Ánh.
Dao Ánh hằng bao nghìn năm”

“Ánh sẽ được xem như một loài chim hồng thần thoại bay trên vùng – ăn – năn – của anh
Ánh – chim – hồng – thần – thoại của anh chỉ sống bằng cỏ non và mây bồng”

“Ánh đã là một mầu nhiệm trên những tháng ngày này của anh.”

“Anh thương yêu Ánh như thương yêu nỗi buồn. Anh quý mến Ánh như quý mến vẻ trong sáng của tuổi thần thoại đã mất. Anh muốn giữ Ánh đời đời như giữ chính nỗi xót xa của mình. Anh cầu mong sự huyền nhiệm nào đó giữ Ánh mãi gần anh. Sự huyền nhiệm đó mong sẽ lớn dần mãi trong Ánh.”

“Hỡi cơn – yêu – dấu – nghìn – năm của anh.”

Còn gì buồn hơn, réo gọi hơn những lời thơ viết trong giờ bạch lạp đó từ một người trong sương mù của B’Lao gởi đến cho một Dao Ánh của Huế mưa phùn.

Tống Mai
Virginia, April 13, 2017
(Mai gởi chị Dao Ánh)

 

 

Photo: TốngMai
Giọt nến viết thành tên. Photo: TốngMai

 

Hạnh phúc vừa đủ để người này nương vào người kia. Photo: TốngMai
Photo: TốngMai
Photo: TốngMai
Photo: TốngMai
Photo: Internet

6 thoughts on “Những bức thư viết trong giờ bạch lạp của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh – Tống Mai

  1. Dạ em cũng xem cuốn sách những bức thư này rồi. Lần đầu tiên ra nhà em ở Hà Nội, chị Trinh xuống chợ hoa Nghi Tàm Hồ Tây mua một bó hoa hướng dương và sau đó nói anh Sơn rất thích hoa này. Đó là Dao Ánh. Ngày xưa yêu da diết và và có lẽ dở dang nên các nhạc sỹ mới sáng tác được chị nhỉ.

  2. Hay ! cảm ơn chị Mai .

    Thời xưa, viết thư tình dưới nến, đưới đèn dầu hột vịt mập mờ … rồi ướp hoa ngọc lan, hoa phượng, hoa lài, hoa ti-gôn … cho thơm . Lãng mạn & nhẹ nhàng mà lại sâu sắc . Thời buổi nghèo khó, đất nước chiến tranh, lại “dìu nhau đi dưới bóng nợ nần”, nên gắn bó và co nhiều thứ để nhớ 🙂 .
    Thời này gọi phone, text, thơ tình cũng không còn mực tím mực xanh .. nên dường như ít có những câu chuyện lãng mạn “viết trong giờ bạch lạp” như thế nhỉ .

    Mà nghĩ viễn vông chút, thời này ai viết chuyện/tho lãng mạn hay mới tài . Được thì lại mất ! Nhiều khi cuối cùng rồi cũng phải quay về dĩ vãng để vay mượn ý tưởng, nên không làm cho thế hệ trẻ đồng cảm được . Mà có khi cái nhìn về tình yêu lãng mạn ngày nay đã đổi khác hỏng chừng. Văn hoa & ca từ của Tây phương ít bị hạn chế đó, nên có tính liên tục cao.

  3. Bất kể là thế hệ nào, nhưng vẻ đẹp thánh thiện , sự đằm thắm vẫn mãi được ái mộ và yêu quý…..
    Cám ơn Mai về bài viêt, và những bức thư tình đã được phổ biến,
    Hình ảnh một giai nhân của thập niên chúng ta,
    để thấy được cái gọi là tình yêu và mãi mãi sẽ là ………..mối tình bất tử………

    ( Sài Gòn, 23 -4 – 2017 )

    KIM CÚC.

    1. Chân dung nàng thơ.
      Mai nghĩ mối tình với chị Dao Ánh đã nuôi lớn và vỡ òa cái chất nghệ sĩ trong TCS để có thể tạo ra những tác phẩm vượt bực để đời.

Leave a Reply