Trường Tiểu Học Lê Lợi, Tuổi Thơ Của Tôi – Lương Thúy Anh

Nov 8, 2017 (TM)

Chị ơi, em gởi chị ngôi trường tiểu học Lê Lợi, em đã học đây những năm tuổi thơ. Em rất mong qua bài ni biết mô em có thể tìm lại hay liên lạc với vài người bạn cũ mà ngày xưa tụi em đã chơi với nhau rất thân, hồn nhiên và chưa hề biết giận hờn.
Chị Mai, mấy ngày ni Huế mưa tầm tả, và lụt nữa, nước lớn, lên nhanh bất ngờ. Chừ chỉ còn mưa , nước lụt đã xuống hết, ngoại trừ vài nơi quá thấp.

 

TRƯỜNG TIỂU HỌC LÊ LỢI, TUỔI THƠ CỦA TÔI
Lương Thúy Anh

 

Chiều, dừng chân trước một ngôi trường. Thời gian như uể oải rơi trong màu mây xám nhạt.
Tôi không còn nhớ được đã bao lâu rồi, mình mới trở lại ngang qua đây và ghé vào.

Ngôi trường tuổi nhỏ, tuổi thơ của tôi nằm ngay trong thành phố Huế, thế nhưng chưa bao giờ tôi trở về, vào trong sân trường, hay chỉ là đứng trước cổng để cảm nhận mình có xao xuyến, có lưu luyến nhớ những ngày còn học ở đây hay không.

Cho đến hôm nay…

Trường vẫn thế, một số dãy phòng học xây dựng mới, thêm vài trùng tu nho nhỏ nhưng kiến trúc thì vẫn như xưa.
Kỉ niệm bỗng chốc mà hóa phong ba bão táp, ào ạt kéo về trong tôi.
Nơi này tôi đã học những năm của bậc Tiểu học : các lớp năm, tư, ba, nhì, nhất , tương đương với bây giờ là các lớp một, hai, ba, bốn và năm.

Năm đầu tiên, vẫn còn như in trong trí nhớ là căn phòng nhỏ nằm sát bờ rào trường, qua cửa sổ lớp, có thể nghe và thấy xe cộ bên ngoài qua lại, nhìn ra cửa chính là thấy ngay dãy hành làng nối với các lớp lớn hơn. Cô giáo tôi năm ấy là Bà Nguyễn Sanh Mai, tôi không biết tên thật cô là gì, chỉ là trường gọi như thế, vì cô là vợ của Thầy Nguyễn Sanh Mai, Trưởng Ty Tiểu học Huế thời đó.

Lên lớp tư, là cô Tư phụ trách lớp tôi, Cô là vợ của Thầy Lê Bá Tư, người Việt Nam và nhiều nơi khác hay gọi người phụ nữ đã có gia đình theo tên chồng, cô có dáng người cao cao nhưng rất gầy.
Lớp ba tôi học với cô Yến, cô là chị em bạn dâu với cô Tư, chồng Cô là Thầy Lê Đức Tứ, lúc đó Thầy dạy trường tư thục Nguyễn Du.

Lên lớp nhì, là Cô Quỳnh, sau này thỉnh thoảng tôi gặp lại Cô trong Thành Nội, nhà cô ở đường Nguyễn Thiện Thuật, tôi chào Cô, nhưng cô không còn nhớ tôi.

Năm cuối cùng, Cô Tôn Nữ Hoa Hường, là giáo viên chính của lớp, sau này tôi biết thêm rằng Cô Hường và Cô Quỳnh cũng là hai chị em bạn dâu. Nhưng khoảng giữa năm này, lớp tôi thay cô giáo, là cô Hoàng Vân Nga dạy thay Cô Hoa Hường những tháng cuối cùng.

Có một thời gian, trường phân chia nữ, và nam học riêng, nam học vào buổi sáng, nữ buổi chiều, buổi sáng là tiểu học Lê Lợi và buổi chiều, gọi là Nữ Tiểu học Đồng Khánh.

Lúc chưa chia hai khối nam nữ như thế, cứ mỗi giờ ra chơi, nhóm bạn cùng chơi đuổi bắt, lúc ấy trường chưa quy định mặc đồng phục, nên di học ai mặc chi tùy ý, dì Út may cho tôi áo đầm, áo luôn có dây nơ dài thắt ra sau lưng, một buổi chiều, Đinh Huy, con trai thầy Đinh Quy, rượt đuổi theo tôi, níu dây nơ ấy kéo lại, rứa là đứt toạc sợi dây, Huy hết hồn đứng im thin thít, còn tôi, quá bất ngờ nên bật khóc nức nở.

Cùng lớp tôi lúc này có Hoằng, con trai Thầy Lê Đức Tứ, và Tuấn nữa, là con Thầy Lê Bá Tư. Tôi còn nhớ có Lộc, Lộc là con của cô giáo Nguyễn Sanh Mai.

Về sau, khi trường chia hẳn hai khối, nam, nữ học riêng, lớp chỉ còn các bạn nữ, Có Đặng Kim Quy là lớp trưởng, sau lên đệ nhất cấp, Quy vào học Kiểu Mẫu, và chừ Kim Quy là Bác sĩ, ở Đà nẵng, Trần Quý Định, Nguyễn Thu Trang, Thu Nga, Huỳnh Thu Hà, tôi mất liên lạc hẳn với Thu Hà ngay sau khi ra khỏi trường tiểu học, còn có Thơm, Kim Mai, Hồng Lệ Liên, Bạch Vân ở nhà sách Văn Hóa, Kim Phụng, con gái nhà may Liên trên đường Trần Hưng Đạo, rồi Ngọc Khánh, Phan thị Hoa Đào, Trần Khánh Mỹ, Nguyễn thị Mộng Hoài, Hồng Nhung nhà là tiệm Mỹ hoa, cuối đường Ngả Giữa.

Nguyễn Minh Thanh và Hàng Hoa Anh cũng học cùng khóa với tôi nhưng khác lớp, là lớp B, tôi lớp A
Lớp trên có các chị Kim Anh ở tiệm Thành Tín, Phương Thảo, Lan Hương, Đồng Yến Trang…

Thỉnh thoảng có lúc bất chợt cô giáo nghỉ dạy, lớp được ra về sớm, Thu Trang rủ Thu Hà và tôi qua nhà Trang chơi, nhà Trang trong khu công chức Ngân khố, sát bên Bưu Điện, nên rất gần trường. Không hiểu tại sao cả ba đứa tôi, không chịu đi sang cửa phụ để vào nhà một cách danh chính ngôn thuận mà cứ nhằm vào cửa lớn của Ngân khố, lúc này bảo vệ cơ quan đã đóng cửa, nên ba đứa co người lại, chui qua một vòng tròn sắt trang trí trên cánh cổng ấy, lọt thỏm trọn người vào rất là nhanh, nhanh hơn cả trộm đạo tìm cách vào nhà.

Năm cuối cấp, cô gíáo giao cho Hoa Anh và tôi nhiệm vụ hạ cờ. Gọi là hạ vì các lớp buổi sáng đã thượng cờ vào đầu giờ từng ngày, nên lớp chiều sẽ hạ cờ vào cuối giờ chiều, sau giờ học. Hoa Anh là người thả dây để tôi từ từ níu cờ xuống. Một hôm chẳng hiểu tại sao, các bạn hát bài quốc ca đã đến mấy câu cuối, mà cờ kéo mãi chẳng nhúc nhích, tôi hoảng hốt, ra dấu cho Hoa Anh thả dây nhanh rồi lẹ làng kéo thật mạnh, lá cờ rách toạt làm 2 mảnh, các bạn òa ra cười, cũng là lúc vừa kịp câu chót bài hát hạ cờ kết thúc.

Hôm ấy, cả 2 đứa bị cô giáo la một trận cái tội làm rách cờ, nhưng Bác Cai trường thì bênh vực, bác bảo rằng do cờ treo giữa nắng mưa lâu ngày nên đã mục, rách là đúng thôi. Nhắc đến bác Cai, bỗng xót xa, vì chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi tôi đã ra khỏi trường, một hôm nghe tin Bác và cả gia đình đã không còn nữa vào năm ấy, mái nhà tạm bợ của Bác trong sân trường thì tan tành…

Tôi đi học, lúc đầu được các anh thay phiên đưa đón, về sau trường có xe đưa rước nên ba mạ cho tôi theo xe ấy hàng ngày, cứ buổi trưa xe đón, chiều về trả lại trước nhà. Xe đi theo tuyến đường có nhà ở của các học sinh nên có khi tôi phải chơi ở trường chờ chuyến thứ hai.

Nhà tôi tuy đầu đường Chi lăng, nhưng khi xe chạy từ Trần Hưng Đạo xuống, nếu thả tôi trước thì phải tự băng qua đường, bác Lụt, là tài xế và cũng là chủ xe ấy, ngại nguy hiểm nên cứ chạy thẳng, đưa trả các bạn có nhà phía bên tay phải trước, thuận đường hơn, rồi vòng đi ngược lên sẽ tiếp tục trả các học sinh nhà ở phía đối diện, như thế thì không ai phải tự băng qua đường cả, vì vậy tôi luôn là người đến nhà sau cùng. Và cứ y như mỗi buổi, khi tôi xuống xe, con gái bác, là chị Hai, cũng là người phụ xe, luôn nhìn tôi cười: “ Tội nghiệp, ngày mô cũng phải về sau chót hết”

Đã tròn trịa 50 năm qua tính từ ngày tôi ra khỏi ngôi trường ấy, thế nhưng cứ mãi mãi trong tâm trí, bài học thuộc lòng thuở nào của cấp tiểu học cứ như văng vẳng trong tôi như một điệp khúc, lặp đi lặp lại từng ngày:
“Từ Lâm là một làng nhỏ ở trên đồi, vẻ đặc sắc nhất là rất tĩnh, có con sông con…”

Chẳng ai có đủ tài giỏi để níu đôi chân thoăn thoắt của thời gian, tất cả chỉ còn đọng lại trong kí ức, lúc ẩn lúc hiện, khi nhớ khi quên. Và kỉ niệm nào, thì luôn vẫn có buồn, có vui, dù là kỉ niệm tuổi ấu thơ vẫn không sao tránh khỏi dăm ba mảnh vụn của nỗi buồn găm vào. Ghi lại để nhớ, nhắc lại để cùng các bạn, nếu có bạn nào tình cờ ngang qua đây, thì mình cùng hoài niệm và ôn lại những năm tháng xa xưa ấy.

Tuổi ấu thơ như màu nắng vàng ươm của mùa Thu thơ mộng. Để rồi một ngày, bất chợt nhận ra rằng mùa Thu ấy đã ra đi từ lúc nào, để lại bên đời chỉ là màu sương mờ nhòa, phủ kín dòng sông thơ một thời đầy ăm ấp màu hoa phượng hồng, tươi thắm là thế nhưng ngang qua lắm mùa, bỗng cũng héo úa, buồn tênh.

Thay lời kết…

Nắng vàng đã tắt chân trời.
Mùa thu đủng đỉnh nói lời chia tay.
Đất trời mờ phủ sương bay.
Dòng sông lặng lẽ ngủ say, phượng buồn.”

Lương Thúy Anh
Huế – 11/2017

21 thoughts on “Trường Tiểu Học Lê Lợi, Tuổi Thơ Của Tôi – Lương Thúy Anh

  1. Chị cám ơn Thúy Anh đã viết về ngôi trường này cũng là ngôi trường thơ ấu của chị. Thúy Anh có trí nhớ kinh khủng. Chị chỉ còn nhớ câu nói của bà hiệu trưởng (Bà Mai) nói không muốn đi học thì cho về sau này đi bán bún bò : )

    chị Mai

    1. Toi cung học le loi . Toi nho thay Ton that loi lam hieu trường co co Hoa , co Quỳnh, co Hai, thay Bình… thay bi chon song trong tet Mau than 1968 . Một thời đang nho lúc ve gia moi khi nho đen trường xua Le Loi , Huề.

  2. KH. cung hoc Le-Loi .
    Doc bai viet cua LTA ve ngoi truong tieu hoc cu moi chot nho lai ngoi nha 8 Truong Dinh ma minh da o luc con nho la ba ma da mua lai tu thay Nguyen Sanh Mai.
    Thay co mot nguoi con trai , anh Nguyen Sanh Thanh dang o Munich ma KH. da ghe tham cung 20 nam roi.

  3. Thúy Anh giỏi quá , còn nhớ tất cả tên của các Cô , Thầy thời Tiểu Học của mình.
    Chị cũng học Trường Lê Lợi buổi chiều ( tức là Đồng Khánh Tiểu học ) mà bây chừ không còn nhớ được tên của các Cô Thầy. Chỉ nhớ được Cô Hoa Hường .

    1. Dạ, chị Nguyệt, em chỉ còn nhớ được một số Thầy Cô và bạn cũ. Em cám ơn chị Nguyệt.

  4. con chào Cô, con ở Huế và đang làm trưng bày giới thiệu về các ngôi trường tiêu biểu của Huế, trong đó có trường tiểu học Lê Lợi, con đọc bài viết và biết Cô từng có những năm tháng tiểu học ở đó, nếu được Cô có thể giúp con về đồng phục cho học sinh tiểu học thời đó như thế nào? chương trình học như thế nào?

  5. Ngày cô đi học ở đó, cấp tiểu học chưa có đồng phục như hiện nay đó em, học sinh nam nữ đều mang áo tùy sở thích và nhiều màu sắc. Chương trình học thì cô nhớ cũng nhều môn, có văn, toán, vạn vật, thủ công, nữ công dành cho lớp nữ , lúc này cô nhớ cô giáo dạy thêu các đường đơn giản như thêu thụt lùi, xương cá, dây chuyền, trên các mảnh vải trắng có rút chỉ để lấy đường thẳng.Có giờ chính tả, tập đọc, tập viết, học thuộc lòng các bài văn đơn giản trong sách giáo khoa. Lâu quá rồi nên cô không thể nhớ nhiều hơn nữa, cám ơn em đã đọc bài, thân chúc em sức khỏe, Ánh Hằng.

    1. Dạ, con cám ơn Cô, con đọc có chi tiết là có thời gian lớp học được chia nam nữ học riêng phải không Cô? Con có thấy được cái ảnh thời trước là chụp ảnh nam sinh mặc áo dài , con cứ tưởng là thời Cô quy định đồng phục áo dài.

      1. Thời cô học thì ban đầu là nam nữ học chung, khoảng hai năm sau, khi nớ cô lên lớp 3 thì chia hai, nam học buổi sáng, nữ buổi chiều, và cho đến cuối cấp, các trường tiểu học hồi đó vẫn không mang đồng phục. Áo dài mà em thấy đó có lẻ là hình ảnh xưa hơn nữa, thời mà phái nam mang áo dài không chỉ đi học, mà cả ra đường, đi chơi…Em còn thắc mắc chi cứ hỏi, cô sẽ trả lời trong chừng mực cô biết, hí Ánh Hằng.

  6. Dạ con cám ơn cô, con tìm thấy hình ảnh sách giáo khoa xưa, định hỏi có phải Cô học loại sách đó không, nhưng hình ảnh đưa lên không được.
    Cô hoặc bạn bè của Cô có ai có tấm hình học sinh thời đó ở trường, hay những kỉ vật liên quan đến trường, nếu có cho con xin hình ảnh.Dạ Cô chon hỏi thế hệ của Cô học trước 1975 phải không? Lúc đó là trường cấp 1 và cấp 2 phải không?
    Cô ở Huế thời gian trước Cô có biết trường Nguyễn Tri Phương chỉ là cấp 2 hay cấp 2, 3?
    Con đến trường tiểu học Lê Lợi hiện tại, toàn hình ảnh hiện nay, bên con lại muốn giới thiệu về dòng thời gian trước, vì đây là trường học lịch sử 100 năm, nên con muốn kiếm nội dung ngày trước để khi giới thiệu cho khách tham quan biết, con cám ơn Cô nhiệt tình chia sẽ.

    1. Cô tiếc là không còn một hình ảnh mô hồi đó cả. Cô là thế hệ trước năm 1975, năm 74 cô tốt nghiệp trường Đồng Khánh, cô vào học Lê Lợi năm 1963, lúc đầu trường học có cả nam và nữ thì gọi là Lê Lợi, hai năm sau trường chia ra nam học riêng, nữ học riêng, thì trường dành cho nữ gọi là tiểu học Đồng Khánh, tuy cùng học một trường, nhưng chia ra sáng và chiều, buổi sáng dành cho nam học thì vẫn gọi là trường Lê Lợi, và chỉ có cấp một, mà hồi đó gọi là tiểu học. Trường Nguyễn Tri Phương, ban đầu là cấp hai, một thời gian sau có thêm cấp ba.Hồi đó gọi là đệ nhất cấp ( cấp hai) và đệ nhị cấp (cấp 3)

        1. Dạ, em đang sống ở Huế, em sinh năm 1985
          em Cám ơn Cô đã nhiệt tình trả lời cho em.
          Bên em đi tìm tài liệu cũ mà khó quá, qua trường không thu thập được gì.
          những trả lời của Cô cũng giúp được em nhiều trong việc giới thiệu sau này.
          em cám ơn !!!

  7. Cô cho con hỏi tí nữa. Trong tùy bút của cô Tống Mai : trường tiểu học Lê Lợi, là có bậc mẫu giáo phải không Cô?

  8. Chị Lương Thuý Anh, đọc bài viết của Chị về trường tiểu học Lê Lợi Huế, nên Phương Lan (hè 1967 là học xong lớp ba ) cám ơn Chị viết về trường xưa pl đã học. Trong bài Chị nhắc đến Chị Kim Quy phải là chị Kim Quy ở An Cụu không ạ?

  9. PhươngLan, chị Kim Quy là Đặng Kim Quy, chị không nhớ hồi nớ KQ ở mô, nhưng hiện đang làm bác sĩ, ở Đà Nẵng.Để chị hỏi lại chị Kim Quy.

  10. Phương Lan, chị mới hỏi chị Kim Quy, đúng là hồi trước nhà của Kim Quy ở An Cựu. Thân mến.

Leave a Reply