Oct 9, 2017 (TM)
Chiều ni Huế mưa tầm tả chị ơi, qua mùa rồi còn chi. Huế vào mùa mưa thì cứ mưa liên miên, ra khỏi nhà là ướt mèm. Chị Mai có nhớ hồi còn đi học, mặc áo dài tới lớp thiệt là cực, vì bị ướt hai ống quần nhưng phải ngồi cho tới giờ tan trường.
Em gởi chị con đường nhà của em , em sống ở đó, tuổi thơ cho đến khi lớn lên, vẫn tới lui từng ngày. “Con đường xưa em đi” đó chị.
Em Thúy Anh
Đường Chi Lăng … Về Miền Quá Khứ
Lương Thúy Anh
Về đây hoài niệm tháng năm qua
Căn nhà gỗ ngày xưa góc phố cổ
Bao kỉ niệm ùa về tràn nỗi nhớ
Thước phim mờ nhắc nhở thuở rất xa
Nhìn ngay đổ dốc cầu Gia hội, bên trái, căn nhà màu vôi vàng là nhà tôi đó, nhà gỗ kiểu xưa của người Hoa, mang số 3 đường Chi Lăng, chừ đã xây mới hoàn toàn, nhưng số nhà vẫn giữ như cũ.
Trước năm 1968, một phần nhà của Ba Mạ tôi là tiệm may Như Ý, Dì Út của tôi là chủ tiệm. Tiệm may cũng khá nổi tiếng, bởi hồi đó Huế hãy còn rất ít nhà may. Một phần rất nhỏ của nhà, sát tiệm may của Dì Ut, có Cậu tôi và các bạn của Cậu, mở quán cà phê, đặt tên là Đồ Long Quán, có chị Nga xinh đẹp làm thu ngân, các anh đến uống cà phê gọi đùa chị là Cô Gái Đồ Long.
Đứng từ cầu Gia Hội nhìn xuống, nhà Chú Quan, áp vách bên phải nhà tôi, hồi trước bán đồ đồng dùng trong thờ cúng, chừ nơi đây là tiệm thuốc Tây Chi Lăng 1, của cô giáo Hạnh Phước, Giám học trường Đồng Khánh xưa.
Nhưng đồ đồng thì phải nhắc đến Đồng Quý, đây mới chính là một tiệm đồng có tiếng của Huế. Đó là nhà Chị Duyên, nhưng tôi hay gọi chị Lạc, còn có Cô Trâm, anh Hữu, những anh chị hàng xóm thời thơ ấu mà lâu rồi tôi chưa gặp lại.
Sát vách bên phải nhà của tôi, căn nhà làm hàng mã khá lớn, chừ đã chia làm ba căn, ba chủ, nhưng vẫn làm mặt hàng ấy.
Nhích qua một bước, là một gia đình trong gốc Quãng Nam, chuyên bán thuốc Cẩm Lệ, mỗi lần sang chơi, tiếng máy xắt thuốc cứ chạy xành xạch, mơ hồ như vẫn âm thanh ấy còn đây. Dì Mua, Dì Bảy, Dì Tiếu, Cậu Nhược, họ đã qua đời nhiều năm. Có người bạn ấu thời cùng trang lứa của tôi, là anh Chương, chừ đã đổi chỗ ở.
Chi nhánh Ngân hàng Vietinbank tiếp đó, xưa là nhà của gia đình Hồng Liên, vừa là nhà , vừa là kho gạo của Bà Nội Liên, Bà là chủ một đại bài gạo khá lớn ở Huế. Chị em tôi chơi chung, hay gọi là Muối, nhưng đọc chính xác thì phải là Múi, là phát âm theo tiếng Quãng Đông, Múi có nghĩa là em bé gái. Liên chính là người bạn hay đến trường với chị em tôi trên cùng chiếc xe xích lô, Chú chở xe là người ở xóm này nên cứ về ngang qua chợ Đông Ba thì ghé lại, chạy vô chợ bưng nguyên một rổ thịt heo, bò để chuẩn bị cho vợ của Chú, sáng hôm sau bán bún bò ngay căn nhà kế bên, là bún bò O Đàn.
Quán bún O Đàn, theo tôi đoán chỉ là thuê nhà của gia đình họ Huỳnh. Nhà bây giờ đã xây mới hoàn toàn, không còn dấu vết cũ. Cũng chính căn nhà này hồi xưa là tiệm phở có tên rất dài: La Ích Hiệp Mì Gia.
Tôi có một Bà O họ xa, ở gian nhà gỗ xưa kế cận, Bà đi đâu từ lâu và chẳng hề có tin tức gì. Những Dì Minh, Cậu Tý, Cậu Long, tôi vẫn còn nhớ mãi nét mặt thời thanh xuân của họ.
Bác sĩ Nguyễn Duy Hà có gian nhà làm nơi khám chữa bệnh khá rộng và có chiều sâu. Nhiều người quen gọi là nhà thương Ông Đốc Hà. Tôi nhớ có hai chị Duy Tâm, Duy Lý, con gái của Bác sĩ Nguyễn Duy Chi, là cháu Nội của Bác sĩ Hà.
Khoảng chừng nơi này, hồi nớ có xe phở rất ngon, hay gọi là phở ông Biên, nay còn người con gái của ông đang bán tại một vị trí khác , với tên gọi phở Đông.
Không biết có anh chị mô còn nhớ một người chị rất dễ thương, ở căn nhà kế cạnh, bảng hiệu là Đại Sanh, chị có nét mặt rất hiền và xinh xắn, tiếc rằng chị khiếm thính bẩm sinh nên chỉ ra dấu để chuyện trò, nay chị ở nước ngoài, lập gia đình với một anh cùng khuyết tật như chị.
Rồi đến gia đình Quãng Sanh, Chi Lăng là nơi tập trung khá nhiều những gia đình người Hoa. Quãng Sanh là một gia đình người Hoa, có Bác Choang, chị Muồi…
Vách nhà Quảng sanh là phần sân của rạp xi nê Châu Tinh, của Chú Châu Kìm là nơi người Huế luôn nhớ. Những chiều, tối rạp luôn tấp nập người coi, xe thì gởi ở vườn hoa Chi Lăng, bên phải tính từ cầu Gia hội đổ xuống. Thời gian sau này rạp hóa thành nhà hàng tiệc cưới Gia Hội.
Qua khỏi rạp Châu Tinh, vẫn còn đây nhà may Nam Việt.
Ngày xưa có tiệm hớt tóc của bác Ba Cam, gia đình bác Thiềm Quốc Hùng, có anh Thiềm Quốc An, chị Hoa, chị Nữ, tiệm bán và làm vàng Hoàng Đức.
Xích qua chút xíu, vẫn còn là nhà của anh Hy nhưng đã xây mới, anh là một bác sĩ, sau này anh bỏ Huế đi xa. Và còn có gia đình Bác An Nhơn cũng chặng này.
Nhà máy nước đá Thanh Hương khoảng nơi đây, có một thời gian sau này được trưng dụng làm nơi thêu ren của phường Phú Cát.
Rồi nhà thuốc Tây Thời Đại. Rồi nhà của Xuân Đài, bạn cũ của tôi. Rồi phòng mạchTai Mũi Họng của bác sĩ Bùi Minh Đức, thi thoảng còn có bác sĩ Tôn Thất Hứa đến đây cùng làm việc.
Thêm một gia đình người Hoa là Ích Sanh, và gia đình Chú Quang, làm nghề xay bột. Sát ngay Ích Sanh, có một cái miếu cổ.
Thật khó để nhớ hết những gia đình tiếp nối, riêng căn nhà gỗ rất xưa, nằm tiếp giáp ngay đường Tô Hiến Thành, là đường góc với Chi Lăng, tôi chỉ biết đó là nhà của các Cô Chú cùng họ với Ba tôi.
Qua khỏi Tô Hiến Thành, nhà sách Tuổi Hồng luôn để lại nhiều hình ảnh trong tôi, bởi ở gần lại không phải băng qua đường, nên chị em tôi thường đến đây mua sách vở. Nhích qua một đoạn, tôi nhớ là nhà của Ông Sâm, ông ngoại anh rể tôi, nhà ông thường cho thuê các thứ dùng cho lễ lạt, cưới hỏi, đám tang.
Căn nhà màu trắng gần bên, tôi quen người chị tên Tịnh, nhìn chị hiền và dáng đi nhẹ nhàng như gió thoảng. Về sau, có một thời gian hình như đổi chủ là Bác sĩ quá cố Tôn Thất Cầu.
Tiệm cà phê Phương Lan, cà phê Dạ Thảo, vị trí cũ vẫn không thay đổi.
Cà phê Sương Lan mất dấu hoàn toàn, ngày xưa nhà này không xa lạ với tôi, gần như tôi có mặt nơi đây hàng ngày, bởi cô chủ nhỏ là bạn học, và chúng tôi chơi với nhau từ nhỏ đến chừ, đôi lúc khách đến uống cà phê đông quá, rứa là tôi theo bạn ra sân sau của nhà, cùng rửa li tách.
Băng qua khỏi đường Nguyễn Du, nhà đầu tiên là tiệm thuốc Tây Minh Hương, chị Lâm Kim Cúc là con gái của gía đình này và cũng là chủ tiệm. Sát vách là nhà chị Tố Nga, chị Ái Thu, mấy anh trai là anh Quyền, anh Lợi, anh Đức, anh Nguyên…, tôi nghe Ba Mạ gọi là gia đình Bác Ngô Xuân Lan, kèm một tên gọi phát âm theo tiếng Quãng Đông của người Hoa.
Tôi còn nhớ có một căn nhà cũ kỉ, thấp, chiều chiều có một quán cháo gà, người bán tôi không còn nhớ tên, nhưng Bà có chị con gái, mấy anh tôi hay gọi là “Châu cháo gà”, dường như để phân biệt với một chị Châu nào khác nữa.
Những vị trí tiếp gần nhau như vàng Kim Phụng, nhà của hàng vàng Chú Thẻo, chú đã qua đời và đổi chỗ ở.
Xa hơn một tí xíu thôi, khoảng ngang đối diện gần chợ Cồn, ngày xưa có tiệm sửa xe nổi tiếng của Bác Ba Ngọ.
Xuống khoảng xa hơn nơi này, cách từng khoảng là các ngôi chùa của người Hoa, là chùa Quãng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam.
Xa hơn có chùa Trường Xuân, cho đến cầu Chợ Dinh, cầu xây ngang gần vị trí Chợ Dinh “ bán áo con trai…”
Có những con đường cắt ngang Chi Lăng về phía bên trái này là Tô Hiến Thành, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Xuân Hương, Cao Bá quát. Một số Phủ đệ của các Hoàng thân cũng nằm trên đường Chi Lăng này, như Phủ Thọ Xuân, Thoại Thái, Hòa Thạnh Vương, Quãng Biên Quận Công.
Ngang đây, tôi xin đi ngược lên cầu Gia Hội lại, để từ đây, điểm những vị trí bên phải tính từ cầu.
Ngay bên dốc cầu, ngày trước có khuôn viên khá rộng, gọi là vườn hoa Gia Hội, ngay trong đất có một trạm xá, và sát bờ sông, hồi trước là trụ sở Khu phố Phú cát.
Nhà đầu đường là cây xăng của Ông Ba Chỉnh, Ông người ở Hội An ra Huế lập nghiệp, có bà con bên Ngoại của tôi.
Căn nhà gỗ nối tiếp của một gia đình sống rất lặng lẽ, tôi chỉ nghe người nhà gọi tên chị Cư, chị Di, chứ rất ít khi tiếp xúc.
Ngôi nhà khá lớn bên cạnh là đại bài gạo của Bác Tỵ, nhà rất rộng và kéo dài tận bến sông, mấy chị em tôi chơi nơi đây cùng những người bạn tuổi thơ , có Chị Mai, chị Cẩm, Thành, Hiền, Thảo…
Vợ chồng Dì Bút ở liền bên cạnh, tuy là trước mặt nhà , nhưng tôi không tiếp xúc mấy, rồi lớn lên đi lấy chồng, tôi càng ít gặp họ.
Căn nhà của gia đình Vinh Hưng, chủ nhà bỏ phế từ lâu, chừ là một khoảng đất trống, một số người buôn bán lẻ đến đây giăng dây căng chòi chia nhau từng vạt.
Tôi thường gọi ông bà cạnh đó là hai Bác thuốc dán, vì ngày xưa ông có làm và bán một thứ thuốc dán cổ truyền, có màu nâu đen như cánh con gián, dùng dán lên người chống các bệnh ghẻ ngứa, phong gió.
Đến ngang đây, ngày xưa là của Bà Tường Hòa, là bà Nội của Hồng Liên, bạn tôi, Bà là chủ một đại bài gạo lớn, nhưng kho gạo là ở gian nhà đối diện. Nơi đây có chị Hồng Loan, chị Kim Hảo, Kim Hoa. Người cháu trai đích tôn của Bà là Huỳnh Phú, sau nhiều năm không gặp, rồi nghe tin anh đã mất ở Sài Gòn.
Cận kề quanh đây, nhà chú Lâm Trung, nhà Văn An Thái.
Gia đình Chú Lâm Trung qua Mỹ đã lâu lắm rồi.
Gia đình Văn An Thái ngày xưa chuyên bán trà ngon, có một tên trà tôi nhớ mãi, là trà Tàu Buồm, và một tên rất lạ nữa là trà Cái Hoa Hồng Kỳ Chưởng. Và hai chị con gái, chị Văn Ái Dung, Văn Ái Nghi, hai chị hay chở nhau trên chiếc Mini Lambretta màu trắng. Có lẽ nơi đây, chừ là cơ sở mới của mè xửng Thiên Hương.
Xuống chút nữa thôi, là tiệm Phúc Tân của Chú tôi, buôn bán từ xưa đến nay rất ít thay đổi, các mặt hàng bánh kẹo, sơn, thép, điện…Chú đã qua đời ba năm rồi.
Xa hơn một chút xíu, là bánh kẹo Hồng Lợi, có các anh Châu, anh Đức, tôi quen gọi anh Đức là anh Tắc, anh là chồng người chị em dì ruột của tôi.
Đông An và Hồng lợi gần nhau vì đây là hai anh em ruột. Có một căn nhà , tôi không thể nhớ chính xác vị trí, là tiệm vàng Vĩnh Thịnh, nhà của chủ nhân thì ở ngay bên phải của con hẻm cạnh đó, con hẻm nhỏ xíu trước mặt rạp Châu Tinh.
Bỏ con hẻm ấy là nhà của một gia đình người Hoa, anh Trần Triều Tâm, chị Trần Tiên, Trần Sen.
Nhà sách Văn Hóa, nay vẫn giữ nguyên vị trí và tên gọi. Lâu lắm rồi tôi không gặp lại Bạch Vân, con gái của nhà sách này, là bạn học của tôi ở cấp tiểu học.
Ở Huế, lò bánh mì khá nhiều, nhưng thuở trước, nổi tiếng trên con đường này là lò bánh mì của Bác Lê, về sau nghỉ bán, người con gái của Bác là Lệ Dung, mở nơi này một nhà may , gọi là nhà may Kiểu.
Có một tiệm thuốc bắc, tôi không nhớ tên, chỉ nhớ nơi đây có chị Hảo, và Thu, khoảng chừng trang lứa tôi.
Đường Chi Lăng đúng là nơi có người Hoa sinh sống và buôn bán đông đúc nhất. Có một căn nhà của gia đình Bà Ngọc Hưng rất nổi tiếng, một thòi gian tôi thấy một phần của nhà là Ngân hàng Nam Đô thời trước, tôi không rõ là của chính bà, hay là ngân hàng thuê mặt bằng.
Và trường tư thục Mai khôi nữa này, trường ngày xưa còn là cư xá dành cho nữ sinh các nơi về trọ học, là một dòng tu nữ nên chỉ nhận nữ đến trọ. Bây giờ khuôn viên nhà Ngọc Hưng và trường đã thành trường Chi lăng.
Có một dãy nhà khá rộng bề ngang, gọi là nhà Hộ sinh Cô Châu, cô ở nơi này cùng người con gái nuôi, tên Huế, không biết chừ Huế ở đâu, riêng Cô thì có lẽ đã qua đời. Gần nhà hộ sinh có một căn nhà cũ, một thời gian dùng làm hợp tác xã mua bán, rồi là Ủy ban Phường Phú Cát.
Đi thêm một đoạn, tiệm bánh Phước Nguyên, ngày xưa bán đủ thứ bánh kẹo, nhưng ngon nhất vẫn là bánh Patés Chaud, bánh không bắt hình quai vạt mà là hình tròn, nóng hổi, dòn tan và thấm gia vị của nhân bánh. Bánh mua xong, chưa về đến nhà đã hao mất 1, 2 cái rồi…Dường như cận kề nơi này còn có một nhà sách rất xưa, là nhà sách Liên Hoa.
Đoạn này có một nhà may, tôi không còn nhớ tên tiệm may ấy, chỉ nhớ trong nhà có hai người bạn nhỏ, là Tâm Phúc và Hiền, cùng học với tôi ở tiểu học Lê Lợi, về chung đường.
Đi dần xuống một đoạn nữa, là nhà may Nam Phát này, nhà thờ của Gia đình Bác La Cảnh Lưu, gọi là La Quãng Thái, hay là Từ Đường họ La, rồi gia đình tiệm Tài Ký, La Thiên Thái.
Rạp chiếu Phim Lido cạnh sát bên nhà La Quãng Thái, có thời gian gọi là Hoàn Mỹ, chừ thỉnh thoảng ngang qua, tôi chỉ thấy bỏ trống, đôi khi có khá nhiều xe tập trung rác đậu tiếp nối!
Rồi nhà Chị Xuân Lan, vợ Bác sĩ Đinh văn Tâm, sát bên cạnh là nhà Cô giáo cũ của tôi, Cô Tôn Nữ Tuyết Mai, giáo sư trường Đồng Khánh.
Rất mơ hồ, tôi nhớ mang máng có một đồn cảnh sát của chế độ cũ, quanh quẩn gần đây thôi.
Bún Bà Rớt, gần như tất cả người Huế đều biết, và không quên, bởi vì bún nơi đây là ngon nhất, rất nổi tiếng . Người Huế thường mời khách phương xa về chơi ăn sáng nơi quán bún này.
Ngay kế cận nơi này, ngày xưa Ba Mạ tôi kể rằng, người Huế gọi là Chợ Dinh Ông.
Bỏ một con hẻm ngắn thông ra bờ sông, là hội trường Quang Hoa của người Hoa, là nơi sinh hoạt của người Hoa ở Huế, nơi đây có cả dạy tiếng Quan Thoại , tiếng Quảng Đông do một số người Hoa đảm trách, bây giờ là trường Mầm non Phú cát. Sát cạnh đây, có một gia đình người Ấn, họ ở đây nhưng lên mở hàng buôn bán trên đường Ngã Giữa.
Trước khi đến chợ Cồn, có một tiệm bán bánh khoái rất ngon, lúc đầu chỉ là một gian nhà nhỏ, sau khi con đường Trịnh Công Sơn ven bờ sông hình thành thì tiệm bánh này khang trang hơn rất nhiều.
Đoạn này còn có gia đình Chú Hồ Tăng Điền chạy xe đường dài. Và nhà của một bác sĩ, nhưng tôi không nhớ được tên.
Ngang nhà mang số 144 hồi trước, là nhà của Thầy Cô Diệm, Thầy làm ở Đại học Sư Phạm, sau này nhà bán, Thầy Cô vô Nam với các con.
Nhà Nội tôi mang số 146, sau nhiều năm đổi lại là 192. Căn nhà cổ có miếng vườn chạy dài ra đến bờ sông. Có cây ổi sẻ, trái nhỏ xanh mướt, cắn vào mềm mụp và ngọt lịm. Có cây hạnh đào từng chùm quả xanh đỏ đẹp mắt. Có cây vú sữa già lão nhưng vẫn còn cho trái. Khi nắng xuyên qua kẽ lá, tôi nhìn rõ từng trái vú sữa màu tim tím, tròn trịa, nhưng cây thì cao quá, tôi thì lùn, nên không với tới hái được, và mãi mãi không hái được vì nhà Nội sau đó đã đổi chủ, đó là nhà hàng tiệc cưới Bách hỉ. Chừ mỗi lần ngang qua đây, một thoáng nào đó, bỗng chạnh lòng…
Nhà của Bác Sĩ Lê văn Bàng xuống thêm một đoạn, rồi nhà của gia đình một người thân bên ngoại của tôi, chuyên bán dầu tràm trên chợ Đông ba.
Không thể quên bánh bèo, nậm, lọc của quán Tranh, quán chừ vẫn còn hoạt động nhưng có vẻ như không còn thu hút khách như trước.
Xa hơn, gần đoạn chợ Dinh, hội quán Thiên Tiên Thánh Giáo nay vẫn còn đó những mùa rước lễ rộn ràng, nhộn nhịp.
Trên chuyến xe về miền quá khứ, hôm nay tôi trở về thăm đường cũ, con đường có nhà tôi, nơi tôi sinh ra rồi lớn lên, cùng những tháng năm chồng chất. Tuổi đời càng cao, thì trí nhớ càng thấp .
Cho nên, chắc chắn tôi đã có rất nhiều thiếu sót cũng như nhầm lẫn tên nhà hay là vị trí .
Dù ít dù nhiều, hi vọng vẫn có thể giúp các Cô, Chú, bác, các anh chị và các bạn… nơi phương xa, rất xa Huế, vẫn phần nào hình dung, vọng nhớ, tìm lại bao kỉ niệm đường xưa chốn cũ, dẫu rằng chỉ là đêm đêm …
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”
Dạ, và chỉ ngang ni thôi, cũng đã lắm …nghẹn ngào!
Lương Thúy Anh
Huế – Ngày 8 tháng 9, 2017
Nhớ về kỷ niệm thật bồi hồi phải không Thúy Anh ? Nhất là nhớ về những gì dễ thương của thời thơ ấu và thời mới lớn lúc mà Huế mình còn êm ả hiền hòa và có nhiều điều rất quý…
Thúy Anh thật giỏi , đã nhớ đến mọi nhà và mọi người của đường Chi Lăng năm xưa , chắc là Thúy Anh cũng phải đi lại nhiều lần trên con đường này để nhớ lại tất cả và những hình ảnh là hình của bây giờ phải không.
Cám ơn Thúy Anh đã viết về những con đường xưa của Huế.
Chị MN.
Dạ, chị Nguyệt ơi, đường ni em đi từ thuở còn thơ cho đến chừ vẫn còn qua lại mãi, nhà Nội em hồi trước cũng ở đây. Em cám ơn chị Nguyệt.
Lương Thúy Anh có bà con chi với Lương Thúy Phượng ?
dạ, là em gái của chị Phượng thưa chị Tu ha